Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Hồng Quang
CHỮ NHO TRÊN CỔNG LÀNG TÔI
Ông cụ chống gậy nhẩn nha
Quạt mo phe phẩy đi ra cổng làng
Nhìn lên cụ đọc mấy hàng
Chữ nho xưa, trên Cổng làng-Làng tôi
Vuốt râu cụ nở nụ cười
Làng linh khí tốt non khơi tụ về
Lắm người đã đỗ ông nghè
Làm quan phụng nước chẳng hề dong nhan
Làng này còn được chữ an
Ngoài êm trong ấm ,trên ban dưới nhường
Được thêm chữ hiếu như gương
Hiếu học-hiếu đễ luân thường vẹn đôi.
Cụ chẳng để ý đến tôi
Nép sau tường đứng nghe lời cụ khen
Cổng làng xưa đã nói lên
Những điều tốt đẹp ngay trên Cổng Làng?
Nghe xong tôi quá ngỡ ngàng
Giật mình khi biết mấy hàng chữ nho
Chữ nhỏ xen lẫn chữ to
Khắc chìm trong đá vôi khô ố vàng
Về qua đi lướt cổng làng
Thì sao hiểu được, những hàng cữ nho!
Cổng làng tôi hóa cái kho
Giữ lưu vốn cổ chữ nho ngàn đời.
CÔ GÁI ĐỨNG TRÚ MƯA
Vô tình tôi thấy người con gái
Nép dưới hè phố ,đứng trú mưa
Tay vén ống quần lên ngang gối
Tay xòe che tóc, ngón tay thưa
Áo phin nõn trắng,mưa giột ướt
Hồng hồng đôi vai, tóc đung đưa
Cô cười với ai, cười tươi lắm
Bàn tay thì mải chơi với mưa
Sao lại có người ưa nhìn thế
Lọt vào mắt ai ,phố ngẩn ngơ ?
Thanh lịch-dịu dàng-và duyên dáng
Nét người con gái Hà Nội xưa!
Tạnh mưa cô đi về cửa Bắc
Tôi mơ Hà Nội, thoánng mơ hồ
Mải nhìn theo cô cho đến khuất
Lại nhìn trên đường loáng bóng cô.
Thế rồi nhớ mãi từ dạo ấy
Dáng hình cô gái đứng trú mưa
Hôm ấy làm bao người bối rối
Nét người con gái Hà Nội xưa!
CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
Tôi hạnh phúc, được đi trên con đường Hạnh Phúc
Đứng giữa cổng trời, say ngắm núi sông
Đẹp biết bao, nơi địa đầu Tổ Quốc
Cao Nguyên Đá ngời ngời, sắc nhọn như chông!
Đẹp biết bao, dòng sông Nho Quế
Nước xanh trong thơ mộng đến nao lòng
Đẹp biết bao, hồn thiêng Lũng Cú
Cờ đỏ tung bay, đang vẫy gọi non sông
Đẹp biết bao núi đôi thương nhớ
“ Cặp vú” nàng tiên để lại cho đời
Đẹp biết bao, Mã Pì Lèng tung vó ngựa
Cho ai cưỡi lên phi đến nơi nơi
Không hiểu sao, trong lúc đang vui
Tôi lại nhớ đến những người mở lối!
Hàng nghìn thanh niên, tuổi xuân phơi phới
Làm nên con đường này bằng máu và hoa!
Đường Hạnh Phúc, hơn sáu chục năm qua
Đã đem lại cho đời ấm no, hạnh phúc
Có niềm vui nào vui hơn bằng đồng bào dân tộc
Có con đường thênh thang, nơi xứ sở để đi.
Tôi bâng khuâng nghe tiếng vọng thầm thì
Hồn người thanh niên,nằm bên đường Hạnh Phúc
“ Ai nhớ đến tôi- là tôi hạnh phúc
Dẫu làm đường này,nhưng chưa được đi lên”!*
*Ý lời nói của anh thanh niên xung phong tham gia làm đường Hạnh Phúc năm 1959,người con của Xứ Lạng thân yêu, đã chia tay các bạn mình trước lúc qua đời.
ĐI LÀM Ô SIN
Em đành khép lại chuyện văn chương
Đi làm ô sin, kiếm đồng lương
Có cái nuôi thân,gia đình nữa
Hơn thơ làm ra , để đầu giường
Dẫu không làm thơ, đọc thơ vậy
Để cho khuây khỏa những lúc buồn
Thơ trong đống giấy,hàng phế liệu
Thơ báo gói hoa, bán hàng rong
Ở nơi thành phố chật, người đông
Bên thơ- bên thịt, cá diêu hồng
Ai mua sách thơ, ai mua cá
Thơ không thấy ai, thịt thì đông !
Những lúc tủi thân nơi quán trọ
Đói bụng đọc thơ thấy ấm lòng
Thơ người bạn đời, luôn chia sẻ
Với em túng thiếu, phận long đong
Lại đi ra cửa nhìn thành phố
Thấy cảnh bon chen lại đau lòng
Có lẽ ở đây không đúng chỗ
Bởi mình là người của nhà nông.
Đi làm ô sin, cực chẳng đã
Có thể trả giá đắt, má hồng
Em lại trở về với đồng ruộng
Thà đói cho sạch, rách cho thơm!
Em lại trở về làng quê cũ
Lại đi sắt vụn, lại làm thơ
Lại ra đồng ruộng, làm rau quả
Thơ thì tặng bạn, rau thì cho.
LẠC ĐƯỜNG
Tôi đi trên đường phố thân quen
Lơ đễnh tý thôi đã trở nên
Lạc đường-lơ ngơ mất phương hướng
Bỗng lo ,nhờ cậy ai trong đêm?
Bình tâm trở lại nhìn phố xá
Thấy biển chỉ đường ghi họ tên
Danh nhân văn hóa-và lịch sử
Mới nhớ đường về -không thì quên .
Mới biết đường hướng quan trọng thế
Tôi tự bảo tôi chớ coi thường
Đừng có xao nhãng rồi hối tiếc
Lạc đường , biết đi đâu – về đâu?
LÀM NGƯỜI ĐI MÓT
Người ta gặt hái hết rồi
Còn tôi đi mót chữ nơi ruộng đồng
Cánh đồng chữ nghĩa mênh mông
Mong được một chữ say lòng người thơ
Có lúc ngẩn ngẩn ngơ ngơ
Có lúc râu sổ mắt đờ đẫn ra
Mơ thấy con chữ bay qua
Chộp ngay lại nghĩ người ta chộp rồi!
Thế là quăng bút lại ngồi
Tay vò nát hết những lời chẳng đâu
Lại mò ra bến Ô Lâu
Nàng thơ đỏng đảnh ở đâu để nhờ.
Si tình chưa khổ bằng thơ
Lao tâm khổ tứ bao giờ thành công?
Thôi đành chờ lúa làm đòng
Chờ đồng lúa chín mót bông chữ vàng.
NGƯỜI NHẶT VE CHAI
Những túi thức ăn thừa,giấy lộn…
Để ngoài tường rào,góc khuất
Người nhặt ve chai đã quen công việc
Đến dọn sạch đi cho chủ mỗi ngày.
Người nhặt ve chai,nhặt được niềm vui
Cần chừng ấy thôi,cũng vừa đủ sống
Những túi thức ăn thừa của nhà sang trọng
Người mở ra,toàn cơm trắng thức ăn ngon!
Nơi ở của người nhặt ve chai,xếp vài cái mẹt con
Phơi những hạt cơm khô,phòng khi đau ốm
Người nhặt ve chai ở xóm lều ổ chuột
Phải khéo lựa thì, mới đủ chỗ ngả lưng
Những túi thức ăn thừa,được dọn sạch chủ mừng
Hình như cũng vui biết có người đã nhặt
Người nhặt ve chai,nơi người đông phố chật
Hóa thành người dọn rác văn minh?
Nhặt ve chai,cũng là cách mưu sinh
Có thêm túi thức ăn thừa ,cũng thêm hạnh phúc
Người không nghĩ là vinh hay nhục
Hay số phận hẩm hiu,mình đã thấp hèn!
Người nhặt ve chai sống không cô đơn
Cùng người bán hàng rong,người dân khuân vác…
Là những con người thật thà hiền lành nhất
Lực lượng hùng hậu khắp phố đông người
Là đội quân lao động tự giác nhất trên đời
Đêm hội diễn văn nghệ “Người lao động hát”
Có gương mặt ,nụ cười của người nhặt ve chai!
NƠI ANH ĐẾN
Nơi anh đến là nơi cần anh đến
Nơi chủ quyền,có cột mốc thiêng liêng
Nơi biên cương,núi rừng xanh hùng vĩ
Nơi cha ông xưa, đã bảo vệ ,giữ gìn
Nay các anh lại tiếp bước lên đường
Đem tuổi xuân đến với biên cương
Niềm kiêu hãnh nơi địa đầu Tổ Quốc
Vì đất nước- nhân dân, anh biết quên mình
Đâu chỉ có lúc chiến đấu hy sinh
Đâu chỉ có đêm ngày tuần tra,canh gác…
Mà các anh còn đem tiếng hát
Đem con chữ Bác Hồ,đến với các em nhỏ yêu thương
Mà các anh ,còn ba cùng sống với nhân dân
Xây trận tuyến lòng dân,giữ gìn biên giới
Xây bản làng,đẹp giàu nông thôn mới
Nơi vùng sâu,vùng xa suốt dọc dải biên cương
Anh tự hào người lính, mang quân hàm xanh
Đời quân ngũ gắn liền với biên cương Tổ Quốc
Để cống hiến tuổi xuân tươi đẹp nhất
Cho đất nước thân yêu ,mãi mãi bình yên
Mùa xuân này anh tạm xa em
Lên biên giới với ngôi nhà mới
Lính biên phòng các anh thường nói
Đồn là nhà,biên giới là quê hương!
Em ơi em! chúng ta xa nhau, để nhớ,để thương
Để thấu hiểu thế nào là xa cách
Ngày chưa lên đường, anh chỉ có em trong tim yêu nhất
Giờ trong tim anh có cả biên cương- Tổ Quốc –và em !
THƠ ĐI ĐÁNH GIẶC CÙNG TÔI
Nhịn ăn sáng, dồn tiền mua
Sách thơ để đọc say sưa yêu đời
Yêu thơ yêu cả một thời
Đọc thơ hàng triệu triệu người nhớ thơ
Hồn thơ thấm đẫm ước mơ
Thơ thao thức trong ba lô với người
Thơ đi đánh giặc cùng tôi
Là bạn tri kỷ, là người tâm giao
Có lúc loạng choạng chênh chao
Vịt thơ đứng dậy cúi chào bạn tôi
Hy sinh lúc tuổi hai mươi
Câu thơ tình vắt ngang đời máu loang
Kê đầu cho bạn thay nhang
Tập thơ Khát Vọng ngày đang học đường
Vội chôn lấp nỗi đau thương
Xông lên diệt Mỹ, ngoan cường lập công
Trở về nhớ núi nhớ sông
Nhớ thương đồng đội nao lòng ngẩn ngơ
Đêm khuya cặm cụi làm thơ
Thấy trong tâm tưởng giấc mơ bạn về!
Nay từ phố đến làng quê
Người yêu thơ hỡi có mê mẩn lòng
Như thời xưa chúng tôi không
Rừng khuya ghé ánh sáng hồng đọc thơ
Dưới hầm chia sẻ ước mơ
Hẹn nhau về lại thủ đô vui trường
Nhưng rồi ôm nỗi nhớ thương
Người còn người mất hẹn nhường cho ai!
TÔ THỊ ƠI
Nàng đợi ở đây lâu chưa,mà nàng hóa đá
Chồng nàng đánh giặc chưa về ư?
Nàng còn đợi chờ, ở đây bao lâu nữa
Để người đời cúi đầu ,tay chắp lạy :Vọng Phu !
Thương đứa bé trên tay, đã mồ côi giọt sữa, lời ru
Hóa đá trên tay nàng, nàng ơi nàng có biết?
Hằng ngày con chim đậu lên, cất lên tiếng hót
Nó hót gì để người nghe, đau tím ruột ,bầm gan !
Đã mấy lần , giặc phương Bắc tràn sang
Là bấy nhiêu lần,bị đánh tan,phải cúi đầu về nước!
Những người lính đánh giặc đã không về
Để bao người như nàng lặng lẽ hóa Vọng Phu.
Ngước lên nhìn nàng, lấp lánh trong sương đỏ
Chập chờn bóng hình người phụ nữ hiện ra
Đi qua chiến tranh cũng không về nữa
Lòng tôi đau nức nở dưới chân nàng, tay đạt bó hoa
Tô Thị ơi! Người phụ nữ Việt Nam chúng ta
Trung hậu ,đảm đang,anh hùng,bất khuất
Dâng cho đời hoa thơm,trái ngọt
Cho đất nước Việt Nam ,mãi mãi trường tồn.
Tô Thị- Vọng Phu còn mãi với nước non
Để cho đời hát bài ca bất tử!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...