Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
13:42 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Hữu Bài

Bài 1:                 KHÚC MÙA THU

Trời vẫn xanh màu mắt tuổi hẹn hò,

Gió vẫn hát lời thì thầm thiếu nữ,

Người vẫn say trong nồng nàn hơi thở,

Khúc giao mùa vẫn đằm thắm hương thu.

 

Nơi mài nhà ẩn hiện thủa chiến khu,

Mẹ bạc trắng mái đầu cùng năm tháng,

Nhớ không em về một thời lửa đạn,

Miếng cơm lam thơm tháo những dặm đường.

 

Em có về cùng nắng sớm lên nương,

Rừng phách gọi trăng, chày khuya gọi suối,

Hương lúa chín gọi hội mừng cơm mới,

Nhịp chày đôi gọi nhịp đập tim người.

 

Về một mái trường trong nắng, lá rơi,

Bốn phía hầm kèo xây thành đắp lũa,

Tiễn người đi hát bài ca chiến sỹ,

Trong giấc mơ cũng cháy lửa công đồn.

 

Ơi những ngày đầy nắng gió, khói sương,

Mật ngọt đắp bồi, cuộc đời rộng mở,

Em có về dù điều quên nỗi nhớ,

Để một lần sống lại những mùa thu!

 

BÀI 2: CẦU GIA BẨY

Cầu Gia Bẩy nối đôi bờ quê mẹ,

Những đêm trăng đổ bóng xuống sông Cầu,

Những bề gỗ trôi trong lời sông nước,

Đêm khuya mịt mờ… những chiếc thuyền câu.

 

Trai làng Đông qua cầu này đi giữ nước,

Sớm lên đường cầu đen sạm khói bom,

Người ra đi mang theo bao mất mát,

Trận địa cầu bóng lá lẫn bóng em.

 

Mẹ đón đoàn quân sau chiến thắng trở về,

Trên cầu xưa Đx qua bao mưa nắng,

Khi mẹ nghe những bước chân thiếu vắng,

Nước mắt mẹ rơi đau cả khúc sông này!

 

Cầu Gia Bẩy nối đôi bờ quê mẹ,

Những đêm trăng đổ bóng xuống sông Cầu,

Bên sông có người mẹ già không ngủ,

Nghe rì rầm sông trôi về đâu!

 

BÀI 3:      LEO ĐÈO DE

Leo đèo De theo lối người du kích,

Đường quanh co từ chân thác Bẩy Tầng,

Chân bấu đất lên cùng cây gậy chống,

Nghe bốn bề trong gió tiếng lau ngân…

 

Leo đèo De hơi thở dồn sương sớm,

Dốc đất trơn vắt đo dất đuổi người,

Gió Tân Trào ùa về qua khe núi,

Gió chiến khu nên rừng mãi xanh tươi!

 

Núi Hồng mùa xuân như một dải mây,

Hoa Dun nở bay từng đàn bướm trắng,

Che xanh mướt hương đưa trong thầm lặng,

Mái trường cao nổi trống gọi em về!

 

Lên đỉnh đèo nhìn xuống gặp Tỉn Keo,

Hoa râm bụt đỏ rực nhà sàn Bác,

Nơi linh thiêng đập trái tim tổ quốc,

Suối trôi đi từ nguồn nước chân đèo!

 

BÀI 4:   HOA RÂM BỤT

Mỗi sáng em đi cấy,

Râm bụt đỏ nắng mai,

Chiều xuống nương về bản,

Hoa vẫn rực góc trời!

 

Đây đường hoa cổ tích,

Bác trồng từ ngày xưa,

Quanh quanh nhà sàn nhỏ,

Đỏ từ thời chiến khu.

 

Đây con suối đèo De,

Chảy xuôi từ chân thác,

Nơi nào Bác ngồi câu,

Bóng hoa lồng bóng Bác.

 

Rừng Tỉn Keo, Khuôn Tát,

Xanh ngát đã ngàn đời,

Từ Phú Đình đón Bác,

Khoe thêm màu đỏ tươi!

 

Ơi cây hoa Bác trồng,

Trong những ngày gian khổ,

Như một dòng máu đỏ,

Nuôi cuộc đời sinh sôi!

 

BÀI 5:   THÀNH PHỐ ĐI QUA CHIẾN TRANH

Ngày mình yêu nhau thành phố còn chiến tranh,

Những sáng sớm ra ngoại ô sơ tán,

Từ Phúc Xuân nhìn về khói bom trùm Cao Ngạn,

Những ánh mắt bồn chồn chờ một tiếng tầm trưa.

 

Ga Thái Nguyên vẫn đợi chuyến tầu khuya,

Đèn phòng không nhập nhoà, những bóng người tất bật,

Đêm đón em giữa hai lần báo động,

Trăng khuya bồng bềnh trôi trong mây…

 

Em vẫn đi tập huấn cấy chăng dây,

Vẫn gặt thống kê, hội nghị đầu bờ vẫn họp,

Khuya đưa em về trong lộp bộp tiếng bàng,

Trong nôn nao hương dạ hương ngào ngạt,

Người tiễn nhau trầm hùng câu hát,

Trận địa cầu xanh một khúc sông!

 

Tahnhf phố mình những năm chiến tranh,

Nỗi nhớ thương dài như sông suối,

Mẹ tiễn con để tháng ngày chờ đợi,

Con ra đi như có lửa đốt lòng!

 

Khi đi qua một thời chiến tranh,

Người trở lại mái đầu đã bạc,

Đêm đêm lại nghe dòng sông Cầu hát,

Khúc bi hùng của một thuở chẳng thể quên!

 

BÀI 6:   CHUYỆN CỦA NGƯỜI LÍNH

Những người lính già sớm sớm luyện đôi chân,

Chọn công viên Sông Cầu làm nơi tụ hội,

Bước lệch người là thượng tá thương binh,

Tay áo thõng… lính đặc công Cửa Việt,

Thành phố như chiếc cầu bập bềnh,

Có nghiêng về phía những bóng người lầm lũi…

 

Chuyện kể về một sớm xuân Thành Cổ,

Pháo bầy lao vào từ biển,

Bom giải thảm lao xuống từ trời,

Người chết có kịp mang theo một tiếng chim lảnh lói,

Mà vọng về đây thành nỗi nhớ lặng im…

 

Chuyện về lần trở lại chiến trường Trị Thiên,

Lẫn vào những ngôi mộ trắng,

Đồng đội nằm kín những ngọn đồi xanh,

Nghĩa trang cao mênh mông,

Những cái nhìn chìm vào đất!

 

Khi họ chuyển sang chuyện đời, chuyện riêng tư,

Cắt vụn buổi sáng thành những khoảng lặng,

Phía ga Đồng Quang tàu rúc còi vào xa vắng,

Âm thanh nén chặt phía sau!

 

Thành phố như chiếc cầu bập bềnh,

Nghiêng về đâu!

 

BÀI 7:  GẶP LẠI ĐIỆU THEN

Sao em hát mãi điệu then ngày xưa ấy,

Chẳng thoảng nét buồn cha mẹ thuở như em,

Đàn cứ nuột nà tiếng giang tiếng nứa,

Chơi vơi , chơi vơi trong rực rỡ ánh đèn.

 

Khúc này năm xưa ai hát đêm kỳ yên,

Để khuya về cứ nao nao thương nhớ,

Trăng sáng Khau Hình, trăng lu Bản Cọ,

Kỷ niệm một thời đeo đẳng những ngày xanh!

 

Khúc chia tay em hát sau cùng,

Chẳng giấu được nỗi buồn qua ánh mắt,

Sông Cầu cùng anh

cùng đêm khuya khoắt,

Như bỗng thành vô thức…

một điệu then!

 

BÀI 8:               ĐÊM MAI CHÂU

Mặt trời chưa ngủ đêm đã xuống,

Nắng chạy trốn trong ánh mắt người,

Gió quẩn từ đèo vào thung lũng,

Mai Châu bồng bềnh trong sương rơi…

 

Vít cong cần rượu chủ mời khách,

Nhà ai gõ sạp đợi tiếng người,

Vòng tay nới rộng thành bè bạn,

Theo bước em xoè thành chơi vơi!

 

Đã biết Mai Châu thời Tây tiến,

Nay nhận từ em miếng cơm lam,

Mảnh khăn thổ cẩm hình sông núi,

Bản Lác chông chênh mái nhà sàn…

 

Mai về dưới ấy, người ở lại,

Cách mấy đèo cao, mấy nhịp cầu,

Uống chung cần rượu giờ chia biệt,

Lắng mãi cái nhìn trong mắt nhau!

 

BÀI 9:      VỀ HUẾ

Về Huế ngẩn ngơ người xứ lạ,

Thuyền ai như lạc giữa dòng Hương,

Bước ai nhè nhẹ cầu mấy nhịp,

Tà áo ai buông tím cả đường.

 

Ta về lăng tẩm của ngày xưa,

Chầm chậm như đi trong cõi mơ,

Chùa xưa chiều xuống mờ sương khói,

Vẫn tiếng chuông ngân đến tận giờ!

 

Mưa rơi gội sạch làn tóc phượng,

Bến Ngự có còn người buông câu,

Nhịp vui vẫn gợi lời sầu thảm,

Từ thuở… chiều chiều bến Văn Lâu…

 

Về huế từ lời ca xứ Huế,

Câu hò nương gió phủ đầy sông,

Đợi chờ mỏi mắt người thôn Vỹ,

Đèn thả đêm khuya một dòng hồng…

 

Xa Huế, tiễn đưa lời bịn rịn,

Tàu băng trảng trống cát trắng bờ,

Vẫn chảy trong tim dòng Hương mộng,

Và ngập hồn người tiếng hò xưa!

 

BÀI 10:   PHỐ NÚI

Tiếng tắc kè âm trong gốc đa,

Đã trăm năm gọi mưa gọi nắng,

Nơi đầu phố cây đổ bóng,

Che cho bao nụ hôn đầu…

 

Phố lá reo thành gió hú,

Đầu núi lơ đãng đội sương,

Suối như hồng thuỷ mùa nước lũ,

Sơm đông lạnh như sợi lụa mềm…

 

Người lớn lên bằng dòng sữa chợ,

Người leo mòn núi tìm mặt trời,

Mặt trời về đậu trên dãy bàng cuối phố,

Đột cháy tuổi thơ khát khao…

 

Phố núi,

Những quán chợ ngồi lặng lẽ,

Loa thùng chát chúa Cửa Đình,

Đường bê tông trải lên đường sỏi cũ,

Đêm vẫn vọng về tiếng gàu va giếng chung!

 

Đàn em lớn thành từng góc cạnh,

Người chen nhau cộng sinh,

Tình người chen nhau ngọt đắng…

 

Phố núi như người đi ngược nắng,

Đuổi mãi

Chưa kịp bóng mình.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Long

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

Thư viện tác phẩm 2 năm trước