Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
08:55 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Nguyễn Long

TẤM LÒNG CỦA BÁC QUA NHỮNG VẦN THƠ GI THIU NHI          

Bài thơ đầu tiên dành cho thiếu nhi của Bác là bài Kêu gọi thiếu nhi viết vào tháng 9 năm 1941. Lúc này, Mặt trận Việt Minh vừa ra đời được hơn 4 tháng. Do yêu cầu tuyên truyền các chính sách của Việt Minh tới mọi tầng lớp nhân dân nên Bác đã làm một loạt bài ca mang tính chất tuyên truyền rõ nét. Bài thơ thơ trên cũng nằm trong dòng chảy đó.

Mở đầu bài thơ, Bác dựng lên một nghịch cảnh khiến ai đọc cũng phải xúc động: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng...". Bác nói rõ nguyên nhân khiến trẻ em phải "cơ hàn xót xa" và chỉ ra con đường phải hướng tới là: "Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay/ Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng".

Sang năm 1942, Bác viết tiếp bài Trẻ chăn trâu cổ vũ cho Hội nhi đồng cứu quốc, một bộ phận của Việt Minh. Tiếng hát véo von trên gò của mấy trẻ chăn trâu phải chăng là lời “tuyên ngôn” của thế hệ trẻ muốn góp phần cùng cha anh đánh đuổi Nhật, Tây để cứu nước, cứu nhà, giành cuộc sống ấm no. Chính ý nghĩ và hành động của lớp lớp thiếu nhi thời tiền khởi nghĩa đã gây được niềm xúc động và cảm phục của mọi người: "Ai nghe mà chẳng động lòng/ Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam".

Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp. Trước hành động dũng cảm của các cháu thiếu niên, Bác đã ngợi khen kịp thời. Bác khen em Phạm Đỗ Hải: "Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội/ Thế là cháu giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen". Còn em thứ hai là Lê Văn Thực được Bác khen vì: "Cháu có can đảm/ Giơ súng doạ Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác gửi lời khen". Đặc biệt, sau lời ngợi khen, bao giờ Bác cũng khuyên nhủ các cháu phải cố gắng học hành hơn nữa. Phải chăng với tầm nhìn xa rộng của Bác, các cháu sẽ là thế hệ xây dựng tương lai, không chỉ có lòng dũng cảm mà phải có trí tuệ.

Cuộc kháng chiến bước sang xuân thứ năm, "nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công". Chiến thắng Việt Bắc (1947), Biên giới (1950) làm quân dân ta vững tin ở thắng lợi cuối cùng, náo nức "thi đua chuẩn bị tổng phản công". Trong hoàn cảnh ấy, với tâm trạng thanh thản, Bác viết bài thơ rất hay gửi thiếu nhi. Ngắm cảnh trăng thu sáng trong giữa núi rừng Việt Bắc, Bác càng nhớ thương các cháu: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung".

Trong Thư trung thu (1952), Bác viết: "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?”. Tuy là câu hỏi nhưng đã hàm chứa sẵn câu trả lời. Bác không quên nhắc nhở nhiệm vụ của thiếu nhi: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến...".

Một năm trước khi dân tộc ta làm nên một Điện Biên "chấn động địa cầu", Bác gửi thư nhân dịp Tết trung thu. Lời thơ Bác thật thiết tha sau khi nhẩm tính: đã chín Tết trung thu, đã tám năm kháng chiến, các cháu cũng đã thêm tám tuổi và đã lớn lên cùng dân tộc: "Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần". Sau khi điểm lại thành tích về mọi mặt của quân và dân ta, Bác rất phấn khởi và hạ bút: "Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn". Câu kết của bài thơ không chỉ là một dự đoán mà còn thể hiện một niềm tin vững chắc có cơ sở từ thực tiễn của cuộc kháng chiến. Niềm tin ấy đã thành sự thật. Mùa hè năm sau, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên và trung thu năm ấy là trung thu đầu tiên các cháu thiếu nhi miền Bắc được sống trong hoà bình, được bầy cỗ dưới trăng mà không sợ tàu bay giặc Pháp.

Năm đầu tiên cả nước là một chiến trường chống Mỹ (1965), trong thư gửi thiếu nhi trường Hoàng Lệ Kha ở Tây Ninh, qua đó, gửi tất cả các cháu ở miền Nam, Bác khẳng định kết quả của cuộc chiến đấu của cả nhân dân ta sẽ đi đến "Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung". Nhưng giờ đây, đất nước còn chia cắt, Bác cháu còn xa nhau nên Bác vẫn hàng ngày "nhớ thương các cháu vô cùng". Để có được niềm vui sum họp Bắc Nam, Bác "mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi".

Trong một bài viết in trên báo Nhân Dân, số ra ngày 1- 6 - 1969, trước lúc qua đời hơn ba tháng, tác giả T. L (bút danh của Bác), có viết: "Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích,... Nhiều cháu mới hơn mười tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ". Sau khi biểu dương thành tích của các cháu thiếu nhi trên miền Bắc, Bác viết tiếp: "Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa, tiến bộ hơn nữa... Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà...".

Tấm lòng của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng bao la như biển cả. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Bác cũng nhớ thương, quan tâm đến cuộc sống và sự tiến bộ của thiếu nhi. Mỗi dòng thơ Bác đều chứa chan tình cảm yêu thương thế hệ tương lai của đất nước. Thơ Bác viết cho thiếu nhi rất dễ hiểu bởi lời thơ trong sáng, giản dị. Các thể thơ Bác thường dùng là lục bát hoặc ngũ ngôn, những thể thơ truyền thống, dễ thuộc. Bài thơ thường chuyển tải được các nội dung như: nỗi nhớ thương các cháu thiếu nhi, biểu dương thành tích đã đạt được, động viên các cháu hãy cố gắng nhiều hơn nữa và cuối cùng là niềm tin ở thắng lợi trong tương lai của dân tộc, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thiếu nhi. Nhưng thơ ca mới chỉ thể hiện được một phần tình cảm yêu thương và quan tâm hết mực đến các cháu thiếu nhi của Bác.

Tố Hữu từng viết: "Ô vẫn còn đây, của các em/ Chồng thư mới mở, Bác đang xem/ Chắc Người thương lắm lòng con trẻ/ Nên để bâng khuâng gió động rèm..." hoặc là: "Sữa để em thơ, lụa tặng già". Và: "Bác mong con cháu mau khôn lớn/ Nối gót ông cha, bước kịp mình".

Cuộc đời của Bác trong như ánh sáng. Tình cảm của Bác đối với thiếu nhi và với tất cả người dân Việt Nam ta cũng trong như ánh sáng. Mỗi khi đọc lại những dòng thơ gửi thiếu nhi của Bác, ta thấy hiện lên hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại với lòng nhân ái vô song đang tươi cười giữa một rừng hoa của các cháu thiếu nhi - mỗi cháu cũng là một bông hoa đẹp. Và tiếng thơ của Người lại vang vọng trong không gian, lay động triệu trái tim:

"Đến ngày Nam Bắc một nhà

Các cháu xúm xít thi ta vui lòng".

          -----------------------------------------

(Trong sách “Ngọn đèn và trang sách”, Nxb Hội Nhà văn, H.2005)

TÌNH CẢM CỦA THIẾU NHI VỚI BÁC HỒ QUA NHỮNG TRANG THƠ   

Sinh thời, Bác Hồ thường dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi. Năm 1951, Bác viết: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung". Nhân dịp Tết Trung thu năm 1953, Bác lại gửi các cháu nhi đồng: "Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa". Tình cảm của Bác với thiếu nhi được kết tinh trong hai câu thơ, tuy là câu hỏi nhưng đã sẵn lời giải đáp: "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?". Trước lúc đi xa, Bác còn "để lại muôn vàn tình thân yêu... cho các cháu thanh niên và nhi đồng".

Đáp lại tấm lòng bao la của Bác, tình cảm của thiếu nhi Việt Nam với Bác thật sâu nặng. Các em gửi gắm tình cảm đó trong nhiều vần thơ.

Ngay trong kháng chiến chống Pháp, một thiếu sinh quân đã hồn nhiên kể với Bác những chặng đường em đã đi qua: "Bác Hồ ơi/ Cháu là em bé phương xa/ Theo anh Vệ quốc xa nhà từ lâu/ Cháu qua sông Đuống, sông Cầu/ Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài/ Qua bao vực thẳm hang dài/ Giúp anh Vệ quốc giết loài thực dân". Từ giọng kể say sưa, em chuyển sang tư thế của người lính trẻ để chúc Bác: "Cháu là thiếu sinh quân/ Nhân ngày sinh nhật Bác/ Có vài lời chất phác/ Kính chúc Bác sống lâu/ Không bao giờ bạc đầu/Để lái thuyền chiến thắng".

Bài thơ trên đây của Nguyễn Bá Dậu được viết vào năm 1950, tuy chất phác trong lời lẽ nhưng rất sâu nặng trong tình cảm. Bài thơ đã ghi được dấu ấn không quên bởi sau nó hơn mười năm mới lại xuất hiện thơ do thiếu nhi viết.

Trần Đăng Khoa là nhà thơ thiếu nhi đã tiếp tục một cách xuất sắc công việc của bậc đàn anh đã mở đầu từ hơn mười năm trước. Lên tám tuổi, Khoa đã làm thơ và một trong các bài thơ đầu tiên của em là bài Ảnh Bác: "Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên có một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà...". Câu kết của bài thơ đã thể hiện lòng biết ơn trước những hy sinh của Bác cho sự nghiệp chung, trước sự quan tâm và tình cảm của Bác cho thiếu nhi: "Bác lo bao việc trên đời/ Hàng ngày Bác vẫn mỉm cười với em".

Từ đó về sau, Trần Đăng Khoa còn làm nhiều bài thơ dâng Bác: Đất trời sáng lắm hôm nay, Em gặp Bác Hồ, Cháu thề phấn đấu suốt đời... Trong các bài thơ khác, những câu viết về Bác thường là những câu thơ hay.

Trong mắt tuổi thơ, hình ảnh Bác Hồ hiện lên gần gũi lạ thường, ngay cả trong giấc mơ: "Đêm qua em đi ngủ rồi/ Thấy bàng bỗng lớn, tốt tươi lạ thường/ Thấy cả Bác Hồ về làng/ Cũng ngồi dưới gốc cây bàng của em" (Cây bàng).

Ước mong được về Hà Nội đã thành hiện thực khi Trần Đăng Khoa mười một tuổi: "Bác ơi! Cháu đến đầy rồi/ Ba Đình phượng đỏ, một trời tiếng ve". Câu thơ mở đầu như một tiếng reo khe khẽ thể hiện sự mừng vui xen lẫn tự hào được đến Ba Đình, nơi có Bác Hồ đang ở. Câu thơ thứ hai rất đẹp bởi màu sắc rực rỡ của mùa hè với hoa phượng đỏ và bởi âm thanh - tiếng ve đầy ắp bầu trời.

Sự hồn nhiên của tuổi thơ thể hiện trong câu hỏi trùng với điều mọi người lo lắng nhất: "Sang năm Bác tám mươi rồi/ Bác ơi, Bác thấy trong người khoẻ không?". Cũng như người lớn, tác giả nói lên ước mong của thiếu nhi rất giản dị nhưng rất đáng quí: "Hàng ngày chúng cháu ước mong/ Bác vui, Bác khoẻ là lòng cháu vui". Thiếu nhi luôn thấm thía công ơn của Bác, Người đã suốt đời lo nghĩ cho nước, cho dân để các cháu được vui chơi. Tác giả bài thơ tạo được một tương quan đối lập rất có ý nghĩa: "Bác lo nghĩ suốt một đời/ Để cho chúng cháu vui chơi từng ngày".

Trần Đăng Khoa cũng khái quát rất hay về buổi sáng trên Ba Đình lịch sử nhưng rộng hơn là về hiện thực và tương lai của đất nước: "Đất trời sáng lắm hôm nay/ Cháu nhìn mái ngói, bóng cây, bồi hồi/ Bác ơi! Cháu đến đây rồi/ Xanh trên nhà Bác vẫn trời mùa thu ". Mùa thu đầu tiên Bác mang về cho dân tộc là mùa thu cách mạng năm 1945. Trời thu ấy xanh mãi trên Ba Đình lịch sử, trên đất nước chúng ta hôm qua và hôm nay.

Có những thiếu nhi may mắn hơn các bạn cùng trang lứa là được gặp Bác Hồ. Niềm vui đó không gì so sánh được. Cẩm Thơ, con gái nữ thi sĩ Anh Thơ là một trong các bạn nhỏ có được niềm vui ấy. Cẩm Thơ đã ghi lại cảm xúc không quên này: "Em nhảy cả trong hội nghị/ Em quên hết chú công an/ Bác ở trên cao mà em thấy rất gần/ Vì em ở trong con ngươi của Bác".

Dù được gặp Bác hay chưa có dịp được hưởng vinh dự đó nhưng các em đều thấy Bác luôn ở bên mình, dạy dỗ, chăm sóc các em. Một em thiếu nhi phải sống dưới chế độ của Mỹ và tay sai đã viết: "Bác ơi! Dù cách núi non/ Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa". Nhà thơ Thanh Hải đã có lần nói hộ tấm lòng của một em bé sống ở bờ Nam sông Bến Hải những năm đất nước bị chia cắt: "Đêm nay trên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ.../ Đêm đêm cháu những bâng khuâng/ Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu/ Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu/ Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ/ Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn".

Có em thiếu nhi miền Nam tập kết khoe với Bác, kể Bác nghe về phong cảnh quê mình và thầm ước ngày thống nhất, mời Bác vào thăm quê em: "Quê cháu tươi đẹp lắm cơ/ Dừa xanh soi bóng bên bờ sông trong/ Có đồng lúa chín mênh mông/ Có vườn mía ngọt, bên dòng nước xanh/ Có cam trĩu quả trên cành/ Có bao cảnh đẹp như tranh, Bác à...".

Trong thơ thiếu nhi thường xuất hiện nỗi nhớ - nỗi nhớ Bác Hồ. Em Nguyễn Văn An, học sinh lớp 4 ở gần quê Bác, thấy Bác bận việc nước, chưa có thì giờ về thăm quê, em đã bày tỏ nỗi lòng mà như pha chút ghen tị: "Bác Hồ, Bác Hồ ơi/ Những em ở gần Bác/ Chắc đã sung sướng như trời/ Chúng cháu gần quê Bác/ Mà sao chưa thấy Người?". Các em ở vùng núi cao cũng chung nỗi niềm mong nhớ Bác. Em Vừ Mễ Dinh, dân tộc H'Mông ước có một ngày được gặp Bác: "Bác ơi! Chúng cháu bấy lâu/ Ước mong, mong ước, đêm ngày ước mong/ Ước sao một sáng mai hồng/ Ước sao gặp Bác giữa lòng thủ đô".

Đất nước có chiến tranh, cũng như người lớn, các em luôn hướng về Hà Nội khi quân thù động đến trái tim của cả nước. Trần Đăng Khoa nói hộ nỗi lo âu của bao người: "Giặc Mỹ ném bom Hà Nội rồi/ Hà Nội có Bác Hồ đang ở/ Mẹ nấu cơm dụi lửa/ Cha em họ trâu giữa đường cày/ Các cô, các thầy/ Ngừng bài giảng giữa lớp/ Chúng em nhìn nhau không chớp/ Giặc Mỹ ném bom Hà Nội rồi!".

Ngày Bác đi xa, nỗi đau xót tột cùng bao trùm khắp quê hương. Với các em, mất mát đó còn cao hơn, bởi một Ông Tiên của tuổi thơ không còn nữa. Nỗi đau và tiếc thương hoà trong những giọt nước mắt: "Cháu ngồi cháu khóc, đất trời đổ mưa".

Cẩm Thơ có ý nghĩ muốn đánh đổi những nhu cầu của tuổi thơ và đổi cả tuổi thơ để Bác Hồ sống mãi: "Giá chúng mình được ngủ một giấc/ Ngủ không cần ăn bánh, đi chơi/ Để Bác Hồ sống mãi đời đời".

Trong giấc mơ, các em thấy vẫn gặp Bác: "Tóc thơm lừng gió bể/ Thơm nắng đường xa/ Bác cho em nhiều quà". Ý nghĩ Bác Hồ sống mãi luôn là điểm sáng trong các dòng thơ của thiếu nhi: "Bác chỉ yên nghỉ ban ngày/ Chứ ban đêm là Bác rời linh cữu/ Bác chào chú đứng gác/ Rồi đi vòng quanh trên khắp thế giới/ Để chăm sóc trẻ em..." (Trần Đăng Khoa).

Hồ Chủ tịch không chỉ là Bác Hồ của thiếu nhi Việt Nam mà còn là Bác Hồ của các bạn nhỏ quốc tế. Năm mười một tuổi, do học giỏi, được đi thăm Liên Xô hai tháng, nhà thơ Khánh Chi đã được nghe bạn gái Ô - li - a hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Bạn nhỏ quốc tế đã dồn tất cả tình cảm kính yêu Bác Hồ vào trong lời hát "trong sáng như ban mai", bởi vì: "Bác Hồ trong mắt Ô - li - a/ Mặt đất bay đầy khúc hát...".

 Những trang thơ của thiếu nhi viết về Bác là vốn quý trong nền thơ ca hiện đại nước nhà. Nhưng giá trị hơn, đó là tình cảm, là lòng biết ơn và kính yêu của thế hệ trẻ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Nghe theo lời dạy của Bác, mấy chục năm qua, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã làm nhiều việc tốt, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp cách mạng chung của đồng bào cả nước, xứng đáng với điều hằng mong của Bác: "Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh".

          -----------------------------------------        

(Trong sách “Ngọn đèn và trang sách”, Nxb Hội Nhà văn, H.2005)

TẤM LÒNG CỦA NHÀ THƠ LN CH LAN VIÊN VỚI LÃNH TỤ KÍNH YÊU                            

Sau Tố Hữu, Chế Lan Viên là nhà thơ có nhiều bài viết về Bác thành công nhất.

Trước hết thơ Chế Lan Viên là một cuộc hành trình không nghỉ thể hiện hình tượng Bác Hồ.

Hầu như tập thơ nào của ông cũng có thơ dâng Bác. Bài thơ đầu tiên Chế Lan Viên viết về Bác phải kể đến là bài Bữa cơm thường trong bản nhỏ (Gửi các anh - 1955). Bài thơ sự rung cảm chân thành của người con đối với người cha giữa “Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim”. Tập Ánh sáng và phù sa (1960) có bài Người đi tìm hình của nước. Tập Hoa ngày thường, chim báo bão (1967) có bài Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Tập Đối thoại mới (1973) có các bài: Bác, Bác vẫn còn đây, Trung thu 69, Hoa mộc trong vườn của Bác. Tập Hái theo mùa (1977) có nhiều câu về Bác. Tập Hoa trước lăng Người (1977) có tới 27 bài (trong đó có một số bài tuyển từ các tập thơ trước). Tập Hoa trên đá (1984) có bài Lăng,…

Nếu kể về số lượng bài viết trọn vẹn về Bác thì có thể nói Chế Lan Viên ở vị trí đầu tiên. Sau đó là đến nhà thơ Hải Như với tập Trái đất mai này còn lại tình yêu (1985).

Như vậy, Chế Lan Viên đã dành một phần tư thế kỉ thể hiện hình tượng Bác Hồ trong thơ.

Thơ Chế Lan Viên là cả một sự sáng tạo trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ.

Nhiều nhà thơ thường nghiêng về việc xây dựng hình tượng lãnh tụ bình thường mà vĩ đại. Trong đó tiếng nói của cảm xúc là nổi trội. Trái lại, Chế Lan Viên thường trình bày những cảm nghĩ của mình về Bác. Tư duy ông thường nghiêng về sự tổng hợp trên cơ sở những chi tiết mang ý nghĩa điển hình nhất.

Vào những năm sáu mươi, nhà thơ viết được hai bài thơ rất đặc sắc, tiêu biểu cho một dòng thơ về lãnh tụ và tiêu biểu cho chính thơ ông: Người đi tìm hình của nướcNgười thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Xuất phát từ sự kiện trọng đại là Bác ra đi tìm đường cứu nước, nhà thơ đã trình bày cảm nghĩ của mình về thời điểm có ý nghĩa "mở nước" đó. Có lúc nhà thơ nâng mình lên để được hoá thân vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của lãnh tụ trên hành trình từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Mác - Lê - nin.

Cũng xuất phát từ dịp kỉ niệm những ngày lễ lớn, Chế Lan Viên bộc lộ lòng thành kính và biết ơn người đã đổi thay cuộc đời và nghệ thuật của mình.

Ý thức phản tỉnh của chính mình và cũng là tiêu biểu cho cả một lớp người làm cho chủ định muốn nêu bật  tầm vĩ đại của lãnh tụ càng thêm sâu sắc:

- Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ còn đè nát cuộc đời con.

- Chưa có gì dính líu thơ tôi và truyền đơn Bác viết.

Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng.

- Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.

Xây dựng hình tượng lãnh tụ trên cơ sở thủ pháp đối lập giữa sự cạn hẹp và sâu sắc, giữa bé nhỏ và rộng lớn, giữa bình thường và vĩ đại, giữa thoát li và nhập đời, vv… đã mang lại hiệu quả cao trong nhận thức của thơ Chế Lan Viên.

Nhà thơ thường dùng cách lập luận phủ định để khẳng định, một cách tư duy mang tính triết học, làm cho hình ảnh lãnh tụ trở nên chói ngời, hùng vĩ: "Không, Bác có đi đâu, Bác vẫn còn đây/ Bác đang nhìn ta từ trên nghìn vạn đỉnh non cao Tổ Quốc/ Trong hoa sen Tháp Mười hay mây trắng núi Chư Lây/ Trong gió động mỗi ngọn dừa phương Nam đều có Bác" (Bác vẫn còn đây).

Từ quan niệm vật chất sẽ trở về với vật chất, Chế Lan Viên đã nâng lên một bước quan niệm này là vật chất biến thành tinh thần (cũng là vật chất ở dạng tinh khiết nhất, chắt lọc nhất) để bất tử hoá hình ảnh lãnh tụ: “Bác nằm kia, tinh khiết tuyệt vời/ Như vật chất hoá tinh thần. Bát ngát / Người lọc hết bụi trần và thể xác” (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Hiệu quả thẩm mĩ của thơ Chế Lan Viên viết về Bác rất đặc biệt. Nhà thơ hướng người đọc vào cái đẹp, cái cao thượng của lãnh tụ trước hết là lòng nhân ái bao la và ở trách nhiệm công dân đối với đất nước: “Những ngày giấc ngủ Bác bị cắt nửa chừng vì cơn gió xiết ngang sông Bến Hải/ Máu lòng Người đau tận chót Cà Mau/ Miệng người đắng vì bát cơm Phú Lợi/ Tóc bạc phơ nhanh từng sợi trên đầu (Ba mươi năm không chệnh một con đường). Hoặc là: “Có phải nhìn bằng mắt đâu, Bác nhìn với trái tim mình/ Vô hạn thương yêu, vô hạn cảm tình/ Trái tim ấy nghìn năm còn đập mãi/ Đâu đời cần nhân ái lại hồi sinh” (Cách mạng, chương đầu).

Cảm xúc và tư duy đậm chất trí tuệ của Chế Lan Viên đã tạo dựng được hình tượng Bác với phẩm chất tuyệt vời cao đẹp. Đó là khả năng vận động quần chúng, là ý chí và nghị lực, là tầm cao về tư tưởng và khả năng quyết đoán chiến lược… Những vấn đề về mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng, lãnh tụ và dân tộc, lãnh tụ và thời đại… được biểu hiện khá phong phú trong thơ ông. Mặc dù hình tượng đó mới chỉ nói được một phần đức tính của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh:

- Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc…

- Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể…

- Tình yêu lớn làm Bác thành chiến sĩ,

Thành Tư lệnh tối cao…

- Nếu quên khẩu súng thành gươm, ta chẳng hiểu Người…

- Tám trăm xác phi cơ ùn cao dưới chân dép Bác Hồ…

- Mỗi con sóng đau thương trên bể loài người

Đều chấn động trái tim Người thuỷ thủ…

Trên phương diện cảm nhận Bác là nhà văn hoá lớn, nhà thơ lớn, Chế Lan Viên nhận ra bản sắc văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại và cốt cách nghệ sĩ trong con người Bác. Xúc động nào hơn khi “Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ/ Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa/ Lòng son ngời như buổi mới ra đi”. Và rồi những câu quan họ, xẩm, xoan, thơ lục bát, tranh làng Hồ… đã bừng sáng lại khi “Người đánh thức hồn dân tộc đã về”.

Chế Lan Viên ca ngợi văn phong của Bác là “bình dị các câu thơ”, “trong suốt lời văn”, “trang văn lỗi lạc”“suối Lê - nin reo vào giữa thơ Người”.

Đọc bài thơ Di chúc của Người của Chế Lan Viên, ta thấy như đồng điệu với cảm nghĩ của tác giả: “Ngỡ như trên nghìn đỉnh non cao, vạn dòng nước chảy/ Có tình thương của Bác bao trùm”. Và chúng ta càng thêm đinh ninh lời thề thiêng liêng hôm nào trước Ba Đình lịch sử, nguyện "mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng" (Điều văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, ngày 9/9/1969).

------------------------------------------

(Báo “Giáo dục và thời đại, chủ nhật”, số 25-1999 và trong sách “Suy nghĩ từ những trang văn”, Nxb Giáo dục, H.2002).

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI VỀ MIỀN NÚI 

Không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật. Nó khác với không gian vật chất ở ngoài đời. Sự khác biệt giữa hai khoảng không gian nhiều khi có ý nghĩa lớn bởi nó chuyển tải nội dung nào đó của câu chuyện. Có thể đó là những khoảng đời khác nhau trong một con người  hoặc một ranh giới khu biệt hai mảng sáng, tối của một xã hội.

Đặc sắc của không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Tô Hoài về đề tài miền núi biểu hiện rõ nhất là không gian của những ranh giới giá trị.

Mỵ và A Phủ đã từng ở trong hai không gian trái ngược nhau như là bóng tối và ánh sáng. Đó là chuỗi ngày sống ở nơi địa ngục trần gian ở Hồng Ngài làm thân con trâu, con ngựa cho thống lí Pá Tra. Đó cũng là những ngày sang khu giải phóng Phiềng Sa, thoát khỏi ách kìm kẹp của nhà thống lí.

Trước cách mạng, nhân vật của nhiều nhà văn thường hoạt động trong một không gian hẹp. Cũng có vài nhân vật muốn vượt khỏi không gian chật hẹp để đi xa hơn chẳng hạn như Dũng (Đoạn tuyệt) hoặc những "khách chinh phụ" "dấn bước chuân chuyên khắp hải hồ" (Thơ Thế Lữ). Nhưng họ lại không có mục đích và lí tưởng rõ ràng.

Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Tô Hoài chủ yếu đặt trên hai bình diện khác nhau. Một là không gian của cả xã hội phía trước và phía sau của cuộc cách mạng: Hai là không gian của những số phận con người trải qua hai vùng sáng, tối khác nhau như Mỵ, A Phủ trong Vợ chồng A  Phủ hoặc là Ảng trong Cứu đất cứu mường…

Ba truyện trong tập Truyện Tây Bắc và truyện Thào Mỵ kể đời mình nổi lên rõ nhất không gian nghệ thuật của thời điểm trước cách mạng (một cuộc sống tối tăm) và sau ngày giải phóng (cuộc sống rạng rỡ hơn). Nhưng ngay trong bản thân mỗi kiếp người cũng có những không gian văn học khác nhau. Đối với Thào My, không gian của phận làm dâu như con ngựa trong tàu, của nắm lá ngón định kết liễu đời mình. Đồng thời đó cũng là không gian của những ngày đi tiễu phỉ trên biên giới rồi làm công tác phụ nữ ở huyện và được kết nạp Đảng. Đây là không gian mà "sáng sớm mặt trời lên chói lọi đỏ hồng, chiếu khắp núi rừng đẹp đẽ… Cây có cành, hoa có quả, làm cho trái tim hồi hộp nhớ gì như nhớ mùa hoa thuốc phiện cuối cùng" (Thảo Mỵ kể đời mình).

Hầu hết truyện ngắn còn lại của Tô Hoài là không gian nghệ thuật rộng lớn của một xã hội vừa được giải phóng và đang đi vào cuộc kháng chiến. Không gian của núi rừng mở ra thật là đẹp và thơ mộng nhưng cũng có khi thật là dữ dội. Con người kháng chiến hoạt động trong không gian đó.

Họ không bó hẹp quanh nếp nhà sàn, lán coi nương rẫy mà họ vươn ra không gian xa, rộng. Đó là làng, xã, huyện và thậm chí còn đi xa hơn.

Không gian rộng mở đã đưa đến cho họ có một tầm nhìn cao rộng hơn, đẹp hơn và cảm thấy yêu quý quê hương hơn. Đó là cái nhìn của Hùng Vương khi dạy các con học hát: "Trăng mùng mười đã lên đưng trên đầu núi trong leo lẻo" (Đồng chí Hùng Vương). Hoặc cái buổi sáng Tư ở lại Pá Pầu: "… từ trong hốc núi cuối thung, mây trắng trôi cuồn cuộn bập bềnh như sóng trên làng mạc và cánh đồng. Các chỏm núi trên triền núi Cứu Quốc xanh rì nhô lên như những cù lao chơi vơi giữa bể tuyết" (Tào Lường).

Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Tô Hoài có sự chuyển dịch phù hợp với tâm trạng con người trong một số trường hợp: không gian thoáng đãng, thơ một trong cảnh Sạ, Mát và Ích đi trong rừng. Không gian u ám trong những ngày giặc chiếm đóng Mường Giơn: "khói đốt thóc cháy mù mịt, tiếng người sót của kêu thóc… những tiếng ghê rợn đùng đùng nổi giữa núi rừng". Không gian như chuyển động hoà nhịp với khung cảnh của Mường Giơn giải phóng: "… buổi sáng mùa đông khô ráo. Từ mặt đất, mây mù cất cao như cái mành sương dần dần cuộn lên, đầu iên trông thấy đồng lúa chín, rồi nước suối Nậm Giơn óng áng sáng, rồi nóc nhà trong làng nhấp nhô, rồi đến ngang lưng quảnúi xanh ngắt".

Không gian trong truyện ngắn của Tô Hoài về đề tài miền núi chủ yếu là ở vùng Bắc Kạn (Việt Bắc) và Tây Bắc.

Gắn với nhiều nhân vật, nhiều cảnh đời là con đường núi. Đây là hình tượng không gian quan trọng trong truyện ngắn Tô Hoài. Từ con đường này mở ra tới các vùng núi khác nhau và hội tụ về một con đường: cách mạng.

Những năm bị giặc chiếm đóc, cuộc sống người dân ngột ngạt, con đường như được mô tả gập ghềnh, đi vào ngõ hẻm (Mường Giơn trong những năm Pháp chiếm đóng).

Con đường đó cũng được mở ra, vươn xa, đón nhận bàn chân của người miền núi giác ngộ và đi theo cách mạng. Đó là cảnh tượng làm lễ thành lập đội du kích Ba Bể thì "đồi cỏ tranh lô xô". Sau lưng, triền núi Cứu Quốc vươn lên như một cánh tay áo chàm bát ngát. Đó là cảnh bà Ảng thoát khỏi địa ngục Mường Cơi, thì bà nhận ra trên khu du kích cảnh vật cũng tan đi phần u ám: "Đám mây lốm đốm xám như đuôi con sóc nối nhau bay quần sát ngọn cây, lê t hê đi mãi, bây giờ cứ loáng thoáng nhạt dần, thỉnh thoảng dứt quãng, đã thấy lồ lộ đằng xa một bức vách đá trắng toát. Tiếng chim kì lại thánh thót gọi mưa tạnh, trong rừng khoảng trời dịu xang quang, tạnh ráo" (Cứ đất cứu mường).

Con đường Sạ và Ính đi về nhà kết thúc câu chuyện ròng rã gần mười năm cũng có một ý nghĩa riêng.

Mặc dù họ không đi theo đường giữa đồng mà đi theo "con đường xa hơn, vòng theo ven rừng, con đờng có bóng cây lúc đạm lúc nhạt trong nắng" và thoang thoảng "mùi hương nhu"…

Khung cảnh ấy, không gian nghệ thuật ấy báo hiệu một ngày bình yên trên quê hương.

Không gian nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về miền núi chủ yếu làm nền cho những vấn đề của xã hội, không phải là không gian riêng của đời tư.

Chính vì vậy, ta thấy đồi núi trập trùng, thác gầm dữ dội bao quanh, trùm lên số phận của cả một làng bản chứ không trừ một ai.

Khi Pháp lên tới chợ Phủ thì "Các xóm bắt đầu làm vườn không nhà trống", "làng xóm lặng lẽ, lạnh lẽo…" (Đồng chí Hùng Vương). Pháp chiếm đóng được Mường Giơn thì: "Hai cái Tết buồn nữa qua rồi… Trời đất vui sao được… Một ngày ở đây người ta cứ trông mặt trời lặn nhanh cho đỡ khổ" và "Lính tuần đeê ngày vào làng, đàn bà con gái lại phải trốn đi ở rừng… Mặt trời đã lặn tưởng bớt khổ. Mặt trời mọc, cái khổ, cái hại hôm qua còn nhiêu hơn. Làng nước, người người đều ăn cơm sầu, ở cơn buồn với nhau…" (Mường Giơn).

Không gian trở nên thoáng đãng, rực rỡ sắc màu cũng là lúc số phận của cộng đồng đón nhận sự đổi thay. Bởi lẽ, đối với nhà văn, không gian miền núi là bầu bạn với con người ở đây, cùng chung cảnh ngộ buồn, vui. Được hoà vào với thiên nhiên cũng là để chia bớt nỗi tủi nhục, u sầu và cũng là để đón nhận và c hia nỗi mừng vui.

Đồng chí Hùng Vương nhận nhiệm vụ đi Ngân Sơn giữa khung cảnh "Trăng mùng mười đã lên đứng trên đầu núi trong leo lẻo. Tiếng hai đứa trẻ con thánh thót hát theo bố". Buổi chiều đi xa, buổi sáng anh vẫn cùng vợ và con đi bừa. Cảnh tượng đó nhưa chứa chất một niềm vui: "Ba con trâu, ba cái bừa răng gỗ, ba người bừa đi bừa lại, quần vòng vèo trên mảnh ruộng nước hẹp, như trẻ con chơi rồng rắn đuổi nhau" (Đồng chí Hùng Vương).

Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Tô Hoài về đề tài miền núi là khômg gian kháng chiến. Bộ mặt của chiến tranh là khắc khổ, có ảm đảm, có màu sắc rực rỡ. Nhưng đây cũng là không gian của cả cộng đồng. Tô Hoài mô tả một cái tết kháng chiến: "Rồi Tết đến. Mọi nhà trong làng dựng lên đầu lán một cành tre buộc cái hoa rừng đỏ chói. Người ta xuống suối làm thịt lợn. Nhà khá ăn cả con, nhà nghèo thì hai ba nhà chung nhau mổ. Năm nay chỉ có một đám còn ở một khoảng ruộng gần rừng (Năm ngoái thì quả còn bay khắp đồng như bươm bườm). Quả còn đuôi tím, đuôi đỏ, nhịp nhàng lượn bên trai sang bên gái, bên gái về bên trai. Những tà áo, những thắt lưng, những nếp váy chàm tìm ngắt, tung tăng. Những miệng nhai trầu chúm chím đỏ. Những con mắt đung đưa…" (Du kích huyện).

Khi Pháp trở lại chiếm Mường Giơn, một không khí nặng nề bao trùm cả không gian xứ sở. Sau trận càn của Pháp lên khu du kích Phìn Sa thì "Nửa tháng đã qua, vẫn thấy từng đàn quạ nối nhau lượn tìm mùi tanh trên các đầu núi". Rồi những ngày tăm tối của người dân Hồng Ngai - mà Mỵ và A Phủ là tiêu biểu…

Có khi xem giữa không gian u ám là một không gian sáng sủa. Nhà văn dùng thủ pháp đối lập để làm nổi bật hai mảng của cuộc đời và xã hội.

Đó là không gian thoáng rộng trong khung cảnh mùa xuân gái trai đi chơi Tết (những chiếc váy hoa xoè như con bướm sặc sỡ) với không gian tù túng với một căn buồng nhỏ hẹp chỉ có một lỗ nhỏ thông ra ngoài, nơi A Sử đầy đoạ Mỵ là không gian tiêu biểu dành cho cả cộng đồng. Còn biết bao cô con dâu gạt nợ khác đang kẹt lại nhà thống lí Pá Tra.

Không gian của xã hội, của cộng đồng nhiều lúc dồn nén lại để rồi bùng ra, căng đầy sức sống. Đêm bộ đội về giải phóng Mường Giơn không gian như có sự thay đổi kì lạ: "Ông con ông Mờng và cả làng cứ ra công suốt đêm dỡ củi ủng hộ bộ đội đun nước. Không ai còn muốn có cái rào, cái chòi canh, cái cổng ấy. Đến sáng thì quanh làng đã quang cả hai lần bờ chông".

"Bây giờ, một buổi sáng màu đông khô ráo. Từ mặt đất, mây mù cất cao như cái mành sương dần dần cuộn lên, đầu tiên trông thấy cánh đồng lúa chín, rồi nước suối Nậm Giơn óng ánh sáng, rồi nóc nhà trong làng nhấp nhô, rồi đến ngang lưng quả núi xanh ngắt" (Mường Giơn).

Không gian xã hội của truyện ngắn Tô Hoài rõ ràng có tầm vóc cao, rộng khác với không gian của đời tư của nhiều tác phẩm viết trước cách mạng là không gian nhỏ hẹp bó gọn trong một sạp hàng, chõng tre, căn buồng, ngôi nhà…

Xứ sở núi rừng xưa được mô tả với nhiều vẻ kì quái thì nay, Tô Hoài miêu tả đầy thơ mộng nhưng cũng có lúc thật dữ dội. Tiếng chim kì như giục giã đôi hồi làm náo động cả không gian hoạt động.

Không gian xưa nhốm cảnh buồn mênh mang vô cớ thì với những sáng tác của Tô Hoài ngay sau cách mạng và trong kháng chiến đã có một điểm tựa là con người, là cách mạng. Không gian ấy làm tan biến sự cô đơn của nhân vật, hoà nhân vật vào niềm vui chung.

8 - 1997

------------------------------------------------

(Tạp chí “Văn học và tuổi trẻ”, số 44 – 1999 và sách “Cảm nhận thời gian”, Nxb Hội Nhà văn, H.2010)

NHỮNG VẦN THƠ VIT Về M CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Hình tượng người mẹ từ lâu đã được thơ ca thể hiện và có những thành công đáng khích lệ. Những bài như Bầm ơi, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt (Tố Hữu), Bà cụ mù loà (Xuân Diệu), Mẹ, Gốc nhãn cao (Chế Lan Viên), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa) v.v… là những bài thơ xúc động lòng người.

Trong dòng cảm nghĩ chung của thơ sau cách mạng, thơ Nguyễn Khoa Điềm về người mẹ được biểu hiện là một nét riêng của truyền thống văn hoá Việt Nam: yêu nước, tiến bộ và giàu bản sắc dân tộc.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm xuất hiện vào những năm đất nước tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chính vì vậy, hình ảnh người mẹ hiện lên trước hết là người mẹ yêu nước, người mẹ anh hùng.

Lí tưởng và hành động yêu nước trong mẹ như ánh lửa thiêng soi đường cho các con của mẹ. Lời mẹ dặn như chứa đựng cả lời non nước gửi tới thế hệ hiện tại và tương lai.

“Nước mặn lên lúa héo ở bên cồn

Mẹ vẫn dặn “đổi nước ngọt” chứ đừng “bán nước”.

                                           (Đất ngoại ô)

Xứ Huế những năm trước 1975, giữa không gian khi oi nồng, khi lạnh lẽo, có người mẹ “ngồi bán hàng suốt mùa mưa” với “Nước mắt thương chồng lạnh như hạt mưa đọng qua cửa thùng gương”. Rồi khúc ca dao mẹ hát cũng là “đau biết mấy trước bến Văn Lâu”. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), cùng góp sức với các con và đồng bào, mẹ đã may cờ để “Cửa Uỷ ban rực rỡ lá cờ hồng” (Đất ngoại ô).

Tình cảm yêu nước được dồn nén trong hành động bình dị mà anh hùng của mẹ nhằm góp sức cho kháng chiến: “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội / Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng / Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi / Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời” (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ).

Nguyễn Khoa Điềm như cảm thấy trong một người mẹ hội tụ sức mạnh của muôn ngàn bà mẹ. Khi họ bị dồn tới đường cùng thì họ không còn đường nào khác là hành động với khả năng phi thường. Đó là điểm tiến bộ về chất so với người mẹ trong quá khứ: “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng / Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối / Mẹ địu em đi để đánh trận cuối…” (Khút hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ).

Giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm có khi rất tha thiết, tự hào ca ngợi mẹ Việt Nam, người sản sinh ra lớp lớp anh hùng mạnh bước trên đường giữa những năm tháng không thể nào quên.

“Những ngựa đá lại xuống đường

Những rồng đá phải bay lên mà đuổi giặc

Những bà mẹ đo chân vào thần tích

Để hoài thai triệu triệu những anh hùng

Những anh hùng Việt Nam chống Mĩ

Đang xuống đường như nắng xuống quê hương…”

                                  (Mặt đường khát vọng)

Nguyễn Khoa Điềm còn dành những vần thơ tha thiết biểu hiện người mẹ nghĩa tình.

Bản sắc dân tộc mình được lưu giữa và phát triển qua nhiều thế hệ. Công lao to lớn nhất là thuộc về các bà mẹ Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra một chi tiết rất có ý nghĩa:

   “Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

"Tuổi của mụ" con nằm tròn bụng mẹ

Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhằm mắt ra đi ...”.

                                    (Mặt đường khát vọng)

Nhà thơ thú nhận những khiếm khuyết của mình để tôn vinh người mẹ ở tấm lòng hết mực thương con: “Con là đứa hay quên / Mà mẹ thì hay nhớ”. Nhớ không phải để kể ơn mà để nhắc con đừng quên những tháng năm vất vả. Mẹ nhớ “cái áo là từ con gà mái quạ / Để trứng liền hai năm / Mùa con đau là mùa chạy giặc / Em gái con mờ hai mắt / Chữa hai con là thuốc dấu, thuốc thầm…”. Nỗi nhớ của mẹ nhân thành nỗi nhớ và là “nhớ nguồn nhớ cội” (Nỗi nhớ).

Nguyễn Khoa Điềm khẳng định từ tình thương của mẹ đã “đưa ta vào đời”. Bởi mẹ “đã trút cho con một phần thân thể” cùng “một phần mùa xuân” (Ngôi nhà có ngọn lửa ấm). Từ tình nghĩa ấy, mẹ đã tiếp sức cho con trên đường ra trận. Tình mẹ như dồn vào bàn tay và ánh mắt: “Cuối nẻo đường muôn ngàn tay mẹ vẫy/ Chúng con đi trong gió những bàn tay ...” , “Mắt mẹ hay sao Hôm/ Mà long lanh ngấn lệ” (Thưa mẹ, con đi).

Phẩm chất thuỷ chung của đời mẹ là một mạch ngầm cho thơ khai thác. Điều đó bắt nguồn từ truyền thống và đạo lí của dân tộc. Bắt nguồn từ “Người con gái trở về nuôi cái cùng con”. Bắt nguồn từ “tóc mẹ thì bới sau đầu” để làm nên cái nghĩa tình lung linh như ngọc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Mặt đường khát vọng). Tình nghĩa thuỷ chung chồng vợ được truyền tụng bởi có muôn ngàn người vợ đáng kính: “Mẹ thương thương cả lạch nguồn đời cha” (Biển trước mặt).

Người mẹ nghĩa tình có đức tính quý báu là cần cù, tần tảo. Nguyễn Khoa Điềm thường nói về những bà mẹ “ngồi bếp lửa chiều lặng lẽ” và “khơi bếp lửa hồng như cổ tích ca dao” (Ngày vui). Người mẹ đã từng trải qua “những năm đói khổ” từ mái đầu xanh cho đến “tóc mẹ bạc rồi” (Nơi Bác từng qua). Nhà thơ cảm nhận nỗi vất vả cực nhọc của mẹ từ “nhịp chày nghiêng”, từ “mồ hôi mẹ rơi”, từ “vai mẹ gầy”, từ “lưng mẹ nhỏ”, từ “đáy mắt mẹ tôi” cho đến "trăm năm đời mẹ".

Chính từ “đời mẹ tảo tần cay đắng” ấy đã “từng nuôi chúng con làm nên chiến thắng” (Ngày vui).

Một trong số những bài thơ hay của Nguyễn Khoa Điềm là bài Mẹ và quả. Bài thơ như chứa đựng những điều sâu xa, cô đúc trong cảm xúc và suy nghĩ của nhà thơ về mẹ. Ý thức biết dựa vào chính mình hiện lên rất rõ trong tâm hồn mẹ:

“Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời khi như mặt trăng”.

Nhà thơ dùng thủ pháp đối lập và so sánh để ca ngợi khả năng thần kì của mẹ trước thiên nhiên và con người:

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống.

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”.

Để đền đáp lại công lao và tấm lòng thơm thảo của mẹ, nhà thơ đã đại diện cho thế hệ mình bộc lộ những tình cảm chân thành và thiết tha với mẹ:

“Và chúng tôi, một thứ quả trên đời.

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”

Nhà thơ đã đúng, với mẹ thì chúng ta mãi là “thứ quả non xanh”. Tất cả chúng ta đều “từ tay mẹ lớn lên”.

Thái Nguyên, 10 - 1998

--------------------------------------------------------

(Báo Giáo dục & Thời đại, số 104 (1601), 29-12- 1998 và trong sách “Những chặng đường Thơ”, Nxb Giáo dục, H.2003)

 

MÙA XUÂN DÂNG ĐẢNG 

Tôi sinh bên bến sông Hồng

Tới trường trong ánh sáng hồng Điện Biên

Nương chè, đồi cọ thần tiên

Mừng đường sắt lại nối liền Thủ đô.

Trung thu, rước ảnh Bác Hồ

Đồng quê bát ngát lúa ngô, nắng tràn

Công trường nhà máy rộn ràng

Đại hội Ba, rợp sao vàng đường lên.

Ông bà nhắc chuyện không quên:

Những đời nô lệ, trời đêm mịt mùng

Đất liền, chia Bắc – Nam – Trung

Núi cao, góc biển, khốn cùng, đau thương!

Việt Minh xuất hiện, ngoan cường

Đưa toàn dân tộc lên đường Tự do

Việt Nam - Độc lập - Bác Hồ

Hiên ngang một dải, bản đồ ngời tên…

                             ***

Những năm chia cắt đôi miền

Những năm bom giặc dội trên bến phà

Tiễn bao trai tráng đi xa

Thương bao chị đảm việc nhà chẳng ngơi.

“Trận Điện Biên” nở giữa trời

Rồi tăng rầm rập chuyển rời phương Nam

Cùng toàn dân tộc hân hoan

Mừng vui thống nhất, giang san chung đường…

Mới vừa hàn gắn vết thương

Chiến tranh lại nổ, biên cương xót lòng…

Việt Nam nhân nghĩa, anh hùng

Vừa cứu Bạn, lại cứu đồng bào ta.

                                               

***

Mốc son Đại hội mở ra

Con đường Đổi Mới xoè hoa vẫy mình

Nghìn năm truyền thống ân tình

Mở lòng Hội nhập giữa hình năm châu.

Trống đồng vang khắp địa cầu

Cờ sao tung cánh trên đầu, kém ai

Quê hương trên dặm đường dài

Hoa đào thêm thắm, bông mai thêm vàng.

***

Tân xuân Canh Tý vừa sang

Đã cơn đại dịch làm “toang” địa cầu

Việt Nam vững ở tuyến đầu

Bốn phương ngưỡng mộ, năm châu phục tài.

Xót lòng hứng những thiên tai

Miền Trung đau, lụt tác oai, dữ dằn!

Muôn nhà cùng vượt khó khăn

Chăm lo sản xuất, thêm gần ban mai.

Ngẩng trông muôn dặm đường dài

Đồng lòng một ý, ngọc mài càng trong

Búa liềm rạng rỡ ánh hồng

Soi đường, tàu vượt bão giông bao lần.

Sáng nay cảng cá vui dần

Tàu dừa vẫy biếc mấy tầng mây xa

Thành công  Đại hội Mười Ba

Sẽ soi sáng bước chúng ta trên đường.

Dựng xây đất nước hùng cường

Biển khơi lặng sóng, biên cương vững vàng

Dân giàu, cuộc sống sang trang

Lời yêu quan họ dịu dàng thân thương.

Vời trông Pác Bó mây vương

Bác Hồ ơi, khắp bản mường reo ca

Tám mươi năm ấy chưa xa

Bác về chỉ lối dân ta phá xiềng.

Để nay sông núi thiêng liêng

Đất Vua Hùng khắp mọi miền đổi thay

Ngỡ như Bác trở về đây

Xuân Ba Đình nắng dâng đầy niềm tin…

                                      1 - 2021

---------------------------------------                             

(Bài đã in trên Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”,  số 312+313, Tháng 1+2-2021)

CHIỀU CHIẾN KHU XƯA 

Suối lặng lẽ buông mình qua phố huyện

Đôi bóng đa già thả lá quanh tôi

Cầu Tà Ma tạc dáng ai bẽn lẽn

Ánh mắt cười nghiêng sườn dốc chơi vơi.

“Trạm vi-ba” in sắc trời tím biếc

Căng Chợ Chu sao thắp giữa sương nhoà

Chùa Hang(*) say sáo chiều da diết

Dồn nhớ thương trong kỷ niệm mờ xa.

Tôi về bên rừng mai, đồi trám

Lá cọ xoà xoa dịu nỗi niềm riêng

Chiều một thoáng mà chan đầy năm tháng

Gặp một lần để tình mãi chung chiêng.

                                                               Định Hóa, 12-4-2003

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­---------------------------------------------

(*) Nơi Bác Hồ từng ở và chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.

 - (In trong tập “Một thoáng đời đi”, Nxb Hội Nhà văn, H. 2006)

CHÙA HANG ĐỊNH HÓA 

Nắng tháng Năm dát vàng vách đá

Sáo tìm về xây tổ véo von

Con xúc động lần theo dấu lá

Thoắt thời gian đã mấy chục năm tròn.

Cây “hoàng lan” trăm mùa bóng rợp

Ngát hương thơm nơi Bác từng ngồi

Hang thăm thẳm riêng khoanh trời dịu mát

Ý tưởng Người rạng rỡ toả từ đây.

Đồng xanh biếc hẹn mùa vàng trĩu hạt

Hương rủ nhau theo gió quện vào hang

“Hoa bóng nước” ngày ngày thương nhớ Bác

Cũng phớt hồng quyến luyến gửi tình sang.

Nắm tay em lần theo từng bậc đá

Thêm thương Người ruột hang lạnh năm xưa

Để mang lại cho đời tất cả

Dáng “áo chàm” gói trọn niềm mơ.

Khắp phố cờ reo mừng Đại hội

Mừng con đường rộng mở tương lai

Đàn em ríu rít quanh trường mới

Cô giáo duyên duyên một nét cười.

 Định Hóa, 7-5-2006

-----------------------------------              

(Đã in trong tập thơ “Núi ấm tình Người”, Nxb Hội Nhà văn, H.2009)

SAO NOỌNG ƠI!       

Gần bảy năm sống ở Mường Lò

Quen những Tông Co, Suối Đôi, Bản Hẻo...

Sơn nữ Thái lội suối trong thật khéo

Váy quấn lên đầu khi nước ngập sâu...

Có lúc nhủ thầm: sẽ ở dài lâu

Gắn bó với đất, người Tây Bắc

Rồi cuộc đời cuốn theo gió lốc

Đâu có ngờ xa là mãi cách xa.

                           

Đêm thu này Nghĩa Lộ ngợp sao sa

Sao từ trời, sao mắt ai nhấp nháy

“Xòe điệu”, “xòe vòng”... đốt lòng nhau bùng cháy

Giọng “khắp” ngân nga xao xuyến thuở ban đầu.

Dải Hoàng Liên chè, thông biếc một màu

“Áo cóm” cong thân hình rất tuyệt

“Điệu xòe thương nhau” dặt dìu tha thiết

Sao noọng ơi, ngày xưa lại trở về.

9 - 2017

-------------------------------------------------

(Đã in trên Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” số 289, Tháng 2/2019 và trong tập thơ “Đi giữa non sông”, Nxb Hội Nhà văn, H.2019)

TẤM LÒNG VIỆT

Nhớ những năm khói lửa chiến tranh

Đường bị bom, bùn lầy, xe pháo không qua được

Bà con mình mang phản nằm ra lát

Cả nước một lòng, tất cả hướng tiền phương...

 

Nay địa cầu hoảng loạn hứng đau thương

Chỉ bời “giặc” vô hình là con Covid...

Chúng tiến đánh gần hai trăm nước

Vạn mạng người nối nhau tới Diêm Vương!

Việt Nam ta sau hai tháng kiên cường

Mười bảy (17) người vượt qua bất hạnh

Dẫu cuối tháng Ba đang tăng ca nhiễm bệnh:

Bảy sáu (76), tám lăm (85) và chín mốt (91) hôm nay.

Khẩn trương tăng biện pháp cách ly ngay

Dồn sức chữa những người nhiễm mới

Bao chiến binh lặng thầm trong đêm tối

Vì sự sống đồng bào chấp nhận mọi khó khăn.

Nhà khoa học thức trắng nhiều đêm để làm ra bộ KIT

Khiến bè bạn gần xa thán phục trí tuệ vàng

Em bé dành tiền mừng tuổi, mua khẩu trang tặng bạn

Thêm ngời ngời phẩm giá Việt Nam.

Phía trước cuộc chiến này còn lắm gian nan

Nên cần lắm sức nhân dân cả nước

Bằng tinh thần và cả bằng vật chất

Để chúng ta tăng đề kháng cho mình.

Một tin nhắn gửi đi cũng thấm đượm nghĩa tình

Hàng tỷ đồng của những nhà từ thiện

Một câu hát, lời thơ cất lên đồng điệu

Là lớn dần sức mạnh toàn dân.

Máy móc sẽ nhiều thêm, khu nhà bệnh sẽ thêm gian

Những người nghèo sẽ có thêm chỗ dựa

Chống bão tố phải vững từ cánh cửa

Từ trái tim đầy nhiệt huyết Việt Nam.

Ngày hôm qua nắng ấm đã ngập tràn

Hy vọng tới bình minh thêm rực rỡ

Người xuất viện nhiều thêm, bừng hoa nở

Bởi nơi này - đất nước của tình thương.

    21-3-2020

---------------------------------------------

(Đã in trên Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” số 303, Tháng 4/2020 và trong tập “Năm tháng không quên”, Nxb Hội Nhà văn, H.2020)

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Khánh Hạ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước