Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:17 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

 Giấc mơ hoa hồng

Ngày chị lên xe hoa, không ai bảo chị tốt số vì lấy được chồng vừa phong độ và thành đạt mà người ta khen chị khéo chọn chồng. Nói vậy là bởi chị không xinh nhất thì cũng xinh nhì khoa ngữ văn ngày ấy. Sự tinh tế trong tâm hồn chị thấm đẫm trong từng trang viết. Chả thế mà kết thúc 4 năm đại học chị nhận được không ít giải thưởng như cây bút trẻ, nữ sinh tài năng… Mà người ta ngưỡng mộ chị không phải chỉ có vậy. Ba mẹ chị mất khi chị chưa đầy 3 tháng tuổi, một phụ nữ đơn thân đưa chị về Đà Lạt nuôi, nhưng không may căn bệnh quái ác đã cướp bà đi khi chị vừa bỡ ngỡ đặt chân vào cổng trường cấp 3. Một mình vừa phải đi học, vừa làm gia sư lấy tiền trang trải cuộc sống nhưng thành tích học tập của chị luôn khiến bạn bè nể phục. Thầy cô, hàng xóm ai cũng yêu mến tính tình dịu hiền,biết kính trên nhường dưới của chị.

Tốt nghiệp đại học, chị xin làm việc tại một nhà xuất bản để thỏa đam mê đọc và viết của mình. Những biến cố thăng trầm trong cuộc sống không làm cho tâm hồn chị chai cứng mà ngược lại, nó luôn đầy ắp cái nhìn cảm thông trước thế thái nhân tình. Chị trở thành biên kịch trẻ được nhiều  nhà sản xuất phim “để mắt” tới. Còn anh sớm thành đạt khi được tiếp quản cơ ngơi do bố mẹ để lại. Ba mươi lăm tuổi, sản nghiệp của anh là công ty xuất nhập khẩu với hàng trăm lao động. Choáng ngợp trước vẻ đẹp dịu dàng của chị, anh kiên trì “trồng si” đằng đẵng 3 năm trước khi cưới được chị về làm vợ.

Sau đám cưới, chị vẫn làm việc tại nhà xuất bản, công việc làm ăn của anh cũng lên như diều gặp gió khi mở rộng được thị trường. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đón chào thành viên mới. Một bé trai kháu khỉnh với khuôn miệng, đôi mắt, vầng trán như bản sao của anh. Chị dành toàn bộ thời gian chăm con cũng là để khỏa lấp đi nỗi buồn vì công việc cuốn anh vắng nhà ngày một nhiều hơn. Hôm ấy biết anh về, tranh thủ lúc con ngủ chị đã nấu rất nhiều món ăn mà anh thích. Buổi tối, nằm gối đầu trên cánh tay rắn chắc của chồng, chị thủ thỉ.

- Nhiều khi em thấy mình giống hòn vọng phu quá. Nếu có thể thu xếp, anh hãy dành thời gian về nhà với em và con nhiều hơn được không.

Cứ ngỡ anh sẽ an ủi, vỗ về chị, nhưng ngược lại, giọng anh bực dọc

 - Lắm chuyện, viết với lách cho nhiều vào rồi ở đó mà liên với tưởng.

Sống mũi chị cay xè. Ra ngoài anh luôn được người khác ngưỡng mộ vì tài ăn nói. Thế nên, câu nói ấy chẳng khác vào sát muối vào lòng chị. Chị im lặng, cánh tay đang ôm ngang bụng chồng bỗng nhiên như đuối sức lỏng dần. Vừa lật người quay lưng lại vợ anh vừa lầm bầm.

- Có mỗi việc ở nhà trông con, chồng mang tiền về đưa tận mặt còn đòi hỏi gì nữa.

Nhà xuất bản tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập, buổi sáng tiện đường đi làm, anh đưa chị đến cơ quan. Tiệc vừa tan, chị liền lấy điện thoại gọi cho anh.

- Chồng ơi, em xong việc rồi, chồng qua đón em nhé.

- Anh đang có việc bên ngoài, em tự gọi xe về đi. Tút.tút…

Đến tận bây giờ, chị vẫn không thể nào quen được với cách xử sự lỗ mãng của người khác dành cho mình, nhất là từ người chị yêu. Trước khi cưới, một lần chị gọi điện, anh nói vài câu rồi tắt máy cái “bụp”. Một cảm giác hụt hẫng xâm chiếm tâm hồn chị. Tối hôm đó anh đến, bên cạnh giàn hoa hồng leo thơm ngát, giọng chị nhẹ nhưng buồn như gió thoảng.

- Anh ạ, em nghĩ từng cử chỉ, lời nói dành cho nhau trong cuộc sống có thể giúp tình yêu thêm sâu nặng, bền chặt hoặc là ngược lại. Có thể việc tắt điện mà thoại không một lời chào anh thấy bình thường nhưng em thì lại không, cảm thấy lạnh lùng lắm. Nếu vậy lần sau mình đừng liên lạc với nhau nữa.

Cuống quýt cầm tay chị, giọng anh đầy hối lỗi:

- Anh hứa anh sẽ thay đổi, sẽ không làm em buồn vì sự vô tâm của anh nữa. Đừng giận anh em nhé.

Cũng buổi tối hôm đó, chị và anh đã ngồi bên nhau thật lâu. Anh hiểu, thứ chị cần không phải là sự giàu sang, hào nhoáng, chị chỉ mong tìm được một vòng tay đủ ấm để chị nép vào. Trong các tác phẩm chị viết anh cảm nhận được mùi thơm dìu dịu của giàn hoa hồng bao quanh ngôi nhà của chị. Anh đã tự hứa với lòng, nhất định sẽ hiện thực giấc mơ hoa hồng của cô gái tinh khôi mà anh may mắn tìm được trong cuộc đời mình.

***

Mới đó thôi mà anh đã quên rồi. Cất chiếc điện thoại vào túi xách, chị không gọi xe ngay mà vòng qua con phố có hàng me sừng sững hai bên đường. Ngày mới cưới, anh thường đưa chị đi dạo trên con đường này để chị vơi đi nỗi nhớ Đà Lạt. Đường hôm nay xao xác lá. Chị không lý giải được tại sao khi tình yêu chị dành cho anh vẫn nồng đượm như ngày hai người quyết định về sống chung một nhà, mà tình yêu anh dành cho chị đã có phần phai nhạt. Sinh con xong, anh muốn chị ở nhà chăm con cho cứng cáp. Chị xin nghỉ không lương để anh yên tâm đi làm. Con tròn 2 tuổi, anh vẫn không muốn chị quay lại nhà xuất bản với lý do công việc đó khiến chị hao nhiều tâm sức. Chị chiều ý anh, nhưng cũng không từ bỏ đam mê của mình. Dù chưa trở lại cơ quan, chị vẫn tranh thủ thời gian để viết. Đó cũng là cách giúp chị khỏa lấp nỗi buồn khi anh vắng nhà. Dòng suy nghĩ cứ miên man tiếp nối, chị cũng không biết mình đã đi được bao xa. Tiếng ai gọi tên chị kéo chị ra khỏi dòng suy tưởng. Hướng mắt về quán cà phê bên đường, chồng chị đang ngồi chuyện trò rôm rả cùng mấy người bạn. Chị miễn cưỡng bước vào chào hỏi mọi người rồi xin phép về trước với con. Người ban nãy gọi tên chị lên tiếng.

- Giải tán đi các ông, bà. Cắm rễ ở đây được 3 tiếng rồi đấy.

Phản xạ tự nhiên chị khoác tay anh cùng ra bãi đỗ xe. Bỗng chị “á” một tiếng, gương mặt nhăn nhó vì đau. Chị cúi xuống nhặt viên sỏi ra khỏi giày, anh ung dung đi trước trong sự ngỡ ngàng của chị.

- Nửa đêm, cu Bin sốt cao lên cơn co giật, chị vừa gọi taxi đưa con vào viện vừa gọi điện báo tin cho anh. Sáng hôm  sau, khi chị đang dỗ con ăn cháo anh mới đến. Hỏi han tình hình của con vài câu, anh đưa chị một xấp tiền.

- Em cầm lấy lo cho con, em cũng mua đồ ngon mà ăn lấy sức chăm con. Mọi việc ở đây em cứ chủ động.

- Bác sĩ bảo con phải phẫu thuật, anh không thể nghỉ một buổi ở đây với con với em sao?

Anh lẳng xấp tiền chị chưa cầm xuống giường nơi cu Bin đang ngồi giọng tỉnh khô.

-  Hai người ở đây cũng không giải quyết được gì. Tiền sẵn em muốn yêu cầu gì bác sĩ mà chẳng được.

Nén nuốt nước mắt chảy ngược vào trong, con ngủ, chị ra cửa ngồi hít thở lấy lại tinh thần. Câu chuyện của vợ chồng ngồi ghế bên cạnh lọt vào tai chị.

- Anh về tranh thủ nghỉ cho lại sức, em ở đây với con được rồi.

- Em với con ở đây làm sao anh về mà ngủ được. Dựa vào vai anh chợp mắt chút đi, con dạy em còn phải cho con ăn. Lạnh lắm không, lát anh ra cổng mua cho em đôi tất đi tạm cho ấm chân.

          Vô tình nhìn xuống chị bắt gặp 2 đôi dép tổ ông đã cũ mèm, các móng chân nhuốm màu nhựa cây và vôi vữa. Bàn tay đen đúa của người chồng đang cố dang rộng hết mức để bao chọn đôi tay gầy guộc của vợ.

 Nước mắt chị lăn dài. Điện thoại rung, là anh gọi.

- Con thế nào rồi?

- Con đỡ rồi anh ạ, bác sĩ bảo mai được ra viện.

- Ừ, chiều mai anh về nhà. Em về chuẩn bị cho anh mâm cơm, tối mai bạn anh đến chơi thăm nhà.

- Vâng.

- Hai mẹ con ngủ sớm đi. Tút.tút..

Một tay bế con, một tay cầm giấy tờ xếp hàng chờ làm thủ tục xuất viện. Đứng trước chị là đôi vợ chồng tối qua ngồi ghế kế bên. Anh chồng một tay bế con, một tay nắm tay vợ. Chốc chốc họ lại nhìn nhau rồi nhìn con mỉm cười. Anh chồng ghé vào tai vợ nói nhỏ:

- Em thức mấy đêm mệt rồi, tý về nhà 2 mẹ con cứ đi ngủ nhé. Cơm tối nay bố phụ trách. Hôm nay bố vừa được ông chủ trả lương, đưa hai mẹ con về nhà xong bố sẽ đi chợ.

- Tháng này anh nghỉ làm ở viện với em trông con mấy ngày chắc bị trừ lương nhiều, anh mua gì đơn giản thôi đừng lãng phí nhé.

          - Vợ yên tâm, con ốm nên ông chủ cho anh hưởng nguyên lương 4,5 triệu không thiếu nghìn nào.

Điện thoại rung, hai mẹ con về chưa?

- Em vừa làm thủ tục xong, anh ra đón em và con được không?

- Gọi taxi 10 phút về đến nhà, anh vòng ra làm gì. À, tối có thể anh sẽ mời khách ăn ở ngoài, khuya anh mới về, em không phải chuẩn bị cơm tối nữa.

- Vâng.

- Chị vẫy một chiếc taxi, yêu cầu: Cho tôi ra bến xe đi Đà Lạt

Siết chặt con vào lòng, chị lau dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Ngôi nhà nhỏ ấm áp tình thương của mẹ, được bao quanh là hàng rào bằng hoa hồng leo vẫn đang chờ đón chị. Chị sẽ quay trở lại với công việc và kịch bản tiếp theo chị sẽ viết có tựa đề “Tình yêu không tự sống”.

 

Hương Quỳnh

Nhà nó ở trong xóm vắng, hầu hết các gia đình trong xóm đều là bà con người dân tộc Tày. Quãng đường từ nhà nó xuống trung tâm thành phố dễ đến 30 cây số nên ngày nhận kết quả thi đỗ vào lớp 10 trường chuyên của tỉnh cũng là ngày nó bắt đầu tập làm quen với cuộc sống tự lập. Hôm nó xuống trường nhập học, mọi người ai cũng dặn dò nó đi phải học cho tốt, mong nó xứng đáng với niềm hy vọng của mọi người vì cả xóm có mình nó đỗ vào trường này mà thôi. Chỉ có chị gái nó là không nói gì. Từ sáng đến giờ chị cặm cụi cơm nước, dọn dẹp và kiểm tra đồ đạc cho nó xem còn thiếu gì không.

Bố nó đã dắt chiếc xe 82 được rửa sạch bóng ra ngoài sân rồi giục nó đi nhanh kẻo muộn. Nó sách cái ba lô nhét đầy quần áo, chào mọi người để lên đường. Chị đứng ở dưới bếp gọi nó xuống rồi nhét vào tay nó tờ 50 nghìn mới coóng và dặn: “Xuống đấy không được thức khuya và nhớ phải ăn đủ bữa Cò nhớ chưa”. Ở nhà mọi người vẫn gọi nó là Cò từ bé. Nó cười tít mắt: “Chỉ mỗi chị là không dặn em phải học nhiều thôi đấy” rồi chạy vù ra xe.

Lớp mới, nơi ở mới. Những ngày đầu nó cảm thấy bỡ ngỡ và nhớ nhà kinh khủng. Nó ở chung phòng với 2 thằng bạn cùng lớp nữa. Mỗi buổi đi học về cả 3 lại chụm đầu vào sì sụp nấu cơm. Tất cả các món cơm, canh, thức ăn đều được chúng nó cho vào nồi cơm điện chế biến cả. Cứ cắm cơm chín vét ra lại tiếp tục cho rau vào luộc nhân tiện bỏ thêm mấy quả trứng vào thế là xong bữa. Nó nhớ và thèm những bữa cơm ở nhà. Mỗi lần được nghỉ, về nhà chị nó lại nấu những món ăn nó thích và bắt nó phải ăn thật nhiều. Chị cũng hay viết thư cho nó. Nét chữ nguệch ngoạc của người mới chỉ được học đến lớp 5, dù nó biết chị đã cố nắn nót làm nó cảm thấy ấm lòng và vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Tháng 7 trời mưa không dứt, 2 thằng bạn nó càu nhàu: “Mưa gì mà lắm thế không biết”. Nó giở giọng ông cụ non: “Ông Ngâu, bà Ngâu cả năm mới được gặp nhau có một lần mà”. Thằng bạn nó đề nghị:

- Mưa nhiều quần áo ướt hết lấy gì mà mặc đi học bây giờ, chẳng nhẽ mặc quần soóc lên lớp, hay hôm nay ở nhà sang quán bên kia đường đánh điện tử đi.

Nó lưỡng lự nhưng rồi cũng chạy theo bạn. Thế giới ảo của những trò chơi đã thực sự mê hoặc nó. Nó nghỉ học nhiều hơn. Số tiền bố mẹ cho giờ bị chia thêm một phần nữa dành cho điện tử. Những bữa ăn vốn đã đơn giản ngày càng đơn giản hơn. Cả 3 thằng nó nhiều hôm chỉ ăn mỳ tôm qua bữa thậm chí nó nhịn đói. Trưa hôm ấy chạy từ quán điện tử về tới xóm trọ nó đã nhìn thấy chị nó đứng đợi ở đó. Chị đội nón, quàng áo mưa nhưng vẫn ướt lướt thướt. Nó ngây ngô hỏi: “Chị xuống đây làm gì?”. Vừa cởi mảnh áo mưa chị nó vừa nói:

- Thấy trời mưa nhiều chị bảo với bố mẹ để chị mang tiền sinh hoạt tháng sau xuống cho em, em khỏi phải đi về đỡ khổ.

Giờ nó mới nhìn kỹ, môi chị nó đã tái đi vì lạnh, vài lọn tóc bị nước mưa làm bết lại loà xoà rơi xuống mặt. Nó tự nhủ chắc chị đứng chờ mình lâu lắm rồi! Nó bảo chị ngồi nhưng chị lắc đầu:

- Chị ngồi sẽ làm ướt hết giường của em. Chị đứng không sao đâu. Nó nhìn quanh, đúng là trong phòng nó chẳng có một chiếc ghế nào. Bất giác nó cảm thấy trong lòng nhoi nhói. Nó hình dung ra việc chị nó phải đạp xe 30 cây số trong trời mưa gió để xuống với nó. Vậy mà khi chị đến nơi, vì mải chơi nó lại để chị đứng ngoài dầm mưa chờ mình.

Tiếng chị xuýt xoa kéo nó ra khỏi dòng suy nghĩ trở về với thực tại:

- Khổ thân Cò, chắc lại thức khuya học nhiều quá nên mới xanh thế này. Nhìn em như này, chị lo lắm. Chị rút trong túi ra đưa cho nó một gói nhỏ được bọc kín trong cái túi nilong màu xanh nhạt:

- Đây là tiền bố mẹ gửi cho em. Còn đây em cầm thêm lấy.

Nhìn xuống tay, nó thấy mấy tờ tiền loại 10 nghìn đồng đã bị ướt mèm.

- Chị không có nhiều, chỉ có mấy đồng này em cầm lấy mua thêm cái gì mà ăn nhé, đừng tiết kiệm quá kẻo ốm ra lại khổ.

Tự nhiên nó thấy sống mũi cay xè. Nó thấy xấu hổ với chị quá. Lúc chị dắt chiếc xe đạp cũ kỹ ra khỏi cổng cũng là lúc nó tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ bỏ học nữa.

Nó học hành chăm hơn và luôn đứng ở vị trí là người xuất sắc nhất trong lớp. Lần lượt nó đạt các giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh rồi cấp Quốc gia. Mỗi lần như thế, nó thấy trong mắt chị ánh lên niềm vui như muốn nói: “Cò của chị giỏi quá!”.

Năm học lớp 12 nghe tin chị sắp lấy chồng, nó đã trốn vào một góc và khóc nức nở. Nó không biết tại sao mình lại khóc. Đám cưới chị, nó lầm lũi, không nói không rằng, chỉ lẳng lặng nhìn chị nó mặc áo cô dâu về nhà chồng. Những lần sau đó về nhà, nhớ chị nó lại ra chỗ có chậu hoa quỳnh trước nhà. Chị nó vẫn thường bảo chị thích hoa quỳnh vì hoa quỳnh đẹp nhưng khiêm nhường chỉ nở vào ban đêm khi mọi thứ đều đã chìm vào giấc ngủ. Với nó, chị như bông Quỳnh đẹp nhất, ngát hương nhưng lặng lẽ.

Nó vào đại học, chị vẫn thường xuyên viết thư cho nó. Chị bảo nó:

- Cò cố học sau này về dạy cháu cho chị chứ chị học ít không dạy được.

Nó thương chị quá! Vì gia đình không có điều kiện nên chị phải nghỉ học sớm để đỡ đần bố mẹ lo cho nó. Kỳ nghỉ hè của năm thứ 2 đại học cũng là thời điểm chị nó sinh em bé. Nhìn thấy mẹ sốt ruột chạy ra chạy vào, chị nó thì đau đớn vật vã, nó thương chị nhưng không biết làm gì. Cả đêm ấy nó ngồi trên chiếc ghế đá bên ngoài bệnh viện. Trời vừa sáng, nó đang lơ ngơ sau một đêm thức trắng, tiếng cô y tá làm nó bật dật như một chiếc lò xo:

- Sinh rồi, là con gái.

Gương mặt chị nó phờ phạc, nhễ nhại mồ hôi nhưng nó thấy trong mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc thật khó tả. Mẹ bế cháu đến bên chị, nó cầm tay chị và hỏi:

- Chị có đau lắm không? Chị lắc đầu, mỉm cười, giọng yếu ớt:

- Em đặt tên cho cháu nhé.

Cổ họng nó nghẹn lại, gật gật đầu. Nó mong cháu gái lớn lên sẽ giống chị. Trong đầu nó chợt lóe lên suy nghĩ. Đúng rồi! Tên cháu nó sẽ là Hương Quỳnh./.

Kẻ vô hình

Vừa cho nốt tập tài liệu vào túi, Hà toan đứng dậy thì Đông, chồng cô bước vào.

Đông đặt tờ giấy và chiếc bút xuống trước mặt cô, trông anh phờ phạc, hình như cả đêm qua Đông không ngủ. Hà liếc nhìn tờ giấy, không chút biểu cảm trên khuôn mặt, nhưng dường như vừa có một luồng khí lạnh xuyên vào lồng ngực Hà. Đơn xin ly hôn. Dù biết rồi ngày này sớm muộn cũng phải đến nhưng chính cô cũng không ngờ rằng tâm trí cô lại phản ứng mạnh đến thế khi nhìn thấy nó.

Đông lên tiếng: - Giải thoát cho nhau đi. Sau giây phút như chết lặng, Hà cầm bút ký vào tờ đơn rồi xách cặp bước nhanh ra khỏi cửa. Cô không muốn bất kỳ ai, kể cả Đông nhìn thấy những giọt nước mắt của mình.

Sống với nhau 7 năm, hàng xóm chưa khi nào nghe vợ chồng Hà to tiếng. Cuộc sống của hai vợ chồng cô là niềm mong ước của biết bao người. Hà làm trợ lý cho Giám đốc một công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử, còn Đông là phó phòng của Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Dù bận rộn với công việc, nhưng tổ ấm của hai người chưa khi nào vắng tiếng cười. Nhưng rồi cô nhận ra có cái gì đó khang khác đang diễn ra trong ngôi nhà của mình. Đông vẫn đi làm về đúng giờ, phụ cô việc nhà nhưng không còn chia sẻ với cô nhiều như trước. Vài lần Hà có hỏi nhưng anh đều gạt đi, bảo cô nghĩ lung tung. Hà cảm thấy có một khoảng cách vô hình nào đó đang dần hình thành giữa hai vợ chồng.

*  *  *

Chiều hôm ấy, Hà xin về sớm, đi chợ, chuẩn bị bữa ăn tối thịnh soạn, toàn những món ăn Đông thích. Nhìn mâm cơm được bài trí đẹp mắt, bên cạnh lọ hoa cẩm chướng rực đỏ, loài hoa mà Đông thích là gói quà cô đã kỳ công lựa chọn cho chồng, Hà khẽ mỉm cười hài lòng... Tối nay là sinh nhật Đông.

Đồng hồ đã chỉ 19 giờ mà Đông vẫn chưa về. Cô gọi điện, đầu bên kia Đông bắt máy:   - A lô!

- Có việc gì đột xuất không anh? Sao muộn rồi anh còn chưa về?

- Đang ngồi uống bia. Giọng Đông hờ hững.

Hà có cảm giác nghèn nghẹn trong cổ, cô nhỏ nhẹ:  - Hôm nay sinh nhật anh, em đã chuẩn bị bữa tối, anh về ăn cơm.

Đông sẵng giọng: - Bày vẽ, trẻ con nữa đâu mà sinh nhật, sinh nhẽo.

Tiếng tút... tút… kéo dài, lúc này Hà không còn kìm nén được cảm xúc nữa, nước mắt lã chã rơi ướt nhoẹt gương mặt chỉ vài phút trước đó thôi còn đang rạng ngời hạnh phúc.

Cuộc sống vợ chồng Hà vẫn trôi đi với những công việc thường nhật, có điều cả hai càng ngày càng ít nói chuyện với nhau, hãn hữu lắm hai người mới trao đổi vài câu liên quan đến bé Na. Dần dà, số buổi Đông về trễ ngày một nhiều hơn, anh cũng luôn trong trạng thái thở dài, mệt mỏi hoặc sực lên mùi bia rượu. Hà cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương, nhưng cô cũng luôn canh cánh nỗi lo lỡ chồng mình đang gặp khó khăn.

Hai tháng sau sinh nhật Đông là đến kỷ niệm ngày cưới của hai người. Bữa tối, Hà có nấu nhiều món hơn mọi ngày, nhưng Đông không có vẻ gì nhớ hôm ấy là ngày kỷ niệm. Hà cũng không nói. Sau bữa ăn, cô ra ngồi trên sofa cạnh Đông lựa lời: - Em không biết chuyện gì đang xảy ra giữa hai vợ chồng mình. Nếu anh gặp khó khăn gì hay có điều gì khiến anh phải suy nghĩ, em rất mong có thể san sẻ cùng anh…

Cô chưa dứt lời Đông đã sẵng giọng: -Tôi không có gì muốn chia hay sẻ với cô hết.

Từ hôm đó, hai vợ chồng cô không ai nói với ai câu nào nữa.

*  *  *

Hà đờ đẫn rút điện thoại trong túi áo gọi cho Nguyên, cô bạn thân nhất của mình, giọng run rẩy:

- Tao đang ở quán Trịnh, mày đón tao được không?

Đầu dây bên kia đáp: - Ở yên đó chờ tao.

Ngồi đợi Nguyên, bao ký ức của một thời thanh xuân tươi trẻ dội về trong kí ức của Hà. Nơi này cô và Đông đã gặp nhau, tất cả vẫn ở đây, chỉ thiếu anh… Bé Na khóc kéo Hà về với thực tại. Đang cho con uống sữa Hà giật mình vì có tiếng nói quen quen vang lên bên cạnh:

- Hai mẹ con đi đâu mà lại có cả đồ đạc thế này? Là Hoàng, bạn thân của chồng cô. Vừa hỏi, Hoàng vừa ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Không đợi Hà lên tiếng, nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô anh đã đoán được phần nào.

- Vợ chồng em đến mức này rồi sao?

- Vâng, chúng em đã quyết định chia tay rồi.

Hoàng trách cô: - Phụ nữ bọn em hơi tý là giận hờn. Anh biết dạo này Đông nó chểnh mảng việc nhà, nhưng đấy là do nó buồn vì cổ phiếu nó mua rớt giá, lại đúng lúc chức trưởng phòng mà nó hy vọng bị tuột vào tay người khác. Nó có về muộn hay không nghe điện thoại của em cũng chỉ là đang ngồi uống bia, rượu với bọn anh chứ có phải nó đi bậy bạ gì đâu. Cũng vì nó sĩ diện không muốn thừa nhận thất bại với em thôi, người đàn ông như thế em còn mong gì hơn nữa.

Nghe Hoàng nói, cô cười buồn: - Em không phải là người anh ấy muốn chia sẻ mọi chuyện.

Hoàng đang định nói thêm gì đó thì Nguyên đến, chỉ kịp gật đầu chào Hoàng cô gấp gáp: - Ông Đông vừa gọi cho tao bảo hai mẹ con mày vừa đi rồi. Lão bảo thời gian qua lão mệt mỏi vì công việc không suôn sẻ nhưng không muốn mày lo nghĩ nên không nói. Lão chỉ mong mày mặc kệ lão, không hỏi han gì, lão muốn đi sớm về muộn thế nào cũng đừng thắc mắc. Nếu mày làm thế đã không có cơ sự ngày hôm nay. Tao điên quá, mới bảo lão, thế thì tốt nhất anh nên sống một mình. Người đâu mà ích kỷ, muốn vợ phải vuốt ve cảm xúc của mình còn mình thì bỏ mặc tâm trạng của vợ. Mà giờ mày tính thế nào?

- Cảm ơn mày. Giờ trước mắt mày đưa mẹ con tao đi tìm nhà trọ, tao không thể để con bé lang thang được. Nói rồi cô quay lại phía Hoàng:

- Nếu gặp anh Đông nhờ anh nhắn giúp, không phải chỉ khi có người thứ ba xen vào tình cảm vợ chồng mới rạn nứt. Cuộc sống vợ chồng nếu không có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ mà chỉ có sự im lặng thì sự im lặng cũng không khác gì kẻ thù vô hình, từng ngày, từng giờ hủy hoại hạnh phúc gia đình.

Hà vừa đi khỏi, hai chiếc điện thoại của Hoàng cùng lúc đổ chuông, một máy là số Đông đang gọi đến, máy còn lại là số của vợ anh. Lời nói của Hà dường như làm Hoàng sực tỉnh, không giống mọi khi, bạn bè luôn là ưu tiên số một, lần này không chút lưỡng lự anh bắt máy của vợ, cuống quýt:

- Chờ anh đến đón, em đừng gọi taxi.

Nói rồi Hoàng chạy nhanh xuống lấy xe, tiếng chuông từ cuộc gọi đến của Đông đổ liên hồi rồi tắt.

 

Lời chúc đêm giao thừa 

Cơn mưa chiều 30 tết đi qua khiến cảnh vật như được khoác trên mình những tấm áo mới. Cây hoa mai già trước cửa dường như cũng chút bỏ được vẻ cũ kỹ thường ngày. Những cánh mai nhỏ mong manh còn vương những giọt nước mưa long lanh. Xuân về mọi vật đều trở nên đẹp lạ thường.

Trong nhà mẹ đang bày mâm ngũ quả, chị gái tôi đang tạo dáng cho bình hoa lay ơn đỏ ối. Bé Bảo Nhung lon ton chạy ra khoe với tôi “Dì ơi, con có cái này đẹp chưa!”. Tôi giật mình khi nhìn thấy những nụ tầm xuân đầy màu sắc đang nằm gọn lỏn trong bàn tay bé xíu của cháu. Nhìn vẻ mặt hớn hở của cô cháu gái chưa tròn 3 tuổi, tôi giải thích:

- Con không nên hái lộc của cây, như thế cây sẽ không đẹp. Với lại, cây càng nhiều lộc thì sang năm mới lộc sẽ càng nhiều con ạ!.

- Bảo Nhung không hiểu tôi đang nói gì nhưng nhìn vẻ mặt của tôi, con bé ngơ ngác hỏi: “Không đẹp hả gì?. Tôi bật cười. Mẹ vừa lắc đầu vừa tủm tỉm cười:

- Ai bảo con không bảo cháu. Thôi chạy ù ra chợ mua cho mẹ ít gia vị lúc sáng mẹ quên chưa mua, những thứ cần mẹ đã ghi cả trong giấy rồi đây.

Đón tờ giấy từ tay mẹ, tôi quay sang nựng cháu: “Dì đi chợ chút nhé, tí dì về mà còn thấy con vặt hoa nữa là dì tét vào mông cho đấy. Biết chưa?

Thơm chụt vào má cháu, tôi chạy vào nhà khoác thêm cái áo ấm rồi phóng xe đi. Chợ chiều 30 đã thưa người hơn rất nhiều, có lẽ mọi người đang ở nhà để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Phải lòng vòng một hồi tôi mới thấy một sạp hàng còn mở cửa. Nhặt vài thứ theo giấy mẹ ghi, tôi trả tiền rồi ra xe. Bỗng có tiếng ai kêu đau đớn. Tôi nhìn sang bên kia đường, một cụ già vừa ngã, chiếc làn với một ít đồ bắn ra tung tóe. Bên cạnh là 3 thanh niên đang ngồi trên xe máy. Họ nhìn bà cụ cười vẻ khoái trá. Tôi chợt nhận ra trò đùa tai quái của 3 gã “đầu đỏ” kia. Giận giữ, tôi vội chạy qua chỗ bà cụ, định quạt cho họ một trận nhưng chưa kịp tới nơi thì họ đã rồ ga biến mất.

Cũng may bên cạnh là trạm dừng của xe bus, tôi dìu bà đến đó ngồi rồi chạy lại nhặt đồ vào làn. Nải chuối xanh đã gẫy mất mấy quả, trái bưởi đã rụng cuống, mấy túm quất vàng ruộm rụng lăn lông lốc... Tôi vội vàng nhặt tất cả cho vào chiếc làn rồi xách chạy đến chỗ bà ngồi. Bà gượng đứng dậy nhưng rồi lại khụy xuống. Tôi hốt hoảng:

- Chân bà đau lắm ạ? Bà nghỉ tạm một lúc cho đỡ đã.

Bà cụ cúi xuống xoa chỗ đau. Mái tóc bạc phơ, khuôn mặt nhằng nhịt vết chân chim co lại vì đau đớn.

 - Bà đau lắm phải không ạ? Cháu đưa bà về nhé.

- Cảm ơn cháu. Bà không sao, chỉ tại tiếng còi xe máy to quá, lại ngay phía sau khiến bà giật mình. Rồi chiếc xe chạy vọt sát bên cạnh, sợ quá bà luống cuống nên ngã.

Tôi thắc mắc:

- Ba đi sắm Tết sao không bảo con cháu đưa đi, mà lại đi một mình như thế này?

Vẻ mặt bà chùng hẳn xuống. Bà không nhìn tôi mà hướng đôi mắt nhìn về xa xăm, những giọt nước mắt từ từ lăn lăn khỏi hai khóe mắt già nua. Tôi ngỡ bà khóc vì đau nhưng không phải. Bà kể:

- Bà chỉ có một cậu con trai. Ông thì mất từ lâu rồi, tư hồi nó còn chập chững tập đi cơ. Thương nó không có cha, bà ở vậy bù đắp cho nó, nuôi nó học hết đại học. Giờ nó lấy vợ và công tác tại Hà Nội. Bà đưa tay gạt nước mắt rồi nghẹn ngào: Nó mua nhà rồi bảo bà về ở với vợ chồng nó. Cả đời bà sống ở đây quen rồi không muốn đi đâu, nhưng nghĩ cứ ở đây mãi con cái nó không yên tâm. Vậy là bà nhờ người ta coi nhà giúp rồi xuống dưới ấy. Không biết có phải bà già rồi, với lại cả đời quen sống ở nông thôn không mà bà làm gì cũng không vừa ý con dâu. Có hôm, bà mua được mớ cá mương về kho, nghĩ là món ăn rất lành và cũng muốn đổi món cho cả nhà. Ai dè ngồi vào mâm, vừa mới cầm đũa lên vợ nó nhìn thấy liền ném đũa xuống trước mặt bà rồi buông một câu: “Nấu cho ai ăn không biết!”. Rồi nó đứng dậy, mà nào phải trên mâm có mỗi món đó đâu cháu. Không muốn con trai phải khó xử, bà lấy cớ sắp giỗ bố nó nên phải về chuẩn bị. Nó lấy được vợ 3 năm rồi. Năm đầu tiên, trước tết nó về đưa bà một ít tiền rồi bảo vợ nó có bầu không về được. Năm thứ 2, tết cũng chỉ có mình nó về. Vợ nó nói con nhỏ không cho đi vì sợ ốm, trong khi chúng nó đi đâu một bước cũng có xe riêng. Bà buồn, nhớ cháu nhưng cũng đành chịu. Bà đưa bàn tay xoa vào chỗ đau, nói tiếp: “Bà đau thế này một phần do bị ngã, một phần do căn bệnh thấp khớp quái ác. Mỗi khi trái nắng trở trời, từng ống xương nhức buốt như có nghìn con kiến đốt cháu ạ.

Không đợi bà kể nốt, tôi sốt ruột:

- Vậy tết năm nay vợ chồng anh ấy có về ăn tết cùng bà không ạ?

Bà lắc đầu:

- Mấy hôm nay bà bị mệt, cái chân cứ đi được vài bước là lại muốn khụy xuống. Nhưng đã là 30 tết rồi, cũng phải có cái gì để cúng tổ tiên và bố nó nên bà cố đi mua vài thứ. Ai ngờ lại bị ngã thế này.

Tôi đưa bàn tay xoa chỗ chân tấy đỏ của bà. Từng nếp da nhăn nheo, từng vết đồi mồi nâu đen khiến tôi mường tượng đến bà nội của mình. Cảm giác buồn buồn chợt dâng lên trong lòng, tôi bực dọc:

- Lý do năm nay con trai bà không về là gì ạ?

- Chúng nó bảo, cả năm đi làm vất vả rồi, tranh thủ mất ngày tết đi du lịch nghỉ ngơi cho thư thái.

Nói đến đây, những giọt nước mắt cứ đua nhau chạy dài trên má đã nhăn nheo của bà. Tôi biết bà đang tủi thân nên chỉ biết ngồi yên bên cạnh. Chờ cho nỗi xúc động của bà tạm lắng xuống, tôi đề nghị được đưa bà về.

Nhà bà ở cuối con đường, khá vắng vẻ, yên tĩnh. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ đã cũ được bao bọc bởi hàng rào râm bụt. Không gian tĩnh mịch, lại không có bóng người thế này đến tôi còn cảm thấy buồn nữa là bà cụ. Lúc này trời đã nhá nhem tối, tôi xin phép bà rồi về luôn.

Vừa về đến nhà tôi đã thấy mẹ ngóng ở ngoài ngõ. Nhìn thấy tôi mẹ lo lắng:

- Sao con về muộn thế?

Tôi kể lại cho mẹ nghe câu chuyện lúc chiều. Mẹ không nói gì chỉ thở dài rồi giục tôi đi tắm rửa nhanh rồi vào ăn cơm để anh chị cho cháu về kẻo muộn.

Bữa cơm chiều 30 có rất nhiều món ngon mà món nào tôi cũng thích. Bé Bảo Nhung ngồi trong lòng bố khua khoắng rất hăng, những hành động ngây ngô của con trẻ làm cả nhà có thêm những trận cười vui vẻ. Mẹ tôi ngồi một lúc rồi đi xuống bếp, lúc sau quay lên với một túi đồ nằng nặng. Mẹ bảo tôi:

- Hai chị em ăn xong mang ít đồ này đến nhà bà lúc chiều con gặp, bảo đây là tấm lòng của bố mẹ cháu. Rõ khổ! Hoa quả nát hết thế làm sao bày được nữa. Con cầm thêm cả lọ thuốc này bảo bà chịu khó bôi vào chỗ bị sưng sẽ chóng khỏi.

Nghe mẹ nói, tôi mới thấy mình thật vô tâm, lúc chiều thấy hoa quả của bà bị nát vậy mà không nghĩ ra đưa bà đi mua lại.

Buổi tối 30 tết, gió thổi lành lạnh, thỉnh thoảng ở đâu đó lại vụt lên những đốm sáng của pháo bông, thứ mà trẻ con đứa nào cũng thích. Hai chị em tôi vừa đi vừa ríu rít trò chuyện, chẳng mấy chốc đã đến cổng nhà bà. Bà đang ngồi trong bếp, rất ngạc nhiên khi thấy chị em tôi đến. Tôi đưa túi đồ, lọ thuốc và chuyển lời mẹ dặn cho bà. Bà xúc động nhìn chị em tôi:

- Cho bà chuyển lời cảm ơn đến bố mẹ cháu, cả các cháu nữa - Mắt bà lại ngân ngấn nước.

Tôi vui vẻ pha trò để bà vui:

Bà ơi, bây giờ có việc gì chúng cháu làm được bà bảo để chúng cháu cùng làm ạ. À mà chân bà còn đau lắm không? Để cháu giúp bà bôi thuốc nhé, phải chữa cho nó khỏi để mai bà còn đi chúc tết chứ.

Bà chưa hết xúc động. Bên cạnh chỗ bà ngồi, đĩa hoa quả đang xếp dở. Hóa ra bà đang tận dụng số hoa quả còn lành lặn mà bà đã mua lúc chiều để sắp mâm ngũ quả, nhưng số quả không bị nát còn lại chẳng đáng bao nhiêu nên chỉ sắp được đĩa ngũ quả mà thôi. Thấy vậy, chị tôi mở túi đồ của mẹ gửi rồi bày hoa quả ra một chiếc khay lớn. Còn tôi lấy lọ thuốc thoa vào chân cho bà. Chị tôi rất khéo tay nên những thứ mà chị làm trông đều rất đẹp mắt. Giúp bà đặt khay hoa quả lên ban thờ xong chúng tôi chào bà ra về. Chúc bà sang năm mới sẽ có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui bất ngờ. Cầm chặt tay hai chị em tôi, bà lại khóc:

- Cảm ơn 2 cháu, cho bà gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Ước gì con trai bà nó cũng có tấm lòng như các cháu.

Có ánh đèn xe ô tô dọi thẳng vào nhà, con trai và đứa cháu nội của bà bước xuống. Anh con trai nhìn thấy chúng tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên. Còn chúng tôi cũng không giấu được vẻ vui mừng. Mừng vì anh đã kịp nhận ra được một điều: Đúng là tết thì năm nào cũng có, du lịch cũng có nhiều dịp để đi nhưng người mẹ thân yêu của anh sẽ không thể khỏe mãi để đợi anh về cùng đón giao thừa. Thiêng thật, có lẽ ông trời đã thấu đã thấu được niềm mong ước nhỏ nhoi của bà.

  

Nọc rắn

Cứu với… rắn… cứu tôi với… tiếng kêu hoảng loạn khiến mọi người đổ xô về phía nhà kho cuối chợ. Trên nền nhà, Khểnh mặt cắt không còn giọt máu, hai tay ôm lấy cẳng chân miệng ú ớ… có rắn... cứu tôi.

Năm móng chân trên bàn chân phải của Khểnh dần tím bầm lại, tiếng xôn xao ngày một lớn dần: Cho đi trạm xá thôi; chắc là hổ mang chúa rồi, có cho đi cũng không cứu được đâu… Tiếng kêu la của Khểnh thảm thiết hơn rồi bỗng nhiên tắt lịm. Đúng lúc ấy, một ông lão còm nhom, rẽ đám đông đang ồn ào bước vào. Ông lẳng lặng lấy đoạn dây chun được cắt ra từ săm xe đạp hỏng ga-ro ngay phần trên vết thương của Khểnh. Xong, ông lôi từ trong chiếc túi vải đã bạc màu ra một nắm lá còn tươi rói, vò nát, khẽ nhét vào miệng Khểnh, đồng thời vỗ nhẹ vào má Khểnh nhắc “nuốt, nuốt”, cứ thế cho đến khi thấy yết hầu Khểnh động đậy. Cho Khểnh nuốt xong nắm lá, ông quay lại nặn máu từ vết thương rồi lấy trong túi áo ra một lọ thủy tinh to chừng ngón tay cái, bên trong đựng một chất sền sệt màu trắng đục.

Chừng 10 phút sau, các móng chân của Khểnh trắng dần lại, Khểnh từ từ mở mắt. Ông lão tháo chiếc dây chun trên chân khểnh cho vào túi rồi lại lặng lẽ rẽ đám đông bước đi. Đám đông lại tiếp tục xì xèo: Tỉnh rồi; được cứu rồi; thuốc của ông lão tốt thật. Trong mớ âm thanh hỗn loạn ấy, bỗng có tiếng ai nói to hẳn như cố tình để người khác nghe thấy: Khinh rẻ ông lão nghèo khổ cho lắm vào! Hôm nay không có ông ấy thì đi chầu Diêm vương rồi.

***

Với bà con vùng cao xã Đại Đà, chợ có mái đình bắn bằng tôn che mưa, nắng, nền cán xi măng phẳng lì, sạch sẽ như thế này chẳng khác nào một giấc mộng đẹp đã thành sự thật. Chợ xây xong, các tiểu thương trong và ngoài xã háo hức đăng ký những vị trí thuận tiện, phù hợp với mặt hàng mình bán. Vui nhất là mấy mế chuyên bán thuốc nam gia truyền. Tính ra mặt hàng này chẳng lãi lờ nhiều nên các mế thuê chung một ô chợ rồi túm tụm bày mỗi người một bao tải thuốc. Những ngày mưa, bốn người căng chung mảnh áo mưa che tạm cho khỏi ướt. Tất nhiên phí chợ cho một chỗ ngồi mà mỗi mế phải đóng cũng được chia ra làm 4.

Bằng con mắt tinh tường, ông chủ chợ mới đã nhìn ra mấy mế, nên sau khi chợ hoàn thành, ông dành hẳn 4 ô ở vị trí thoáng đãng nhất chợ cho cắm biển “Bản sắc Đại Đà” cho các mế bán thuốc nam ngồi và chỉ thu phí chợ bằng 1/5 gian hàng của thương lái khác. Hôm khánh thành chợ, ông chủ phát biểu rằng, ông muốn giữ lại bản sắc của người dân Đại Đà. Sau hôm ấy ông chủ chợ mới về lại dưới xuôi, việc quản lý chợ được giao lại cho Khểnh, người của xã. Khểnh vốn không phải là người khéo ăn nói, nhưng được cái mạnh khỏe, chịu thương chịu khó nên cũng được cho là phù hợp. Hiềm nỗi, từ khi được “lên chức” quản lý, Khểnh thay đổi đến chóng mặt, vẻ thật thà, chất phác biến đâu mất, thay vào đó là bộ mặt hợm hĩnh, ra vẻ bề trên.

Bốn mế bán thuốc ở chợ cũng chính là bốn người dâu trưởng của dòng họ được lựa chọn để trao truyền phương thuốc của tổ tiên. Gần một năm trở lại đây, ngoài 4 mế, chợ Đại Đà có thêm một hàng thuốc nam nữa. Nghe nói, ông sống một mình ở bên kia ngọn núi Khau Côi. Ông bán thuốc trị rắn cắn. Vì không có tiền nộp phí nên mỗi phiên chợ, thấy trống chỗ nào ông lại ngồi ghé vào chỗ đó. Vừa là người lạ, vừa không có chỗ ngồi ổn định nên khách đến mua hàng của ông rất thưa thớt.

Sau khi nhận được sự ưu ái từ ông chủ chợ, 4 mế tụm lại bàn bạc rồi cử ra mế Mẩy là người lớn tuổi nhất dè dặt đề nghị với Khểnh: - Cháu Khểnh ơi, nhờ ơn của ông chủ, chỗ ngồi của mấy mế cũng rộng rãi, muốn xin phép cháu Khểnh cho ông lão bán thuốc trị rắn cắn đằng kia lại đây ngồi cùng, không biết ý cháu Khểnh thế nào?

Nghe vậy, Khểnh nói sẵng: - Đang giờ làm việc, tôi là cán bộ, ai là cháu của bà.

- Xin lỗi cán bộ Khểnh. Nhưng xin cán bộ Khểnh cho ông lão tội nghiệp kia lại đây ngồi cùng mấy già, đồ của ông ấy cũng không có nhiều, không tốn diện tích. Phí chợ, các già sẽ đóng góp đầy đủ mà không chừa phần của ông ấy.

- Sướng quá, các mụ dở quẻ à. Rách rưới như ông ta thì liệu có bao giờ biết biếu cán bộ được chai rượu, con gà không.

- Nhưng mà…

- Nhưng, nhưng cái gì, tôi chưa đuổi lão đi là may cho lão rồi. Nếu vẫn không biết điều, tôi sẽ cho lão cuốn xẻo khỏi đây.

Mế Mẩy và các mế không dám nói gì thêm chỉ nhìn nhau lắc đầu. Đó là một ngày trước khi Khểnh bị rắn cắn.

***

Một tuần sau khi được ông lão nghèo khổ cứu sống, người ta mới thấy Khểnh xuất hiện, vẻ mặt vênh váo mọi ngày đã biến mất, trên tay Khểnh là tấm biển có dòng chữ “thuốc gia truyền đặc trị rắn cắn”. Cắm tấm biển cạnh hàng của mấy mế bán thuốc nam xong, Khểnh đi ra chỗ bờ sông nơi ông lão ngồi. Một lát sau, ông lão cầm theo chiếc túi vải đi theo Khểnh ra nơi vừa cắm biển.

- Từ hôm nay, đây là chỗ ngồi của ông. Nói rồi Khểnh quay đi trước sự ngạc nhiên của các mế bên cạnh, lúc này ông lão mới lên tiếng.

- Cảm ơn các bà, tôi đã được nghe chuyện, vì muốn tốt cho tôi mà các bà bị mắng.

- Chúng tôi có giúp được gì đâu, cùng cảnh đi chợ như nhau, thấy ông ngồi ở đó chúng tôi áy náy lắm!

- Tôi không sao, vì thú thực tôi cũng không có ý định ở lại đây lâu. Chỗ ngồi này tôi đồng ý nhận cũng là để giúp anh Khểnh không còn cảm giác mắc nợ nhưng chắc tôi cũng chỉ ở lại đây vài ba phiên nữa mà thôi.

- Ông định đi đâu? Các mế sốt ruột hỏi.

- Nói thật là mấy tháng qua bán hàng khó khăn quá tôi đã định rời đi tìm nơi khác. Nhưng đúng hôm có suy nghĩ ấy, tôi lại nhìn thấy một con rắn độc rất to trườn lên từ phía bờ sông. Tôi lo nhỡ chả may nó cắn ai nên cứ nấn ná chưa đi ngay. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng hái một nắm lá tươi mang theo. Bởi vì con rắn đó là loại rắn có nọc cực độc, muốn giải độc nhanh ngoài thuốc bôi, cần có thêm một nắm lá đó.

- Ông đi, lỡ con rắn đó quay lại cắn người nữa thì sao?

- Từ hôm nhìn thấy con rắn đó, về tôi đã ươm cây thuốc giống, tôi cũng đã có ý định dăm bữa, nửa tháng cây con lên sẽ tặng lại cho các bà để có ai gặp nạn thì cứu giúp. Xong việc đó rồi tôi mới đi.

Khểnh quay lại định dặn dò gì thêm ông lão vô tình nghe được câu chuyện của ông với các mế. Ông lão đã nhìn thấu tâm can hắn, đúng là Khểnh đã nghĩ bố trí cho ông một chỗ ngồi một thời gian để trả ơn ông cứu mạng. Khểnh ngửa mặt lên trời, cổ họng nghẹn tắc, Khểnh tự hứa với bản thân, từ nay sẽ khác.

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy