Một số vấn đề cần chú ý khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ATK Trung ương
VNTN - Qua theo dõi các bài viết đăng trên các báo trung ương, địa phương, các trang thông tin điện tử của một số ngành, địa phương, đơn vị… cho thấy nhiều tác giả chưa hiểu rõ về An toàn khu (ATK) Trung ương cũng như hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ở và làm việc tại đây trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới đây là một số vấn đề xin được chia sẻ.
1. Tỉnh Thái Nguyên nằm trong ATK Trung ương?
Viết “Tỉnh Thái Nguyên nằm trong ATK Trung ương” là chưa chính xác, bởi chỉ có một phần của tỉnh nằm trong ATK. Các cuốn sách lịch sử đều ghi rõ: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm An toàn khu (ATK) Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Vì vậy, có thể viết rõ các địa danh trên hoặc viết “Một vùng rộng lớn thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn được chọn xây dựng ATK Trung ương”, nhưng không thể viết 3 tỉnh trên nằm trong ATK.
Bác Hồ trong Chiến dịch Biên Giới, năm 1950. Căn lều dựng tạm khi Người trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch. Ảnh tư liệu BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến trái chiều khi tranh luận: Tân Trào (Tuyên Quang) và Định Hóa (Thái Nguyên), địa phương nào được gọi là “trung tâm” của Thủ đô kháng chiến”? Những người theo quan điểm cho rằng Tân Trào (Tuyên Quang) là trung tâm vì tại đây, có tới 65 bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương đóng trụ sở làm việc tại 146 địa điểm trên địa bàn tỉnh để lãnh đạo của cuộc kháng chiến. Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” ghi: “…các khu ATK Thái Nguyên có vai trò rất quan trọng của Thủ đô kháng chiến. Vì ở đó, Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và nhiều cơ quan trọng yếu của Trung ương đã ở, làm việc. Ở đó cũng là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Năm 1997, khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc”, Đại tướng khẳng định: “trung tâm Thủ đô kháng chiến là Định Hóa”.
2. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về ATK Định Hóa?
Viết như vậy chưa chính xác (tiếc rằng một số bài viết, chương trình kỷ niệm… vẫn ghi như vậy). Có thể vắn tắt thế này: Một số cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã di chuyển lên Việt Bắc từ cuối năm 1946, đầu năm 1947. Ngày 3/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), qua Phú Thọ rồi đến ở tại Tuyên Quang. Sau một thời gian, Người di chuyển từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên. Sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” viết rất rõ về sự kiện này:
“Trên đường di chuyển lên ATK, mờ sáng ngày 4/3/1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang đất Phú Thọ. Cùng đi với Người có 8 cán bộ, vừa làm cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng... Từ ngày 2/4/1947, Bác Hồ ở tại làng Sảo (xã Bình Phú, còn có tên gọi là xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương - lúc đó gọi là châu Tự Do, tỉnh Tuyên Quang)... Tối 19/5/1947, từ làng Sảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ, giúp việc trèo đèo, lội suối sang ATK Định Hóa. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc) và ở đó cho đến ngày 11/10/1947”.
Như vậy, ngày 20/5/1947, khi di chuyển sang ATK Định Hóa, Người chỉ đi cùng 8 cán bộ phục vụ (cận vệ, liên lạc, cấp dưỡng) chứ không đi cùng ai ở Trung ương Đảng, Chính phủ. Đây là mốc đánh dấu thời gian Bác bắt đầu đến ở và làm việc tại vùng ATK thuộc tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện này có thể viết như sau: “Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
3. Bà Ma Thị Tôm “Hiến đất, nhường nhà cho cách mạng”?
Câu chuyện về bà Ma Thị Tôm ở xã Phú Đình cho rằng mình là “hàng xóm”, từng nấu cơm phục vụ Bác Hồ đã gây nhiều tranh cãi, sau đó các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã kiểm tra, kết luận đây là thông tin sai sự thật và đề nghị các cơ quan báo chí không khai thác nhân chứng này. Nay bà Tôm đã mất (năm 2013), nhưng một số nhà báo vẫn “xào” lại thông tin sai lệch đó. Thậm chí, một tờ báo điện tử đăng bài ngày 16/8/2019 vẫn có ảnh phóng viên ngồi nghe bà Tôm “kể chuyện” và ghi chép, với chú thích ảnh “Bà Ma Thị Tôm trao đổi với phóng viên”!
Một tờ báo có uy tín của trung ương đăng bài năm 2017 dẫn lời ông Lương Đình Nhân, con trai cả của bà Tôm: "Nhà có cái lán trên đỉnh đồi Tỉn Keo đã nhường lại cho Bác Hồ và cách mạng". Nhưng tại Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc 1947 - 1954” do Tỉnh ủy Thái Nguyên và Viện Lịch sử Đảng tổ chức năm 1997, trong bài tham luận của mình, đồng chí Tạ Quang Chiến - một trong những người trực tiếp bảo vệ và giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này - đã khẳng định: “Từ khi trở lại Việt Bắc, Bác Hồ và cơ quan giúp việc không ở nhà dân mà làm lán, nhà sàn ở trong rừng, có hầm trú ẩn chắc chắn, mọi sinh hoạt của cơ quan phải tự lo liệu, không có một người nào ngoài cơ quan nấu ăn cho Bác Hồ như có sự hiểu lầm vừa qua”. Điều này cũng phù hợp với bài viết đăng trên trang web của Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa: “Hồi tháng 4 năm 1948, Bác đến ở còn heo hút, hổ bắt mất con “tu ma” (con Chó) do bảo vệ nuôi. Để giữ bí mật nơi Bác ở và các cơ quan Trung ương, mọi người dân Lục Giã thực hiện “ba không”: không nghe, không biết, không thấy”. Như vậy, có thể thấy, thời điểm đó, ở Định Hóa dân cư thưa thớt, các cơ quan làm lán ở trong rừng núi để ở chứ không nhờ dân “nhường nhà”, “hiến đất” để làm doanh trại.
4. Diễn tập đánh Điện Biên Phủ tại Định Hóa?
Chúng ta đều biết, ATK Định Hóa là nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Sau khi nghe báo cáo của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đã phân tích tình hình, nhất trí thông qua và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình).
Tuy nhiên, trên một số bài viết đăng trên một vài tờ báo của địa phương và trung ương cho rằng: khi đó tại xã Đồng Thịnh (ATK Định Hóa) đã diễn ra cuộc diễn tập thực binh để đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Viết như vậy không chính xác, có thể do tác giả liên tưởng hoặc viện dẫn theo suy đoán của người khác, gây cho người đọc sự ngộ nhận.
Về sự kiện này, tác giả Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã có bài “Xung quanh việc “Đánh “tập đoàn cứ điểm” trong căn cứ kháng chiến”: Hiểu thế nào cho đúng?” đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 20, ra ngày 14/5/2019, phân tích rất rõ. Theo TS. Nguyễn Xuân Minh, việc tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm tại xã Đồng Thịnh là do yêu cầu của kháng chiến từ sau khi quân ta đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, chứ không phải là để chuẩn bị cho chiến dịch “tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Vì thời điểm này chưa hề có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vậy thì không thể có mục tiêu giả định là “tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” để đánh. Trên thực tế, chấp hành Nghị quyết tháng 5/1953 của Tổng Quân ủy về chỉnh huấn chính trị và quân sự, về mặt chiến thuật, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu bộ đội học đánh công sự mới (boongke) và đánh tập đoàn cứ điểm. Đầu tháng 7/1953, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm và sử dụng một trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 diễn tập thực binh. Đó là Trung đoàn 102. Nơi tổ chức diễn tập là xóm Bản Soi thuộc xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa.
5. Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp
Một số bài báo đăng trên các báo, tạp chí của trung ương, địa phương cũng có sự nhầm lẫn hoặc hiểu/ viết chưa đúng về sự kiện này. Chẳng hạn, một tác giả viết: “Ngày 28/5/1948, tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ diễn ra tại xã Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và 10 đồng chí khác từ hàm thiếu tướng trở lên”. Viết như vậy có 2 điểm sai: (1) Thực tế, Lễ thụ phong được tổ chức vào buổi chiều, sau phiên họp của Hội đồng Chính phủ chứ không tổ chức trong cuộc họp đó. (2) Chỉ tổ chức Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, không thụ phong quân hàm cho các tướng lĩnh khác.
Sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” cho biết: ngày 20/1/1948, tại Khuôn Tát (Phú Đình, ATK Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh phong cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp ở cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là, Sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân, tự vệ; Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm cấp Thiếu tướng cho các đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam, Lê Thiết Hùng - Tổng Thanh tra Quân đội quốc gia Việt Nam, Nguyễn Sơn - Khu trưởng Chiến khu IV, Hoàng Sâm - Khu trưởng Chiến khu II, Chu Văn Tấn - Khu trưởng Chiến khu I; Sắc lệnh số 112/SL, phong quân hàm cấp Thiếu tướng cho các đồng chí Trần Tử Bình - Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ, Văn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Chính trị, Lê Hiến Mai - Chính ủy Chiến khu II...”.
Thông tin đăng trên trang web của Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa cho biết: Vào 13 giờ chiều 28/5/1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình, Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam.
Trên đây, tác giả chọn ra và phân tích một vài nội dung thông tin chưa chuẩn xác trên báo chí khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ATK Trung ương. Rải rác, còn một số thông tin khác cũng chưa được chính xác, song không thể nêu hết trong bài viết. Rất mong quý độc giả tiếp tục trao đổi, làm rõ để các thông tin đảm bảo tính chân thực, nhất là khi viết về đề tài lịch sử cách mạng.
Trần Thép
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...