Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:25 (GMT +7)

Một vài phác thảo về “Cộng đồng tưởng tượng” trong thơ ca

1. Benedict Anderson và lý thuyết “Cộng đồng tưởng tượng”

 

Cộng đồng tưởng tượng” (imagined community) của B. Anderson là một trong những lý thuyết nghiên cứu dân tộc có ảnh hưởng nhất trên thế giới vào thế kỷ XX. Có quá nhiều những công trình trên thế giới đã trích dẫn và ứng dụng từ hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên ở Việt Nam nó vẫn chưa được dịch một cách hoàn chỉnh, chưa được hiểu và sử dụng một cách rộng rãi.

B. Anderson là một trong những nhà nghiên cứu dân tộc học có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ XX trên thế giới. Ông dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về sự hình thành các quốc gia dân tộc và cho ra đời lý thuyết “Cộng đồng tưởng tượng” của mình. “Benedict Anderson là tác giả của một trong những khái niệm quan trọng nhất về địa chính trị, về các dân tộc là “những cộng đồng tưởng tượng". Ông cũng là hội viên của hội Guggenheim và là thành viên của Học viện Mỹ thuật và Khoa học M.Anderson sinh ra tại Côn Minh, Trung Quốc vào năm 1936. Ông là anh trai của nhà lý luận chính trị Perry Anderson và một công dân Ai Len, cha ông là một quan chức Hải quan của Hoàng gia, ông đã lớn lên ở California và Ireland trước khi vào Đại học Cambridge. Ông đã học tập một thời gian ngắn tại đây dưới sự hướng dẫn của Eric Hobsbawm,vào năm 1957 Anderson đã tốt nghiệp về nghệ thuật cổ điển”[3].

 

Những nghiên cứu về Đông Nam Á của ông đặc biệt xuất sắc. Nó cho thấy một cái nhìn toàn diện về chủ nghĩa dân tộc trong thời kì hiện đại và những lý giải sắc sảo về xung đột giữa các quốc gia. Đã có vô số những công trình nghiên cứu trích dẫn, tiếp cận và tranh luận từ lý thuyết của ông. Đến nay, xung quanh lý thuyết này vẫn còn nhiều vấn đề cần đào sâu, bởi “dân tộc” là câu chuyện dài, không bao giờ ổn định, cũng như không bao giờ có một khung lý thuyết cụ thể nào cho nó, như chính bản thân Anderson khẳng định: "Chủ nghĩa dân tộc, chỉ đơn thuần là chấp nhận nó như: Quốc gia, quốc tịch, chủ nghĩa dân  tộc -  tất cả đã chứng tỏ để xác định là vô cùng khó khăn, chứ chưa nói đến việc phân tích. Ngược lại ảnh hưởng to lớn mà chủ nghĩa dân tộc đã tác động đến thế giới hiện đại, giả thuyết xác đáng về nó rõ ràng là còn nhỏ nhoi"[3].

2.Cộng đồng tưởng tượng trong thơ ca

 

Ở bài này, người viết không có tham vọng trình bày được bao quát hướng nghiên cứu còn nhiều tranh luận và phức tạp này, mà chỉ muốn đưa ra một cái nhìn mang tính phác thảo về vấn đề chủ nghĩa dân tộc của B. Anderson qua mối liên hệ giữa “dân tộc” và thơ ca. Nói cách khác, bài viết muốn tìm hiểu để thấy thơ ca đã góp phần tạo nên ý niệm dân tộc như thế nào, theo quan niệm của Anderson?

Ý thức về chủ quyền, bản sắc

Trước hết, quay trở lại khái niệm mà Anderson đặt ra, để phần nào cho thấy một cái nhìn bao quát về chủ nghĩa dân tộc: “Theo một tinh thần nhân học, tôi đưa ra định nghĩa sau đây về quốc gia/dân tộc: quốc gia/dân tộc là một cộng đồng chính trị được tưởng tượng mà thành - và nó được tưởng tượng ra như thể điều gì, về bản chất vốn đã, vừa có tính giới hạn, vừa có tính chủ quyền”. (In an anthropological spirit, I propose the following definition of the nation: It is an imagined political community - and imagined as both inherently limited and sovereign)[1]. Như vậy, dân tộc trước hết là sự giới hạn trong biên giới cụ thể với các cộng đồng khác và chủ quyền cùng giấc mơ tự do và tự quyết của mỗi quốc gia. Cho nên sự tồn tại của một dân tộc luôn được đặt trong mối quan hệ với một dân tộc khác trên những khía cạnh: yêu thương - căm thù; giống - khác…

Từ khái niệm trên, chúng ta cần nhìn nhận một trong những luận điểm nổi bật nhất của Anderson là: Tại sao trên một phạm vi lãnh thổ dù có đa phần người dân chưa bao giờ gặp mặt nhau họ vẫn cảm thấy cùng chia sẻ một bản sắc, một kí ức chung: "Điều này là tượng trưng vì các thành viên của quốc gia thậm chí cả những thành viên nhỏ nhất cũng sẽ không bao giờ biết hầu hết các thành viên đồng bào của họ, đã gặp gỡ họ, hoặc thậm chí chỉ là nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí của mỗi cuộc đời đều có hình ảnh về sự hiệp thông giữa họ"[3].

Lý giải điều này Anderson cho rằng, ý thức về một dân tộc gắn với sự xuất hiện của in ấn tư bản. Chính sự ưu việt của in ấn tư bản đã góp phần làm lan rộng ý thức về quốc gia, dân tộc như một sợi dây liên kết vô hình giữa những người dân trong một lãnh thổ: "Sự hội tụ của chủ nghĩa tư bản và công nghệ in ấn, sự đa dạng tai hại của ngôn ngữ loài người đã tạo ra các khả năng về một hình thức mới của cộng đồng tưởng tượng, trong hình thái cơ bản của nó đã thiết lập thời kỳ của các dân tộc hiện đại”[3]. Xung quanh luận điểm này của Anderson còn có nhiều tranh cãi khi nhiều học giả cho rằng công nghệ in ấn không thể ảnh hưởng đến các nước thuộc địa ở thời kì nhà nước hiện đại hình thành bởi tỉ lệ mù chữ của họ quá cao. Tuy nhiên, chúng ta có thể biện luận: thông qua đội ngũ trí thức, ý tưởng về dân tộc được truyền miệng qua các hình thức cộng đồng khác. Cho nên về cơ bản Anderson vẫn có lý khi kết luận như vậy.

Rất khó để xác định dân tộc có từ bao giờ khi lịch sử quá dài và thường bị bóp méo qua lăng kính của thời gian, nhưng chúng ta có thể chấp nhận ý tưởng của Anderson khi ông cho rằng: để dân tộc thật sự là một dân tộc khi những thành viên có sự liên kết chặt chẽ và ý thức về một quốc gia có chủ quyền, một lãnh thổ xác định là nhờ sức mạnh công nghệ in ấn hiện đại. Điều này lý giải tại sao thơ ca như một sức mạnh để liên kết các thành viên trong một dân tộc đặc biệt là sự đồng ca (unisonance).

Âm thanh, nhịp điệu và sự kết nối

Chúng ta có thể thử thống kê số lượng văn bản thơ ca về dân tộc để thấy sự lan tỏa của nó như thế nào. Anderson cho rằng: “Bất chấp những ngôn từ sáo rỗng và những giai điệu tầm thường, trong những bài hát đó vẫn có một cảm xúc của sự cùng hiện diện” (No matter how banal the words and mediocre the tunes, there is in this singing an experience of simultaneity)[1]. Gần đây, trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam, có xu hướng so sánh thơ ca giai đoạn đầu và giữa thế kỉ XX và thơ ca hiện nay, tôi cho rằng luận điểm này cũng có thể giúp các nghiên cứu đó có sự đánh giá khách quan hơn. Bởi, cuối cùng: “Không gì liên kết chúng ta hơn là âm thanh của sự tưởng tượng” (Nothing connects us all but imagined sound)[1].

Ở đây chúng ta có thể liên hệ tới các trận đấu bóng đá và âm thanh của nó. Sự ăn mừng chiến thắng trong một cộng đồng dù rằng họ không hẳn biết đến nhau nhưng vẫn cảm thấy sự xúc động vô hình liên kết đám đông lại. Họ hét lên, ôm lấy nhau bất chấp âm thanh đó ý nghĩa hay không. Họ cảm thấy gần gũi cho dù chưa bao giờ gặp mặt. Âm thanh hơn nữa có sức mạnh của sự cộng hưởng số đông, của “chúng ta”.

Điều này làm tôi nhớ đến các hình thức lao động thời nguyên thủy với các điệu hò. Âm thanh chính là sức mạnh tạo nên sự đồng thuận: “Có những điệu hò, dường như chỉ cần nghe tên gọi đã thấy rõ tính thực hành xã hội của nó được “cụ thể hóa” như thế nào. Chẳng hạn Hò giã gạo, thủa ban đầu ắt dùng trong khi giã gạo, Hò giật chì hẳn được dùng khi kéo lưới (vì viền tấm lưới đánh cá có buộc các cục chì, khá nặng khi kéo), Hò kéo gỗ để dùng khi cả nhóm người kéo cây gỗ nặng, Hò leo dốc dùng khi cả đoàn người gồng gánh cuốc bộ lên đèo cao, dốc ngược…”[6]. Cho nên giữa thơ và hò có những đặc điểm cốt lõi không thể thiếu, đó là nhịp. Chính nhịp và âm thanh đã tạo nên cảm giác cùng tồn tại và hiện diện, gắn kết như một cộng đồng. Nó cũng giống như đám đông cùng hô vang một khẩu hiệu và họ cảm thấy họ là một khối thống nhất với một mục tiêu thống nhất.

Cơ chế nhớ - quên và kí ức cộng đồng

Một luận điểm nữa của Anderson là cơ chế nhớ và quên (remembering and forgetting) của dân tộc. Chúng ta vẫn thường tranh luận về bút pháp của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa với hai cực: ta - địch; ta luôn thắng - địch luôn bại; ta luôn chính nghĩa - địch luôn phi nghĩa… Đúng hơn, cần thấy rằng, đó là bút pháp của chủ nghĩa dân tộc hơn là của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Không có dân tộc nào muốn nhìn vào những góc tối của nó. Những góc tối phải được quên đi, xóa đi và chỉ còn lại những hào quang chói lọi của chiến thắng. Anderson là một nhà nghiên cứu xã hội chứ không phải nhà văn nhưng cái nhìn của ông có thể được làm sáng tỏ hơn qua quan điểm về lịch sử của R. Barthes. Cũng vì điều đó mà R. Barthes cho rằng: viết lịch sử là hành động thông qua công việc của dữ liệu và là hoạt động của sản phẩm tư tưởng trong thời đại của nó. Ở đây có thể hiểu sự thật được đưa ra và hiện thực có một độ vênh nhất định. Sự thật được đưa ra đã được nhìn qua lăng kính chủ quan của ngôn ngữ. Và ngôn ngữ thì không hề trong trẻo và tinh khôi. Nhiều khi nó làm biến dạng hiện thực. Cho nên để làm rõ hiện thực đòi hỏi giải cấu trúc cho ngôn ngữ. Hiện thực nằm ở đằng sau sự thật được đưa ra, đằng sau ngôn ngữ.

Nếu chúng ta nhìn lại về lịch sử, ở đó có vô vàn các câu chuyện được viết ra mà đôi khi ngay bản thân tác giả cũng khó xác nhận được mức độ tin cậy của nó. Đó là cách sự ghi nhớ hoạt động. Nói cách khác, sự sản xuất ý nghĩa phụ thuộc vào cách sử dụng ngôn ngữ. Sự phổ biến của ngôn ngữ thể hiện sức mạnh của ý chí, của tư tưởng của thời đại và nó có thể đưa ra một sự thật khác hiện thực cho người đọc.

Hơn nữa, Anderson cũng lý giải tại sao dân tộc cần một kí ức chung (collective memory) thông qua sự hồi sinh các giá trị truyền thống. Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi với thơ: Từ bao giờ thơ lục bát trở thành thể thơ truyền thống của dân tộc và có chỗ đứng đàng hoàng trong văn học viết. Bởi trước thế kỉ XX, nó vốn chỉ là một thể loại thứ cấp trong văn học thời phong kiến. Rõ ràng việc gợi dậy các giá trị cũ, các huyền thoại, giá trị văn học dân gian là một phần trong việc xây dựng kí ức chung cho một dân tộc. Điều này cũng thể hiện trong giáo dục nhà trường. Khi một đứa trẻ đến tuổi nhận biết, nó sẽ được học về các giá trị truyền thống, các bài học lịch sử… Nói cách khác, nhà trường mang chức năng quan trọng trong việc hình thành và duy trì ý thức dân tộc. Chúng ta cũng có thể áp dụng cái nhìn tương tự với những yếu tố khác như: bảo tàng, di cư, biên giới… trong mối quan hệ với dân tộc. Mặt khác, kí ức chung không chỉ thông qua việc hồi sinh các giá trị cũ mà nó còn thể hiện ở việc đưa ra các cảnh vật, các địa danh của vùng đất như những cột mốc của lãnh thổ. Đó là việc tái lập không gian trong thơ, và từ thơ chuyển hóa thành kí ức của con người về lãnh thổ và chủ quyền.

3.Nhận diện sức mạnh và vượt qua sự thù hằn, hạn hẹp

 

Như đã đề cập ở trên, tuy chỉ là trong phạm vi liên quan đến văn học, lý thuyết “Cộng đồng tưởng tượng” của Anderson quá phức tạp cho bản thân người viết. Bài viết chỉ cố gắng đưa ra một cái nhìn khái quát nhất về vấn đề này trong mối quan hệ với thơ ca ở một vài khía cạnh biểu hiện của nó. Bài viết cũng hy vọng bổ sung thêm một khảo sát về khoa học xã hội và chủ nghĩa dân tộc - vấn đề vốn còn thiếu một hệ thống lý thuyết thật sự. Tranh luận về “Cộng đồng tưởng tượng” còn cần nhiều thời gian, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của B. Anderson, như John Breuilly khẳng định: Cộng đồng tưởng tượng của Anderson không chỉ giúp các học giả và sinh viên Đông Nam Á nhận thấy sự hình thành ý thức dân tộc mà còn giúp họ có cái nhìn vượt lên sự cầm tù hạn hẹp của chủ nghĩa dân tộc.

Tất nhiên, ở đây, chúng ta có lẽ nên hiểu là chủ nghĩa dân tộc là cần thiết với sức mạnh của nó trong bất kì cuộc chiến nào, nhưng đừng để nó nuốt chửng chúng ta trong sự thù hằn không lối thoát.

Tài liệu tham khảo

  1. Anderson Benedict,Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London: Verso, 1983
  2. John Breuilly, Benedict Anderson ‘s Imagined Communities: a symposium, Journal of the Association for the study of ethnicity and nationalism. 2016.
  3. Đặng Thị Vân Chi (dịch), “Benedict Anderson: Dân tộc - Những cộng đồng tưởng tượng”,http://vanhoanghean.com.vn
  4. Lương Xuân Hà, “Một xu hướng không thể chấp nhận khi nghiên cứu dân tộc” http://www.nhandan.com.vn
  5. Hoàng Hồng Minh, “Trung Hoa có nhiều điều khác người Việt”, http://vietnamnet.vn/vn
  6. Bùi Trọng Hiền, “Tản mạn về hò - Một thể loại dân ca độc đáo”, http://www.hoinhacsi.vn

Nguyễn Nhật Huy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy