Năm học mới lại “nóng” chuyện thiếu giáo viên
Giáo viên đóng vai trò then chốt trong đảm bảo chất lượng dạy và học (Ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Tân Hòa, Phú Bình)
Năm học mới bắt đầu cũng là thời điểm câu chuyện về tình trạng thiếu giáo viên được quan tâm hơn lúc nào hết, dù đây không còn là chuyện mới. Còn nhớ, thiếu giáo viên từng là vấn đề “nóng” trên diễn đàn Quốc hội từ những năm 2016 và kéo dài những năm sau đó. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn đang phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Thái Nguyên.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới (ngày 12/8), tổ chức tại Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, tình trạng này vẫn được đánh giá là một trong những khó khăn của ngành Giáo dục và chắc chắn không thể có lời giải trong “một sớm một chiều”. Bài toán làm sao để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trở nên nan giải. Điều này đồng nghĩa với việc, những lo lắng về chất lượng giáo dục lại dấy lên trước thềm năm học mới.
Gần 9.000, gần 8.000, khoảng 3.000, hơn 5.200… lần lượt là số lượng giáo viên còn thiếu của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh trong năm học 2022 – 2023. Và, còn rất nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang lâm vào tình cảnh này.
Vừa qua, Bộ Chính trị quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học tới. Song, trên thực tế cho dù được bổ sung số lượng trên thì tình trạng thiếu giáo viên trong năm học này vẫn còn trầm trọng.
Còn ở tỉnh ta, kết thúc năm học, toàn tỉnh có 697 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm, với tổng số 341.157 học sinh. Năm học 2021 - 2022, toàn ngành có 18.217 biên chế. So với định mức theo quy định là 22.693 biên chế. Như vậy, tỉnh nhà hiện đang thiếu tới 4.476 biên chế.
Thiếu giáo viên, trong khi số liệu thống kê của ngành Giáo dục cho thấy, những năm gần đây, số lượng học sinh từ bậc học mầm non đến phổ thông đều tăng nhanh, tương ứng với số lớp phải tăng lên.
Năm học 2002 - 2023, Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế giáo viên. Nhưng đồng thời cũng phải thực hiện việc giảm tối thiểu 2,5% biên chế mỗi năm như các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Trên cơ sở số biên chế được giao thêm, các địa phương đều nhanh chóng phải tổ chức tuyển dụng giáo viên. Hầu hết các tỉnh, thành đều tuyển dụng theo hướng ưu tiên tuyển giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng, liệu sự vội vã ấy có đảm bảo được chất lượng giáo viên trước những đòi hỏi mới về giáo dục hay không. Vì, chắc chắn để làm quen, nắm bắt được chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới thì không chỉ cần thời gian để tham gia các lớp tập huấn mà còn cần thời gian để tự nghiền ngẫm, thẩm thấu tài liệu, giáo trình, trong khi đó năm học mới đã bắt đầu.
Ở tỉnh ta, bên cạnh việc tiếp tục tuyển dụng giáo viên theo định mức được phân bổ, ngành Giáo dục cũng đang phải thực hiện các giải pháp khác như tiếp tục sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, điểm trường, số học sinh trên lớp tối đa theo quy định của cấp học để có thể phần nào giảm số lớp, giảm số giáo viên. Các phương án điều động, biệt phái, sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh... cũng đã được tính đến.
Một trong những giải pháp và các địa phương, trong đó có Thái Nguyên đều phải thực hiện như những giải pháp tình thế khác đó là thuê, khoán giáo viên. Thế nhưng tình trạng “thuê thầy, khoán việc” ở nhiều nơi trong những năm học trước cũng đã bộc lộ không ít bất cập. Mức khoán ở nhiều nơi không đáp ứng được mức thu nhập tối thiểu cho giáo viên cũng như những quyền lợi chính đáng mà thầy cô lẽ ra được nhận. Điều đó khiến giáo viên không yên tâm công tác, thiếu nhiệt huyết khi lên lớp làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Làm sao để khắc phục tình trạng này vẫn là một lời giải còn để ngỏ.
Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài từ năm học này sang năm học khác, trong khi đó, học sinh cả nước vừa phải trải qua gần 2 năm học với nhiều điều “bất thường” khi chỉ có thể học online, không thể đến trường vì dịch bệnh. Thêm vào đó, đây cũng là giai đoạn triển khai và áp dụng sách giáo khoa mới trong trường học. Bằng đó lý do, đủ khiến dư luận lo lắng về chất lượng giáo dục trong nhà trường trong năm học mới. Nhiều dấu hỏi cũng được đặt ra đối với mục tiêu “đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục” mà chúng ta mong muốn thực hiện.
Nhưng điều mà có lẽ khiến nhiều người băn khoăn, thậm chí khó hiểu hơn cả là trải qua chừng ấy năm với sự chuẩn bị rầm rộ để thay sách giáo khoa mới theo một lộ trình đã được tính toán trước, thì việc đưa sách vào giảng dạy vẫn chỉ như một mảnh ghép rời rạc trong công cuộc đổi mới và nâng cao chất giáo dục và đào tạo. Nói như vậy là bởi, khi có môn học mới, nội dung sách giảng dạy và học tập mới trong khi giáo viên đứng lớp thiếu hoặc có nhưng không đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì chắc chắn không thể phát huy hiệu quả được việc đổi mới như mục tiêu đã đặt ra.
Cần phải khẳng định rằng, giáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy cần xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo về chất lượng nhằm nâng cao năng lực giảng dạy đáp ứng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...