Múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
Nếu như người Kinh có múa rối cạn ở vùng đồng bằng Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội) thì người Tày cũng có múa rối cạn biểu diễn phục vụ bà con tại lễ hội Lồng Tồng đầu xuân hay những lúc nông nhàn ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Theo quốc lộ 3 cũ từ Thái Nguyên lên hướng Bắc Kạn, chúng tôi rẽ tay trái về hướng ATK Định Hóa để đến xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Một cụ già đi hái chè xuân về vui vẻ dẫn chúng tôi theo con đường bê tông nhỏ, sạch sẽ vào xóm Thẩm Rộc. Căn nhà sàn của ông Ma Quang Nhanh - trưởng phường rối cạn đông khách đến chơi.
Trên sàn nhà, những con rối bằng gỗ vừa được các nghệ nhân hoàn thành, chưa sơn màu nhưng đã đầy đủ nét như những con rối ông Nhanh lấy ở trong hòm gỗ ra. Vừa cho chúng tôi xem quyển sách cổ viết bằng chữ Nôm Tày ghi chi tiết các bài giáo, ông vừa xếp các con rối vừa giới thiệu về rối cạn và từng nhân vật. Ông bảo: Trong gia phả của gia đình ghi lại thì đến đời của ông là đời thứ 13. Tính từ 13 đời trở về trước thì đã có những con rối này, có tuổi thọ trên dưới ba trăm năm. Và bây giờ, trong cái hòm gỗ có khoảng 36 con rối tất cả. Các “cụ” đều có tên có tuổi. Hai con rối to nhất gọi là rối Mẹ, hai con hạc khi lên múa cũng thể hiện cùng với nhau, thể hiện truyền thống gia đình có bố có mẹ thì mới có con cháu. Ngoài ra còn có rối cày, bừa,…
Không biết múa rối cạn có từ khi nào nhưng người dân ở xã Bình Yên kể lại rằng, cụ Ma Công Thái và cụ Ma Công Bằng là hai anh em ruột. Cụ Bằng sang Tuyên Quang đưa con rối về. Sợ con rối đem lại điều không may mắn cho những người trong dòng họ, cụ Thái khuyên bảo không được đành từ mặt em. Cụ Bằng đổi sang họ Ma Quang, đánh dấu sự ra đời của dòng họ và múa rối Tày.
Các con rối đều được làm thủ công. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, chúng đều có linh hồn. Vật liệu để làm những con rối là cây thừng mực, gỗ rất nhẹ, không bị mối mọt. Nếu làm bằng gỗ mít cũng được nhưng gỗ mít để nguyên khối chứ lắp ráp thì mọt xông ngay. Các con rối người, vật đều có đủ chân tay, mặc quần áo hoặc sơn màu như thật, chuyển động nhịp nhàng bằng những sợi dây. Sân khấu để biểu diễn rất đơn giản. Chỉ cần một khoảng sân nhỏ trước nhà sàn đủ để người đứng xem. Nghệ nhân căng tấm vải sẫm màu lên làm sân khấu. Các nghệ nhân ở sau tấm vải dùng tay để điều khiển con rối, kèm lời giáo cho từng nhân vật, tiếng trống gõ nhịp, ngắt hồi rộn ràng. Nội dung các vở rối chủ yếu là ca ngợi công lao người học trò chăm chỉ ôn luyện, lều chõng đỗ đạt thi cử hồi xưa, mùa xuân cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà bình an, có sức khỏe.
Nghệ nhân Ma Quang Tiều giới thiệu cách điều khiển các con rối
Tiết mục đặc trưng nhất của rối cạn người Tày cũng là tiết mục khép màn trong các buổi biểu diễn của lễ hội Lồng Tồng có tên “người leo cây bắt tắc kè”. Động tác của các nghệ nhân điều khiển con rối mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và tắc kè như leo lên cây, tụt xuống đất, chạy, nhảy, cào, cấu, nội tâm giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Tắc kè ở vùng cao có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác. Tiết mục người leo cây bắt tắc kè với niềm tin là con người cũng có thể biết trước diễn biến của thời tiết, điều chỉnh sản xuất và cầu mong cho một vụ mùa bội thu: “Bươn tam bươn tí có chí hết nà/ thây phưa pạt diệt/ lồng chả tồng căn/ Cần thì hót gằn/ cần thì phát nhả/ mẻ noọng lai chả/ sloai lai dác lai/ hết viểt liện sloai/ lừm mừa kin khẩu/ Fạ lẹng fạ lương/ Bấu mì nặm khảu mương/ Cắc kè liện thương/ nó chăng lắng lẽ/ sloong cằm chẳn lẹ/ mẻ fạ chẳng phân mà/ mì nặm tâm nà/ thây phưa hết tiếp/ lao toai thời tiết/ lốc chả mà đăm/ thây phưa cả vằn/ tằng nâư tằng chại” (Tháng ba tháng Tư có chí làm ruộng/ cày bừa xuôi ngược/ nhổ mạ như nhau/ người thì be bờ/ người thì dọn cỏ/ trưa rồi rất đói/ làm việc thông trưa/ quên về ăn uống/ trời hạn trời vàng/ không nước vào mương/ tắc kè thấy thương/ nó bèn lặng lẽ/ kêu hai tiếng liền/ mẹ trời mưa xuống/ có nước tràn đồng/ tiếp tục cày bừa/ vừa nghe thời tiết/ nhổ mạ về cấy/ cày bừa cả ngày/ cả sáng cả tối).
Rối Mệ hay còn gọi là rối Mẹ
Ở huyện Định Hóa, ngoài xóm Thẩm Rộc xã Bình Yên thì thôn Ru Nghệ xã Đồng Thịnh cũng duy trì múa rối cạn. Anh Doãn Long - giáo viên trường THCS Hoàng Ngân, huyện Định Hóa sau buổi xem múa rối cho biết: Khi xem rối Tày Thẩm Rộc, gợi cho anh thấy cuộc sống thuần nông giản dị ở một số vùng núi, đặc biệt là ở vùng ATK Định Hóa thanh bình. Rối Tày Thẩm Rộc đã thể hiện được nét đặc trưng không giống và trùng lặp với bất cứ một dòng văn hóa nào về múa rối trên đất nước Việt Nam.
Nghệ thuật múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và tồn tại được cho đến ngày hôm nay. Để duy trì nghề của dòng họ, cụ Ma Quang Tiều, nghệ nhân cao tuổi nhất đã trải lòng: Môn nghệ thuật này bị mai một trong suốt mấy chục năm kháng chiến, đến năm 1997 mới được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về phục chế lại. Ngày mùng 8 tháng 6 năm 2015, múa rối cạn được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thế hệ trẻ bây giờ theo học nghề không chỉ những người trong dòng họ Ma Quang mà những ai yêu thích cũng được các nghệ nhân kết nạp vào phường.
Phường rối cạn tự lập nên tất cả đều tự túc, tự lo. Hằng năm, đến mùng 8, mùng 9, các nghệ nhân đều biểu diễn phục vụ khách đến xem lễ hội Lồng Tồng trong khu ATK. Còn hàng ngày, nếu có những khách du lịch đến bản Quyên xã Điềm Mặc biểu diễn cũng có. Năm 2000, phường rối Thẩm Rộc đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng khen khi tham gia Liên hoan Múa rối quốc tế chào mừng 990 năm Thăng Long- Hà Nội, ngoài ra còn có các bằng khen giấy khen của huyện Định Hóa và của tỉnh nhà.
Một phần con rối sau khi được sơn màu
Nhiều người bảo con rối có linh hồn, nếu làm không tốt sẽ bị rối quở phạt. Cụ Tiều cười và lắc đầu. Với những tâm huyết của các nghệ nhân ở Thẩm Rộc, chúng tôi thấy cuộc sống yên bình ở miền đất rừng cọ đồi chè này, nhiều người sẽ biết đến loại hình nghệ thuật độc đáo của người Tày vùng Việt Bắc. Tết đến, xuân về, nếu có dịp được lên Định Hóa, mọi người sẽ được ngủ nhà sàn, thưởng thức các món ăn của người Tày và những bài rối như muốn níu bước chân dùng dằng của du khách.
Hoàng Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...