Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:56 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

 HOA NGỌC LAN

1. Bến Đò là xóm thuần nông, ấy vậy mà lại sinh ra một ông họa sĩ tiếng tăm cả nước. Cái chất con người ông vẫn nông dân, vậy mà cũng đầy cái khác biệt với xóm làng. Nhà nhà thi nhau nhà ống, nhà tầng như thành phố. Ông dựng ngôi nhà sàn của vùng cao. Nhà nhà vườn tược thi nhau trồng cây ăn quả nhằm thu kinh tế. Ông trồng cây cảnh để chơi. Đặc biệt cây hoa ngọc lan hơn bảy mươi năm tuổi vẫn rợp bóng cuối sân. Nhiều người khuyên ông chặt cây ngọc lan ấy đi, thay vào đấy là cây ăn quả vừa có bóng mát vừa có trái để ăn, cây hoa ngọc lan chỉ hợp nơi đền chùa. Ông lẳng lặng mỉm cười mà chẳng bàn luận thêm gì về điều ấy. Rồi cây ngọc lan vẫn sừng sững bên ngôi nhà sàn của ông. Dân tình bảo cánh nghệ sĩ luôn tạo ra những dị biệt khác người,mọi người vẫn luôn mến yêu ông bởi ông luôn hòa đồng, gần gũi xóm làng. Vả lại, có một họa sĩ danh tiếng khắp nơi ở làng cũng là tiếng thơm chung. Ông có một cuộc sống phong lưu, quan hệ bè bạn rộng rãi mà chẳng hiểu sao không sống nơi phố phường, không xây dựng gia đình,vẫn về chính mảnh đất bốn bề đồng ruộng này sinh sống. Vẫn là lời bàn tán của mọi người, cái dị biệt của một người nghệ sĩ thì chính anh ta cũng chẳng giải thích nổi nói gì người khác. Chỉ có một người phụ nữ hiểu thấu tâm tư ông, đó là mẹ ông. Bà đã ở cái tuổi hiếm hoi của làng rồi.

2. Một ngày đầu tháng sáu năm 1972, giữa cái nắng hè gay gắt, bà Phương cùng lãnh đạo xã Linh Đông, ban ngành xóm Bến Đò đôn đả ngược xuôi khắp xóm, lo sắp xếp chỗ ăn ở cho đơn vị thanh niên xung phong về đóng và làm nhiệm vụ trên địa bàn vùng này. Chiều tối thì mọi việc tạm ổn. Chủ tịch xã Lê Nam bắt tay Đại đội trưởng Nhân và mọi người:

- Thôi chào các đồng chí nhé! Mọi việc ổn rồi, sau còn gì khó khăn đã có các đồng chí ở xóm đây trực tiếp giúp các đồng chí. Tôi phải về qua trụ sở triển khai một số công việc nữa.

Ông nhảy lên chiếc xe đạp cũ kỹ, lốp trước cuốn buộc giây cao su, mỗi vòng quay cứ giật lên lục cục, bàn đạp thì khô dầu kêu cót két, lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, bóng ông khuất nhanh trên chỗ rẽ đầu làng. Có được mọi việc suôn sẻ, nhanh chóng như hôm nay bà Phương đã cùng chi hội phụ nữ, mặt trận và ban quản trị xóm phải lăn lộn vận động, xắp xếp trước cả tuần nay rồi. Nhà nông đông con, nhà cửa còn chật hẹp vậy mà chẳng nhà nào từ chối đón các anh chị em vào ở nhà mình. Nhà thì dồn con cái xuống nhà ngang, nhường giường nhà trên cho các chị. Nhà thì sửa lại nhà tắm cho kín đáo bởi biết chị em toàn con gái trẻ măng. Nhà nào cũng sẵn sàng nhận ít nhất ba người, riêng bà Phương, vừa là chỉ có một mình, vừa là Chủ tịch hội phụ nữ xã gương mẫu đi đầu nhận năm người ở nhà mình. Sau khi xong việc chung, bà tất tả dẫn mấy chị em về nhà, vừa đi bà vừa trò chuyện làm quen:

- Chị em mình trẻ quá nhỉ? Ra nhập đơn vị đã lâu chưa?

- Dạ chúng cháu đều vừa ra nhập đơn vị được mấy ngày thôi ạ! Một đội viên da trắng hồng, có đôi mắt đen láy, nụ cười rất duyên tỏ ra là người nhanh nhẹn nhất trong nhóm đã trả lời bà.

- Ở với bà con còn chật chội, bề bộn lắm. Cố gắng các cháu nhé!

Khi bà mở cửa, mời các cô gái đem quân tư trang vào sắp xếp chỗ ở, bà thấy hơi ngỡ ngàng khi mắt các cô gái cứ bị hút vào các bức tranh treo trên tường.

- A lúi, toàn ảnh nhà sàn và rừng núi của quê cháu thôi à, lại nhớ cái nhà thế. 

- Toàn tranh của thằng con cô vẽ đấy! Có giống lắm không? Bà Phương vui vẻ nói như khoe.

- Giống lắm cô à, sao không phải người dân tộc mình mà vẽ được cô nhỉ?

Mấy cô gái vừa sắp xếp ba lô, giường chiếu vừa nói với nhau:

- Thích nhá, thích hơn ở các nhà khác nhá, lúc nào cũng nhìn thấy cái nhà, cái suối, cái rừng quê mình.

- Nhìn thấy càng nhớ nhà hơn đấy.

Nghe mấy cô gái trẻ nói với nhau, bà Phương chợt thấy có những nỗi niềm đã dâng lên trong lòng. Bà nhận thấy các cô gái trẻ đều là những người dân tộc vùng cao, họ còn rụt rè, giọng nói phát âm còn chưa chuẩn tiếng phổ thông. Tuy vậy, sự ngay thẳng, thật thà đến trong trẻo, thơ ngây ở họ đã làm bà cảm động. Là một người làm công tác phụ nữ lâu năm, tiếp xúc am hiểu nhiều tính cách của các dân tộc trong xã, bà thấy yêu thương, có một chút xót xa khi có cháu mới mười bảy tuổi, còn trẻ quá, non nớt quá trước những thử thách nhiệm vụ đang chờ mà bà biết rõ sẽ đầy nặng nhọc, hiểm nguy.

Mấy ngày sau thì không khí đã khác, trong nhà bà Phương luôn rộn tiếng nói cười. Cả xóm Bến Đò cũng vậy. Sáng sáng, bóng những sắc áo màu xanh nõn chuối lúi húi quét dọn khắp các ngõ đường làng. Đêm đêm, tiếng hát tập thể khi sinh hoạt cứ vang xa. Trong mỗi căn nhà, những giãi bày tâm sự bắt đầu cởi mở. Tháng này, đồng ruộng Bến đò đang vụ thu hoạch lạc và ngô. Nhà bà Phương cũng trồng nửa sào lạc xen với gieo ngô trên đất phần trăm. Một mình bà túi bụi với công tác phụ nữ xã, lại lao động như một xã viên hợp tác nhưng bà vẫn luôn quan tâm đến các cô gái. Buổi chiều vặt lạc, bà cố ý để lại một ít đến tối. Các cô gái thích được giúp bà việc vặt ở nhà lúc rỗi. Gọi là có tí việc cho các cháu làm rồi cùng nói chuyện cho vui, cho quên nỗi nhớ nhà đi. Thêm nữa là bà luộc chút lạc, chút ngô các cháu ăn được tự nhiên, đỡ ngại ngùng. Dưới ánh trăng vằng vặc, mấy cô cháu ngồi dưới gốc cây ngọc lan, vừa tí tách ăn, vừa trò chuyện.

- Chú không còn, mình cô thế này vất vả quá.

- Ừ, cô cũng quen rồi các cháu ạ! Chỉ mong thằng Nguyên nhà cô học hành đến nơi, đến chốn là cô yên tâm rồi.

- Anh “Nguên” có hay về không cô?

- Thi thoảng nó cũng về, nhưng mấy tháng nay đang đi thực tế miền núi chuẩn bị báo cáo tốt nghiệp nên chưa thấy về.

- Anh “Nguên” giỏi đấy, vẽ giỏi sau nhiều “tền” á.

- Ừ, đợi lúc nó vẽ được nhiều tiền thì cô móm hết răng rồi, chỉ ăn cháo thôi.

Cả năm đứa hí hí cười nghiêng ngả, thi thoảng một cánh hoa lan nhẹ rơi, các cô gái tranh nhau vồ lấy.

Ở trên quê chúng cháu chỉ có hoa rừng thôi, không có cây hoa thơm thế này đâu.

- Cây hoa này thằng Nguyên trồng hơn chục năm rồi đấy! Đêm trăng sáng nó hay ra đây ngồi đánh đàn. Ngày lại hay hí húi vẽ tranh ở đây.

- Hôm nào anh Nguyên về, bắt anh vẽ cho chúng cháu mỗi đứa một bức hình cô nhé!

- A lúi, chị vẽ thì vẽ, em xấu lắm không vẽ đâu nhé!

Mấy chị em lại trêu chọc nhau, đấm lưng nhau thùm thụp rồi vội vã thu dọn khi có tiếng còi của trực ban báo đến giờ đi ngủ. Bà Phương thấy có một không khí ấm áp tràn ngập trong căn nhà đã mấy năm trống vắng chỉ có một bóng, một hình của bà. Bà yêu các cô gái như đàn con của mình.

Sân nhà bà Phương rộng, nhà lại không có trẻ nhỏ, chỉ huy đại đội chọn là địa điểm để buổi tối học văn hóa và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Quyên là người đã học hết cấp hai, được đơn vị phân công là một trong những người dạy thêm văn hóa cho anh chị em đơn vị. Dịp này, chi đoàn của đơn vị đã kết nghĩa với chi đoàn của xóm. Họ đang cùng lên kế hoạch tập văn nghệ để rằm trung thu này có một buổi giao lưu văn nghệ. Tình hình chiến sự lại có dấu hiệu căng dần. Mỹ đã tuyên bố sẽ ném bom lại miền bắc, các sinh hoạt được nâng cao cảnh giác của thời chiến. Hầm hào các nơi được củng cố, đơn vị thanh niên xung phong suốt ngày đêm căng mình ra trên con đường 16A. Tranh thủ những tuần trăng sáng, đội văn nghệ của đại đội vẫn cố gắng luyện tập. Quyên, Thái, Lường ba cô gái ở nhà bà Phương cũng ở trong đội văn nghệ. Quyên có nước da trắng trẻo, đôi mắt đen láy, mái tóc dài lại hơi xuăn tự nhiên, giọng trong trẻo vang ngân nên mọi người hay gọi là văn công đại đội. Thái giỏi đàn tính, thuộc nhiều điệu hát then. Còn Lường cô gái mười bảy, nói chưa sõi tiếng kinh nhưng có một thân hình uyển chuyển và những ngón tay tuyệt dẻo trong các điệu múa. Bà Phương ngồi xem các cháu tập mà quên hết những căng thẳng của một ngày làm việc trong không khí đầy bất trắc của chiến tranh.

3. Đầu tháng bảy thì Nguyên về. Anh không hề ngỡ ngàng với chuyện trong ngôi nhà mẹ mình có thêm năm cô gái đang ở. Anh phá vỡ luôn những e dè, ngại ngùng của các cô gái trước một chàng họa sĩ tương lai qua trò chuyện bằng chính tiếng dân tộc của họ. Sự ngỡ ngàng chuyển sang các cô gái, họ không ngờ Nguyên lại nói được tiếng dân tộc, hiểu cặn kẽ các phong tục của họ. Cũng chính điều ấy sự thân tình đã đến với họ thật tự nhiên như người trong một nhà. Cứ đi thực hiện nhiệm vụ về các cô gái lại rúi rít bên Nguyên như một bầy em. Nguyên bảo anh yêu cái dáng nét êm đềm, hoang sơ của vùng cao. Anh thuộc từng ý nghĩa sinh hoạt trong ngôi nhà sàn. Anh học được một số tiếng Tày là nhờ có mấy tháng đi thực tế nơi ấy. Đấy! các tác phẩm anh vẽ treo trên tường kia là từ chuyến đi ấy đấy. Các cô gái nhao nhao: “Giờ anh phải “vé” cho “mối” đứa chúng em một cái ảnh đi”. “ Đợt này anh đang bận cho việc báo cáo tốt nghiệp, hẹn cuối năm anh đưa máy ảnh về chụp cho các em nhé” Các cô gái vẫn nhao nhao: “Không! ảnh để sau, giờ anh cứ “vé” đã”. Không có cách nào chối từ trước sự vô tư của các em, Nguyên đành lấy bút chì và giấy ra “Anh chỉ phác thảo thôi nhé! Không có thời gian để vẽ chân dung các em đâu”. Các cô gái thi nhau chải lại tóc, cô nào cũng cài thêm bông hoa ngọc lan trên cặp. Nguyên chăm chú phác chân dung từng người. Dù chỉ là đường nét phác thảo, anh vẫn không quên bông hoa lan cài trên mái tóc từng người. Anh chợt thấy đây là dịp may để ngắm kỹ nét đẹp của các cô gái trẻ. Riêng nét đẹp của Quyên, anh thấy có một tín hiệu gì vừa rung trong sâu thẳm lòng mình. Đôi mắt kia, đôi môi kia, mái tóc kia, gương mặt kia nó đã in ngay vào lòng lúc anh vừa đặt chân vào nhà hôm về. Giờ, anh biết con sóng ấy đang có ở lòng mình. Khi các cô gái tranh nhau nhận bức phác họa chân dung mình, Lường lụng phụng chưa ưng: “Giống cái mặt em nhưng còn thiếu nhiều né, anh làm qua loa quá mà”. Nguyên đã bật cười, may mà Quyên đã giải thích cho anh: “Anh đã bảo chỉ phác thảo thôi mà, hôm nào anh đưa máy ảnh về chụp sẽ đẹp hơn”. Mấy cô gái lại trêu chọc nhau rồi chạy ào ra tìm hoa ngọc lan. Lạ một điều là cô gái nào trong đại đội cũng thích mùi thơm hoa ngọc lan, nhiều người đã gói hoa vào khăn mùi xoa để trong ba lô, và như theo nhau cô nào cũng cài một bông trên cặp tóc của mình.

Một tuần ở nhà, ngoài việc chăm chú cho báo cáo tốt nghiệp, Nguyên còn mung lung về một cuộc thi của trường mà chỉ còn mấy ngày là hết hạn nộp tác phẩm, nhưng Nguyên cũng chưa tìm ra được ý tưởng nào đặc sắc ưng ý. Anh vẫn hy vọng có những điều thật bình thường trong cuộc sống hàng ngày mà bất ngờ lóe lên ý tưởng. Cả một tuần ở nhà chứng kiến các cô thanh niên xung phong sáng vác cuốc xẻng đi sửa đường, tối cũng vác cuốc xẻng đi làm. Một hàng người mặc đồng phục, quần xắn gần gối, tóc cài một bông hoa lan đi trong buổi sáng bình minh, hay dưới ánh trăng vằng vặc. Nguyên chợt nhận ra,những bắp chân trần, những khuôn mặt thanh xuân cùng những bông hoa cài trên đầu các cô gái dưới ánh trăng càng như phát sáng. Nguyên đã mơ hồ có những xuyến xao khi xem Quyên tập múa trong đêm trăng. Sự phát sáng của làn da trắng trên gương mặt, cánh tay, và bắp chân trần của Quyên dưới ánh trăng như chứa căng tràn vẻ rực rỡ của lứa tuổi thanh xuân. Chỉ có sự rung động con tim mới nhận ra điều đó. Vậy là Nguyên lặng lẽ bên giá vẽ của mình bên gốc ngọc lan luôn ngào ngạt hương.

Hôm sau anh chào các cô gái trở về trường. Với một sự nhạy cảm của người mẹ, bà Phương biết tâm trạng con trai mình đang có những diễn biến mới lạ. Từ ánh mắt đến cử chỉ của con, bà nhận ra điều đó. Ngay bà cũng thấy cảm mến cô gái ấy từ hôm đầu tiên cơ mà.

Cuối tháng tám bà Phương nhận được thư của Nguyên gửi về báo tin đã giành giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Những cô gái mở đường” mà anh bảo vẽ ngay tại gốc hoa ngọc lan nhà mình. Nguyên còn bảo anh lấy cảm hứng từ chính các cô gái trong nhà. Bà mỉm cười khi đọc đến dòng này. Khi bà báo tin này cho các cô gái, trên gương mặt của Thái, Lường, Xuân, Diện đều lộ vẻ bất ngờ về niềm vui. Quyên cũng tỏ ra hưởng ứng nhưng hình như không bất ngờ về điều đó. Bà Phương chợt nhớ ra cách đây mấy ngày Quyên cũng nhận một lá thư, bà cảm thấy lá thư đó là của Nguyên vì ánh mắt, niềm vui của Quyên rất lạ. Rất có thể là cảm giác của bà đã đúng.

4. Đã hơn hai tháng rồi bà Phương vui như bên đàn con trong căn nhà của mình. Mấy hôm nay bà luôn trong tâm trạng lo lắng cho các cô gái trẻ. Còi báo động liên tục rú lên, đơn vị thanh niên xung phong liên tục nhận các lệnh điều động mới. Máy bay địch đã ném bom ác liệt ở khu vực Ao Sen nơi con đường 16A chạy qua. Mấy đứa về đến nhà thấy đứa nào cũng căng thẳng mệt mỏi, quần áo đỏ quạch bụi đất. Hôm thì bà Phương nấu nồi chè để nguội cho mấy đứa ăn đỡ mệt. Hôm lại luộc nồi khoai để chúng nó ăn khi về khuya. Bà biết cứ tình hình này sẽ còn căng thẳng, nguy hiểm hơn nhiều. Vì vậy, bà càng lo lắng, yêu thương mấy đứa hơn.

Sáng nay, sau khi họp ở xã về, bà Phương định nấu nhanh nồi cơm rồi còn sang nhà ông chủ nhiệm hợp tác, cùng cô bí thư chi đoàn bàn về buổi giao lưu văn nghệ với đơn vị thanh niên xung phong và đón Tết trung thu cho các cháu. Nồi cơm vừa kịp sôi thì còi báo động rú vang, bà Phương vội rút củi cời than rồi chạy ra hầm trú ẩn. Vừa ra đến cửa hầm cạnh gốc hoa ngọc lan thì tiếng máy bay gầm rú như xé toang bầu trời. Rồi tiếng pháo cao xạ nổ ran. Bỗng những tiếng nổ như tiếng sét rung chuyển mặt đất liên tục giáng xuống. Căn hầm bà Phương đang trú chao đảo, đất trên nóc hầm lọt qua cây lát rơi rào rào xuống đầu. Cây hoa ngọc lan cạnh hầm cũng rung lên từng hồi, những cánh hoa trắng rơi lả tả trên mặt đất. Đúng lúc ấy, nhà bên có tiếng hô lên: Nó ném bom ngay khu Làng Ban xã mình rồi. Có tiếng người hỏi lại: Có đúng khu ấy không? Chính xác rồi, khói còn đang cuồn cuộn lên kia. Bà Phương rụng rời chân tay khi nghe tin này. Thôi chết, hôm nay đơn vị chúng nó sửa đường khu này. Các con ơi! Liệu có đứa nào việc gì không? Chưa có còi báo yên nhưng bà đã vơ vội chiếc mũ, cùng đội dân quân xóm lao về phía làng Ban. Gần đến nơi bà gặp mấy cáng cứu thương đi ngược chiều. Nhận ra cái Thái, cái Diện đang đi bên cáng, đầu tóc, quần áo bê bết bụi đất và cả vết máu. Bà lao đến vồ lấy chúng nó: Có bị nhiều không các con ơi! Mắt cái Thái đỏ hoe: Cái Lường, cái Xuân bị thương với mấy người nữa mé à. Mé về đi, nhanh lên, nó còn có thể ném đợt hai đấy. Cái Thái vừa ôm lưng bà, vừa khóc vừa đẩy bà ngược trở về. Thế cái Quyên đâu? Chưa tìm thấy nó, mọi người vẫn đang ở trong ấy tìm, chúng con phải đưa người bị thương ra xe để đi cấp cứu. Mé về đi, không ở đây được đâu. Nó nói như gào lên. Bà Phương gạt tay cái Thái ra: Không! Phải để cô gặp cái Lường, cái Xuân đã, chúng nó có bị nặng không? Bà nhào tới bên mấy chiếc cáng cứu thương, cúi xuống nắm bàn tay mấy đứa, cố bình tĩnh nói mấy câu động viên: Cố lên các con nhá, mọi việc rồi ổn thôi. Rồi bà vội quay mặt đi, mọi cảnh vật xung quanh bỗng nhòe hết. Bà chỉ biết bước theo đà của ai đó đang đẩy sau lưng. Tiếng loa của đội cứu thương vẫn kêu gọi mọi người không có nhiệm vụ rời xa ngay khu vực địch có thể oanh tạc tiếp. Bà bước trên con đường về nhà như người không hồn. Đến trưa thì nghe tin cái Quyên đã hy sinh, bà Phương nấc lên từng hồi, nỗi đau đớn như mất chính đứa con của mình. Bà quyết đến nơi đặt thi thể Quyên để gặp nó lần cuối. Sau một chút đắn đo, đại đội trưởng Nhân cũng đồng ý với đề nghị của bà. Thi thể Quyên đã được đồng đội quấn trong tấm chăn mỏng. Nhìn đứa con gái đang tuổi thanh xuân trong hoàn cảnh này lòng bà như thắt lại, mắt bà lại nhòe đi.Bà đặt nhẹ tay lên mái tóc Quyên, nắm nhẹ xuống đôi vai rồi lần khắp cơ thể Quyên. Khi đôi tay bà lần xuống phía dưới chân thì đại đội trưởng Nhân ngăn lại. Bà sững sờ nhìn anh, anh khẽ lắc đầu nói nhỏ mà đôi mắt đỏ hoe: Em mất đôi chân rồi chị ơi. Bà đờ người ra, Nhân vội đỡ bà dìu ra ngoài. Bà Phương thều thào trong tiếng nấc: Khổ quá con ơi, sao nó lại cắt đi mất nửa người của con thế này.

Năm ngày sau, Nguyên ngồi bất động trên chiếc ghế dưới gốc cây ngọc lan suốt một đêm. Dưới ánh trăng, thi thoảng có bông hoa buông mình rơi trên mặt đất. Chính chỗ này, anh đã vẽ bức tranh những gương mặt, những bắp chân trần tuổi thanh xuân phát sáng dưới trăng. Và chính làn da, gương mặt, bắp chân trần của Quyên khi tập múa đã gợi cho anh những ý tưởng này. Con tim anh vừa kịp rung động trước nét đẹp ẩn chứa trong một người con gái thì bây giờ anh đã mất Quyên. Đau đớn thay, đôi chân trần ấy đã lìa khỏi thân thể Quyên, đã nát tan cùng đất đá. Hình ảnh ấy như vò nát trái tim Nguyên lúc này.

Sáng hôm sau, Nguyên cùng mẹ vào nghĩa trang thắp hương cho Quyên. Anh không quên đem theo những bông ngọc lan đặt trên ngôi mộ của Quyên vẫn tươi màu đất mới.

5. Sau mấy tháng, nỗi đau trong mọi người cũng nguôi ngoai dần. Lường và Xuân cũng phục hồi sức khỏe, công việc lại cuốn hút mọi người trên cung đường. Tình hình chiến sự càng trở nên căng thẳng, hai đêm qua B52 đã rải thảm ở dọc đường 16A khu vực Ao Sen, Nam Hòa và khu ga Quán Triều. Mấy đứa ở nhà bà Phương cùng đơn vị lăn lộn với công việc cả ngày lẫn đêm. Bà Phương chợt nhớ ra vài ngày nữa là dịp No en. Thằng Nguyên đã hứa với mấy đứa sẽ về trước No en mà hôm nay chưa thấy mặt. Chúng nó yêu thương,quý mến như người anh mà không giữ lời hứa thì còn ra gì. Lại còn hứa sẽ đưa máy ảnh về chụp cho chúng nó nữa chứ. Tối ấy, mãi chín giờ tối mấy đứa mới về. Cái Lường nói với bà: Mé à, mai chúng con bốc dỡ hàng bên thành phố đấy! Bà bảo nó: Con còn đang yếu thế vẫn đi à. Nó bảo: Đại đội chưa cho đi nhưng con cứ xung phong đi đấy! Đi làm với chị em vừa vui vừa biết cái nhà ga, cái nhà máy gang thép chứ. Thích lắm mé à.

Đêm hôm sau, bà Phương vừa ăn cơm tối xong thì có còi báo động, bà lại thấy ruột gan cồn cào vì giờ này mà mấy đứa cùng đơn vị vẫn chưa về. Chỉ ít phút sau thì tiếng bom cùng tiếng gầm rú của máy bay đã rung chuyển mặt đất. Cây hoa ngọc lan lại rung lên, những bông hoa ào ạt rụng trước mặt bà. Cả một vệt lửa đỏ rực phía nam thành phố, lại có tiếng người lao xao: B52 nó ném bom phía gang thép rồi. Bà Phương ngồi nhìn những bông ngọc lan rụng trắng mà lòng hoang mang, lo lắng, ruột gan nóng như lửa đốt. Gần sáng thì cả xóm Bến Đò đã biết tin. Sáu mươi con người ra đi sáng hôm ấy đã không về. Bà Phương nghe tin này bíu vào thành ghế rồi ngồi sụn xuống, mắt nhìn chăm chắm vào những chiếc ba lô còn xếp gọn gàng trên giá rồi nhòe đi, giọng nấc lên: “Các con ơi! Đâu hết cả rồi. Sao chẳng đứa nào về thế này”. Cả xóm Bến Đò hôm đó đều lặng đi trong nỗi thương đau.

Đêm No-en, Nguyên về và lại ngồi như cái bóng suốt đêm bên gốc ngọc lan. Vậy là lời hứa sẽ chụp những tấm hình cho các em sẽ không bao giờ thực hiện được. Trong vòng ba tháng trời mà mất đi cả năm con người thân thương như ruột thịt trong ngôi nhà Nguyên, có cả mối tình chớm nở của Nguyên thì nỗi buồn nào sánh được. Nỗi đau trong mất mát chiến tranh còn ám ảnh trong lòng Nguyên gấp bội khi thịt xương những con người ấy đâu còn toàn vẹn. Nguyên đã đặt những bông hoa ngọc lan trên sáu mươi ngôi mộ đất còn mới nguyên hàng hàng bên nhau mà lòng nén một sự xúc động khôn cùng.

6. Bốn mươi sáu năm sau, có một cuộc phát động của tỉnh sưu tầm các di vật của những đội viên thanh niên xung phong thuộc đại đội 915 đã hy sinh đêm 24-12-1972. Trong đoàn người trở về xóm Bến Đò có đại đội trưởng Nhân và mấy người cựu thanh niên xung phong đã ở đây năm xưa. Điều mọi người trăn trở nhất là rất khó khăn trong việc tìm lại được chân dung từng đội viên vì nhiều người chưa một lần chụp ảnh. Và, ông họa sĩ Nguyên đã ngồi lặng lẽ bên giá vẽ cạnh gốc ngọc lan cả tuần liền.

Rồi một ngày cuối năm, khi Khu tưởng niệm sáu mươi đội viên thanh niên xung phong 915 vừa trùng tu xong, có một người đàn ông dắt tay một bà cụ vào thắp hương. Ông đã trao tặng khu tưởng niệm tám bức vẽ mà ông đã dành tất cả tâm huyết để hoàn thành. Một bức là đoàn thanh niên xung phong đang vác cuốc xẻng đi làm nhiệm vụ dưới đêm trăng, những gương mặt, những cánh tay, những bắp chân trần, những bông ngọc lan cài trên tóc như phát sáng dưới ánh trăng mờ ảo. Một bức vẽ cảnh bom nổ với một quầng lửa đỏ rực cùng những cột khói bốc cao, lẫn trong đất đá bay lên còn có cả những cánh hoa lan màu trắng. Một bức lại vẽ cảnh sáu mươi ngôi mộ tươi màu đất mới, đang nghi ngút khói nhang và trên mỗi ngôi mộ vẫn có một bông ngọc lan. Năm bức còn lại là chân dung của Quyên, Thái, Diện, Xuân, Lường mà ông vẽ lại bằng trí nhớ của mình. Khi nhìn thấy các bức vẽ này tất cả các cựu thanh niên xung phong 915 và thân nhân các liệt sỹ đều òa khóc. Họ đều nâng các bức chân dung của năm cô gái và đều kêu lên: Chúng nó đây rồi, đúng hình ảnh của chúng nó đây rồi, các em ơi!

Có một điều, trên những bức chân dung ông vẽ, cô gái nào cũng vẫn có một bông hoa ngọc lan trên mái tóc.

HỒN QUÊ

- A lô! Tôi xây xong cái nhà ở quê rồi, về ở trước Tết đấy! Hôm nào về quê đến chơi nhé!

 Tôi bị bất ngờ vì cái thông tin ấy. Vừa đầu năm cùng về quê dự đám cưới, Dần bảo đã mua mảnh đất ở làng rồi. Dần cứ xuýt xoa khen rộng, toàn cây lâu niên trong vườn, thật là của hiếm thời nay. Tôi nói đùa:  Lại đón lõng cái dự án năm mười năm nữa chắc. Dần cười: Dự án này đến lúc đầu bạc rồi mới ngộ ra đấy ông ạ! Nghe thế, tôi nghĩ Dần có tiền thấy đất ở quê đẹp, lại rẻ nên mua để đấy giữ tiền tính chuyện mai sau. Ai dè, Dần xây nhà và về quê ở thật, Sao lại có bước ngoặt bất ngờ với Dần thế nhỉ?

                                                           *

Ai thì có thể bảo tôi chưa rõ chứ tính Dần tôi còn lạ gì. Hiểu nhau từ thời quần cộc, chăn trâu, củ khoai mót được cũng chia đôi. Chúng tôi cùng có bao kỷ niệm ấu thơ gắn bó với làng quê mình. Khắp các ngõ ngách cánh đồng, vùng đồi làng quê, bốn mùa lốt chân chúng tôi in dấu. Mùa hè, nắng như đổ lửa, có trưa hùa theo lũ trẻ, hai thằng lao ra suối thùm thùm bơi lội. Nhiều hôm, cả làng đi bắt cua ngôm, hai thằng mặt đỏ phừng phừng xông pha tận ngách đồng xa, rồi khệ nệ khiêng giỏ cua đầy ắp về dạng cẳng chia nhau. Thịt da tôi và Dần đen cháy nắng gió và cả bùn lầy. Mùa gặt hái, đường làng, sân vườn ngổn ngang rơm rạ, hai thằng cùng lũ trẻ lăn lộn trên rơm quên cả học hành. Đám ruộng bên làng lởm chởm gốc rạ, rồi cũng nhẵn thín bởi những trận bóng với chiếc vỏ da nhồi rơm của lũ trẻ chúng tôi. Tôi luôn vô tâm, chơi đùa nghịch ngợm thế rồi về lăn ra ngủ tít. Dần hay để ý đến cảnh vật xung quanh, lại có khiếu vẽ. Quyển sổ tay của Dần có đủ các loài hoa lá làng quê. Chỉ với hộp bút màu mà những bông hoa sim tím, cánh hoa giẻ chín vàng, hoa bưởi với chùm nụ và những cánh hoa đang hé, những vạt lau xõa bông như mái tóc ven đồi đều hiện lên với những nét đơn sơ mà rất đẹp, ai xem cũng thích. Có điều đặc biệt là tôi và Dần rất thích được ra thành phố.  Cứ mỗi dịp lễ quốc khánh 2-9 mỗi thằng được bố mẹ cho vài đồng. Hai thằng hăm hở cuốc bộ đi diễu hết chợ đến Bảo tàng. Gần trưa, chén vài que kem, rồi mỗi thằng toòng teng xách mấy chiếc bánh mỳ về giữa trưa nắng. Lần nào Dần cũng bảo: Ở thành phố vui thật mày ạ! Lớn lên tao nhất định sẽ ra thành phố.

Hết cấp hai, tôi và Dần nghỉ học, nhẹ nhõm như con trâu được tháo khỏi vai cày. Sự gắn bó giữa tôi và Dần cũng bắt đầu giãn dần ra. Chỉ vài năm sau Dần đi học nghề mộc cùng ông chú chuyên đóng bàn ghế giường tủ. Những năm ấy, tôi vẫn loanh quanh bên mấy thửa ruộng đồng làng thì Dần đã làm ra tiền. Nhà Dần cũng khá giả nên khuyến khích con đi làm, được đồng nào bố mẹ giữ riêng cho làm vốn. Mấy năm sau, đã thấy Dần sắm đồ nghề tách khỏi ông chú thuê đất trên phố làm riêng. Đang thời chuyển kinh tế thị trường, kinh tế vẫn còn khó khăn, vậy mà Dần làm ăn lên vù vù từ đóng bàn ghế học sinh cải tiến, đóng gác măng giê. Gỗ thì toàn mua loại tạp, phế phẩm của các xưởng cưa rẻ như giá củi. Dựng lên thành phẩm lãi gấp mấy lần. Thời ấy, nhà nào cũng phải có cái gác măng giê kê ở góc bếp để bát đũa và cất thức ăn. Rồi góc học của con cái phải có một hai cái bàn cải tiến. Xưởng mộc của Dần làm ra bao nhiêu hết bằng ấy. Cá nhân đặt, các quầy bán đồ gỗ đặt, Dần phải tuyển thêm mấy thợ làm ngày làm đêm. Gặp Dần lúc nào cũng thấy đầu tóc nó bù xù, râu ria lởm chởm, lúc nào nó cũng khuyên tôi: Phải tiến ra thành phố! Phải tiến ra thành phố! Chỉ có nơi ấy mới nên người mày ạ!

Cuộc sống luôn đổi thay cùng nhu cầu con người. Cái xưởng mộc của Dần cũng luôn thay đổi tung ra các sản phẩm cao cấp trên thị trường. Tôi thấy nó đã đúng. Nó đã mua được đất thành phố. Nó đã xây được ngôi nhà ba tầng khang trang. Con cái nó đang học hành thành đạt. Đến chơi nhà Dần thấy đủ các loại gỗ xếp trong xưởng, ngoài bãi. Nào gỗ quí hiếm Nghiến, Lim, Sến, Táu tận nơi rừng xanh mạn ngược. Rồi gỗ Mít, Nhãn lâu niên vườn nhà. Tôi đùa: Thế chả trách rừng cứ trụi dần, cây lâu niên làng quê cũng bị trốc hết cả gốc rễ. Dần cười: Cứ lo chuyện thiên hạ. Lo cho cái túi của mình đã ông ạ! Mình không phá, thiên hạ nó vẫn phá thôi! Tôi cũng nghe lời khuyên của Dần, cũng nhoai ra phố, cũng lăn lộn kiếm ăn quanh cái chợ, cũng góp nhặt xây được cái nhà trong ngõ. Tưởng rằng con đường làm ăn của nó cứ thế mà lên, vậy mà có dịp bỗng lao đao vì luôn bị kèn cựa, kiểm tra nguồn gỗ cấm. Việc tiêu thụ cũng giảm sút do cạnh tranh nhau quyết liệt. Đã thế bao loại tiền luật vẫn đổ lên đầu. Nó chán, định buông xuôi trước bao ngang trái bon chen, bỏ nghề mộc tìm nghề khác kiếm sống. Dịp ấy nó hay rủ tôi về quê. Hình như về quê, tâm hồn nó vơi nhẹ những buồn phiền, ấm ức.  Rồi Dần chuyển sang chuyên chạm khắc tranh gỗ. Việc này đòi hỏi óc thẩm mỹ và đôi tay khéo léo nhưng thu nhập rất cao, nguyên liệu lại không cần nhiều. Dần lại vốn có hoa tay từ nhỏ nên chuyển dịch như vậy là một sự nhạy bén. Cuộc sống của Dần lại trở về êm đềm từ đấy. Giờ tuổi không còn trẻ, nghĩ là cứ thế yên phận được rồi, ai dè nó lại đùng đùng về quê.

                                                                  *

Tôi đến, Dần mừng lắm, bởi từ khi bố mẹ không còn, anh em sống mỗi người một nơi nên tôi cũng ít dịp về quê.

- Hôm nay phải ở đây uống rượu với tôi đấy! Không khí làng quê tuyệt luôn! Đã lâu bận lo nhà cửa không chuyện trò gì với ông được.

- Ô hay! Ông nói cứ như tôi ở vùng khác đến không bằng. Rồi! Ngủ luôn với ông một đêm. Phạt ông về tội vào nhà mới không có nhời.  Hết rượu tôi mới về.

- Ôi trời! Bây giờ còn giở nhà mới, nhà miếc làm gì nữa. Đấy ông xem, căn nhà cấp bốn thôi, chắc chắn, sạch sẽ, rộng rãi là được. Tôi khoái nhất có cái sân, cái vườn, có hoa, có trái.

Dần dẫn tôi đi xem toàn bộ căn nhà rồi sân vườn. Tôi mê ly luôn. Căn nhà cấp bốn mái ngói không lừng lững như nhà tầng nhưng nó lại xinh xắn thoáng mát, hài hòa với mảnh sân rộng và khu vườn xanh tươi cây cối. Những điều đã quá quen với tôi một thời mà sao bây giờ như mới lạ thế.

Buổi chiều tối, tôi và Dần lững thững trên cánh đồng làng. Đang dịp đầu hè, lúa đang thì con gái, gió nam nhè nhẹ từng cơn, tôi phanh hết hàng cúc áo để hưởng cái mát dịu của cơn gió đồng.

- Ông có còn nhận ra mùi hương lúa nữa không?

Bất ngờ Dần hỏi tôi. Tôi cố hít thở để tìm ra cái hương vị đặc sản đồng làng.

- Cứ gân cổ lên thế thì về phố mà hít hà hóa mỹ phẩm nhá! Nói để ông biết, hương lúa nó thơm từ lòng thơm ra đấy!

Tôi chẳng hiểu được ý tứ trong câu nói của Dần, chỉ thấy như da thịt được giãn nở ra trước cơn gió mát, trước những sóng lúa mềm mại, xanh mỡn, mênh mang trong buổi chiều tà. Tôi bảo:

- Thì vẫn đang hít tìm đây!

- Đã thấy gì đâu! Phải để cái tâm mình thật tĩnh lặng ông ạ! Hương lúa chỉ thoảng qua thôi! Gió cũng phải nhẹ thôi! Nó nhẹ và mỏng tang, chợt đến, chợt đi trong gió như chơi trốn tìm ấy. Nó không  ngào ngạt, không đọng ở mũi mà tan luôn vào tận ruột non ruột già của ông cơ.

Giọng Dần say sưa, lại hứng lên văn vẻ nữa, làm tôi cũng cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, mặc dù tôi chưa bao giờ để ý nhận ra hương lúa, ngay cả những ngày còn quần quật trên ruộng đồng. Nghĩ lại từ thời còn bé ở quê, sao cái ao ước vượt ra thành phố của Dần nó khát khao, cháy bỏng đến thế. Hình như sự nghèo khó, thua thiệt ở nông thôn đã gieo vào tâm hồn  Dần một nỗi buồn, một sự muốn vượt thoát lúc nào cũng nung nấu trong lòng. Vậy mà bây giờ tôi sững sờ khi Dần vẫn tiếp tục cái suy nghĩ như đi trên mây mà tôi chưa bao giờ nghĩ Dần để tâm đến cả:

- Có những lần về quê giữa lúc gặt mùa, đi trên con đường làng ngổn ngang rơm rạ. Tôi lại nhớ ngày nào bọn mình còn lăn lộn trên rơm chơi đi nú, đi tìm. Giờ về, đi trên thảm rơm cứ thấy bồng bềnh như được rạ rơm mừng rỡ, tung nâng. Lúc đi, lại thấy như nó quấn níu lấy bàn chân mình.

Ánh mắt vẫn nhìn xa xăm, giọng Dần vẫn như thì thầm bên tai tôi:

- Ông ạ! Xa ruộng đồng mình mới để ý cả đến những dấu chân trên mặt ruộng đồng làng. Đấy! ông nhìn đi, những nhọc nhằn bao đời làng mình nó khắc lại trên mặt ruộng kia kìa.

Tôi chăm chú nhìn những dấu chân trên bùn. Nó méo mó, cái thì như dấu hỏi, cái lại như dấu ngã, khác gì con người quê luôn nhọc nhằn sương nắng, thất bát long đong. Tôi chợt nhớ ra điều thắc mắc chuyện về quê của Dần:

- Chính thế! tôi với ông mới nhoai ra thành phố. Tôi đang định hôm nay phải hỏi ông cho rõ lý do ông quay về.

- Cứ ngủ ở đây một đêm rồi ông sẽ rõ, đơn giản thôi mà.

Chúng tôi quay về cùng nhau dạo trên đường làng. Đến đoạn cổng làng tôi lại nao nao vì Dần nhắc lại những kỷ niệm xưa.

- Đoạn cổng làng này một thời tôi và ông hay đánh bi, đánh đáo đây. Ông còn nhớ cái cảm giác vừa cõng em, vừa chạy, vừa reo hò khi thấy dáng mẹ về chợ của ngày xưa không?

- Quên thế quái nào được. Tôi vẫn nhớ cả cái mùi kẹo vừng, kẹo bi gion gion được mẹ chia nữa cơ.

Hai con người có mái đầu đã bạc cùng lặng lẽ nhìn về phía xa như tìm kiếm một điều gì đã xa xăm. Tối ấy, cơm nước xong Dần trải chiếc chiếu ra ngoài hè bảo ngồi chuyện trò cho thoáng. Đã mấy chục năm ngoài phố, chỉ trong gian phòng sáng trưng ánh điện và gió từ chiếc quạt.  Nay tôi sững sờ khi nhìn thấy bầu trời đầy sao và mặt trăng tròn vành vạnh, sáng quắc, huyền ảo mênh mang soi rọi khắp muôn nơi. Những cơn gió đồng thổi từng cơn mát rượi. Những con đom đóm lập lòe như một tín hiệu dẫn về những kỷ niệm ấu thơ. Dần bảo vợ bê thêm rổ ngô luộc ra rồi nói đùa: Thổi sáo đi ông, khúc nhạc đồng quê đấy! Tôi chợt nhớ mùa này là mùa ngô. Ngày xưa, mùa này cả làng í ới gọi nhau khi có nồi ngô luộc. Làng quê ví von hay thật, tôi nhẩn nha “thổi sáo” và thấy rõ sự ngọt ngào, thảo thơm dân dã làng quê đang ngân nga tận đáy lòng mình.

Đêm ấy, ngủ bên nhau một giường, tôi và Dần vẫn tiếp tục chuyện trò. Dần bảo: Ông có biết từ khi tôi chuyển sang sản xuất tranh gỗ nó đòi hỏi gì không? Ngoài sự khéo léo của đôi tay còn đòi hỏi con mắt sáng tạo nghệ thuật nữa. Nếu cứ học mót một số mẫu có sẵn thì tay nghề nhiều người giỏi hơn mình nhiều, không cạnh tranh được. Vả lại, khách hàng bây giờ họ tinh lắm, đa phần họ thích những cái có hồn gắn bó với kỷ niệm của họ. Những con đại bàng, sư tử, voi, rồng hay cảnh chùa chiền bão hòa rồi. Vậy là tôi phải vắt óc ra tự tìm mẫu mới. Ông biết không, ngồi nhà cả tuần ngoài phố vẫn tắc tị, nhưng cứ lần nào mò về quê tôi cũng nghĩ ra một mẫu mới. Toàn cảnh sắc chân quê mà nhiều người lại thích mới lạ chứ.

Tôi đã xem đôi bức treo trong nhà Dần. Quả thực bức tranh gỗ chạm cảnh ngôi nhà mái rạ, có cây rơm cạnh sân. Một góc có cây mít lúc lỉu chùm quả non. Bên cạnh đống rơm, gà mẹ đang dẫn đàn gà con kiếm mồi được đánh sơn dầu ánh lên vẻ đẹp làng quê gần gũi. Có bức vẫn cảnh ấy nhưng thay cây mít bằng cây bưởi trĩu cành mấy quả căng tròn. Tóm lại, Dần đã luôn tìm cách đưa cái hồn quê vào trong tranh gỗ của mình. Dần bảo với tôi: Cảnh quê thì cũng chẳng có gì mới lạ, nhiều người chạm dựng lên được. Cái khó là bức tranh chỉ có một màu, phải để cho nó nguyên thớ gỗ, nhưng các đường nét lại tôn lên sự sống động bức tranh. Tôi chẳng được học cơ bản về họa, nhưng hình như hồn quê nó thấm vào mình từ lúc nhỏ rồi, cây cối mình thuộc từ đường gân, dáng lá, lộc trời cho đấy ông ạ! À, thì ra vậy, có lẽ Dần về là tạo một cơ sở chân rết cho cái cửa hàng tranh gỗ ngoài phố thôi. Tôi nghĩ bụng nhưng vẫn nằm im vì biết Dần còn đang tiếp mạch chuyện của mình: Tôi đã giao xưởng mộc cho thằng con, thi thoảng cố vấn cho vài cái mẫu mới để nó làm. Học họa ra đấy mà chỉ thấy cảnh vật trên giấy thì còn lâu mới làm ra tranh đẹp.

- Thế là giải nghệ thật à? Tôi thấy bất ngờ nên hỏi lại

- Vẫn lao động thật lực nhưng là trồng cây cối cho vui thôi! Ông biết không, từ khi luôn nung nấu ý tưởng cho những bức tranh. Tôi cứ tiếc bóng dáng cây cối làng quê một thời. Tiếc vô cùng. Hình như cái hồn quê ấy cho tôi cái lộc ở đời này.

Tôi biết, trong cái giọng trầm trầm trong đêm khuya tĩnh mịch này đang chứa đựng một điều gì đau đáu, rất nặng, rất sâu trong lòng Dần. Bất ngờ Dần chuyển sang chuyện cháu con.

- Bây giờ có cháu nội ngoại, trông chúng nó ông thấy thế nào?

- Trông cháu vất vả hơn khi trước trông con nhiều, mệt lắm.

- Chúng nó bây giờ sướng về vật chất nhưng luôn bị giam giữ trong bốn bức tường với một đống các đồ chơi bằng nhựa. Còn lâu mới được tung tăng như mình ngày xưa ông ạ! Tôi thấy thương chúng nó lắm.

Có tí hơi rượư, lại chuyện trò quá khuya, tôi thiếp đi lúc nào chẳng rõ. Sáng hôm sau chào nhau ra về, đến ngang đường mới chợt nhớ ra, vậy là chuyện trò với nhau từ hôm qua đến giờ vẫn chưa rõ Dần về quê ở vì lý do gì.

                                                                      *

Một năm sau nữa, một hôm Dần gọi điện hỏi cuối tuần có rỗi thì về chơi. Tôi bảo còn phải trông thằng cháu ngoại. Vậy thì cho cả thằng cháu về quê chơi đi. Nó lại còn thích gấp vạn lần bốn bức tường nhà ông ấy. Ừ thì về.

Tôi lại ngỡ ngàng trước sự cải tạo khu vườn của Dần, chẳng khác gì một công viên nhỏ.  Nó còn như  bảo tàng của các loài cây ở làng quê mà nhiều loài đang biến mất do sự đua chen của con người. Dưới những rặng cây mát rượi có những chiếc đu, cầu trượt cho trẻ vui chơi. Mấy đứa trẻ các nhà bên đang ríu rít chơi trong vườn. Thằng cháu ngoại tôi thích thú nhập cuộc ngay. Dần và tôi ngồi bên chiếc bàn ở góc sân chuyện trò. Lúc này, tôi mới để ý ngắm nhìn kỹ hơn quang cảnh khu vườn. Góc vườn, vài rặng tre mà Dần mua và giữ lại vẫn kẽo kẹt trong gió hè. Con chim chích chòe đang véo von trên ngọn. Tôi bị hút vào tiếng hót của con chim. Tiếng nó trong trẻo vang ngân thế. Hình như khi đậu trên ngọn tre đủ độ cao,  đôi mắt nó được nhìn ra bao la cánh đồng, giọng hót nó say sưa và trong trẻo hơn con chim trong lồng tôi vẫn thấy nơi thành phố. Mấy cây xoan  thi thoảng buông trong không gian những cánh li ti màu tím. Rồi những cây mít, cây nhãn đang chi chít những quả non. Mấy cây bưởi đang nở những cánh hoa trắng muốt. Rồi khế, hồng, ổi, na sum suê cành lá. Giáp với nhà bên là hàng cây sim, cây mua Dần trồng cũng đang bật những cánh hoa màu tím. Đang mùa ra hoa kết trái, khu vườn ngào ngạt mùi thơm. Đã lâu lắm tôi mới được ngắm nhìn những bông hoa hoang dại một thời tím khắp đồi quê. Một màu tím chắt ra từ vùng đất cỗi cằn mà làm thẫn thờ, xáo động tâm hồn, mà như đóng dấu vào thời thơ ấu của tôi. Cũng lâu lắm rồi cái màu trắng trinh khiết cùng hương thơm lạ kỳ của hoa bưởi lại đánh thức những cồn cào xa xăm và man mác buồn của một thời tôi yêu. Những con chim đu mình trên chùm quả kia. Những con ong cong mình hút mật trên chùm hoa kia.  Mấy chục năm nay, giờ tôi mới được ngồi yên, lặng ngắm cái hồn nhiên, hoang dã mà gần gũi vô cùng. Tôi bỗng thấy Dần như vừa tặng tôi một món quà mà tưởng như nó đã bị lãng quên từ lâu trong tâm hồn. Giờ, cái hồn quê ấy đang ngấm từ ngoài vào. Cái hồn quê ấy lại đang tỏa ra từ trong sâu thẳm lòng tôi.

Khi về, thằng cháu cứ mặc cả tuần sau ông lại cho cháu về chơi, cháu thích lắm. Tôi cứ ước gì mình cũng có một khu vườn như thế để mấy đứa cháu chơi đùa, quên cái trò suốt ngày cắm mặt vào điện thoại đi.  Lúc nào cũng bấm bấm, gạt gạt thế rồi chúng như một cái máy rô bốt mất thôi. Lạ nhỉ, mấy chục năm về trước điều ấy ở trong tầm tay, ở ngay trước mặt mà bây giờ là điều ước mất rồi. Mải nghĩ vẩn vơ, tôi lại quên khuấy hỏi Dần cái lý do chuyển nhà.

TRỞ VỀ 

Tôi quyết định trở lại bãi Ba Khe lần nữa. Nghe tin đứa cháu đi làm cửu trong bãi về xì xào với nhau tôi biết có nẹp vàng đã bật ra. Với một kẻ đã một lần đổi đời từ cái ánh vàng lóe lên từ đáy máng như tôi thì sức hút ấy mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì. Tôi sẽ bí mật theo thằng cháu vào rừng. Chấp nhận mạo hiểm đi một mình đề phòng lộ bãi nhiều kẻ khác sẽ lao vào tranh cướp. Một kế hoạch trong đầu đã được vạch ra. Bây giờ thì tôi đủ già dơ để đối chọi với những anh hùng hảo hán nơi bãi vàng, chỉ cần nó có dấu hiệu có vàng thì mọi cái như đã nằm trong tầm tay. Chính vàng đã dạy cho tôi bài học phải làm gì để tồn tại nơi bạo lực, lừa đảo, bất nhân của một chốn ô hợp mà thiện ác bị đảo lộn phũ phàng.

***

Bãi Ba Khe là nơi tôi cũng đã từng đặt chân đến từ năm chín mươi. Khi ấy các bãi vàng nổ ra ở nhiều cánh rừng khắp các vùng miền. Tôi đã cùng Khắc dẫn quân đến thăm dò cả tuần nhưng chưa có kết quả thì bãi Trám nổ ra. Chúng tôi tức tốc lao đến bãi Trám tranh giành đón đầu được một đoạn nẹp. Phía trên chúng tôi là lò thằng Năm cụt, nó bị cụt mất hai ngón tay phải vì kíp mìn. Đầu nó luôn chụp cái mũ nồi đen, mép lại để bộ ria con kiến. Mặt lúc nào cũng tỏ ra dữ tợn và sẵn sàng tung những quả mìn nổ trên không để đe dọa các đội xung quanh. Phía dưới chúng tôi là lò thằng Cường trại, gọi là Cường trại vì nó bị ở tù mấy năm vừa ra trại, hay mặc bộ rằn ri, có lúc thì cởi trần khoe thân hình trạm trổ đầy các hình ma quái. Thằng này luôn vỗ ngực khoe cái mác đi tù và hay mượn say rượi để gây sự lấn chiếm các lò bên cạnh. Tôi và Khắc phải căng mình giữ miếng ăn đang mở ra trước mặt. Những đường nẹp đá chạy xiên xiên trong ghềnh trải dài khắp lòng núi mà chỉ có mấy đường kẹp vàng. Một lò tìm ra đường nẹp ấy là các lò khác cứ căn theo độ sâu ấy mà tìm. Lần đầu tiên đi tìm vàng, cứ thấy những đường nẹp hiện ra là bao giấc mơ đổi đời cứ hiện lên. Vậy rồi khi hì hụi tìm kiếm mới biết nó gian nan thế nào. Chính vì vậy khi phát hiện có nẹp vàng sự tranh giành nhau càng khốc liệt. Sau nửa tháng chui vào lòng núi, lò của tôi và Khắc đã bập trúng đường nẹp có vàng. Khi chiếc máng đãi thử dồn đến những động tác cuối, một vệt vàng chạy dọc đáy máng làm tôi và Khắc đều run lên, rồi nhanh tay cho chiếc máng chìm ngay xuống hố đãi. Việc bí mật lúc này là sự tồn tại của mình, ngay cả với những anh em cửu trong lán cũng không được biết. Vẻ ngoài vẫn luôn nhăn nhó, mồm vẫn luôn kêu ca máy chạy hàng ngày chỉ đủ tiền mìn thôi. Tôi và Khắc đều biết các lò cạnh cũng trúng thì mình yên. Nếu lò nó đói, nhất định chúng nó sẽ gây sự để tranh cướp. Thật ra tôi, Khắc và những Bưởng khác đều là những thằng cầm cày theo đít con trâu. Chất người vẫn là hạt gạo củ khoai. Giờ vào bãi cũng phải gồng mình khệnh khạng ra oai, mắt luôn gườm gườm, mồm ngậm điếu thuốc lá luôn lệch về bên mép. Hở mồm nói là dọa treo chân sát phạt cửu để ngầm đe kẻ khác, để tự trấn an mình. Nhiều lúc thấy thằng Khắc đối sử với anh em cửu thậm tệ quá tôi can: Chúng nó cũng toàn thằng nghèo mới phải vào đây, mình đừng quá đáng thế. Khắc trợn mắt với tôi: Mềm ở bãi thằng khác nó nuốt mình luôn, mày để mặc tao xử. Tôi đành đồng tình vì lúc này lò tôi đang vào cầu. Nếu không mượn cái mác vừa ở tù ra và sự hung hãn của nó có lẽ khó lòng giữ được. Có lần, mượn cớ thằng cửu non tuổi nhất, mới mười lăm, chuyên đứng bón đất chạy máy sờ tay vào máng hứng vàng, nó liền treo chân lên gốc cây liền đấy nửa tiếng đồng hồ. Tôi thấy thương thằng bé nhưng biết nó làm thế để hăm dọa các lán xung quanh. Ngay tôi cũng có lần là vật hiến thân để giữ lò mình. Có dịp biết lò tôi đang trúng, thằng Năm cụt cho quân  đánh chặn vào phần đất chúng tôi. Tình thế mất ăn, thằng Khắc nói nhỏ vào tai tôi: Mày chịu đựng tý nhé! Nói rồi nó đè nghiến tôi xuống đất, kề con dao phát vào cổ quát lớn: Bảo mày trông coi lò mà để chúng nó dám cướp sống thế à! Đồ hèn! Tao xử mày trước rồi đến lượt chúng nó sau. Mấy anh em cửu thấy thế xúm lại van xin. Nó ấn con dao quá mạnh làm cổ tôi bị rách và máu chảy đỏ lòm. Quân tướng thằng Năm cụt thấy thế cũng lặng lẽ rút lui.

Sau trận ấy nó bảo tôi: Mày ở lại trông lò mấy ngày, tao về làm việc để treo niêu bọn này ngay tức khắc. Được chục cây vàng nó cầm về tất. Mấy hôm sau Khắc vào cùng một đội công tác của huyện. Cơm nước xong, đội công tác yêu cầu các lò đang khai thác trong ba ngày phải rời khỏi khu vực, vì Khắc đã làm thủ tục với huyện mua đứt cả dải núi ấy để khai thác và làm nghĩa vụ đóng góp thuế cho huyện. Luật rừng thì cũng thua pháp lý. Vậy là chúng tôi thắng, yên tâm chiếm lĩnh cả vạt núi khai thác hai năm trời. Bùn đất thải ra ảnh hưởng vài sào ruộng ven suối của một lão nông người dân tộc khai phá cũng được chính quyền xã giúp can thiệp êm xuôi. Vẫn bằng lý, lúc đầu lão nông cầm dao quắm dạng chân thách đứa nào đụng đến mảnh ruộng của lão. Cán bộ xã đấu lý ở chỗ lão tự khai phá nhưng không kê khai trong diện nộp thuế hàng năm, vậy là làm chui. Chúng tôi đền bù vài chỉ vàng công khai phá. Biết có kiện tụng cũng chả ích gì, lão nông đành ký biên bản nhận tiền rồi chỉ mặt từng người: Chúng mày vào hờ với nhau để lờ tao. Tôi biết thằng Khắc làm cách nào mà êm xuôi mọi bề như thế. Nó bảo chỉ sợ không có vàng chứ đã nắm chắc sản phẩm hàng ngày rồi thì một chứ mười quả núi cũng mua được. Người có chức quyền không ít kẻ hoa mắt vì tiền. Những lò khác cạnh bọn tôi hồi ấy cay cú lắm, chúng nó cũng quấy nhiễu, gây khó mấy ngày nhưng thằng Khắc khôn ngoan điều đình cho thằng Năm cụt và thằng Cường trại mỗi thằng một đoạn ngắn ở hai đầu. Vậy là vẫn được tiếng hào hiệp cho chúng nó làm, miếng ăn chúng nó vẫn tự làm ra mà vẫn bị mang ơn. Chính chúng nó lại là hai thằng bảo vệ hiệu quả nhất để bọn tôi rảnh tay tập trung vào khai thác, quả là thằng Khắc ranh ma có lõi. Thằng Khắc biết, đứa nào có anh chị đến đâu vẫn phải gờm pháp luật. Nó vừa có máu anh chị lại được vài người cánh hẩu nắm pháp luật đỡ lưng là nó thắng. Bọn kia dẫu biết đường đi nước bước của nó nhưng tỉnh ra thì đã muộn rồi.

Sau hai năm chinh chiến bãi vàng tôi và Khắc chia nhau mỗi người được một ít vốn. Tất nhiên, tôi biết nó vẫn thậm thụt một chút phần hơn nhưng lúc ấy được thế là quá mừng còn suy bì gì nữa. Đầu những năm chín mươi ở quê mà xây được ngôi nhà ba tầng có đầy đủ nội thất xịn bên trong, đi đâu có xe dream Thái đập hộp giá sáu bảy cây vàng, áo La tô Mỹ mấy chỉ vàng  là sang lắm, bất kể lai lịch người đó thế nào. Tôi và Khắc tiếng tăm lan cả một vùng. Đến đâu cũng có người bắt tay rối rít. Xóm tôi là xóm nghèo, xây nhà văn hóa tôi ủng hộ chút tiền, đội văn nghệ lên xã thi tôi bồi dưỡng chút ít tập tành. Vậy rồi bà con đưa lên làm chân trưởng xóm. Rồi vào hội đồng nhân dân. Rồi làm phó chủ tịch xã phụ trách mảng kinh tế. Chỉ một khóa lại lên làm chủ tịch. Hình như cái mác nhà lầu xe đẹp, mặc sang của tôi là tiêu chuẩn đủ tài của một cán bộ địa phương. Đi họp trên huyện hay giao lưu các xã bây giờ người ta cứ nhìn phương tiện để đoán ra năng lực. Mẫu cán bộ nhiệt tình, liêm chính nhưng đi đâu cứ cái xe đạp cà tàng lại kém khoản nâng cốc hay bị phán là bất tài nên cũng lặng lẽ rút dần. Tôi kinh qua những chốn quan hệ phức tạp để tồn tại nên cũng biết chỗ nào phải bắt bằng hai tay, chỗ nào chỉ dùng ngón tay để chỉ. Cần thể hiện sức chụi đựng của rượi, tôi đủ sức chúc tụng cấp trên, hòa đồng với sự tung hô của cấp dưới. Cái khoản đi hát karaoke và vui vẻ với các em lúc nào cũng sẵn sàng. Tóm lại tôi cũng biết nhìn xu thế thời đại để có mối quan hệ làm việc thoáng, hiểu ý nhau để được việc chung, lợi cả việc riêng chẳng ai trách móc gì. Mà nói thật trách cũng chẳng được, cái gì cũng có thống nhất trên dưới rồi, đúng pháp luật rồi còn hiệu quả của nó thì qui làm sao được một mình tôi.

Thằng Khắc thì khác, nó dồn vốn thành lập công ty chuyên nhận các công trình giao thông. Có tiền trong tay, sự giao dịch của nó làm các thủ tục, cả vay ngân hàng ngon ơ. Nghe đâu lúc đầu chỉ nhận các công trình vùng núi, sau có đủ ngón nghề cũng lao vào đấu thầu các tuyến đường thành phố. Nghe bãi nào rộ vàng nó lại có thể kinh doanh thêm nghề khai thác khoáng sản. Ngay cả bất động sản nó cũng nhúng tay vào. Tóm lại là nó đã gây dựng được một mối quan hệ có nơi để tựa lưng lao vào bất cứ lĩnh vực nào ra tiền. Tôi và Khắc bất đồng không nhìn mặt nhau khi nó xây dựng khu du lịch tâm linh phải mỏ con đường qua xã tôi. Là một cán bộ địa phương, tôi cũng biết muốn phát triển nhiều cái phải mỡ nó rán nó. Nhưng  một doanh nghiệp như Khắc thì lợi nhuận là trên hết. Thằng Khắc nói nhỏ vào tai tôi: Ông cứ danh nghĩa chính quyền mà vận động bà con chấp nhận giá thỏa thuận đi. Ông yên tâm, vẫn có phần của ông nghiêm chỉnh đấy. Tôi biết hai vai cái thằng doanh nghiệp bây giờ kiếm được cái dự án nào cũng phải gánh è bao mối quan hệ. Cứ thẳng thắn, nghiêm chỉnh không chụi luồn cúi thì cứ ngồi đấy mà chờ cơ hội. Thằng Khắc được miếng ăn cũng phải chia năm bảy mối. Những người đứng sau cứ việc đút túi một khoản còn sống chết là việc của bay. Vì thế nó phải tìm cách một mặt đẩy cái thiệt thòi ấy vào những con người chỉ biết làm ăn mà chẳng hiểu gì pháp luật. Một mặt ăn bớt phần vật liệu đầu tư. Những con người nông dân chỉ biết tin vào chính quyền cơ sở  như tôi, mà tôi ngoài cái lợi bản thân còn các mối quan hệ khác. Giá như con đường ấy không đi trúng vào khu ruộng của họ mạc nhà tôi,  tôi cũng ngậm miệng ăn tiền. Thôi thì có thương bà con cũng đành lờ đi cho qua chuyện. Đằng này khu ruộng ấy là của cụ kỵ tôi, của ông bà bố mẹ tôi. Dù bây giờ đã là của chú tôi, cô tôi nữa nhưng cứ nghĩ  nó đã bao đời nuôi sống cả gia đình họ hàng mình thì tôi xót quá. Xót bởi vì tôi biết cái giá thỏa thuận này nó bất công với chính những người thân của mình. Vì lấy mỡ nó rán nó nên đường có hơn chục mét phải lấy rộng ra mỗi bên hơn ba mươi mét để chia lô bán bù chi phí. Tôi biết chắc xong vụ này mình cũng có một lô nhưng như vậy mình lại ăn vào chính phần đất của cụ kỵ mình thì đau quá. Tôi phản ứng không chịu. Thằng Khắc bảo tôi: Hãy tính kỹ đi! Một là có phần, hai là mất cả chì lẫn chài. Tôi nổi máu yêng hùng: Thằng này sẽ chơi đến cùng. Tiền đền bù vụ đó được nâng lên nhưng tôi bị rơi vào diện không gương mẫu thực hiện sự phát triển của địa phương. Chẳng tổ chức nào bắt làm kiểm điểm nhưng lại như có một cái án kỷ luật vô hình. Mọi người cũng lạnh nhạt với tôi. Biết mình đang bị cô lập dần, tôi chủ động làm đơn rời vũ trường cho danh dự. Bao chuyện nhập nhèm trước đây cũng đành ngậm miệng cho êm vì mình cũng trong cuộc rồi. Riêng thằng Khắc thì tôi cay lắm, nó làm vụ này khác gì mượn thế vây cánh để đuổi tôi khỏi vũ đài. Cái vết sẹo tôi phải hy sinh cùng nó năm nào vẫn còn đây, giờ nó lại cứa vào cổ tôi một vết sẹo khác. Tôi thề sẽ không bỏ qua chuyện này.

***

     Thằng Bưởng lò ở Ba Khe có lẽ đang khui trúng nẹp nên luôn cảnh giác với những người lạ. Biết tôi người cùng làng với cửu của hắn vừa cho về kiếm thêm người làm hắn càng có vẻ tức tối. Hắn đã cảm thấy bất an cho miếng ăn của mình. Tôi làm bộ thân thiện và tỏ ý để hắn biết rằng vùng bãi này tôi đã đặt chân thăm dò cách đây hai mươi năm. Tôi có thừa các mối quan hệ và cả bản lĩnh bãi vàng. Biết điều thì êm ấm cùng ăn, đừng dơ nanh ra mà thiệt. Cuối cùng thì hắn vẫn là thằng khôn ngoan chứ không phải anh hùng rơm như một số thằng Bưởng khác. Hắn cũng nhận ra sự bất ổn khi thân cô, thế cô ở nơi sơn cùng núi thẳm này.  Hắn đang cần vây cánh mạnh đủ tin tưởng để giữ được miếng ăn mà êm  ru chứ không cần đao to búa lớn rồi mất tất cả. Nghe cửu của hắn là người làng tôi kể tôi đã kinh nghiệm đầy mình về bãi vàng, lại có vài khóa là cán bộ xã hắn có vẻ yên lòng và đồng ý cho tôi xuống thăm lò, đồng ý cho tôi cạy thử vài đường nẹp với điều kiện bảo vệ được bãi để hai bên chia nhau khai thác. Bãi này ở rất sâu, gần chục cây số chỉ có rừng, không một mái nhà, không một nương bãi, không một dấu vết có người sinh sống. Đây là nơi lý tưởng để khai thác vàng. Tôi lên kế hoạch với hắn về việc triển khai lán trại, đầu tư máy nghiền, đầu nổ, máy phát điện, tắc tế cho sinh hoạt ra sao. Sau đó, tôi về mua các thứ cần rồi bí mật đi thật xa tuyển cửu. Rồi cũng thật bí mật chuyển dần các máy móc vào với ý nghĩ nơi sâu thẳm này có thể khai thác vụng trộm hàng năm trời. Xã biết thì làm luật riêng với xã. Huyện biết thì lại làm luật với huyện. Nhì nhằng đến lúc căng thì cũng đủ tan vạt rừng đó rồi. Nơi xa nhẳng ấy họa chỉ có mấy ông kiểm lâm may ra mò tới. Thôi thì lại làm luật, cây rừng không biết nói rồi thì còn ai ở đấy đâu mà kiện tụng. Cảm thấy đã ổn, tôi lôi trong ba lô chai rượi tây và mấy bịch bò khô ra lai rai với thằng Bưởng lán rồi cả hai nằm lăn ra ngủ.

Tôi dự tính nghỉ một lát trưa rồi một mình lên đường trở về. Mới chợp mắt một lúc đã giật mình vì tiếng người oang oang ngoài lán. Tôi lắng tai nghe. Rồi sợ mình đang ngái ngủ nghe nhầm tôi nhổm dậy ghé mắt nhìn qua phên lán. Đúng rồi! Thằng Khắc! Sao nó lại xuất hiện ở đây nhỉ?  Chợt nhận ra ba thằng nữa đang ngồi bệt xuống cỏ ôm ba lô lộn, trong đó có thằng cửu là cháu nó. À! Thì ra nó cũng đánh hơi thấy vàng qua thằng cháu về lấy thêm người cho Bưởng rồi theo chân chúng nó vào đây. Tôi có cảm giác như túi tiền đang giấu kín của mình bị kẻ cắp phát hiện. Và cái cảm giác sắp rủng rỉnh tiền giờ tan biến giấc mộng vì sắp có kẻ khác giật mất làm tôi sôi máu trong người. Thằng Bưởng hỏi tôi: Thằng nào thế sếp? Tôi nói nhỏ trong hai hàm răng nghiến chặt: Một thằng đểu! Một thằng cướp đấy! Phải tống cổ nó ra ngay. Thằng Bưởng tung chăn vùng dậy ló đầu ra hỏi thằng cửu: Mày lấy thêm được mấy thằng?  Dạ. Hai ạ! Vậy ông kia là ai? Dạ. Chú em ạ! Vào làm gì? Tao dặn chúng mày thế nào? Dạ. Chú em chỉ đi chơi thôi ạ! Đây không có chỗ để chơi. Không làm đúng lời tao, nhận tiền công rồi biến ngay. Lúc này thằng Khắc mới lên tiếng: Chào ông bạn, vội gì mà nóng nảy thế! Trước lạ sau quen, thời buổi bây giờ có lúc còn phải nhờ cậy nhau. Biết đâu tôi lại có thể giúp ông điều gì. Xin giới thiệu với ông, chủ của bãi Trám năm xưa là tôi. Nay tôi đang là giám đốc công ty Liên Thành chuyên thi công các công trình giao thông trong tỉnh.  Biết ông bạn cùng một thời bãi Trám cũng đã vào đây nên tôi cũng bỏ một buổi đi vào rừng chơi, thăm lại cái nơi tôi đã một thời đặt chân cho đỡ nhớ. Tôi đang nằm trùm chăn kín đầu nghe nó nói biết mình vào đây mà lộn tiết, bung chăn lao ra cửa lán: Thì ra mày vẫn bám lấy đít tao như thằng mật thám . Tao tưởng mày cướp được tiền thiên hạ thì đi du hí mọi nơi cho sướng vào đây nhòm ngó làm gì? Nó không hề ngạc nhiên khi tôi bất ngờ xuất hiện, lại còn hạ giọng: Chuyện tôi và ông tý về ta nói với nhau sau. Nó quay về phía thằng Bưởng: Tôi cũng chỉ là người đi thăm rừng thôi, chẳng động chạm gì đến lò, đến lán ông cả. Nói rồi nó vượt lên đoạn núi ngắm nghía bốn phía như người ta đang ngắm phong thủy cho thung lũng này.

Tôi dặn thằng Bưởng cứ yên tâm theo kế hoạch đã bàn rồi khoác ba lô trở ra. Nghĩ bụng mày muốn ngắm gì thì ngắm nhưng tao sẽ về nhanh tay làm luật trước, với thằng này thì chậm một nước nó giật miếng ăn của mình ngay. Vừa đi được một đoạn tôi đã nghe nó gọi sau lưng: Chờ nhau cùng về với, vội gì mà ông đi như trốn chạy ấy. Bất đắc dĩ tôi phải dừng lại chờ. “Ông định làm gì mà vào đây?” Tôi cố giữ cách xưng hô và phủ đầu khi hắn đã đến mặc dù biết tỏng ý định của hắn rồi. “Lại phải lao đầu vào rừng thôi, hai năm vừa rồi gẫy vì bất động sản lê bằng đít rồi”. Hắn trả lời. Tôi liền hỏi lại: “Vậy là ông đã lộ rõ cái ý định chiếm cái bãi này”. Hắn lại phân bua: “Cứ dùng từ chiếm nghe nó nặng nề quá. Tôi đứng ra lo thủ tục trên danh nghĩa Công ty cho nó có trọng lượng rồi ta sẽ bàn cách ăn chia, tôi đã để thiệt ai bao giờ đâu”. “Lại cái cách nhả cho một ít xương còn ông làm cả chứ gì. Với tôi lần này không xong đâu nhá!” Tôi dằn giọng. Hắn vẫn thản nhiên: “Thì cứ bình tĩnh đâu khác có đó mà”. Tôi liền bảo hắn: “Vậy thì tôi bàn thế này, cái khe này ở heo hút không một bóng người, ta chia ba phần, ông một, tôi một, thằng kia có công khám phá cho nó một, ta cứ lặng lẽ khai thác bao giờ chính quyền lên tiếng hãy hay”. Nó tưng tửng: “Tôi đã điện qua sếp trước lúc vào đây rồi, chỉ thực tế xem bãi thế nào về là quyết thôi”. Tôi bị bất ngờ về các bước đi của nó. Vậy là nó đã nhanh hơn mình, nó đã có đáp án để giải bài toán với mình. Nói tóm lại là nó đã nắm rất kỹ về nẹp bãi, về cả từng bước đi của tôi nữa, nó đã nắm đằng chuôi. Cơn giận dữ của tôi bắt đầu bốc lên, tôi dằn giọng: “Vậy thì ông định ăn chia thế nào nói toẹt ra đi”. “Làm gì có chuyện ăn chia, tôi phải giơ đầu chịu báng thì cũng có quyền phân phát cho các ông một đoạn ngắn thôi chứ, đấy là tình cảm rồi còn gì”. “Vậy khác gì cướp trắng của nhau”. “Ông nói lạ nhỉ? Của là của Trời, nó nằm ở rừng chứ ở vườn của ai mà cướp. Cướp thì pháp luật nào bảo vệ, nói bừa ở đây thì được ích gì”. Tôi sửng cồ: “Ông nên nhớ ở rừng còn có luật rừng nữa đấy! Đừng cậy thế mà ép nhau vào tường thì không xong đâu”. Nó cười khẩy: “ Lại thích dọa nhau, trẻ con như xưa nữa đâu mà nói luật rừng. Bây giờ là lý là pháp luật, ai nắm người ấy thắng”. “Mày là thằng ỷ thế có dây có dợ để ăn hiếp thiên hạ chứ pháp luật nào. Nói với vài thằng chân đất thì nói thế được nhá, thằng này cũng nắm quyền một xã chục năm rồi đừng vải màn che mắt thánh”. “Ồ! Làm  cán bộ xã rồi càng phải hiểu luật chơi chứ! Chả nhẽ ông chưa có bài học cho cái vụ của ông à!”

Tôi dừng lại chỉ vào vết sẹo nơi cổ mình: “Mày nên nhớ những cái mày có thấm cả máu tao đây này! Thằng vô ơn, phản bạn, tao không tha cho mày đâu”. Với những ấm ức từ lần dự án làm đường của nó, với sự phẫn uất tột cùng khi miếng ăn đến mồm bây giờ sắp bị giật mất, tôi khùng lên rồi giơ nắm đấm trước mặt nó. Nó gạt tay tôi xuống rồi cũng nghiến răng trợn mắt: “Thích gì thì thằng này chiều tất! Kiểu nào thì thằng này cũng chơi được. Thằng này chưa ngán trường hợp nào đâu nhá!”  Nó nói và dí sát mặt vào tôi như thách thức. Chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều, tôi đứng ở trên mé dốc dùng hai tay du mạnh vào ngực nó. Nó mất đà ngửa ra sau nhưng vẫn nhanh tay túm được tay tôi. Vậy là hai thằng theo đà trôi tuột xuống theo dốc núi dựng đứng. Được khoảng hơn chục mét hai thằng lăn qua búi dây rậm rồi bỗng hẫng một cái cả hai rơi xuống một hố sâu. Thật may búi dây rừng ở miệng hố đã cứu chúng tôi. Cả hai thằng theo bản năng đã túm được vào những chiếc dây. Tuy vậy, do sức nặng mà những sợi dây lại nhỏ. Nó chỉ níu chúng tôi rơi chậm lại cách đáy vài ba mét thì đứt phựt. Thằng Khắc rơi xuống trước tôi đè lên sau.

Khi định thần lại tôi biết hai thằng đã rơi xuống một giếng thăm dò vàng đã lâu nên cây đã mọc che kín miệng hố. Tôi lay thằng Khắc, người nó nhũn như tàu lá héo, tôi sờ ngực nó, tim nó vẫn đập, có lẽ nó bị ngất do va đập mạnh. Mũi nó ri rỉ một dòng máu. Tôi cố gắng vục dậy rồi thử cử động thấy đau cứng một bên đầu gối. Thấy mồm mằn mặn tôi sờ tay lên, hóa ra mồm mình cũng đang chảy máu, cặp môi tê dại sưng vù. Tôi quan sát lại chiếc giếng, thấy nó khá sâu, phải đến sáu bảy mét, đường kính cũng gần hai mét. Thấy thằng Khắc vẫn nằm bất động, tự nhiên lúc này tôi hoang mang tột độ. Ở nơi heo hút mấy cây số chỉ có cây rừng này làm gì có người cứu mình. Nếu thằng Khắc có làm sao thì… Những tức giận thù hằn bay biến hết, lúc này tôi bị bấn loạn hết lay thằng Khắc: Khắc ơi! Tỉnh lại đi, tao với mày sẽ chết ở nơi này rồi. Rồi lại hét lên: Có ai ở đây không…cứu tôi vớ..ới. Tôi gào lên nhiều lần nữa nhưng ở cái lòng giếng giữa mênh mông cây cối này sự lặng phắc đáng sợ càng làm tăng nỗi tuyệt vọng hơn. Thằng Khắc đã ư ứ rên, chỉ ít phút trước tôi muốn nó biến mất trong cuộc đời này thì bây giờ tôi cầu mong nó không bị làm sao. Tôi sợ nó bị nguy hiểm vô cùng. Tôi ôm đầu nó gối lên lòng mình. Tôi sờ khắp người nó: Đừng làm sao Khắc nhá! Tỉnh đi để còn tính cách thoát khỏi chỗ này. Chẳng có ai ở đây mà cứu mình đâu. Tôi đã khóc. Tôi đã thấy mình ác với bạn quá. Tôi cứ ngồi tựa lưng vào thành giếng ôm lấy Khắc như thế, lúc lúc lại gào lên kêu cứu với một hy vọng mong manh. Khoảng mươi phút sau thì Khắc tỉnh, nó mở mắt nhìn tôi vừa rên vừa hỏi: Sao lại thế này. Tôi bảo: Tao với mày bị rơi xuống giếng vàng rồi, mày thấy đau lắm không. Nó sờ soạng khắp người rồi bảo đau nhất bên vai phải, nó ngồi hẳn dậy đưa mắt nhìn ngược khắp thành giếng. Tôi bảo nó: Thành giếng rộng lại nhẵn không bám được để lên đâu. Nó cuống quýt: Điện thoại, điện thoại đâu? Hai thằng cùng vội bấm rồi cùng ỉu xìu. Nó thở dài rồi nhìn tôi đau đớn: Chẳng lẽ cuộc đời tao với mày lại bị kết thúc ở đây sao Chắp ơi! Có nó tỉnh táo lại, tôi thấy có tia hy vọng le lói, ít ra thì không bị cô độc ở cái đáy giếng này. Tôi bảo nó: Bây giờ cũng cuối chiều rồi, ở đây chả có ai mà kêu cứu đâu, hai thằng tạm nghỉ cho đỡ đau, mai lại tính. Nó im lặng đồng tình.

Đêm ấy mỗi thằng theo đuổi một ý nghĩ, nằm dưới lòng giếng như một thế giới âm, tôi nghe gió xào xạc trên cây rừng mà bỗng thấy loài cây cũng có tiếng nói riêng, có sự thương yêu riêng. Cái khoảng cách sáu bảy mét so với mặt đất sao bây giờ cách xa quá, sao bây giờ khát khao quá. Một đêm dài nhất cuộc đời tôi, thi thoảng lại nghe thằng Khắc rên rẩm: Sao lại thế này! Rồi trời cũng sáng, cái ánh nắng bình thường của một ngày mới tôi đã trải qua bao lần trong đời mà hôm nay nó mới lạ làm sao, nó cũng xa vời làm sao. Bây giờ hai thằng tôi chỉ nhìn nó với một ước mơ chứ có lẽ chẳng bao giờ chạm tay vào nó được. Tôi và Khắc bắt đầu cùng đứng lên tìm cách trèo lên. Nếu thành giếng hẹp, có thể dùng hai tay, hai chân dang ra đạp tỳ vào hai bên thành trèo dần lên. Đằng này lòng giếng rộng, thành giếng nhẵn, chúng tôi thử đủ cách mà đều bế tắc. Trong túi đeo của hai thằng đều có dao găm nhưng lại bị văng mất trên miệng giếng. Tôi bàn với Khắc hay xé tất cả quần áo nối thành dây rồi quăng lên may ra nó mắc vào gốc cây nào thì có cơ trèo lên. Hai thằng đã thử mà rồi cũng vô vọng vì giếng quá sâu. Tự nhiên thằng Khắc như con chuột bị rơi trong thùng. Nó nhảy lên cào vào thành giếng rồi lại tuột xuống. Mấy lần như vậy nó khụy xuống thở hổn hển rồi quắc mắt chửi tôi: Mày đã thấy sướng chưa? Thằng khốn! Tao sẽ bóp cổ giết chết mày trước khi tao chết. Nó nói và bò gần lại bên tôi, hai hàm răng nghiến trèo trẹo. Tôi vươn cổ ra: Mày giỏi cứ giết tao đi. Thằng nào còn lại sau ở cái giếng này mới là thằng bị khốn nạn nhất. Nó đờ đẫn người ra rồi hai hàng nước mắt từ từ lăn trên gò má. Thế là hết tất cả rồi sao Chắt ơi! Quả thật nghĩ đến cái chết bất đắc dĩ trong lòng giếng nơi núi rừng hoang vu không một ai hay biết này nó đau xót, dày vò, ân hận, hoang mang và tuyệt vọng đến tột cùng.  Lúc này con người thật của mình như nhìn ra rõ nhất những bóng ma của quỷ đã ẩn hiện trong cuộc đời mình, nó đã lôi mình vào biết bao tội lỗi. Tất cả mọi thứ tham vọng bây giờ là vô nghĩa hết. Tôi bảo Khắc: Bây giờ chỉ còn cách nằm im mà giữ sức, nếu nghe có tiếng động nào bên trên hãy kêu cứu. Gào nhiều cũng vô ích thôi! Một ngày trôi qua với tất cả hy vọng sao ngắn ngủi vô cùng. Một đêm trôi qua lại như dài vô tận trong tuyệt vọng. Tôi không thấy đói, chỉ thấy ruột gan mình đang vỡ dần từng đoạn, đau thắt, rã rời. Đã qua ba ngày ba đêm, những tia hy vọng cứ tắt dần. Có lẽ hết thật rồi, tôi và Khắc không ai hẹn ở nhà ngày về, lối đi này lại là đường tắt hai thằng tự cắt rừng để đi, làm gì hy vọng có được người qua đây.

Đêm cuối thu chớm lạnh, hai thằng còn mỗi quần lót ôm lấy nhau dưới lòng giếng nhìn lên bóng đêm tuyệt vọng. Ánh nắng ngày thứ tư lại thắp lên hy vọng. Gần trưa, tai tôi bỗng nghe trong gió có tiếng người. Tôi đập vai Khắc chỉ lên phía trên. Cả hai vịn vào thành giếng lẩy bẩy ngóng tai nghe. Đúng rồi! Có tiếng người hú dài. Cứu.. tôi.. vơ..ới! Cả hai chẳng bảo nhau mà cùng đồng thanh kêu lên rồi cả hai lại cùng ngã vật ra thở hổn hển. Rồi lại cùng nhau cào vào thành giếng đứng lên dồn hết sức lực gào to. Tai tôi ù đặc không còn nghe thấy gì bên trên, chỉ còn biết nhắm mắt lại để kêu, để gào. Khi có một cảm giác mơ hồ trong linh cảm, tôi mở mắt nhìn lên miệng giếng thì thấy lá cây rung mạnh, một gương mặt hiện ra rồi lại mất hút. Trên miệng giếng có tiếng gọi to bằng tiếng dân tộc. Tôi và Khắc vẫn gắng sức kêu cứu. Ít phút sau nghe tiếng người trên miệng giếng: Mé! Có hẳn hai người. Một khuôn mặt nữa xuất hiện. Tôi nhìn rõ đó là khuôn mặt một thanh niên và một bà mế dân tộc đầu quấn khăn đen có viền đỏ. Tôi và Khắc cùng dựa lưng vào thành giếng giơ tay thều thào vì quá đuối sức rồi: Cứu chúng con với! Bà mế gật gật đầu: Được dồi! Sao lại không cứu. Khổ! Sao lại ngã cả hai xuống hố thế này. Cứ chờ nhá! Phải kiếm cái dây đã! Bà mế và chàng thanh niên lại mất hút. Tôi ôm lấy Khắc: Sống rồi Khắc ơi! Trời vẫn cho mình sống. Thằng Khắc cũng ôm chặt lấy tôi và không biết do quá mừng hay do quá mệt mỏi đói lả, cả hai đều run bắn người lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Sự chờ đợi được trở về với mặt đất với chúng tôi bây giờ là được trở về sự sống. Nó chỉ cách nhau sáu bảy mét mà đủ cho một sự tuyệt vọng, sám hối và hy vọng của một đời người. Tôi và Khắc đã được bà mế và người thanh niên con mế ròng dây rừng được kết ở dưới cẩn thận như chiếc quang, từng người lần lượt ngồi vào đấy bíu chặt hai tay vào dây để kéo lên. Mế còn nghiền chút cơm nắm của mế vào ống nước rồi cho chúng tôi uống dần ít một để chống đói lả. Cả hai chúng tôi tỉnh táo khá nhanh. Nghỉ độ nửa tiếng mế lại cho chúng tôi uống thêm chút nước cơm nghiền nữa. Nhập nhoạng tối thì chúng tôi cũng tập tễnh theo về đến được nhà mế. Thì ra mế và anh con trai đang vào rừng sâu lấy thuốc, may mà anh con trai nhìn thấy chiếc ba lô của chúng tôi khi xô nhau vung trên mặt đất nên linh cảm có sự chẳng lành và mới hú lên để báo hiệu có người. Mế cho ăn cháo nóng, cho thuốc uống, thuốc bóp. Anh con trai cho mượn hai bộ quần áo dân tộc. Mế cứ bảo chắc chúng mày một thằng ngã, một thằng lao vào cứu nó mới lôi tuột cả hai xuống hố thế chứ! Thế còn may đấy! Bố thằng Sắn cũng ngã hố vàng chết đấy! Khổ lắm! Tôi nhìn Khắc và thấy nóng ran người không dám trả lời mế mà vội lảng sang chuyện khác. Hôm sau thì chúng tôi tỉnh táo và lại sức hẳn. Chúng tôi cảm ơn và xin phép mế cùng con trai mế để trở về.

Trên đường về, tôi và Khắc đều im lặng. Chân tôi vẫn còn khập khiễng. Gặp những cây cầu bắc tạm qua suối, Khắc cố chờ tôi dò dẫm đi qua rồi mới cùng nhau đi tiếp. Tôi bỗng thấy yêu tất cả những gì xung quanh mình, thấy quí giá những điều mà một thời tôi không để tâm. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc lạ kỳ lắm. Nó nhẹ bẫng như vừa trải qua một việc gì hệ trọng. Giờ, thật thanh thản trở về.

     

LANG TÌNH

- Bệnh của anh là suy nhược thần kinh.

 Bác sỹ kết luận. Kết quả chẩn đoán về bệnh của lão vẫn chỉ có thế, phim ảnh chiếu chụp não, đốt sống cổ, phổi rồi siêu âm tim, gan mật đã thành một tệp. Sổ khám bệnh đã thay năm bảy quyển. Chẳng phát hiện bệnh nào nghiêm trọng. Lần này bác sỹ lại hỏi:

- Lần điều trị trước đã lâu chưa? Có thấy đỡ nhiều không?

- Thưa bác sỹ, có đỡ nhưng rồi đâu lại vào đấy!

- Mãn tính! Bác sỹ buông một câu rồi lại hý húi kê thuốc với nét chữ loằng ngoằng như lò xo. Lão hỏi lại:

- Thế có loại thuốc nào đặc trị không bác sỹ?

- Cái chính là anh phải giải quyết cái đầu của anh đi đã, thuốc chỉ hỗ trợ thôi! Thuốc này uống nhiều quá cũng có tốt đâu. Bác sỹ nói và giơ một ngón tay chỉ vào đầu mình, sau đó lẳng lặng đưa sổ khám bệnh cho lão:

- Anh có thể về và dùng thuốc theo đơn này. Nhớ! Giải quyết cái đầu mới là chính.

 Lão ra khỏi phòng khám với nỗi bực mình. Làm đếch gì phải giải thích, ai chả biết là từ cái đầu, nếu tự giải quyết được đã chẳng phải mò đến ông. Lão nhét những giấy tờ đi khám vào cốp xe, chẳng ngó ngàng gì mấy dòng kê đơn của bác sỹ. Mãn tính! Chả nhẽ tây y, nam y  đều bó tay, mà tự giải quyết cái đầu mình cũng không được. Làm sao cả một núi công việc lại bảo phải giữ cho tinh thần thoải mái. Ở cái thời xô bồ chen nhau từng cái ghế mà bảo một giám đốc phải làm việc đúng để tâm hồn thanh thản có mà thánh. Nhiều lúc đau đầu mất ngủ lão cũng chán tất mọi thứ trên đời nhưng lại càng nghĩ quẩn hơn. Gặp ông bạn chỗ gửi xe an ủi lão: Bệnh thời đại ấy mà, phải tập sống chung với lũ thôi! Hay là thử tìm đến các lang y xem.

                                                                  *

Lang Tình không có thông tin trên mạng mà là tin truyền tai nhau. Lão nghe đã ớn nhưng có bệnh thì phải vái tứ phương thôi. Thông tin thế này: Lang Tình có bài thuốc bí truyền, điều đặc biệt là ông không giấu bí mật cách chữa của mình. Nhưng phải ở lại nơi ấy mất mấy ngày, phải qua mấy chặng lại toàn đi bộ thôi. Nghe cứ như đi lấy kinh của thầy trò Đường tăng nhưng hiệu quả khỏi một trăm phần trăm với bệnh suy nhược thần kinh. Nhiều bệnh khác cũng có tỷ lệ khỏi rất cao. Lão nghi ngờ cái tỷ lệ một trăm phần trăm nhưng cũng quyết sắp xếp công việc để đi bởi cái ước mong khỏi bệnh và vì sự nghiệp còn đầy tương lai mở ra trước mắt lão.

 Cái trạm tiếp đón đầu tiên là một ngôi nhà  nhỏ ở bìa rừng. Lão và cậu trợ lý đi cùng bước vào và nhận ra một sự sạch sẽ, ngăn nắp ở chốn này. Một thanh niên ngoài hai mươi đeo đôi kính cận nở nụ cười thân thiện và lời mời nhỏ nhẹ: Cháu chào hai chú, mời hai chú ngồi ạ! Sau khi được uống bát nước thảo dược ngọt và thơm kỳ lạ, lão vẫn hơi ngỡ ngàng về dáng vẻ thư sinh của cậu thanh niên này. Như hiểu ý  cậu thanh niên vui vẻ giới thiệu: Cháu là sinh viên năm thứ tư Đại học y khoa. Cháu bị rối loạn thần kinh nặng vào đây chữa khỏi, giờ tự nguyện ở lại đây giúp mọi người. Lão hỏi: Lương cháu bao nhiêu? Cậu thanh niên cười: Tất cả những người ở lại đây đều là người bệnh được chữa khỏi, giờ đem cái ơn ra trả cho đời thôi chú ạ! Lương cũng đủ sống thôi.  Sau đó cậu thanh niên hỏi  yêu cầu của lão, đo huyết áp cho lão và mời người trợ lý quay trở về chỉ để mình lão tiếp tục cuộc hành trình. Lão băn khoăn muốn để cậu trợ lý đi cùng . Cậu thanh niên nhẹ nhàng giải thích: Chú yên tâm. Nhà thuốc sẽ có trách nhiệm với chú từ bây giờ, chú không phải lo lắng gì cả, trên đường đã có chỉ dẫn. Thôi! Đã vào đến đây thì phải giao thân này cho Chúa, lão đành khoác túi một mình lóc cóc trên con đường rừng. Gọi là rừng nhưng ở đây toàn cây lúp súp, những gốc cây to bị đốn còn nham nhở vết rìu. Dấu vết của một sự tàn phá. Chỉ những cây cột thép với những đường dây cáp chạy chếch trên đầu lão là thể hiện của thế giới văn minh. Lão đi trong nắng thấy bức bối khó chịu, hơi thở cũng nặng nhọc đứt quãng. Hàng tiếng đồng hồ lúc lên dốc, lúc qua khe, cứ theo mũi tên chỉ đường mà đi lão đã thấy mệt nhoài. Lão nghĩ khéo mình bị mắc lừa, chữa bệnh kiểu quái gì mà để một mình bệnh nhân đi trong rừng thế này. Lão bỗng thấy cô đơn và hoang mang vì sợ. Nếu có làm sao ở nơi cô quạnh này thì ai cứu. Lão vội vã quay đầu trở ra. Bỗng có tiếng loa vọng từ trên núi: Bệnh nhân Nguyễn Hữu Tiền hãy bình tâm, ông đã sắp vượt qua lộ trình đầu, vì sức khỏe của ông, mong ông hợp tác. Lão đứng khựng lại. Ô hay nhỉ! Chẳng lẽ có người đâu đây. Lão quan sát và nhận ra chiếc ca-mê-ra gắn trên cột cáp.  Điều ấy đã làm lão yên tâm quay lại lầm lũi bước tiếp. Vượt một triền núi nữa thì lão gặp con sông chảy qua lũng núi. Ở đấy có một bến đò. Lại một thanh niên đeo kính nữa niềm nở mời lão ngồi nghỉ ở ngôi nhà đầu bến. Theo chỉ dẫn của cậu thanh niên ở đây có phục vụ cơm trưa với những món ăn dân dã núi rừng, ai ăn món gì tự chọn và tự giác trả tiền vào hòm theo đơn giá. Lão đã thấy hàng chục người đến trước lão đang ngồi ăn. Lão vừa ngồi ngắm quang cảnh một lát đã thấy một người khác cũng một mình đi bộ vào sau. Một điều khác lạ là bên kia sông quang cảnh rừng núi khác hẳn bên này. Cây cối tầng lớp dày đặc và sum suê những dáng cổ thụ. Dáng hình ngọn núi, dáng hình các loài cây, màu lá, màu hoa rừng xen nhau như bức tranh tuyệt đẹp in bóng xuống dòng sông, một cái đẹp kỳ bí mà thoạt nhìn ngắm lão đã thấy có sức hút lạ lùng. Tất cả cái cảm giác bị cô độc, phải gắng sức vượt qua một chặng đường thử thách, giờ lại như đảo ngược. Một sự yên bình như có niềm hy vọng đang đợi chờ phía trước. Lão thấy lòng nhẹ nhõm, đứng lên lướt qua bảng giá rồi tự mình cầm đĩa đi chọn các món ăn. Toàn những món nhà quê, rau muống luộc, cà muối, nước tương, đậu rim cà chua, gà rang gừng, măng rừng, trám om thịt, canh cua mồng tơi. Lão lấy đại mỗi món một ít ăn thử. Hàng chục năm nay một bước lên xe, tiệc tùng tối ngày, toàn những món tây tàu cầu kỳ béo ngậy, có kẻ bưng người rót mà chả mấy bữa thấy ngon. Giờ, vừa phải cuốc bộ mấy tiếng đồng hồ lão cảm thấy món nào cũng đậm, cũng ngon. Cái ngon của vị giác cùng cái ngon của cảm giác về những ký ức thoảng về. Mọi người cũng đã ăn xong đều đang ngồi uống nước nghỉ ngơi và bắt đầu trò chuyện làm quen. Bàn lão ngồi có thêm hai người. Một ông đã ngoài sáu mươi, dáng vẻ của một người từng trải nhưng đôi mắt thì hiện rõ sự mệt mỏi. Một cậu thanh niên vẻ thư sinh lại như thu mình, luôn có cái nhìn xuống mấy ngón chân cậu ta cứ di di xuống đất.

- Anh cũng bị suy nhược thần kinh?  Ông ta hỏi lão

- Vâng! Bác chắc cũng thế!

Ông ta gật đầu và nở nụ cười như biết có thêm bạn cùng cảnh ngộ

- Còn Cậu? Lão quay sang phía người thanh niên

- Cháu cũng bệnh ấy thôi!

- Trẻ vậy mà đã bệnh này, nan giải đấy! Thôi ta cứ vào đây thử xem. May ra.

Lúc này vang lên thông báo mọi người chuẩn bị xuống bến. Người thanh niên mắt đeo kính cận yêu cầu mọi người mặc áo phao và lần lượt xuống đò. Con đò sắt sơn xanh vẫn dùng mái chèo tay, lại chỉ hàn có bốn chiếc ghế có mái che ở giữa. Lúc đầu mọi người ào lên, ai cũng muốn có ghế ngồi chứ không ai muốn ngồi ra hai mạn không có mái che. Nhưng khi nhìn thấy dòng chữ in trên mái “ Kính trên nhường dưới” thì đều lặng lẽ giãn ra. Lão thấy khó chịu vì cái kiểu thiết kế oái oăm của con đò, từ lâu chỉ biết nhún nhường mỗi cấp trên, còn dưới quyền lão thì nhiều tuổi hơn vẫn phải xun xoe nhường nhịn lão. Vậy mà ở đây không có thứ bậc, quyền uy, chỉ có kính trên nhường dưới. Lão nhìn lướt khắp lượt và biết mình chưa có cái ưu tiên kia nên tìm chỗ ngồi ra mạn thuyền. Bây giờ thì đôi mắt lão lại chăm chú nhìn xuống dòng nước rồi nhìn dọc đôi bờ. Chếch trên đầu lão vẫn có mấy đường cáp vắt qua sông. Với con mắt của một giám đốc ngành công nghiệp, lão biết đó là một tuyến cáp treo nhưng không biết nó được dùng vào việc gì. Con đò đã rời bến, tiếng sóng nước vỗ ong óc dưới mạn đò, tiếng mái chèo kẽo kẹt và con đò hơi dập dềnh theo nhịp chèo của người lái. Lão thò tay khỏa vào dòng nước. Sự xanh trong, mát lành truyền lên người lão một cảm giác dễ chịu. Lão vục nước xoa lên mặt, sự thơm tho tinh khiết của dòng nước làm lão nghĩ đến dòng sông quê nhà. Mọi người cũng thi nhau khỏa tay, vục nước lên mặt vẻ thích thú. Rồi máy ảnh, điện thoại loạch xoạch hoạt động.  Lúc này vẳng ở bờ bên vọng sang câu hát “Quá nửa đời phiêu dạt. Con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn”. Không riêng gì lão, bao khuôn mặt trên con đò đều lắng lại những cảm xúc mà có lẽ đã lâu bị lãng quên.

Chiều, vẫn nắng nhưng con đường đi trong rừng lại mát rượi bóng cây. Khác với khi sáng ai cũng phải đi dưới nắng và trong đầu chỉ có một ước ao có một bóng cây để tạm nghỉ đôi phút giữa đường. Giờ thì tán cây che kín trên đầu, người thì thấy dáng cây này rất lạ, người thấy những bông hoa rừng như hút hồn mình, người lại thấy những con chim lạ nhảy nhót trên cành mà đứng chôn chân không muốn rời đi. Người dẫn đường thông báo chiều nay lịch trình đi tản bộ trong rừng thư giãn, mọi người muốn nhìn ngắm cây cối cỏ hoa tùy thích, tối nay sẽ ngủ rừng. Nhiều người đã reo lên. Lão lại hơi thắc mắc: Đây toàn người đi chữa bệnh chứ có đi du lịch đâu. Thích đi du lịch núi thì Bà Nà Đà Nẵng, Sa Pa Lào Cai, Tam Đảo Vĩnh Phúc, Cao nguyên đá Hà Giang có cáp treo, xe đến tận nơi làm sao phải lóc cóc đi bộ chốn này cho mệt. Tuy nghĩ vậy nhưng lão vẫn tin và mong sớm gặp được ông lang Tình nên vẫn nén lòng chờ đợi.

Mọi người vẫn thích thú leo trèo, nhìn ngắm muôn điều mới lạ của núi rừng. Riêng lão nằm đu đưa trên võng vải lim dim mắt lắng nghe những âm thanh của núi. Tiếng gió lào xào trên tán lá, tiếng người cười nói vọng lan khó định rõ ở hướng nào. Tiếng róc rách của nước chảy dưới khe. Một cảm giác vừa rộn rạo vừa êm dịu khó tả trong lòng lão. Riêng cái không khí mát lành ở rừng như thấm vào từng tế bào làm giãn nở da thịt. Sự mát lành khác hẳn với cái khí mát lạnh nhưng ngột ngạt của điều hòa. Một giấc ngủ ngon lành chưa bao giờ có đối với lão trong mấy tháng vừa qua. Lão tỉnh dậy khi tiếng người ồn ào xung quanh. Đã cuối chiều, mọi người được thông báo nhận thực phẩm và cây que làm lều trại và tự nấu bữa cơm chiều. Già trẻ đàn ông xúm vào giúp nhau dựng trại, phụ nữ bắt tay vào chế biến món ăn. Một không khí tương trợ, giúp nhau, dựa vào nhau vừa vui, vừa đầm ấm. Đêm đến, cứ ba người một trại, trong ánh lửa bập bùng họ trò chuyện tâm sự với nhau. Lão lại cùng trại với ông bạn tuổi ngoài sáu mươi và cậu thanh niên ngồi cùng bàn ăn ở bến sông.

- Ông bị mất ngủ lâu chưa? Lão hỏi ông bạn cao niên

- Vài năm nay thôi!

- Vậy là về hưu mới bị, sao lại thế được nhỉ? Về hưu đầu óc phải thoáng hơn mới phải chứ!

- Đáng ra là như thế nhưng cái xưởng chế biến thực phẩm mới xây dựng trước cửa nhà tôi ồn quá. Mùi ô nhiễm lại nồng nặc suốt ngày đêm. Ngủ cũng chẳng được yên thì thoáng cái gì!

Thấy ông bạn già trả lời đi kèm với cái ngáp lão đành im lặng không bắt chuyện nữa. Lão bắt đầu miên man tự lý giải về giấc ngủ ngon lành của lão buỏi chiều. Lão lắng tai nghe cái tĩnh lặng của rừng về đêm. Không! Trong cái tĩnh lặng ấy lão nghe rất rõ những nhịp thở rì rào của cây lá. Hình như những nhịp thở ấy đang truyền năng lượng cho những con người, đang có một lời ru âm thầm lan tỏa một cách diệu kỳ. Lão đã nghe ai đó nói về các loài cây như cũng có tâm hồn, nó luôn có một mối quan hệ lặng thầm mà phải là người yêu cây lá lắm mới nhận ra điều này. Lúc này, tiếng thở của hai người một trẻ, một già đã đều đều bên cạnh.  Rồi lão cũng thiếp đi lúc nào.

Khi nghe muôn tiếng chim rộn vang bên tai lão đã tưởng mình đang mơ. Đã lâu lắm chỉ quen với ánh đèn ngủ xanh mờ và tiếng gió rất nhẹ của chiếc điều hòa trong một căn phòng cách âm với bên ngoài, sáng nay tâm trạng lão hoàn toàn khác. Tuy có đôi chút mệt mỏi do phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ nhưng đầu óc như thoáng đãng và xen những thích thú trước bao điều lạ lẫm. Những tiếng chim hót như một bản nhạc không lời, nó gợi lại những niềm vui, những mơ ước trong trẻo của những ngày thơ bé. Đến tiếng róc rách của dòng suối lão ra rửa mặt cũng gợi nhớ một điều gì gần gũi mà xa xăm trong lòng. Lão phả nước lên mặt, một cảm giác tê tê man mát khắp làn da thật dễ chịu. Xung quanh lão những tiếng xuýt xoa thích thú cũng râm ran. Có lẽ con người đều chung nhau ở những cảm nhận trước những điều thiên nhiên ban tặng. Dù ít, dù nhiều, dù già, dù trẻ, dù cho tâm hồn nhạy cảm hay đã chai lỳ với những biến cố trong cuộc sống thì nó đều gợi mở cho người ta một cảm giác êm dịu, nó đánh thức bao điều con người đã vô tâm. Lão cảm nhận được điều đó khi quan sát sắc thái của mọi người đi cùng. Chưa biết vị thuốc của thày lang đắng ngọt thế nào, mới có một ngày một đêm nhưng lão đã thấy cái đầu của mình nhẹ nhõm hơn, giấc ngủ đã đến một cách tự nhiên hơn. Lão tặc lưỡi: Biết đâu gặp thày gặp thuốc một nắm lá cỏ cũng đánh lùi một căn bệnh nan y. Lão thấy yên tâm dần.

Ngày thứ hai, sau hai tiếng đi bộ nữa trên con đường rừng thì cả đoàn được thông báo đã đến nơi điều trị. Lão và mọi người ngạc nhiên đến kinh ngạc về nơi ăn ở này. Một ngôi làng trong một thung lũng nhỏ bằng phẳng xanh tươi với muôn loài cây trái quen thuộc giữa bốn bề rừng núi. Những ngôi nhà mang dáng vẻ của kiến trúc hiện đại nhưng đều có khu vườn nhỏ, ngoài làng cũng bao bọc một hàng tre xanh, một cái ao rộng ở cổng làng lác đác nổi lên những bông hoa súng và hoa sen tím. Những con đường bê tông rộng và sạch sẽ nối liền các ngôi nhà với nhau. Hai bên đường những khóm hoa nở đủ các màu trông thật đẹp mắt. Lại một thanh niên đeo kính đọc danh sách năm người ở một nhà. Cậu ta nói với mọi người: “Tất cả mọi sinh hoạt cần thiết đã có trong ngôi nhà, mọi người hãy coi như đang sống trong ngôi nhà của mình. Hãy vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta. Hãy tích cực tìm tòi, sáng tạo và bảo vệ cho cuộc sống tốt đẹp của chúng ta”. Lão và bốn người nữa xách tư trang về ngôi nhà của mình. Lão để ý hóa ra người ta đã cố ý xắp xếp mỗi nhà có già có trẻ, có trí thức, có nông thôn, thành thị. Tóm lại với nhiều hoàn cảnh, nhiều điều kiện trong một ngôi nhà. Lão đã hơi khó chịu vì từ lâu luôn ở cái vị trí đứng trên muôn người khác, và nghĩ vậy là không khoa học, không phù hợp tâm lý cuộc sống, nhưng rồi lão phải tự nhủ: Ồ đây là nơi chữa bệnh chứ có phải đi du lịch đâu, mục đích là khỏi bệnh chứ không phải nơi thể hiện bạc tiền thứ bậc. Bước vào ngôi nhà, lão lại một lần nữa kinh ngạc trước những tiện nghi ở một thung lũng rừng núi này. Vẫn có đủ ti vi, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh, bếp từ và khu vệ sinh hiện đại. Các loại bàn ghế giường tủ đều như làm cùng loại gỗ nổi lên những vân thớ giống nhau. Lão đi một vòng quanh ngôi làng nhỏ và nhận ra rằng điện dùng ở đây toàn dùng năng lượng mặt trời. Con sông cạnh làng được tận dụng độ dốc ngăn lại chạy tuốc bin phát điện. Lão cũng nhận ra hệ thống cáp treo trên đầu núi nhưng chưa hiểu được dùng vào việc gì. Là một người am hiểu kỹ thuật và cũng đã từng giao du nước ngoài nhiều Lão cứ thắc mắc tại sao lang Tình lại có một cơ ngơi tầm cỡ về mọi mặt ở một nơi sâu thẳm này. Người thanh niên đeo kính cận trẻ chỉ nở một nụ cười thân thiện bảo lão hãy bình tâm để lắng nghe những mách bảo của tâm hồn mình mới nghiệm với phương thuốc của thày lang. Rồi có một ngày sẽ gặp được lang Tình.

Chiều ấy lão lang thang đi trong khu vườn và đắm mình với bao cảm xúc cùng những thác mắc nối chồng thắc mắc mà lão không tài nào tự mình lý giải nổi. Đến bên hàng cau, lão thấy một mùi hương cau phả xuống. Đến bên cây bưởi lại ngạt ngào một mùi hương bưởi. Rồi cây ổi, cây hồng, cây chanh, cây xoan, một thế giới của hương hoa hiện tại nhưng lại như từ sâu thẳm lòng lão tỏa ra. Đến ngay lũy tre dù không có gió thì vẫn có tiếng xào xạc của lá. Trên đường làng, trong khu vườn, ao làng, không một mẩu giấy, không một cọng rác hay đầu mẩu thuốc lá. Lão hít thở và cảm thấy như ở đây không khí trong veo và mát lành. Dòng nước suối ở đây cũng trong veo và mát lành. Lão đã hỏi, người thanh niên đeo kính cận lại cười: Ở đây đã có một hệ thống xử lý rác và nước thải triệt để. Ngay bàn ghế trong nhà cũng từ phế liệu ép nên. Mỗi loài cây trong vườn có người đến gần đều tỏa mùi hương cũng do thiết bị công nghệ được gắn trên cây ấy. Những công trình làm đẹp cuộc sống ở đây đều từ những sáng kiến đóng góp của các bệnh nhân đã điều trị ở đây và nhiều nhà khoa học bên ngoài. Chú hay bất kỳ ai cũng có thể tìm tòi đóng góp những ý tưởng tích cực của mình. Vì cuộc sống tốt đẹp của con người mà.

Lão lại thắc mắc: Bệnh của chúng tôi là phải thư giãn giải phóng cái đầu. Bảo chúng tôi tích cực tìm tòi sáng tạo hóa ra lại là giải pháp ngược à!

Người thanh niên lại cười: Một phương pháp tự chữa tích cực đấy chú ạ! Làm được một điều gì tốt đã là một phương thuốc rồi!  

Lão im lặng suy nghĩ và thấy yên tâm vì cảm thấy bất kỳ một sự xắp xếp nào ở đây đều có sự có lý. Ngay năm con người ở mọi hoàn cảnh khác nhau giờ hòa đồng trong một ngôi nhà, ngày ngày uống một loại nước nấu từ thảo dược. Không khí ấm cúng như một gia đình. Mấy chục năm tay lão không phải sờ đến cái chổi, ngọn rau giờ cũng hồ hởi tham gia quyét sân, quyét cổng, tưới những khóm hoa và yêu quí từng cái cây trong vườn.  Đêm đến những câu chuyện kể về hoàn cảnh của mọi người làm lão cũng rung động về nhiều éo le trong cuộc sống. Lão cũng như mọi người đều thấy ăn ngon hơn, giấc ngủ đến nhẹ nhàng và sâu hơn. Chỉ còn một điều, ai cũng muốn được gặp lang Tình để bày tỏ tấm lòng. Riêng lão còn để giải tỏa bao thắc mắc.

Rồi ngày về cũng đến.

Ngày thứ mười, người thanh niên đeo kính cận thông báo mời mọi người tập trung tại hội trường để có đôi điều dặn dò trước lúc các bệnh nhân ra về. Mọi người ngồi yên lặng chờ đợi. Ai cũng mong được gặp lang Tình. Lão lại càng mong đợi nhiều hơn bởi lão đang là một giám đốc của một nhà máy công nghiệp, lão đang ngạc nhiên về kiến trúc tổng thể cũng như những ý tưởng vượt trước hiện tại mà lang Tình tạo nên ở một nơi rừng núi này. Ông lang này phải có điều gì đặc biệt lắm mới hy sinh công sức để vì bao con người đến thế.

Sau khi được phát thêm cho mỗi người một túi thảo dược, người thanh niên đeo kính cận dặn dò thêm cách duy trì sức khỏe và xin lỗi mọi người vì sự vắng mặt của lang Tình, rồi chúc mọi người luôn được bình an. Khi lão bắt tay chào, người thanh niên đeo kính chúc lão bệnh tình không tái phát. Nghe câu này lão vẫn thấy lo lo trong lòng.

SÓNG CHÌM

Bà Thanh vẫn sốt đùng đùng, ông Thanh mấy lần móc điện thoại ra rồi lại bỏ vào túi. Bà em dì chạy sang thấy thế hỏi ông:

- Bác đã gọi cho chúng nó chưa? Mà hôm nay thứ bảy sao chúng nó không về à! Phải bảo chúng nó đưa chị đi khám xem sao chứ. Điện thoại ai cũng kè kè bên người mà không biết mẹ ốm là thế nào?

- Tôi đã gọi cho chúng nó lúc gần mười một giờ rồi, vừa hỏi ý nó đã bảo bận nên bà ấy không cho nói thật để chúng nó biết.

- Để em về bảo mấy đứa đưa chị đi khám. Nhà mình bao năm làm phúc cho cả làng thì được, đến việc của mình thì không dám gọi. Vậy thì mang tiếng sành điệu nhất làng về trang bị điện thoại làm gì.

Cô em dì chạy đi rồi ông Thanh mới như người sực tỉnh ra điều gì. Có lẽ dì ấy nói đúng.

                                                                     *

Nói là sành điệu cũng không sai vì cách đây hơn chục năm, nhà ông Thanh là người đầu tiên của làng Nhội có điện thoại bàn. Anh con trai làm trưởng phòng ở một sở trên tỉnh đã bỏ tiền dựng cột, mua dây kéo đến hơn cây số lắp cho nhà ông chiếc điện thoại. Chiếc hộp bằng kính to cỡ quyển sách học trò, trong úp chiếc điện thoại thò đoạn dây xoắn xoắn ra ngoài lúc ấy có sức hút với gia đình ông và mọi người trong làng một cách lạ lùng. Chiếc hộp ấy được bày trên nóc tủ ở phòng khách như một vật trang trí. Chẳng gì nó cũng làm vị thế của gia đình ông với xóm làng tăng thêm. Hàng ngày, chiếc hộp ấy được lau chùi sạch sẽ nên lúc nào trông cũng bóng tuýt bên cạnh những đồ cũ kỹ, ố vàng trên nóc tủ. Ai vào chơi nhà ông Thành chuyện trên trời dưới biển gì chăng nữa rồi vẫn quay về chiếc điện thoại bàn.. “Ôi dào! Bây giờ các anh các chị ấy tiêu hoang phí quá, kéo mỗi cái điện thoại mà mất gần chục triệu chứ có ít đâu. Nó cứ sợ bố mẹ có việc gì đột xuất ở quê lại không nhắn kịp, can cũng chẳng được”. Trách đấy mà là khoe khéo. Rồi hai ông bà cứ thay nhau quẩn quanh ở nhà trực điện thoại, chỉ sợ con cái gọi về mà không có ai nghe. Thời gian đầu, ngày nào con trai, con dâu, con gái rồi các cháu thi nhau gọi về. Lúc thì ông tay chống nạnh miệng oang oang: Vẫn khỏe. Mọi việc vẫn bình thường. Lúc thì bà mặt mày tươi tỉnh: Biết rồi. Ừ…ừ…ừ. Ai rời cái ống nghe cũng như vừa được uống liều thuốc bổ. Khí thế lắm. Vui lắm. Cứ có tiếng reng reng lại đi như chạy đến cái góc tủ, lại gật gù theo cái âm điệu của đầu dây bên kia. Bà bảo với ông: Bây giờ sướng nhẩy, tích tắc đã chuyện trò cùng con cháu ở tận đâu đâu. Bà khoái nhất là nói chuyện với thằng cu tí, cháu đích tôn của bà. Giọng nó líu lô trong veo như chim hót. Cứ nghe nó gọi bà nội ơi trong máy bà đã thấy giãn nở ruột gan, có lúc còn rơm rớm nước mắt.

Tiếng reng reng ấy thưa dần, chỉ đến cuối tuần chuông mới đổ. Thời lượng của những cuộc nói chuyện cũng ngắn dần. “Sao? Bận không về được hả? Tuần tới cho chúng nó về nhá! Có mấy nải chuối chin quá mất rồi” “Sao? Lại bận rồi à! Ừ…ừ”. Buông máy. Lúc thì ông, lúc thì bà nét mặt buồn rười rượi.

Giờ đến niềm vui xóm làng. Con cái xóm giềng ở xa điện về, lúc nhắn việc này, lúc nhờ gọi hộ bố mẹ sang nghe máy. Ông bà Thanh thi thoảng phải chạy đi, chạy lại nhưng nét mặt vẫn tươi rói, coi đấy là niềm tự hào, là niềm vui vì mình vẫn hơn người.

Mấy năm sau, làng thêm nhiều nhà mắc điện thoại thì chiếc điện thoại trên nóc tủ nhà ông Thanh không còn giá trị như một vật trang trí nữa. Nhưng vẫn đều đặn cuối tuần đều có một cuộc gọi của con cái gọi về. Tiếng chuông réo không còn làm ríu đôi chân của ông bà Thanh như những năm đầu. Chiếc hộp kính đựng điện thoại đã ố mờ giờ được đẩy vào sát góc tường như một thời oanh liệt đã qua.

Lại mấy năm sau nữa thì ông Thanh được trang bị chiếc điện thoại di động nặng trịch của con trai thải ra . Đi đâu ông phải cho vào túi xách chứ đút túi không vừa. Thanh niên nó cứ đùa ông mang theo cục gạch. Ấy vậy mà ông vẫn là người đầu tiên dùng di động ở làng. Lúc mới dùng, khi chuông kêu ông cầm điện thoại thật chặt, lại đúng nút tắt, thế là hết chuyển tai này sang tai kia mà chẳng nghe được câu nào. Vừa thả vào túi xách chuông lại réo reng reng, lại vẫn cầm vào nút ấy. Lần này ông chửi: Gọi mà không nói gì ông cóc thèm nghe nữa. Anh con trai về tìm ra nguyên nhân trục trặc cuộc gọi, lại hướng dẫn ông cặn kẽ. Giữa cuộc họp làng, ông lôi máy ra gọi cho con, gọi xong quên béng bấm kết thúc, bỏ tọt máy vào túi, mấy trăm tiền thẻ con trai nạp cho thế là đi tong. Bà biết chuyện xót quá kêu cái điện thoại của ông là cái máy xay tiền. Khi con gái thải chiếc nokia đời cũ cho bố thì ông lại đẩy cái cục gạch cho bà. Bà bảo bà ỉa thèm vào dùng di động. Vậy rồi mỗi lần nó réo reng reng lại vẫn phải nghe, lâu dần nghiễm nhiên bà sở hữu đồ cổ trong nhà. Ông Thanh vẫn nhớ con gái cho ông chiếc điện thoại thứ ba khi nâng đời loại mới, nó bảo ông:

- Bố ơi! Bố bỏ chiếc điện thoại cũ đi nhé! Con cho bố chiếc điện thoại này hiện đại hơn. Chụp ảnh này, quay phim này, xem internet này, nghe đài này, còn nhiều tính năng khác nữa. Nhưng thôi! Bố chẳng cần biết thêm làm gì. Màn hình cảm ứng, bố phải mở thế này, tìm danh bạ đây, chụp ảnh đây, xem internet đây…

 Con gái nói một tràng, ông Thanh nghe ù cả tai, chỉ nhìn thấy ngón tay nó gạt gạt, chấm chấm vào màn hình điện thoại làm mẫu. Ông chả nhớ được những gì nó dặn, cứ ừ bừa rồi cầm lấy cất vào tủ. “Tao chỉ cần nghe rõ tiếng thôi! Ảnh với iếc cái gì. Chụp cái đít con trâu à! Tự sướng để khoe cái mồm móm à. Mà để cho ai xem cơ chứ” Ông nghĩ trong bụng  như vậy. Đây là chiếc điện thoại xịn con gái út cho ông khi nó nâng cấp điện thoại mới. Con bé học đại học ra, xin việc ngoài phố. Chả biết lương bổng thế nào mà giầy dép, quần áo còn mới đã thải ra một đống. Điện thoại còn dùng tốt cũng thay. Bà nhà ông luôn mồm kêu ca con cái ngạ của rồi chọn lại những đôi giầy, đôi dép cho mình. Nhiều lúc tiếc rẻ bà còn mặc lại cả những chiếc áo không hợp tuổi già, ông nhìn thấy cũng phải bật cười. Còn ông, cứ lĩnh điện thoại cũ của nó mà dùng chẳng bao giờ phải mua sắm. Nó cho thì ông cầm chứ nghĩ đã dùng làm gì, vuốt vuốt, chấm chấm cho phức tạp.

Mấy tháng sau ông đã mày mò dùng thành thạo chiếc điện thoại con gái cho, lại còn có nickname nó cài đặt cho, hàng ngày lướt facebook trên mạng cơ chứ. Đúng là thời đại @, người nông dân làng ông bây giờ đi làm đồng cũng có điện thoại ở túi. Internet đã có ở nhiều nhà. Khá giả thì điện thoại xịn, nghèo thì điện thoại cũ, chỉ bằng một bữa đi ăn cỗ làng là có điện thoại đút túi, nói tốt, nghe tốt, chuông réo reng reng chứ đắt đỏ như trước nữa đâu.

Gia đình ông Thanh giờ mỗi người một điện thoại, cái hãnh diện với xóm làng cũng không còn. Cái nếp liên lạc trong gia đình cũng không tồn tại. Trước kia, cứ thứ sáu là các con ông gọi điện về. Đứa nào về hay không về được cuối tuần đều cho ông bà biết trước. Các cháu khi còn bé thích về lắm, thậm chí dịp hè bố mẹ chúng  còn gửi ông bà cả tháng. Đứa nào cũng chỉ chờ cuối tuần để được về chạy nhảy tung tăng trong sân vườn, ra ngoài cánh đồng hái hoa đuổi bướm. Lần nào trong điện thoại tiếng thằng cu tũn cũng lanh lảnh: “Ông ơi! Mai thứ bảy cháu lại được về chơi rồi. Ổi chín chưa ông, để mai cháu về bứt nhé!” “Chín trắng cả rồi, không về mau nó rụng hết lấy đâu mà bứt, chỉ còn lá thôi”. Hai ông cháu cứ hẹn hò nhau rồi hôm sau líu rúi ngoài vườn chán lại dẫn nhau ra đồi chơi đến bữa không thèm về. Lớn lên chúng phải chúi đầu vào chuyện học, tuần nào cũng thấy bảo phải học thêm không về được. Bố mẹ chúng cũng lâu lâu mới a lô về xem ông bà có khỏe không, lần nào cũng thấy kêu bận lắm. Bà Thanh luôn miệng than vãn: Khổ! Chúng nó ngoài ấy vất vả lắm, già bận việc già, trẻ lo việc trẻ, chẳng thư thả như ở nông thôn đâu. Giành được miếng ăn với thiên hạ đâu phải dễ”. Lúc thì mớ đỗ sạch bà gửi ra, lúc nuôi được con gà quả trứng cũng để dành a lô đợi con về lấy. Thằng cu tũn giờ lớn vống lên. Thi thoảng về chơi với ông bà nó không vồn vã bám ống quần ông như xưa nữa. Nó cũng chẳng thích ra đồi ra suối như khi còn bé, lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại. Ông bà hỏi gì nó trả lời cái đấy. Mồm nói mà cái đầu nó để tận đâu đâu. Đến bữa ăn có khi nó vẫn còn ngó sang điện thoại để ngay bên cạnh. Các cháu càng lớn thì những cuộc về chơi với ông bà càng thưa dần. Được cái ai cũng có điện thoại ở túi nên đều cảm thấy yên tâm.  Nhiều lần bà loẹt xoẹt nóng sốt thì ông nghe máy, ông ốm thì lại ra hiệu cho bà. Phải ra tận sân để nhỡ người ốm có ho hắng con cái nó không nghe tiếng “Bố mẹ vẫn khỏe, các con cứ yên tâm, có sao bố mẹ khác gọi lên. Có điện thoại còn lo lắng cái gì. Thế nhé!”. Tắt máy xong thì vội vã đi tìm lá để đun nước xông, để đánh cảm đánh gió.

                                                                 *

 Lần này bà ốm liệt giường mấy hôm mà ông bà vẫn giấu các con không cho chúng biết. Bà thều thào bảo ông:

- Tôi mỏi qua loa vài ngày lại khỏi thôi! Đừng cho chúng nó biết làm gì. Lại phải lục tục kéo nhau về khổ thân chúng nó. Bây giờ đứa nào cũng một núi việc trên đầu.

- Ừ. Cứ từ từ xem đã.

 Mồm thì ừ vậy nhưng lòng ông rất lo, ông cũng muốn a lô cho con về đưa bà đi khám nhưng thấy con rất bận, ông đành nói dối các con mẹ vẫn khỏe để các con yên tâm.

- Tôi bắt con gà nấu cháo bà ăn nhé!

- Tôi đắng miệng lắm chẳng muốn ăn đâu, mà để dành cho chúng nó về có miếng gà sạch mà ăn. Ổi chín trắng, rụng đầy vườn mà thằng cu tũn vẫn phải học hành tối mặt tối mũi chẳng về được. Thế có khổ cho cháu tôi không?

Bà bảo ông vậy rồi run rẩy cố nuốt viên thuốc ông đưa rồi nằm xuống, người vẫn sốt bừng bừng. Ông nhìn đồng hồ đã gần mười một giờ, thoáng chút phân vân rồi ông vẫn cầm điện thoại lên bấm số.

- A lô! Hôm nay thứ bảy mà không về được hả con? À! Bận việc à! Thôi! Không có việc gì đâu! Bố mẹ vẫn khỏe!

Ông vẫn cầm điện thoại trên tay, nét mặt chứa nhiều lo lắng.

                                                                     *

 Ở một nơi cách thành phố ba chục cây số, chiếc xe bốn chỗ màu đỏ vẫn êm ái lướt trên con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn, lúc hai bên là cánh đồng lúa chín vàng, lúc là những cánh rừng nguyên sinh xanh biếc muôn loài cây lá. Trong xe có ba người. Người phụ nữ có mái tóc uốn xoăn, trang điểm kỹ càng, đeo chiếc kính râm luôn chăm chú vào chiếc điện thoại cầm tay. Cậu bé khoảng mười bốn, mười lăm ngồi ở ghế trên luôn quay người sang hai bên ngó nghiêng. Có lúc cậu ta đập tay vào người lái bảo dừng xe để cậu ta chụp vài kiểu ảnh. Người cầm lái tuổi đã ngoài bốn mươi, anh ta chăm chú lái xe nhưng thi thoảng cũng bình luận với người phụ nữ về cảnh đẹp chỗ này chỗ kia họ đã từng đi qua. Rồi các món ăn họ đã từng thưởng thức ở chỗ này chỗ khác. Họ đang có một ngày đi nghỉ cuối tuần cho cả gia đình như bao lần cuối tuần họ đã được tận hưởng.

Xe rẽ vào khu nhà vườn sinh thái Hoàng Công. Vừa vào đến cổng, xe đã dừng lại để người phụ nữ và cậu con trai xuống xe. Cả hai điện thoại cầm tay ra sức chụp các bức ảnh quang cảnh. Người đàn ông sau khi gửi xe vào bãi cũng kè kè chiếc điện thoại trên tay. Ba người tung tăng khắp khu ao hồ, vườn đồi sinh thái lúc quay hình, lúc chụp ảnh. Buổi trưa, khi đó gần mười một giờ, họ đang thưởng thức món gà đồi, cá ao thì điện thoại của người đàn ông đổ chuông. Anh ta cầm điện thoại lên: A lô! Bố đấy ạ! Con vẫn đang có việc bận không về được. Mẹ vẫn khỏe chứ ạ! Vâng! Tuần tới con về. Sau khi nghe xong, anh ta băn khoăn:

-  Sao hôm nay ông lại chủ động gọi cho mình nhỉ? Hay là bà ốm?

 Người phụ nữ giọng hơi gắt gỏng:

- Ô hay, ông vừa bảo bà vẫn khỏe xong, chẳng lẽ ông lại nói dối mình. Bây giờ sóng điện thoại phủ đến mọi nơi, anh cứ lo vớ vẩn.

Ba người họ lại cụng ly. Điện thoại lại loe lóe tự sướng./.

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy