Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:12 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Đình Tân

CÂY CẦU

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Tân 

Ông Lạc mới về nghỉ hưu có mấy tháng mà đã gầy rộc hẳn đi. Cái vóc dáng vai u thịt bắp của thợ cầy hơn chục năm thay thế bằng dáng đi oai oai của cán bộ chủ tịch xã hôm nào nay như mất hẳn. Ông đi ra sân nhà mỗi sáng với đôi vai so so, đôi dép lê loẹt quẹt. Ông cầm cái điếu thuốc lào hít từng hơi ngắn chẳng ra tiếng, có lúc ông ngồi một mình co ro trên chiếc ghế tựa kê trên hè, đăm đăm nhìn đi đâu đó. Đêm ông không sao chợp mắt được nổi đôi ba tiếng, có đêm ông ngồi nhìn ra cửa sổ như vô hồn.

Bà Lạc lo lắm. Bà thấy lạ. Con người ông như lột xác. Cái phong thái đĩnh đạc, nụ cười tươi như hoa, tiếng nói sang sảng, sải bước dài như duyệt binh của ông tự nhiên mất hẳn. Về hưu là chuyện thường tình ai mà cứ làm chủ tịch xã mãi cơ chứ. Ông làm việc có đến hai chục năm cho xã, từ xã đội lên phó chủ tịch xã rồi lên chủ tịch. Ông cống hiến bao nhiêu cho xã quên cả việc nhà, thi thoảng ông chỉ giúp vài buổi cày, phát bờ, tát nước, còn mọi việc bà và các con làm hết. Bà chỉ mong ông khoẻ mạnh để hưởng tuổi già và giúp bà ruộng đồng đỡ đần cho con cháu.

Ông ốm chẳng ra ốm, đau chẳng ra đau. Bà ngợ hay là mấy bữa làm việc lên tỉnh ngủ qua đêm hội nghị gì đó lại phải lòng con nào không biết, chẳng phải ngoài chợ họ lại kháo nhau khối chuyện bồ bịch vợ lẽ đấy thôi.

Ông Lạc nhìn bà vợ là đoán ra ngay bà đang nghĩ gì về ông, ông đâu có thế. Ông đang có nỗi lo chứa chất trong lòng. Lúc làm việc bận rộn nó cứ quên đi, nay nghỉ ở nhà nỗi lo nó cứ như cơn lốc xoáy, cứ thốc vào lòng ông chứa lại ở đó không ra được. Nỗi lo ứ lại như khối u vô hình đè nặng lên gan lên mật ông. Ra nghĩ đến, vào nghĩ đến, cầm bát cơm lên cũng nghĩ đến, nằm xuống giường lại càng nghĩ đến. Đó là chuyện riêng của ông mà bà có biết cũng không gánh hộ được.

Chuyện hơn chục năm trước còn hiện ra mồn một. Lúc đó, làm chủ tịch được mấy tháng thì trong một buổi họp ở huyện, khi đang uống rượu cùng mâm, trưởng phòng kế hoạch và vật tư nâng cốc cười hô hố:

- Chúc mừng tân chủ tịch. Thế nào còn âm mưu cầu cống gì nữa không?

Bị bất ngờ nhưng ông Lạc cũng kịp đối phó ngay:

- Xin chúc sức khoẻ trưởng phòng. Khoá này mà không làm được cái cầu, xin từ chức luôn. Nhưng không có bột sao gột lên hồ, trăm sự nhờ...

- Nhờ vả gì, việc công cả ấy mà. Tớ đưa vào tầm ngắm hết rồi.

Sướng vui  như cởi tấm lòng, ông cùng trưởng phòng cạn vài chén mới thôi, cái gì chứ món cuốc lủi thì ông đâu có chịu lép vế.

Ông Lạc uống liền mấy chén. Ông đâu có thèm rượu, ông sướng vui vì sắp thực hiện được niềm khát khao, ước muốn từ gan từ mật bấy lâu nay.

Cái cầu giữa xã ông có từ bao giờ ông còn chẳng biết nó nối liền hai làng Thượng Sơn và Hạ Điền. Thượng Sơn gồm những quả đồi lúp xúp, ruộng như con rắn uốn khúc giữa các chân đồi. Làng Hạ Điền thì ruộng thấp và bãi, gò. Con suối bắt đầu từ xã trên. Những mạch, rãnh nước, mương nước len lỏi khắp vùng chảy rỉ xuống suối. Hàng trăm ngọn nước nhỏ cứ lặng lẽ đêm ngày, lúc to lúc nhỏ theo mùa mà chảy vào suối. Mùa mưa con suối đầy ăm ắp. Mùa đông suối cạn nhiều chỗ trơ cát bùn. Dân ở đây làm một cái cầu một đầu gối vào chân đồi bên này, bên kia là cái gò nhỏ. Lớn lên ông Lạc đã thấy cây cầu. Ông Lạc cùng lũ trẻ chăn trâu ra cây cầu chỉ có mấy cây gỗ nối đầu nhau bắc qua mấy cây gỗ cây tre buộc bắt chéo, thả trâu vào bãi cỏ chúng ra cầu nhảy xuống suối tắm mát. Biết bao nhiêu kỷ niệm ở cây cầu đơn sơ ấy. Ông Lạc và bà vợ cũng đều là trẻ chăn trâu cùng tắm mát dòng suối này. Sau này dân quân xã cho làm cầu to hơn. Các chú cho ghép các ván lại lát sàn, chôn mấy cây bạch đàn to xuống suối làm trụ để cho người và xe trâu bò qua lại. Vài năm lại thay ván trên mặt cầu. Những trận lũ chảy xiết như muốn cuốn băng cây cầu đi.

Từ ngày ra làm xã đội, hàng ngày đi qua cây cầu, ông đã ước ao xã có cây cầu mới. Ông gợi ý rồi đề nghị chủ tịch xã lúc đó nhưng ông ấy bảo: Tớ cũng vài lần gặp các anh chị ở huyện nhưng các vị đều bảo huyện còn nghèo, nhiều nơi còn gay go hơn, cầu còn đi được, cứ thư thả. Đến khi ông làm Phó Chủ tịch xã, vài lần đi thực tế theo lớp của huyện mở, đến các xã có các cầu khang trang mà ông thấy thèm khát. Ông dò hỏi cách đi của họ nhưng xem ra rất khó thực hiện ở xã này. Dân của xã ông đồi thì trọc, cằn cỗi, ruộng làng trên thì bạc mầu, ruộng làng dưới thì khê mặn, có chỗ còn úng thụt, chỉ béo bở cho mấy anh câu quăng cá quả, đặt lờ bắt cá rô đồng, đặt ống bắt lươn. Nỗi khát khao cứ cháy bỏng. Xuống thăm nhà nào ông cũng nói ra, họp xã lần nào ông cũng đề ra, họp huyện lần nào ông cũng đề đạt. Năm nay chưa được, năm sau ông lại đề nghị tiếp. Nay được trưởng phòng kế hoạch đã cho vào tầm ngắm là tốt quá rồi. Ông biết ở huyện thì vai trò cân nặng của trưởng phòng kế hoạch vật tư là vô cùng to lớn. Ông ấy nhằm đâu là trúng đó. Ông ấy mà đề xuất thì cả chủ tịch huyện cũng duyệt ngay.

Chuyện tưởng đùa trên mâm rượu lại hoá thật. Chưa đến hai năm, trước mùa mưa rào, một cái cầu bê tông cốt thép hẳn hoi dài mấy chục mét bắc qua con suối xã ông như một tấm thảm tươi rói, lấp lánh, nhìn cái cầu ông và bà con tuy qua bao đêm ngày vất vả thi công mà vẫn tưởng như mơ. Ngày khánh thành cả xã kéo ra từ lũ trẻ con đến người lớn, các cụ già cũng chống gậy ra xem. Cờ dong, trống mở vui hơn cả hội làng. Tất cả đều xúm quanh cầu. Trẻ con trèo lên các cành cây cao trên gò đồi hô hét nhìn xuống. Cây cầu như mở ra trang mới cho xã. Nay hội nghị báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới, mai lại có giao lưu xã này xã nọ học tập, ngày kia lại đăng cai công tác cải tiến quản lý, giống cây trồng, vật nuôi. Dân mở mày mở mặt, ông Lạc cũng thấy tự hào.

Ấy thế mà ông còn lo nỗi gì.

Đó chính là chất lượng cây cầu, cái mà chẳng ai nhìn thấy ngay. Chỉ có ông và vài cán bộ xã mới biết. Đó chính là phần thép trụ quá nhỏ, đó là các tấm pa nen gác mặt cầu lại bị hụt do tận dụng cái cũ, đó là bao nhiêu xi măng, sắt thép bị bốc hơi, ông biết nhưng vì quá khát khao cho chóng xong mà chỉ nhắc nhở, không kiên quyết. Vì ông quá nể trưởng phòng kế hoạch đã dẫn đội trưởng đến phụ trách thi công là em họ của phó chủ tịch huyện mà lờ đi. Vì ông mấy lần được tiệc tùng mà quên danh phận. Vì ông còn có lúc xao xuyến bởi cô kỹ sư giám sát do huyện cử xuống vừa xinh đẹp vừa xắc sảo mà cho qua. Tất cả, tất cả làm ông hối hận. Đau nhất là lời của Giám đốc công ty TNHH thi công: “Cụ ơi, cầu của cụ, cụ chỉ có xe trâu, xe bò, xe cải tiến, làm gì có xe con, ô tô tải mà cụ lo. Rồi nay mai cấp trên quan tâm còn phá đi xây cái khác ấy chứ”. Tim ông như đau nhói khi nghĩ đến lời nói ấy.

Ngày bàn giao cho chủ tịch mới ông lững thững qua cầu. Sau bao năm lật đật  nay mới có một ngày ông được chậm dãi. Đến cầu ông giật mình vì những vết nứt rạn. Sao mọi hôm ông không nhìn thấy nhỉ, ông đập đập bàn chân xuống thấy mặt cầu rung rung, ông gõ gõ ngón tay vào thành cầu thấy tiếng lạch cạch đục đục không còn thanh như lúc mới. Ông lội xuống suối nhìn vào mấy cái trụ, ngửa mặt nhìn lên đáy cầu chẳng có hiện tượng gì. Ông biết mình lo vớ vẩn.

Ông lo, ông lo thực sự. Bây giờ đâu chỉ có xe trâu xe bò, ngày ngày qua lại hàng chục xe tải xe con, bà con giờ đây làm ăn được, nâng cấp xây nhà. Cái cầu có đủ sức chịu đựng không. Có đêm chợp mắt ông mơ thấy cả nhà ông nằm trên cái giường gỗ với những cái nan mỏng mảnh, ọp ẹp, bên dưới là mấy cái chân gỗ bé tí tẹo cong queo. Cái giường trôi bồng bềnh trên cao như sắp rơi xuống vực. Giật mình toát mồ hôi, ông ngồi bật dậy nhìn ra phía có cái cầu, ông nghĩ đến những bữa rượu bù khú, những cái phong bì bỏ túi. Ăn vào rồi mà tựa như cái xương gà mắc ở giữa cổ đã bọc vôi lại, khạc không ra, nuốt không xuống. Lương tâm ông lại dày vò. Cứ đà này ông sẽ ốm không qua được.

 Hôm nay trước bữa cơm chiều đứa con gái út của ông đang làm Bí thư đoàn xã đi họp về khoe:

- Thầy u ơi, kỳ này xã ta mở mày mở mặt rồi, trên tỉnh và huyện mở một con đường ô tô to qua xã, con vừa họp, có cả đoàn của tỉnh mang bản đồ xuống.

Ông Lạc bật dậy:

- Thế con xem có thấy vẽ cái cầu không.

- Có chứ thầy, chú giám đốc xây dựng còn chỉ cho con đây là cái cầu của xã do bố cháu làm, nay đường làm to, phá đi làm cầu mới.

Ông Lạc xỏ vội đôi dép lê bước như con sóc ra bàn ăn giọng khác thường:

- Vui quá, nào xem có gì ăn hôm nay. Khoan khoan, bà ra chuồng bắt con gà thịt cho tôi uống rượu, từ hôm nay ngủ ngon rồi.

Quay sang cô con gái, ông hỏi:

- Thế ở huyện có ai hỏi bố không?

- Có chứ. Chú trưởng phòng kế hoạch vật tư mới thay thế chú trưởng phòng cũ tuyên bố: Huyện rất quý tấm lòng và trách nhiệm cụ Lạc, lúc nào bắt tay vào việc sẽ mời cụ ra làm cố vấn.

Ông Lạc cười nở đều hai hàm răng, bà Lạc cũng cười, cả nhà cùng cười vui như bước vào xuân mới.

Đêm nay trời lại đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt, sấm chớp đùng đùng. Ông Lạc ngồi trên giường nhìn ra phía cây cầu, một niềm hãnh diện của xã, của quê hương. Ông yêu quý mảnh đất chôn rau cắt rốn này, yêu những con người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hai sương một nắng. Sai lầm của ông đã sắp có cơ hội để ông tạ tội với bà con.

Tới đây nếu được huyện tin dùng ông sẽ đem hết sức lực còn lại để đối đầu với những sai trái làm cho cái cầu mới, con đường mới thật chất lượng, không để tiền, vật tư của nhân dân lọt vào túi riêng của bất cứ kẻ nào.

Nghĩ đến đó ông nhẹ nhàng nằm xuống giường ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Ông mơ thấy mình đang đi bộ trên con đường nhựa thênh thang, cái cầu rộng rãi, vững trãi giữa dãy phố tinh khôi./.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy