Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
22:27 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Nguyễn Bích Hồng 

NGƯỜI KHÔNG TIM

- Một bát phở tái cô nhé!

- Có ngay!... Mà hôm nay vẫn đi tìm nguồn cảm hứng hả họa sĩ trẻ?

- Vâng.

- Đề tài tình yêu tình báo thì đầy ra đấy mà sao cậu đi suốt vẫn không tìm được cái gì để vẽ vậy?

Tôi bật cười. Tình yêu tình báo ư? Quả là khi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát động cuộc thi vẽ tranh lớn nhất nhì trong năm với chủ đề vỏn vẻn hai chữ: “Trái tim” thì ối họa sĩ cứ lao đầu vào cái mảng đề tài tình yêu nam nữ ấy, còn tôi, tôi muốn vẽ một cái lớn lao hơn, đó là tình người.

Bát phở nóng hổi, bốc khỏi nghi ngút. Tôi vừa mới lau đũa và thìa, chuẩn bị thưởng thức nó, thì giật mình bởi một tiếng nói nhỏ nhưng đủ nghe.

- Chú ơi, chú đánh giày không ạ?

Tôi ngước lên nhìn, một cậu bé gày nhẳng, đen đúa, tay xách một hộp đồ dụng cụ đánh giày, bộ quần áo trên người cậu bạc phếch, cũ kĩ và nhàu nát, nom có vẻ như lâu lắm rồi cậu không tắm giặt gì vậy.

- Chú có đánh giày không ạ? - Thằng bé nhắc lại một lần nữa. Lúc này tôi mới thôi không nhìn chăm chăm vào thằng bé nữa mà cúi xuống nhìn đôi giày của mình. Đôi giày da nhưng bám đầy bụi đất, còn chẳng nhìn ra nổi màu nâu bóng ban đầu của nó nữa. Thì đó, ngày nào tôi cũng phải cuốc bộ mấy chục cây số, lang thang khắp các ngõ ngách của thành phố để tìm cảm hứng cho bức tranh “Tình người” mà tôi ấp ủ thì thử hỏi làm sao đôi giày trông lại không tàn tạ được chứ. Tôi quay lại với thằng bé, lắc đầu cười:

- Đôi giày này tí nữa nó còn phải lao động mấy chục cây số nữa, có đánh bóng cho nó thì cũng lại như ma mút ngay thôi.

Thằng bé như hiểu được câu trả lời của tôi, khuôn mặt nó buồn thiu, nhưng nó vẫn không vội đi ngay, cứ đứng ngây người trước mặt tôi. Ọc ọc. Âm thanh như ấm nước sôi sùng sục vang lên từ bụng thằng bé. Nó đưa mắt nhìn chăm chăm vào bát phở nóng, có phần đã nguội bớt của tôi. Một cái nhìn lộ rõ vẻ đói khát của nó. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì cô chủ quán từ đâu bước tới, lôi xềnh xệch thằng bé ra ngoài.

- Cái thằng này, đã bảo đừng bén mảng đến đây nữa rồi mà. Chỗ ăn uống mà người mày thì chua loen loét thế này, khách nào ăn cho ngon được hả?

Tôi định lên tiếng nhưng thằng bé đã ra khỏi quán nên lại thôi. Tôi quay lại với bát phở của mình, vớt một miếng phở lên ăn nhưng hình ảnh thằng bé cứ ám ảnh khiến vị phở trong miệng chẳng thấy ngon chút nào. Chưa kịp nuốt trôi miếng phở, tiếng chị chủ quán lại vang lên:

- Cụ ăn xin ăn xỏ gì ở đây chứ? Mới sáng ngày ra mà lắm người đến ám quẻ thế không biết! - Cô chủ quán nóng nảy nói như tát nước vào bà cụ ăn xin, dáng lọm khọp, già cả lắm rồi.

- Cô thương tình cho già chút gì ăn. Cả ngày hôm qua già không có gì bỏ vào bụng cả.

- Chả có gì cho cụ đâu. Thôi cụ đi chỗ khác cho cháu còn làm ăn! - Cô chủ quán xua tay đuổi bà cụ rồi lại vội vã trở vào trong quán, tất bật với nồi phở của mình. Nhìn dáng bà cụ lập cập chống gậy bước đi, tôi toan đứng dậy nhưng lại bị cuộc nói chuyện của hai cô gái bàn bên cuốn vào.

- Bây giờ sao lắm ăn xin thế không biết!

- Thì toàn kẻ lười lao động, tưởng xin đồng tiền của thiên hạ dễ chứ sao! Cứ viện cớ già cả để đi ăn xin, chứ như bà mình, già thế mà vẫn cuốc đất, trồng rau cho cả nhà ăn; ra chợ, cũng đầy ông bà già bảy, tám mươi tuổi rồi mà vẫn gánh hàng rau đi bán. Còn sức thì phải làm người ta mới thương được chứ!…

Câu chuyện vẫn tiếp tục nhưng tai tôi đã ù hết cả lên chẳng nghe thấy được gì nữa. Trong tôi chỉ còn lại một nỗi xót xa khó tả. Tôi tự hỏi, nếu bà cụ ăn xin vừa nãy mà là bà của cô gái trẻ kia thì không biết cô ấy có nói những lời cay độc thế không? Tôi thở dài đánh thượt một cái rồi quay lại với bát phở của mình. Nhưng bát phở đã nguội ngắt. Nguội lạnh như chính những trái tim vô cảm quanh tôi đây.

Tôi tiếp tục cuộc hành trình dong duổi đi tìm cảm hứng cho bức tranh dự thi của mình. Nhưng choáng ngợp hết tâm trí tôi lúc này là hình ảnh của cậu bé đánh giày và bà cụ ăn xin. Tôi bước đi với cái bụng rỗng tuếch, nhưng tôi không hề thấy đói, chỉ thấy lòng mình nặng trĩu. Tôi muốn vẽ một bức tranh “Tình người”, một bức tranh mà có thể khơi gợi, đánh thức ở lòng người tình yêu thương giữa những con người với nhau. Nhưng kể từ khi quyết định tham gia cuộc thi, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, lên rừng, ra biển, về đồng bằng, đến nông thôn và nay trở ra thành phố, thời gian cũng gần nửa năm trời mà vẫn chẳng tìm được điều mình muốn. Cuộc sống bây giờ, con người như bị cuốn vào một guồng quay, mà ở đó, tình cảm giữa những con người với nhau trở nên gượng gạo, xa cách, thậm chí là tàn nhẫn, để rồi cuối cùng biến thành bệnh vô cảm.

- Tiên sư… cái nòi giống… nhà họ X… Từ già… đến trẻ… từ bố… đến con… - Tiếng nói như gào lên bằng một cái giọng khàn đặc của người già và lè nhè của người say rượu từ căn nhà bên đường cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Tôi nhìn vào căn nhà, có một bà cụ già ngồi khật khưỡng trên chiếc ghế phòng khách, với chai rượu trên bàn. Cụ bà trông có vẻ say lắm rồi, miệng cụ vẫn không ngớt những lời chửi rủa nòi giống nhà cái họ X nào đó.

- Cái bà này chửi suốt từ sáng đến giờ không chán nhỉ? - Một cậu thanh niên vừa rít xong một hơi thuốc lào hỏi cô bán nước ngay cạnh chỗ tôi đang đứng.

- Bà ấy còn chửi đến tối! Ngày nào mà chẳng uống rượu rồi chửi con cái, còn lôi cả mồ mả tổ tiên nhà chồng lên chửi nữa.

- Thế con cái không nói gì à?

- Ối giời, nó chửi cho suốt ngày, còn ra chợ tuyên bố: “Ai thấy bà Hoan chửi bố tôi thì cho tát thẳng tay!”.

- Lại còn ghê thế nữa à?...

Tôi ngán ngẩm trước câu chuyện vừa nghe. Sực nhớ tới mẹ. Đã lâu lắm rồi, từ hồi mải mê với việc dong duổi khắp nơi cho bức tranh dự thi của mình mà đã gần 6 tháng trời tôi không về thăm mẹ. Tối qua, mẹ tôi lại gọi điện giục về, mẹ bảo nấu nồi cá kho mà cứ mong tôi về mãi. Tôi định hết tháng này, cũng là lúc đến hạn cuộc thi, tôi sẽ về thăm mẹ. Nhưng thôi, cái bức tranh “Tình người” mà tôi luôn ấp ủ có lẽ sẽ phải dừng lại ở đây. Đến tình cảm mẹ con trong nhà mà con người ta còn đối xử với nhau như thế thì thứ tình cảm cao cả giữa người với người mà tôi muốn tìm kiếm chẳng khác gì là mò kim đáy bể. Tôi đã hiểu vì sao mà chủ đề của cuộc thi chỉ vỏn vẹn có hai chữ: “Trái tim”. Vỏn vẹn như vậy thôi mà lại sâu xa vô cùng, bởi xã hội bây giờ nhiều lắm những người không tim.

NGỦ

Đứa bé nằm im trên tay chị, đôi mắt nhắm nghiền như đã chìm vào giấc ngủ sâu lắm rồi. Chị khẽ phẩy tay xua mấy con ruồi cứ chực bâu xung quanh cái mặt mũi lem luốc, bẩn thỉu và mớ quần áo cũ nát, hôi hám của con. Trời lại bắt đầu mưa. Đường lại bắt đầu ướt át. Góc đường chị ngồi, đám đất gặp nước bết lại, thỉnh thoảng có chiếc xe đi qua, nước và bùn đất lại bắn lên khắp người và đầu tóc chị. Chị cố dúi con vào lớp áo hôi rì của mình, tay cầm chiếc nón rách cố gắng che mưa cho con, dẫu vậy, hai mẹ con người vẫn ướt sũng. Nhưng thằng bé vẫn ngủ li bì cứ như hoàn cảnh có nghiệt ngã đến mấy cũng chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến nó vậy. Ai đi đường chứng kiến cảnh người phụ nữ ăn xin ngồi ôm con trên vệ đường bẩn thỉu, lầy lội cũng phải khựng người, dành cho chị một ánh nhìn. Có người thì thương hại dù mưa vội, đường bẩn cũng dừng xe lại, dúi cho chị mấy đồng tiền lẻ; có người lại tỏ ra khinh bỉ ném về phía chị những ánh mắt coi thường, rẻ rúng; và có cả những ánh mắt khiếp sợ như chưa từng nhìn thấy ai bẩn thỉu, rách rưới đến thế.

Chị lếch thếch ôm con trở về nhà. Đó là một căn nhà chừng mấy mét vuông, cũ kĩ, rách nát và sực mùi ẩm mốc. Cả căn nhà dường như tối om, chỉ leo lắt thứ ánh sáng từ cây đèn dầu. Vừa thấy chị người ướt sũng đang run lên vì lạnh, cùng thằng con mặt mũi cũng xám ngoét nằm im trên tay mẹ, thằng chồng chị người lỏng khỏng, da xám xịt, mặt mũi hốc hác, môi thâm như bôi mực đã lao ra. Không một vẻ mặt thương hại, không một câu hỏi han mà thay vào đó là hành động quen thuộc, hắn xục xạo khắp người vợ, vét sạch mấy đồng tiền mà vợ phải ôm con lê lết cả ngày mưa hôm nay. Chị một tay ôm con, một tay cố giằng lại số tiền của cả ngày cực nhọc.

- Anh định lấy hết sao? - Chị gần như hét lên. Thằng chồng không ngần ngại giằng tay chị ra, xô chị ngã chổng kềnh xuống đất, mặc cho chị đang bế thằng con ngủ say trên tay rồi vội vã bỏ đi. Chị ngồi trên nền đất đầy rêu, tay ôm con mà nước mắt không ngừng rớt trên má thằng bé. Thằng bé vẫn ngủ li bì!

Sau cơn mưa trời lại sáng! Bầu trời xám xịt phủ kín mây đen hôm qua giờ đã trong xanh, cao vời vợi không một chút gợn mây. Những tia nắng ấm áp nhảy nhót khắp trên những hàng cây xanh mướt vừa được gội rửa hôm qua, tràn cả xuống những thảm cỏ xanh rì, mượt óng. Tiếng chim hót thỉnh thoảng lại ríu rít trên một vòm cây nào đó. Chị vẫn ngồi ôm con trên vệ đường, khuôn mặt gục xuống với mớ tóc bết chặt bụi đường. Tiếng bước chân người dừng lại, một tờ tiền được đặt nhẹ lên chiếc nón rách trước mặt chị. Chị ngẩng đầu lên. Đó là một người phụ nữ, tay dắt theo một đứa bé gái xinh xắn, trắng trẻo, xúng xính trong chiếc váy cột nơ hồng. Người phụ nữ nhìn chị với đôi mắt đầy thương cảm rồi dắt con bước đi trong tiếng cảm ơn của chị. - Cảm ơn bà! Mong phước lành sẽ đến với bà! - Chị vừa nói vừa hướng đôi mắt lên nhìn từng bước đi của người phụ nữ tốt bụng cùng cô con gái vừa đi vừa nhảy chân sáo, nói líu lo những điều gì đó. Chợt đứa bé reo lên thích thú:

- Mẹ ơi, bóng bay kìa! - Chị cũng đưa mắt nhìn theo hướng tay đứa bé chỉ. Đó là một quả bóng bay màu đỏ tươi đang từ từ bay lên giữa nền trời màu xanh ngắt và không gian đầy nắng vàng. Chị nhìn đứa bé rồi nhìn xuống đứa con mắt nhắm nghiền của mình. Vì mưu sinh với mẹ mà thế giới của nó chỉ có một màu tối thui không chút ánh sáng trong khi đáng ra nó xứng đáng được mở mắt trông thấy mọi thứ đẹp đẽ của thế giới muôn màu này. Nước mắt chị lăn dài. Chị không biết mình có xứng đáng là một người mẹ không nữa. Để có thể kiếm được những đồng tiền trước sự thương hại của người đời mà chị đã cướp đi quyền được nhìn thấy ánh sáng của con, ngày ngày chỉ cho con chìm đắm vào những giấc ngủ mê man để chị có thể yên vị ngồi lề đường xin người đời rủ lòng thương. Chị đưa tay lau những giọt nước mắt nóng bỏng rơi trên má con. Bàn tay chị run rẩy khi chạm vào khuôn mặt lem luốc, lành lạnh của con. Một ý nghĩ sợ hại hiện lên trong đầu khiến chị gần như muốn ngã khụy xuống lòng đường. Chị đang giết con chị từng chút một!

Chị như người mất hồn ôm con trở về nhà. Như thường lệ, thằng chồng chị đã đứng chờ ở cửa từ bao giờ. Vừa thấy chị, hắn lao ra như mũi tên, cuống cuồng lần tiền trong túi áo chị. Chị đứng im, chẳng phản kháng, khuôn mặt vẫn thẫn thờ không hồn.

- Sao chỉ có hơn trăm hả? Mày giấu đâu rồi phải không? - Thằng chồng trợn ngược con mắt lên quát hỏi. Chị vẫn thế, lặng im, chẳng nói gì. - Mày giấu đâu rồi? Đâu rồi? - Hắn gần như xé nát quần áo chị, rồi hắn nhìn vào thằng con đang ngủ. - Hay mày giấu ở đây? - Hắn giằng lấy thằng con và gần như lột trần thằng bé.

- Anh dừng lại đi! - Chị hét lên! - Quỷ tha ma bắt anh đi! - Chị lao vào giằng lại đứa con. Như điên dại, thằng chồng túm lấy tóc chị rồi không ngừng giáng vào người chị những cú đấm cú đá bầm gan tím mật.

- Tiền của tao đâu?... Mày đi cả ngày mà không kiếm nổi mấy trăm cho tao à?... Mày biết không có tiền cho tao mua thuốc thì sẽ thế nào à?... Mày muốn chết à? Chết à?...  - Chị ôm chặt lấy con, hứng chịu tất cả cơn thịnh nộ của thằng chồng đang lên cơn thèm thuốc và bắt đầu nung nấu trong đầu một quyết định.

Chị quấn chặt những viên thuốc trong lớp túi bóng dày, đặt lên mặt bàn gỗ, hai tay cầm hai đầu chiếc chai thủy tinh, chị từ từ nghiền nát chúng ra thành thứ bột màu trắng mịn. Ngày nào chị cũng làm cái công việc quen thuộc này, chỉ khác một điều, mọi lần là một phần ba viên thuốc ngủ được hòa chung với thứ nước đường ngòn ngọt cho con, còn lần này lại khác. Đổ hết tất cả vào chiếc chai nhựa đựng đầy nước, chị khuấy đều, tất cả thứ bột trắng tan cả vào trong nước, mất hút. Chị đặt chai nước trở lại đầu giường, nơi chồng chị mỗi khi chơi thuốc về, háo nước, tu ừng ực hết cả chai nước lọc đầy lít rưỡi. Chị nằm một bên giường, ôm con, chờ chồng về.

Chồng chị trở về trong bộ dạng phê thuốc thường ngày. Hắn về cái là nằm vật ra giường, đôi mắt nhắm lim dim tận hưởng cái cảm giác lâng lâng, nhẹ bẫng đầy “sung sướng” của cơn phê. Chị vẫn nằm im như ngủ và chờ đợi…

Chị dằn con dao xuống đáy túi rồi ôm con đi như chạy khỏi căn nhà leo lắt ánh đèn dầu. Có tiếng còi ô tô và ánh đèn pha rọi về phía chị.

***

- Chị ăn ngô đi không nguội hết rồi! Thôi đưa ngô đây tôi nướng lại cho. - Tiếng chị gọi tôi trở lại với thực tại. Tôi nhìn chiếc ngô nướng trên tay mình, nó vẫn còn nguyên, tôi vẫn chưa ăn hạt nào mà nó đã nguội ngắt cả rồi. Tại tôi mải nghe câu chuyện chị kể. Nó cứ cuốn lấy đầu óc và tâm trí tôi.

- Vâng, chị nướng lại cho em với!... Rồi thế nào nữa hả chị?

- Tôi ôm con lên chiếc xe đường dài, chẳng biết đi đâu, chỉ biết rằng, sáng hôm sau tôi có mặt ở bến xe này. - Chị đưa cho tôi chiếc ngô nướng, rồi lấy dao gọt củ đậu. Giọng chị vẫn đều đều:

- Trước khi ôm con bỏ đi, tôi đã có một quyết định đáng sợ!

Chồng chị đang nằm im gần như bất động trên giường. Chai nước đã cạn một phần ba. Chị nắm chặt con dao gọt hoa quả trên tay, đôi mắt đầy căm thù hướng về phía chồng rồi chị đưa mắt nhìn con. Thằng bé vẫn ngủ say. Nó cần phải được nhìn thấy ánh mặt trời. Và chỉ khi nào, người cha cầm thú này của nó chết đi, thì hai mẹ con mới có thể sống những tháng ngày yên ổn, không có đánh đập, không có nước mắt, và đầy ánh sáng! Chị nắm chặt con dao hơn, đôi mắt nhìn thẳng vào cái cuống họng đang phập phồng của chồng. Chị sẽ giết chết hắn!

Tay chị run rẩy, cứ mấy lần định đâm con dao thẳng vào cuống họng chồng thì bàn tay chị lại mềm ra, không sao điều khiển nổi. Nước mắt chị trào ra, rớt từng giọt nóng bỏng lên khuôn mặt hốc hác, lạnh toát và phờ phạc của chồng. Hắn vẫn thở đều đều với cái miệng há hốc. Cánh tay phải của chị buông thõng, con dao tuột khỏi tay chị, rơi nhẹ xuống giường.

- Cũng con dao này suýt nữa nó đã là con dao giết chồng, nhưng giờ thì nó lại là con dao giúp tôi mưu sinh kiếm tiền nuôi con. - Chị khẽ cười, nhưng trong mắt lại hằn rõ cái buồn thăm thẳm.

- Chị làm vậy là đúng, chứ giết người thì… - Tôi không dám nói tiếp, mà chuyển hướng.

- Thế giờ chị có biết tin gì của anh ấy không?

- Từ sau khi bỏ đi, tôi cũng ôm con tìm về mấy lần. Căn nhà nhỏ của chúng tôi, ông ấy đã bán lấy tiền chơi thuốc hết. Có người bảo ông ấy ăn cắp bị công an bỏ tù rồi. Có người lại bảo ông ấy vào Nam ở cùng em trai. Người lại nói ông ấy sốc thuốc chết đường chết chợ… Không biết quyết định ôm con bỏ đi của tôi có đúng không nữa mà đến giờ tôi cứ day dứt mãi…

***

Đúng là lòng dạ con người không phải là sắt đá. Tôi không biết nỗi day dứt ấy của chị lớn thế nào, chỉ biết rằng hằn sâu trong đôi mắt và khuôn mặt khắc khổ kia là một nỗi buồn chất chứa lắm. Tôi cũng không biết quyết định bỏ đi của chị là đúng hay sai, bởi mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về chị. Tôi quay sang nhìn thằng bé bốn, năm tuổi đang ngồi chơi cạnh chị. Thằng bé có khuôn mặt bầu bĩnh, trông rất thông minh và lanh lợi. Nó đang chăm chú xoay khối rubic đủ màu. Mỗi khi xoay được một mặt, mắt thằng bé lại sáng lên và cái miệng lại toe toét cười.

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI ĐÊM

  1. 1. Đêm khuya. Con đường vắng ngắt, chỉ có ánh đèn cao áp rọi xuống. Chị đứng bên chân cột đèn cao áp, rúm ró đảo mắt nhìn quanh rồi thở dài ngao ngán. Đã gần một giờ đêm rồi mà chị vẫn chưa bắt được khách nào.

          Chị lững thững trở về nhà. Giờ này chắc thằng Cún nhà chị đã ngủ say lắm. Cũng sắp đến hạn nộp tiền học cho thằng bé rồi mà ngày nào cũng vắng khách thế này, chị lấy đâu ra tiền mà nộp đúng hạn đây.

Chợt một người đàn ông đi xe máy ngang qua. Chị vội vã chạy đuổi theo:

- Anh gì ơi! Làm ơn cho em đi nhờ xe được không? Đêm khuya quá mà em…

Anh ta đưa mắt nhìn chị từ trên xuống dưới, một thoáng phân vân rồi cũng đồng ý cho chị đi nhờ. Nhưng suốt chặng đường, anh ta chẳng nói một câu nào. Im lặng đến chết khiếp. Chị hít một hơi thật dài và quyết định bắt chuyện.

- Anh tốt thật! May mà có anh không thì đêm khuya thế này một mình em lại là thân con gái. Anh tên gì vậy?

- Tôi tên Vũ. - Giọng nói có cái gì đó như miễn cưỡng phải trả lời. Chị biết vậy nhưng vẫn tiếp tục hỏi.

- Anh đi đâu mà đêm khuya thế này ạ?

- Câu này tôi phải hỏi cô mới đúng chứ! - Như bị nói trúng tim đen, nhưng có vẻ như anh ta đã biết chị là gái làm tiền nên chị chẳng còn ngại ngùng hay e dè gì nữa mà bắt đầu mời mọc ngay.

- Anh này, đêm khuya thế này rồi, chắc anh cũng mệt, anh em mình kiếm chỗ nào nghỉ đêm đi. Em buồn ngủ quá. - Chị nói mà đầu áp sát vào tấm lưng to rộng, thơm mùi mồ hôi nhè nhẹ và vòng tay ôm lấy bụng người đàn ông xa lạ.

- Cô định bán dâm với tôi đấy à?

- Gì mà bán dâm chứ? - Chị đánh nhẹ vào lưng anh ta. - Phải gió! Thế có đồng ý không nào? - Chị nói bằng cái giọng đầy lẳng lơ vốn có của cái nghề “bán hoa” đã hơn 7 năm của mình. Anh ta dừng xe, chị liếc sang bên đường thấy tấm biển hiệu “Nhà nghỉ X”.

- Cô xuống đi! - Chị mỉm cười, xuống xe, chắc mẩm số mình tối nay hên. Nhưng, chị vừa mới xuống khỏi xe thì anh ta đã phóng xe lao vút trong sự ngỡ ngàng của chị.

  1. Chị đạp xe đưa thằng Cún đi học. Trường hơi xa, đạp xe phải mất 30 phút. Nhìn con người ta tới trường đi học được xe đưa xe đón toàn ô tô với xe máy, quần áo đẹp, gọn gàng tươm tất, chị quay sang nhìn con mình: cái áo trắng đã ngả màu ố vàng, có chỗ còn lấm tấm mốc; cái quần ngắn đến mắt cá chân, hình như tại nó lớn nhanh quá! Chị thấy cổ họng đắng ngắt, mắt cay xè, trong lòng trào lên một nỗi tủi hờn và thương con đến xót xa.

Hôm nay là sinh nhật thằng Cún, chị đã định tảng lờ, coi như quên mất. Nhưng trên đường về, chị cứ nghĩ ngợi, đắn đo mãi, cuối cùng cũng quyết định rẽ vào chợ mua cho thằng bé một bộ quần áo mới. Nghĩ đến cảnh thằng bé sung sướng vì được diện quần áo mới, chị bỗng thấy lòng mình vui vẻ lạ. Chị dựng xe trước cửa hàng quần áo trẻ em, mải miết nhìn ngắm xem được bộ nào ưng ý cho thằng nhỏ không. Cửa hàng khá đông đúc, kẻ bán người mua tấp nập. Đang xem hàng, chợt ngoảnh lại, chị giật mình vì không thấy chiếc xe đạp của mình đâu cả. Chị hốt hoảng đảo mắt nhìn quanh. Kia rồi. Một thằng cha gầy dơ xương, chắc là một tên nghiện, đang loay hoay tìm cách điều khiển cho được chiếc xe đạp của chị. Số tên này không may, ăn cắp phải chiếc xe vốn đã cũ lắm rồi nên hỏng hóc đủ thứ, không hiểu gì về nó thì không thể đi được. Chị lao ra khỏi cửa hàng đuổi theo thằng ăn cắp, vừa đuổi vừa hô hoán:

- Bắt lấy thằng ăn cắp xe đạp! Mọi người ơi!

Thằng ăn cắp biết có người đuổi theo đằng sau lại càng loạng choạng, không thể điều khiển nổi xe. Nó nhảy xuống, xốc xe lên vai, vừa vác xe vừa bỏ chạy. Chị hùng hổ đuổi theo, cách một đoạn trong tầm tay, chị đưa tay ném thẳng hai phát dép vào lưng thằng trộm xe. Nó mất đà, cùng với chiếc xe ngã xõng xoài xuống đất. Chị chạy lại túm lấy nó. Mọi người trong chợ đổ xô ra xem. Đấy, lúc chị hô hoán bắt trộm thì chẳng thấy ai. Xong chuyện rồi thì mới thấy ùn ùn kéo đến.

- Mẹ cha mày, sao mày dám ăn cắp xe bà hả? Mày trông bà nghèo nàn có mỗi cái xe ghẻ này mà mày cũng lấy hả? Thằng nghiện này! - Chị vừa túm áo tên trộm vừa “ra đòn”.

- Bỏ ra. Mày thì hơn ai chứ? Con điếm!

Chị sững lại, tím mặt, lắp bắp:

- Cái… cái gì? Mày… mày… mày vừa nói cái gì?

- Mẹ kiếp! Suốt ngày đứng đường, tao gặp mày suốt, sao không biết. Đúng là đồ gái đĩ già mồm. Chó chê mèo lắm lông!

Mọi người bắt đầu nhìn chị với những ánh mắt săm soi, dè bỉu, những cái bĩu môi, nguýt dài. Họ bắt đầu xì xầm bàn tán về chị. “Phải rồi, phải rồi. Cái con này vẫn đứng ở bến xe mà”. “Ừ, trông ghê gớm, đành hanh thế kia mà”… Chị đưa tay tát thằng trộm xe mấy cái rồi quắc mắt lên nhìn đám người xung quanh:

- Này mấy bà. Cái thằng ăn trộm xe lù lù ở đây thì các bà không chửi. Đã không giúp tôi một tay bắt trộm thì thôi, giờ còn đứng đó sủa như chó sủa thế à? Các bà ăn cái gì, mà nói toàn thứ bốc mùi còn hơn cả cứt thế hả?

 Người ta lại nhìn chị còn khinh bỉ hơn cả trước. Chị mặc kệ, vẫn túm chặt thằng trộm xe và thỉnh thoảng choảng cho nó vài cú đấm cho bõ tức. Cũng vừa lúc công an tới nơi.

Chị có mặt tại đồn công an nơi mà thằng trộm cứ ra sức gào thét là nó bị oan. Chị chỉ muốn nhảy vào tát thêm cho nó mấy cái. Nó dám bảo chị là “gái đĩ già mồm” giờ xem nó có hợp với cái câu đó không. Bắt tận tay day tận trán rồi mà giờ còn ra rả kêu oan.

- Này cô, tên, tuổi, địa chỉ?

- Dạ… Trinh, Nguyễn Thị Trinh.

- Cô sinh năm bao nhiêu?

- 1990. - Chị vừa dứt lời anh công an quay ngoắt lên nhìn chị bằng một ánh mắt gì đó rất kì lạ.

- Cô còn trẻ vậy sao?

- Dạ? Nhìn… em cũng trẻ mà! - Chị nói xong, anh ta cười nhẹ một cái gật gù.

- Ừ. Trẻ. Quá trẻ! Vậy mà nhìn cô, tôi nghĩ ít cũng phải 30 rồi đó!

- Cái gì?

Cả đồn công an đổ dồn mắt về phía chị.

- Này, cổ họng cô to quá đấy!

- ... Vậy anh bao tuổi rồi. Nhìn anh chắc cũng phải bốn mấy rồi nhỉ?

- À, không. Tôi chỉ hơn cô có chục tuổi thôi. Tôi tưởng con mắt nghề nghiệp của cô thì phải tinh lắm chứ.

- Này. Anh bỏ cái kiểu ăn nói cạnh khóe ấy đi nhé! - Chị bực tức gắt lên. - Anh tưởng các anh là oai lắm sao. Ừ đấy, nghề của tôi thì sao, thì sao? Cũng là kiếm đồng tiền bát gạo cả thôi. - Chị nói rồi đứng dậy, ném ánh mắt giận dữ vào anh ta và bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người trong phòng.

***

Chị lang thang đi bộ trong công viên. Chẳng hiểu vì sao chị lại rẽ đến nơi này. Có lẽ chị cần một bầu không khí thoải mái. Công viên giờ này vắng vẻ và im lìm quá, đến tiếng chim hót cũng chẳng có. Chị ngồi xuống một chiếc ghế đá, thu chân lên ghế và ngồi bó gối, thẫn thờ. Chị thấy trong lòng cứ dâng lên một nỗi buồn khó tả, một cảm giác nao lòng pha chút gì đó đớn đau. Cảnh vật êm đềm đến đáng sợ. Đáng sợ như chính cái cõi nhân gian tàn nhẫn này. Cái cõi chỉ biết coi thường những người đàn bà như chị, định kiến và miệt thị cái nghề vốn cứ cho rằng là “ngồi mát mà ăn bát vàng”, rằng “nằm ngửa là có tiền” mà đâu biết rằng, những người như chị cũng phải làm việc, thậm chí còn vất vả, cực nhọc và đau đớn. Có ai biết đến những đắng cay, tủi nhục mà chị cũng như những cô gái làm tiền khác phải chịu đựng?

 Chị bật cười, nhưng cười mà như khóc. Chị tự hỏi vì đâu mà chị phải ra nông nỗi này? Vì cuộc đời nghiệt ngã khiến chị yêu phải kẻ phụ tình, đẩy chị vào cảnh 15 tuổi đã phải một mình làm mẹ? Hay chị phải trách bản thân mình sao không như những cô gái lầm lỡ khác, sao không vô tình mà nạo quách cái thai đi, sao lại để cho người mẹ nằm trên giường bệnh mà chết trong sự dè bỉu của láng giếng, người thân? Chị bật khóc tu tu.

Khóc mãi, rồi chị nhớ đến thằng An. Chị vẫn còn thằng An. Chị đã đặt tên cho thằng Cún là An vì nó chính là niềm an ủi của chị. Chỉ cần con và chỉ vì con mà chị có thể gắng gượng với cái nghề nhơ nhớp và tủi nhục này. Phải rồi, hôm nay là sinh nhật tròn 8 tuổi của thằng bé. Chị phải cho nó một ngày sinh nhật thật vui vẻ. Chị gạt nước mắt, đứng dậy, bước đi.

Chị đi bộ mua một bộ quần áo mới và đến trường đón con dưới cái nắng hè oi ả. Mệt nhọc, nhưng cứ nghĩ đến thằng bé sẽ reo lên vì sung sướng khi được nhận quà, chị lại thấy chặng đường ngắn lại bao nhiêu.

Cuối cùng cũng đến được trường thằng Cún. Chưa đến giờ tan học nhưng cổng trường đã có khá nhiều phụ huynh đứng đợi con. Chị cũng chọn cho mình một chỗ đứng và chờ con tan học.

- A! Là mày! - Chị giật mình bởi giọng ré lên của một người phụ nữ. Bà ta nói mà chỉ thẳng tay vào mặt chị. Chị còn chưa kịp hiểu chuyện gì cả bà ta đã lao vào vừa túm tóc chị vừa tru tréo. - Con đĩ này. Bà phải giết mày. Dám ăn không ăn hỏng tiền chở xe ôm của chồng bà, lại còn dụ dỗ ngủ với chồng bà…

 Chuyện bị đánh ghen thế này không phải là lần đầu với chị nhưng ở trước cổng trường con mình thì quả là xấu hổ, chị không dám chửi bới hay la lối lại theo cái kiểu “gái đĩ già mồm” quen thuộc mà chỉ cố gắng chống cự lại cùng những lời thanh minh yếu ớt.

- Chị ơi! Chị nhầm người rồi!

- Bà đéo nhầm đâu con đĩ ạ... - Cứ thế bà ta vừa chửi vừa đấm đá chị. Mọi người xúm lại xung quanh nhưng tuyệt không có một ai đứng ra can ngăn người đàn bà đang đánh chị không thương tiếc ấy, dù cho bà ta đang ghì đầu chị xuống tận đất.

Tùng. Tùng. Tùng… Tiếng trống tan trường điểm. Đám học sinh đổ ra như ong vỡ tổ. Chị sợ hãi, cố gắng đẩy người đàn bà ra khỏi người mình. Chị sợ thằng Cún phải chứng kiến cảnh này.

- Buông tôi ra! Buông tôi ra! - Chị gào lên trong vô vọng.

- Này chị! Dừng tay lại. - Một người đàn ông đã kéo người đàn bà to béo ấy ra khỏi người chị. Chị nằm xõng xoài trên nền đất bẩn, tóc tai rối bù. Rồi người ta cũng đỡ chị dậy.

- Thầy Vũ, thầy bỏ tôi ra. Tôi phải đánh chết con đĩ kia.

- Đây là trường học. Chị định đánh nhau trước mặt các em học sinh, trước mặt con chị sao?

Chị ngước lên nhìn người đàn ông đang giữ chặt lấy người đàn bà kia. Anh ta cũng đưa mắt nhìn chị. Chị lặng lẽ cúi đầu. Chị nhận ra anh ta.

- Mẹ! Mẹ ơi! - Thằng Cún từ đâu vừa khóc vừa chạy vào ôm chầm lấy người chị. Chị nghẹn lời, chỉ biết ôm chặt con mà khóc. Dưới đất, bộ quần áo mới - món quà sinh nhật chị muốn dành cho con đã nhàu nát, dính đầy đất cát, nằm chỏng trơ mỗi nơi một chiếc.

  1. 3. Một tuần trôi qua. Thằng Cún có lẽ cũng đã quên chuyện hôm trước. Nó không còn ủ rũ và hay đái dầm nữa. Nó đã trở lại bình thường. Chỉ có điều, nó không còn vui vẻ mỗi khi tới trường như trước.

Gần trưa, chị đang chuẩn bị đi đón thằng Cún tan học thì thầy Vũ đã đưa thằng bé về. Thầy đến gặp chị.

          - Đây là bài văn của em An. Tôi nghĩ chị nên đọc nó. - Thầy Vũ đưa cho chị bài tập làm văn của thằng Cún. - Còn đây là địa chỉ công ty của bạn tôi. Nếu muốn chị có thể xin vào làm công nhân… Công việc tuy cũng có hơi vất vả… nhưng… tôi nghĩ, đó là công việc mà em An muốn mẹ mình làm.

          Tối đó, chị không đi làm mà nằm ôm con khóc. Từng lời, từng chữ trong bài tập làm văn của con cứ vang lên, xé nát tâm can chị: “… Mẹ em là người mà em yêu nhất. Mẹ em có mái tóc dài, nước da đen và mẹ gày lắm. Ngày nào mẹ cũng trang điểm mỗi tối trước khi đi làm để che cái mặt đen và không đẹp của mẹ. Nhưng em thích lúc mẹ không trang điểm hơn. Vì lúc ấy trông mẹ em rất hiền. Mẹ phải đi làm đêm nên em toàn phải đi ngủ sớm. Em rất sợ tỉnh giấc hay buồn tè trước khi mẹ về, vì em sợ bóng tối lắm. Mẹ bảo, em là con trai không được sợ bóng tối. Nhưng em biết bóng tối rất đáng sợ. Và ngày nào mẹ em cũng phải chiến đấu với nó. Nhiều lần nó đánh mẹ tím bầm cả mặt, cả tay, cả chân. Có khi nó làm người mẹ đầy những vệt đỏ dài như vết doi có lần mẹ đánh em vì không chịu đi ngủ sớm để mẹ còn đi làm đêm. Em thương mẹ em lắm. Mẹ em là người tốt nhưng người ta lại bảo mẹ là người xấu, còn đánh và chửi mẹ nữa. Em muốn lớn thật nhanh để có thể bảo vệ mẹ khỏi bóng tối đáng sợ, em cũng có thể tự dậy đi tè mà không còn làm bẩn giường của mẹ nữa, nếu em lớn rồi thì mẹ không còn phải đi làm đêm kiếm tiền để nuôi em lớn nữa, và mỗi tối khi em tỉnh giấc sẽ có mẹ nằm bên…”.

          Chị ôm chặt con mình hơn, cảm nhận từng hơi thở đều đặn của thằng bé. Nước mắt chị lăn dài, ướt hết cả tóc con. Và trước khi ngủ thiếp đi vì mệt chị đã nghĩ đến tờ địa chỉ mà thầy Vũ đưa cho.

ĐỊNH MỆNH

- Ối, đau quá, đau quá!

- Nằm im! Cứ giãy giụa thế ai mà làm được! Chơi cho đã, rồi để hậu quả thế này, còn kêu nỗi gì!

- Ôi mẹ ơi, con chết mất thôi!…

Tiếng kêu la từ bên trong vọng ra khiến tay chân tôi run lập cập, hai hàm răng bập vào nhau liên hồi. Phải quyết tâm lắm tôi mới đủ gan bước vào nơi này. Lần trước, chỉ cách đây vài ngày, mặc dù tôi cũng đã hạ quyết tâm từ nhà, nhưng khi tấm biển “Phòng khám phụ sản” hiện ra trước mắt, thì chân tôi như bị ai chôn xuống đường. Chỉ còn vài chục mét nữa thôi, băng qua con đường và vỉa hè kia là tôi có thể bước vào đó, kết thúc tất cả. Tôi đã phải đi rất xa, bỏ qua hàng chục phòng khám phụ sản gần như giăng kín đoạn đường, để tới được đấy, vậy mà lại không dám vào. Toàn thân tôi ướt sũng. Có lẽ tại trời nóng mà tôi lại be bịt kín quá, chẳng hở chỗ nào, kể cả đôi mắt. Tôi sợ sẽ có người nhận ra mình. Và dẫu chẳng có ai thèm để ý đến tôi, thì suốt chặng đường, tôi vẫn cảm thấy mọi ánh mắt đều đang hướng vào mình, dò xét, hệt như họ biết tôi đang đi đâu và định làm gì vậy.

Tôi hít một hơi thật sâu, mím chặt môi đến bật máu, cảm nhận vị tanh nồng của sự đau đớn và chết chóc. Tôi lẩm bẩm: “Mẹ xin lỗi con, ngàn lần xin lỗi con!” và toan tăng ga, thì chuông điện thoại réo. Giọng mẹ lạc đi: “Mẹ… đau… đau… quá…”. Liền sau đó là tiếng cơ thể đổ xuống nền nhà lạnh cứng, tiếng điện thoại chạm gạch đá hoa nảy lên khô khốc. “Mẹ… mẹ ơi! Mẹ sao thế?…”. Đầu dây bên kia không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng ù ù, ken két của chiếc quạt cây đã khô dầu mà tôi chưa kịp thay vọng lại.

Tôi vội vã quay xe trở về nhà, bỏ lại đoạn đường mười mấy cây số đã đi, bỏ lại những tấm biển phòng khám phụ sản lùi dần phía sau rồi mất hút. Tôi đưa mẹ vào viện cấp cứu. Bà được chỉ định mổ gấp.

Tôi nhớ, hành lang ngoài phòng mổ hôm ấy, người đứng ngồi rệu rã, đi lại vạ vật, vẻ lo lắng toát ra trong cả hơi thở lẫn ánh nhìn. Trong đám người nhà lố nhố, mệt mỏi đó, chỉ có tôi và chị là không có ai đi cùng, cứ co ro một xó, gặm nhấm dần mòn sự chờ đợi và nỗi sợ mất mát vô hình.

- Sao lâu vậy nhỉ? Con chị vào 2 tiếng đồng hồ rồi! - Chị bắt chuyện với tôi như thế, không đầu không đuôi, rồi lại gục mặt vào hai đầu gối, mái tóc dài cháy nắng, xác xơ, được túm bởi sợi dây đã rão lòa xòa rủ xuống thân người như nhành củi khô, chỉ cần chạm nhẹ là tanh tách gãy dập.

Ngước đôi mắt trũng sâu như chỉ còn hai hố mắt lọt giữa khuôn mặt sạm đen, khô rám, cứ như bao nét khắc khổ được chạm cả lên đó, chị nói tiếp:

- Cháu nó còn nhỏ lắm! Vừa mới tròn tuổi thôi em à!

Hai hố mắt chị ăm ắp nước cứ chực tràn bờ theo mỗi lời chị kể. Con chị là bệnh nhân bé nhất đang nằm trong phòng mổ hôm nay, lại cũng là ca mổ phức tạp nhất, tim bẩm sinh. Tôi nhớ lúc đẩy mẹ từ phòng cấp cứu sang phòng mổ, thấy cô y tá bế một đứa bé đang khóc ngặt nghẽo trên tay. Nước mắt đứa bé giàn giụa chảy ra từ hai con mắt lồi to, ướt đẫm khuôn mặt như lon sữa bị đập dẹt, nhăn nheo, nước mũi rỉ ra từ hai lỗ mũi nhỏ tin hin, nước dãi rớt dài từ cái lưỡi cứ thè ra khỏi vòm miệng con bé, và theo từng tiếng gào của nó.

Chị kể: Ngày chị mới mang thai con, có đợt bác sĩ tình nguyện về thăm khám sức khỏe sinh sản cho cả vùng. Y tế xã đến động viên gẫy lưỡi, chị mới chịu nghỉ làm đi khám. Đó là lần đầu tiên trong đời chị biết đến siêu âm thai, đứa trước từ lúc chửa đến ngày đau đẻ mới vào bệnh xá.

Trên bàn khám, chị nằm im, cả người như bất động, mắt trợn tròn nhìn cái màn hình có màu, chứ không như chiếc ti vi đen trắng ở nhà. Ở đó, chị nhìn thấy một con chuột con khua khoắng liên hồi, càng nhìn càng thấy nó như đang múa vậy. Trông ngồ ngộ, mà cũng thật đáng yêu. Trong khi chị đầy phấn khích và lộ rõ vẻ sung sướng thì không hay biết trên khuôn mặt bác sĩ là một vẻ căng thẳng vô cùng.

Nửa tiếng sau, chị được mời riêng vào phòng tư vấn. Ở đấy, bác sĩ nói một tràng những thuật ngữ chuyên môn mà chị cố căng tai ra nghe cũng chẳng hiểu nổi. Cuối cùng ông ấy phải rút cây bút trong túi áo ra vẽ phác họa hình ảnh con chuột con ban nãy và giải thích đi giải thích lại rằng: “Chiều dày khoảng sáng sau gáy của thai nhi đo được là 4mm. Nghĩa là, con chị sinh ra có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh down và tim bẩm sinh”. Chị đứng phắt dậy, nắm lấy tay bác sĩ, nói như mếu: “Bác sĩ ơi, bệnh con cháu có chữa được không? Cháu trăm nghìn lần, vạn nghìn lần cầu xin bác sĩ cứu lấy con cháu!…”. Đáp lại những lời cầu xin ấy, bác sĩ khuyên chị… phá thai.

Lúc nghe chị nói đến hai từ kinh khủng ấy, mồ hôi tôi túa lạnh, cái cảm giác gai ốc nhung nhúc mọc khắp người trước đó vài tiếng đồng hồ lại ập về. - … Là con mình, là khúc ruột, là máu thịt của mình, sao nỡ từ bỏ được phải không em! Anh nhà chị cũng bảo: “đừng giết con, mà tội nghiệp!”.

Từng chữ chị nói như những mũi dao chĩa thẳng về phía tôi, như kết án tôi tội giết con. Miệng tôi mấp máy như muốn thanh minh: Em không thể giữ đứa bé. Nhất là khi mẹ em đang thế này, nếu biết chuyện, chắc bà không đủ sức mà vượt qua bạo bệnh nữa, bà sẽ chết mất. Em chỉ còn mỗi mẹ là người thân duy nhất trên đời thôi! Chị không nghe thấy tiếng lòng tôi, nhưng cái run rẩy của tôi dường như chị cảm nhận được…

Sau ca mổ, mẹ tôi và con chị ở chung phòng hậu phẫu. Lúc này, chúng tôi mới có nhiều thời gian trò chuyện, và tôi mới biết tên chị là Đũi. Quê chị miền biển, hai vợ chồng sống bằng nghề đánh bắt cá thuê, ngày nhiều mới được đôi trăm, ngày ít chỉ được vài chục. Chị bảo, anh lên đây trước hôm cháu mổ một ngày, đưa cho hai mẹ con ít tiền rồi lại phải tất tả về ngay, cả nhà mấy cái miệng ăn trông chờ hết vào anh. Ở nhà chị còn hai cô con gái nữa. Đều mắc bệnh máu trắng. Có lúc tôi nghe chị nói chuyện điện thoại bằng con “cục gạch” 1102 cũ xì, bàn phím đã mờ tịt số: “Sao hai chị em không lấy cái gì ăn tạm? Sao lại nhịn đói đi học? Con phải biết bệnh của con và em chứ?…”. Rồi chị quay sang tôi, cổ họng nghẹn ứ: “Thương con quá em à. Nhà hết gạo, anh đi làm chưa về, hai đứa nhịn cơm trưa đi học. Con em đói lả ngất ở lớp”.

Dường như mọi thứ bi đát nhất trên đời đều đổ xuống người phụ nữ tiều tụy, khắc khổ này. Tôi tự hỏi, sao gia cảnh đã khốn khó đến vậy mà ngày bác sĩ khuyên bỏ cái thai, anh chị vẫn khăng khăng giữ lại? Một đứa bé mắc cả down và tim bẩm sinh thực sự là một gánh nặng. Chưa kể, chị còn hai đứa con bị ung thư máu nữa. Điều gì đã khiến chị đủ sức mạnh để bao bọc, che chở cho chúng? Tôi không hiểu. Thực lòng không hiểu. Chị bao dung, mạnh mẽ, hay chị quá mềm lòng và ngu ngốc chứ?

Rồi tôi lại nghĩ đến đứa con đang thành hình trong bụng - giọt máu của một kẻ bội bạc. Trước khi đi đến quyết định đáng sợ kia, và cả bây giờ nữa, đã biết bao lần đứng trên bục giảng, tôi thấy đôi chân mình lẩy bẩy, lòng như có hàng vạn tảng đá chỉ trực kéo tôi ngã khụy. Tôi sợ hãi hình dung ra cái ngày mà những ánh mắt học trò thơ ngây hóa sắc lẹm ném về phía tôi bởi hình tượng mình trong mắt chúng sụp đổ, miệng lưỡi thiên hạ với những lời cay độc nhất sẽ nhất loạt xối xả trút lên tôi và mẹ… Mẹ sẽ sống sao trong cảnh bẽ bàng đó?

Nếu tôi giữ đứa bé, đạp lên mọi búa rìu của thiên hạ mà sống, thì liệu không có cha con tôi có khổ? Giữ đứa bé đồng nghĩa với việc tôi phải đánh cược tương lai của mình, mà phần tốt đẹp thì dường như mờ mịt y như tên đàn ông bạc nghĩa bạc tình đã bỏ rơi tôi, mà cao chạy xa bay.

Mẹ tôi và con chị đều chuyển biến tích cực sau ca mổ. Mẹ khỏe dần lên, còn tôi thì bắt đầu ốm nghén. Tôi không ăn được mấy, nhìn thấy cái gì cũng ngán, ngửi thấy mùi gì cũng sợ, mùi thuốc, mùi bệnh viện càng khiến tôi lợm cổ, chỉ chực nôn thốc nôn tháo cả ngày. Nhưng để giấu mẹ tôi phải kìm nén chúng, mỗi lần cảm giác ứa lên tận cổ họng rồi tôi lại phải dìm nó xuống, bằng những cái nuốt vào ghê người, để lúc sau lén vào nhà vệ sinh, tôi sẽ lôi ra bằng sạch. Thậm chí nhiều lúc tôi đã ước trong mớ hổ lốn mà tôi nôn ra ấy, có cả cái bào thai tôi đang phải mang trong người. Có mấy ngày mà người tôi rạc đi trông thấy. Mẹ đau yếu thế vẫn còn nhận ra. Nhưng tôi viện cớ lạ nhà nên chẳng ăn, chẳng ngủ được.

Nhưng chị Đũi thì tôi không giấu nổi. Chị biết nên ngoài chăm con, chị chăm cả tôi hệt như chị gái lo cho đứa em vụng dại. Những lúc chỉ có hai chị em, chị hỏi tôi: “Em tính giấu mẹ đến bao giờ?”. Tôi lặng im không trả lời chị. Nhưng trong thâm tâm mình tôi đã quyết định bữa nay sẽ giải quyết nó!

Bên trong, tiếng cô gái trẻ vẫn không ngừng kêu la. Nhưng xen vào đó tôi nghe thấy cả tiếng kim loại xột xoạt đi vào cơ thể, điên cuồng cào bới, xé nát thứ mà cô gái trẻ kia muốn chối bỏ, muốn tống khứ - giống như tôi lúc này.

- Xong rồi đó!

- Cô ơi… cho cháu xin lại… cháu mang về chôn!

- Có bị điên không? Mang về để nó ám cho à?

Cửa phòng bật mở, cô gái trẻ loạng choạng đi ra, mặt mũi xanh lét, tóc tai bết rũ. Cùng lúc đó, tiếng y tá gọi: “Người tiếp theo, Nguyễn An Nhiên”.

Tôi giật mình, sợ đến cứng cả miệng, mãi mới đáp nổi một từ “Có”. Hai chân tôi như đeo chì đi mãi mà không tới nổi cánh cửa phòng phá thai.

- Vào nhanh lên đi! - Cô y tá mở cửa thò đầu ra bực dọc quát rồi quay ngoắt vào, đóng sập cửa.

- Vâng… chị. - Tôi lí nhí đáp, cố gắng lê đôi chân nặng nề tiến về phía trước. Tay tôi đã chạm nắm cửa phòng, chỉ cần đẩy nhẹ một cái là lọt vào trong, leo lên bàn, chịu đựng đau đớn chưa tới một giờ là tôi có thể trút bỏ được hết gánh nặng trong người. Trong cái khoảnh khắc gần như đã kết thúc đó chị chợt xuất hiện, nắm lấy tay tôi lôi đi xềnh xệch. Những tảng chì dường như cũng sợ chị, chúng biến mất ngay tức khắc, chân tôi nhẹ bẫng, lướt chạy theo chị. Ra khỏi phòng khám, không kìm nổi nữa, tôi ngồi thụp xuống vệ đường, nức nở:

- Sao chị biết em ở đây?

- Chị đã đi theo mày.

- Sao chị biết mà theo?

- Lúc mày gửi chị trông mẹ, chị đã thấy bất an rồi, y hệt lần đó.

- Lần đó?

Chị kéo tôi đứng dậy, bước qua vỉa hè, lựa hiên một ngôi nhà đóng cửa, hai chị em ngồi đó. Chị kéo tay áo thấm nước mắt cho tôi, giọng thật nhẹ:

- Chị chưa kể cho mày nghe chuyện con bé thứ hai nhà chị nhỉ? Khi anh chị quyết định giữ Hy Vọng thì vài tháng sau chị phải vác bụng bầu đưa đứa lớn xuống Hà Nội điều trị. Ở đó, chị gặp một cô gái trẻ măng, mặt búng ra sữa, dắt theo đứa con đã 5 tuổi đi khám. Người mẹ trẻ trông buồn bao nhiêu thì cô con gái bé như hột é lại lí lắc, hoạt bát bấy nhiêu. Nó cứ sà đến chỗ con gái chị cười đùa, vẻ thích con gái chị ra trò. Nó còn xoa bụng bầu chị bảo: “Sao bác ăn no thế?”. Con bé hồn nhiên và đáng yêu lắm. Thực sự rất đáng yêu. Vậy mà… - Chị ngước đôi mắt vô cùng hiền từ nhìn tôi, rồi lại khe khẽ - Khi cô ấy nhờ chị trông con giùm để chạy ra ngoài mua ít đồ, chị thấy đôi mắt cô ấy như khóc, cứ bịn rịn mãi mới rời con ra được. Lúc ấy, chị có một cảm giác rất lạ, bất an làm sao đó. Nhưng rồi chị lại gạt đi… và cuối cùng thì cô ấy đã không quay lại thật…

Lặng im một hồi, chị bảo:

- Có lẽ nghĩ con mắc ung thư máu không chạy chữa được, hoặc vì một lý do nào đó cô ấy đã bỏ con. Mẹ bỏ đi, con cứ bám theo mẹ con chị suốt, chẳng chịu theo một ai khác. Có lẽ nó là cái duyên. Nghĩ vậy, nên sau đợt điều trị cho cả hai, anh chị làm thủ tục nhận nuôi con.

Tôi cứng họng, cảm giác mình nhỏ bé vô cùng trước chị. Cố gắng lắm tôi mới bật ra nổi câu hỏi:

- Chị không thấy quá sức với mình sao?

Chị lắc đầu và cười:

- Con cái là một điều gì đó tuyệt vời lắm. Chúng đến với mình tựa như báu vật trời cho vậy. Tin chị đi!

Mới hơn một tuần, con bé Hy Vọng nhà chị đã được ra viện. Mọi người trong phòng gọi nó là siêu nhân. Nó bé nhất, ca mổ phức tạp nhất, thể trạng cũng đặc biệt nhất, vậy mà nó được xuất viện sớm nhất. Đêm trước ngày con ra viện, chị đặt vào tay tôi chiếc lắc bạc nhỏ, thủ thỉ:

- Chị biết quyết định giữ hay bỏ con là ở mày, nếu mày vẫn quyết định bỏ chị cũng không thể chạy đến can ngăn mày được nữa. Đây là chiếc lắc bạc của Hy Vọng - món quà anh chị chào đón con ngày ra đời. Chị thay Hy Vọng tặng lại cho mày, mong rằng mày sẽ dùng tới nó.

Ngày Hy Vọng ra viện, bố con bé dẫn cả hai cô chị gái trông như củ khoai dé xuống đón nó về. Hai đứa trẻ vừa thấy mẹ và em đã lao vào ôm ấp, hôn hít. Nhìn đứa lớn nựng em cười khanh khách, đứa bé rúc vào lòng mẹ, dụi dụi cái mũi như tìm hơi mẹ đã thiếu mấy ngày qua, bất chợt tôi đưa tay lên bụng, một cảm giác lạ chạm vào từng đầu ngón tay, lan tỏa lên từng ngóc ngách trong cơ thể. Tôi nhớ đó là lần đầu tiên con bé Hy Vọng nhà tôi máy.

 

NGƯỜI TÌNH CỦA MẸ

Ngoài đường chỉ còn ánh đèn cao áp lặng lẽ sáng. Bà Hân vẫn ngồi bên chiếc hộp gỗ cũ kỹ, bong tróc. Chiếc chìa khóa nhỏ theo tay bà vặn mình. Tách. Chiếc hộp được khóa kín, tiếp tục cất giữ bên trong những kỉ vật, cũng là bí mật. Cất chiếc hộp vào sâu góc tủ, đặt quần áo phủ lên. Bà chập chờn vào giấc ngủ, thấp thoáng hình bóng xưa…

Cao áp vừa tắt cũng là lúc bà Hân thức giấc. Ngoài đường, trời chưa rõ mặt mấy ông bà thể dục buổi sớm. Bà hạ cửa cuốn, bấm công tắc khóa, rồi nhanh nhẹn đẩy xe hàng ra bến. Bến xe cách nhà chừng cây số, đi bộ đẩy xe cũng là túc tắc thể dục, giãn gân giãn cốt, cần gì đống sữa Ensure ở nhà.

Gần 70, đã được liệt vào danh sách “các cụ” trong tổ từ lâu, xong bà Hân vẫn thấy mình còn khỏe chán. Tay thoăn thoắt dọn hàng ra bán, một loáng bà đã bày xong. Thảnh thơi ngồi thư giãn, chốc chốc lại phe phẩy cái quạt lụa con dâu con trai đi du lịch nước ngoài mua về làm quà biếu mẹ. Hồi đầu bà không dùng cứ cất đáy tủ, thấy vậy ông hỏi: “Con nó mua cho sao không dùng?”. Bà thở dài: “Chúng nó mua cái quạt vải mà bằng tiền cái quạt điện. Tôi ở nhà chứ có đi đâu đâu, dùng nó phí ra!”. Ông lắc đầu cười: “Con nó muốn hiếu mà bà cứ khó tính!”.

Ông nói đúng, bà tự ái chúng nó phung phí nên không thèm dùng, chỉ khi ông mất rồi bà mới chịu nghe ông. Thời gian bà dùng cái quạt này tính ra đã ngót ba năm và cũng bằng thời gian bà ra bến xe này bán nước. Nhớ dạo đầu, thằng con trai nhất quyết phản đối, nó bảo: “Mẹ phải cho con chút thể diện chứ!”. Nghe mà tức anh ách. Bà bán nước, công việc lương thiện chứ có ăn cắp, ăn trộm gì mà nó phải xấu hổ. Vợ nó thì dịu giọng hơn: “Mẹ ơi, dù gì con trai mẹ cũng là Giám đốc, để mẹ đi bán nước vất vả tay chân, người ta lại nghĩ chồng con không biết hiếu với mẹ.”. Nó nói thế, chứ chính nó cũng sợ mất sĩ diện. Là giáo viên trường chuyên, lại xuất thân con nhà gia giáo, lúc nào cũng sợ thiên hạ đánh giá. “Vất vả gì. Tôi làm để đỡ buồn tay chân. Anh chị đi tối ngày. Bọn nhỏ thì học dưới Hà Nội, năm bữa, nửa tháng mới về. Trước còn có bố anh chị, chứ giờ…”, nói đến đấy, tự dưng mắt bà ướt nhòe. Con trai con dâu mềm nhũn, chẳng dám phản đối nữa.

Quán nước của bà mở ngay hiên một nhà cạnh bến xe. Nhưng vừa rồi, họ lại bán nhà. May mắn chủ mới vẫn để cho bà bán nước. Đấy là bà nghe chủ cũ trước khi dọn đi bảo thế, chứ bà nào đã gặp mặt chủ mới đâu. Mà nghe bảo, hôm nay chủ mới sẽ dọn về.

Vài chiếc xe dừng bến, khách ùa ra, mấy ông xe ôm ùa vào, mời mọc, tranh khách om sòm. Khách lắc đầu nguầy nguậy, tản ra các quán nước. Một, hai khách vào quán bà. Người gọi trà đá, người cốc nước vối. Như thường lệ, trong khi khách uống nước, bà lại mon men hỏi chuyện, và dù thế nào cũng đưa đẩy đến việc hỏi tin tức một người: “Giờ ông ấy hơn 70 rồi. Ngày còn trẻ, ông ấy cao lênh khênh, người gầy nhẳng ra, nhưng được cái hiền khô, chẳng biết giận ai bao giờ. Quê ông ấy ở làng Ban, là làng có cái đầm sen đẹp nhất vùng; có cây đa cổ thụ gốc rễ cuồn cuộn, nhìn xa cứ tưởng bày trăn quấn quanh gốc cây. Làng có chùa Ông thiêng lắm, sau chùa có giếng nước thần, trai gái yêu nhau chỉ cần vục nước giếng uống là sẽ được nên duyên vợ chồng, còn không thì tình cũng sâu đậm chẳng phai…”. Cứ mỗi lần kể đến đoạn này bà lại rơm rớm nước mắt. Có lẽ, tại uống nước giếng thần nên bà và người ấy mới tình sâu nghĩa nặng đến thế.

Nghe chuyện bà kể, thông tin chính về cái ông lão hơn 70 tuổi ít ỏi quá, lại mấy chục năm rồi ông không trở về quê, biển người mênh mông, biết ai với ai. Người có tuổi được hỏi, không biết chỉ lắc đầu. Đám trẻ được hỏi, không biết nhưng đưa ra một loạt kế sách: “Sao bà không đăng tìm trên báo, đài?”. “Chả cần, bà có cái ảnh nào của ông không, cháu “pốt” lên “phây” nhờ 500 anh em tìm là ra ngay”… Giá mà hồi đó, ông ấy chịu chụp một cái ảnh! Bà rầu rĩ. Chuyện tìm người đàn ông ấy, bà chỉ muốn hỏi dò khách thập phương thôi, chứ chẳng dám công khai tìm kiếm, bà không muốn con cháu biết chuyện.

***

Đêm tân hôn, Hân dụi đầu vào ngực chồng khóc rấm rứt. Hoan đưa tay vuốt mái tóc dài thơm mùi xả, bồ kết lòa xòa rối của vợ. Cơ thể Hân rung lên theo từng tiếng nấc. Hoan ôm vợ, thì thầm: “Đừng khóc nữa, anh thương!”. Lòng Hoan cũng quặn thắt nỗi niềm. Chỉ còn đôi tiếng nữa được nằm bên vợ, trời chưa sáng, anh đã phải lên đường trở lại đơn vị. Hân ôm Hoan chặt hơn, nước mắt ướt rượt bờ ngực chồng.

Nhớ lúc cưới, mọi người chúc mừng bảo vợ tên Hân, chồng tên Hoan, ghép lại thì đúng là “vui” cả đời. Ấy thế mà Hân cứ phải khóc suốt. Sau đêm tân hôn ngắn như cái chớp mắt, Hoan trở lại đơn vị, đằng đẵng những tháng ngày không tin tức. Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ, hai người đàn bà một già một trẻ cứ thay nhau trở mình, tiếng thở dài não nề pha tiếng khóc âm ỉ giấu trong cuống họng thỉnh thoảng bật lên thành những tiếng nấc nghẹn ứ. Người mẹ già như ngọn bấc sắp cạn dầu ngày lại ngày ngóng tin con. Người vợ trẻ vò võ đợi chờ như bông hoa chẳng buồn nở cứ trực héo úa, tàn phai.

Bất ngờ, sau hai năm bặt vô âm tín, Hoan sừng sững trước mặt Hân. Thúng rau lang tuột khỏi tay, rơi vung vãi dưới nền đất, Hân mặc kệ. Hai con lợn trong chuồng kêu inh ỏi đòi ăn, Hân mặc kệ. Cô lao đến bên chồng, siết chặt, như chỉ sợ nếu rời tay ra là sẽ mất anh. Cô khóc tu tu như một đứa trẻ, rồi vồn vã mặc đôi bàn tay đen cáu nhựa lang ôm lấy khuôn mặt anh. Hai năm rồi, Hân không được nhìn thấy mặt chồng, giờ cô phải nhìn cho thỏa, cho no. Nghe tiếng lợn kêu eng éc sốt ruột, mẹ già từ trong nhà lụ khụ chống gậy đi ra. Thấy con trai, bà như không tin vào mắt mình, lặng người. Hoan chạy lại bên mẹ. Bà ôm ghì lấy con. Hai dòng nước mắt rỉ ra nơi khóe mắt già nua, trũng sâu. Rồi bà lần sờ khắp tay chân Hoan, luôn miệng: “Ơn giời, mày vẫn còn sống! Vẫn lành lặn con ơi!”.

Hoan trở về lần này chỉ với ba ngày phép ngắn ngủi. Đêm nay ở bên vợ, mai anh lại lên đường. Hân nước mắt ngắn dài, bó gối ngồi nép một góc giường như người mang tội. Hoan nhẹ nhàng kéo vợ lại bên mình, thầm thì: “Không sao mà!”. Mang tiếng hai năm nên vợ nên chồng mà Hân, Hoan chỉ “được” mỗi cái đêm tân hôn; ước mong có người nối dõi của mẹ Hoan thêm xa vời. Chỉ tại Hân, chỉ tại cái “chuyện” đàn bà con gái vớ vẩn. Sao không phải là ngày mai hay trước đó vài ngày, mà lại nhằm đúng hôm nay Hân tới tháng? Cái thứ máu me chết tiệt. Bao nghẹn ngào, tức tưởi ấy Hân chẳng thể nói thành lời, chỉ biết dụi vào ngực chồng rấm rứt khóc như cái đêm tân hôn ngày nào.

Sau một năm ngày Hoan về phép thì mẹ mất, Hoan hay tin nhưng không thể về. Đợt ấy quân ta đang đà tổng tiến công, các trận đánh nối nhau liên tiếp. Rồi tin thắng trận, đất nước thống nhất rộn rã khắp làng trên xóm dưới. Những người lính lần lượt trở về quê nhà trong nỗi niềm mừng vui khôn xiết. Hân sung sướng lắm, nhìn lên ban thờ mẹ chồng mà chắp tay khấn: “Có phải mẹ sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho vợ chồng con sớm ngày đoàn viên. Để hai chữ hân hoan cuối cùng cũng chịu ứng nghiệm với vợ chồng con!”. Từ giờ, Hân sẽ không phải khóc nữa. Rồi Hân sẽ chỉ cười, cười cho đã những tháng ngày phải xa cách, nhung nhớ. Ba năm thôi mà dài như một đời người vậy!

Nhưng đời người có khi lại ngắn ngủi lắm! Ngày Hoan trở về, không phải là ngày Hân được cười như đã nghĩ, mà vẫn phải rơi lệ. Nước mắt lần này như cộng dồn tất thảy những dòng mặn chát đã chảy suốt ba năm qua để rồi ồ ạt, tức tưởi, đớn đau. Trong trận đánh cuối cùng, anh cùng đồng đội trúng mìn, thi thể chẳng còn nguyên vẹn. Tờ giấy báo tử trong ba lô đồng đội gặp lũ cuốn trôi, nên anh trở về chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ ướt nhòe may sót lại trong túi áo đồng đội, trước đêm ra trận cậy nhờ bạn nếu có chuyện gì thay mình chăm sóc Hân. Sau ba năm thờ chồng, Hân đi bước nữa theo di nguyện của chồng.

***

Chủ mới đã dọn về. Là một ông lão trạc 70 nhưng nom vẫn còn khỏe khoắn, tay ông chống ba toong, lại càng thêm phần lịch lãm. Bà Hân như “say” ông lão từ cái nhìn đầu tiên. Chả thế mà bà cứ ngây người, ánh mắt sáng rỡ. Rõ là bà “say nắng” ông lão thật rồi, chứ không phải “như nhiếc” gì hết. Cái sự “say” ấy lộ hẳn ra ngoài. Thì cứ nhìn bà Hân từ hôm chủ mới dọn về trông vui ra mặt, lúc nào cũng thấy nói cười. Giờ mối bận tâm lớn của bà Hân đã chuyển từ ông lão hơn 70 tuổi chẳng biết đương ở phương trời nào sang ông chủ nhà mới rồi. Bà mải vui đến độ quên luôn chuyện hỏi thăm khách thập phương về ông lão hơn 70 tuổi – thói quen suốt ba năm nay.

Mà đâu chỉ có bà Hân say. Ông lão cũng có vẻ say bà Hân như điếu đổ. Thì đó, cả ngày chỉ thấy ông ngồi ngoài hiên chỗ bà bán nước. Gặp lúc bà đông khách, còn thấy ông tay chống gậy tay bê cốc nước, sắp đĩa hướng dương, bày đĩa kẹo lạc, lấy thuốc lá, mang bật lửa cho khách… Còn nữa, bữa trưa nào ông cũng nấu cơm canh đủ cho hai người rồi mời bà Hân ăn cùng. Ông bảo: “Ăn một mình không trôi cơm”. Có lần chả biết ông bà nói chuyện gì mà tự dưng bà Hân vẻ xúc động lắm, nước mắt chảy dài chẳng kìm nén nổi. Ông lão liền lấy khăn mùi xoa đưa bà Hân lau nước mắt. Thế này thì đúng là có chuyện rồi! Dân tình kháo nhau: Tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác, 70 chứ 80 vẫn yêu bình thường. Ông nhà bà Hân cũng đã mất được 3 năm rồi, chứ có phải mới gì đâu. Trước ông chồng đầu, bà cũng chỉ thờ có 3 năm thôi mà. Ông lão cũng chẳng thấy vợ con gì. Còn bà Hân tuy con cháu đủ cả, nhưng các cụ vẫn dạy: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, ở tuổi này ông bà càng cần có người bầu bạn, nương tựa!

Cứ thế những lời ì xèo theo gió cuốn đến tai con trai và con dâu bà Hân. Cô con dâu giãy nảy: “Mẹ ơi, mẹ đã mang tiếng hai đời chồng rồi. Giờ lại thêm lần này nữa thì tránh sao thiên hạ không đàm tiếu, gièm pha”. Anh con trai thì giận tím mặt, thẳng tay đẩy cái xe hàng của mẹ vào nhà kho khóa lại, giọng gằn từng tiếng: “Từ giờ không có nước nôi, hàng họ gì hết!”. Rồi quay qua mẹ nói như búa nện, dao đâm: “Mẹ già rồi, đừng làm mấy cái chuyện nhăng nhít ấy nữa. Đừng để con cháu nó phải xấu hổ!”.

Bà Hân tối sầm mặt mũi, loạng choạng như người phải gió. Từ hôm ấy bà nằm liệt giường, miệng cấm khẩu không nói được gì, chỉ hai hàng nước mắt cứ rỉ ra không ngớt. Nhưng lần này, những giọt nước mắt của bà chẳng đủ để làm mềm lòng con trai con dâu. Ngay cả khi biết tin bà Hân bệnh, ông lão đến hỏi thăm chúng cũng cương quyết không cho ông bà gặp nhau. Chúng cay nghiệt coi chuyện của ông bà như một điều gì đó tai tiếng, làm mất danh dự gia đình. Thậm chí chúng còn nghĩ, việc bà ốm liệt giường phải thuê người chăm sóc vẫn còn hơn là bà khỏe mạnh mà mang tiếng một đời!

***

Đỗ xe xịch trước sân, anh con trai bà Hân đóng cửa ô tô cái rầm, mặt mũi đỏ gay, đi nhanh vào nhà. Chị vợ trong xe bước ra sau, mặt cũng căng như dây đàn, miệng lầm bầm. 70 tuổi đầu rồi mà hết chuyện cặp kè với ông lão chủ nhà, giờ lại thêm chuyện “cọc đi tìm trâu”, suốt ba năm tìm kiếm người tình cũ, lão già hơn 70 tuổi nào đó. Số đàn ông trong cuộc đời bà chắc sắp kín bàn tay đến nơi.

- Con hỏi mẹ, rốt cuộc mẹ đối với bố con là gì? Hai đời chồng vẫn chưa đủ với mẹ sao? – Anh con trai đấm thùm thụp vào ngực mình trước bà mẹ già nằm ủ rũ trên giường. Mới hơn tháng mà trông bà Hân đã héo hắt, như người sắp về với tiên tổ. – Hóa ra suốt bao năm qua, sống với bố con mà mẹ vẫn nghĩ tới người đàn ông khác. Bố con vừa nằm đất mẹ đã đi tìm người tình. Tìm không ra thì lại ngả ngay vào một lão già khác. Mẹ là người đàn bà dễ dãi đến thế sao? Mẹ không thấy hổ thẹn với hai người chồng đã mất, với các con các cháu sao?

Bà Hân nằm bẹp rúm trên giường, ngước mắt nhìn con trai vô cùng đau khổ.

- Mẹ không nói à? Mẹ không nói nổi à? - Anh ta gào lên. Rồi như sực nhớ ra, anh lục tìm chiếc hộp gỗ, thứ mà bà vẫn giữ khư khư, không cho con cháu động vào. Tủ đồ của bà Hân bị bới tung, đống quần áo xổ ra, để lộ chiếc hộp gỗ im ỉm khóa kín, như thách thức, như trêu ngươi kẻ đương nóng giận. Chiếc hộp được giơ cao rồi đập mạnh xuống nền đá cứng ngắc, thứ âm thanh ghê rợn như người ta không ngần ngại cầm búa nện vào sọ người. Trong hộp là hai mảnh giấy nhỏ. Một cũ nát, ố vàng, những dòng chữ mờ nhòe. Anh nhận ra đó là mẩu giấy chồng trước của mẹ cậy nhờ bố anh trước ngày ra trận. Mảnh thứ hai mới hơn. Anh mở ra, đó là bút tích của bố: “Bà nó à, giờ biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, tôi mới dám nói ra sự thật này - điều mà tôi đã giấu bà suốt mấy chục năm qua. Bà à, trong trận đánh cuối cùng ấy, Hoan vẫn chưa chết! Bà đừng trách nó sao còn sống mà không trở về với bà. Bà biết là nó yêu thương bà nhiều thế nào mà. Là nó không muốn phải làm gánh nặng cho bà. Bởi trong trận đánh ác liệt đó, nó bị trúng mìn, phải cưa cả hai chân…”.

Anh con trai sững người, chưa kịp định thần thì chị vợ hốt hoảng đi vào, kéo vội chồng ra ngoài sân.

- Cô Thơm bảo ông ấy mất rồi!

- Làm sao mà mất?

- Thấy bảo ông ấy ốm. Gần tháng nay rồi!

- Mất khi nào?

- Mới sáng nay thôi. May mà sáng nay ông lão gọi phở ăn, đến trưa chị hàng phở qua lấy bát mới phát hiện ra. Mà hóa ra ông ấy bị cụt cả hai chân, phải lắp chân giả đấy!

Anh con trai chết sững, vội vàng chạy vào phòng mẹ. Nhưng trên giường, hai mắt bà Hân đã khép, hồn phiêu du nơi nào. Chỉ có điều, khuôn mặt rầu rĩ, đau khổ bà mang suốt hơn một tháng qua giờ bình thản, an nhiên đến lạ lùng.

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Long

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

Thư viện tác phẩm 2 năm trước