Mùa xuân đi tìm một nét môi cười trong Thơ mới
“Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi” (Xuân Diệu). Trong số các mỹ nhân Trung Quốc xa xưa, Bao Tự được mệnh danh là người đẹp không biết cười. Đến nỗi, Chu U Vương đã cho tì nữ xé bao nhiêu tơ lụa để đổi một nụ cười của giai nhân. Đến nỗi, Lý Bạch có thơ rằng: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim - Một nụ cười của người đẹp đáng đổi lấy nghìn lạng vàng” (Lý Bạch).
Thơ mới vắng thiếu nụ cười. Nỗi sầu buồn đã khắc dấu vào lịch sử thi ca Việt suốt một chặng đường dài. Cái buồn Thơ mới xuất phát từ nhiều nỗi, vì lãng mạn; vì tâm trạng sinh bất phùng thời; vì quan niệm buồn mới biểu hiện được chiều sâu tâm hồn, những dằn vặt nội tâm, những ngăn cách, dang dở mới làm nên cái đẹp đích thực của thơ. Nỗi buồn lan rộng trong Thơ mới và trở thành cảm xúc thẩm mĩ một thời. Tuy vậy, giữa những tiếng thở dài, những giọt lệ lãng mạn làm “xôn xao” thi đàn thời đó, vẫn có một mảng thơ e ấp nét môi cười làm nên một vệt thẩm mĩ khác, lưu dấu trong thơ Việt vốn xưa nay hiếm nụ cười.
1. Mùa xuân yếm thắm môi cười là tứ thơ nổi bật của “mảng thơ đồng quê” trong phong trào Thơ mới. Nó lưu giữ những nét đẹp văn hóa nghìn xưa. Đoàn Văn Cừ chấm phá giữa bức tranh chợ Tết đầy sắc màu ngộ nghĩnh một nét cười thùy mị: “Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” (Chợ Tết). Giữa cái rộn ràng của sắc xuân, ngày tết, nét môi cười cố giấu đi vẫn ngời lên bên màu yếm thắm, ngỡ như chìm khuất mà sáng bừng giữa cảnh quan văn hóa làng quê. Yếm là một hình tượng thẩm mỹ khơi gợi nhiều cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật xưa nay. Trong Thơ mới, ý nghĩa thẩm mỹ của biểu-tượng-rất-nữ này thay đổi qua cảm xúc, qua ngẫu hứng của nhà thơ. Bàng Bá Lân nồng nàn trong tiếng gọi quen thuộc của ca dao - “Hỡi cô yếm thắm hái dâu ơi”. Anh Thơ phối ghép những màu sắc tương phản làm nổi bật vẻ đẹp rạng ngời của cô thôn nữ ngày xưa, “Yếm hồng thôn nữ tươi đường lúa,/ Chùa lợp ngàn hoa đại trắng tinh”. Bên cạnh nụ cười, dải yếm trở thành cầu nối giữa trái tim và trái tim, giữa cái đẹp hữu hình với cái đẹp vô hình. Trong thơ Đoàn Văn Cừ, sắc thắm của yếm cứ rực lên làm thêm duyên nồng cho một nét môi e ấp thanh xuân. Nụ cười giấu đi mà sáng cả một góc hình. Đây là câu thơ tĩnh nhất trong bức tranh chợ Tết động náo và nhiều màu sắc. Kể cả khi phiên chợ đã tàn thì nét môi lặng lẽ ấy vẫn đọng lại dư ba. Nụ cười đằm thắm điểm một nét duyên, như một điểm sáng thẩm mĩ của bài thơ. Nó sáng ngời cái cười tỏa nắng sau này trong thơ Hoàng Cầm: “Em mặc yếm thắm,/ Em thắt lụa hồng,/ Em đi trẩy hội non sông,/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” (Bên kia sông Đuống).
Lưu Trọng Lư lưu lại với thời gian một “nét cười đen nhánh sau tay áo” với hình bóng mẹ trong hồi ức. Mẹ gắn liền với văn hóa Việt Nam. Mẹ cũng là hình ảnh xuyên suốt thi ca Việt. Trong nguồn cảm hứng bất tận đó, hình ảnh mẹ luôn gắn kết với lời ru. Mẹ - lời ru trở thành phổ biến, nhưng Mẹ - nụ cười là hình ảnh hiếm trong thơ. Trước Lưu Trọng Lư, chưa có hình ảnh mẹ hồn hậu, chân quê mà lãng mạn đến vậy. Câu thơ tượng hình và tượng tạc cả tâm hồn. Âm thanh màu sắc tương ứng. Đen nhánh, áo đỏ, tiếng gà trưa, nắng mới… làm nên một hình ảnh “me tôi” tươi trẻ. Bài thơ nói về nỗi nhớ mẹ đẹp và lạ, nụ cười níu giữ hình bóng mẹ, níu giữ hồi ức về một thời thơ dại: “Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,/ Lúc người còn sống tôi lên mười,/ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,/ Áo đỏ người đưa trước dậu phơi” (Nắng mới). Đã có bao nhiêu hình ảnh về mẹ, chảy thành một dòng thơ nối kết truyền thống và hiện đại, nhưng hình ảnh mẹ trong thơ Lưu Trọng Lư vẫn lan tỏa cảm xúc qua thời gian.
Trong Thơ mới, Nguyễn Nhược Pháp là một trong số những nhà thơ “biết cười”. Chỉ với một tập thơ nho nhỏ Ngày xưa, Nguyễn Nhược Pháp đã góp vào “một thời đại thi ca” một giọng riêng đến lạ. Thiếu nữ trong thơ ông trong trẻo, yêu kiều như người trong tranh, dẫu là trong lịch sử hay trong cuộc đời thường: “Cúi đầu nàng tha thướt./ Yêu kiều như mây qua./ Mắt xanh nhìn man mác./ Mỉm cười vê cành hoa…” (Tay ngà); “Mỵ Nương, xinh như tiên trên trần./ Tóc xanh viền má hây hây đỏ,/ Miệng nàng hé thắm như san hô,/ Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ...”. Lạ, những người đẹp trong thơ Nguyễn Nhược Pháp đều có số phận buồn, sắc đẹp gắn liền với nước mắt và bi kịch mĩ nhân (Mị Châu, Mị Ê, Mị Nương, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống), nhưng thấp thoáng trong thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn là cái cười tinh nghịch. Nụ cười khiến ngày xưa trong thơ ông vừa tráng lệ, quý phái vừa gần gũi. “Hay đâu thần tiên đi lấy vợ,/ Sơn Tinh Thủy Tinh lòng tơ vương…,/ Nhưng có một nàng mà hai rể, Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Nụ cười kết nối hôm qua và hôm nay, lịch sử và hiện đại làm sống lại những trang sử bi thương. Ẩn sau những “dải yếm đào”, “thắt lưng dài đỏ hoe”, những “em tuy mới mười lăm, mà đã lắm người thăm”… là môi cười thiếu nữ hòa cùng nụ cười dí dỏm của nhà thơ khiến thơ Nguyễn Nhược Pháp đi một lối riêng, khác, giữa điệu buồn sầu của Thơ mới.
Hình minh họa, nguồn: internet
2. Ở một phía khác, khi làn gió phương Tây thổi lộng vào xã hội Việt Nam thì nét cười yếm thắm nhạt dần, thay thế bằng lẳng lơ khuy bấm. Khi Nguyễn Bính thảng thốt “Nào đâu cái yếm lụa sồi?”; “Van em em hãy giữ yên quê mùa” thì môi cười Thơ mới chẳng còn e ấp. Đến khi Xuân Diệu để cho kĩ nữ “mắt run mờ kĩ nữ thấy sông trôi”; và Thái Can lên tiếng về đời buồn gái nhảy thì nụ cười trở thành diễn ngôn sắc đẹp lợi hại. “Em nên điểm phấn tô son lại, Ngạo với nhân gian một nụ cười” (Cảnh đoạn trường). Ảnh hưởng phương Tây, các nhà Thơ mới tiếp nhận một quan niệm mới về con người, về nghệ thuật, thẩm mĩ, cái đẹp thân xác trở thành nguồn cảm hứng. Nét cười cộng hưởng với “da thịt trời ơi trắng rợn mình” đẩy Thơ mới theo một hướng mỹ cảm khác.
Mỹ học tượng trưng làm nên những nụ cười gợi cảm. Cảm quan tương ứng lưu dấu vết trong thơ các nhà Thơ mới chặng đường sau. Môi cười trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng v.v. quyện hòa với hương thơm, màu sắc và hương vị. Khao khát sống và yêu, nhà thơ được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” đã điểm vào bức tranh buồn Thơ mới một nụ cười mang hơi xuân của đất trời và xuân của lòng người: “Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui,/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời,/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế!/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi/ (…) Mùa xuân chín ửng trên đôi má,/ (…) Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười” (Nụ cười xuân). Từ cái “che môi cười lặng lẽ” đến thiếu nữ “đứng mỉm cười”, cái duyên con gái không còn lặn vào trong: “Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,/ Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự” (Giục giã). Nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian, Xuân Diệu hối hả vội vàng và cũng bâng khuâng buồn, hoài tiếc. Giữa lòng mùa xuân nhà thơ đã có cảm giác hoài xuân, thì nụ cười thiếu nữ cũng chỉ còn là mơ tưởng và hoài niệm. Bước vào lĩnh vực thơ tượng trưng, nụ cười trong Thơ mới biến ảo hơn. Nụ cười xuân thì mời gọi nhục cảm đan xen trong những vần thơ vốn mang nỗi sầu vạn kỉ của Huy Cận - “Ngực trắng giòn như một trái rừng,/ Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương,/ Miệng cười bừng nở hàm răng lựu,/ Sáng cả trời xanh mấy dặm trường” (Hồn xuân). Đặc biệt, trong thơ Bích Khê, nụ cười ẩn nhưng đầy sắc thái. Nhà thơ thổi bồng bềnh cảm xúc vào những thi liệu quen thuộc khiến hình ảnh thơ mở ra những lớp nghĩa có sức gợi - “Nụ cười ai trắng như hoa lê” (Nghê thường); “Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc,/ Vài chút trăng say đọng ở làn môi” (Tranh lõa thể); “Những môi son phản ánh một trời chiều,/ Một trời chiều mà muôn hoa nín thở” (Sắc đẹp). Với tính gợi cảm của thơ tượng trưng, “làn môi, môi son” là biểu tượng đầy nữ tính, hiện thân của cái đẹp nhục thể. Sắc đẹp hòa với cái đẹp của cây cỏ, mây gió, trăng sao, trong những vần thơ siêu cảm giác - “Trên hỗn độn khỏa thân,/ Đẹp tỉ mỉ, hỡi rung động truyền thần” (Duy tân).
Chạm vão cõi siêu thực, thơ Đinh Hùng là thế giới của đau thương huyền bí. Trong Mê hồn ca, hình ảnh Em, Gái-thiên-nhiên, Gái-muôn-đời, kỳ nữ, thần nữ, nữ sắc... thực mà ảo, có mà không, “gần nhau, còn lạ nét môi cười”; vì thế nụ cười dùng dằng giữa chiêm bao và khát vọng, có khi trượt sang trạng thái vô thức - “Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,/ Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao” (Tìm bóng tử thần); “Một độ tôi ngồi thương khóc hoa,/ Cửa chiều hiu hắt nắng xuân tà/ Nhớ người năm ngoái, năm xưa mãi,/ Nhớ nụ cười xuân thấp thoáng qua” (Duyên phượng hoa); “Vệt son loáng nét môi cuồng vọng, Lắng tiếng xuân cười, chết mỗi đêm” (Gặp em huyền diệu).
Trong số các nhà thơ mới, Hàn Mặc Tử là người đi sâu vào cõi siêu thực. Cõi thơ “càng đi sâu càng ớn lạnh” của Hàn Mặc Tử thật hiếm một nét cười dẫu thừa hình ảnh thiếu nữ-đồng-trinh-em-con-gái-nường và sóng sánh dục tình. Ở giai đoạn đầu, những bài thơ xuân của Hàn Mặc Tử còn thoáng nét trong trẻo với hình ảnh gái quê, thiếu nữ mùa xuân chín… Một đôi lần, nhà thơ vẽ thoáng một nét cười soi bóng nước, “Ống quần vo xắn lên đầu gối,/ Da thịt, trời ơi! trắng rợn mình (…),/ Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ,/ Nước trong nổi bật hình dung cô,/ Nụ cười dưới ấy và trên ấy,/ Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ” (Nụ cười). Những câu thơ đầy cảm giác và gợi liên tưởng. Qua hình ảnh thiếu nữ hồn nhiên, hình ảnh bóng nước nụ cười gợi liên tưởng đến cái cúi lặng ngắm bóng mình của chàng Narcissus đắm say mà đơn độc. Bài thơ Nụ cười còn phân rõ ranh giới giữa thực và ảo, dưới ấy và trên ấy, đối hình đối ảnh. Ngày càng chìm đắm trong mê sảng, hoảng loạn, vườn thơ “rộng rinh không bờ bến” của người thơ chỉ còn hồn-trăng-máu ngự trị, nỗi đau ngự trị. Nụ cười có chăng cũng chỉ là khát vọng - “Anh đứng cách xa hàng thế giới,/ Lặng nhìn trong mộng miệng em cười” (Lưu luyến); “Cả miệng ta trăng là trăng!/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan;/ Ta nhả ra đây một nàng/ (…) Bóng ai theo dõi bóng mình,/ Bóng nàng yêu tinh,/ Dịp cười như tiếng vỡ pha lê”. Từ chỗ phân thân nường - bóng, đến ai - mình và tôi - bóng, cười trở thành tiếng nói của vô thức, “Bây giờ tôi dại tôi điên,/ Chấp tay tôi lạy cả miền không gian (Một miệng trăng). Tắt nụ cười cũng là lúc thơ Hàn Mặc Tử chìm vào thế hư ảo, chập chờn vô thức. Trong thế giới đau thương đó, trăng phủ tràn đầy ám ảnh, “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng” (Huyền ảo). Từ đó, nhìn chung, Thơ mới cũng vắng bóng tiếng cười.
Thơ mới mang hơi thở thời đại. Trong một thi giới lê thê buồn, nụ cười cũng mong manh. Tuy vậy, một nét môi cười, dẫu thực dẫu mộng, khiến Thơ mới càng thêm đa dạng sắc màu.
Lê Thị Hường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...