Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:56 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Minh Hằng

Cho chữ

VNTN - Tôi thề rằng chưa gặp ai "thông kim bác cổ" như ông. Bất cứ lĩnh vực nào ông cũng có thể đàm luận khúc triết, hùng hồn, có lý có tình kinh khủng. Cuộc nói chuyện nào có ông y như rằng người nghe chỉ có há hốc mồm từ đầu đến cuối, ai mạnh dạn lắm cũng chỉ dám đưa ra một vài câu hỏi rụt rè rồi chỉ còn việc "vâng ạ" và gật đầu như bổ củi mà thôi.

Chẳng ai bảo ai mọi người đều gọi ông là "giáo sư" mặc dù ai cũng biết ông là giảng viên đại học xoàng xoàng, nghỉ hưu trước tuổi 5 năm.

Tài viết chữ thư pháp của ông mới gọi là nhất. Cái bút lông với nghiên mực vào tay ông cứ như biết múa. Bút thì dẻo như bún, mực thì sánh như thạch. Ông chỉ hươ tay một cái là chữ bay ra. Xem ông viết mà tim tôi đập thình thịch như hồi trẻ con đi xem người ta làm xiếc.

Tôi đồ rằng cả tỉnh này người ta treo chữ ông viết. Toàn những chữ oai phong cả: Dũng, Nhân, Trí, Nghĩa, Tâm, Tài, Đức…

Đừng nghĩ ông bán chữ kiếm tiền. - Nghĩ thế nó hèn người đi, chữ thánh hiền quý lắm, người quý chữ càng hiểu giá của chữ, người hiểu giá của chữ là người sang trọng, biết chưa? - Đó là câu ông mắng tôi một lần tôi dại dột hỏi ông rằng: - Ông bán bao nhiêu một chữ?

Hôm ấy, đang ăn cơm, vợ tôi gác đũa bảo:

- Anh có thể mời giáo sư về nhà mình chơi một buổi được không?

Tôi ngẩn người ngắm vợ. Quái, vẫn là cô vợ xộc xệch ngủ cùng giường hàng ngày mà tôi thấy lạ. Vợ tôi ý, nói chẳng phải là coi thường ả đâu nhá, ả chỉ biết có đếm tiền là thạo nhất. Thì đấy, tối nào cũng như tối nào, cơm chưa xuôi xuống dạ dày là ả mang cái bịch tiền cáu bẩn vào buồng, thả màn, đổ ra giường đếm đếm vuốt vuốt, trông rõ tởm.

Tôi gắt: - Gớm chết, mấy đồng tiền lẻ đếm mãi, mà sao phải buông màn, cho đỡ mùi à?

Tôi mắng thế ả cũng chả giận, chỉ xị cái mặt đã phì phị những thịt, chớp chớp đôi mắt hẹp như sợi chỉ mà cười khình khịch.

Trông càng ghét.

Đúng là vợ chồng là duyên, là số thật. Lắm đêm không ngủ được tôi cứ vật mình bên phải lại bên trái tự hỏi sao đời chả cho tôi người vợ xứng tầm hơn. Hồi trẻ, ả chẳng xinh hơn giờ mấy tí. Nhưng ả mặc cái áo xanh mậu dịch, đứng sau quầy thực phẩm trông có duyên đáo để. Tôi học đại học ra hẳn hoi mà trước ả chân cứ muốn khuỵu xuống. Cái mã đẹp giai của tôi bé tí so với vài lít nước mắm với cân thịt ả xách về nhà tôi mỗi tuần. Rồi chúng tôi “ăn cơm trước kẻng”. Đám cưới của tôi khiến nhiều người thèm. Dào ôi, có cô con dâu làm thương nghiệp á, cả họ được nhờ ấy chứ.

Hồi mới về nhà chồng ả tuyên bố: nhà này ăn ngon mặc đẹp là nhờ có ả, chồng chỉ là thằng vô tích sự “sáng cắp ô đi tối cắp về” lương tháng không bằng ả tuồn hàng cửa sau một ngày.

Có lần lấy hết can đảm, tôi phân tích cho ả biết: cái nhan sắc “chim chết, cá ươn” của ả mà lấy được tôi là phúc rồi, tức thì ả cong đôi môi chuối hột lên kể cho tôi nghe “có người gấp vạn lần anh yêu tôi ấy nhá, chẳng may người ta chết thôi nhá”. À á, thì ra Thị Nở này đã từng có một Chí phèo say đắm. Anh ta con bà giáo trường huyện, học hành đến nơi đến chốn lắm, những mấy bằng đại học cơ. Mà yêu Nở nhà tôi như phải bùa. Đưa đưa, đón đón suốt. Còn tặng thơ nữa, khen Nở xinh, duyên, dịu dàng, thông minh (tôi thật sự khâm phục trí tưởng tượng siêu phàm của anh ta). Vợ tôi không nói điêu đâu, ả vác mặt lên đưa cho tôi xem tập thơ gần trăm bài. Thật, khen nức khen nở. Tôi không sành về thơ lắm, nhưng cũng biết lục bát là câu 6 đi với câu 8, thất ngôn là 7 chữ, bát cú là 8 câu, nhưng so mớ lý thuyết ấy với tập thơ của người tình vợ tôi thì trật lấc hết. Thú thật là lúc đọc những câu yêu thương nhão nhoét tôi suýt ghen, nhưng nghĩ: Dở à, ghen gì với người đã chết. Thế lại thôi.

Quên, quay lại chuyện giáo sư. Bỗng dưng hôm nay ả lại ngỏ ý muốn mời giáo sư về nhà.

Tôi dịu dàng: - Em xin chữ để trở thành nhà thơ à?

Ả cau mặt, biết tôi mỉa.

- Đừng có giở cái giọng khinh người. Tôi đây học hết cấp 2 thôi thật nhưng cũng hiểu biết chả kém ai.

Rồi ả mềm giọng: Em muốn trấn trạch bằng chữ. Các chị ở ngoài chợ ý, các chị ý bảo ý, là cứ mời người hay chữ về, họ cho một chữ, dán ở chỗ nọ, chỗ kia, là sẽ khác ngay. Cái đó gọi là luật phong thủy.

- Ha ha, sao cô bảo không mê tín dị đoan?

- Em nói nghiêm túc đấy. Dạo này em thấy trong người nôn nao khó chịu, nóng giận bất thường, vợ chồng cũng hay cãi vã nên muốn xin giáo sư một chữ treo ở buồng ngủ làm bùa anh ạ.

- Thông minh đột xuất - tôi buột miệng - được, anh duyệt ý tưởng này.

***

Nằn nì mãi tôi cũng thuyết phục được giáo sư đến nhà tôi, vừa là "thăm nhà em, vừa là chỉ giáo cho vợ chồng em về đường ăn ở". Giáo sư nhận lời khiến tôi mừng húm, ra ngoài gọi tắc xi xong liền bấm điện thoại cho vợ bảo đi chợ chuẩn bị cơm rượu mới cái phong bì kha khá cho buổi xin chữ thánh hiền.

Về đến nhà, tôi đã thấy vợ đi chợ xong, thức ăn để tú hụ trong bếp, kèm mảnh giấy - em chạy ù ra chợ mua ít hoa quả tráng miệng.

Giáo sư chắp tay sau đít đi vòng vòng, gật gù khen nhà tôi đẹp. Ông vuốt ngược mấy cọng tóc trên đầu chỉ lên bức tường chính giữa phòng khách bảo nên treo ở đó một chữ Đức.

- Đức là một khái niệm triết học, đạo đức quan trọng và phổ quát trong các truyền thống đạo học phương Đông. Chữ đức có nhiều nghĩa như đạo đức, đức hạnh, điều thiện, ân đức. Đức là cái biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người. Mình treo chữ Đức là thể hiện quan niệm, thái độ sống của mình, của dòng họ mình, người ngoài nhìn vào là hiểu, không cần phải nói nhiều.

- Nhưng thưa giáo sư, em sợ giáo sư viết bằng chữ Hán, ít người biết - Tôi thẽ thọt.

- Yên tâm đi, tôi sẽ chú giải bằng 4 câu thơ - à, như vậy là cái khung phải to gấp đôi. Càng đẹp. Bề thế lắm. Cậu treo vào chỗ này.

- Dạ, vâng. Mời giáo sư lên trên gác ạ. Chả là nhà em muốn xin một chữ treo ở buồng ngủ…

Giáo sư lại hất ngược mấy cọng tóc lên suy nghĩ. Rồi ông phán: Phải treo chữ Hạnh. Từ này sâu sắc lắm, ý nói răn dạy người vợ phải tiết hạnh. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn hạnh phúc.

Tôi phải bịt mồm để khỏi bật cười. Ôi trời, Nở nhà tôi ra đường có ai nhìn đến 3 giây không quay mặt đi là tôi có thưởng, cần gì phải tiết mới hạnh.

Mà quái, giờ này chưa thấy vợ về. Tôi gọi điện, máy “ngoài vùng phủ sóng không liên lạc được”. Con Nở này, lại sinh sự gì đây?.

- Mời giáo sư ở lại ăn cơm với vợ chồng em. Vợ em chưa về kịp, bác cứ ngồi xơi nước, em làm nhoáng cái là xong.

- Ấy ấy, không cần, tôi có việc phải về. Hai ngày nữa đến nhà tôi lấy chữ.

- Phiền quá, mong giáo sư thứ lỗi cho em nhé. Dạ, em có chút tiền gửi bác mua giấy mực giúp em, bác cầm cho em vui lòng.

Tôi cung kính đưa cái phong bì 2 triệu đồng, trả tiền tắc- xi tiễn giáo sư ra cổng. Vừa quay lưng tôi thấy vợ lao vào sân. Mặt ả sưng như cái thớt lại nhòe nhoẹt nước mắt.

- Có chuyện gì? Tôi dằn giọng.

- Không chữ nghĩa gì nữa nhá - ả nức nở.

- Sao lại không, tôi trả tiền người ta rồi.

- Ôi giời ơi, hắn đấy.

- Hắn nào?

- Người làm thơ tặng em đấy.

- Sao…sao…sao cô bảo anh ta tai nạn giao thông chết rồi?

- Hu… hu, hắn lừa của em số tiền lớn rồi chạy làng, em chả có bằng chứng gì nên đành ngậm đắng nuốt cay. Lúc em về đến cổng thấy hắn xuống tắc - xi, em nhận ra ngay…

Thế rồi vừa gạt nước mắt trên khuôn mặt đen đúa ả vừa kể chuyện “mối tình đầu” của ả. Từ ngày ả bán hàng thực phẩm là hắn đón đường tán. Đẹp trai lại học hành tận Hà Nội về, ả bị hắn đốn gục nhanh chóng. Rồi cứ thế hắn thủ thỉ, đồng to đồng nhỏ mỗi lần ả nguệch ngoạc viết vài chữ vào mảnh giấy con con cho ai đó là có thể mua vài lạng thịt hay mét vải diềm bâu ả đưa cho hắn hết. “Em đưa anh gửi tiết kiệm, giữ tiền trong người nguy hiểm lắm, chúng ta mua đất làm nhà rồi cưới”. Ả sướng mê tơi, đôi mắt kẻ chỉ tít lại, ả càng ra sức móc ngoặc với “con phe”, tuồn lắm hàng ra cửa sau, viết những con chữ to bè và sai chính tả vào nhiều mảnh giấy đưa cho người nọ người kia.

Rồi hắn mua đất, làm nhà thật, nhưng là cho cha mẹ hắn và rước về cô vợ rõ xinh. Ả nghe tin, xắn váy quai cồng chạy đến nhưng người ta chặn lại. Hắn ra nhìn ả dửng dưng: - Cô có mê ngủ không đấy?. Giáo viên đại học như tôi mà lấy cô ư? Cô bảo tôi cầm tiền của cô á? Cô đưa cho tôi lúc nào? Giấy tờ đâu?

Hắn dồn cho một trận ả đuối lý đành cúp mặt đi về.

Đấy, rồi ả lấy tôi.

Duyên số thời bao cấp mà.

***

Hôm sau tôi đến nhà giáo sư. Ông đã viết xong chứ Đức với chữ Hạnh, nhưng tôi bảo ông cứ giữ làm kỷ niệm.

Ông cũng không hỏi tại sao.

Từ hôm đó tôi không gọi ông là giáo sư nữa mà gọi là ĐẠI CA.

Chúng tôi thân nhau từ đó. 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy