Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:51 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

ĐIỂM NHẤN       

Như thường lệ, sau một ngày làm việc ở cơ quan về, ngồi ăn cơm cùng gia đình, Liên cảm thấy rất vui. Vậy mà tối nay bát cơm cô ăn không thấy ngon, sự việc diễn ra trong cuộc họp cứ day dứt trong lòng. Buông bát cơm, cô xin phép bố mẹ rồi đến bàn làm việc.

Bản dự án như đang quay cuồng trước mặt, mọi hy vọng cũng như niềm tin của cô rồi sẽ ra sao. Cố xua đi những lời miệt thị, với con mắt nhạo báng của tay phó phòng kiêm phụ trách kỹ thuật. Anh ta không ủng hộ Liên, còn vận động một số người phế truất dự án “Cây đỗ tương” do cô đề xuất. Lật từng trang sách được đánh dấu bằng mực đỏ, từ khâu chọn giống, chăm sóc, bảo quản cây đỗ trồng nơi vùng núi có khí hậu khắc nghiệt. Mọi chi tiết đều không sai sót, vậy thì lý do vì đâu anh ta cản trở công việc cô đang theo đuổi. Đầu óc mông lung, chưa biết sử trí ra sao khi tình thế đẩy cô vào lối cụt. Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai khiến Liên giật mình, ngoảnh lại thấy mẹ đứng sát cạnh, bà ân cần hỏi con gái:

- Sao con ăn ít vậy? Cơ quan có chuyện gì xẩy ra phải không? Hãy nói cho mẹ nghe, biết đâu mẹ có thể giúp con phần nào.

-  Không, không có việc gì đâu mẹ ạ. Liên vội lắc đầu.

-  Đừng giấu nữa, nhìn bộ dạng cô là mẹ đoán được ngay.

Chẳng thể giấu được mẹ, Liên đành kể cho bà nghe về dự án phát triển “Cây đỗ tương” kết quả buổi họp chiều nay ở phòng. Cảm thông với con gái, bà động viên Liên hãy bình tĩnh tìm cách thuyết phục mọi người. Nhìn ánh mắt mẹ nhân từ đôn hậu, Liên hiểu bà lúc nào cũng lo lắng từng bước đi, việc làm của đứa con gái mà bà nhất mực thương yêu.

 Trưởng thành trong một gia đình làm nông nghệp, bố mẹ sinh được mỗi mình Liên, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô thi vào trường đại học Nông Lâm. Sau bốn năm học tập, Liên đỗ với tấm bằng loại ưu và nhận công tác tại huyện nhà. Điều bất ngờ với Liên là lãnh đạo trực tiếp của cô là phó phòng Phi Hùng, Hồi Liên mới vào trường Đại học, Hùng học năm thứ ba, những tưởng ra trường Hùng công tác ở đâu, ai dè quả đất tròn, hai người lại cùng về huyện.

*       *         *

Phòng nông nghiệp huyện nằm ngay ngã ba, rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân nơi đây. Hôm nay giao ban, Liên đến sớm hơn thường lệ, cả đêm qua cô cứ thao thức trằn trọc. Những bãi đồi vùng đất quê cô hiện nay đang trồng một số loại cây thu nhập thấp, tiêu thụ chậm, giá thành lại rẻ, bởi vậy, mức sinh hoạt của nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn. Dự án đưa cây đỗ tương cho năng suất cao thay thế sản phẩm cũ, kế hoạch này nếu thành công sẽ phát triển rộng tới các xã trong huyện. Nhưng giờ đây, khó khăn phía trước là vật cản, liệu cô có thể vượt qua thử thách để đi tới đích. Lời động viên của mẹ lại văng vẳng bên tai “hãy bình tĩnh thuyết phục”. Cô quyết định gặp riêng phó phòng để trao đổi công việc, vừa nhìn thấy Liên anh ta tìm cách lẩn tránh, cô chủ động vào chuyện:

- Anh Hùng, tôi cần gặp anh một chút.

- Lại chuyện dự án chứ gì? Hùng miễn cưỡng trả lời.

- Đúng vậy, tôi muốn cùng anh thảo luận lại vấn đề.

- Cuộc họp vừa qua mọi người đều không tán thành bản dự án của cô.

 - Đấy chỉ là bề nổi, mà cốt lõi của dự án, anh và một số người chưa đề cập đến đã vội kết luận là không được.

Hắt cái nhìn của người có đủ thẩm quyền về phía Liên, Hùng buông giọng:

- Hãy nhìn vị trí của mình hiện nay cô Liên ạ, nếu làm được chắc không đến lượt cô đâu.

- Với trách nhiệm của người am hiểu kỹ thuật, tôi muốn anh nhận xét phần chưa được trong bản dự án. Liên mạnh dạn đưa giải pháp.

- Tôi đã xem rồi, có hai điểm chính làm hậu thuẫn cho dự án là thổ nhưỡng nơi canh tác giống mới, thứ hai chưa có cơ sở chứng minh đề tài cụ thể. Thôi nhé, giờ tôi đang bận việc không thể tiếp cô được.

- Vì lợi ích tập thể tôi có đầy đủ biện chứng, chỉ cần anh giúp tôi vào cuộc.

Liên vẫn kiên trì thuyết phục, và sau cái nhún vai khá tự đắc, Hùng bảo Liên:

- Nói gần nói xa chẳng thà nói thật, giá như hồi ấy, khi còn ngồi ghế nhà trường, cô chấp thuận yêu tôi thì dự án sẽ êm đẹp hơn nhiều đấy.

Nghe Hùng nói vậy, Liên sững người. Cô không ngờ anh ta lại ích kỷ đến như vậy, việc không chấp thuận bản dự án chỉ là cái cớ để trả thù món nợ cá nhân. Nhìn thẳng vào mắt Hùng, Liên nói trong sự uất nghẹn:

- Anh là người cố chấp nhỏ nhen, chuyện cũ đã qua rồi, anh không thể lồng cái riêng vào cái chung được, đây là mặt trận sản xuât vì lợi ích tập thể. Hai điểm anh nêu ra tôi có đủ chứng cứ để bảo vệ dự án của mình.

Thấy Liên không tỏ ra ân hận với cách nói vừa rồi, Hùng sẵng giọng thách đố:

- Nếu giỏi cô cứ tiến hành công việc, nhưng nhớ một điều về kỹ thuật phải qua tôi, cô hiểu không?

- Biết thế nào anh cũng nói điều đó để hù dọa, nhưng tôi không đơn độc, bên cạnh tôi còn có tổ chức, rồi mọi người sẽ hiểu về tôi.

  Cuộc đối chất tay đôi chưa ngã ngũ, bên ngoài cửa nghe có tiếng người nhắc tới tên mình, Liên bước ra thấy ông Độ cùng đồng chí trưởng phòng, cô mừng quýnh:

- Chào bác Chủ tịch, cháu đang định chiều nay lên xã gặp bác.

- Có quan trọng lắm không?

- Về giống đỗ tương trồng thí điểm ở bãi nhà bác.

Ông Độ hồ hởi:

- Vậy thì hay rồi, tôi lên huyện cũng là việc đó, đỗ trồng cây lên rất đều, quả ra sai lắm cô Liên ạ.

Nét mặt ông Độ tươi rạng rỡ, Liên nắm tay cám ơn ông chủ tịch, đoạn quay sang trưởng phòng:

 - Mai anh cùng em xuống xã, ghé thăm gia đình bác Độ, nhân thể ra bãi đỗ kiểm tra thực trạng

- Bác với cô Liên nhiệt tình tham gia, phòng huyện phải động viên ủng hộ rồi. Chủ tịch xã cười khà khà:

- Vậy thì tốt quá, tôi sẽ trực ở nhà để đón tiếp anh và cô kỹ sư.

*       *         *

Cùng đi với cô sáng nay có trưởng phòng cùng thư ký công đoàn phòng nông nghiệp. Đồng bào địa phương nơi đây dựa vào trồng ngô, lạc trên nương bãi, năng suất thấp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Với địa hình, thổ nhưỡng của xã, Liên muốn thử nghiệm trồng giống đỗ tương lai hạt trên đồng đất này.

Đúng như lời ông Độ, ra đón khách có cả bà xã của ông cùng đứa cháu nội. Sau ít phút ngồi uống nước, ông Độ đưa khách ra thăm bãi đỗ tương thí điểm của gia đình.

Bãi cách nhà chừng năm trăm mét, một khoảng đất riêng để canh tác. Nhìn những luống đỗ sai trĩu quả nối nhau chạy dài tận cuối bãi. Trưởng phòng cảm thấy hài lòng trước sự thành công bước đầu, nắm tay ông Độ, anh vui vẻ nói:

- Vừa qua cô Liên có đưa bản dự án “Cây đỗ tương” trình bày, tập thể lãnh đạo phòng thiếu sự qua tâm góp ý xây dựng, cháu và Phi Hùng là người có lỗi, bác Độ ạ. Quay sang Liên:

- Cô và bác làm tôi bất ngờ đấy, đỗ tương sắp sửa thu hoạch mà cả phòng chẳng ai biết gì, nhưng như thế càng hay, đây là điểm nhấn của sự đổi mới giống cây trồng trên địa bàn huyện.

- Em định báo cáo anh từ lúc triển khai, chỉ lo công việc bị thất bại nên chưa dám. Thực tế anh thấy rồi, phần lý thuyết trong dự án anh ủng hộ em chứ!

 - Tôi sẽ trao đổi với cậu Hùng chuyện này, mọi vướng mắc tồn đọng phải được giải tỏa trong nội bộ, chúc cô và bác thành công “tác phẩm mới” của mình.

 Thời tiết se lạnh cuối thu trên vùng cao, nhưng trong lòng Liên thật ấm áp. Đã gần giữa trưa, ở nhà chắc bố mẹ đang chờ cô về ăn cơm, Liên thầm nhủ: “Mẹ ơi, trưa nay con sẽ ăn thật ngon để mẹ vui, sẽ cố gắng hết mình với công việc được nhân dân trong xã giao phó, xứng đáng là con gái thương yêu của mẹ”

Sắc nắng vẫn hồng lung linh, trải khắp bãi đồi trên quê hương vùng cao.

TÌNH NGƯỜI

Đoạn đường gồ ghề đá sỏi, ổ gà chắp vá lồi lõm tựa các vết thương chưa kịp lên da non, vậy mà nó vẫn phải oằn mình chịu sức nén của bao chuyến xe quá tải tấp nập ra vào. Dọc hai ven đường, hàng cây phủ kín một lớp bụi than dầy kịt. Giữa trưa, nắng hè gay gắt, có hai đứa trẻ một gái một trai, chúng đang ì ạch từng bước bởi trên vai mỗi đứa là gánh than đầy. Chắc thấm mệt, đứa con gái đi đằng sau gọi với:

- Hùng à, nghỉ một lát, tớ mệt lắm rồi.

Cậu bé có tên là Hùng hạ đòn gánh, nó quay lại bảo bạn:

- Đã nhắc Liên gánh vừa thôi, cố thế chịu sao nổi.

Hai đứa ngồi phệt xuống mặt đường, từng giọt mồ hôi quện với than bụi, nom mặt mũi chân tay chúng càng thêm lem luốc. Ngả chiếc nón bợt vành, cái Liên quạt cho nó và cả thằng Hùng. Vừa quạt nó vừa nhìn bạn rồi bảo:

- Tớ cũng biết là vậy, nhưng mấy hôm nay bố tớ bị ngã gãy chân….

Thằng Hùng ngạc nhiên hỏi:

- Sao bạn không nói, tớ chẳng biết gì sất.

- Bố tớ uống rượu ở quán về say quá ngã xuống mương.

- Bố bạn uống rượu nhiều thật đấy, tháng trước chỉ vì say nên mới gây gổ định đánh cả ông An nhà cuối xóm.

Cái Liên thanh minh:

- Trước kia bố tớ uống ít thôi, từ khi bỏ mẹ tớ mới uống nhiều vậy.

- Tại bố bạn cả thôi, cứ uống rượu vào lại đánh đập bác gái, như thế ai mà chịu được cơ chứ.

- Không muốn Hùng nói thêm về chuyện nhà mình, con bé giục bạn:

- Đi tiếp Hùng ơi! Tớ bán xong phải về nhà nấu cơm kẻo muộn.

Nhìn dáng vóc nhỏ thó của cái Liên, thằng Hùng cảm thấy thương, nó bảo:

- Liên này, bạn chuyển bớt sang bên đây, Hùng gánh đỡ cho.

Chẳng đợi cái Liên có đồng ý hay không, nó lấy tay bê từng hòn than xếp vào thúng của nó.

Khi hai đứa đã bán xong hàng, trên đường về xóm, cái Liên bảo:

- Hùng về trước, tớ còn rẽ vào chợ mua ít thức ăn sẽ về sau.

*    *   *

Hắn nằm trên giường co ro như một kẻ nghiện xì ke, không hiểu hắn thèm rượu hay cái chân đau nhiều mà cứ lảm nhảm như mắc chứng thần kinh. Hắn xoay người đưa tay với cái chai dưới gậm giường, hắn cố lắc, nhưng rượu chỉ còn vài giọt. Dốc ngược chai hắn mút chùn chụt. Cấn rượu không đủ để hắn thoả cơn nghiền. Hướng ra cửa, hắn chửi đổng:

Mẹ kiếp, giờ này mà nó chưa thèm về, định tới chiều ăn một thể chắc. Cứ thế hắn lải nhải chuyện này sang chuyện nọ.

Kẹt, cánh cửa hé mở, cái Liên lễ mễ tay xách tay bưng, bên là gạo, bên túi thức ăn, nó bước vào nhà thấy bố nó nằm trên giường, cái Liên vội hỏi:

- Bố đã đỡ chưa ạ?

- Đỡ đần gì, hãy còn đau lắm, đi nấu cơm nhanh lên, tao đói lắm rồi.

- Vâng, con nấu ngay đây, vì phải vào chợ mua thức ăn nên mới muộn, à con mua ít thịt chó để bố nhắm rượu đấy.

Đang đói cồn cào, nghe con nói đến thịt chó, đôi mắt hắn bỗng sáng rực, ngoái xuống bếp hắn bảo:

- Thịt chó hử? Tuyệt, thật là tuyệt, nấu cơm xong mày mua cho tao lít rượu, tiện thể tạt qua nhà bác Tèo xin ít húng quế, cái giống thịt chó mà thiếu vị này thì chán bỏ mẹ.

Hắn nằm nguyên vị cho đến lúc cái Liên bê mâm cơm lên, hắn mới ngồi dậy. Bó mồm nhịn rượu từ sáng, giờ có đồ nhắm, miệng hắn luyên thuyên đủ chuyện. Cái Liên hiểu tính bố nó, mỗi lần uống rượu quá chén, đều gây sự với vợ con. Bởi vậy bữa cơm trưa nay nó cứ ngồi im lặng, mặc cho ông bố nói gì nó chẳng cần biết. Chính tật xấu đó mà mẹ và đứa em nó phải đành bỏ nhà ra đi. Liên thương mẹ lắm, giờ này mẹ đang làm gì? Còn bé Trang, em có nhớ chị không? Nó thầm gọi mẹ và đứa em mà Liên rất đỗi thương yêu. Nó trách bố nó không biết tôn trọng người thân trong gia đình, tự gây nên cảnh chia ly. Không nén nổi tình cảm, bé Liên bưng mặt khóc. Đang lơ mơ với men rượu, hắn chợt hé đôi mắt đỏ ngầu, rớn đôi mày lưỡi mác, hất hàm hỏi:

- Sao mày lại khóc hả Liên?

- Bụi than bắn vào mắt, con dụi cho ra bố ạ.

- Ờ…ờ… Tao lại tưởng…, thế sáng nay bán được bao nhiêu tiền than?

Cái Liên đang dọn bát, miệng trả lời:

- Được gần ba chục ạ.

- Nhiều đấy nhỉ, có còn đưa tao một ít.

- Còn vài đồng con mua rượu cho bố hết rồi

- Vậy thì chiều nay cũng được, để sáng mai tao có tiền uống rượu.

- Vâng, chiều con sẽ kiếm nhiều hơn.

          -   Cũng được!

Vừa dứt lời, đầu hắn đã nghẹo sang một bên nom như gà bị cắt tiết vậy.

*    *   *

Đã cuối chiều, mặt trời khuất sau ngọn núi đằng tây. Chất men trong người hắn cũng tan dần, uể oải hắn vươn vai ngáp dài mấy cái rồi tập tễnh bước ra sân, cũng vừa lúc thằng Hùng hớt hải chạy vào báo cho hắn biết chuyện chẳng lành:

- Bác ơi, cái Liên ngã xuống “boong” than rồi.

Hắn ngơ ngác hỏi lại:

- Sao? Cái Liên nhà tao nó làm sao?

- Liên trợt chân ngã xuống “boong”, may được bác bảo vệ đưa nó lên.

- Có việc gì không hả?

- Nặng lắm bác ạ, xe của mỏ đưa nó cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, bác vào thăm nó nhanh lên, cháu đi báo cho mấy nhà trong xóm biết.

Nện cái chân không đau xuống nền đất thình thịch, hắn rên rỉ:

- Chết tôi rồi, thế này thì chết tôi rồi…

Bà con chòm xóm nghe tin đổ xô đến, thấy hắn điềm nhiên như không, tất cả vây quanh lại. Một ông già cao tuổi, khuôn mặt chữ điền chỏ vào hắn bảo:

- Này anh kia? Con bé bị tai nạn nặng thế mà anh vẫn bàng quan được hả?

Đó là ông An, người mà hắn đã gây xích mích với ông tháng trước. Như lửa được thêm dầu, hắn trợn mắt, đôi lông mày sun lại, khoát tay bảo ông già:

- Con tôi có làm sao cũng không khiến ông thăm hỏi, đúng là rỗi việc.

- Anh là hạng người nhỏ nhen, ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Tình nghĩa xóm làng hoạn nạn có nhau, anh hiểu chưa?

Hắn vẫn gân cổ giở giọng cùn:

- Đó là việc của gia đình tôi, cái Liên là con tôi, không cần ông lo hộ.

Một chị trong đám đông khuyên giải:

- Thôi, hai người đừng cãi nhau nữa, xin anh nghe chúng tôi, khẩn trương vào viện xem cháu thế nào.

- Nhưng chân tôi thế này thử hỏi đi làm sao được.

Tiếng ông An:

- Nếu anh thấy cần, tôi bảo thằng Long nhà tôi lấy xe máy chở anh đi.

- Còn tiền nữa, lấy đâu để tôi vào viện trông nó.

 Mở túi áo, ông lấy tiền đưa cho hắn rồi bảo:

- Tiền đây, anh cầm lấy vào viện mua thuốc chữa chạy cho cháu Liên.

Cũng như ông An, mọi người đều giúp đỡ hắn chút tiền. Cảm kích trước tấm lòng của bà con xóm làng, hắn ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ, đôi mắt nom hiền từ hơn, miệng hắn mếu máo:

- Cám ơn bà con đã đối xử rất tốt với bố con tôi, vậy mà tôi còn có thái độ không phải với ông An và mọi người, xin cho tôi được tạ lỗi.

Xe nổ máy, cậu con trai ông An đưa hắn vào viện. Mọi người đều chăm chú nhìn theo, thấy hắn ngoái lại vẫy tay chào, có lẽ tình người trong lòng hắn đã thức tỉnh. Còn ở viện, bé Liên giờ này chắc đang mong bố lắm.

NGƯỜI GOM PHẾ LIỆU

Ai nhôm đồng, sắt vụn, nhựa hỏng bán đơi… Ai… Tiếng nhỏ nhẹ, lọt thỏm chìm vào không gian bao la, tan trong vô vàn âm thanh hỗn hợp. Chị lẫn giữa dòng người, quần áo đơn sơ, chiếc nón trên đầu bạc phếch, tấm khăn che mặt chỉ hở đôi mắt là cửa sổ của sự giao tiếp với xung quanh.

Như thường lệ, tôi đang cặm cụi hàn mấy cái thúng tưới nước. Chợt nghe tiếng gọi:

- Anh ơi! Nhà có đồ phế bán không?

Đang bận việc, tôi nói qua quýt cho xong chuyện:

- Không có gì đâu!

Chị ta chưa đi ngay mà nán lại nài nỉ:

- Chẳng nhiều thì ít, từ sáng tới giờ em đã mua được gì đâu.

Nghe chị ta nói, tôi cảm thấy ái ngại, liền dừng tay:

- Thôi được, chị chờ một lát, tôi dồn được từng nào chị lấy tạm vậy.

- Anh bận cứ tiếp tục làm đi, phế liệu để em gom!

Tôi không làm việc ngay mà lấy trà pha nước, chờ cân xong, tôi rót nước mời chị:

- Uống chén nước đã chị.

Thấy tôi mời chân thành, chị bỏ nón, tháo khăn che mặt rồi nói:

 - Em đi nhiều nơi nhưng chẳng được ai pha nước mời. Lúc khát quá, xin ngụm nước họ bảo không có.

            - Chén nước đáng kể gì, sao có người ích kỷ vậy

            - Vâng, mọi người quan niệm công việc của bọn em là thấp hèn, chẳng có địa vị trong xã hội.

Tôi ủng hộ chị:

- Những ai coi thường lao động là không có ý thức, thiếu sự tôn trọng người khác.

Nở nụ cười rạng rỡ chỉ bảo:

- Nếu được như anh thì cánh “đồng nát” chúng em càng yêu mến việc hơn.

Nhìn nét thanh tú trên khuôn mặt trái xoan của chị, càng tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng nết na, pha chút thanh nhã hiếm thấy ở những “Bà đổi”

Đưa chị chén nước tôi nhắc:

Chị uống nước đi kẻo nguội.

Vâng, em xin anh.

Quê chị ở đây hay vùng nào? tôi gợi chuyện.

Vùng này anh ạ

Đi thế này “anh nhà” có hưởng ứng không?

Hồi đầu thì chưa, em thuyết phục mãi, giờ thì ổn rồi.

Uống hết chén nước, chị đứng dậy chào:

Em đi nhé, ngồi lâu mất thời gian của anh, khi nào có hàng em lại đến.

Vâng, lần sau có tôi phần chị.

Qua mỗi lần trò chuyện, được biết chị sinh ra và lớn lên ở một làng ven sông Công, con sông bao đời gắn bó với người dân đất chè. Cô bé học sinh trường làng vốn siêng năng hiền thảo. Học hết phổ thông, trong vùng có nhiều đám ngỏ lời thương yêu, nhưng cô đều từ chối, bởi đã chót hẹn ước với người con trai làng bên. Ngày ấy, tình yêu của đôi bạn trẻ đang ở độ chín, thì người yêu của cô có giấy gọi nhập ngũ. Sau đó lên đường vào Nam chiến đấu. Tạm chia tay mối tình đầu, nhưng cô vẫn một lòng thương yêu chờ đợi người thân, hẹn ngày nước nhà thống nhất độc lập.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nghe tin người yêu của mình từ mặt trận được xuất ngũ trở về quê hương, họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe chuyện làng quê. Tới chuyện hôn nhân, chàng trai lúng túng nhìn vào cùi tay sần sùi vết sẹo. Hiểu được lòng anh, cô ngước ánh mắt đầy tự tin để mách bảo anh rằng “anh hãy tin ở lòng em, dù anh có thế nào chăng nữa, em mãi là bạn đời chung thủy”.

Nửa năm sau, lễ cưới của hai người được tổ chức, với sự có mặt đông đủ hai họ và bạn thân đến chúc mừng ngày vui. Khi tổ ấm gia đình hình thành, họ bàn tới việc phát triển kinh tế trong tương lai.

Khi đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời, cũng là thời điểm anh cùng các thương binh trong thôn tổ chức thành lập cơ sở (thương binh vượt khó lập nghiệp). Còn chị đi thu gom phế liệu trên thành phố.

***

Biết chị đã gần hai năm, có một sự việc xảy ra tôi cứ áy náy mãi. Đó là một buổi chiều chị đến nhà tôi cân hàng, lúc đó tôi đang ngồi nói chuyện với ông hàng xóm. Biết chị đi mua phế liệu, liền bảo chị sang nhà ông ta bán cho ít hàng. Nghe ông nói thế, tôi giục:

- Chị sang đi, nhà ông ấy gần đây thôi.

Họ đi rồi, tôi lấy bao gom hàng cho chị, bỗng nghe bên nhà ông hàng xóm to tiếng. Tôi qua xem sự thể ra sao, bước tới của tôi nghe tiếng “Chị đổi”:

- Bác xem kĩ lại đi. Một mất mời ngờ, oan cho em quá.

Mặt đỏ phừng phừng, giọng ông hàng xóm oang oang:

- Còn xem xét gì nữa, đi khóa về mở, chỉ có cô vào nhà cái ví không cánh mà bay, thử hỏi còn ai kia chứ.

Vừa thấy tôi, chị bưng mặt nghẹn ngào:

- Khổ vậy anh ơi, em có biết ví tiền để ở chỗ nào đâu, cân xong hàng bác ấy bảo là mất, gán cho em lấy cắp!

Thấy phân vân, tôi hỏi ông hàng xóm:

- Ông đã kiểm tra kĩ chưa, có thể là quên chỗ nào không nhớ.

Vừa dứt lời, ông ta đã rắn giọng:

- Chưa rõ môn khoai đã bênh kẻ cắp, có mất của tôi mới kêu chứ, việc này phải mời công an đến lập biên bản.

Thấy ông nói vậy, tôi liền can:

Hãy bình tĩnh đã ông, nhỡ không phải lại ân hận.

Việc của gia đình tôi ông đừng can thiệp, còn cô này, có trả ví không thì bảo.

Chị vẫn một mực:

- Em đã nói từ đầu là em không được lấy của bác, nếu sai em chẳng là giống người.

Nhìn nét mặt và lời nói của chị, tôi bảo ông ta:

- Ông nhớ trong ví có bao nhiêu tiền không?

- Có chứ, sáu trăm nghìn và ít đồng lẻ.

- Ông nói thế tôi sẽ trả thay cho chị ấy đủ số tiền ông mất, được chưa?

Ông ta không ngờ sự việc lại được giải quyết chóng vánh như vậy, đành xuống giọng:

- Thế cũng được, ông giao đủ tiền, tôi sẽ cho cô ấy đi.

Đếm đủ tiền đưa cho ông hàng xóm, tôi nói:

 - Việc ổn rồi, ta về thôi!

Sau vụ mất tiền được hai ngày, đột nhiên ông hàng xóm mang tiền sang nhà tôi thanh minh:

- Ông này, cái ví cứ nghĩ là cô ấy lấy, hóa ra bà xã nhà tôi thấy để ở mặt tủ, đem cất vào hòm quần áo. Vì vội sang chơi bên ngoại nên không nói cho tôi biết, thành thử đã xúc phạm danh dự cô ta.

Nghe ông nói vậy tôi chép miệng:

- Chị ấy là người thật thà, mua bán sòng phẳng, tôi tin chị ta nên mới trả tiền cho ông.

Đưa tay vò đầu, ông hàng xóm tỏ vẻ hối hận:

- Khi rõ chuyện tôi mới thấy mình hồ đồ, mong gặp được cô ấy để xin lỗi ông ạ.

- Ông nghĩ thế là phải, nếu không oan cho người ta.

Đã lâu không thấy chị đến mua hàng, một tháng, hai tháng, rồi năm, bảy tháng vẫn bặt vô âm tín. Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra với chị, hay vì chiếc ví nên chị ngại chăng. Dù sao gặp được chị dăm  ba phút đủ bộc bạch cũng là… Nhưng phải đến sáu năm sau, một tình cờ ngẫu nhiên ngoài sự tưởng tượng.

***

Một buổi tối như thường lệ, tôi ngồi xem tivi, thấy cảnh khai trương sản phẩm mới và trao quà cho học sinh nghèo học giỏi. Trên màn hình ghi rõ địa chỉ ”Cơ sở sản xuất vật liệu thép Tùng Nga”. Điều khiến tôi thật sự bất ngờ, đó là “Chị đổi” của mấy năm trước, cử chỉ, nét mặt vẫn như xưa, chỉ khác cách ăn mặc có phần thay đổi. Sáng hôm sau, tôi sang nhà ông hàng xóm kể lại sự việc đưa tin trên truyền hình, nghe tôi nói ông thật sự xúc động:

- Vậy thì tốt quá, một phụ nữ vươn lên từ công việc bình thường. Tôi chúc cô ấy thành công trong sự nghiệp, có một điều tôi vẫn áy náy trong lòng, đã nghi oan cho người vô tội. Hôm nào rảnh nhờ ông đưa tôi đến xin lỗi cô ấy. Tôi xua tay:

- Ông nghĩ thế là phải, nhưng không cần đến nhà đâu, cô Nga tính cách nhân hậu và độ lượng, chỉ cần ông gọi điện đến số máy tôi ghi cho là được rồi.

Rời nhà ông hàng xóm ra về, trong tôi trào dâng niềm vui, hình ảnh “Chị đổi” của những năm về trước, giờ đây dã là người quản lý một doanh nghiệp, chị đang góp phần công sức để làm giầu cho quê hương và gia đình./.

VÙNG ĐẤT QUẶNG

Mặt nó đen nhẻm bám đầy đất bụi, hai cánh tay khẳng khiu của thằng nhỏ vung vẩy theo đà cuốc. Nắng tháng năm hừng hực dội lửa xuống bãi đồi. Mặt đất tựa như cái chảo đặt trên bếp than. Đây đó lều bạt quây từng lô lúp xúp. Thằng nhỏ vẫn cặm cụi đào bới trong cái hang sâu gần ba mét. Nó chỉ ngừng khi mà hôi nó trào xuống đôi mắt cay xè vị mặn. Nó giơ tay quệt ngang rồi lại hì hục với công việc. Tôi ngồi im lặng khá lâu nên thằng nhỏ không hề biết có người đang xem mình làm. Muốn để nó nghỉ ngơi một lát, tôi cất tiếng gọi:

Này cháu ơi! nghỉ tay lên uống nước đã nào. Nó ngẩng đầu nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng, cảm thấy bình tĩnh, môi nó mấp máy.

Cháu cứ ngỡ chú là …. Nó không nói nữa, tôi gạn hỏi:

Thế cháu tưởng chú là ai?

Là cán bộ quản lý vùng mỏ. Tôi khoát tay để thằng nhỏ yên lòng:

Chú không phải như cháu nói đâu, chú đến để làm quặng. Nó chưa tin:

Có thật thế không ạ?

Thật chứ, ai lại nói dối trẻ con bao giờ. Tôi giơ tay kéo nó lên rồi mở túi lấy chiếc quạt giấy và chai nước khoáng mang theo. Vừa quạt cho nó, tôi hỏi chuyện:

Cháu tên là gì?

Là Chiến ạ.

Nhà cháu gần đây không? nó gật đầu chỉ tay về cuối xóm rồi nói:

Từ đây về nhà cháu độ hai cây, gần thôi mà.

Chiến học lớp mấy rồi? Nó trả lời ráo hoảnh:

Cháu học lớp năm, nhưng bỏ rồi, tôi tần ngần nhìn thằng nhỏ.

Cháu bỏ học rồi đi làm quặng?

Vâng, nhà cháu đông anh em, với lại đào quặng còn có tiền còn gíup bố mẹ cháu chú ạ. Tôi hỏi tiếp:

Công việc cháu làm chắc thu nhập được nhiều phải không? nó lắc đầu:

Ngày nhiều, ngày ít nếu được chỉ vài ba chục thôi. Tôi chỉ đống quặng nó dồn ở góc hang rồi hỏi.

Một yến quặng được bao nhiêu tiền?

Năm sáu nghìn chú ạ. Tôi ngạc nhiên:

Sao rẻ vậy, chú nghĩ phải hơn thế chứ. Nó hạ giọng, nói vẻ người lớn.

Một hai năm trước giá còn được, bây giờ nhà nào cũng có người đi đào. Người lớn và trẻ con, nhà nào có vườn bãi đều làm tuốt tuột.

Thế ruộng đồng để mặc hả cháu? Nó cười hì hì.

Thuê người chứ chú, đào quặng vẫn hơn cày ruộng, cuốc vườn.

       Thằng nhỏ nhìn ngang nhìn dọc vẻ sốt ruột, thấy vậy tôi bảo nó:

Cháu ngồi lát nữa cho đỡ mệt.

     Nó chỉ tay xuống lòng hang trả lời:

Cháu phải làm thôi, mà sao giờ này anh cháu chưa ra, cháu sôt ruột quá. Giữ tay thằng nhỏ tôi bảo:

Hãy gượm, ăn bánh với chú đã, rồi hai chú cháu ta cùng làm. Vừa nói tôi vừa bóc bánh mời nó ăn, thằng nhỏ tròn mắt nhìn tôi.

Công việc vất vả lắm, chú không làm được đâu. Tôi quả quyết:

Sao lại không, Chú là dân lao động chính gốc đấy. Tôi nói để nó yên tâm. Thằng nhỏ ngồi ăn thật ngon lành, nét mặt nó nom hồn nhiên, ngộ ngĩnh. Mặc dù nó phải làm việc cực nhọc dưới lòng lang sâu, và cũng như người lớn, nó phải vật lộn với miếng cơm manh áo, với sự khắc nghiệt của nắng mưa, nó trở thành lao động chính trong gia đình. Đang ăn, bỗng nó hỏi tôi:

Chú ơi, con chú có ai bằng cháu không? Tôi gật đầu:

Có, nhưng là con gái.

Bạn ấy không phải làm như cháu chú nhỉ. Tôi lắc đầu:

Không cháu ạ, Tuổi các cháu còn nhỏ, cần phải được chăm sóc và được học hành đầy đủ. Thôi cháu uống nước, rồi chú cháu mình xuống làm. Thằng nhỏ phân công tôi xúc còn nó thì cuốc. Thỉnh thoảng cũng được đôi hòn to bằng cái chén hạt mít màu đen xẫm. Để quên mệt nhọc, vừa làm tôi vừa gợi chuyện:

Mọi ngày có ai làm cùng cháu không?

Có anh cháu, nhưng sáng nay phải bốc quặng lên ô tô, vì thế không ra được.

Cháu đã bốc quặng bao giờ chưa?

Cũng có, nhưng ít thôi, phần nhiều là người lớn. Tôi vẫn hỏi:

Xóm cháu trẻ con đi làm nhiều không hả?

Nhiều lắm, có cả những đứa ở xa tít cũng tìm đến đây làm. Chúng cháu gọi là “bọn xa xứ” vì chúng nó chẳng có nhà cửa gì cả, chú ạ. Tôi khẽ thở dài:

Thế “bọn xa xứ” ăn ngủ ở đâu?

          Câu hỏi ngớ ngẩn của tôi làm nó phì cười:

Chú không thấy lều quán lô nhô xung quanh đấy à?

Chú thấy rồi, tưởng chỉ để che mưa nắng. Nó ra vẻ giải thích:

Ban ngày thì thế, đến tối thay nhà ngủ luôn, ăn uống tại trận…càng nói chuyện với thằng nhỏ, tôi hiểu thế nào là “vùng đất quặng”. Đang làm, đột nhiên nó reo lên:

Chú ơi! Hòn này to lắm, vừa reo nó vừa làm động tác xỉa lưỡi cuốc để tìm vỉa. Tôi cũng lây cái vui với Chiến. Cậu ta phấn chấn lắm, nó bảo:

Hòn này cũng phải gần một tạ chú ạ.

Sao cháu đoán chắc vậy? Nó nói sành sỏi:

Thường thì quặng to thì có vỉa, khi săm lưỡi cuốc thấy hết vỉa là biết được nhỏ hay to. Trông thế này nhưng cân lên nặng lắm. Xoa đầu nó tôi khen:

Cháu thạo thật đấy. Thằng nhỏ khoái chí miệng cười thật tươi. Không khí dưới hang đang hào hứng, chợt có tiếng gọi dồn dập phía trên:

Chiến ơi! Ơi Chiến! Tôi và nó cùng ngẩng lên. Thằng Chiến đáp lại:

Trường hả? Chiến đây, có gì mà hốt hoảng thế? Thằng Trường đứng trên mặt hang, giọng hổn hển:

Về ngay, anh Thiện mày bị quặng rơi vào chân nặng lắm. Đang tươi tỉnh, nét mặt Chiến biến sắc, đoạn nó bảo tôi:

Chú ở đây cháu phải về xem sao.

Mặc nó nói, tôi vẫn nhẩy lên khỏi hang, cầm túi đồ tôi dặn Trường:

Cháu ở lại đây coi giúp hang, chú và Chiến tới đó.

*  *  *

Đám người bốc quặng xúm đông nơi xẩy ra tai nạn. Thiện đã đưa vào nơi thoáng mát, dóng chân bên phải băng tạm để cầm máu. Tôi nhanh chóng mở túi lấy thuốc, băng gạc mang theo, dùng cồn rửa sạch vết thương rồi băng lại cẩn thận. Trong lúc tôi thao tác, Thằng Chiến đứng cạnh khóc sụt sùi, nghe thật tội nghiệp. Một người đứng gần đó kêu to:

Ra rồi kìa. Tôi ngoảng lại, đó là một phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi, cùng với người đàn ông, họ vừa đi vừa chạy. Vì hốt hoảng, chị kêu làng gọi xóm. Thằng Chiến chỉ tay về phía người đàn bà, nó bảo tôi:

Mẹ và cậu ruột cháu đấy. Tôi tiến lại gần, nhận ra tôi, Minh, người đàn ông mà Chiến gọi bằng cậu ào tới nắm chặt tay tôi giọng sôi nổi:

Anh Khải, anh lên đây lâu chưa? Tôi ngạc nhiên không kém:

Vừa sáng nay, mình định hỏi thăm nhà, nào ngờ anh lại là cậu của thằng Chiến. Minh ngơ ngác nhìn tôi và đứa cháu rồi nói:

Sao anh lại biết cháu Chiến nhà này?

Tôi đáp:

- Mình lên xã công tác, tình cờ chú cháu gặp nhau ở bãi quặng rồi làm quen. Thằng Chiến thấy tình cảnh như vậy nó hỏi Minh:

- Cậu quen chú Khải lâu chưa?

- Lâu rồi, chú Khải là bạn lính chiến với cậu đấy. Chuyển ngành, chú ấy về công tác ở Hội Chữ thập đỏ của tỉnh. Thằng nhỏ quay sang tôi:

- Thế mà chú nói dối cháu là chú là lên đây đào quặng. Tôi cười xòa:

- Có thế, chú cháu mình mới làm cùng nhau, phải không nào? Mà thôi, chuyện trò để sau, giờ phải lo chuyển cháu Thiện về trạm y tế xã. Minh ngắt lời:

- Anh khỏi lo, xe máy có rồi, tôi ngồi đằng sau với cháu Thiện, mời anh tới thăm gia đình, Chiến đưa chú Khải về nhà giúp cậu.

Đám đông tan dần, chiếc xe đầy ắp quặng từ từ chuyển bánh, nạn nhân cũng được đưa đi điều trị. Tôi và Chiến đến chỗ mẹ nó. Thấy chị vẫn ôm mặt khóc, tôi lựa lời động viên:

Chuyện xảy ra rồi chị nên bình tâm lại, vấn đề sau trường hợp này, gia đình không để các cháu làm việc quá sức. Chị xoa đầu thằng Chiến rồi nói:

Thực lòng tôi cũng thương các cháu lắm anh ạ, hiềm một nỗi nhà lại đông khẩu ăn, mà quặng ở trong vườn bãi của mình. Thuê thì tiền không có, đành phải huy động các cháu, thành thử mới ra nông nỗi này anh ạ. Tôi chủ động đề ra phương hướng giúp chị

Tiền bán được quặng, ngoài chị chi tiêu hàng ngày, chị nên bớt ra để thuê nhân công, với các cháu gia đình nên cho học tiếp. Nước mắt rơm rớm, chị gật đầu:

Vâng, sau vụ này chúng tôi không cho các cháu tham gia làm quặng nữa. Và như để giới thiệu với tôi, thằng Chiến khoe với mẹ nó:

Mẹ ơi, chú Khải là cán bộ Hội Chữ thập đỏ mẹ ạ, chú còn giúp con đào quặng nữa đấy. Chị nhìn tôi xúc động.

Cảm ơn anh đã quan tâm, giờ việc đã tạm ổn, mời anh về chơi thăm gia đình. Thằng nhỏ nói xen vào:

Cậu Minh dặn con rồi, đi về thôi mẹ!

            Chúng tôi rời bãi quặng, mặt trời đã chếch đỉnh đầu, từng làn gió mát rượi thổi đến, vơi đi cái nóng hè oi ả. Khắp vùng đất quăng biêng biếc một mầu xanh quê hương.

ĐẤT CHUYỂN MÌNH

Gà đã lên chuồng, trên chiếc bàn con, mâm cơm vẫn đậy cẩn thận. Bà Thành kéo ghế ra ngồi đầu hè chờ cháu. Chẳng phải bà sốt ruột bữa cơm mà là lo cho thằng Thảo, đứa cháu nội duy nhất. Hôm nào nó về muộn bà thấp thỏm không yên. Đường làng đã thưa người, thỉnh thoảng có tiếng xe chạy qua, bà lại hướng ra cổng mừng thầm, thoáng chút bà lại lắc đầu, vốn hiểu tính cháu chỉ lo làm ăn. Ban ngày bận việc ở huyện, chiều về cặm cụi với giấy tờ. La đà quán xá nó chẳng nghĩ tới. Hay là…ý nghĩ vụt loé trong đầu làm bà Thành lo sợ. Xe máy bây giờ nhiều, riêng cái làng bé nhỏ này cũng tới vài trăm cái. Kể thì thuận tiện thật, có điều bà vẫn ngài ngại nạn giao thông, đoạn bà lẩm bẩm:

- Ờ sao mình lại nghĩ quẩn vậy, giờ tuổi già có khác.

Bánh xe máy từ từ lăn vào cổng, lần này thì đích thực nó rồi. Bà bước xuống sân, đôi mắt hiền từ ánh lên sự vui mừng. Bà Thành đon đả:

- Hôm nay cháu về muộn vậy?

     Thảo đoán hẳn bà lo lắm, chưa lần nào anh về muộn như lần này. Mủm mỉm cười Thảo thưa với bà:

- Cháu đoán bà mong, nhưng hôm nay có đoàn cán bộ của tỉnh đến tham kiến dự án. Do vậy cháu về muộn để bà nóng lòng. Bà Thành dí ngón tay lên trán cháu, kèm theo câu cửa miệng:

- Cha mẹ đẻ nhà anh, giờ mới về thử hỏi sao bà không nóng ruột, trên đường xe cộ thì nhiều.

- Bà yên tâm, cháu đi cẩn thận mà.

- Đành là thế, nhưng đề phòng vẫn hơn cháu ạ.

Thấy mâm cơm vẫn đủ hai đôi đũa, anh hỏi bà:

- Bà chưa xơi cơm ạ?

- Chưa, chờ cháu về cùng ăn một thể. Thảo ái ngại nhìn bà:

- Lần sau cháu về muộn, bà cứ ăn trước cho nóng.

- Nhà có hai người, bà muốn bữa ăn vui vẻ, cháu đi rửa tay, để bà đun lại nồi riêu cho nóng.

Món ăn anh thích nhất là cá mè kho tương. Vừa ăn Thảo vừa kể cho bà nghe dự án cải tạo vùng đất quê nhà. Đưa một số cây mầu cho năng suất cao. Thay thế những loại cây chậm phát triển.

Nghe cháu mình kể, bà Thành không hiểu gì về kỹ thuật nhưng theo nó nói chắc bội thu lắm. Bà tận mắt chứng kiến vụ ngô hạt năm ngoái, chính cháu bà mang giống mới ở tỉnh về trồng ở bãi nhà. Bận ấy nó cũng vất vả, hết giống má lại gieo trồng vun xới. Tới kỳ thu hoạch, trời không phụ công nó, những cây ngô sai bẹ hạt mẩy chắc, cây nào cũng như cây nào. Thành công vụ ấy nó phổ biến cho cả xã làm theo. Thấy bà Thành không ăn, cứ đăm đắm nhìn mình, Thảo giục bà:

- Kìa bà ăn đi chứ, cháu ăn được vài bát rồi này.

- Cháu ăn đi, Bà đủ rồi.

Kể từ lúc tốt nghiệp ra trường về huyện công tác, bà cháu ít có dịp chuyện trò. Thảo tính hiền lành ít nói, được cái cần mẫn và cẩn thận, giống hệt tính bố khi xưa. Thảo lấy cốc rót nước mời bà:

- Cháu mời bà dùng nước.

- Ờ, để bà uống, thế ngày mai anh còn lên tỉnh không?

- Dạ không, trên tỉnh duyệt rồi, dự án sẽ được triển khai ở xã ta.

- Có phải cây đỗ tương cháu nói với bà tháng trước?

- Dạ phải, một số nơi trồng mía, thấy không phù hợp với chất đất sẽ chuyển sang trồng đỗ và chè. Sực nhớ, Thảo mở túi sách lấy phong bánh đậu xanh. Cầm hai tay anh thận trong biếu bà:

- Bánh cháu mua trên tỉnh, mời bà xơi.

- Anh cứ vẽ chuyện, mua làm gì cho tốn tiền, cất đi để đến mai.

- Bà ngồi xơi nước, cháu tranh thủ viết một lúc nhé!

- Ờ, đừng có thức khuya kẻo lại ốm.

Chẳng còn ai chuyện trò, bà Thành mang trầu cau ra ăn. Những lúc thế này bà thích ăn trầu hơn cả.

Bên khung cửa, bóng đứa cháu của bà đang say sưa bên bàn sách. Bất giác quá khứ lại hiển hiện trong tâm trí bà. Thời gian trôi nhanh thấm thoát đã hai mấy năm trời, cái ngày bà nhận được tin, anh con trai độc nhất của bà đã hy sinh ngoài mặt trận, chính là bố thằng Thảo bây giờ. Lúc đó thằng Thảo còn nằm trong bụng mẹ. Nén nhịn đau thương, bà động viên con dâu vượt lên nỗi mất mát dù bà biết rằng không thể bù đắp nổi. Hai mẹ con tần tảo nuôi nhau, rồi thằng Thảo ra đời. Cuộc sống thật lận đận vất vả. Để bù đắp lại, cô con dâu sinh cho bà một cháu trai, bà mừng lắm. Đúng là ông trời có mắt, âu cũng là khỏi hổ thẹn với tổ tiên. Ông nội và bố cháu nơi suối vàng cũng được mát lòng hả dạ. Nhưng niềm vui chưa được nhiều thì tai hoạ lại ập đến đè lên đôi vai gày guộc của bà. Cô con dâu mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Bà đã bán hết mọi thứ trong nhà để lo chạy chữa. Vì bệnh tình quá nặng, cô qua đời, gia đình còn lại mẹ chồng và đứa con chưa đầy ba tuổi. Thằng Thảo mồ côi cả bố lẫn mẹ từ đận ấy. Gian nhà tranh đơn sơ một tuổi già, một trẻ nhỏ. Bà làm tất cả mọi việc có thể làm được để có đồng tiền bát gạo nuôi Thảo ăn học. Nhiều đêm nằm cạnh cháu, bà thầm khấn vong hồn những người thân phù hộ cho hai bà cháu được mọi sự bình an. Thằng Thảo lớn dần trong tình yêu thương đùm bọc của bà. Niềm vui sướng nhất trong đời bà là khi nghe tin cháu thi đỗ vào trường đại học, bà cười mà nước mắt dàn dụa, vậy là nó hơn ông nội và bố Hiếu nó ngày xưa. Bà đang trầm tư trong hồi tưởng, chợt nghe tiếng động mạnh của thành bàn, bà vội chạy vào xem sao, thì ra nó mệt quá nên ngủ gật. Khẽ lay vai cháu bà gọi nhỏ:

- Thảo ơi! vào giường ngủ đi cháu. Dậy…dậy nào. Thảo choàng tỉnh, hoá ra bà vẫn thức. Anh nhìn bà cảm động.

- Bà tuổi đã cao, bà nên ngủ sớm cho đỡ mỏi.

- Cháu thức ngồi viết thế, bà ngủ sao được, đi ngủ đi, mai dậy còn làm việc. Thảo ngoan ngoãn nghe bà:

- Vâng ạ!

***

Trụ sở Uỷ ban huyện nhộn nhịp hơn thường lệ. Ngoài các vị chức sắc, còn có một số người dân địa phương, họ đi đi lại lại có vẻ sốt ruột. Thoáng thấy Thảo, Chủ tịch huyện chạy ra nắm vai Thảo tươi cười:

- Vẫn giữ nguyên thế hay có gì thay đổi không cậu?

Thảo lắc đầu:

- Không anh ạ, em tính kỹ cả rồi.

- Vậy thì tốt, lát nữa cậu cứ trình bày thật chi tiết trước đông đủ mọi người.

- Vâng, thủ trưởng cứ yên tâm. Ông chủ tịch khẽ lắc đầu:

- Yên tâm thì yên tâm rồi, nhưng có một điều cậu hơi chủ quan đấy. Thảo nhìn cấp trên thoáng chút nghi ngờ.

- Anh nói chủ quan là sao? Trong dự án có phần nào chưa thông? Chủ tịch vỗ nhẹ vào vai Thảo:

- Riêng mình tin ở cậu, chưa thông là việc của người khác. Cậu còn nhớ hôm phái đoàn đi khảo sát thực tế không? Thảo khẽ gật đầu:

- Em nhớ, chắc có gì trục trặc, hả anh?

- Cậu đoán đúng đấy, chuyện là thế này, cái anh chàng Tuyên bị đụng chạm đến đất đai phần mộ tổ của gia đình. Dự án của cậu lại rơi đúng vào tầm ngắm. Nếu cải tạo qui hoạch đất đai canh tác, khu mộ đó tất nhiên phải di chuyển. Mà ông trưởng tộc lại là chú họ của Tuyên. Chỉ tay về phía trụ sở, nơi tập trung số đông người, ông chủ tịch tiếp:

- Đấy, cậu thấy chưa? Trong số đó có cả ông Năm, họ kéo đến đây để làm to chuyện đấy. Thảo giật mình bối rối, anh né tránh đôi mắt của người đối diện mình. Thấy Thảo tần ngần chủ tịch nhắc:

- Thế nào? khó giải quyết lắm hả? Mà thôi, cậu chẳng nói tôi cũng biết rồi, cậu đang tìm hiểu cô Nhung em gái ông Tuyên. Cái khó cho cậu là ở đấy. Thảo vội chữa cho mình:

- Xã của em là nơi thuận tiện nhất cho việc chăn nuôi và dẫn nước. Ngoài khu ấy ra còn biết chọn nơi nào hơn nữa.

- Chính vì vậy mà tôi cần gặp cậu ngay để trao đổi. Gia đình viết đơn, kéo nhau lên huyện kiến nghị đòi dừng dự án vì vậy ta phải kiên quyết dập tắt ý định phá ngang của họ, cậu nhất trí chứ?

Ruột gan Thảo rối như mớ bòng bong. Anh không ngờ sự việc lại phức tạp như vậy. Mắt trầm tư nhìn về phía trụ sở. Thảo cất giọng đanh gọn:

 - Không thể ngừng được, dự án phải thực hiện anh ạ. Xiết chặt tay Thảo, Chủ tịch huyện cười hể hả:

- Lập trường khá đấy, cậu phải tế nhị bình tĩnh. Tớ sẽ giải thích cho mọi người hiểu ra vấn đề. Đến giờ thảo luận rồi anh em ta vào thôi.

***

  Ông trưởng ban điều hành ghé vào micro trịnh trọng:

Đã đến giờ làm việc, xin kính mời bà con và các vị chúng ta vào ổn định chỗ ngồi, để buổi thảo luận được tiến hành. Sau phần nghi thức, tới lượt Thảo được mời lên trình bày dự án của mình. Mọi người chăm chú theo dõi. Đột nhiên nổi lên những tiếng la ó, buổi thảo luận trở lên náo nhiệt, riêng ông Năm trưởng tộc họ Hoàng từ đầu vẫn im lặng. Tới phần cải tạo cây trồng và nâng cấp hồ nước, ngòi nổ mới thực sự bùng phát. Ông Năm đứng phắt dậy:

- Tôi xin phát biểu ý kiến! Chủ toạ niềm nở:

- Vâng, mời bác tham gia đóng góp cho bản dự án.

Mắt đảo nhanh về phía Thảo, ông trưởng tộc dõng dạc:

- Kính thưa ban lãnh đạo huyện, tất cả chúng ta ở đây đã nghe rõ anh Thảo trình bày dự án của mình. Chuyển đổi cây trồng và chăn nuôi ở xã chúng tôi. Về phần này, tôi đề nghị lãnh đạo huyện nên xem xét lại. Thứ nhất, tôi không tán thành phá mía để trồng chè và đỗ tương. Cây mía bao đời nay đã quen đất, quen người, dân chúng tôi vẫn lấy đó để có nguồn thu nhập. Do vậy ý kiến của tôi là giữ nguyên các bãi mía. Phần thứ hai là xẻ đập cải tạo lòng hồ ở cuối xã, tôi thấy không ổn, vì ở đó, có các phần mộ của nhiều gia đình. Nên phần đông trong xã yêu cầu dừng ngay dự án…

Phụ họa lời ông trưởng tộc, dãy người phía sau nhất tề đứng lên la hò. “Phải dừng ngay dự án, dừng ngay dự án”. Tuyên, Phó Chủ tịch xã tuy chưa có biểu hiện gì, nhưng trong bụng thì mở cờ. Tỏ ra mình công bằng. Tuyên hướng về phía chủ tọa, giọng xoa dịu:

- Tôi xin mọi người bình tĩnh, việc đâu sẽ có đó, đồng chí chủ tịch huyện giải quyết rất có tình. Phép vua còn phải nể lệ làng, có phải không thưa bà con

Số đám đông lại rồ lên nhao nhao: “Bác Tuyên nói đúng, muốn gì phải có lệ làng”. Họ đòi chủ tịch huyện trả lời ngay những đề nghị trước mắt. Nếu không, sẽ tìm mọi cách ngăn cản dự án. Trước tình hình diễn biến phức tạp. Chủ tịch huyện đứng dậy yêu cầu ông trưởng tộc và bà con trong xã trật tự. Chủ tịch huyện ôn tồn:

-  Kính tha ông trưởng tộc, thưa bà con, bản dự án đồng chí Thảo trình bày lên huyện, huyện uỷ, uỷ ban đã xem xét kỹ. Chúng tôi thấy đây là bước ngoặt của việc cải tiến cách làm ăn mới, dự án đã được chấp nhận. Vì lợi ích tập thể, mong các đồng chí hãy đầu tầu gương mẫu. Đồng chí Tuyên, có nhiệm vụ giải thích, động viên bà con trong xã không nên lo ngại. Bác trưởng tộc và mọi người tích cực hưởng ứng cách làm mới này. Chủ tịch huyện vừa dứt lời, ông Năm vội khoát tay tỏ vẻ bất đồng:

- Dự án của anh Thảo, chúng tôi không phản đối, nhưng triển khai ở xã chúng tôi thì không được. Vì dân chúng tôi không quen trồng đỗ tương, nên cũng chẳng cần nước của hồ, tôi yêu cầu chuyển chỗ khác.

Thảo vẫn ngồi yên như tượng, anh không biết nên nói thế nào trong lúc này. “giá như số đông kia không phải người cùng làng cùng xã, giá như ông Năm và anh Tuyên không phải là… Ôi! Bao nhiêu dấu hỏi cứ xoáy trong đầu, một bên là lợi ích tập thể, một bên là nghĩa với tình, chả nhẽ một chút riêng tư mà lại khoanh tay.” Ván bài đã ngửa nhắc anh không được nản lòng. Thảo đứng lên từ tốn:

- Kính thưa ông Năm và tất cả bà con, sở dĩ tôi chọn xã nhà làm khu canh tác mới, không phải có ý gì khác, mà tôi muốn chính mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên được cải hóa cách gieo trồng. Có mạnh dạn áp dụng thì mức thu nhập của nhân dân mới tăng lên. Hộ đói nghèo sẽ giảm. Ta cứ tiếc bãi mía, rặng tre, cùng cách trồng lạc hậu thì không thể phát triển kinh tế được.

Chẳng đợi cho Thảo nói hết lời, phó chủ tịch Tuyên cắt ngang:

- Cho tôi hỏi anh Thảo? Anh có hiểu vì đâu anh nên người, do đâu anh đỗ vào đại học, chính là nhờ cây mía đấy. Mới ra trường được hai năm mà đã dạy khôn người lớn. Có giỏi anh áp dụng ở tỉnh ngoài, chứ ở đây chẳng cần cải tạo cải cách gì cả.

Một người dáng béo lùn, cặp má bánh đúc choán hết phần cằm ông ta. Để tỏ cho mình có chút vị trí, lão giang bàn tay chuối mắn hua hua. Cố giãn đôi mắt đục mờ, lão khàn khàn cất giọng:

- Kính thưa lãnh đạo huyện, như mọi người đều biết tôi và ông Năm đây sống ở đất xã này từ thủa nhỏ. Ngôi miếu thành hoàng tới các phần mộ tổ được giữ nguyên vị trí không thay đổi. Nay đem xới lộn lên, hưng thịnh đâu chả thấy, có chăng lại chuốc họa vào thân.

Thảo bất ngờ khi thấy lão thầy cúng bên xóm Thượng tham gia góp ý. Tên lão là Thường, dân trong xã gọi là “Thường gạt” lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin lão lừa để kiếm tiền. Đã mấy lần công an huyện gọi lão lên kiểm điểm, cấm không cho hành nghề, nhưng rồi lão vẫn chứng nào tật ấy. Hôm nay Thường “gạt” cũng có mặt ở trụ sở huyện, hẳn có điều gì uẩn khúc. Thảo liền dồn lão vào thế bí:

- Này ông Thường, ông chẳng chịu lao động, vẫn lén lút hành nghề cúng bái. Biết đâu trong vụ này có ông dính vào.

Thảo còn định nói nữa. Chợt nhận ra khuôn mặt thân quen, người ấy là Nhung, Nhung chào mọi người cô xin phép cho mình được vào dự. Thảo nhìn Nhung có phần bối rối, anh thầm nhủ “liệu Nhung có thông cảm cho mình không, hay là lại đứng về phía chú và anh ruột”. Chủ tọa cười:

Mời cô Nhung vào dự, cũng là người trong xã cả. Nhung chưa kịp ngồi xuống ghế, Tuyên đã xối xả:

- Cô không ở nhà, đến đây làm gì? Nhung cũng chẳng vừa, cô đáp lại anh trai:

- Em lên là việc của em. Mọi người đều có quyền tham gia đóng góp. Chạm nọc, Tuyên quắc mắt nhìn em gái, hai đường gân bên thái dương giần giật. Chẳng cần ý tứ, Tuyên xẵng giọng:

- Cô chưa lập gia đình, hơn nữa lại là con gái thì không đợc phép xen vào việc bề trên. - Nhung vẫn thủng thỉnh từng lời chắc nịch:

- Anh nói mà nghe được, thời buổi này còn coi thường phụ nữ. Đã thế, em cũng xin nói hết sự thật. Chủ tọa gật đầu khích lệ: Sự việc thế nào cô Nhung cứ mạnh dạn phát biểu.

Có tật giật mình, sắc mặt lão Thường bỗng dưng tái mét như lá đa gặp muối. Lão hướng sang Nhung, miệng cười xộc xệch:

Kìa cô Nhung, Chuyện gia đình nên để về nhà. Dù sao cô cũng phải nể ông Năm ngồi ở đây. Không chờ lão nói hết, Nhung nhìn thẳng vào mặt lão thày cúng:

Ông ngại tôi nói phải không? Chính ông đã bày trò cúng bái, kích động lòng hiếu thảo của gia tộc nhà tôi. ông nói rằng “trong họ phải quyết tâm giữ bằng được phần mộ tổ. Nếu để động chạm, họa vô đơn chí đến năm đời”. Vì lẽ đó, chú Năm và anh Tuyên tôi bàn cách phá dự án, ông còn chối được không? Chủ tọa hỏi lão Thường:

- Cô Nhung trình bày vừa rồi, ông thấy đúng hay sai? Mắt nhìn lấm lét, giọng lão lụng bụng:

Dạ thưa… thưa. Tuyên tỏ ra bối rối, không ngờ lão Thường lại nhát như cáy. Vậy mà tuần trước mồm lão cứ thao thao bất tuyệt. Thảo từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia. Anh thầm cảm ơn Nhung đã gỡ cho anh mối bòng bong. Nhìn sang người yêu, anh đón nhận được nụ cười chân thật. Thảo đứng dậy từ tốn:

Kính thưa ban lãnh đạo huyện, kính thưa gia đình bác Năm. Trong qui hoạch của bản dự án, tôi không có dụng ý hại bất kỳ ai, mà mục đích muốn làm giầu cho quê hương làng bản. Nếu xã ta không chuyển đổi cách gieo trồng thì đói nghèo vẫn còn. Dự án được thành công, phụ thuộc vào sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người. Đặc biệt là gia đình bác Năm. Anh nhấn mạnh hai từ “Bác Năm”. Thảo để ý thấy nét mặt bác trầm ngâm. Kỷ niệm xa xa cái thời còn là cậu bé chăn trâu cắt cỏ, ông với ông nội thằng Thảo là đôi bạn thân tình. ông ngồi im phắc. Nhung đến bên ông nhẹ nhàng:

Chú Năm, cháu đây, cháu Nhung đây. Ông Năm nhìn cháu gái một lúc rồi quay sang Tuyên:

Thôi, tất cả về.

Tuyên cùng một số đám đông lịch bịch rời ghế. Chủ tịch huyện nhắc khéo:

- Cậu Thảo cùng về với bác Năm và cô Nhung cho vui. Thảo nhìn Nhung tủm tỉm:

- Anh bận chút việc nên về sau, em đưa bác về trước. Nhung đáp dịu dàng:

- Vâng chiều nay em sang thăm sức khoẻ bà.

***

Ngày vui, anh muốn mua vài thứ biếu bà. Phải rồi, bộ cánh gụ bà mặc mùa hè cho mát. Tiện thể mua ít trầu cau. Vòng quanh phố huyện, Thảo tạt vào một cửa hàng, anh chọn loại màu bà thường ưa thích.

Quãng đường từ huyện về nhà như được thu ngắn lại, lòng lâng lâng. Thảo nghĩ tới bà ở nhà giờ này chắc mong cháu lắm, vâng cháu đang về bên bà đây. Anh sẽ sà vào lòng bà như hồi còn nhỏ, không phải để vòi bà kể chuyện Thánh Gióng hay Tấm Cám, mà thủ thỉ thưa với bà: “Bà nội ơi! Thằng Thảo của bà chẳng còn bé bỏng nữa. Nó đã trưởng thành và lớn lên trong vòng tay nhân hậu. Bà dồn cả nghị lực và tâm huyết dành cho đứa cháu bà yêu quí nhất. Vâng, cháu gắng phấn đấu làm tốt những điều bà ước mong. Làng quê ta, đất sẽ chuyển mình trỗi mạnh, bà ạ!”./.

HANG PHƯỢNG HOÀNG

Từng bậc đá nối dài ôm triền núi

Xếp làm thang lên tận ngọn nguồn

Nơi kỳ tích từ ngàn xưa tác cảnh

Giữa mây trời non nước bao la

Tiếng thác reo

Hồn nhạc, họa, thơ ca

Nước róc rách

Lời thì thầm của đá

Quyện vào gió mưa hòa trong nắng hạ

Thức triền miên, nối nhịp thời gian

Địa danh, ai khéo đặt tên

Thiên nhiên tạo dáng hình chim phượng

Nơi tầng cao ngắm nhìn bốn hướng

Cảnh quê hương rực rỡ muôn màu

Nâng tay đón ngụm mát lành trong mạch

Để lòng tôi thấm suốt tâm can

Xin được nói lời chân thành với núi

Phượng Hoàng ơi!

Tôi yêu quý vô cùng.

Chú thích: Hang Phượng Hoàng thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

 

NGƯỜI QUÊ 

Tôi về gặp lại người quê

Nao nao trạnh nhớ câu thề năm xưa

Nhớ chiều gom những cơn mưa

Tiếng rơi ràn rạt như vừa qua đây

Nước luồn thấm đẫm cỏ cây

Về khơi nỗi nhớ…

Giãi bày tâm can

Để hồn đan với thời gian

Người quê gặp lại, nồng nàn trong ta

Kìa em, cô gái trồng hoa

Sớm hôm tần tảo ruộng xa vườn gần

Tôi về gặp lại tri âm

Canh cua rau ngót, cá đầm kho tương

Tìm trong lễ hội lời thương

Sân đình làng Hạ còn vương trống chèo

Xa xưa một thoáng quê nghèo

Mất mùa đói kém gieo neo tháng ngày

Thủy chung bạn với luống cày

Người quê chân chất, tình say đắm tình. 

 

TÌM VỀ KỶ NIỆM

Tôi về thăm lại nơi xưa

Thời gian thấm thoát thoi đưa tháng ngày

Bãi kho Lưu Xá - đất này

Những năm kháng chiến bom cày đất rung

Một lòng son sắt kiên trung

Anh em đồng chí sống cùng bên nhau

Tận tình lúc ốm khi đau

Mỗi người một chốn nhưng giầu lòng thương

Chung tay tiếp ứng chiến trường

Đêm ngày vận chuyển thông đường xe qua

915 đại đội ta

Trên giao nhiệm vụ thuận hòa việc công

Gái chuyên đã giỏi lại hồng

Tải lương, chuyển đạn, súng bồng trên vai

Tinh thần chẳng kém gì trai

Hát hay, múa đẹp, chị Mai em Hiền

Bồi hồi nhớ buổi đầu tiên

Những gượng mặt trẻ thanh niên tỉnh nhà

Hát hò vang khắp sân ga

Vượt qua bao chuyến hàng ra hàng vào

Trong tôi kỷ niệm dâng trào

Mấy mươi năm, mãi khắc vào trong tim

Dáng hình còn nhớ như in

Cảnh đây người đã tựa miền bồng lai

Lệ rơi chan khắp tượng đài

Thương hồn tử sỹ, tiếc hoài tuổi xuân

Tôi về tìm bạn tri âm

Xin nâng mấy nén hương cầm trên tay

Ngọt bùi gói cả đắng cay

Tình xưa nghĩa cũ, đất này Thái Nguyên

HƯƠNG TÌNH

Bản em lưng chừng đèo

Nơi anh ngang sườn núi

Bềnh bồng mây giăng tỏa

Nối hai đầu cheo leo

Đã qua mùa trăng lên

Vắng em ngày xuống chợ

Anh đứng ngồi mong đợi

Gửi lòng theo tiếng khèn.

Chợt thoáng

Dáng ai bừng buổi phiên

Khuôn mặt tươi rực rỡ

Thật mà

        Sao còn ngợ

Chợ đang vui

         Bộn bề…

Trao ánh mắt vụng về

Níu anh gần bên em

Hoa rừng thơm nhẹ thoảng

Ủ hương tình trong men.

VÙNG CAO ĐÓN TẾT 

Hoa đào chúm chím đầu cành

Hoa mận ém vào kẽ lá

Bản vùng cao báo hiệu xuân về

Người H’Mông sửa kèn, chỉnh nỏ

Rượu ngô đong đầy chum lọ

Rủ nhau sớm xuống chợ phiên

Xế chiều ngược đường leo dốc

Trên lưng hàng tết gùi đầy

Con gái người Tày

Chọn vòng tay, áo chẽn, khăn hoa

Tốp bảy, tốp ba

Chụm đầu luyện lời then câu lượn

Đàn tính thả vào nỗi nhớ

Chan chứa tình  thương yêu

Thủy chung giữ trọn lời thề

Trẻ thơ lì xì mừng tuổi

Người già hẹn ngày chúc thọ

Vùng cao nắng hồng trải kín

Lao xao gió ngàn khắp bản

Quê hương mở hội mừng xuân.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy