Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
03:07 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Trần Danh Khải

Như dây leo hướng về phía mặt trời

Quang Khải

"Cũng may vì sinh ra chưa được sướng giờ nào cho nên mới thành công và có khó khăn nào mình cũng vượt qua được. Chứ bố mẹ lo cho từ A - Z chắc chắn sẽ không trưởng thành được như vậy đâu". Từ bé, người chị "thần tượng" chính là Bác Hồ. Những lúc khó khăn lại nghĩ đến Bác, một con người đầy ý chí và nghị lực, chị lại tự an ủi mình gắng vươn lên...

Chị Gái (hàng sau, thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên Hội Văn học nghệ thuật huyện Định Hoá

 Chị khá cao, người hơi gầy, đã nói thì cứ liền mạch. Đặc biệt là kể về biểu diễn và hoạt động văn học nghệ thuật thì chị hào hứng đến nỗi, người khác rất khó chen vào. Chị là Nguyễn Thị Gái - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Định Hoá, người sống hết mình với văn học nghệ thuật bởi như chị nói, hoạt động nghệ thuật cho chị rất nhiều...

Vừa gặp chị đã khoe ngay: “Vừa rồi Hội văn học nghệ thuật tỉnh cho 6 triệu tiền trà nước rồi. Mình đang đi vận động huyện và dưới Nhà văn hoá tỉnh. Sắp tới sẽ làm hội thảo Lượn Lồng Tồng cổ lần II đúng dịp chào mừng đại hội Đảng các cấp.”

Sợ chúng tôi không hiểu chị giải thích cặn kẽ: Ở Định Hoá Lượn Lồng Tồng là đặc sắc nhất nhưng nếu không có ý thức lưu giữ và bảo tồn một vài năm nữa các nghệ nhân lớp trước “nằm xuống” thì những những bài ca cũng theo các cụ mà thất truyền. Sắp tới là hội thảo Lượn Lồng Tồng cổ lần II . Lần này là sưu tập các bài Lượn ở khu vực phía Nam của huyện. Sưu tầm Lượn Lồng Tồng cổ là chủ chương chung của Hội Văn học nghệ thuật Định Hoá và được huyện rất ủng hộ.

Chị Gái là như vậy, lúc nào cũng tất tưởi với việc chung. Những người hiểu thì rất quý và khâm phục chị, một người phụ nữ biết vượt lên hoàn cảnh không may mà bản thân chị và gia đình đã phải gánh chịu để đứng vững vàng trong cuộc sống. Còn người không biết thì mỉa mai: ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, làm văn học nghệ thuật huyện thì lợi lộc gì, chỉ mệt thân. Mệt thì có mệt thật nhưng chị thấy vui, chị thấy cái “tiếng tù và” của mình phù hợp với văn nghệ sĩ, những người vốn có “cái tôi” rất lớn, sống tình cảm nhưng đầy cá tính.

Chị Gái không được đào tạo chính quy về nghệ thuật mà chị học cao đẳng sư phạm để về làm cô giáo. Ra trường chị dạy học ở Đại Từ vài năm rồi chuyển về Định Hoá dạy học tại trường THCS Phúc Chu, vừa dạy học vừa hoạt động phong trào cho ngành và huyện. Hồi đó giáo viên cực khổ phải ăn sắn ăn khoai, lĩnh lương bằng phân đạm, phân lân. Nhiều người không chịu được phải bỏ nghề về lo cơm áo thì chị vẫn bám trụ.

 Rồi chồng chị đi xuất khẩu lao động tận Bungari, đúng lúc chiến tranh vùng vịnh, bỏ chị ở nhà với 2 con nhỏ và bố mẹ chồng. Nhà 5 miệng ăn, chị tuy làm hiệu phó trường THCS của huyện nhưng phải xoay sở đủ kiểu: đi lấy củi, đêm đi cất vó trộm để kiếm thức ăn.

Cứ thế chị vật lộn với cuộc sống ngày, buổi sáng hết tiết giảng chị Gái lại nhịn đói vào tận đèo So lấy củi, chiều tranh thủ họp hội đồng triển khai công việc. Cuối tuần đem củi ra chợ bán.

Củi chị lấy được toàn củi mục bán rất khó khăn. Có lần giao bán mãi chẳng ai mua. Gặp một đồng nghiệp thương hại mua lại xe củi với giá bèo bọt. Thấy mình hoàn cảnh quá, là hiệu phó mà lại không bằng nhân viên chị cảm thấy lời nói không có trọng lượng. Thế là chị làm đơn và lên gặp Trưởng phòng giáo dục, chị bảo: cho em xin thôi hiệu phó để khỏi bôi bác cho ngành. Sau đó do vấn đề sức khoẻ và tâm lí không thoải mái chị xin chuyển xuống dạy cấp I.

Giọng chị chùng xuống, nghẹn ngào khi kể về những vận hạn của gia đình: “Người ta bảo cuộc đời của văn nghệ sĩ không mấy người được hạnh phúc. Chẳng biết cái nghiệp nó vận vào mình hay tại tuổi con trâu nên vất vả”. Đời chị luôn gặp sống gió. Đại “hạn” cứ liên tiếp nhằm vào gia đình. Hết bệnh của của chồng rồi bệnh của cháu nội. Còn bản thân chị trong người bao nhiêu thứ bệnh, nặng nhất là bị ung thư đại tràng. Bao nhiêu năm mang trong mình cái khối u nguy hiểm. Ngày còn dạy học, bụng lúc nào cũng to phềnh như có chửa. Chị Gái cao 1,6m chỉ nặng có 39 - 40 kg, người thì mệt mỏi nhưng hàng ngày chị vẫn phải lên lớp, ai nhìn cũng ái ngại cho hoàn cảnh của chị.

Vừa vất vả, vừa ức chế nhiều mặt trong ngành. Dù là giáo viên giỏi, tổng phụ trách giỏi, Năm 2006, chị Gái quyết định xin nghỉ hưu sớm để dành thời gian biểu diễn nghệ thuật. Chị đi diễn, giàn dựng chương trình khắp cả huyện. Cứ tấu hài, tiểu phẩm, kịch… của các ngành đi dự thi là đều “a lô” gọi chị Gái. Được làm những điều mình thích, mặc dù phải đi diễn nhiều nhưng sức khoẻ chị ngày càng tốt hơn, còn cái khối u cũng tiêu dần đi rồi biến mất. Hiện tại người chị lúc nào cũng 53 - 54 kg, sức khoẻ cũng đã tốt hơn.

Nước mắt chảy xuôi, gần nửa đời lo cho các con, đến giờ chị cũng chưa được yên. Bao nhiêu lương hưu anh chị giành hết chữa bệnh cho cháu nội. Cháu  bị úng thuỷ não, lúc mới sinh đã bị dị tật đầu cứ phình to ra, gần 5 năm không nhấc nổi đầu phải nằm một chỗ. Chữa chạy khắp nơi chẳng khỏi mà cũng không phát hiện ra bệnh. Đến năm 5 tuổi mang cháu về Viện nhi Thuỵ Điển mới phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ đã phẫu thuật và đặt ống dẫn lưu. Nhưng do bọc dịch lâu ngày đã quá to tuy không ảnh hưởng đến trí não nhưng chèn mất dây thanh, giờ đầu cháu đã bình thường nhưng không nói được, muốn  diễn đạt chỉ làm dấu hoặc ú ớ trong miệng.

 Nhà có mấy sào ruộng vừa trồng hoa vừa cấy lúa để cung cấp lương thực cho gia đình. Còn tiền biểu diễn dàn dựng, tiền kịch bản chị tiết kiệm, được đồng nào đều thắp hương rồi cất lên bàn thờ, coi như là lộc trời. Chỉ khi nào cần mua các vận dụng cần thiết phục vụ nghề cũng như các vận dụng trong gia đình mới dùng đến. Chị tự hào khoe với chúng tôi. Tất cả các vật dụng trong nhà: mua ti vi, sắm bàn ghế, đầu đĩa, tủ lạnh… đều là tiền “cát sê” của chị. “Đến giờ bệnh tật được đầy lùi thuốc dùng cơ bản là “liều thuốc tinh thần”. Mình giống như nhà bác học biết được thời tiết nên thắng được thổ dân: các ngươi mà chói ta đốt ta, ta lấy đi mặt trời của các ngươi”.  Chị cười thoải mái và khẳng định chắc chắn: “Mình là giáo viên sinh học nên biết được nhịp cơ thể của bản thân và hiểu không có gì bằng tinh thần được thoải mái”.

 Như cây dây leo hướng về ánh măt trời. Cuộc sống tuy gặp nhiều những oan ức, gian nan nhưng lại tạo nên một con người chị với đời sống nội tâm rất đặc biệt. Kịch bản chị Gái viết ra chính là gan ruột, là tâm sự của mình. Dù các tiết mục được giải Nhất hoặc giải Nhì giải ba thì cũng luôn có ấn tượng với hội thi. Khán giả luôn có ấn tượng với đoàn Định Hoá. Nhắc đến các giải thưởng gương mặt chị sáng bừng lên một niềm hạnh phúc: “Mình thành công cũng là do đời sống nội tâm của mình. Cũng may vì sinh ra chưa được sướng giờ nào cho nên mới thành công và có khó khăn nào mình cũng vượt qua được. Chứ bố mẹ lo cho từ A - Z chắc chắn sẽ không trưởng thành được như vậy đâu". Từ bé, người chị "thần tượng" chính là Bác Hồ. Những lúc khó khăn lại nghĩ đến Bác, một con người đầy ý chí và nghị lực, chị lại tự an ủi mình gắng vươn lên.

Khán giả cứ hình dung có những lần trên sân khấu chị phải đóng tới 3 vai trong một tiểu phẩm. Hoá trang bằng cách mặc cả 3 bộ quần áo của 3 nhân vật. Nhân vật nào diễn trước thì mặc quần áo ngoài, diễn sau thi mặc ở trong. Vừa đọc tấu là người Dao xong, lại đóng vai bà mẹ, rồi đến đứa con. Mặc áo Dao xong lại lột quần áo Dao, chùm khăn đen, đội cái bụng thành bà chửa. Đến con thì mặt giống mẹ nhưng không thể thay vai được, chị sáng tác luôn cho mẹ bị ốm vào viện, thế là con xuất hiện… Chị cười thoải mái tâm sự: Đi diễn không bao giờ đóng 1 vai, ít nhất phải 2 vai. Vì đời sống nội tâm như vậy, đang cười chị có thể khóc được. Vừa đóng vai người già vừa đóng vai trẻ con. Có những vở diễn chị phải lồng đến 5 thứ tiếng.

 Những năm gần đây Hội văn học nghệ thuật Định Hoá làm được khá nhiều việc: triển lãm ảnh nghệ thuật Định Hoá, tổ chức quảng bá sách VHNT Định Hoá trong các trường Phổ thông, tổ cho các hội viên đi thực tế sáng tác tại Cao Bằng. Vừa rồi lại nhân dịp thành lập chi hội sân khấu, để ra mắt nhân dân trên toàn huyện, hội đã tổ chức đêm công diễn để quyên góp nạn nhân chất dộc màu da cam. Tổng số tiền quyên góp được gần 18 triệu trong đó đã mạnh dạn đấu giá 2 bức tranh của hội viên được gần 2 triệu.

Hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn “bão giá” đã khó. Với những hoạt động của huyện lại càng khó hơn. Cái khó nhất vẫn là kinh phí. Một năm huyện cho 40 triệu trong đó phải lo bao nhiêu việc, bao nhiêu hoạt động. Cũng may ở mảnh đất An toàn khu từ lâu đã là mảnh đất có truyền thống sáng tác văn học nghệ thuật.

Chị tự tin nói: “Làm văn học nghệ thuật nhưng cũng phải có cái đầu maketting một tí. Làm văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng, cứ bám sát vào vào các Nghị quyết của huyện mà làm.  Soạn Thảo các văn bản giấy tờ theo nghị quyết của Đảng, Huyện uỷ duyệt, Uỷ ban đồng ý, sang bên tài chính là “ok” luôn”.

 Nhưng đôi khi Nghị quyết còn chưa kịp đi vào cuộc sống. Những lúc đó thực sự khó khăn. Có thời gian chị đã bỏ tiền túi  ra để trang trải cho hoạt động hội. Đó là năm 2009 chi hội Định Hoá có quyết định “nâng cấp” lên thành Hội VHNT Định Hoá. Khi làm mọi thủ tục công nhận huyện cũng không dám ra quyết định, tỉnh cũng chưa đồng ý. Mãi cuối cùng Hội VHNT tỉnh phải ra quyết định công nhận. Khi hoàn tất thủ tục thì đã đến tháng 6 năm 2010. Lúc đó tài chính mới “giót” về 15 triệu. Trong khi đó bao nhiêu những hoạt động của hội từ đầu năm như Ngày thơ Việt Nam, Hội Lồng Tồng… vẫn phải đảm bảo và phải dùng đến tiền. Vậy là từ lúc thành lập hội đến lúc được công nhận chị đã phải bỏ tiền túi ra 13triệu. Chị Khẳng định: Làm gì cũng vậy, hoạt động VHNT càng phải như vậy, khó khăn nhưng không được nản lòng. Không phải cứ đợi tiền rồi mới làm. Phải làm để mọi người biết, để khẳng định khả năng hoạt động của hội, biết được cái “lực” của hội.

Trong câu chuyện về cuộc đời nhiều lần chị Gái nói: Đời chị chưa được một ngày được hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ những lúc chị được đứng diễn dưới ánh đèn sân khấu, được hoá trang vào nhân vật, được thể hiện kịch bản là lúc chị được giải toả những tâm sự, những u uẩn trong lòng. Mà người ta bảo, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia sẻ. Đã và sẽ có rất nhiều người trong huyện, trong tỉnh đồng cảm với nỗi lòng của chị.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy