Năm Mão nói chuyện vui về mèo
Tranh minh họa. Nguồn: internet
Trong 12 con giáp, mèo đứng ở vị trí thứ 4. Chả hiểu vì sao lại xếp như vậy trong khi truyện ngụ ngôn Việt Nam lại xếp mèo là thầy dạy của hổ. Trong truyền thống của người Việt “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), vậy thì mèo đáng ra phải xếp trên hổ chứ không phải hàng dưới.
Trong 12 con giáp, mỗi con mang đặc trưng riêng mà chỉ cần gọi tên đã hình dung ra tính cách, thế nhưng mèo thì lại khác. Họ hàng nhà mèo “đông như quân Nguyên”, nào là mèo mun, mèo mướp, mèo tam thể… Vì đông đúc như vậy nên có mèo tốt ắt phải có mèo xấu, vì vậy nếu có nghe thấy con mèo nào làm xấu mặt cộng đồng bị thiên hạ chửi thì thôi cứ tự nhủ như cư dân làng Vũ Đại của Chí Phèo “chắc nó chừa mình ra” cho nó lành.
Tốt thì nào là “con mèo nhỏ của anh”, nào là “ăn nhỏ nhẻ như mèo” (chỉ người phụ nữ kín đáo, đoan trang), hiền như mèo, ngoan như mèo, dễ thương như mèo v.v., thích nhé! Thế nhưng khi nói đến cái xấu của mèo thì cũng vô thiên lủng: nào là “mèo mả gà đồng”, “Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”, “mèo già hóa cáo”; “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”; “Im ỉm như mèo ăn vụng” v.v..
Theo truyện dân gian Việt Nam thì trước đây chỉ mỗi mình mèo là biết vồ mồi, còn hổ khi ấy chắc “hiền” như… mèo vậy. Sau này, nghĩ tình “cô cháu”, mèo mới dạy hổ cách bắt mồi. Tuy nhiên, vốn cảnh giác với họ hàng là đứa cháu “ba trợn” nên trong khi dạy các miếng võ, mèo không dạy hổ trèo cây. Khi nghe mèo nói đã truyền dạy tất cả thì “thằng cháu mất dạy” bỗng muốn xơi tái - ăn thịt “bà cô” của mình. May cho mèo, vì còn giữ lại món trèo cây nên vội vàng nhảy tót lên cao làm đứa cháu chết trân dưới đất. Thì ra xưa nay vẫn vậy, những kẻ lừa thầy phản bạn có phải hiếm đâu. Hú vía!
Có lẽ sau đợt suýt chết ấy, mèo ăn uống không được hay sao mà “thiên hạ” cứ đồn rằng “ăn ít như mèo”. Mà đã ăn ít thì công việc làm chắc gì đã khỏe cho nên mới có câu “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa” để ví những kẻ chỉ “ba hoa phét lác” chứ làm thì… như “mèo mửa” vậy! Thế nhưng các cụ nói không có sai: “Miệng ăn núi lở”, “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Nhưng, “Nam thực như hổ một rổ hãy còn, nữ thực như miêu bao nhiêu cũng hết”. Rõ ràng nhé!
Có lẽ biết người đời hay nói xấu mình nên mèo cũng phải tự “nâng” mình cho thiên hạ lác mắt. Thế nên “mèo khen mèo dài đuôi” thì cũng đừng cho đó là chuyện lạ. Kể cũng tội cho mèo, dù có ăn vụng, ăn của đút - như “lão” mèo trong “Đám cưới chuột” thì cũng đến vài con chuột hay con cá chép như trong bức tranh ấy là cùng, mà cùng lắm là vài lạng mỡ thôi, chứ “ăn ít như mèo” thì có đáng bao nhiêu.
Ấy vậy mà không may phải ăn vụng thì đúng là tiếng để đời: “Kễnh tha con lợn không sao, mèo tha miếng thịt xôn xao cả làng”. Rõ thật tội! Cho nên đã yếu thế thì nên biết thân, biết phận cho thiên hạ nhờ.
Mèo là loại động vật ăn thịt, món khoái khẩu là thịt chuột - tất nhiên không phải chuột xào lăn hay nướng sả ớt mà là ăn sống. Cũng lạ, không hiểu sao họ hàng nhà mèo lại cứ thèm xơi chuột. Mà kể cũng tội nghiệp cho các chú chuột, nhất là các chú chuột bạch trong phòng thí nghiệm, nhìn thấy chúng là họ hàng nhà mèo không để yên. Có lẽ cũng biết thân biết phận mình nên hễ nghe tiếng mèo kêu là chuột ta khiếp vía ngã lăn quay.
Chả thế mà ông La Fontaine đã kể rằng tộc trưởng nhà chuột đã từng tổ chức “hội nghị” để bàn biện pháp đối phó với mèo khi mà họ hàng nhà chuột cứ mỗi ngày hao mòn dần cho dù “đẻ như chuột”, vì bị mèo ăn thịt. Tại “hội nghị” này, chú chuột nhắt - nổi tiếng tinh ranh - đã hiến kế đeo chuông vào cổ mèo để mèo đi đến đâu chuông sẽ rung lên giúp họ hàng nhà chuột biết mà trốn, khỏi bị mèo “rang me”. Tìm ra giải pháp, họ hàng nhà chuột những tưởng từ nay thoát cảnh bị mèo ăn thịt. Tuy vậy, vấn đề nan giải đặt ra ai sẽ là người làm nhiệm vụ đeo chuông vào cổ mèo. Vốn dĩ xưa nay, mới nhìn thấy mèo chuột đã lăn quay thì làm sao đeo nổi chuông vào cổ mèo? Vì vậy mà họ hàng nhà chuột vẫn bị mèo ăn thịt. Có lẽ biết thân phận mình nên chuột phải cung kính với mèo, phải giỗ cả “ông tổ” nhà mèo:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Và, mỗi lần có lễ lạt vẫn không quên dâng lễ vật cho mèo. Hãy nhìn bức tranh “Đám cưới chuột” của dòng tranh dân gian làng Hồ. Một ông mèo to lớn đang ngồi đón đường đám cưới chuột. Họ hàng nhà chuột mặc dù “bận túi bụi” song vẫn không quên cử vị “trưởng lão”- cứ nhìn thì biết vì “cụ chuột” “nam chinh, bắc chiến” tới mức cụt cả đuôi - đang dâng lễ vật là một con cá chép cho mèo. Con mèo này có lẽ là một trong những đại diện tiêu biểu của họ hàng nhà mèo về “tham quan ô lại”. Có lẽ bởi muốn chống bất công, cường quyền và bạo ngược này nên ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam ở Cồn Phụng thuộc tỉnh Bến Tre thuở nào đã thử nghiệm nuôi mèo và chuột chung với nhau trong một lồng và mèo không ăn thịt chuột để chứng minh rằng mèo và chuột có thể sống cùng nhau thì không có lý do gì con người không thể hòa đồng sống vui vẻ cùng nhau.
Nhiếp ảnh gia, nhà báo nổi tiếng Wilbur E. Garrett của tạp chí National Geographic, người có mặt ở Nam Việt Nam trước năm 1975 đã viết: “Năm ấy, khi biết tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là McNamara đến Sài Gòn, ông "Đạo Dừa" cùng hai đệ tử xách hai chiếc lồng, một chiếc có một con mèo và một chiếc có một con chuột, đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn xin gặp McNamara” để đề xuất giải pháp hòa bình… Nhằm chứng minh cụ thể, ông "Đạo Dừa" bắt con chuột cho vào lồng mèo. Xem chừng như gặp lại "người quen", con mèo chẳng những không ăn thịt con chuột mà còn tỏ vẻ thân thiện.
Ngoài món chuột ra thì mèo ưa mỡ. Bởi vậy mà dân gian bảo “mắt sáng như mèo thấy mỡ” là để nói về việc những kẻ khi thấy quyền lợi, chức tước, gái đẹp thì sáng mắt ra. Khi đói mèo thường ăn vụng. Cho nên thời bao cấp, khó khăn cả năm mới được vài lạng mỡ, quên treo bị mèo ta “xơi tái”, làm cho cậu chủ nhỏ bị đánh “tét đít”. Vậy nên các cụ mới luôn dặn dò “chó treo, mèo đậy”.
Có một điều rất lạ, mặc dù sống với nhau khá lâu, có lẽ phải từ ngày xưa thật là xưa, vậy mà mèo và chó vẫn luôn xung khắc. “Như chó với mèo” là câu cửa miệng để chỉ những người gần nhau mà không hòa thuận. Vậy nên khi có ai cãi nhau người ta thường bảo “cãi nhau như chó với mèo”. Có lẽ biết chúng chẳng hợp nhau mà dù có hợp rồi cũng có ngày cãi nhau tiếp nên nhà bác học Newton đã khoét 2 cái lỗ cho chó và mèo chui ra chui vào làm bạn với ông khi ông làm việc. Ông bảo lỗ nhỏ để cho mèo, lỗ lớn để cho chó vì hai con to nhỏ khác nhau nên không thể chui một lỗ được. Chắc tại ông mải nghiên cứu định luật vạn vật hấp dẫn nên không biết rằng nếu con chó đã chui được thì làm sao con mèo lại không chui được? Đúng là bác học!
Rõ ràng là mèo phải đáng yêu lắm người ta mới nuôi chứ, đến ông Newton còn nuôi mèo làm bạn kia mà, rồi ông Trạng Quỳnh ở xứ ta nhé. Chả là Trạng Quỳnh thấy nhà vua yêu chiều con mèo quá nên mới bắt trộm về nuôi và tập cho ăn cơm rau nên sau này khi phát hiện ra hai bên tranh cãi ai cũng nhận là mèo của mình. Trạng đã bảo nhà vua, mèo của vua thì ăn của ngon vật lạ, mèo của thần chỉ ăn cơm rau, bây giờ cứ đem hai đĩa cơm ra, nếu mèo ăn đĩa thịt thì là mèo của bệ hạ còn ăn đĩa rau là mèo của thần. Quả nhiên khi thả ra, mèo ta sợ bị đòn như mọi lần nên vội chạy đến đĩa rau và Trạng Quỳnh thản nhiên ung dung ôm mèo về nhà làm cho nhà vua tiếc ngẩn tiếc ngơ. Quả tình nhà vua sống lâu trong cung cấm nên không hiểu chuyện đời thường mà thôi. Chứ nếu có thả mèo của vua ra chắc gì nó đã không chạy ngay đến đĩa cơm rau mà ăn vì thường ngày nó ăn thịt cá mãi nên chán chứ có gì đâu. Đảm bảo bây giờ mà thử lại với lý luận này thì Trạng Quỳnh chỉ có nước “chào thua”.
Mèo dễ thương như vậy nên không chỉ ông Trạng Quỳnh xứ ta, ông Newton mãi tận bên trời Tây mà nhiều người cũng nuôi mèo lắm, nhất là các ông giám đốc mà rút được tiền của dân của nước chẳng hạn, ông nào cũng phải có một vài “mèo” để lập phòng nhì, phòng ba vì chê bà vợ già khó tính. Cho nên mỗi khi gọi bồ nhí, các ông luôn âu yếm “con mèo nhỏ dễ thương của anh”. Chẳng biết dễ thương đến cỡ nào mà lắm ông vào tù ra tội, thân bại danh liệt vì mấy con mèo này. Và những lúc ấy thì chả thấy con mèo nào vì đã cao chạy xa bay hết cả rồi. Khi ấy chỉ còn bà vợ già dễ ghét ở lại cơm bưng nước rót hầu hạ quý ông để mau mau khỏi để còn đi “nựng mèo”. Đây là mới chỉ nói tới mèo nhỏ thôi, chứ mà gặp loại “mèo già hóa cáo” thì rồi các vị chỉ có nước tù mọt gông chứ chả chơi.
Như đã nói ở trên, nhà mèo có nhiều loại, chuyện về mèo cũng lẫn lộn hay dở, thôi thì cái nào của mèo hay ta làm theo, cái gì của mèo dở ta bỏ đi. Nhưng hay nhất là mỗi người hãy tùy sức của mình, cho dù là “mèo nhỏ bắt chuột con”, bằng công sức và tài trí của mình gây dựng cuộc sống và sự nghiệp để không bị thiên hạ dè bỉu là “mèo mù vớ cá rán” hay dị nghị “chó treo, mèo đậy”. Một mùa xuân mới lại về, kính chúc quý độc giả Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên một năm mới an khang thịnh vượng và thu được nhiều thắng lợi!.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...