“Mùa cô vít” và những thói quen cần thay đổi
VNTN - Mọi năm, sau tết là khoảng thời gian dành cho lễ hội và tiệc tùng. Nhưng năm nay tình hình khác hẳn. Con virut “cô vít” (Covid-19) mắt thường không nhìn thấy đang làm nhiều nước chao đảo. Trẻ con nghỉ học; lễ hội dừng; chơi bời, tụ họp dừng. Cuộc sống như đóng băng. Con số người chết, người nhiễm mới, người bị cách ly…nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông. Đau lòng, chia sẻ, lo âu, sốt ruột, bức xúc… rất nhiều sắc thái tình cảm được bộc lộ. Điều mà nhiều người quan tâm nhất là làm sao bản thân và những người thân của mình không bị “cô vít” xâm nhập. Cơ quan chuyên môn Việt Nam đưa ra khuyến cáo: Bịt mồm bằng khẩu trang và rửa tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên. Người xưa đúc kết: Họa vào từ miệng. Trong hoàn cảnh này rất chính xác. Ho, hắt hơi, nói chuyện… nước bọt mang virut bệnh tật bắn vào mặt mũi, quần áo người khác, nguy cơ thêm một người nhiễm bệnh. Nhưng cái mồm không đơn giản chỉ để nói và ho, mà còn để ăn và uống. Đây cũng là con đường lây truyền bệnh. Không biết từ bao giờ, người Việt có thói quen “tiếp” thức ăn cho nhau. Trong mâm cơm, người này gắp cho người kia để tỏ sự thân tình, săn sóc. Nhưng đôi đũa đã bị truyền bao nhiêu là nước bọt của người tiếp gắp vào đấy. Người nhận miếng thức ăn (cực chẳng đã) mà phải cố ăn dù trong bụng thấy ghê ghê. Trên mâm cơm (mâm cỗ) bao giờ cũng có bát canh. Nhiều người thay vì lấy muôi múc ra bát riêng cho mình lại thò đũa vào gắp hoặc thò cái thìa mình đang ăn vào múc. Bát canh cũng trở thành nơi “hội ngộ” của vi trùng. Chưa kể, bát nước mắm “cổ truyền” luôn hiện diện giữa mâm cũng là “ổ” lây nhiễm bệnh. Trong nhà ai khỏe ai ốm còn biết, chứ đi ăn với người lạ, không biết người ngồi xung quanh có bệnh tật gì không?... đành trông vào sức đề kháng của bản thân. Người Việt mình còn có thói quen vừa ăn vừa nói, nhồm nhoàm, rượu vào lời ra. Có người cao hứng, buông đũa đứng lên… hát vài bài. Nước bọt được dịp “tung cánh” đậu vào đầu tóc những người xung quanh. Ngoài ăn uống như trên, chúng ta còn có thói quen hôn trẻ con, thè lưỡi thấm nước bọt vào tay để đếm tiền... Đấy cũng là những con đường “trao” bệnh nhanh nhất. Tạm xếp chuyện bịt mồm, chuyển sang chuyện rửa tay. Tưởng dễ, vậy mà không hẳn. Đa số chúng ta ít có thói quen rửa tay trước khi ăn. Sau khi đi vệ sinh hầu hết chỉ rửa tay bằng nước lã. Trong các nhà vệ sinh công cộng rất ít khi có xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đã thế, nhiều người có thói quen cậy mũi, ngoáy tai, nặn trứng cá, sờ mó mọi thứ và sau đó không rửa tay. Chị bán bánh rán tranh thủ vắng khách xòe móng chân ra cắt. Bà bán bún gọi mua con gà, vạch lông sờ mỏ gà rồi quay ra tiếp tục bốc bún cho khách. Cũng không biết từ bao giờ, người Việt hay bắt tay. Gặp nhau ở cửa cuộc họp, bắt. Gặp ở hành lang, bắt. Gặp trước nhà vệ sinh, bắt. Uống rượu, bắt. Trước khi lên phát biểu, bắt. Phát biểu xong bước xuống, bắt. Bàn tay thành “cầu nối” bệnh từ người này sang người khác. Khi xảy ra dịch “cô vít”, nhiều cơ quan báo chí có chương trình hướng dẫn người dân cách đeo khẩu trang, cách rửa tay xà phòng. Từ đó, dần hình thành thói quen giữ vệ sinh trong cộng đồng. Giá như, nhân cơ hội này, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi một số thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp vệ sinh của người Việt. Cụ thể, khi ăn cơm: Dùng muôi (thìa) xúc thức ăn chung vào bát riêng của mình để sử dụng; mỗi người nên có riêng một đĩa nước chấm; không tiếp (gắp) thức ăn cho người khác bằng đũa riêng; không dùng tay bốc đồ ăn; không cười nói ồn ào, hát hò… trong bữa ăn; không hôn trẻ con; không thấm nước bọt vào tay để đếm tiền; chỉ bắt tay ở những sự kiện ngoại giao vv… Trước khi bỏ được những thói quen không vệ sinh đã ăn sâu vào tiềm thức, bước đầu chúng ta nên mạnh dạn từ chối “tiếp nhận” vi trùng. Như từ chối nhận thức ăn người khác tiếp (gắp) bằng đũa riêng, từ chối bắt tay tràn lan, từ chối người bán đồ ăn chín không đeo găng và khẩu trang. Khi ăn (hoặc đặt ăn) ở nhà hàng, chúng ta yêu cầu họ cung cấp thêm bát nước chấm, đũa, muôi dùng chung… Những cải cách tưởng chừng rất nhỏ nhưng dần dần sẽ xây dựng nên một cộng đồng văn minh và khỏe mạnh.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...