Một vùng sáng linh thiêng
(Đọc tiểu thuyết Nắng phía sau mặt trời của Phan Thái)
VNTN - Phan Thái trước hết là một người lính. Anh đã từng nhiều ngày tham gia trận mạc chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc. Sau đó anh về trường học và trở thành kỹ sư Mỏ địa chất. Phan Thái có tố chất văn học ngay từ khi còn học phổ thông. Nhiều bài thơ ngày ấy của anh đã được đăng trên các báo trung ương và địa phương. Khi về Mỏ công tác, tố chất văn học của anh được phát sáng, nhất là từ ngày anh được kết nạp là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Anh đã được giải thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhận thấy anh còn có khả năng viết văn xuôi, các nhà văn đã hướng cho anh đi thêm con đường văn xuôi. Chỉ trong mấy năm gần đây, ngoài những tập truyện ngắn và thơ, anh đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập tiểu thuyết: Cơm áo chợ đời, Đèn giời, Sóng bên ngày nắng. Và mới nhất, anh ra mắt tiểu thuyết Nắng phía sau mặt trời. Cuốn sách này đã đạt giải Cuộc vận động sáng tác văn học về Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phát động.
Phan Thái viết như lên đồng, viết nhanh và khỏe. Nhiều người phải nể phục sức viết của anh. Nắng phía sau mặt trời được anh viết với tất cả tấm lòng yêu thương, thành kính đối với những chiến sĩ Đại đội 915 Anh hùng. Có lẽ, theo như anh nói: linh hồn các chiến sĩ hy sinh trong cái đêm Lưu Xá ấy đã thúc giục, cổ vũ anh để cuốn sách được ra đời vào dịp tưởng niệm những ngày hy sinh của họ. Phan Thái không quản ngày đêm, đến những tuyến đường, địa danh nơi các chiến sĩ Đại đội 915 đã từng ở, từng chiến đấu và hy sinh, để viết lên một bản tráng ca về những con người bất tử này.
Đó là những thanh niên còn rất trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi, đặc biệt có hai em mới mười sáu tuổi, khai tăng lên thành mười tám để nhập ngũ. Họ là những người con của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu…, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số của Thái Nguyên và Bắc Cạn cùng tập hợp trong một đại đội để làm nên những kỳ tích anh hùng thời chống Mỹ, cứu nước.
Khi nhập ngũ, trong số họ, có người còn chưa nói sõi tiếng Việt, có người còn chưa biết chữ quốc ngữ… Nhưng mỗi con người ấy trong tim đều có một ngọn lửa của tuổi trẻ, cháy hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Với khẩu hiệu “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” và với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, họ đã luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi, làm việc hết mình vì tiền tuyến. Tấm áo của họ mặc trên người thấm đẫm mồ hôi, đã bạc màu và lấm lem, ánh lên “màu áo nắng”, mỗi con người ấy lại như được tôi luyện để vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu đầy cam go vất vả của người chiến sĩ thanh niên xung phong trong chiến tranh. Mỗi lần bom Mỹ trút xuống, làm hỏng đường giao thông, ngăn cản đoàn xe ra tiền tuyến, thì họ lại có mặt để san lấp hố bom, sửa đường cho thông xe. Công việc của họ có lúc phải trả bằng máu. Họ có sợ chết không? Tác phẩm có đoạn kể lại lời một đội viên thanh niên xung phong: “Nếu là con người bình thường, không ai không sợ chết. Ta không sợ chết cũng bởi ta yêu cuộc sống này. Nhưng kẻ thù đang dày xéo non sông đất nước ta. Hàng ngày, hàng giờ có bao nhiêu người bị bom đạn giặc giết hại. Cả nước đang dồn sức chi viện cho miền Nam đánh giặc. Chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, dù phải hy sinh”. Đây không phải là lời nói sáo rỗng. Đó là sự thật. Một sự thật của lúc bấy giờ, đối với những người đã sống trong thời kỳ đó.
Cuộc sống nhiều áp lực như vậy, nhưng những chiến sĩ thanh niên xung phong 915 vẫn rất sôi nổi, yêu đời, khát khao tình yêu. Họ được học bổ túc văn hóa, được sinh hoạt văn nghệ các buổi tối… Có những câu hò tếu táo nhưng rất vui nhộn: Bao giờ kháng chiến thành công/ Chính phủ phân phối mỗi ông mười bà. Những cô gái trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống và yêu hoa. Không có hoa hồng, hoa huệ, hoa lan…, họ lấy hoa lau, thậm chí cả hoa rau lang về cắm vào lọ. Cảm động biết nhường nào.
Kỷ luật thời kỳ đó rất nghiêm túc trong chuyện yêu đương. Chuyện yêu nhau hãy tạm thời gác lại để phục vụ chiến đấu. Nhưng ai cấm được tình yêu trong trái tim họ? Và những chiến sĩ thanh niên xung phong 915 biết giấu kín tình yêu trong lòng, một sự hy sinh vô cùng lớn lao của tuổi trẻ. Đó là tình yêu của Cát và Khôi, của Hoạch và Hạo, của Thúy và Phong. Đại đội trưởng Việt cho rằng: Con người ta nếu không có trái tim yêu thương, nhất định không thể có sự cống hiến và hành động quả cảm.
Tôi đặc biệt cảm phục mối tình của Cát và Khôi. Cát là thanh niên xung phong, Khôi là bộ đội. Họ thầm kín yêu nhau. Khi Khôi vào mặt trận phía Nam, họ chia tay nhau. Họ cũng trao cho nhau nụ hôn, nhưng nụ hôn lúc này tan vào tiếng còi báo động. Cát biết hy sinh việc đau đớn trong gia đình khi cha bị mất, chị vẫn xác định tư tưởng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chị nghĩ: Con người ta khi gặp nỗi đau phải biết xác định. Nếu không muốn gục ngã, phải chọn cho mình cách đứng lên. Đó thực sự là một đội viên thanh niên xung phong đầy lý trí và tự tin. Sau này Cát hy sinh trong một trận bom của giặc làm cho mọi người vô cùng thương xót. Sự hy sinh của Cát là một hình ảnh đầy dũng cảm, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc. 12 ngày đêm miền Bắc anh dũng kiên cường đánh trả quyết liệt giặc Mỹ xâm lược. Và cái đêm Nô-en năm 1972 đầy bi tráng ấy, 60 đội viên Đại đội 915 thanh niên xung phong Bắc Thái đã hy sinh trong một trận ném bom của máy bay Mỹ xuống ga Lưu Xá, nơi toàn Đại đội đang thực hiện nhiệm vụ bốc hàng hóa chi viện cho chiến trường.
Không đi sâu vào nỗi đau đớn xót xa trong cảnh mất mát hy sinh của những con người đầy quả cảm ấy, tác giả dẫn ra hình ảnh: Trên bệ tượng đài nghĩa trang Dốc Lim có một vầng sáng huyền ảo màu của nắng và hình bóng các đội viên thanh niên xung phong và bộ đội đang cùng nhau múa hát. Đó là một hình ảnh đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những con người sống mãi với thời gian. Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của họ.
Tới nghĩa trang, đặt bên tượng đài những nhành hoa huệ trắng, nhìn những dòng tên còn rất trẻ trên mộ chí, tác giả vô cùng xúc động và bài thơ "Hoa nắng tượng đài" đã hình thành: Tuổi thanh xuân các chị các anh/ Nối những con đường ra tiền tuyến/… Dưới bom đạn kẻ thù, câu hát vẫn bay lên/ Các chị các anh gửi trái tim vào đất/ Sông núi hiện lên nguyên vẹn hình hài/ Thầm lặng dòng tên làm hoa nắng tượng đài/ Hơn tất thảy mọi lời yêu Tổ quốc.
Đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu với những tên người có thật như Đội trưởng Nghiêm Xuân Đạo, đội phó Nguyễn Thế Cường, rồi tên của nhiều đội viên khác, và những địa danh có thật như Linh Sơn, Núi Hột, Núi Voi, Gia Bẩy, Lưu Xá - những cái tên rất thân quen với người Thái Nguyên, đã đi vào lịch sử, sống mãi cùng với chiến công của những người con anh dũng.
Xin được trân trọng chia sẻ về Nắng phía sau mặt trời - một vùng sáng linh thiêng.
Phạm Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...