Một số tác phẩm của tác giả Dương Mạnh Việt
NHỚ ANH
(Chính trị viên Vũ Xuân Tiến – Quê Hưng Yên, hy sinh anh dũng
trong trận tập kích cao điểm Phan Xi Phu, ngày 11/01/1972)
Chúng tôi mãi nhớ Anh
Người chính trị viên Đại đội
Ba mươi sáu tuổi đời từng trải
Hai cuộc kháng chiến trường kỳ
Ngày đánh Pháp Anh đi
Quê hương nhãn vào mùa chín rộ
Rồi chiến dịch Hà Nam Ninh rộng mở
Đêm đánh đồn ngày chặn viện binh
Đốt lửa rừng chờ máy bay giặc đến
Chia lửa cho Điện Biên
Ngày hòa bình vui những niềm vui
Anh xây dựng nông trường Tô Hiệu.
Hôm nay Anh lại hành quân
Cùng đàn em lớp lớp lên đường
Vào trận đánh.
Đêm công kiên lửa sáng rực trời
Giặc chết chồng lên nhau từng đống
Trận đánh kéo dài
Giặc điên cuồng chống chọi
Đạn thù bắn trúng ngực anh
Ta bắt lũ chúng bay đền tội!
Tiếng anh thét xung phong
Dội vào vách núi
Anh hy sinh trong thế tiến công.
Chiến thắng!
Ngày vui hôm nay chúng tôi mãi nhớ
Người chính trị viên dũng cảm kiên trung
Vẫn hiên ngang trong dáng đứng Anh hùng.
Tháng 01/1972
MẸ LÀO ƠI!
CON LÀ QUÂN TÌNH NGUYỆN
Con vào quân tình nguyện
Năm 18 tuổi tròn
Trèo qua ngàn núi non
Lội qua trăm dòng thác
Đời cất cao tiếng hát
Bao gian khóp đẩy lùi
Trên miền đất xa xôi
Con sang Lào giúp Bạn
Đường đi đầy bom đạn
Sốt rét rừng lên cơn
Lương khô ăn thay cơm
Cả tháng trời dóng rã
Mùa mưa tuôi xối xả
Sáu tháng trời triền miên
Mùa khô đến nhanh hơn
Đây là mùa chiến dịch
Nhớ những đêm công kích
Đồn thù cháy rực trời
Kia Pha Thí, Phu Lơi
Đồng Phu Cum Buôn Lọng
Tiến quân vào Long Chẹng
Chiến dịch hãy còn dài
Súng đạn nặng trên vai
Đi mãi lên phía trước
Bao lớp người đi trước
Bao lớp người theo sau
Đồng đội chưa quen nhau
Thường ba người mất một
Cứ mỗi lần giữ chốt
Một đánh với trăm thằng
Đêm khuya ngắm chị Hằng
Nhớ quê nhà da diết
Mẹ hiền ơi có biết?
Nơi con ở chốn này
Giữa rừng rậm núi dày
Bốn bên toàn bốt giặc
Chúng con vâng lời Bác
Chưa hết giặc chưa về
Phải giải phóng làng quê
Cho mẹ Lào yêu dấu
Chúng con đi chiến đấu
“Vì độc lập tự do”
Để dân Lào ấm no
Con là quân tình nguyện.
Tháng 6/1972
Lời tác giả: Đêm ngày 31/12/1974
Liên hoan chia tay các bạn Lào để trở về miền Nam chiến đấu
CÂU QUAN HỌ - KHÚC LĂM TƠI
Ai đã qua Lào mà không biết?
Điều Lăm tơi trên đất triệu voi ngà
Ta về ta nhớ lời tha thiết
Tiếng trống bập bùng câu dân ca
Bộ đội qua làng đêm Lăm Vông
Anh dắt tay em, vợ dắt chồng
Quân dân bịn rịn mừng chiến thắng
Chị Hằng tháng tháng vẫn chờ trông
Bao xe vẫn đeo ở bên sườn
Súng này anh khoác múa hay hơn
Khúc Nậm Bạc của em Anh hát
Là lời ca gửi tới em thương
Cô gái Chăm Pa múa hát hay
Súng kia em khoác giữa buôn nàng
Con gái quê anh làng quan họ
Ngồi tựa mạn thuyền bắn Mỹ rơi.
Ông già Lai bản ra mệnh lệnh
Trao cho bộ đội đứa con này
Bà già buộc chỉ tay làm vía
Hết giặc con ơi! Nhớ về đây
Khúc hát đêm nay khúc Lăm Tơi
Hòa chung tiếng hát hát người ơi...
Nhớ Anh! Em hát bài quan họ
Thương em anh hát khúc Lăm tơi
ĐI ĐÓN ANH TRỞ VỀ
Ai đã qua vùng đông Bắc thượng Lào
Cái rét mùa khô cắt da cắt thịt
Sáu tháng mùa mưa ông mặt trời đi mất
Núi rừng sương phủ mây giăng
Tôi trở về đây sau 49 mùa đông
Tìm lại các anh những người đã khuất.
Cùng đội quy tập đi mải miết
Qua đỉnh Phu Lơi, Pha Thí mù sương
Qua Na Khằng, Thẩm Lạ, Na Mon
Đi ngược Sốp Len qua Keo Phu Mứt
Đến Phu Cúm, Huổi Chén Pha Kha
Qua Tòng Khọ Mường Son đến tận Rừng Ma.
Và đi mãi vượt Phu Cha Lê Phu Choóng.
Lên đỉnh Hin Xa đi qua Pha Boóng
Nghe vang vọng bài ca chiến thắng Huổi Tôm
Đi đến tận cùng tìm lại các anh
Hỡi các anh vẫn còn!
Nằm dưới vạt rừng cổ biếc
Tổ quốc sum vầy các anh đâu hết
Giặc chạy rồi sao không dậy mà vui?
Tôi gọi mãi sao Anh không trả lời
Sương trắng một màu xót thương đồng đội.
Dẫu nắng lửa mưa nguồn
Dẫu núi cao vực thẳm
Dẫu bom mòn, rắn độc, thú hoang
Và biết bao nhiêu những khó khăn hiểm nguy rình rập
Không cản bước đội quân quy tập
Chỉ cần biết tin nơi ấy có anh
Là chúng tôi đi tới
Bạn cuốc, tôi đào bàn tay tìm bới...
Nâng niu từng mảnh xương khô
Phủ các Anh dưới màu đỏ lá cờ
Đưa Anh về sống trong lòng đất mẹ
Để sớm chiều nghe tiếng học trẻ thơ
Nghe tiếng còi tầm rộn rã sớm trưa
Xem đất nước vươn mình đứng dậy
Ở thế giới bên kia chắc các anh đã thấy.
Tổ quốc Việt Lào tươi đẹp xiết bao
Máu các anh rơi chẳng uổng chút nào
Cho hai nước Việt Lào hòa bình mãi mãi
Cho dòng Mê Công cho núi Trường Sơn vĩ đại
Mãi xanh tươi tình hữu nghị muôn đời.
Tháng 12/2017
NHỮNG KÝ ỨC SẦM NƯA
Phần 1. RA TRẬN
Đầu mùa thu năm 1968, những cơn mưa ngâu bắt đầu đổ xuống báo hiệu mùa hè sắp qua và mùa thu sắp đến. Mặt trời đỏ rực ló ra khỏi đám mây trải nắng vàng rực rỡ, cầu vồng xuất hiện ở dãy núi phía xa.Tâm trạng tôi lúc này như đứng giữa ngã ba đường, vừa có giấy gọi vào trường trung học địa chất, vừa có giấy gọi nhập ngũ và sắp bước vào ôn thi đại học. Trong khi đó bố lại muốn tôi lấy vợ rồi mới chọn hướng đi cho mình, mẹ thì suốt ngày thút thít lo tôi phải đi xa, đi vào nơi hòn tên mũi đạn. Anh tôi thì đã hi sinh.
Đang nghỉ hè, song chi đoàn xóm đêm nào cũng sinh hoạt, hết sinh hoạt lại tập văn nghệ, có đêm thì đi lao động đắp bờ vùng, bờ thửa. Sống trong cảnh đạn bom những dạt dào tình làng nghĩa xóm.
Bạn ấy, cả chi đoàn có hai người đi bộ đội là tôi và anh Thìn Tồ. Anh Thìn Tồ kém tôi hai tuổi những to khoẻ hơn tôi. Sức khoẻ anh ấy đạt A1 còn tôi chỉ đạt B1. Về cân nặng thì tôi chỉ có 40kg, kém xa anh ấy.
Trước khi đi tuyển nghĩa vụ tôi nghĩ, nếu tôi bị loại thì thật khủng khiếp. Chắc chắn bố tôi sẽ thúc tôi lấy vợ. Tôi phải đối mặt với những cô gái trong chi đoàn.Với cá tính tinh nghịch của họ thì họ tha hồ dè bỉu tôi. Tuy vậy thanh niên con trai như chúng tôi lúc ấy ở lại làng là hiếm lắm nên bọn con gái cũng không có nhiều cơ hội lựa chọn. Cô nọ sợ cô kia nẫng mất nên tỏ tình ra mặt.
Từ khi nhận được giấy báo nhập ngũ tôi chẳng còn bụng dạ nào để nghĩ đến các cô gái trong làng. Vừa phải lo động viên cha mẹ, vừa chuẩn bị tâm lí để lên đường chiến đấu. Tôi đã rất khó khăn để nói với bố mẹ rằng: “Con đi bộ đội về rồi mới lấy vợ”. Mặc dù đã phân tích cặn kẽ cho mẹ tôi nghe những mẹ tôi vẫn cứ như người mất hồn. Bà không ăn, không ngủ, thút thít, giận hờn. Nghĩ mà thương! Không riêng gì mẹ tôi mà mọi người mẹ trong thời chiến chẳng ai muốn con mình đi vào nơi bom rơi đạn nổ. Cuối cùng mẹ cũng bằng lòng để tôi yên tâm lên đường nhập ngũ. Mẹ không thể cam lòng nhìn máy bay Mỹ hàng ngày cứ gầm rú trên bầu trời quê tôi. Bao người ở lại hậu phương vẫn bị bom Mỹ giết chết. Cái chết trong thời chiến có thể đến bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Vì vậy ra chiến trường là nghĩa vụ của mọi người, nhất là đám thanh niên thì càng hăm hở, xung phong để sớm đuối kẻ thù ra khỏi quê hương đất Việt.
Ngày lên đường rồi cũng đến, tạm biệt bố mẹ già, tạm biệt quê hương thân yêu và bạn bè tôi lên đường nhập ngũ. Các cô gái ở chi đoàn thi nhau tặng quà, những chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình kèm theo dòng chữ Kỷ niệm người yêu dấu. Lúc bình thường các cô bạo dạn và nghịch ngợm, thế mà lúc tiễn quân cô nào cũng nước mắt ngắn dài, nghẹn ngào không nói nên lời.
Ba tháng trời luyện tập trên thao trường thật là vất vả nhưng tôi cũng rắn rỏi và lớn lên rất nhiều. Ngày đi chiến đấu cũng đã đến, tôi vội viết thư về nhà cho mẹ. Đơn vị chúng tôi đi hàng tư dọc theo quốc lộ hướng ra ga tàu. Đoàn tàu tốc hành chở chúng tôi lao vun vút về phía Nam qua những sân ga chi chít hố bom, hố đạn. Đến ga cuối cùng chúng tôi hành quân đi bộ. Sau khi nghỉ ngơi chờ đơn vị đến nhận quân chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân vượt Trường Sơn ra trận.
Suốt một tháng trời đi theo đoàn giao liên, có hôm phải đi ban đêm vượt qua những con ngầm vẫn còn khét mùi khói bom, leo hết dốc này lai đến dốc khác nhiều anh em sưng vù đôi chân chúng tôi phải thay nhau cáng. Có hôm cơm nấu sắp được ăn lại phải đổ đi để chạy ra khỏi vùng bom tọa độ. Thế mới biết cuộc đời người chiến sĩ gian lao biết chừng nào!
Sau cuộc hành quân bộ dài ngày, chúng tôi được nghỉ ba ngày để học chính trị và bổ sung vào các đơn vị chiến đấu. Mệnh lệnh của cấp trên ban xuống: “Các đồng chí được làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào”.
Đón chúng tôi là đồng chí Giá chính trị viên trung đội. Anh có dáng người cao gầy nhưng rất vui tính, anh là người Hà Nam. Anh luôn khen chúng tôi là trẻ quá, cậu nào cũng đẹp trai lại học cao nữa nhất định sẽ có nhiều mưu kế đánh địch. Tôi được bổ sung vào Đại đội 62, Tiểu đoàn bộ binh 923. Anh Thìn Tồ được điều động về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 766.
Phần 2. NHỚ VỀ PHA THÍ
Vào thế kỷ 14 vua Chậu Phà Ngừm đặt tên nước Lào bây giờ là Lạn Xạng (Triệu Voi). Truyền thuyết kể rằng ở Lào có một triệu ngọn núi cao tượng trưng cho một triệu con voi, vì vậy mới gọi là Triệu Voi. Con Voi đầu đàn là ngọn Phu Cút nằm phía tây cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Sầm Nưa cũng có một ngọn núi hình con voi mà khi nhắc đến đó, lớp người chiến đấu ở Lào như chúng tôi ai cũng phải sởn da gà, đó là con voi Pha Thí.
Pha Thí nằm cách thị xã Sầm Nưa chừng hai ngày đi bộ, theo hướng Đông Bắc Sầm Nưa. Đó là ngọn núi đá cao trên 1.700m so với mực nước biển. Ngọn núi dài 7000m, rộng chừng 1km nằm đúng trục Bắc Nam. Bốn mặt là vạch núi dựng đứng. Ở hướng Đông Bắc ngọn núi có một lèn đá rộng chừng 5m chạy suốt từ sườn là tới đỉnh núi. Anh em bộ đội gọi đây là cầu thang Pha Thí. Đối diện với lèn đá này là một ngọn đồi thoai thoải, gọi là Sống Cụt. Pha Thí quanh năm mây mù bao phủ, chỉ những ngày nắng to mới nhìn thấy đỉnh núi.
Khí hậu ở Pha Thí rất lạnh, nhất là mùa khô, từng cơn gió hú quất vào mặt rát buốt. Mùa khô cũng như mùa mưa, mười giờ sáng sương mù mới tan hết. Đứng ở trên cao nhìn ra bốn phía, Pha Thí hùng vĩ ngang nhiên như cột trụ chống trời. Vậy ngọn núi đã hiểm trở giữa rừng xanh núi đỏ này bọn Mỹ cần nó để làm gì? Chỉ có các nhà quân sự và những người lính ở mặt trận mới hiểu hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.
Từ khi leo thang bắn phá miền Bắc ngày 05 tháng 8 năm 1964 đến năm 1967, Mỹ đã mất hàng ngàn máy bay các loại. Máy bay muốn bắn trúng mục tiêu bắt buộc phải bổ nhào cắt bom, chính lúc bổ nhào là thời cơ tiêu diệt địch tốt nhất hiệu quả nhất. Vì vậy anh hùng Nguyễn Viết Xuân có câu nói nổi tiếng: “Nhằm thẳng quân thù bắn”. Câu nói ấy vừa thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù tàn bạo nhưng đồng thời cũng là câu nói kinh nghiệm về thời cơ tiêu diệt máy bay tốt nhất.
Để tránh thiệt hại về không quân, Mỹ đổ quân xuống Pha Thí xây dựng một trung tâm chỉ huy dẫn đường cho máy bay từ Thái Lan sang ném bom toạ độ trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Từ trung tâm Pha Thí máy bay có thể bay ở độ cao 9.000m không cần bổ nhào mà bom vẫn trúng mục tiêu. Biết được ý đồ của Mỹ ta quyết tâm tiêu diệt trung tâm điện đài ở Pha Thí và bằng mọi cách giữ bằng được ngọn núi này. Mỹ cùng Nguỵ quân cũng cố sống, cố chết chiếm bằng được ngọn núi Pha Thí. Mất Pha Thí, Mỹ phải dùng máy bay trinh sát điện tử RB66 bay dọc Trường Sơn và dãy Hoàng Liên Sơn để căn tọa độ, nhưng mỗi khi chúng xuất hiện thì không quân ta và tên lửa phòng không lập tức bắn hạ, có chiếc đã rơi trên bầu trời Yên Bái.
Sắp bước vào tết Kỷ Dậu 1969, anh em ở Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 923, Tiểu đoàn 927 đang gấp rút chuyển đạn, gạo, quân trang, quân dụng lên Pha Thí trong đó có cả lá dong, gạo nếp, không khí chuẩn bị đón tết thật hào hứng, đầm ấm. Hang Chà Vèn dưới chân Pha Thí được chất đầy ắp hàng hoá, quân trang, quân dụng.
Pha Thí những ngày sắp tết thật yên bình tráng lệ. Mới sáng sớm đồng chí liên lạc tiểu đoàn đã chạy xuống truyền đạt mệnh lệnh: “Cán bộ từ trung đội trưởng trở lên đến Sở chỉ huy tiểu đoàn nhận lệnh, cán bộ cấp phó làm công tác kiểm tra bộ đội, súng đạn, cấp phát lương khô, lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ để sẵn sàng chiến đấu dài ngày. Mọi giấy tờ, thư tín, vật kỷ niệm đều phải huỷ bỏ để đảm bảo bí mật. Cuộc họp kết thúc, các đại đội được tập trung nghe mệnh lệnh cấp trên thông báo kế hoạch chiến đấu.
Mất Pha Thí, Mỹ, Nguỵ tại Lào, Thái Lan huy động 11 tiểu đoàn quân đặc biệt do đích thân Vàng Pao chỉ huy có pháo binh Thái Lan và không quân Mỹ yểm trợ tấn công lên Pha Thí. Vàng Pao tuyên bố sẽ ăn tết Mẹo trên đỉnh Pha Thí.
Ở hướng Tây gồm Na Khằng, Mường Hiềm, Húa Mường địch cũng huy động 11 tiểu đoàn nóng ra lấn chiếm uy hiếp Sầm Nưa cơ quan đầu não của trung ương Nèo Lào Hắc Sạt.
Các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và Tiểu đoàn 705 quân giải phóng Pha Thét Lào được lệnh cơ động ra chặn địch. Tiểu đoàn 923 được lệnh cơ động lên chốt Pha Thí. Tiểu đoàn 5 cơ động đánh dịch đổ bộ. Tiểu đoàn 5 cơ động đánh địch đổ bộ. Tiểu đoàn 927 và các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào làm nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, vận tải súng đạn, thuốc men, lương thực và đưa thương binh tử sĩ ra tuyến ngoài tiếp ứng cho tuyến trước.
Một buổi sáng tháng giêng, địch bất ngờ dùng một tiểu đoàn vây chặt hang Chà Vèn. Lúc ấy hơn 30 đồng chí của ta đang ăn cơm sáng bị địch bắn chết. Địch dùng hơi cay, ớt khô phong toả đốt cửa hang, chúng cho trực thăng quạt cho hơi cay xộc vào hang khiến anh em bị ngạt chạy ra đều bị chúng bắn chết. Trên bầu trời máy bay lượn từng đàn, hết phản lực, đến T28, AD6 thi nhau dội bom xuống Pha Thí. Ngọn núi 7km2 bỗng chốc chìm trong khói bom. Pháo của địch từ Hội Mạ, Sống Cụt thi nhau nhả đạn lên Pha Thí. Hàng trăm chiếc trực thăng thi nhau đổ quân xuống khắp các cao điểm và chân Pha Thí. Hàng nghìn tay súng bắn tỉa được triển khai dọc Sống Cục đối diện cầu thang Pha Thí ở ngọn đồi C1, C2, D1, D2. Chúng dồn quân để đánh hòng chiếm lại vị trí sống còn Pha Thí.
Con đường từ Sầm Nưa dẫn vào Pha Thí bị ném bom bắn phá suốt ngày đêm, pháo sáng rực trời. Tiếng bom nổ, tiếng đạn pháo 105 ly, 106,7 cùng DK75, súng cối 81,61 phát hoả suốt 35 ngày đêm không lúc nào ngớt. Trên bầu trời máy bay phóng pháo, đạn 20 ly nổ từng tràng dài cùng với tiếng gọi hàng từ chiếc máy bay L19 vọng xuống. Pha Thí toàn một màu vôi trắng, khói bom khói đạn đặc quánh. Địch mở hàng trăm đợt tấn công hòng chiếm bằng được cầu thang, nhưng cứ ló lên tên nào đều bị ta tiêu diệt. Sở chỉ huy Tiểu đoàn 923 được đặt dưới chân cầu thang cách địch chưa đầy 100m.
Dựa vào hang sâu, vách núi đá, bộ đội ta chiến đấu rất ngoan cường, chỉ trừ thương binh nặng còn lại anh em thay nhau ra chiến hào ai cũng mong diệt được nhiều địch. Quân số của các đơn vị vơi dần Tiểu đoàn 923 còn lại 35 đồng chí vẫn quyết chiến đấu đến cùng. Nhiều thương binh của ta chưa kịp chuyển về tuyến ngoài xá, mắc kẹt lại Pha Thí. Nhiều đồng chí vết thương mưng mủ đến lần thứ 3 vẫn không có cách nào để chuyển ra tuyến ngoài được vì địch đã bao vây rất chặt. Khẩu phần ăn cũng giảm mỗi người chỉ được được 1/8 bánh lương khô trong một ngày, nước uống 2 nắp bị đông. Chuột núi, thạch sùng cũng trở thành các món ăn của các chiến sĩ. Khát quá anh em hứng nước giải để uống cho đỡ khát. Tuy vậy anh em đều giữ nguyên vị trí chiến đấu không ai muốn vào hang. Đạn pháo của ta cũng dần cạn, khi địch tập trung đông quân hoặc có máy bay đổ quân tiếp tế mới được bắn và chỉ được bắn một quả khi có mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng.
20 ngày căng thẳng cũng qua. Địch mở hàng trăm đợt phản kích, sinh hoạt lại thiếu thốn bên ngoài hàng ngàn tay súng bắn tỉa chỉ cần một chuyển động nhỏ là hàng trăm họng súng thi nhau nhả đạn vào đấy. Anh em cắm mũ vào đầu que giơ lên khỏi chiến hào lập tức bị bắn nát. Phải nói rằng bọn lính Mẹo có trình độ bắn tỉa siêu hạng. Sang ngày thứ 30, hàng trăm chiến sỹ ta đã hy sinh, thi thể các anh được xếp hàng trong hang đá. Đồng chí chính trị viên tiểu đoàn điện bức điện cuối cùng xin chi viện và yêu cầu Bộ Tư lệnh cấp cho Tiểu đoàn 923 mỗi đồng chí một bộ vải liệm, anh em sẽ chiến đấu đến người cuối cùng. Nguyện vọng của anh em khi chết được quấn trên mình một bộ vải liệm, vì Pha Thí lạnh lắm. Tất cả chiến sỹ đã khắc tên vào báng súng kèm theo những câu khẩu hiệu. Dù hi sinh cũng phải giữ bằng được Pha Thí. Chúng tôi ý thức được điều thiêng liêng nếu mất Pha Thí thì hàng ngày bom Mỹ từ 9 tầng mây sẽ trút xuống làng mạc, quê hương, và sẽ giết cha mẹ vợ con mình.
Suốt hơn một tháng trời, đêm cũng như ngày cuộc chiến đấu ngày càng trở nên khốc liệt. Dưới chân cầu thang hàng ngàn tên giặc bỏ mạng, xác chúng nằm chồng lên nhau. Ban đêm tiếng kêu khóc của chúng nghe thật não nề. Mùi hôi thối của những xác chết đang phân huỷ nồng nặc khó chịu vô cùng. Anh em chúng tôi chỉ nhận nhau qua hàm răng, chỉ có hàm răng trắng còn tất cả tóc tai, quần áo đều ám khói bụi. Mắt ai cũng trũng sâu, hốc hác nhưng vô cùng sắc sảo. Ai thức suốt đêm dài mới biết, nếu phải thức đến đêm thứ 5 sẽ chẳng ngủ lại được. Cứ như thế chúng tôi thực hàng tháng trời, phải mất 5 ngày yên tĩnh mới có thể ngủ lại được.
6 giờ sáng ngày thứ 35!
Cả bầu trời Pha Thí vang lên như một đợt sấm rền. Hàng ngàn quả đạn pháo của quân ta xé màn sương mù dày đặc trút xuống toàn bộ trận địa địch. Sau 30 phút khai hoả trận địa địch tan thành, tiếng lửa reo tiếng kêu khóc hoảng loạn của lũ giặc, át đi những âm thanh ấy là tiếng kèn xung trận của trung đoàn quân tình nguyện 148 vang lên. Hàng ngàn tên giặc vứt bỏ súng đạn tháo chạy khỏi Pha Thí.
Hoan hộ chiến thắng! Hoan hô các dũng sỹ Pha Thí. Suốt 35 ngày đêm mưa bom bão đạn, đói rét, thương vong nhưng các anh vẫn giữ được Pha Thí cho đến ngày chiến thắng. Gặp nhau tay bắt mặt mừng những chiến sỹ quân phục còn thơm mùi vải mới ôm chầm lấy các chiến sỹ giữ chốt trông họ lúc này như người tiền sử. Trong suốt 35 ngày đêm không tắm giặt, toàn ăn gạo sống với lương khô cả tuần, phải uống nước giải nhưng giờ đây trông họ thật oai nghiêm, hùng dũng.
Được tin có đoàn văn công Tổng cục chính trị sang biểu diễn, có cả chiếu phim nên ai cũng tỏ ra háo hức phấn khởi. Ai cũng tranh nhau tắm giặt, mặc những bộ quân phục mới nhất, cắt tóc cạo râu. Có anh cố để bộ râu con kiến cho có vẻ già giặn từng trải. Anh nào cũng làm đỏm vì nghe nói trong đoàn văn công có nhiều em trẻ, đẹp lắm...
Không ai bảo ai nhưng anh nào cũng chọn cho mình cách dù đẹp nhất để tặng cho các em văn công và người thân. Dù ở đây nhiều vô kể. Dù đủ các loại, đủ các màu, vương vấn khắp nơi. Dù mắc trên vách đá, ngọn cây trắng xoá như những đàn cò. Thuốc lá, bánh kẹo, thịt hộp kể sao cho xiết...
Phần 3. NHỮNG DŨNG SỸ TRÊN ĐỒI A1
Rời Pha Thí thân yêu chúng tôi hành quân gấp về phía Nam. Đi về nơi có tiếng súng. Đường hành quân qua những dãy núi cao dựng đứng 1.688m, Hin Xa, Pha Boóng gần nửa tháng trời mới đến được dãy 1572m. Đây là nơi tập kết của quân ta. Các cán bộ cấp trưởng đi trinh sát về đang đắp sa bàn chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến, anh em ở nhà đang học chính trị và viết quyết tâm thư xin được trực tiếp chiến đấu.
Đồng chí Văn Đình Song chính trị viên Tiểu đoàn 923 và đồng chí Vinh chính trị viên đại đội 62 tập hợp đơn vị quanh sa bàn hạ quyết tâm chiến đấu. Đồng chí Song nói: Tiểu đoàn 923 và Tiểu đoàn 927 được Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Tòng Khọ. Nhiệm vụ thứ nhất của các đồng chí là: Tiêu diệt sinh lực địch là chủ yếu. Nhiệm vụ thứ hai là: Dành bằng được dân đưa ra vùng giải phóng. Nhiệm vụ thứ ba là: Mở rộng vùng giải phóng cô lập dần quân địch.
Đảng uỷ tiểu đoàn giao cho đại đội 62 làm chủ công tiêu diệt địch tại đồi A1 và A2 trung tâm chỉ huy căn cứ Tòng Khọ. Đại đội 61 làm nhiệm vụ cùng với một đơn vị quân giải phóng Pha Thét Lào tiến công địch ở C1, C2, C3, C4, C5. Đại đội 5 tập trung hoả lực bắn vào A3, A4.
Tòng Khọ là một căn cứ đóng giữ của một trung đoàn quân đặc biệt Vàng Pao gồm 2 tiểu đoàn cơ động là BS 203 và BV 26 ngoài ra còn gần 1000 tay súng của bọn Maki dân vệ ác ôn khác do tên trung tá Di Lầu chỉ huy.
Đây là căn cứ cuối cùng của địch ở Sầm Nưa (Lào) là nơi giáp ranh với tỉnh Luông Pha Bang – Sát biên giới Lào Việt thuốc tỉnh Sơn La của ta. Phía Bắc Tòng Khọ có dãy núi cao 1754m, phía Nam có dãy núi cao 1572m, phía Tây có dãy Phu Lơi cao chọc trời, phía Đông có dòng Nậm Ét và nhiều ngọn đồi cao gần 1000m.
Dựa vào các thế núi cao hiểm trở địch đào công sự hầm ngầm cố thủ có sân bay dã chiến. Hàng ngày chúng xua quân lùng sục quanh căn cứ, ban đêm chúng thả pháo sáng đèn dù, chốc chốc lại cho máy bay ném bom, bắn pháo và đạn 20 ly xuống những cánh rừng nghi có quân ta ở. Pháo cầm canh của giặc bỗng chốc lại nổ liên hồi từng chập một.
Ban ngày hàng trăm chuyến phi cơ thả hàng, đạn pháo xuống căn cứ. Trinh sát của ta nắm được địch phòng thủ chiều sau hàng rào kẽm gai và hầm ngầm cố thủ. Hỏa lực địch có pháo 106,7mm, lựu pháo 105mm súng cối 81, DKZ75, hỏa lực chống tăng B90, súng cối 61 DKZ57...
Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị và chia Tòng Khọ ra làm 3 khu: Khu A có A1, A2, A3, A4. Ai là sở chỉ huy, A2 là trận địa hỏa lực và sân bay trực thăng của địch, A3, A4 là cao điểm khống chế. Đại đội 62 đột phá A1 và A2 phát triển A3, A4.
Khu C gồm C1, C2, C3, C4, C5 là các bốt tiền tiêu của địch do Đại đội 61 và 1 đơn vị quân giải phóng Lào đảm nhiệm. Khu B gồm từ B1 đến B8 có sân bay dã chiến và lực lượng cơ động của 2 tiểu đoàn địch do tiểu đoàn 927 đảm nhiệm. Các mũi tiến công đã được giao nhiệm vụ trên sa bàn. Đúng giờ G ngày N nổ súng.
Anh em hăng hái gói thủ pháo, lau chùi súng đạn, tôi được bổ sung vào Trung đội 4 Tiểu đội 2, trung đội trưởng là đồng chí Ninh, A trưởng là đồng chí Kỳ đang nằm bám địch với Đại đội trưởng Phạm Mang, Trung đội 4 là đột kích 1 ưu tiên được nổ súng trước tại đồi A1.
Tôi có tướng cao gầy, thư sinh trẻ nhất nên cả trung đội ai cũng thương tôi, coi tôi là yếu nhất nên cái gì cũng được ưu tiên, mang vác cũng nhẹ hơn anh em khác, quả thật tôi cũng yếu hơn anh em khác.
17 giờ ngày 01/01/1970 đơn vị tôi rời 1572 tiến vào Tòng Khọ. Xuống hết dãy 1572 vượt qua một con suối, đi qua hai nương thuốc phiện, một dãy đồi tranh đi sát dưới chân khu C. Chúng tôi hành quân chỉ cách địch chừng 300m.
Đã hơn 9 giờ tối đơn vị chúng tôi vượt qua khu C tiến vào khu A. Tôi được lệnh dừng lại đi theo trung đội trinh sát bảo vệ sở chỉ huy tiểu đoàn.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 02/01/1970, các mũi tiến công của ta đã vào vị trí chiến đấu bộ phận đột kích đã nằm cách chiến hào A1 chừng 20m đợi lệnh.
Nòng pháo đã hướng về A3 sẵn sàng nhả đạn. Lúc này địch vẫn chưa phát hiện được gì. Đồng chí Văn Đình Song yêu cầu các mũi chờ đơn vị 927 vào vị trí rồi mới nổ súng.
Đúng 1 giờ 30 bỗng ở khu B từng chùm pháo sáng vụt lên sáng rực trời, từng loạt đạn pháo của địch phát hoả. Trên trời từng tốp máy bay thi nhau thả bom bi, bắn đạn 20 ly xuống những cánh rừng khu B chúng hò hét náo loạn cả một vùng.
Khu A địch được báo động! Chúng triển khai ra chiến hào, lựu đạn, cối 81 ly, 61 ly, DKZ 57 phát hoả liên tục. Khẩu đại liên từ đồi A2 quét chéo sườn vào đội hình đột kích. Đồng chí Ninh trung đội trưởng mũi nhọn, đồng chí Kỳ A trưởng, đồng chí Nầu giữ trung liên bị địch bắn thủng bụng hy sinh, đường dây thông tin bị đứt đã có vài đồng chí bị thương, đồng chí Mang đại đội trưởng hạ lệnh: Đánh! Một loạt đạn B40, B41 phóng vào đồi A1, A2 xung kích ta lao lên, tiếng thủ pháo nổ dòn dã, tiếng AK từng loạt ngắn gọn, chưa đầy 5 phút ta chiếm được đồi A1, 10 phút sau A2 bị ta tiêu diệt.
Ba phát pháo hiệu xanh vút lên báo hiệu chiến thắng, Đồi A3, A4 không phản ứng được gì, chúng đã bị hoả lực Đại đội 5 xé nát. Đồng chí Vinh chính trị viên và đồng chí Mang đại đội trưởng ra lệnh cho anh em thu chiến lợi phẩm, chuyển thương binh, liệt sỹ ra tuyến sau còn lại giao cho một tiểu đội giữ chốt, tôi được trả về Đại đội và tham gia vào giữ chốt cùng 9 đồng chí khác. Đồng chí Hiếu trung đội phó lên thay đồng chí Ninh chỉ huy anh em giữ chốt chúng tôi nhanh chóng củng cố công sự sắp xếp lại lựu đạn chuẩn bị đánh địch phản kích.
Đội hình Đại đội cơ động xuống rừng chuối cách đồi A1 chừng 300m để bảo vệ chốt và đánh địch phản kích. Sở chỉ huy thông báo khu B bị lộ tiểu đoàn 927 rút ra để đảm bảo hạn chế thương vong Tiểu đoàn 923 chỉ để lại Đại hội 62 còn rút ra chuẩn bị cho kế hoạch đánh tiếp.
6 giờ 30 phút sáng ngày 02/01/1970:
Tiếng súng hiệu của địch ở khu B, khu C đã điểm. Chúng đang gọi quân tập hợp, sương mù dày đặc không khí Tòng Khọ nặng nề như chìm xuống, trên trời 2 chiếc C130 và B2V5 thi nhau xả đạn 20 ly xuống khu B, khu C chúng như truy đuổi quân ta ra ngoài căn cứ.
Khoảng 9 giờ 30 phút, sương mù đã tan. Từ đồi A1 nhìn sang khu B địch đang tập trung quân ước khoảng hai tiểu đoàn. Khu C địch đã triển khai quân để bao vây và chặn đường rút của ta. Súng pháo của địch đặt tại sân bay khu B quay nòng vào đồi A1. Lúc này trên chốt có anh Thiệp Rỗ quê Thái Bình là A phó giữ B41 biết tôi mới giữ chốt lần đầu nên anh luôn nhắc tôi không được nhô đầu lên chiến hào mà chủ yếu dùng lựu đạn ném liên tục làm địch không lên được. Tên nào lên chiến hào thì dùng AK tiêu diệt.
Đội hình giữ chốt rất mạnh gồm 1 ĐKZ 57, 1 B41, 1 B40 còn lại toàn AK, rất nhiều lựu đạn đủ sức đánh lùi một tiểu đoàn địch. An Hiến dặn ở sương A1 và A2 rất dốc địch lên khó, hai anh em Việt và Trần Đức Thể giữ hướng này, cứ lựu đạn mà ném. Biết tôi thích được thưởng huân chương anh nói vui: “Khi các anh bắn B41 thì Việt đến xem địch chết bao nhiêu để anh chia số địch chết cho em, khi về em sẽ có thưởng”. Nhìn anh thật thản nhiên khiến tôi vững dạ.
Anh Hiến hình như quê ở Thái Bình người chắc đậm, hơi đen, mặt rỗ ở trung đội tôi có 3 anh quê ở Thái Bình là anh Hiến, anh Thiệp và anh Tuân đều mặt rỗ cả. Nhìn tôi đẹp trai, trắng trẻo nên các anh ấy tưởng tượng ra rằng chị gái tôi chắc phải xinh đẹp lắm, nên anh nào cũng gọi tôi là cậu Việt. Tôi cũng chẳng dại gì mà không tranh thủ các anh. Tôi nói đại là chị tôi đẹp lắm, người yêu lại mới hy sinh, chị ấy chỉ tin tôi và thương tôi lắm, nếu ai muốn làm anh rể thì phải quan tâm đến tôi chị mới đồng ý.
10 giờ sáng ngày 02/01/1970:
Trên trời chiếc L19 bay lượn từng vòng trên không trung, sương mù đã tan hết tiếng súng bỗng nhiên im bặt không khí căng thẳng bao trùm đồi A1. Chiếc L19 xả thấp phóng một quả đạn khói vào đồi A1, lập tức, hàng chục họng pháo thi nhau khai hoả, tiếng nổ đinh tai, nhức óc, tiếng rít của đạn pháo quả là ghê sợ.
Đồi A1 bỗng chốc chìm trong khói đạn, trên trời 4 chiếc F105 lượn 2 vòng rồi đột ngột lao xuống cắt bom. Anh Hiến hô anh em vào hầm trú ẩn. 8 loạt bom vừa ngớt chúng nó đánh chỉ cách ngọn đồi hơn 20m.
Lại 2 chiếc T28 mầu nâu bay sát đồi, chúng xả 20 ly, đạn bay loạn xạ tiếng nổ như ngô rang. Những vạt rừng cách đồi A1 vài chục mét bị đảo ngược, hố bom chồng lên hố bom, cây cối cháy trụi, pháo địch vẫn rít từng quả, từng quả trúng đồi A1. Anh Hiến, anh Thiệp động viên anh em kệ cho nó bắn, khi nào nó mò lên cách 20m mới được nổ súng.
11 giờ địch tràn lên đồi A1, hàng trăm tên tay lăm lăm súng, quần áo rằn ri xộc lệch chúng vừa đi vừa bắn, vừa chửi rủa 50m rồi 30m – 20m đồi A1 vẫn nằm im phăng phắc, bọn chúng dừng lại ngơ ngạc, tên chỉ huy đội mũ nồi đỏ đang gọi điện đàm, có lẽ chúng tưởng không có ai trên chốt.
Anh Hiến thét! Bắn! Ba khẩu B40, B41 DKZ 57 bất thần phát hoả trúng đội hình giặc. Sau tiếng nổ như sét đánh hàng chục tên giặc tung xác lên, số còn lại thi nhau tháo chạy, chúng tôi chĩa AK vào lưng chúng bóp cò mỗi loạt đạn vài tên đổ gục, chúng la hét kêu khóc hoảng loạn và bắn đạn về phía chúng tôi.
Đợt phản kích thứ nhất bị đẩy lùi. Gần 12 giờ trưa, chúng huy động 4 chiếc F4 lao xuống cắt bom, đồi A1 rung lên bần bật, tơi bời. Anh Hiến, anh Phòng hy sinh, anh Tơm y tá bị thương vào đầu máu chảy ướt ngực áo. Địch dùng một tiểu đoàn vây kín đội hình đại đội, chúng mở ba đợt tấn công nhưng đều bị đánh bật ra. Một tiểu đội được điều lên A1 để đưa thương binh liệt sỹ xuống. Hết loạt bom địch dùng 2 chiếc T28 sà thấp bắn đại liên vào chốt.
Anh Thể bị đạn bắn thủng bụng, vết thương chảy máu nhiều. Tôi băng bó cho anh và đỡ anh dựa vào chiến hào, anh Thể nói: Đồng hương cứ yên tâm chiến đấu, tôi còn chịu đựng được. Anh ngồi dựa lưng vào chiến hào tay vẫn ôm khẩu súng. Trên nóc hầm đạn hay chiu chít, tiếng súng cối 61, M79 nổ như xé ngang tai, bọn địch hò hét xông lên hết đợt này đến đợt khác.
Lúc chưa bị thương, anh Thể ném hàng trăm quả lựu đạn về phía địch. Có quả nổ trên không khiến bọn địch thương vong và khiếp đảm. Lại 2 quả DKZ và B41 nổ trúng đội hình bọn giặc đè lên nhau tháo chạy.
Đợt phản kích thứ hai bị bẻ gãy:
14 giờ ngày 02/01/1970:
Hai chiếc máy bay AD6 cắt bơm từng quả một, chúng phóng một loạt rốc két vào A1, pháo địch lại thi nhau dội đạn xuống cốt, hàng trăm tên lại hò hét nhau xông lên. Anh Thiệp ra lệnh: “Ta phải bỏ chốt thôi”.
Vì hỏa lực ta chỉ còn 2 quả B41, DKZ còn lại 3 quả. B40 thì hỏng, Thế lại bị thương. Tôi phân công thế này: Anh Môn bắn hai quả DKZ vào chỗ thằng chỉ huy, tôi bắn một quả dọn đường chỗ anh em mình chạy xuống, khi tôi bắn thì hai đồng chí Bấng, Bời cõng đồng chí Thể chạy xuống chỗ cây to đổ, đồng chí Việt ở lại bắn yểm trợ rồi rút sau.
Tên chỉ huy đầu đội mũ nồi đỏ chỉ trỏ hò hét hàng trăm tên địch xông lên. Hai phát DKZ nổ kèm theo quả B41 như sét đánh hất toàn bộ đội hình địch xuống sườn núi, anh em cõng nhau rời chốt. Tôi vọt lên mặt chiến hào xả từng loạt AK về phía địch. Những tiếng kêu thét của chúng chìm trong tiếng nổ AK. Anh em luồn vào khu rừng bom vừa quật các cây đổ gục.
Chúng tôi đã lấy đất ở hố bom, lá cây vùi lên người nằm im chờ trời tối. Địch đã tràn lên chốt, chúng chửi rủa bắn đạn vu vơ và tiến hành lùng sục. Hàng chục tên tay lăm lăm súng vừa đi vừa bắn, bọn địch chỉ cách chúng tôi chừng 20m không phát hiện ra chúng tôi. Anh Thể bị thương rất nặng nhưng anh chỉ cắn răng rên khe khẽ. 17 giờ trời đã nhá nhem tối, anh em nhặt một đoạn cây làm đòn cáng anh Thể tìm về đơn vị.
Bỗng phía trước có nhiều bóng người anh em tưởng đơn vị ra đón nên đã phát tín hiệu mật khẩu. Mật khẩu vừa phát đi thì một loạt đạn các pin bắn về phía chúng tôi, cây đòn cáng anh Thể bị đạn bắn gãy, biết mình đã bị bao vây nên anh em quấn anh Thể vào chiếc võng bạt vác anh đi lần mò trong đêm tối. Khoảng 10 giờ đêm thì đến sông Nậm Ét và thoát ra ngoài vòng vây của địch.
Nghe tiếng nước chảy anh Thể bảo cho anh uống nước, sợ máu ra nhiều chúng tôi chỉ bón cho anh từng giọt một. Anh lại bảo tôi không sống được đâu cứ cho tôi uống nhiều cho đỡ khát, anh nhoài người ra đưa tay hớt nước, đoạn sông này nước chảy đến thắt lưng, chúng tôi động viên anh sắp về tới đơn vị rồi.
Trời tối quá đường đi dốc, rậm rạp cộng với đói khát chúng tôi mò mẫm đến 2 giờ sáng thì lên đến dãy 1572. Anh em vội bốc ít cơm nguội hôm trước ăn không hết đổ xuống đất cho vào ống bơ đun lên thành cháo rồi ăn, còn ít lương khô hòa cho anh Thể uống nhưng anh không ăn được nữa. Đói, rét và mệt chúng tôi ôm nhau ngủ thiếp đi.
Gần 4 giờ sáng tôi lay anh Thể thì anh đã mất rồi.
6 giờ sáng ngày 03 tháng 01 năm 1970 chúng tôi niệm anh Thể, mặc cho anh bộ quân phục mới nhất. Thấy chiếc thắt lưng của anh còn mới mà thắt lưng của tôi đã bị mảnh đạn cắt gần đứt, tôi nói: “Tôi đổi cho anh chiếc thắt lưng này nếu tôi còn sống nhất định sẽ mang về trao cho gia đình anh để làm vật kỷ niệm”.
Chúng tôi đưa anh ra nghĩa trang Mường Son rồi tìm đường về đơn vị. Phải nói rằng anh Thể là người trắng trẻo, đẹp trai, mặc dù bị thương mất máu nhiều song lúc chết môi anh vẫn hồng như môi con gái.
Cấp trên thông báo:
Đợt tập kích này tuy không giải phóng được Tòng Khọ nhưng đơn vị đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch: Theo đài BBC và hãng tin AFP thì địch đã mất 507 tên còn phía ta thiệt hại 42 đồng chí.
Nếu lấy số địch chết chia cho anh em chúng tôi và các đồng chí đã hy sinh, thương vong thì chúng tôi đã hy sinh, thương vong thì chúng tôi đã trở thành dũng sỹ.
Phần 4. ÔNG TÀ XẺNG DƯỚI CHÂN NÚI PHU LƠI
Ngày 09 tháng 03 năm 1970, Tiểu đoàn 923 đã giải phóng Tòng Khọ sau 3 lần tập kích. Những tên địch sống sót tháo chạy về hướng Phu Lơi. Chúng dồn hàng trăm dân thường chạy theo chúng. Đồng chí Văn Đình Song chính trị viên Tiểu đoàn 923 và Ban chỉ huy Đại đội 62 giao nhiệm vụ cho chúng tôi: “Các cậu phải truy kích địch thật nhanh dành bằng được dân đưa ra vùng giải phóng”.
Ở Lào lúc này đã có những cơn mưa đầu mùa tầm tã. Chúng tôi được trang bị gọn nhẹ bắt đầu hành quân về núi Phu Lơi nơi tàn quân địch đang tháo chạy. Sau nửa ngày đường chúng tôi đã gặp một số người già không đi được bị chúng bỏ lại dọc đường. Anh em phân công nhau hướng dẫn những người già yếu cho họ ít lương thực, chỉ ra vùng giải phóng. Phu Lơi quả là dốc, đường đi hết lên dốc lại xuống dốc. Đầu gối chạm vào cằm, đường trơn như đổ mỡ, anh nào cũng ngã lấm lem. Đã vậy bọn địch lại gài lựu đạn cản đường, cái chết cận kề... Chúng tôi vừa đi vừa phải dò mìn nên rất chậm và vất vả. Muỗi vằn, bọ chó, ruồi vàng đuổi theo như đám mây, có thể vơ được cả nắm.
Tiếng súng của địch vọng lại đều đều, chúng tôi biết rằng bọn chúng rút quân cũng chưa xa. Ngày thứ 2 chúng tôi sắp đuổi kịp chúng, bỗng ở phía trước có tiếng lựu đạn nổ liên hồi, từng tràng súng máy nổ dồn từng chập, từng chập một. Anh em đoán chắc có đơn vị bạn đánh nhau với địch nên khẩn trương vận động.
Dọc đường chúng tôi gặp vài người dân họ chỉ đường cho chúng tôi lên bản Phu Lơi. Bản ở đây có vài chục nóc nhà, với hơn 100 con người, quần áo xơ xác, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ. Đàn ông khoảng hơn chục người trạc tuổi trung niên, trông người nào cũng đen đũi và rắn rỏi. Đón chúng tô là một ông già cao gầy da đen, mắt sáng tầm 60 tuổi. Tuy già cả nhưng dáng đi của ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ông nắm lấy tay từng người, khóc và nói: “Tôi đã theo Xu Pha Na Vông theo mặt trận Pha Thét Lào từ khi đánh Pháp, đã được ở với bộ đội Việt Nam từ đó. Đến khi đánh Mỹ (American) tôi cùng dân làng đi theo cách mạng, theo Neo Lào Hắc Xạt.
Phu Lơi nằm sâu trong vùng địch chiếm. Nếu đi ra vùng giải phóng phải mất cả tháng trời đói rét, thiếu ăn, thiếu muối. Thế nhưng dân làng ở đây vẫn một lòng đi theo cách mạng. Mặc dù địch dụ dỗ thả gạo, thả muối tận sân nhà nhưng theo lời ông già thì dân làng vẫn cương quyết không theo chúng. Tấm lòng yêu nước của họ thêm một lần nữa tiếp sức cho chúng tôi vững tay súng trên đương ra trận. Ông còn kể rằng trước đó ông và dân làng đã giết được vài tên giặc, cứu sống được vài chúc người dân đang bị giặc cô lập.
Chúng tôi nói: “Bộ đội sẽ đưa bà con ra vùng giải phóng ở gần Trung ương Neo Lào Hắc Xạt để bà con yên ổn làm ăn, sinh sống, không còn lo sợ giặc nữa, bà con mang được thứ gì thì mang còn thì bỏ lại”. Ông Tà Xẻng nói cắt ngang lời chúng tôi: “Gần đây có bốt giặc đóng ở trên đỉnh Phu Lơi mới rút. Chúng bỏ lại nhiều súng đạn và quân trang, để tôi và một số bà con lên lấy về, có cái mà dùng và làm vũ khí chiến đấu”.
Ông già dẫn anh em chúng tôi và hơn chúc người dân lên bốt. Chúng tôi nói: “Trước khi địch rút chúng thường gài mìn, lựu đạn, để anh em bộ đội gỡ hết mìn bà con mới được lên. Chúng tôi phân công nhau vô hiệu hoá một số quả mìn và lựu đạn xong mới cho mọi người lên bốt.
Mọi người đang thu dọn chiến lợi phẩm thì phát hiện có một thùng đạn các pin còn mới dấu ở gầm một hòn đá to. Ông Tà Xẻng mừng lắm, ông nói: “Có hòm đạn này thì không lo thiếu đạn”. Chúng tôi dặn ông cẩn thận trước khi lấy. Ông vui vẻ đáp: “Nếu có chết tôi cũng cam, anh em cứ chôn tôi ở đây để làm con ma thiêng giữ yên cho dân bản”. Mọi người đang xôn xao thu chiến lợi phẩm súng, đạn, quân trang, đồ dùng chất thành từng đống, bỗng ông già thét lên! “Lựu đạn!. Theo phản xạ chúng tôi nằm lăn ra đất trong nháy mắt. Dứt tiếng la hét của ông già là một tiếng nổ đanh như sét đánh. Một đám khói đen đặc trùm kín ông già.
Chúng tôi lao lại vực ông già dậy. Cả tấm ngực trần của ông đã bị quả lựu đạn xé nát, máu rỉ ra thấm vào đất cát, ông đã tắt thở, mắt mở trừng trừng. Mấy người dân bản thấy thế la khóc rất thảm thiết. Chúng tôi đứng lặng bên những mảnh thây của ông già mà lòng nghẹn lại. Chúng tôi thấy mình có lỗi với ông già. Giá như không lên bốt để lấy đạn thì ông đã không chết.Con người quả cảm ấy sẽ không bao giờ về lại với dân bản nữa.
Chúng tôi đặt ông già nằm ngay ngắn giữa đỉnh đổi, mặt nhìn về hướng Đông, nơi có mặt trời mọc, nơi có mặt trận giải phóng, có Chủ tịch Xu Pha Nu Vông người bạn chiến đấu của ông mà mấy chục năm nay dù chịu bao gian khổ hi sinh ông vẫn một lòng đi theo Cách mạng, tin vào ngày thắng lợi.
Cái chết của ông già đã khiến tôi liên tưởng. Sao ông ấy giống anh hùng Núp của Việt Nam đến thế. Giờ đây mất ông dân bản như mất một người cầm lái. Chôn cất ông xong họ còn đặt lên mộ ông cây súng cạc pin mà ông vẫn mang theo bên mình khi còn sống. Trên mộ ông không có nén hương nào, nhưng những cánh hoa rừng đỏ thắm đang toả hương tiễn ông về bên kia thế giới với bao tiếc thương vô hạn. Dân làng rời khỏi mộ ông già, họ dắt díu nhau đi ra vùng giải phóng. Bóng họ khuất dân sau những vạt rừng xanh. Tiếng đại bác của địch vọng lại rền vang, chúng tôi xốc lại ba lô nhằm phía Nam hành quân ra mặt trận mới.
Phần 5. ĐI VỀ NƠI CÓ TIẾNG SÚNG
Tạm biệt Phu Lơi, Tòng Khọ đơn vị chúng tôi hành quân gấp về phía Nam. Rừng Khộp lúc này đang thay lá, từng đàn hươu, nai và muông thú chạy rào rào. Những con thú hoang ấy ngơ ngác khi nhìn thấy chúng tôi.
Từ cán bộ Đại đội đến các chiến sỹ đều trong tâm thế háo hức đi về phía Nam, nơi sào huyệt của địch để được đánh những trận ra trò. Chúng tôi đoán sẽ có pháo lớn và cả xe tăng nữa. Tôi nghĩ thầm trong lòng về những trận đánh sắp xẩy ra: “Ôi đánh như thế mới là đánh trận chứ! Những trận đánh trước đây cứ bí mật luồn sâu theo kiểu đặc công chẳng khoái chút nào”.
Sắp đến ngày 7 tháng 5, ngày kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thể nào cũng có đoàn văn công vào biểu diễn, chúng tôi đoán vậy.
Trong lúc tôi đang đi tắm thì gặp tiểu đoàn trưởng Lê Lợi. Ông có tướng con nhà võ, người cao, đậm, da đen, râu quai nón. Chưa đến tuổi 40 nhưng đi đâu ông cũng chống gậy ba toong trông oai vệ lắm. Thực ra gậy ba toong chỉ thay cho chiếc gây Trường Sơn thôi. Ở giữa gậy ông đục một lỗ để hút thuốc lào.
Ông Lê Lợi tráo đầu gậy ngoắc vào cổ tôi, ép bộ râu quai nón của ông vào mặt tôi rồi day đi day lại, xót rát. Rồi ông hỏi: “Cậu tên gì?”. Tôi nhanh nhảu đáp: “Báo cáo thủ trưởng em tên Việt”. Ông lại hỏi tiếp: “Cậu học đến lớp mấy rồi? Quê ở đâu?”. Tôi thưa: Em học hết lớp 10, quê ở Bắc Thái ạ! Ông chuyển giọng: “Mày làm liên lạc cho tao đi”. Tôi thưa “Em không thích làm liên lạc, chỉ thích làm trinh sát hoặc trực tiếp chiến đấu thôi. Nếu đợt này em lập được công, thủ trưởng cho em đi học sỹ quan nhé! Ông lặng thinh một hồi rồi nói: “Lính trinh sát ăn lương khô cả tháng trời, mày gầy yếu thế kia sao chịu nổi”. Tôi không nói gì tìm cách chào rồi chuồn hẳn.
Khi đã khuất khỏi tầm mắt của ông Lê Lợi tôi thầm nghĩ nếu phải làm liên lạc cho ông chắc tôi không chịu nổi. Cả năm may ra được 6 tháng ăn cơm còn thì toàn gạo rang với lương khô.
Là Tiểu đoàn trưởng nhưng lúc nào ông cũng sống ngay sát địch. Chúng ở đâu, ông ở đó xa lắm cũng chỉ vài trăm mét. Chúng đi đâu ông đi đấy, đêm ông cùng trinh sát bò vào bốt, ngày ông ra ngủ ngoài hàng rào địch. Bọn địch đâu biết cách chúng vài trăm mét có một Đại uý Việt cộng luôn luôn theo dõi chúng.
Đôi lúc ông nói vui: “Đi trinh sát phải như thằng Kiên ấy. Tao bảo nó lấy chiếc áo lót của vợ thằng sỹ quan làm tin, thế mà nó lấy thật. Nó còn nói là tên chỉ huy cùng vợ hắn nằm ở hầm trung tâm phải bò qua 3 hầm mới vào được đấy. Ôi! Tao rất là khâm phục nó. Đặc công của Bộ chắc chỉ giỏi đến thế là cùng”.
Tôi cũng góp chuyện: “Thủ trưởng ơi! Trước lúc nổ súng em không hề sợ nhưng mót đái lắm, toàn đái dắt thôi, hết lần này đến lần khác bao giờ nổ súng mới thôi.”.
Ông phủi tay: “Ối dào! Ai chẳng vậy có điều nó quen thôi. Chúng mày chỉ lo một mình chúng mày còn tao cả ngàn sinh mạng. Nếu sơ sểnh một chút đầu tao không biết ở đâu”.
Ngày 7 tháng 5 năm 1970, Tiểu đoàn 5 đã giải phóng Pha Kha. Tôi gặp anh Thìn Tồ người cùng quê, anh vác khẩu B40 tay dắt một con bò là chiến lợi phẩm mà anh cướp lại được từ tay địch. Chúng tôi gặp nhau rồi chia tay tại sân bay Mường Hiềm. Đơn vị tôi vào tiếp quản Pha Kha vừa giải phóng, còn đơn vị anh Thìn Tồ thì hành quân sang Xiêng Khoảng.
Sắp đến ngày sinh nhật bác Trung, đội của tôi vào hoạt động bám địch ở Phu Cúm. Mùa mưa đã bắt đầu, tôi bị sốt rét quật ngã. Đây là trận sốt rét đầu tiên tôi gặp. Tôi sốt đến 410C. Đầu đau như có gọng kim siết chặt, lúc nóng, lúc lạnh. Có những cơn rét run người khiến tôi co quắp, miệng đắng ngắt, nhìn thấy cơm chỉ muốn nôn. Tôi nằm li bì trên võng suốt 3 ngày. Ban ngày trời nóng không khí oi nồng. Đêm thì lạnh giá, ruồi vàng, muỗi vắt, măn mắt (con dĩn) nhiều vô kể. Khiến tôi cảm nhận như cái chết đang đến cận kề.
Các đồng chí y tá tiêm cho tôi ngày 2 mũi, kết hợp uống thuốc viên. Sang đến ngày thứ 5 tôi đã chống gậy đi lại được và dần dần hồi phục. Lần đầu dùng thuốc nhưng rất hiệu nghiệm. Trước khi cơn sốt rét đến một tuần, da tôi còn đỏ hây hây. Thế mà cơn sốt rét qua đi mắt tôi trũng sâu hốc hác, da tái xanh, chân tay run rẩy, thắt lưng phải siết lại đến vài phân, người lúc nào cũng trong tư thế sắp lên cơn sốt.
Ngày 21 tháng 11 năm 1970, Mỹ đổ bộ xuống Hà Tây để cướp phi công, Trung đội tôi được giao nhiệm vụ tập kích vào một bản (gọi là bản nhưng không có dân ở). Theo tin tình báo của ta có một Đại đội toàn là sỹ quan Nam Triều Tiên, Phi Líp Pin, Nguỵ Sàn Gòn và Nguỵ Lào đang huấn luyện tại đây. Ngoài lực lượng cố vấn Mỹ bọn địch còn trang bị cả chó béc giê... Vài nóc nhà cần ăng ten nhô lên tua tủa. Bộ Tư lệnh yêu cầu chúng tôi phải tiêu diệt gọn bọn sỹ quan này và thu bằng được điện đài (cần ăng ten) để làm tin. Khi tập kích xong phải rút lui an toàn.
Đội hình gồm hai trung đội, cấp trên yêu cầu tuyển chọn một trung đội gồm 15 đồng chí khoẻ mạnh, nhanh nhẹn có quyết tâm chiến đấu cao, bố trí 7 quả mìn định hướng DH10 – 3 khẩu B40, 2 khẩu B41 còn lại là AK do đồng chí Hữu đại đội phó chỉ huy tập kích căn cứ của giặc.
Gần 10 giờ đêm đội hình chúng tôi đã vượt qua tuyến phòng ngự đầu tiên tiếp cận bản Tay Phu Cũm. 24 nóc nhà hiện lên dưới ánh đèn măng xông, bọn địch đang hò hát, nhảy múa, có tên mở đài tiếng nói Việt Nam (Hôm ấy chị Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ của nhà thơ Tố Hữu): Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất nước anh hùng của thế kỷ 20/ Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu đánh Mỹ/ Có Miền Nam anh dũng tuyệt vời”.
Đội hình triển khai xong, 7 quả mìn định hướng đã đặt vào các vị trí chờ điểm hoả, những quả đạn B40, B41 đã nhằm vào những ngôi nhà nơi phát ra những tiếng nói xì là, xì lồ.
Chị Trần Thị Tuyết vừa dứt tiếng thơ đại đội phó Hữu ra lệnh: “Bắn! Loạt đầu 5 quả đạn xé tan cái không khí im ắng của màn đêm, tiếng nổ như sét đánh. Tiếp đến 5 quả nữa, lại 5 quả nữa, 5 quả nữa,... 24 ngôi nhà bốc cháy, tiếng la hét chửi bới hoảng loạn. Anh Hữu hô: “Bấm!”. 7 quả mìn DH10 thành 7 quầng lửa kèm theo những tiếng nổ như dậy đất, những tiếng kêu thét im bặt. Chúng tôi xông vào giữa đám nhà cháy, xác dịch chết chồng lên nhau mùi thịt khét lẹt. Tôi vội rút dao găm chặt nhiều nhát vào chiếc cần ăng ten và thu cần lại. Chúng tôi được lệnh rút nhanh, cả Trung đội chạy vào gần bốt giặc nằm chờ. Lúc này pháo sáng ở các căn cứ bắn lên rực trời, chiếc máy bay B2V5 đã xả từng tràng 20 ly xuống các cánh rừng quanh căn cứ, pháo địch phát hoả bắn chặn, khiến cả cánh rừng chìm trong lửa đạn. Mặc cho tiếng đạn tiếng bom thét gầm, chúng tôi vẫn nằm im chờ cho địch bắn chán gần sáng anh em mới rút ra an toàn.
Sáng hôm sau, địch phải dùng tới 60 chuyến trực thăng để chở xác ra khỏi cánh rừng. Đài BBC đưa tin Việt cộng tiến công vào nhà dân, giết chết 300 dân thường. Đó là thông tin xuyên tạc. Vì trên thực tế, chúng tôi biết rằng 300 xác người ấy đều là quân địch do chúng tôi tiêu diệt.
Ngày 6 tháng 2 năm 1971 có tin dữ. Các đồng chí ở Tiểu đoàn 927 đi vác gạo bị địch phục kích hy sinh 7 người. Cấp trên tức tốc cử Trung đội trinh sát đi điều tra địch. Khi Trung đội sinh sát trở về do trời mưa mây mù nên không nghe rõ ám hiệu đã bắn nhầm phải quân ta, khiến 2 đồng chí hy sinh. Ôi! Chiến tranh mà! Mọi thứ có thể xảy ra.
Tháng 02 năm 1971 chiến dịch Lam Sơn 719 bắt đầu, đơn vị tôi được lệnh đánh phối hợp. Thời gian này Mỹ, Nguỵ không còn thế chủ động nữa, nên các căn cứ chúng bố trí phòng ngự chiền sâu, hầm ngầm kiên cố có nhiều chướng ngại vật. Hào ta luy chiến đấu, các loại mìn được bố trí dày đặc ngoài căn cứ, các ụ đại liên hoặc hoả lực chúng xích chân lính vào đế súng nên bọn này rất ngoan cố. Bắt buộc ta phải thay đổi cách đánh và chọn mục tiêu trọng yếu.
Cao điểm 1700m Phan Xi Phu, ta phải đánh đến 3 lần, lần nào cũng chiếm được song không giữ được. Có trận ta diệt 175 tên địch thu nhiều vũ khí, song ở cao điểm này đã được định vị sẵn, lần nào máy bay cũng ném bom trúng đỉnh mà đỉnh núi này chỉ dài 40m rộng 20m nên 1 quả bom trúng là anh em hy sinh hết. Phía Bắc cách cao điểm này 1000m là căn cứ Phu Cúm một cụm cứ điểm vô cùng kiên cố do 6 tiểu đoàn địch đóng giữ.
Ngày 11 tháng 01 năm 1972 đại đội 62 đã chiếm được Phan Xi Phau. Đang tổ chức giữ chốt và đánh địch phản kích, do địa hình rừng thưa anh em chưa kịp đào công sự nên bị địch phát hiện, chúng huy động 4 chiếc F4H ném bom vào đội hình Đại đội. Đại đội trưởng Phạm Mang chính trị viên Vũ Xuân Tiến cùng 20 chiến sỹ hy sinh và trên 20 đồng chí bị thương đơn vị phải rút về tuyến sau để củng cố.
Sau 2 tháng huấn luyện đánh vây lấn, Đại đội 62 lại được giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Phu Cúm.
Phu Cúm là ngọn núi cao 1052m xung quanh có 1 ngọn núi thấp hơn địch bố trí 3 cụm, 2 sân bay, 2 trận địa pháo. Trong đó có một khu vực là lực lượng cơ động, ban đêm chúng chui xuống hầm ngầm, tránh đạn, hầm ngầm bố trí rất sâu khoảng 10m, nên đạn pháo của ta không gây thương vong được. Bên ngoài được bao bọc nhiều lớp hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật nên ta không thể dùng cách đánh đặc công quen thuộc.
Lúc ấy, tôi được Chính uỷ Trung đoàn Triệu Quang giao nhiệm vụ đánh quả bộc phá đầu tiên vào căn cứ Phu Cúm làm hiệu lệnh cho toàn mặt trận.
Mục tiêu đầu tiên của Trung đoàn là phá huỷ trận địa pháo và kho tàng sân bay Phu Cúm. Sau khi phá huỷ mục tiêu thì tôi là người đánh bộc phá mở hàng rào đầu tiên vào đồi A1 (Phu Cúm).
Ngày 28 tháng 4 năm 1972 tôi, anh Minh mỗi người mang một quả bộc phá khối, loại hợp chất C4 nặng 10kg, A Khiêm mang theo 1 khẩu B41 gồm 3 quả đạn.
9 giờ 30 phút tối ngày 28 tháng 4 năm 1972 ba anh em tôi tiếp cận vào được sân bay. Anh Minh bò vào đặt mìn ở kho xăng, tôi đặt mìn ở trận địa pháo. Ánh trăng vàng nhạt khiến bọn tôi phát hiện ra bọn biệt kích vừa đi phục kích về, chúng đi dọc sân bay, vừa đi vừa hút thuốc lá.
Lợi dụng lúc ấy, hai anh em tôi tiền nhập nhanh vào mục tiêu. Trận địa pháo địch phủ kín bạt. Đạn pháo xếp chồng từng đống, bọn chúng đứa nằm, đứa ngồi la liệt, tên lính gác đi đi lại lại cách tôi chưa đầy 20m. Tôi nhanh chóng đặt quả bộc phát sát vào kho đạn chắp nối hoả cụ rồi dòng dây điện lùi ra ngoài sân bay, khoảng cách có lẽ cũng phải rộng đến 70m. Anh Minh cũng đã đặt ong bộc phá, ba anh em bàn với nhau về kế hoạch điểm hoả. Tôi điểm hoả trước bộc phá không nổ. Anh Minh liền điểm hoả, một tiếng nổ long trời, ngọn lửa bốc cao hàng chục mét sang rực cả một vùng trời.
Hoảng quá tôi giật lấy khẩu B41 của anh Khiêm chạy thắng ra sân bay cách quả bộc phá tôi đặt ước chừng 30 mét nhằm thẳng bóp cò, một tiếng nổ như sét đánh tiếp theo chính là tiếng nổ dậy đất của khối bộc phá và hàng trăm quả đạn đại bác phát nổ. Những quầng lửa nối tiếp nhau như làm long trời lở đất. Anh Khiêm còn bắn tiếp một quả B41 vào bốt giặc sau đó ba anh em chạy ra ngoài căn cứ đi về Sở chỉ huy mặt trận.
Trận địa pháo của ta bắt đầu lên tiếng cối 120mm, 82mm, đạn DK8 kéo những vệt lửa dài trút xuống đồn thù.
Sau 4 ngày vây hãm, pháo của ta liên tục bắn vào căn cứ, Mỹ không dám cho máy bay hạ cánh mà chỉ ném bom vòng ngoài trận địa của ta. Pháo binh của địch cũng phản ứng yếu ớt.
Đêm 02 tháng 5 năm 1972 đơn vị tôi được lệnh tiêu diệt đồi A1 Phu Cúm. Từ 8 giờ tối pháo của ta từng chập bắn vào đồi A1 tiếng nổ không lúc nào ngớt. Mũi đột phá khẩu của tôi đã vào đến sân bay chỉ cách hàng rào chừng 50m thì dừng lại.
Đại đội trưởng Lù A Sề lệnh cho tôi đánh quả bộc phá thứ nhất. Anh gọi điện cho Sở chỉ huy mặt trận yêu cầu pháo binh chuyển làn, khẩu đội 12,7 ly bắn cao lên cho đột phá khẩu tiếp cận mục tiêu. Tôi ôm quả bộc phá ống 7kg hợp chất C4 lao lên cách hàng rào chừng 20m thì dừng lại. Bọn địch hò hét, chúng ném lựu đạn ra ngoài hàng rào hết quả này đến quả khác. Loay hoay mãi không lên được, tôi yêu cầu Đại đội trưởng cho 2 xạ thủ B40 yểm hộ thay nhau bắn để giãn địch ra. Anh Tê và anh Thái vào sát chỗ tôi thay nhau bắn B40 vào bốt. Lợi dụng lúc này tôi lao lên đút bộc phá vào hàng rào giật nụ xoà chạy ra. Một tiếng nổ lớn xé tung 5 lớp hàng rào bùng nhùng. Bọn địch lúc này lại la hét, chúng ném lựu đạn ra phía cửa mở, 5 đồng chí mở đột phá khẩu cửa ta hy sinh.
Cửa mở đã bị chặn lại, tôi đề nghị Đại đội trưởng cho mở cửa dọc sân bay, vì ít chướng ngại vật, bộ đội ta dễ vận động. A Sề đồng ý. Tôi lập tức ôm quả bộc phá thứ 2 lao lên. Một quầng lửa bốc lên và tiếng nổ dậy đất, 5 hàng rào bị xét nát, thêm 2 đồng chí nữa hy sinh ngay tại cửa mở.
Một đồng chí nữa đã kịp thời đánh quả bộc phá thứ 2, thêm 5 lớp hàng rào bị xét nát.
Chướng ngại vật của địch lúc này là một hào ta luy sâu 3m, rộng 3m. Mũi đột phá của ta đã hy sinh và thương vong hết. Tôi ôm quả bộc phá khối 15kg lên đánh ta luy. Khi đặt bộc phá xong tôi giật nụ xoè chạy ra. Nhưng chờ mãi không nổ, tôi vội gọi anh Tê cho tôi quả thủ pháo tay để tôi đánh kích thích khối bộc phá và yêu cầu anh em hảo lực yểm trợ cho tôi.
Tôi lao lên áp sát quả thủ pháo 0,5kg vào khối bộc phá giật nụ xoè chạy ra, vừa qua 10 lớp hàng rào bỗng tôi thấy vàng mặt, kèm theo một tiếng nổ lớn khiến tôi không còn biết gì nữa. Bống tôi thấy có người lay gọi: “Việt ơi! Việt ơi!”. Có rất nhiều tiếng hô xung phong nữa. Tôi thấy toàn thân rơm rớm máu và đau rát. Tôi hỏi quần áo tôi đâu, đồng chí Hải y tá trả lời bộc phá xé nát rồi. Tôi lơ mơ chợt hiểu rằng, quả thủ pháo tay chỉ có 5 giây nên tôi chạy ra chắc chỉ độ 10m là cùng. Vì vậy, khối bộc phá có sức công phá bằng 30kg TNT ấy đã ném tôi đi xa hàng chục mét, quần áo bị xét nát và bay khỏi người tôi, tôi thoát chết cũng là may mắn lắm rồi.
Anh Hải mặc quần áo cho tôi và đặt tôi lên cáng. Lúc này có rất nhiều tiếng nổ của loại đạn cối 81, cối 61 ly. Nằm cạnh tôi còn có 9 đồng chí khác mới hy sinh và anh Thái bị thương ở đầu đang hôn mê. Tôi nghe thấy tiếng của anh Vinh chính trị viên Đại đội: “Các đồng chí khẩn trương đưa thương binh và liệt sỹ ra tuyến sau. Anh ra lệnh cho một tiểu đội ra chốt ở sân bay để đánh địch phản kích vào sườn quân ta”.
Đồi A1 ta và địch đang giành nhau từng khúc chiến hào một, trận đánh ngày càng ác liệt. Lực lượng còn lại chiến đấu lúc này là 20 đồng chí. Bọn địch ở hầm ngầm xông lên hết đợt này đến đợt khác. Sau một loạt đạn pháo của địch bắn trúng vào đội hình đại đội ra, hàng ngàn tên địch ở lực lượng cơ động xông lên phản kích. Tiểu đội chặn địch ở sân bay đã hy sinh hết, trong đó có anh Chiêm, anh Tiến, anh Đảm.
Tiếng hò hét, tiếng tiểu liên, nổ từng tràng dài. Đại pháo nổ đinh tai, nhức óc cả bầu trời sáng rực. Tiếng lựu đạn, tiếng súng AK của ta thưa dần rồi im bặt. Chúng tôi hiểu rằng anh em đã hy sinh hết. Bọn địch phòng ngự quá sâu lại tập trung đông quân vì vậy các mũi thứ yếu khác cũng không dứt điểm được nên có lệnh rút ra.
Sau trận ấy, tôi bị sức ép nên nằm viện mất một tuần rồi trở về đơn vị. Anh em chạy ra đón tôi, nhưng chỉ còn có vài chục người. Đã có 42 đồng chí ở Đại đội tôi hy sinh anh dũng và nhiều đồng chí khác bị thương.
Cấp trên thông báo: Mặc dù ta không giải phóng được Phu Cúm song tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phá hỏng nhiều kho tàng, sân bay, trận địa pháo gây nhiều thiệt hại cho địch. Đặc biệt Đại đội 62 có rất nhiều đồng chí chiến đấu dũng cảm, đơn vị cần nhân rộng điển hình để xây dựng đơn vị anh hùng.
Tôi được đơn vị bình chọn về dự Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc sắp diễn ra ở Hà Nội. Tin vui cứ đến với tôi dồn dập. Tôi được chính uỷ Triệu Quang và chính trị viên Văn Đình Song cho lên gặp, cấp trên thông báo tôi được tặng danh hiệu dũng sỹ đánh bộc phá, được thưởng huân chương chiến công và đơn vị cho đi học tại trường sỹ quan lục quân.
Chia tay với đơn vị thân yêu tôi ôm lấy từng người nghẹn ngào từ biệt.
Tháng 6/1972, sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường tôi được ra miền Bắc. Khi về đến Thái Nguyên phải chờ xe mất 3 ngày. Thời kỳ này xe pháo hiếm lắm, ở bến xe lại phải chạy tránh máy bay luôn nên tôi quyết định đi bộ về nhà. Thấy tôi đội mũ tai bèo, quần áo, ba lô quân giải phóng, có cả vải dù nữa nên bà con 2 bên đường suốt từ xã Cù Vân đến xã Lục Ba, xã Ký Phú (thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên) bỏ cả cày cuốc, liềm hái chạy lên hỏi thăm tôi. “Đồng chí ở đâu về? Có biết con, em chúng tôi thế nào không?”.
Đi qua một cánh đồng là tôi về đến nhà. Nhìn từ xa bố tôi đã nhận ra dáng đi của tôi. Ông bảo chú Niên ra đón. Mẹ tôi đang sàng gạo thì nói dỗi: “Ôi bộ đội ai chẳng giống ai! Biết bao giờ chúng nó mới về.” Bà tủi thân ngồi khóc, vì nghe phong thanh chú Minh em tôi mới hy sinh. Tôi về gần đến nhà chị gái tôi chạy ra đón. Chị chạy ra chạy vào hai lần nhưng không nhận ra tôi. Lần thứ 3 tôi bước vào sân chị lại gần ngắm kỹ rồi bỗng ôm lấy tôi chị khóc. Chị bảo trông cậu cao lớn đẹp trai như bộ đội Trung Quốc nên không nhận ra. Chị lại bảo ở chiến trường gì mà cậu béo trắng thế, chắc cậu chỉ nấu cơm làm anh nuôi thôi nên mới được như thế. Tôi chỉ cười và gật đầu. Lúc này cả làng, cả xã đến nhà hỏi thăm. Họ vây lấy tôi vòng trong, vòng ngoài. Mẹ tôi bỏ cả thúng gạo mặc cho lợn, gà tung toé chạy ra rẽ đám người để ôm lấy tôi bà khóc. Lúc ấy tôi ôm chặt lấy mẹ mắt rơm rớm nước.
Ngày hôm sau khắc nơi đều có người đến hỏi thăm tôi xem có biết tin gì về con em họ không. Bố tôi mổ một con lợn gần một tạ để tiếp đón khách.
Biết tin em tôi đã hy sinh ở Quảng Trị mẹ tôi buồn lắm. Tôi lại đeo ba lô ra đi. Đây là lần thứ 5 gia đình tôi tiễn người ra trận. Chiến tranh còn ác liệt những mẹ tôi không cản tôi nữa. Mẹ tin tôi sẽ không chết được cho dù chiến tranh tàn khốc đến nhường nào.
Phần 6. CHUYỆN TÌNH Ở VIÊNG THOONG
Chia tay với Đại tá Xeng Phon, chính uỷ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn, chiếc xe u oát mang biển số 0056 đưa 5 anh em trong đội tình nguyện tìm mộ liệt sỹ đi về hướng Mường Hiềm. Đợt này có bác Nguyễn Công Nhuế là người cao tuổi nhất, 73 tuổi, sau đến bác Mai 67 tuổi, tôi và anh Minh đều 63 tuổi, chú Lại là người ít tuổi nhất cũng đã 60.
Xe chạy được 2 giờ đồng hồ thì đến bản Nậm Tạt (huyện Húa Mường) nay đã đổi tên thành bản Pha Nang. Pha Nang là vùng ngã ba đường 6 đi về bản Ban, Xiêng Khoảng một nhánh đi qua Mường Hiềm về tận Luông Pha Bang. Trước những năm 1969, Mỹ, Nguỵ huy động 11 tiểu đoàn tiến công lấn chiếm vùng giải phóng, vì vậy khu vực này xảy ra những trận đánh vô cùng ác liệt với các đơn vị như Tiểu đoàn 705 quân giải phóng Pha Thét Lào cùng với Tiểu đoàn 923 và các đơn vị thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 quân tình nguyện Việt Nam.
Đặc biệt Tiểu đoàn 705 và Tiểu đoàn 923 được các đồng chí lãnh đạo Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bộ tư lệnh 959 và nhân dân Lào ví như hai anh em sinh đôi cùng lập nhiều chiến công như nhau, khiến bọn địch khi nghe thấy tiếng Tiểu đoàn 705 là bỏ chạy.
Mỗi khi hành quân gặp nhau cán bộ chiến sỹ hai Tiểu đoàn đều ôm lấy nhau tay bắt mặt mừng, thương nhau như anh em ruột thịt, hình ảnh ấy ai thấy cũng cảm động xen lẫn tự hào vì tất cả đã trải qua hàng chục trận đánh ác liệt sát cánh bên nhau.
Tháng 11 năm 1974 đơn vị tôi, Đại đội 62, Tiểu đoàn 923 đảm nhận quy tập liệt sỹ tại khu vực này, gồm 3 nghĩa trang một nghĩa trang có 235 mộ, một nghĩa trang có 141 mộ (Km81) và một nghĩa trang gồm 35 mộ. Chúng tôi tiến hành quy tập nghĩa trang nhỏ trước.
Nằm dưới vạt rừng dẻ, sồi lại gần đường ô tô nên rất dễ nhận ra chiến trường xưa, mặc dù đã 39 năm trôi qua. Hôm ấy, chúng tôi đã hoàn lấy được 24 mộ và đào lên được 8 mộ nữa nhưng trời đã tối. Ngày 29 tháng 11 năm 1974, 4 giờ chiền bỗng nghe thấy tiếng xe ô tô của Bộ tư lệnh, anh em chạy ra đón. Sau khi kiểm tra, xem xét đồng chí phái viên truyền đạt mệnh lệnh: “Các đồng chí chôn lại 8 liệt sỹ, sáng mai hành quân sớm về Bộ tư lệnh nhận nhiệm vụ mới. Chiến trường miền Nam đang cần chúng ta! Chúng tôi đã hiểu, ở Lào lúc này tương đối hoà bình, các căn cứ lớn của địch như: Phu Cúm, Buôm Lọng, Long Chẹng đều co cụm, phòng thủ chứ không dám lấn ra như trước nữa, ta đã cho quân bao vây, Pha Thét Lào đã vào tiếp quản vùng giải phóng. Các đơn vị của ta lần lượt rút về Nghệ An để chuyển hướng vào Nam. Không khí lúc này thật rạo rực, niềm tin ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng đã đến gần.
Chiếc xe u oát dừng lại chúng tôi đi lên bản Pha Nang, lên khu nghĩa trang thắp những nén hương khấn vái các anh linh liệt sỹ phù hộ cho anh em đi đợt này hoàn thành được nhiệm vụ. Cách đó ít ngày chúng tôi đã khai quật lại khu mộ để tìm 8 liệt sỹ nhưng không thấy, vì nhân dân không biết nên đã làm nhà lên phần mộ các anh, giờ muốn lấy được các anh phải di chuyển 15 ngôi nhà mà mức đền bù sơ bộ tính cũng phải mất đến 100 triệu kíp tương đương với 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu) tiền Việt Nam. Đội quy tập mộ liệt sỹ và anh em chúng tôi không có khả năng làm việc ấy nên đành để lại và báo cáo cấp trên có giải pháp. Xin anh linh các anh tha thứ cho chúng tôi. Anh Lê Quang Thắng quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ đã báo mộng cho tôi theo địa chỉ trong mơ tôi đã tìm về tận nhà anh. Ngày 27 tháng 7 năm 2012 tôi sẽ mua dép cao su, quần áo, mũ cối và nhiều thuốc lá cho các anh.
Rời bản Pha Nang đi khoảng một tiếng, chúng tôi đến bản Na Piêng. Trước đây bản Na Piêng có cây Đào rất to, bộ đội ta đặt kho ở đây vì vậy anh em thường gọi là kho Cây Đào. Ở đây gàn đường xe ô tô nên kho rất lớn đủ lương thực, thực phẩm và vũ khí cho một trung đoàn. Mùa mưa anh em bộ đội và dân công, có cả dân công người Lào đã vận chuyển đạn, gạo vào bên trong tơi gần căn cứ địch để mùa khô đảm bảo nhu yếu phẩm đánh địch. Bỗng anh Minh kể chuyện: “Năm 1973 tôi và y sỹ Phúc, người Bắc Kạn,y tá Hải ở Phu Thịnh, Đài Từ đã mổ vết thương cho một chiến sỹ người Lào. Người ấy bị đạn các pin bắn vào đầu, viên đạn xuyên từ cằm lên đỉnh đầu. Anh em phẫu thuật thành công, sau 45 ngày người thương binh ấy đã ra viện, không biết giờ này người ấy còn sống không?” Nghe anh Minh kể chú Lại lập tức xen vào: “Người thương binh ấy chính chúng em đã đưa ra viện”. Câu chuyện đã đưa chúng tôi trở về quá khứ 39 năm về trước.
Năm 1973 đơn vị chúng tôi đi chuyển gạo từ kho Cây Đào vào tuyến trong. Tiểu đội vận tải do đồng chí Hoàng Văn Thiện người ở Huống Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên phụ trách có 7 đồng chí, trong đó có đồng chí Lại ở Bắc Ninh, đồng chí Bảo ở Tuyên Quang và một số anh em khác. Đường vận chuyển qua một cái kho của bản Na Piêng. Thời kỳ này đơn vị chúng tôi phải cấp gạo cho cả bản Na Piêng vì ở đây không sản xuất được. Kho này có hai người Lào coi giữ, khi nào dân bản hết gạo, thực phẩm lại ra kho lấy. Một hôm đi qua kho thấy không có người chúng tôi vào trong kho xem tình hình thì thấy hai người Lào nằm ôm lấy nhau. Một người bị thương vào đầu máu tụ to như quả cam đang nằm mê man và lên cơn sốt, người kia kể lại: “Cách đây 5 ngày tôi đi vào nương ngô săn Gấu thì thấy anh ta đang lúi húi ở bãi ngô, quần áo màu xanh đen, áo lót màu trắng. Trời sắp tối tôi nhìn không rõ tưởng là Gấu nên tôi đã bắn, không ngờ đạn đã trúng ngay người đồng đội”. Nói rồi anh ta khóc, đồng chí Thiện lấy ra ít Mật Gấu mấy hôm trước anh em bắn được, đắp viết thương cho anh ta, xong lệnh cho 4 đồng chí khiêng anh ta ra viện quân y của Tiểu đoàn.
Khám qua vết thương y sỹ Phúc quyết định mổ. Ca mổ lúc này có y tá Minh, y tá Hải, phụ tá. Vì trời sắp tối nên y sỹ Phúc cho thắp đèn măng xông. Lóng ngóng thế nào y tá Minh làm thủng mạng đèn không cháy được. Đồng chí Lạp lập tức lấy đèn pin phục vụ ca mổ. Chỉ vào nhát dao kỹ thuật mang da đầu lật ra máu chảy từng cục xuống chiếc thau nhôm, vài phút sau viên đạn các pin rơi đánh cốc xuống chậu. Anh em lúc ấy ai cũng rùng mình. Lấy viên đạn ra khói đầu y sỹ Phúc làm các kỹ thuật, thủ thuật rồi khâu lại vết thương. Ca mổ đã thành công. Có lẽ viên đạn chỉ đi vào vùng xương sọ không vào hộp sọ nên não không bị tổn thương vì vậy nạn nhân đã được cứu sống.
45 ngày sau tôi đi vác gạo và gặp lại người thương binh ấy, anh ta đã chống gậy đi lại được. Gặp tôi anh ta gật đầu mỉm cười. Tôi trêu anh ta (ải bo đẩy au mia, au mia là tai thẹ), nghĩa là anh không được lấy vợ, lấy vợ là chết đấy, anh mỉm cười gật đầu.
Bác Mai xen vào: “Ôi nếu đợt này mà gặp được người thương binh ấy thì câu chuyện trở thành hy hữu đấy. Thú vị biết chừng nào. Khi vào trong dân ta thử hỏi dò xem sao”. Trên xe còn có hai anh em Minh và Lại mới biết nhau, Lại là lớp lính 1972 đi sau chúng tôi 4 năm.
Dọc đường đi câu nói của Đội trưởng Đội quy tập Liệt sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hoá Lê Bật Phong cứ văng vẳng bên tai tôi: “Nếu các bác không sang liệt sỹ của chúng ta vĩnh viễn nằm lại đây. Chúng em đã đào bới cả tháng nay rồi mà chưa thấy. Anh em chúng tôi vội vã lên đường chưa kịp dặn vợ con mà chỉ nói quan loa là đi giao lưu vài ngày rồi về. Bác Nhuế còn giấu vợ và các con, bác bảo: Tao đi chơi thăm anh em ít ngày đến khi thay sim điện thoại các con bác mới biết, bọn chúng tha hồ trách chú Lại, chú Việt giấu chúng.
Xe chạy độ hai tiếng nữa thì đến huyện Mường Hiềm. Mường Hiềm nay đã đổi thành Viêng Thoong. Trước những năm 1969 đây còn là sân bay dã chiến của giặc, đồn bốt đóng ở xung quanh, ở đây có ngọn núi cao trên 800m, bọn giặc đóng bốt tiền tiêu. Mãi đến tháng 3 năm 1969 ta mới giải phóng được Mường Hiềm. Từ lưng chừng núi có dòng suối nước nóng chảy ra. Đầu tháng 3 năm 1970 giải phóng xong Tòng Khọ đơn vị tôi hành quân qua Mường Cút rồi đóng quân ở suối nước nóng, chúng tôi thường ra đây tắm giặt. Khi ấy chúng tôi cũng không hiểu là tắm nước nóng có lợi cho sức khoẻ mà chỉ thấy rất sảng khoái. Huyện Viêng Thoong giờ đây đã quy hoạch thành nơi nghỉ dưỡng.
Sân bay Mường Hiềm xưa nay là trung tâm hành chính của huyện Viêng Thoong, nhiều ngôi nhà hai tầng đã mọc lên, thị trấn sầm uất, đường nhựa từ Sầm Nưa qua đây rồi chạy thẳng sang Luông Pha Băng. Xung quanh thị trấn là những cánh đồng lúa xanh ngát. Từ ngã ba này con đường ô tô còn chạy xuôi Xốp Xiêm qua Nậm Khao sang Phu Bia – Xiêng Khoảng. Dọc hai bên đường làng bản mọc lên san sát. Trước những năm 1972 đơn vị tôi từ ngã ba Xốp Khao ra Mường Hiềm phải đi mất một ngày. Mùa mưa anh em phải đi gùi gạo, đạn vào tuyến trước.
Khi đến Mường Hiềm tôi lại nhớ lại chuyện tình của tôi ngày ấy. Cứ mỗi lần đi ra lấy gạo tôi thường vào nhà mẹ Mây ngủ trọ. Nhà bà chỉ có hai mẹ con. Gọi là mẹ nhưng có lẽ bà cũng chỉ hơn tôi 20 tuổi. Mẹ có em May là con gái chừng đo 16 – 17 tuổi. Em cao, gầy và hơi đen trông rất ra mã con gái. Ở bản chẳng có thanh niên nào vì thế em chưa lấy chồng. Thấy tôi em quấn quýt hỏi thăm đủ thứ. Biết tôi thích cơm nếp em thường lấy ép cơm cho tôi, khi tôi đi còn gói cho nắm cơm to tướng. Tối đến bên bếp lửa hồng trên nhà sàn em dạy tiếng Lào cho tôi, tôi dạy tiếng Việt cho em cứ như vậy cho đến khuya, mẹ May nhắc khéo May đi ngủ. Bà bảo: “Con đi ngủ để cho anh con mai còn phải đi qua nhiều con dốc. Con dốc Phu Săm Si cao hơn nghìn mét mỗi lần qua đây muốn vỡ cả lồng ngực.”. Tuy nhắc vậy song có lẽ bà cũng muốn cho chúng tôi ngồi lâu hơn nữa. Nửa tháng trời chúng tôi mới được gặp nhau mà. Mẹ thường bảo, anh đi xa con May nó nhắc nhiều lắm.
Ở góc nhà bên, anh Thiết quản lý và anh Viện đã ngáy đều đều. Bếp than hồng thỉnh thoảng lại nổ lách tách, May nhìn tôi đôi mắt mở to đen láy như muốn nói: “Anh nói gì đi chứ, tôi nhìn em rồi nghĩ, nửa như May là em gái mình, tôi không có em gái vì thế trong suy nghĩ rất muốn có một đứa em gái sau này hoà bình hai nước có quan hệ tốt tôi sẽ đón em về thăm quê hương và giới thiệu với gia đình làng xóm. Nhưng ý nghĩ ấy thoáng qua rất nhanh trước mắt tôi hiện lên một người con gái có dáng, điệu quyến rũ đến mê hồn.
Tôi đang miên man suy nghĩ mắt nhìn đăm đăm vào bếp lửa, em đứng dậy đi trải đệm và mắc màn cho tôi. Bồng tôi ngạc nhiên khi thấy em cũng trải đệm cạnh tôi rồi em nhắc tôi đi ngủ. Tôi ngoan ngoãn nằm xuống kê lại ba lô gối cao đầu cho khỏi ngáy. Sợ ngáy to em không ngủ được. Bên ngoài trời đã bước sang canh hai, tiếng gà vỗ cánh gáy râm ran khắp cả bản. Góc nhà bên tiếng ngáy đều đều của hai anh vọng lại. Lúc ấy, mẹ May cũng đã ngủ rồi. Dọn dẹp xong May đi lại phía tôi buông màn rồi nằm xuống. Mùi hương tóc em phảng phất gần lắm, tim tôi đập rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Trong đầu tôi có hai dòng tâm tư, tôi quý và thương em như đứa em gái ruột thịt muốn vỗ về che chở cho em, lại muốn giá em lớn hơn chút nữa làm người yêu bé nhỏ của tôi. Đã 4 năm xa nhà, xa trường học thân yêu tôi chưa một lần được nắm tay con gái. Lúc học lớp 10 tôi cũng đã yêu, nhưng tình yêu ấy chỉ là những cái nhìn trộm không dám tỏ tình, càng không dám viết thư. Khi ấy tôi mới nhìn thấy con gái là xấu hổ, thẹn thùng thì lấy đâu ra can đảm mà làm quen.
Đang lan ma với những dòng tâm sự, bỗng May hỏi cắt ngang: “Eng Việt à! Eng có ngủ được không?”. Tôi nói: “Anh không ngủ được. Anh nhớ nhà lắm! Hôm nào trước khi đi ngủ anh cũng dành ít phúc tưởng tượng lại cảnh gia đình lúc anh ở nhà. Ôi! Biết bao giờ hết chiến tranh để có ngày sum họp, ngày ấy sẽ hạnh phúc biết chừng nào?”. May nghe tôi nói thế em lại thủ thỉ: “Em cũng không ngủ được. Em thương và lo cho anh lắm. Ở Phu Cúm đánh nhau các liệt lắm, anh em bộ đội hy sinh rất nhiều, em chỉ lo cho anh thôi, anh có làm sao thì mẹ con em chết mất. Mẹ thương anh lắm! Anh không biết đâu, cứ mỗi lần nghe tiếng súng nổ nhiều là mẹ đứng ngồi không yên”. Tôi động viên em: “Mẹ và em không phải lo cho anh đâu. Số anh cao lắm không chết được đâu”. Tôi trằn trọc một lúc rồi giả vờ ngáy khe khẽ và bỗng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Lúc tỉnh giấc, hơi thở dồn dập của em phả vào mặt tôi, mùi hương tóc của em, cánh tay tròn lẳn của em ôm ngang ngực tôi, da thịt em chạm vào người tôi nóng hôi hổi. Tôi run bắn người như lên cơn sốt, tim đạp như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Phải làm sao đây? Tôi nghĩ rất nhanh, mình là chiến sỹ quân tình nguyện phải thực hiện mười điều của Bộ Tổng tư lệnh đã dạy, quân tình nguyện. Hơn nữa tôi sắp trở thành Đảng viên và câu nói của chính uỷ Triệu Quang văng vẳng bên tai: “Trận này tôi thay mặt Bộ tư lệnh trao quả bộc phá 10kg cho đồng chí Dương Mạnh Việt đánh tan trận địa pháo của địch đặt tại sân bay Phu Cúm làm hiệu lệnh cho toàn mặt trận. Đây là vinh dự và trách nhiệm mà bộ tư lệnh giao cho đồng chí. Mong đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!
Sau một hồi chiến đấu với tâm tưởng, tôi bật dậy đi về phía bếp lửa. Em cũng dậy theo. Khi ngọn lửa cháy lên em đặt nồi hông xôi lên bếp. Ánh lửa bập bùng soi rõ khuôn mặt đượm buồn của em. Lúc này nói chuyện với tôi em có vẻ rụt rè không sôi nổi như trước nữa.
10 giờ đêm ngày 28 tháng 4 năm 1972 quả bộc phá 10kg (loại hợp chất C4) của tôi đã phát nổ phá huỷ hoàn toàn kho đạn và trận địa pháo địch gồm một lựu pháo 105mm, một súng cối 106,7mm, một súng cối 81mm, một khẩu DKZ 75 cùng kho đạn hàng trăm tấn đã nổ tan tành.
Sau 40 năm quay lại chiến trường xưa kỷ niệm cứ tự nhiên ùa về. Những vật chứng vẫn còn nằm trơ trọi thi thố với thời gian tại Phu Cúm cao điểm 1052m.
Tôi còn nhớ, đêm ngày 02 tháng 5 năm 1972, tôi dẫn đội hình đột phá khẩu mở được 9 lớp hàng rào của địch tại đồi A1 Phu Cúm mở đường cho xung kích tiến công tiêu diệt địch. Đêm đó tôi bị sức ép của quả bộc phá 10kg (Loại hợp chất C4) hất ra hơn chục mét, sức ép của bộc phá xe nát quần áo tôi, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên cáng toàn thân đau rát.
Ngày 5 tháng 5 năm 1972, biết tôi bị thương May và hơn chục cô bạn gái đến thăm tôi. Thấy tôi em oà lên khóc, em ôm chặt lấy tôi như chẳng muốn rời xa. Tôi vỗ về và an ủi: “Anh đã bảo rồi anh không chết được đâu em và các bạn về đi kẻo trời tối. Ở đây các anh quân y chăm sóc tốt lắm anh cũng khoẻ rồi sắp được ra viện em và mẹ đừng lo nhé”.
Sau đợt điều trị ấy tôi được đơn vị cho về nước theo học tại trường Lục quân. Năm 1974 tôi quay lại Mường Hiềm làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ, theo tập tục của dân chúng, tôi không được phép vào bản, không ngờ suốt từ ngày ấy tôi và May đã xa nhau.
Trở lại Mường Hiềm lần này tôi có ước ao gặp lại May song lại nghĩ chắc May đã quên tôi rồi. Hôm ấy là chủ nhật, đón chúng tôi là đồng chí Phôn, chánh văn phòng huyện uỷ Viêng Thoong. Bắt tay nhau một lúc anh chỉ vào tôi ngờ ngợ: “Có phải ải Việt đó không?”. Tôi nói: “Đúng rồi”. “Anh là Phôn phải không?”. Hai chúng tôi lao vào nhau, Phôn ôm chặt tôi tưởng chừng như nghẹt thở giữa sự sửng sốt của mọi người. Ôi! Cảm động quá. 40 năm rồi còn gì. Ngày ấy Phôn còn trẻ lắm mới 15 tuổi mà đã đi bộ đội rồi, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau. Phôn ngày ấy béo tròn nên dễ nhận ra, giờ cũng vậy nhưng có điều đã già dặn hơn nhiều. Phôn nói ngay, chị May nhớ anh lắm, chị chờ anh mãi mới chịu lấy chồng. Nhà chị ở gần đây thôi. Lát nữa em sẽ báo tin cho chị ấy, giờ thì anh em mình phải uống rượu thôi.
Tiếng cụng ly lách cách, tiếng cười nói râm ran xen vào là những giọng ca tự phát của anh em trong đội quy tập và cán bộ các phòng ban của tỉnh, của huyện không khí thật chan hoà đầy ắp tiếng cười. Hình ảnh của May chiếm hết tâm hồn tôi. Đang ăn uống mà đầu óc tôi cứ nghĩ đâu đâu. Không biết giờ này trông May thế nào? Không biết em còn nhận ra tôi không? Nhà cửa, chồng con em ra sao? Bao nhiêu là câu hỏi cứ ùa về ngập kín lồng ngực.
Tiệc tan tôi về phòng nghỉ. Đang chuẩn bị sắp xếp lại vài thứ đồ dùng cá nhân thì cậu Thông phiên dịch của đội quy tập gọi với: “Bác Việt ơi có bác gái nào ở bản đến hỏi thăm bác này!”. Tôi vội chạy ra: nhẹ nhàng: “Em đây!” Ôi trước mắt tôi là mộ phụ nữ đã 60 tuổi tóc búi cao, dáng cao, “May đấy à em! Ôi đã 40 năm rồi em già đi nhiều quá anh không nhận ra”. May nói: “Anh bây giờ béo hơn trước. Ao anh trẻ giai thế! Đi với anh chắc người ta lại nghĩ anh và em là hai chị em đấy”. Nói xong cả tôi và May cười phá lên.
Tôi hỏi thăm May: “Nhà em ở đâu? Chồng con em thế nào?. May vừa dẫn tôi đi vừa nói: Nhà em ở gần đây. Chồng em là cán bộ làm việc ở tỉnh giờ đã về hưu rồi. Em sinh được 7 cháu nhưng chỉ nuôi được có 3 đứa. Mẹ mất lâu rồi từ ngày mới hoà bình. Các con của em đã xây dựng gia đình. Con gái út nó đang học Cao đẳng ở Luông Pha Băng, ở cùng anh chị nó.
May đưa tôi vào nhà giới thiệu tôi với chồng em về tôi. Tôi kể sơ quan về hoàn cảnh hiện giờ và nhiệm vụ sang đợt này là tìm anh em liệt sỹ.
May nói: “Em rất mừng vì thấy anh vẫn khoẻ lại có gia đình hạnh phúc. Nhất là vì tình cảm đồng đội anh lại sang đây, anh em mình lại được gặp nhau. Giờ thì em mãn nguyện rồi, nghĩ lại lúc trẻ em bồng bột quá, anh đừng cười chê em nhé”.
Từ huyện Viêng Thoong xe chạy độ 2 giờ thì đến bản Na Cút – Na Khằng. Trước những năm 1969 Na Khằng là căn cứ lớn thứ 3 của địch ở Sầm Nưa sau Pha Thí, Noọng Khạng. Địch bố trí một sân bay T28, trận địa pháo 155mm, súng cối 106,7 và các loại hoả lực ở đây. Chúng huy động 6 tiểu đoàn, gồm 3 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao, 3 tiểu đoàn Thái Lan và chư hầu hỗn hợp đóng giữ.
Tháng 3 năm 1969 ta mới giải phóng được Na Khằng và đưa được hàng nghìn dân ra vùng giải phóng. Khu vực Na Khằng còn thất lạc trên 200 hài cốt liệt sỹ mà đến nay qua nhiều đợt tìm kiếm của đội quy tập song không có kết quả. Thời gian quá lâu, hồ sơ thất lạc, lại thiếu thông tin, qua 40 năm địa hình cũng có nhiều thay đổi nên rất khó cho việc tìm kiếm.
Đợt khảo sát tháng 8 năm 2011 tôi đã báo cáo đồng chí Khăm Hùng Hường uỷ viên trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư kiêm tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn là đội Củ Khoai (Sở chỉ huy cụm cứ điểm) có trên 30 liệt sỹ của đại đội 3 đặc công thuộc tiểu đoàn 923 hy sinh tại đây. Vì vậy đợt này anh em quyết tâm tìm bằng được liệt sỹ.
Bây giờ đang là tháng 12 đường xe đã được sửa lại không như hồi tháng 8, qua đây cứ một đoạn lại phải buộc dây thừng kéo xe. Xe chạy một đoạn lại gặp những đội công nhân đang thi công làm đường và cột điện. Tôi đoán chắc chỉ qua mùa khô này bản Na Cút có đường nhựa và lưới điện quốc gia vào tận bản.
Bản Na Cút nằm ở dưới sườn đồi nhìn ra những cánh đồng bằng phẳng xa tít tận phía rừng xanh. Đón chúng tôi là đội phó Nguyễn Bá Tùng. Anh em bộ đội đỡ ba lô, đồ dùng rồi dẫn chúng tôi ở nhờ các nhà dân. Tôi và chú Lại ở chung một nhà. Bà chủ chừng độ 45 – 50 tuổi, chồng đã mất cách đây 15 năm, bà có 3 con 1 gái, 2 trai. Hai con trai bà hiện đang đi học. Cô Có là con cả tuổi đã 25 chưa lấy chồng. Cô gọi tôi bằng bố xưng con.
Ngày 22 tháng 12 năm 2011 anh em bộ đội tổ chức liên hoan tại nhà trưởng bản nơi chỉ huy đội đóng quân. Khoảng 7 giờ tối buổi liên hoan bắt đầu. Trong đội có 29 anh em cùng 3 đồng chí là cán bộ của Lào. Gồm một đồng chí ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, một đồng chí ở Sở lao động Thương binh và xã hội, một đồng chí ở Sở Công an tỉnh Hủa Phăn và hơn chục già làng trưởng bản đến dự. Đồng chí Lê Bật Phong đội trưởng tuyên bố lý do và giới thiệu với mọi người về tôi và các thành viên trong đoàn tình nguyện.
Tiếng hô Xa ma khi (đoàn kết), kheng heng (mạnh khoẻ) vang lên. Tiếng cụng ly lách cách, tiếng cười nói vang lên không ngớt. Anh em ai cũng phải hát, vừa ăn vừa hát cuộc vui kéo dài mãi đến nửa đêm. Ông Mai Phó đoàn nói với Trưởng bản: Bản ta có đồng chí nào là thương binh bị đạn bắn vào đầu được bộ đội cứu sống năm 1973 không? Hai người đó hiện ai còn, ai mất.
Trưởng bản nói ngay: “Có đấy! Người bị thương còn sống, nhà ông ở gần đây. Còn người bạn của ông ấy đã mất. Người Trưởng bản sai con đi gọi người thương binh ấy đến.”. Chúng tôi đang cụng ly vui vẻ thì người đàn ông tuổi gần 70 đứng thập thò ở cửa. Trưởng bản nói: “Đấy! Ông ấy đấy! Các bác xem có phải không?”. Anh Minh, chú Lại chạy ra bắt tay chào hỏi. Anh Minh chỉ vào đầu người thương binh ấy và bỗng reo lên: “Đúng rồi! Đúng là người này rồi! Vết sẹo ở cằm, vết sẹo ở đỉnh đầu to bằng cái chén vẫn còn”. Anh Minh chỉ vào mình và nói: “Chính tôi và chú Lại đây đã tham gia mổ viết thương cho anh. Người thương binh oà khóc ôm lấy chúng tôi”.
Tin chúng tôi gặp lại người thương binh nhanh chóng được truyền đi khắp bản, một lúc sau trước cửa nhà trưởng bản đông nghịt người. Vợ con ông và ông cứ khóc mãi. Ông cảm động nói: “Không có bộ đội Việt Nam thì tôi đã chết lâu rồi. Đây là hai người đã cứu sống tôi suốt 38 năm qua giờ gặp lại tôi mừng lăm, cảm ơn nhiều lắm”. Ông mời anh em chúng tôi lên thăm nhà ông rồi giới thiệu: Năm nay tôi 67 tuổi rồi còn nhớ câu anh Việt nói: “Tôi không được lấy vợ, lấy vợ là chết đấy. Thế mà tôi vẫn lấy vợ và đã có 3 con, 2 cháu gái đã đi lấy chồng, còn cháu trai ở với tôi, tôi đã có cháu nội, cháu ngoại rồi, tất cả 5 đứa”. Tôi vội giải thích: “Bị thương nặng như anh phải kiêng lấy vợ 5 năm đầu, nếu lấy sớm hơn anh sẽ chết có đúng không, anh cười gật đầu”.
Đêm đã về khuya tôi không sao ngủ được, những câu chuyện bất ngờ kia cứ xâm lấn mãi trong đầu tôi: Chuyện tình của tôi 40 năm gặp lại, chuyện của người thương binh 38 năm lại gặp được ân nhân, chuyện những đồng đội tôi hy sinh trên 40 năm đã 3 lần tìm kiếm mới thấy được, cứ như có người sắp đặt, có linh hồn chỉ đường dẫn lối trọn vẹn để chúng tôi gặp nhau.
Sáng hôm sau tất cả anh em trong đội quy tập, rất nhiều người dân đã lên đồi Củ Khoai (Sở chi huy cụm cứ điểm Na Khằng) phát cây, đào bới theo kế hoạch. 9 giờ 30 phút, liệt sỹ đầu tiên được phát hiện, anh em nâng niu từng đoạn xương, từng chiếc răng, rừng chiếc cúc áo, thắt lưng di vật có cả những đôi dày cao cổ vẫn còn hình hài nguyên vẹn. Những bó hương được thắp lên, vài loạt đạn AK được bắn lên trời báo hiệu tin vui tìm thấy đồng đội.
Không khí lao động phấn khởi hẳn lên. Những ngách hầm hào, súng đạn của địch vẫn ngổn ngang nằm đấy. Những quả đạn 105, cả cỗ pháo, súng cối 81 ly DK157 vẫn còn nguyên đạn hoen ố trước thời gian. 3 ngày sau lần lượt 37 liệt sỹ được quy tập trong đó có 21 anh em ở chung một hố. Ông Nhuế người tham gia trận đánh đồi Củ Khoai khẳng định, tất cả chỉ có 37 người nay đã lấy đủ, sau này có chết đi tôi cũng không ân hận nữa.
Dân làng Bản Na Cút đón các anh về Nhà văn hoá của Bản để làm lễ cầu siêu và tiễn các anh về với Tổ quốc.
Lúc chia tay cô Có cứ ngậm ngùi: “Chẳng biết bao giờ bố mời sang thăm chúng con. Tôi vội đưa tấm ảnh và địa chỉ quê nhà cho Có dặn nó: “Các con nếu đi sang Việt Nam học nhớ điện cho bố nhé!”.
Tạm biệt những người dân Lào chất phát, thật thà, tạm biệt Bản Na Cút thân yêu, chúng tôi đưa hài cốt những người đồng đội trở về Tổ quốc giữa buồn vui lẫn lộn.
[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...