Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:46 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Thưởng

Khoảng trống

Nguyễn Thưởng

VNTN - Cứ mỗi lần mở tủ đựng quần áo, ông Hà lại nhìn vào cái khoảng trống, nơi từng treo chiếc áo bành tô.Một cảm giác rất khó tả, sự trộn lẫn của một nỗi xót xa hiện tại với nỗi thương nhớ ký ức lại dâng lên trong ông.

Ký ức ấy đầy ắp kỷ niệm của một thời du học ở đất nước rộng một phần sáu quả địa cầu, nổi bật dòng chữ CCCP kiêu hãnh.Kỷ niệm về chiếc áo bành tô lúc nào cũng đeo đẳng ông như một món nợ nghĩa tình.

Ấy là vào một ngày rét dưới không độ, tuyết ở trên trời rơi lả tả như những cánh hoa trắng, tuyết ở dưới đất két vào nhau xôm xốp dưới bước đi lạo xạo.Cả không gian một màu xám nhạt, tóc râu quần áo cũng mang mầu tuyết, tê cứng. Chỉ có quả tim đang đập rộn ràng chuyển gấp máu đi khắp cơ thể chống chọi với cái rét khắc nghiệt ở xứ người.

Hôm ấy, ông Hà lạ lẫm đi bộ vô tình lạc vào một khu phố đông đúc, người đi tất bật nhả khói hoà vào những bông tuyết, không ai quan tâm đến việc của ai, họ đi làm hay đi chơi cũng vội vàng như thế. Ông chưa quen với cái rét, lại mặc không đủ ấm nên chỉ đi được một lát, người đã run cầm cập.Rồi thì toàn thân trở nên tê buốt, từ dầu ngón chân trở lên.Sự chịu đựng, sự chống đỡ cứ vơi dần mà nơi ở đã lạc lại càng xa vời vợi.Ông nép người vào một mái hiên, tâm trạng bối rối đến tột độ.

Ông hy vọng gặp được người công an của nước bạn để trình giấy và nhờ họ đưa về, nhưng càng mong càng chẳng thấy. Cơ thể gần như tê cứng, cái rét ngấm tận xương tuỷ, buộc ông phải ngồi xuống để thu nhỏ diện tích, cũng là để tăng sự chống đỡ, kéo dài thêm giờ phút hiểm nghèo. Trong lòng ông tràn ngập một nỗi hoảng sợ về điều bất hạnh sắp xảy ra.Dẫu ở đất nước văn minh bậc nhất thế giới vẫn có thể có điều tồi tệ, bất ngờ.Ông cầu Chúa, ông làm dấu thành và nuôi hi vọng mỏng manh. Và Chúa đã ban điều kỳ diệu cho ông. Ấy là một cặp vợ chồng người bản địa, họ khoác tay nhau đi qua và đã dừng lại trước ông. Chắc họ biết ông là người xứ nóng không quen cái lạnh thấu xương, cộng với sự cô đơn nên khó lòng vượt qua sự nguy nan. Người đàn ông cởi chiếc áo bành tô còn khá mới khoác lên người ông với đôi mắt và nụ cười cảm thông sâu sắc, rất đàn ông. Người vợ đứng sát chồng, đôi môi tô son đỏ thắm, nụ cười đẹp như đoá hồng nhung tôn thêm gương mặt nữ hoàng trong truyện cổ tích Nga. Ông Hà như người chết đuối vớ được cọc, thực sự bối rối và vô cùng cảm kích.Ông vội vàng đưa giấy tờ tuỳ thân cho họ để chứng minh mình là người tử tế, có địa chỉ, có quốc tịch, cần sự trợ giúp của họ. Dẫu ngôn ngữ bất đồng nhưng bằng ánh mắt, cử chỉ, lớn hơn nữa là tấm lòng ấm áp, họ đã đưa ông đến ký túc xá của mình rồi mới chia tay. Ông Hà trả lại tấm áo bành tô vô cùng quý giá, nhưng thật bất ngờ, người đàn ông không nhận. Hai vợ chồng họ thay nhau ra dấu từ chối, họ nói với ông hàng loạt từ gì đó mà ông bập bõm hiểu là "tao cho, tao tặng, tao kỷ niệm lần gặp gỡ đặc biệt này" rồi họ khoác chung tấm áo của người vợ cùng đi rất nhanh, chỉ gửi lại những nụ cười hồn nhiên, nhân hậu.

Suốt bảy năm học tại Nga cho đến khi làm luận văn tiến sĩ, ông luôn ao ước dù chỉ là một lần gặp lại vợ chồng người ân nhân ấy để mà cảm ơn từ đáy lòng mình, để nói: "Nếu không có Chúa phù hộ, không có ông bà nhân đức thì tôi đã thành con ma lạc trên đất khách quê người". Nhưng Chúa không cho ông cơ may ấy một lần nữa. Để tri ân họ, ông chọn đề tài: "Tinh thần nhân bản của người Nga trong cộng đồng quốc tế" để  làm luận văn tiến sĩ.

Ngót nửa vòng thế kỷ từ cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy, chiếc áo bành tô luôn như người bạn gắn bó với ông. Ông cài lên ngực áo tất cả những tấm huân huy chương, huy hiệu lấp lánh rồi trịnh trọng móc vào ngăn tủ chờ dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ngày thành lập Quân đội, các ngày Tết cổ truyền dân tộc, ngày thành lập Đảng … ông mới lấy ra mặc. Đôi khi ông còn mặc vào buổi gặp gỡ hữu nghị giữa những người bạn  với những người Việt từng lao động, học tập ở Liên Xô. Từ trong sâu thẳm, ông luôn hy vọng chiếc áo sẽ là cầu nối để ông tìm lại được chủ nhân đáng kính của nó.

Ông Hà đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, vóc dáng đã hao gầy theo tuổi thọ mà chiếc áo tuyết vẫn còn giữ mầu đen nhánh, nhãn hiệu Made in USSR gắn ở cổ chưa sờn. Người ta nói rằng nhà thiết kế thời trang và nhà sản xuất muốn nó phải đóng góp cho đời một trăm năm, làm ấm áp một đời người trọn vẹn.

Những năm gần đây Trái Đất biến đổi, khí hậu thất thường, bão lụt, lũ ống, lũ quét, lũ ống, động đất, lở đất, rét đậm, rét hại liên miên làm thiệt hại sức người sức của ghê gớm và vì đó sẽ có thêm rất nhiều người vật lộn với cuộc sống để tồn tại, để mưu sinh. Sẽ có thêm những người qua đó mà nghèo đói, rét mướt, mất cửa mất nhà.

Trong một đợt vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khó khăn ở vùng sâu vùng xa, sau  nhiều đêm suy nghĩ, ông Hà quyết định ủng hộ chiếc áo bành tô với hy vọng tấm áo đến với một người đàn ông nào đấy ở vùng sâu vùng xa đang rét run cầm cập giống như ông ngày ở bên nước Nga. Ông hình dung người đàn ông đó sau khi mặc chiếc áo ấm áp tình người ấy, đã thoát ra khỏi những thanh củi đốt sưởi khói um, mạnh mẽ bập xuống mảnh vườn những nhát cuốc cho cây trái xanh tươi góp phần làm đẹp, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Ông Hà trải tấm áo xuống giường, nhẹ nhàng tháo những huân huy chương, huy hiệu cất vào hộp. Một vài vết kim băng gài lâu ngày làm han lốm đốm như hạt vừng trên ngực áo, một vài vết tích của tàn thuốc lá làm ông trách sự vô tình. Ông nói thầm với tấm áo: "Hôm nay mày hãy vui vẻ đi về một vùng quê nghèo nào đó và nói với ông ấy rằng đây là quà tặng của một người dân Nga". Ông Hà gấp gọn tấm áo vào hộp cát tông nắn nót viết dòng chữ "Một người bạn Nga ủng hộ".ông ngắm nghía chiếc hộp và hài lòng ngồi đón những người trong cuộc vận động đến nhà.

- Ông ơi sao quà ủng hộ của ông  lại ghi của người Nga? – một người hỏi.

- Chuyện dài nhưng đúng là của một người Nga – ông nói.

- Nhưng mà ở tổ ta không có danh sách người Nga vì còn phải báo cáo lên phường, nói thế nào cho thuận.

-Tôi hiểu rồi, hiểu rồi, các chị cứ ghi vào sổ là ông Hà ủng hộ thay mặt một người Nga, ổn chưa.

Bẵng đi một thời gian, vào dịp mùa xuân ông Hà được một người bạn đồng ngũ ở miền núi mời lên dự tiệc cưới. Ông vinh dự được chủ nhà mời ngồi mâm trên để tiếp những người lãnh đạo địa phương. Chén rượu chúc mừng đầu tiên chưa kịp chạm, ông phát hiện tấm áo bành tô của mình cũng có mặt, trong một tư thế sang trọng nhất mâm. Những vết han lốm đốm ở ngực, vết tích tàn thuốc lá làm ông nghèn nghẹn. Ông còn nghe được hồn của cái áo nói rằng nó đã đi nhầm địa chỉ.

Một cơn tụt huyết áp bất ngờ, mồ hôi vã ra như tắm. Ông xin phép người bạn ra về, vừa đi vừa nuốt khan những điều khó nói hoặc không bao giờ nói xuống dạ.

Bây giờ cái khoảng trống trong ngăn tủ vẫn còn nguyên, coi như chiếc áo chưa hề xa ông hoặc ít ra hồn của nó sẽ quay trở về với ông.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy