Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:45 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Dương Văn Oanh

 

Đồng Văn

 

Bình minh bừng lên đá

Sơn ca lảnh lót hót ngang trời

Đồng Văn bước ra từ những bài học lịch sử, địa lý đầu đời

Hùng vĩ cao nguyên

Sừng sững lũy thành biên viễn

 

Về đâu hỡi đào Tiên?

Để Núi Đôi cứ đợi!

Sa mộc nhà Vương đứng lặng trầm ra chiều ngẫm ngợi?

Dinh thự thâm u mang mang một thuở uy quyền

 

Và một Đồng Văn trong lòng chợ phiên

Xúng xính H’Mông em

Xúng xính Lô Lô em…

Mềm mại nhịp váy rung

Rực rỡ tinh khôi núi

Lay láy mắt đen

cho vàng thu lướt khướt môi mềm

 

Một phía nóc trời ngựa hí Mã Pì Lèng

Hồn của đá đã thành hồn non nước

Mồ hôi đá thấm đẫm ngàn vạn kiếp

Đá bên người nương tựa lòng nhau

 

Đỉnh Rồng thiêng lĩnh nhiệm giữ địa đầu

Đất hòa đá xanh tươi màu ngô, lúa

Bầy trẻ núi bi bô hát múa

về bài ca giữ nước

về tình ca biên thùy

Trùng trùng sóng núi bước quân đi

 

Nào có vàng son

Nào hoa lệ kinh kỳ

Lũng Cú nặng tình trong lòng Tổ quốc

Đăm đắm phía trời phên giậu Bắc

Muôn đời người ôm trọn cả Đồng Văn!

 

Đồng Văn - Hà Giang, đêm 06/9/2014

Mái trường điểm tựa

 

Xin được gọi mái trường là điểm tựa

(Nếu buồn đau, vịn dậy đứng thẳng người)

Khi thành đạt vẫn trắng trong nguồn cội

Đạo làm người thắp sáng mãi xanh tươi

 

Xin thành kính trước bảng đen phấn trắng

Cho bao dung - trí tuệ với lẽ đời

Ươm bao ước mơ trở thành quả ngọt

Trải mùa màng vườn hoa trái tốt tươi

 

Xin được gọi thầy, cô là điểm tựa

Nâng cánh chim non bay bổng chuyền cành

Nếu một ngày lỡ bão giông chắn lối

Cánh đại bàng vẫn bay vút trời xanh

 

Xin được gọi mái trường là cha mẹ

Khắc ghi công dưỡng dục, sinh thành

Dẫu một ngày bên dốc đời mây trắng

Con vẫn về như thuở tóc còn xanh

 

Truyền hào khí những “Bình ngô đại  cáo”

Truyền thiêng liêng những “Nam quốc Sơn hà…”

Gieo hạt giống những chân trời khoa học

Tiếng trống trường ngân vọng mãi ngàn xa.

 

Thái Nguyên, ngày 19 tháng 11 năm 2011

Trung đội lính làng

Vĩnh biệt sa trường Trung đội trở về làng đóng quân(*)

Doanh trại dựng giữa đất trời quê mẹ

bên đồng bãi thân quen

bên lũy tre xanh mát

cùng gió quê vi vút giọng làng

 

Đội hình các anh

vẫn “quân lệnh như sơn” nghiêm ngắn hàng hàng

vẫn “rèn cán chỉnh quân”, “sẵn sàng chiến đấu”

lớp lính cha ông đứng cùng chiến binh con cháu

khúc quân hành nhịp bước những hồn thiêng

 

Các anh ơi!

Tiếng súng im rồi

Khói trận đã tan

Còn lại những bình minh và chiều quê yên ả

Còn lại những hơi thở ngày dân dã

Dội vào các anh:

tiếng cày bừa

mùi ngô khoai

ban mai quê

mùa lúa mới…

Trong khói nhang trầm:

rưng rưng lời người yêu xưa hẹn – đợi!

thủ thỉ Vợ -  Con – Anh – Em – Cha – Mẹ – Ông – Bà…

 

Các anh về rồi!

Vĩnh viễn chẳng còn xa

Bài học dở dang gửi cháu con viết tiếp

Lòng ái quốc truyền lớp sau tiếp bước

Những gì xưa

xếp thành pho thời gian oanh liệt

Một phía huân chương có khắc tên những Trung đội lính làng.

Thái Nguyên, 07-2012

 

Trước đền Đề Thám

 

Chiều lắng chậm dần…

Mang mang hùng khí

Thành lũy hoang liêu mờ tỏ góc trời

Lời Sử Nước thì thầm trong gió núi

Khói hương trầm thành kính gọi: Thủ lĩnh ơi! (*)

 

Nghe gào thét vạn áo nâu chân đất

Như chập chờn ngàn vó ngựa hùng binh

Đây lối cũ!

Đâu dấu bàn chân cũ?

Đời áo nâu - nợ nước - đã quên mình

 

Quen canh cửi, cấy cày, săn bắt

Không tín điều dài, không biết góc bể xa

Mang dòng máu mẹ Âu Cơ mở nước

Cắt máu thề: quyết giữ đất ông cha

 

Buổi thanh bình lo cuốc bẫm cày sâu

Khi giặc giã, gốc dân thành nghĩa sỹ

Trối kệ đạn đồng

Hừng hừng nghĩa khí

Một lời thề: ái quốc, trung dân

 

Yên Thế là đây!

Ngân vọng xa gần

Vang hào khí “ hùm thiêng” sông núi

Mãi thề nguyện không hổ danh tiền bối

Đời nghiêng mình dưới bóng những hùng nhân.

 

Nhã Nam, 9- 2010

 

Miền gọi

 

Nắng rải mành lên ký ức tuổi thơ

Ngày tha thẩn ngả dần sang Tam Đảo

Đồng bãi gánh mùa mồ hôi đầm vai áo

Thôn nữ nào nợ nỗi nhớ khôn nguôi!

 

Chao rập rờn theo những áng mây trôi

Cánh cò trắng tìm về nơi chốn cũ?­ (1)

Dần khuất bóng bao phận đời lam lũ

Ba Hàng còn dùng dằng chiều sân ga!

 

Đường rộng dài đón những bước chân qua

Thả nỗi nhớ về muôn miền xuôi - ngược

Lao xao canh gà, ba vùng tỉnh giấc (2)

cùng đón bình minh reo

 

Ngày xếp ngày nguồn cội mãi trong veo

Sải bước tan ca, thoảng câu ai hát

Hừng đông sông Cầu báo mùa sai hạt

Chầm chậm chiều huyền thoại đẫm dòng Công

 

Được - mất

Giận - thương

Danh lợi - hư không…

Vời vợi Phổ Yên góc trời trong sáng

Xin biết lỗi lỡ những lần xao lãng

Đàn con về miền tiếng gọi giữa hai sông.

 

Phổ Yên, thu 2009

(1) Địa danh có tên gọi Phố Cò

(2) Phổ Yên có địa điểm tiếp giáp giữa ba vùng đất: Thái Nguyên - Hà Nội - Bắc Giang

Ngơ ngác sông Cầu

 

Mái đầu nhạt nắng…

Chiều rồi

Phải về thôi!

Về phía đời nợ nan

Bãi xưa mình vẫn thường sang

Có còn hoa cải rực vàng bên sông?

 

Vẫy vùng nam - bắc - tây - đông

Thỏa rồi cái chí tang bồng làm trai

Phù hoa, chua ngọt, đầy vơi…

Giật mình tiếc lại một trời mưa ngâu

 

Chiều mưa xưa, nón chụm đầu

Cái lườm hôm ấy!

Giờ đâu?

Phải tìm…

Máu hồng vẫn chảy về tim

Cọng răm, nhành cải còn tìm về nhau

 

Chiều buông ngơ ngác sông Cầu

Ước gì lại chút mưa ngâu mát lòng

Ngày xưa còn đợi ai không

Lơ ngơ bóng lẻ bên sông đợi đò!

 

Công viên sông Cầu, Thái Nguyên chiều thu 2007

   Dương Văn Oanh

Tiếng thác vọng

Không tam sao thất bản lý lịch dòng

Thác Bản Giốc đổ tầng trong Khai sinh gốc

Khuya sớm ầm ào bản thác ca cội Việt

Ì ầm sóng vỗ tới hậu nhân…

 

Nửa dòng cong vì thế sự xoay vần

Dang dở chảy giữa bờ trong bờ đục

Nửa cột mốc đăm chiêu tình ảo - thực (*)

Mốc giới lòng mất ngủ, chẳng lặng yên

 

Be rượu đời cùng thức cạn trời đêm

Nghe như tiếng giả Từ quy gọi bạn

Chén nào đắng. Chén nào làm sao cạn

Nửa bến buồn lây xưa cũ buồn theo!

 

Những quân cờ đi díc dắc ngoằn ngoèo

Bàn cờ thế nghiêng về Tây? Nam? Bắc?

Ngàn vạn nước giấu trận đồ giăng mắc

Thấp, cao cờ mấy nước…

Con nào rồi sang sông?

 

Bao kiếp người còn nợ với cha ông

Thác bạc trắng đổ đầu ai bạc trắng

Còn luồng thác trộm đổ vào cõi lặng

Nửa thác lòng nước còn nặng nề rơi!

 

Cao Bằng, đêm 02 - 9 - 2015

(*) Không thể đặt cột mốc biên giới số 836 ở giữa thác, thay bằng đặt thành hai cột mốc, số 836(1) và 836 (2) ở hai bờ chân thác. Cột mốc 836(2) thuộc phía bờ Việt Nam.

Lượng và Chất (*)

 

Thêm muối

thì dễ mặn canh

Thêm mưa thêm gió

dễ thành bão giông

Thêm vay

dễ nợ chất chồng

Thêm cho

dễ được trong lòng thảnh thơi

Thêm dầu

dễ lửa ngút trời

Thêm tình

chẳng biết lỗ - lời sao anh?!

 

Bớt muối

dễ lại nhạt canh

Bớt mưa bớt gió

có thành thuận thiên?

Bớt vay

là bớt ưu phiền

Bớt cho

hao khuyết nỗi niềm trần ai

Bớt dầu - bớt lửa cơm sôi

Bớt tình

chẳng biết lỗ - lời chi em?!

(*) Theo các câu thành ngữ:

  1. “Tích gió thành bão”
  2. “Đổ thêm dầu vào lửa”
  3. “Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”
  4. “Một điều nhịn là chín điều lành”

Tư lự cánh đồng

“Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”

(Ca dao)

Này Cò

                        này Vạc

                        này Nông

                        các con ra đồng tát tép cùng u

                        Giỏ to, giỏ nhỡ, giỏ vừa

                        Vài sải bước đã đầy lu ốc vàng (*)

                                       

                        Hôm xưa tát nước  bên đàng

                        Có đàn cà cuống bò ngang rề rà

                        (Cà cuống là cà cuống à

                        đít mà dính độc sẽ là: hết cay!)

 

                        Đồng thẳng cánh cò bay tự cổ

                        Sao lúa, ngô... loang lổ mảng mầu

                        Mảnh vàng, mảnh trắng, mảnh nâu

                        Ô xiên, ô méo, hẻo đầu vẹo đuôi

                        Kìa ruộng dưới chị ngồi thu hái

                        Sát vuông trên anh vãi thuốc rầy

                        Cá, cua, đỉa, ngóe phơi thây

                        Những đàn cò đói buồn bay bỏ đồng

 

                        Khắc khoải gọi vào đêm không

                        Giật mình cuốc sợ mất đồng đi đâu

                        Còn đồng cạn?

                        Còn đồng sâu?

                        Đầu bờ còn đấy

                        Con trâu còn cười!

 

                        Đồng nhả khói về trời cao vút

                        Thỉnh Thần Nông một chút ban truyền

                        Nông gia vững nghiệp địa điền

                        Bờ xôi ruộng mật - bản quyền nhà  nông

 

                        Ngắm trời mây đẹp như bông

                        Trầm tư vài nỗi với đồng...

Vậy thôi.

 

Thái Nguyên, 10 - 2012

 (*) Ốc bươu vàng

 Sau lưng vua

Sau lưng có thể là hoa

Sau lưng có thể là ma là thù

 

Sau lưng…

kẻ điếc, người ngu

Sau lưng…

kẻ sỹ, trượng phu thâm trầm

 

Sau lưng…

lươn lẹo giã tâm

Sau lưng…

đồng mộng đồng âm đồng sàng

 

Sau lưng…

người đẹp giả trang

Sau lưng…

cả một kho vàng khuyết danh

 

Sau lưng có thể lưu manh

Sau lưng có thể chân thành đúng sai

Sau lưng có thể người tài

Trước mặt có thể kẻ hai…tấc mồm

 

Lẽ thường “nghịch nhĩ trung ngôn”

Chữ tài chữ mệnh dại khôn kiếp người

Thói đời “thuận nhĩ nịnh lời”

Xám lòng đỏ vỏ tốt tươi mặt mày

 

Sử buồn thầm nhắc hôm nay

Bẫy người gương chiếu ngàn đời mai sau

Tình buồn Trọng Thủy - Mỵ Châu

Nát tan xã tắc bể dâu sơn hà

“Giặc ngồi ngay sau vua cha”

Nỏ thần rơi để Triệu Đà xâm lăng

 

Đời ơi còn nhớ hay chăng???

Phía trăng non

Mỏng manh sợi khói lam

vít cong chiều xóm nhỏ

Bức tranh nghèo lam lũ

vẽ gầy guộc sắn khoai

Con chữ méo hình hài

vịn nhà tranh áo vá

Trắng cánh còn bay lả

rập rờn trời ca dao

 

Thuyền vào bến bạc đầu

Càng thương vầng trăng khuyết

Đau đáu miền cổ tích

ở phía trời trăng non!

 

Biển Ban-tíc, hè 1990

Ghi chú

11 bài thơ trên đã đăng trên các báo: Văn nghệ Thái Nguyên; Giáo dục & Thời đại; Văn nghệ Trẻ từ 2008 đến 2016.

Dương Văn Oanh

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy