Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
22:53 (GMT +7)

Một tài liệu bổ ích cho việc dạy – học tiếng Tày

VNTN - Đó là cuốn sách “Tiếng Tày cơ sở” (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2015) do nhà nghiên cứu ngôn ngữ - nhà giáo Lương Bèn (chủ biên) và tác giả Đào Thị Lý biên soạn.

Với 200 trang in, đúng như tên gọi, cuốn sách đã cung cấp những kiến thức căn bản, nền tảng, nhằm giúp người đọc có được những hình dung, hiểu biết mang tính tổng quát về tiếng Tày, từ đó có thể học tập và sử dụng tốt hơn thứ tiếng này.

Cuốn sách được mở đầu bằng phần “Tiếng Tày và quá trình phát triển”, giúp bạn đọc làm quen với dân tộc Tày, với tiếng Tày. Phạm vi sử dụng tiếng Tày hiện nay chủ yếu là ở các tỉnh thuộc khu Việt Bắc (cũ). Ngoài ra, nó còn được dùng tại các tỉnh vùng Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu… Tiếng Tày là ngôn ngữ sớm có chữ viết, bảng chữ cái hiện nay gồm 31 chữ cái chính và 3 chữ cái phụ. Chữ cái chính dùng trong việc viết sách giáo khoa và văn bản của các cơ quan Nhà nước, chữ cái phụ dùng để ghi âm tiếng địa phương. Cũng qua đây, độc giả biết được “Tiếng Tày thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đại bộ phận các từ, nhất là các từ cơ bản - là từ đơn tiết. Từ không biến đổi hình thức khi thay đổi chức vụ ngữ pháp trong câu. Phương thức biểu thị ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu là trật tự từ, hư từ và ngữ điệu”.

Sau phần Mở đầu, cuốn sách đi vào 4 chương nội dung cụ thể, mỗi chương là một bình diện của khoa học ngôn ngữ, được miêu tả và phân tích với những đặc điểm căn bản nhất, đó là: 1/ Ngữ âm và chữ viết Tiếng Tày; 2/ Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Tày; 3/ Ngữ pháp tiếng Tày;     4/ Các biện pháp tu từ. Các tiểu mục trong mỗi chương đã cung cấp cho người đọc những kiến thức ngôn ngữ học mang tính nền tảng, căn bản và rất chi tiết về tiếng Tày.

Trong cuốn sách, một nội dung rất đáng chú ý là phần nghiên cứu về “phụ từ” (Phần III - Ngữ pháp tiếng Tày). Tiếng Việt và tiếng Tày đều có phụ từ, song tiếng Tày sử dụng loại từ này nhất quán hơn. Người Tày rất có ý thức trong việc phân loại các phụ từ. Chẳng hạn: đứng trước danh từ chỉ công cụ cầm tay, người Tày đều dùng phụ từ mạc, như mạc pjạ (con dao), mạc thây (cái cày), mạc khêm (chiếc kim)…, còn tiếng Việt thì không có sự nhất quán như vậy (có thể thấy ngay trong ví dụ trên, thay vì dùng 1 phụ từ như tiếng Tày, thì tiếng Việt sử dụng tới 3 phụ từ: con, cái, chiếc). Tác giả đã giới thiệu và phân loại, phân tích khá rõ về loại từ này, góp phần giúp người dùng tiếng Tày khắc phục được những lỗi sử dụng bắt nguồn từ vấn đề giao thoa ngôn ngữ.

Một đóng góp đáng kể nữa của cuốn sách “Tiếng Tày cơ sở” là phần phụ lục về “Trợ từ tiếng Tày” (trang 174). Tiếng Tày hiện nay được sử dụng chủ yếu là phục vụ hội thoại. Trong ngôn ngữ hội thoại, trợ từ đóng vai trò quan trọng. Trợ từ có 3 chức năng chính: bộc lộ tình cảm, thái độ của người nói; đánh giá về điều được nói đến; thể hiện yêu cầu, mong muốn của người nói với người nghe. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lương Bèn chính là người đầu tiên có công tập hợp, hệ thống hóa các trợ từ trong tiếng Tày và giải thích ngữ nghĩa của chúng. Việc làm này mang lại ý nghĩa thiết thực và hiệu quả trong giao tiếp, giúp người nghe thuận lợi trong việc tiếp nhận và hiểu nội dung ý nghĩa mà người nói muốn truyền đạt.

Với kết cấu nội dung khoa học, văn phong giản dị, mạch lạc, bằng những ví dụ sinh động, gần gũi… có thể nói, cuốn sách như đã dung hòa được chất hàn lâm học thuật với tính phổ thông, đại chúng. Điều này giúp việc tiếp cận nội dung cuốn sách trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Cuốn sách vì thế sẽ là cẩm nang hữu dụng cho nhiều đối tượng, từ các cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các vùng đồng bào dân tộc đến những giáo viên và học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường chuyên nghiệp, cũng như những người yêu thích và có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Tày nói chung.

Sau hai cuốn sách công phu là “Slon Phuối Tày” (Học tiếng Tày) và “Từ điển Tày Việt”, nhà nghiên cứu Lương Bèn tiếp tục dành tâm sức để khẳng định thành quả lao động đáng trân trọng bằng cuốn “Tiếng Tày cơ sở” - một trong những tài liệu có giá trị về khoa học lẫn thực tiễn về tiếng Tày.

Được biên soạn bởi người có thâm niên nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ, lại là một người Tày trong vùng tâm* (Bạch Thông - Bắc Kạn), cuốn sách thực sự là một tài liệu đáng tin cậy, hữu ích trong việc dạy và học tiếng Tày, phần nào khắc phục được tình trạng khiêm tốn về tài liệu học tiếng Tày hiện nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

* Tiếng Tày có nhiều biến thể theo các địa phương khác nhau, trong đó có vùng tâm (các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn) và các vùng biên.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy