Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:22 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền

Hoạ sỹ Lan Hương, tranh và đời

VNTN - Lâu nay, khi xem tranh của chị, tôi thường thán phục cái tài hội hoạ của người hoạ sỹ đầy cá tính này. Nhưng cái bản lĩnh can trường, nghị lực phi thường trong đời thì quả là hôm nay, ngồi chuyện trò cùng chị, tôi mới tỏ. Người đàn bà ấy đã dám bước qua số phận, thanh thản từ bỏ mọi quyền lợi vật chất, để được tự do đến với hội hoạ - niềm đam mê cháy bỏng từ ngày còn bé xíu. Và tôi chợt hiểu, hội hoạ chính là cuộc sống của chị.

Bị đòn vì tìm đến với hội hoạ.

Lan Hương kể, từ ngày bé tí xíu, chị đã mê vẽ. Chị mê mải vẽ chi chít những gì mình nghĩ được lên tường. Và những bức tường sau nhà chị chỉ thực sự được rửa sạch sau mỗi cơn mưa rào mùa hạ. ấp ủ giấc mơ hội hoạ, học hết lớp 8, 14 tuổi, chị trúng sơ tuyển vào Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, nhưng mẹ chị kiên quyết không cho đi thi. Theo quan niệm của bà, chỉ có nghề giáo viên mới được trọng vọng, vì vậy con gái bà nhất nhất phải học nghề làm cô giáo. Không lay chuyển được quyết định của mẹ, Lan Hương nghĩ cách ngấm ngầm thực hiện ước vọng của mình. Cô bé đã ăn trộm một thúng thóc của gia đình, đem đến nhờ dì ruột mua giúp để có tiền đi thi. Giấu kỹ 2 đồng bạc trong người, nhè lúc buổi tối cả nhà không để ý, Hương mang nốt chiếc xe đạp ra giấu ở đồi chè sau nhà. Sáng hôm sau, Hương vẫn dậy sớm nấu cơm cho cả nhà như thường lệ. Cơm vừa cạn, vùi tro để cơm chín, cô bé lẳng lặng lấy xe đạp, đạp một mạch từ Phổ Yên lên thành phố. Dọc đường, những câu chuyện ma do mẹ kể cứ theo nhau về ám ảnh cô bé. Những cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng khi nghĩ rằng đang có ai đuổi theo sau mình rất lẹ khiến cô bé “guồng” liên hồi, đến thành phố trời mới bắt đầu sáng. Phố xá vắng teo, đạp mãi lên đến cầu Gia Bẩy, mới có một người đàn ông đang quét sân, chỉ đường cho quay về rạp Quyết Tiến để trung tuyển. Chiều hôm ấy về đến nhà, Hương đã bị mẹ dùng đòn gánh đánh cho một trận nhớ đời. Nhưng cô bé nhất quyết không chịu xin lỗi với ý nghĩ bướng bỉnh mình không có lỗi.

Hương dễ dàng vượt qua kỳ thi đó, nhưng để được vào học tại Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, còn phải thi 1 vòng nữa trong thời gian 1 tuần tại trường. Lại phải “xin vắng mặt” của mẹ một thúng thóc mang xuống nhà dì. Lần này, biết là đi dài ngày, dì đưa cho cháu 5 đồng. Hương đi tàu hoả, rồi đi xe ngựa, hết 2 hào thì đến được trường lúc đó ở Đồng Bẩm. Đến nơi, thấy các bạn ai cũng có người nhà đưa đi và đều có giá, mầu vẽ rất đầy đủ, trong khi mình chỉ có tờ giấy và chiếc bút chì xanh đỏ, cô bé bỗng thấy sợ và tủi thân vô cùng. Với 5 đồng bạc cầm theo, mỗi bữa Hương chỉ dám ăn 1 hào bánh rán, tối đến thì vào hội trường xem học sinh tập, xem xong thì nằm co ro trên ghế, ngủ luôn tại đó, sáng hôm sau lại dậy thi tiếp. Cứ thế, đến ngày thứ 4, thầy hiệu trưởng tình cờ bắt gặp, biết hoàn cảnh trốn nhà đi thi, liền đón về nhà cho ăn cơm…Ngày thứ 5, mẹ lên trường tìm. Nhìn thấy mẹ, cô bé can trường bỗng oà khóc nức nở!... Và kết cục là Lan Hương đã trở thành học sinh khoá 6 (1977- 1981) của trường VHNT Việt Bắc với kết quả thủ khoa.

Mãi sau này, năm 1993, khi đã làm mẹ, ước mơ chưa thôi cháy bỏng, Lan Hương lại thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng do chồng không ủng hộ, học được 2 tháng, chị phải bỏ dở. Đến năm 1995, chị lại đi thi đại học. Khi trở về đã bị một trận đòn thậm tệ. Và đó chính là lí do cuối cùng khiến chị quyết định rẽ cuộc đời mình sang hướng khác: chia tay với chồng, để lại toàn bộ tài sản, mang theo 2 con ra đi làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng và nỗi khát khao cháy bỏng: được vẽ.

Vậy là 2 lần chị tìm đến với hội hoạ thì cả 2 lần chị đều bị đòn, và trận đòn nào cũng để lại nỗi đau trên cơ thể nhưng nó không dập tắt được tình yêu của chị dành cho môn nghệ thuật mà mình yêu thích. 

Luôn dẫn đầu lớp và hộp sơn dầu kỷ vật!

Vậy là lòng quyết tâm không gì lay chuyển nổi của cô bé 14 tuổi đã khiến người mẹ phải nhượng bộ. Mặc dù muộn mất 2 tháng do mẹ giấu biệt giấy gọi đi, nhưng cuối cùng thì Lan Hương vẫn được nhập học do cô Trưởng phòng Giáo vụ tiếc cô học trò có điểm thủ khoa mà không thấy đến học nên đã gửi thêm một giấy gọi nữa về trường, ước mơ đã trở thành hiện thực với Hương. Ngay từ đầu Hương đã chứng tỏ khả năng của mình và tỏ ra một năng khiếu thực sự. Chỉ có điều Hương không thể giống các bạn, tuân theo yêu cầu của thầy dạy. Vốn tính mạnh mẽ, định làm gì là làm ngay, Lan Hương không thể nộp những bài phác thảo cho thầy trước khi trả bài. Vì nếu vậy thì thể nào lần vẽ chính cũng sẽ cho ra đời một tác phẩm hoàn toàn mới lạ so với phác thảo. Định vẽ gì, chỉ cần nghĩ trong đầu, “phác thảo” trong óc, rồi cầm cọ, hối hả chép lại, vậy là xong. Nghe có vẻ lạ, có vẻ “A-ma-tơ”, nhưng lại hoàn toàn là sự thật. Điều đó, phải chăng cho thấy một lối tư duy mạch lạc và một sức sáng tạo mãnh liệt trong Lan Hương? Các thầy giáo - hoạ sỹ Lê Như Hạnh, hoạ sỹ Nguyễn Chính hồi đó rất không hài lòng về cô học trò Lan Hương ở điểm này, nhưng bù lại, các bài tập của Lan Hương bao giờ cũng đạt kết quả tốt, thậm chí rất tốt. Vậy là các thầy cũng thể tất.

Tốt nghiệp loại ưu cùng với một bạn nữa, được nhà trường thưởng cho một tấm toan và một hộp sơn dầu. Tự chia nhau, cô bạn lấy tấm toan, còn Hương nhận hộp sơn dầu, nhưng chị không dùng ngay (mặc dù đang rất thèm vẽ một bức sơn dầu ra hồn!). Chị hẹn với 3 người bạn thân trong lớp sẽ gặp nhau tại trường Đại học Mỹ thuật và cùng nhau mở hộp sơn này. Nhưng rồi hộp sơn dầu đó đã mãi trở thành kỷ niệm đẹp trong ký ức của những người bạn ấy. Còn giảng đường đại học thì ngày càng xa vời vợi đối với Lan Hương. Mãi đến năm 2000, khi đã có công việc ổn định, được lãnh đạo cơ quan đồng ý, chị mới thực hiện được ước mơ đi học đại học. Nhân đà, chị học luôn cao học chỉ với mong muốn đơn giản: Biết được nhiều hơn để giảng giải cho con. 

Làm vợ - hội hoạ chỉ còn là ký ức!

Bây giờ khi nghĩ lại, Lan Hương vẫn cho rằng đó là khoảng thời gian buồn bã nhất trong đời chị, bởi chị đã phải từ bỏ hội hoạ vì người chồng không ủng hộ. Không hề đả động đến nỗi khổ sở dày vò như những phụ nữ khác khi cuộc hôn nhân không suôn sẻ, chị chỉ tiếc khoảng thời gian quá dài ấy đã không được vẽ một bức tranh nào. Thậm chí, không được "lai vãng" chút nào tới "mảnh đất" hội hoạ đầy kỳ thú. Mọi đam mê, chỉ còn khắc khoải trong tâm tưởng, hoặc thi thoảng bật ra qua những câu hát ru con đầy hình ảnh và mầu sắc...Lan Hương là thế, thiếu thốn vật chất - không là gì; công việc vất vả - không là gì, nhưng không được sống cùng hội hoạ thì  lại là cả một vấn đề đáng kể. 

Sống, tức là được theo đuổi niềm đam mê của mình.

Chấp nhận chỉ mang theo 2 con ra khỏi nhà để làm lại cuộc đời, ba mẹ con chị đã phải trải qua những ngày cực kỳ khó khăn về vật chất. Không nhà cửa, một mình nuôi 2 con nhỏ, sự thiếu thốn luôn luôn bủa vây. Lan Hương nhớ lại, mồng 1 Tết năm 1998, trong nhà chỉ còn đúng ba nghìn năm trăm đồng, ba mẹ con không dám đi đâu... Chợt chị nhìn vào gương, thấy mình rất đẹp với chiếc áo màu đỏ. Vậy là nảy ra ý định vẽ. Một bức chân dung đẹp đã ra đời như thế khiến chị hài lòng. Kể từ đó, như có chất đô-pinh trong máu, chị lao vào vẽ, hối hả như sợ rằng nếu không hối hả như thế thì mọi thứ sẽ không còn tồn tại cho mình vẽ nữa.

 Chất liệu mà Lan Hương ưa dùng là sơn dầu, bởi không dịu dàng như lụa, không dung hoà như phấn màu... Sơn dầu gắt gao, mạnh mẽ và sù sì như khía vào cảm xúc. Sau này, khi có điều kiện tiếp xúc với gốm, chị đã phát hiện ra gốm cũng rất tuyệt vời và bốn năm nay, chị lại chọn thêm cho mình một chất liệu, đó là men gốm. Lan Hương cho biết, sáng tác trên men gốm rất thoải mái, có thể tung hứng được. Hơn thế, men gốm thường mang lại những điều rất bất ngờ khi đã qua lửa. Có những lúc vẽ xong chỉ nghĩ rằng đạt 5 phần, nhưng nung xong hiệu quả sẽ là gấp đôi. Điều đó khiến người ta phải hồi hộp. Nhưng vẽ trên gốm cũng khó hơn, vì thế mà hiện nay cả nước có lẽ chỉ có mình chị sáng táchội hoạ trên gốm.

Đề tài Lan Hương hay thể hiện là tĩnh vật và phong cảnh, vì nó dễ phản ánh đời sống, hơn nữa, cảm xúc của hoạ sỹ dễ bộc bạch hơn. Không cầu kỳ về nội dung, gặp gì vẽ nấy: một bông hoa, một nhành cây... đều là cái cớ để tác phẩm của chị được ra đời. Thậm chí, đang trên xe buýt, bỗng dưng một bức tranh hiện lên trong óc, vậy là về nhà, hối hả chép lại, cũng thành tác phẩm. Rồi đọc một tứ thơ hay, một truyện ngắn đẹp, cũng gợi cho chị nảy ra một tứ, một chủ đề cho sáng tác. Qua cái nhìn của chị, cảnh vật, con người đâu đâu cũng đẹp, chỉ tiếc không có thời gian mà vẽ, vậy nên nghe một số hoạ sỹ kêu rằng không biết vẽ cái gì, chị rất ngạc nhiên! Lan Hương vẽ rất nhiều. Chính xác là bao nhiêu thì chị cũng không nhớ, nhưng không dưới hai trăm bức. Chị bán khá nhiều tranh, vì tranh là nguồn sống của mẹ con chị. Thời buổi này, nghệ sỹ sống được bằng tác phẩm là quý lắm, nhưng chị bảo bán được tranh chưa hẳn đã là vui. Năm 2003, Triển lãm cá nhân tại Hà Nội, bán được bức "Hoa gạo" giá 200 USD, khi nhận tiền, chị đã khóc. "Y  như chị Dậu dứt ruột bán con mình đi vậy", Lan Hương tâm sự, "kể cả sau này, khi việc bán tranh đã trở nên rất bình thường rồi nhưng vẫn không sao tránh khỏi ngậm ngùi". Tôi rất thích việc Lan Hương chọn hình ảnh chị Dậu bán con để so sánh với việc bán tranh của mình! Điều này, nói ra là thừa nhưng không nói lại thiếu, hẳn phải "mang nặng đẻ đau" lắm lắm mới nặng tình với đứa con tinh thần của mình đến thế. Những người như thế, có nhiều không?

Tranh của Lan Hương cho thấy một lối vẽ rất mãnh liệt, gấp gáp, hối hả, đầy ắp cảm xúc khiến người xem không thể dửng dưng. Nó mãnh liệt, hối hả và yêu ghét rõ ràng như con người chị vậy. Xem sê-ri tranh về hoa hướng dương gồm 30 bức của chị, vừa được triển lãm tại Hà Nội vào tháng 10 năm ngoái, ghi lại cả quá trình biến đổi của đời hoa hướng dương từ nụ, đến hoa, thành quả, rồi cây, với cách thể hiện phong phú đã chứng tỏ sự tinh tế và nhạy cảm của người nghệ sỹ. ở bức "Sau bão" cũng vậy, đặc tả một thảm hướng dương bị đổ rạp sau cơn bão tàn phá, nhưng từng mầm, từng nụ lại trỗi dậy, quyết liệt như chưa hề có sự gục ngã nào... Rồi 30 bức tranh gốm về phong cảnh Hà Nội vừa triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 nữa, ở đâu cũng thấy sự đau đáu của nghệ sỹ với đời, với người và với mình. Xem tranh chị, người xem thấy ấm lòng bởi sự lạc quan, bao dung ẩn hiện đâu đó.

Chưa hề nhận thấy sự mệt mỏi trong nụ cười của chị. Tôi nghĩ sức sáng tạo của Lan Hương đang độ chín. Cuộc sống đã ổn định, mua được nhà, hiện sống giữa Thủ đô, khó khăn đã phải buông tha mẹ con chị. Thầm cảm phục chị nhiều điều và tôi bật cười một mình khi nghĩ đến 2 điều ước của chị: một là có một chỗ để gom hết tranh của mình hiện đang gửi khắp mọi nơi về; hai là ước một ngày có 72 tiếng để có thể thực hiện được 70% dự định của mình. Và tôi chỉ còn biết mong cho nụ cười của hoạ sỹ Nguyễn Thị Lan Hương luôn rạng rỡ như tôi đang thấy! 

Tháng 1, 2008

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy