Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
08:42 (GMT +7)

Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở

VNTN- Tôi đã có phúc được sinh sống ở đất Thái Nguyên gần 40 năm nay. Và tôi chưa hề thấy một cơn bão, trận lụt nào to cả. Gia đình tôi sống ấm no hạnh phúc. Tôi đã trở thành người Thái Nguyên. Thái Nguyên, nơi “đất lành chim đậu”, là quê hương thứ hai của tôi.

Cảng Đa Phúc – Sông Công. Bên trái là địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bên phải là xã Thuận Thành, TX. Phổ Yên. Ảnh: Thế Hà.

Tôi may mắn được trò chuyện với cụ Lương Xuân Đào, người làng Kim Tỉnh xã Trung Thành thị xã Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Biết tôi đang muốn tìm hiểu về người và đất Thái Nguyên nên cụ sẵn lòng chia sẻ. Cụ bảo:

- Tôi năm nay đã 96 tuổi, sinh ra và lớn lên ở đất Phổ Yên, nên tôi tường tận về Thái Nguyên lắm! Khi tôi lớn lên đã được nghe bố tôi nói câu “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở”. Nay tôi vẫn thấy người dân Thái Nguyên lâu ngày về quê thăm nhau thường trò chuyện, ôn cổ tri tân cũng hay nói đến câu nói này như là một niềm tự hào về quê hương của mình. Đúng! Thái Nguyên “Thiên thời địa lợi nhân hòa” là rất đúng với thực tế nơi đây.

Thái Nguyên nơi bán sơn địa nửa đồi, hợp với thổ nhưỡng của cây chè xanh và chè móc câu Tân Cương đã nổi tiếng, cả nước biết đến. Một nửa là những cánh đồng lúa rộng lớn ở khắp nơi trong tỉnh, có nước tưới tiêu từ hồ Núi Cốc dẫn về nên rất dễ làm ăn. Bão chẳng mấy khi đến nơi, nếu có bão cũng chỉ qua loa không đến nỗi “chết cò” như nhiều nơi khác! Thái Nguyên được mưa thuận gió hòa nên mưa không to lắm, không có lụt đến mức tràn đê vỡ đập như ở miền Trung đâu. Còn rét ở Thái Nguyên như là trời chiều vậy, rét cũng vừa đủ cho người dân khoác lên người một tấm áo ấm cho biết mùa đông thôi. Nắng nóng thì ở Thái Nguyên cũng dễ chịu...

Tôi còn nhớ ngày Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên (1/1/1964), Người đã dặn dò mong muốn Thái Nguyên sẽ giàu đẹp lên, thì nay Thái Nguyên đã khác xưa nhiều lắm rồi! Chẳng nói đâu xa, ngay như đất Phổ Yên quê tôi đang nỗ lực để trở thành thành phố vào năm 2023 thì mới biết sự đổi thay và giàu mạnh nhanh đến nhường nào.

Còn nói về người Thái Nguyên thì người dân tốt lắm! Tôi nói để chú biết, khoảng từ năm 1942 đến 1945, thực hiện chỉ thị của chính quyền cách mạng, tiêu thổ để kháng chiến, người dân Phổ Yên đã phá đi những ngôi đình, ngôi chùa có từ xa xưa nhằm không cho giặc Pháp chiếm đóng. Phá đi kể cũng tiếc lắm nhưng vì cách mạng mà người dân đã phải hy sinh.

Cụ Đào cầm cuốn lịch vạn niên trong tay, không hiểu sao mắt cụ lại rấn rấn nước mắt như đã có gì làm cụ xúc động. Một lúc sau cụ bảo:

- Nhân chú về chơi nhắc đến ngày xưa nên tôi lại nhớ đến chuyện buồn năm 45! Những năm ấy do chế độ thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân ta rất tàn nhẫn nên đã gây ra nạn đói năm 1945 khủng khiếp lắm. Đã có biết bao nhiêu là người dân bị chết đói. Dọc con đường quốc lộ số 3 này, hằng đêm có những đoàn người họ gồng gánh đi ngược lên mạn Đại Từ, Phú Lương… để sinh sống, đông lắm chú ạ! Ở làng Kim Tỉnh chúng tôi cũng đã có người đi ngang qua đây không may bị chết đói đấy.

Tôi còn nhớ, hôm 23 tháng chạp năm 1945, mới sáng ra có ông Tái người làng Cẩm Trà đi lên nhà ông Thểu để đi tảo mộ. Ông Tái nói với ông Thểu giọng hoảng hốt: - Ông Thểu ạ, lúc nãy đi ngang Chùa Kim Tỉnh tôi nghe có tiếng trẻ con khóc oe óe, tôi dừng lại nhìn quanh nhưng không thấy ở đâu, ông là người trông nom chùa ông xuống dưới chùa xem sao. Thế rồi ông Thểu đi như chạy xuống chùa, thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc, ông ấy vào trong chùa để tìm thì thấy một người đàn bà đã chết nằm sõng soài dưới chân tường, lại có một thằng bé đang bò lổm ngổm trên bụng mẹ nó lục lọi như đang tìm vú. Ông ấy vội bế thằng bé chạy về nhà bà Độ. Ông Thểu vừa thở vừa nói với các cụ đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa nấu rượu tết:

- Các cụ ơi, nghe ông Tái nói, tôi xuống chùa. Quả vậy, người đàn bà đã chết, còn thằng bé tôi bế nó về đây.

Bà Độ vội lấy quần áo quấn ủ ấm cho thằng bé, cụ khác thì vội nấu cháo cho nó ăn. Sau đó bà Độ bảo: Thôi, để tôi pha nước tắm rửa cho nó, chứ không ghẻ lở hôi hám thế này thì tội nghiệp cho nó quá. Trong lúc ấy dân làng Kim Tỉnh chúng tôi xúm nhau lại lo chôn cất chu đáo cho người đàn bà xấu số. Còn ở nhà bà Độ, các cụ ông, cụ bà đang đông đủ, ông Thểu nói :

- Thưa các cụ, sự việc thì các cụ đã biết rồi, tôi có ý kiến thế này các cụ xem có được không. Chả là vợ chồng nhà bố Lễ chưa có con trai, lại đã đứng tuổi rồi, nên tôi muốn xin ý kiến của các cụ, ta giao thằng bé cho vợ chồng nhà bố Lễ nuôi dưỡng làm con nuôi có được không?

Các cụ nghe ra xôn xao bảo: Ông Thểu nói phải quá!

Bà Độ liền gọi vợ chồng anh Lễ đến bên rồi nói: Vậy vợ chồng nhà bố Lễ có ý kiến thế nào thì cũng nói cho các cụ biết? Anh Lễ gãi đầu gãi tai mừng quá, không ngờ các cụ lại có cái nhìn phúc đức thế liền nói:

- Thưa các cụ! Thật là diễm phúc cho vợ chồng nhà cháu, chúng cháu xin nhận như là một ân huệ của làng Kim Tỉnh dành cho vợ chồng cháu ạ! Chúng cháu xin hứa sẽ nuôi dưỡng cháu nó nên người.

Thấy mọi người gật gật đầu ông Thểu bảo:

- Thế bây giờ vợ chồng nhà bố Lễ đã có con trai rồi, vậy anh chị đặt tên cho nó là gì? Anh Lễ chẳng nghĩ ngợi gì lâu liền nói ngay: Dạ, thưa các cụ cháu đặt tên cho con cháu là Đàm Văn Được ạ!

Ông Thểu tươi cười nhìn mọi người:

- Thế là chúng ta yên tâm rồi có phải không các cụ!

Chú ạ, cụ Đào nói với tôi, từ đó đến nay nhà ông Được có cuộc sống ấm êm, đã đông con nhiều cháu, mấy người con trai của ông Được đều chịu khó làm ăn nên rất khá giả có nhà cao cửa rộng có người đã sắm được cả ô tô đấy. Ông Được năm nay dễ cũng đến 77 - 78 tuổi rồi. Tôi nghĩ tuy là câu chuyện buồn của thời bấy giờ nhưng lại có hậu về sau có phải không chú! Cho nên suốt cả cuộc đời tôi sống cho đến nay đã gần trăm năm ngẫm thấy người Thái Nguyên ta sống ân tình lắm, nhân hậu lắm!

Chia tay cụ Đào tôi ra về cứ ngẫm nghĩ mãi câu chuyện cụ đã kể cho tôi nghe, càng ngẫm càng thấy xúc động và yêu mến đất và người Thái Nguyên hơn.

Tôi đã có phúc được sinh sống ở đất Thái Nguyên gần 40 năm nay. Và tôi chưa hề thấy một cơn bão, trận lụt nào to cả. Gia đình tôi sống ấm no hạnh phúc. Tôi đã trở thành người Thái Nguyên. Thái Nguyên, nơi “đất lành chim đậu”, là quê hương thứ hai của tôi.

Người dân Thái Nguyên sống với nhau tình làng nghĩa xóm sâu nặng lắm, thắm đượm lắm, tối lửa tắt đèn có nhau. Thái Nguyên nơi “thiên thời địa lợi nhân hòa” luôn bình an, yên ấm nên câu nói “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở” vẫn được người dân Thái Nguyên tự hào truyền miệng cho tới ngày nay!

Nguyễn Hồng Quang (Xóm Kim Tỉnh, xã Trung Thành, TX. Phổ Yên.)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước