Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:25 (GMT +7)

Một vài nét về dòng Văn học hoang tàn của Đức

VNTN - Dòng Văn học hoang tàn (tiếng Đức: Trümmerliteratur) là một dòng văn học riêng có của một nền văn học lớn - văn học Đức. Nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn (1945 - 1950), nhưng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong nền văn chương Đức đương đại.

Các tác giả của dòng Văn học hoang tàn phần lớn là những người lính trẻ bị giam giữ trong các trại tù binh sau chiến tranh hoặc đã trở về quê hương. Vì thế những tác phẩm đầu tiên của dòng văn học này cũng có ở trong các tạp chí của các trại tù binh chiến tranh (ví dụ như tạp chí Tiếng gọi). Thời kỳ văn học đặc trưng này của Đức đã không phát triển từ những truyền thống văn học Đức trước đây, mà tìm những hình mẫu của nó trong các truyện ngắn Mỹ và trong thuyết hiện sinh Pháp. Ban đầu, phần lớn các tác giả trẻ của thế hệ thanh niên này mới bắt đầu sáng tác văn chương và không tiếp tục truyền thống của các mảng Văn học Quốc xã, Văn học di cư nội địa và Văn học lưu vong.

Dòng Văn học hoang tàn kết thúc vào đầu những năm 50, khi nước Đức bắt đầu với công cuộc xây dựng lại và dần dần giành lại chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ (ngày 7.9.1949 Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập, và vào ngày 7.10 năm đó Hiến pháp của Cộng hòa Dân chủ Đức được ban hành), cùng với sự vững mạnh của người Đức trong nguồn lực tài chính và xã hội. Ngoài ra cũng phải nhắc đến sự ra đời của Nhóm 47, tiếp đến là nền văn học của Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ quãng thời gian này nền văn học hậu chiến Đức để lại dấu ấn chủ yếu qua các nhà văn lớn như Heinrich Böll, Günter Grass, Arno Schmidt và thay thế dòng Văn học hoang tàn.

Đề tài và mô-típ của dòng Văn học hoang tàn

Đức Quốc xã đã sử dụng tiếng Đức vào việc tuyên truyền và kích động quần chúng. Đồng thời chúng khuếch trương tư tưởng trong ngôn ngữ, vì một số từ nhất định không còn chứa đựng sự cắt nghĩa trung lập được dùng để tuyên truyền cho các giá trị đạo đức quốc xã. Vì thế những từ như "kiêu hãnh", "dân tộc" hoặc "thuần chủng" bị lạm dụng cho những mục đích tuyên truyền, để việc sử dụng những từ này chỉ còn chứa đựng ý nghĩa quốc xã. Ngoài ra Đức Quốc xã sử dụng những từ mới để tô vẽ, che giấu và ca ngợi chuỗi hành động tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của chúng. Một ví dụ cho sự tạo ra từ mới của bọn Quốc xã là cụm từ "giải pháp cuối cùng". Tuy nhiên, cụm từ mới đầu nghe như là vô hại này biểu thị một trong những sự tàn ác xấu xa nhất ở Đế chế Thứ ba (Đức Quốc xã) - cụm từ lóng hàm ý chỉ sự tận diệt người Do Thái, và sau này ở trong các trại tập trung tại châu Âu.

Lên án, đả phá ý thức ngôn ngữ này của Quốc xã, các tác giả của dòng Văn học hoang tàn muốn đạt được thành tựu cùng với mối quan hệ cũ giữa ngôn ngữ và văn chương. Qua quá trình thanh lọc ngôn ngữ (quá trình thủ tiêu chủ nghĩa Quốc xã), ngôn ngữ cần được giải phóng bởi hệ tư tưởng. Cả trên phương diện hình thức lẫn trên phương diện nội dung, người ta muốn xác định ranh giới với những truyền thống văn học cũ và muốn bắt đầu một sự khởi đầu mới. Người ta muốn lịch sử nước Đức bắt đầu lại từ con số 0. Dòng Văn học hoang tàn phản ánh điều kiện sống của con người ở trong các trại tù nhân chiến tranh, trong các thành phố đổ nát và trong các vùng chiếm đóng. Tình cảnh không quê hương, sự phiêu bạt trong một thế giới bị tàn phá và sự sụp đổ của các giá trị đạo đức trước đó là các mô-típ của dòng văn học này. Tội lỗi tập thể của người Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai và trong việc tàn sát người Do Thái là đề tài chủ yếu. Trong chiến tranh, bản thân nhiều tác giả là lính Đức và là công dân của Đế chế Thứ ba. Việc viết, mổ xẻ và sự luận tội ấy cho thấy quyết tâm của người Đức, họ không bao giờ cho phép quá khứ đen tối lại xuất hiện hoặc sống lại.

Bút pháp và thể loại của dòng Văn học hoang tàn

Các truyền thuyết anh hùng Đức, các thiên sử thi và nền văn học tuyên truyền được coi là những kẻ gọt giũa văn hóa trong Đế chế Thứ ba và là bảo bối. Tuy thế, đến thời kỳ của dòng Văn học hoang tàn, phong cách bút pháp dựa vào văn học cổ điển khi thể hiện ít được hoan nghênh. Thực tế cho thấy, văn học nổi trội trước hết qua sự cô đọng, qua lối hành văn sắc sảo và qua một phong cách ngôn ngữ giản dị. Cái gọi là thừa nhận sự thật đòi hỏi ở dòng Văn học hoang tàn là nó phải tả thực và chân thực. Những tác phẩm của dòng văn học này không chú trọng vào việc mổ xẻ tâm lí, và phần lớn bỏ qua việc cắt nghĩa hay đánh giá sự việc. Một thể loại được yêu thích của dòng văn học này là truyện ngắn, vì nó đặc trưng cho một sự khởi đầu tự do, là một sự kết thúc mở và thích hợp cho những cách nhìn từng lớp và chủ quan vào cuộc sống thường nhật của người dân Đức ở thời kỳ này.

Một số nhà văn tiêu biểu của dòng Văn học hoang tàn

Wolfgang Borchert (1921 - 1947): Sự nghiệp sáng tác (bao gồm các truyện ngắn, thơ, kịch) tuy tương đối ngắn ngủi nhưng đã làm cho ông trở thành một trong những tác giả nổi tiếng nhất của dòng Văn học hoang tàn.

Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985): Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…

Hans Bender (1919 - 2015): Ông là lính Đức bị bắt làm tù binh ở Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Sau khi được trả tự do trở về Đức, ông bắt đầu con đường văn chương của mình bằng việc sáng tác thơ và truyện ngắn. Ông từng làm việc cho Tạp chí Văn học Konturen, Tạp chí Akzente, Tạp chí Magnum và tờ báo Deutsche Zeitung.

Wolfdietrich Schnurre (1920 - 1989): Ông là nhà thơ trữ tình và nhà văn lớn của nền văn học Tây Đức thời hậu chiến. Ông để lại khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, đã nhận được nhiều giải thưởng văn học của Đức. Từ 1950 ông là nhà văn tự do. Năm 1947 ông là đồng sáng lập viên của Nhóm 47 và là thành viên của PEN (chữ viết tắt gồm những mẫu tự đầu tiên của Poets, Essayists và Novelists - các nhà thơ, nhà viết tiểu luận và tiểu thuyết gia).

Elisabeth Langässer (1899 - 1950): Bà là một nữ nhà văn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Cơ đốc giáo. Đề tài sáng tác chính của bà là sự xung đột giữa việc sống bản năng giống như quỷ Satan và việc sống giống như các thiên thần. Bà trở nên nổi tiếng trước hết là nhờ những bài thơ trữ tình, các truyện vừa và truyện ngắn của mình.

Heiner Müller (1929 - 1995): Ông là một trong những nhà viết kịch nổi tiếng của Đức, thế kỷ 20. Ngoài ra ông còn là nhà văn, nhà thơ trữ tình, đạo diễn, giám đốc nhà hát và chủ tịch Viện hàn lâm Nghệ thuật Berlin (Đông Berlin).

Phạm Đức Hùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy