Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:11 (GMT +7)

Mùi của quê hương

Tôi bị say xe, say xe rất nặng. Đó là dấu ấn di truyền đậm đặc nhận được từ cả gia đình bên nội và bên ngoại, nơi có những bác bá, cô dì chỉ cần nhìn thấy cái ô tô đã “thổ lên thổ xuống” và trước mỗi chuyến thăm quan thì chẳng quan tâm gì ngoài việc chuẩn bị thuốc thang, gừng, chanh, bánh mì và túi bóng. Cái nôn nao, vật vã vì say lấy đi của tôi bao nhiêu thú vị trên hành trình đi đó đi đây, nhưng cũng đem đến những trải nghiệm mà chỉ “team” say xe mới thấu hiểu. Đó là cảm nhận những miền đất ngoài cửa sổ ô tô bằng âm thanh và mùi vị.

Bitmap in 18-19.cdr
Thị trấn Vân Đình, trên đường về quê tôi, nơi mà qua đó mặc dù rất say xe, mũi tôi vẫn không quên cái mùi thịt nướng thơm lừng... (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet)

Những người không biết say xe là gì thường hay khích lệ: “Đừng nghĩ đến cái say nữa”, “Lên xe, ngủ một giấc cho nó quên đi”. Xin thưa, đó chỉ là phương án cho những người “say gọi là”, “say loáng thoáng”, “say làm nũng”… Còn tôi tin chắc, với những ai mang kiếp say xe thực sự sẽ chẳng bao giờ thiếp đi được tới một phút hay không “nghĩ đến cái say” khi mà lục phủ ngũ tạng, đầu óc, mồm miệng, chân tay đều long lên sòng sọc, ngay từ đêm trước hôm lên đường. Vì thế mà trên xe tôi tỉnh lắm và cũng thính tai, thính mũi đến lạ kì, dù có bịt hai cái khẩu trang hay dán đủ thứ thảo mộc vào mũi. Theo cách đó, những con đường đã đi qua thường để lại kỉ niệm trong tôi với mùi hương của nó. Và con đường nhớ nhất, thương nhất, cũng lại sợ nhất, đó là đường về quê nội…

Quê tôi là làng Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (tôi vẫn muốn gọi tên tỉnh cũ như vậy). Từ Thái Nguyên về quê đúng 120km, giờ đi đường cao tốc chắc chưa đầy hai giờ đồng hồ là đến nơi, nhưng ngày xưa thì gian nan lắm, phải đổi xe ít nhất là 3 lần: từ Thái Nguyên đến bến Nứa Long Biên, từ bến Nứa đến bến Hà Đông rồi mới từ Hà Đông về Vân Đình – thị trấn của huyện. Xe lên xe xuống, vạ vật bến bãi với đủ thứ tạp nham, người thường còn mệt nói gì đến “bọn” thân tàn ma dại vì say xe.

Cái cảm giác vừa chết đi sống lại khi ra khỏi anh xe buýt Nứa – Hà Đông rồi lại trèo lên con xe cóc, xe dù để tiếp tục 40 km còn lại thật là oải hết sức. Cho nên, trên hành trình cuối cùng này, trong khi bố tôi rạo rực hân hoan chạm vào “quê mẹ” bao nhiêu thì mẹ con tôi xuống sức bấy nhiêu. Bốn mươi cây cuối, xe đi ì ạch, phần vì người đông, phần vì đường xấu, mà phần nhiều nhất bởi tâm lí. Trong trí nhớ của mình, hình như tôi chưa bao giờ mở mắt quá một phút ở chặng thứ ba. Nhưng nhắm mắt không có nghĩa là ngủ, cho nên, tôi tưởng tượng và đếm từng cây số. Những chuyến đi đầu chưa có kinh nghiệm, tôi liên tục hỏi: “Sắp đến chưa bố ơi?”, “Bố ơi sắp đến chưa?”. Và đương nhiên, người đang háo hức thì chỉ có một câu trả lời: “Sắp rồi”, “Gần lắm rồi”, “Đây là Thạch Bích – làng Công giáo, có bức tượng Chúa rất đẹp, cố mở mắt ra nhìn này”, “Đây là Vác – chú bạn cùng cơ quan tao vẫn cứ hiểu nhầm là làng làm “vê a xê””, “Đây là Liên Bạt – ngày bé mình đi bộ lên tận trên này để học”… Bố cứ mơ màng và độc thoại theo kỉ niệm như thế, bỏ quên con bé cứ đợi, cứ đếm, mãi mà chẳng đến nơi.

Sau này, khi đã có kinh nghiệm về quê ăn tết hay nghỉ hè, tôi không hỏi bố nữa, mà tự ước lượng con đường theo cách của riêng mình. Chỗ này thơm mùi pháo, thi thoảng có tiếng đùng đoàng, ấy là làng Bình Đà – làng nghề pháo một thời, nay chỉ còn trong kí ức. Thế là đi được một phần ba hành trình. Chỗ kia, có mùi gỗ, chắc đến mấy làng làm mĩ nghệ ở Thanh Oai. Hà Tây nhiều làng nghề quá! Rồi mùa hè, thi thoảng len vào cửa xe có hương sen, hương dưa lê, mùi tuốt lúa – mùi của đồng bằng thẳng cánh cò bay mà trẻ con phố núi ít khi được trải nghiệm.

Nhưng tất cả những mùi hương ấy không thể nào đặc trưng bằng tín hiệu cuối cùng báo hiệu chuyến xe sắp cán đích và cái “sắp đến nơi rồi” của bố tôi đã thành hiện thực. Đó là mùi thịt nướng đất Vân Đình. Vịt nướng, chả nướng, thịt chó nướng ở đây thơm ngào ngạt, béo ngậy, tỏa ra từ những bếp nướng than hoa để sẵn bên đường. Hương thơm đủ để cái dạ dày đã không còn chút nước nào của tôi cựa quậy muốn ăn sau chuyến xe bão táp. Hương thơm báo hiệu cho du khách nhổm dậy xỏ giày vào chân, gọi con, khua chồng nếu có đang say giấc thì dậy mau để nhảy thật nhanh xuống đất, xuống cầu Thanh Ấm hay bến Vân Đình. Và thế là chuyến xe kết thúc, cơn say qua luôn, phía trước chỉ là niềm vui sum họp.

Mấy chục năm qua đi, thành thị, nông thôn, phương tiện giao thông và chính bản thân ta đều đã nhiều thay đổi. Đường về quê nội giờ thẳng băng, dài rộng. Đồng ruộng, đầm sen, làng nghề lùi xa đường quốc lộ hoặc nhường hẳn chỗ cho chung cư và nhà máy. Tôi cũng chẳng thể nhắm mắt mà cảm nhận mùi của quê hương bởi xe điều hòa đóng cửa không cho hương đồng gió nội thoảng vào. Thật lòng, có lãng mạn bao nhiêu, chắc chắn, tôi vẫn không đổi sự thoải mái, tiện nghi (có thể mở mắt, nhìn ngang, ngắm nghía, chuyện trò) ngày nay với những kí ức rung lắc theo nhịp xe dù của một thời xa vắng. Nhưng chút nhớ nhung về những ngày bản thân còn bé thơ và quê hương chưa thành “nông thôn mới” thì mãi còn vương vấn.

Giờ đi nhiều tỉnh thành, thi thoảng vẫn thấy có cửa hàng để biển: Vịt cỏ Vân Đình, thịt chó chó Vân Đình, bún chả Vân Đình. Tiếc rằng, qua cửa sổ ô tô mở hé, tôi ít khi còn cảm nhận được cái hương thơm giống như “mùi ga cuối cùng” trên hành trình về quê trong kí ức. Chẳng biết do “thương hiệu ủy quyền” không thể giống phiên bản gốc hay bởi vì bây giờ tôi đã bớt say xe?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 3 tháng trước