Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
17:17 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Ngọc Thị Thái

 LÀNG TÔI 

Năm 1964 giặc Mỹ leo thang ra Miền Bắc Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh không cân sức giữa một bên là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, có đầy tiềm lực về kinh tế, với những vũ khí tối tân và một bên là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một đất nước nhỏ bé nhưng anh hùng.

…Cuộc chiến ngày càng trở nên gay go ác liệt, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ và UBND huyện, lệnh khẩn cấp, dân làng tôi từ già đến trẻ tập trung tại đình làng để nghe các đồng chí ở Tỉnh đội, Huyện đội về tuyên truyền bản chất, âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của địch và hướng dẫn bà con cách phòng tránh bom, đào hầm trú ẩn và sơ tán. Tôi còn rất nhỏ chưa hiểu thế nào là chiến tranh. Bố tôi đi họp xã viên về, nét mặt đầy căng thẳng, bố kéo mẹ vào nhà trong thì thầm:

- Loạn rồi "u mày" ạ! Thời Pháp thuộc gia đình mình đã phải chạy loạn từ Bắc Linh ( Bắc Ninh) lên đây, bây giờ lại loạn lạc thế lày (này) mình biết đưa các con chạy đi đâu bây giờ?

Da mặt bố tôi trùng xuống, lúc này trông bố tôi già như một ông lão bẩy mươi mặc dù lúc đó bố tôi mới chưa đầy năm mươi tuổi.

- Thôi đành sống chết trên mảnh đất "lày" thôi. Ngày mai "u ló" bảo thằng Cả và con The mượn cuốc xẻng về đào lấy cái hầm "Tăng- sê " cho con "ló" trú ẩn. Nói xong ông lặng lẽ đi ra cổng.

Mẹ tôi không nói gì nén một tiếng thở dài rồi cầm rá đi đong gạo thổi cơm. Bữa cơm ấy bố tôi ăn qua quýt rồi lên phản nằm, vài phút sau lại bật dậy cầm con dao đi thẳng ra phía bờ sông.

Chiếc hầm nhỏ luồn qua gốc búi tre già ở góc vườn của nhà hàng xóm cạnh bờ sông Cầu cũng hoàn thành. Ngày ấy không biết do chiến tranh hay vì đất rộng người ít mà dân làng tôi sống với nhau thật thoái mái, nhà này có thể cho nhà kia đất để làm nhà hoặc canh tác mà không cần lấy lại thứ gì cũng là chuyện bình thường, do vậy việc nhà tôi đào một chiếc hầm dài cả chục mét trong vườn nhà khác mà chỉ cần hỏi qua một tiếng là họ đồng ý ngay.

Căn hầm ở cạnh bờ sông Cầu, miệng hầm chỉ rộng hơn miệng cái thúng một chút, người lớn chui qua lọt là được. Mẹ tôi bảo nếu máy bay bắn "rát" quá thì chạy xuống sông ngâm mình xuống nước là không sợ nữa.

Hồi năm 1954 Nhật Pháp "đánh nhau", Pháp thua, chúng rút quân qua làng, lúc ấy mẹ tôi mới sinh con, là chị gái trên tôi được bẩy ngày, thấy "bọn Tây trắng, Tây đen" vừa rút lui vừa càn quét, mẹ tôi sợ quá vội ẵm con chạy ra bờ sông, chỗ vực có lùm tre xoã bóng lòa xòa xuống mặt nước rồi dìm chị tôi xuống nước chỉ để hở từ cổ trở lên để thở, nhờ vậy nên thoát chết, mẹ tôi cho rằng cách tránh máy bay cũng vậy.

Thật ra mẹ tôi đã lầm, chuyện thoát chết chẳng qua Pháp đang thua và tháo chạy nên chúng chỉ dẹp đường để thoát thân và tranh thủ vơ vét thức ăn của dân để ăn cho khỏi đói. Còn bây giờ thì khác, Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ, chúng có bề dầy kinh nghiệm trong việc xâm chiếm và phá hoại, nói tóm lại chúng có cả kinh nghiệm và vũ khí tối tân, nên chúng rất thâm hiểm, mục tiêu phá hoại của chúng là các căn cứ cách mạng, các kho tàng, nhà ga, kho thóc gạo, cầu đường và đặc biệt là dọc theo các con sông vì chúng biết sự sống của con người tồn tại được hay không phải phụ thuộc vào nước.

Việc đào hầm trú ẩn ở dọc bờ sông có thể thấy nhân dân ta còn quá non trẻ về kinh nghiệm chiến tranh.

Chị em tôi còn bé nên rất ngây thơ, chúng tôi không để ý nhiều đến sự lo lắng của bố mẹ. Sự xuất hiện một căn hầm làm chúng tôi hoàn toàn sung sướng, thường ngày chúng tôi rủ nhau chơi tha thẩn quanh nhà, lúc thì trèo lên đống đá sỏi ở trước cửa nhà, lúc lại cõng nhau ra đường ngắm nhìn mọi người lục tục kéo nhau đi làm đồng và chiều lầm lũi đánh trâu về chuồng, công việc nhà nông vòng tròn như vậy và chị em tôi cũng chỉ có mỗi cách chơi như vậy, giờ đây có chiếc hầm lạ mắt, chúng tôi dắt díu nhau chui đi chui lại một cách thích thú, đó là trò chơi mới lạ nhất và thú vị nhất của bọn tôi.

Mấy đứa kéo đoàn, kéo lũ cùng bọn trẻ hàng xóm rủ nhau chui vào hầm hò hét inh ỏi và tự nhiên sinh trò bắn nhau, đứa nọ chĩa mấy ngón tay giả làm súng bắn bùm vào đứa kia, mấy hôm sau có đứa đã sáng kiến chặt những táu lá chuối to, dọc bỏ lá chỉ lấy những cuống cắt những hình như vẩy rồng cong lên trên ở thân cuống, mỗi khi nhìn thấy đứa kia nhô ra khỏi chỗ nấp là chĩa "Súng" rồi gạt tay thật mạnh cho các vẩy rồng ập xuống nổ rôm rốp. Người lớn kháo nhau:" Trẻ con mà chơi trò bắn nhau thì thế nào đất nước cũng xảy ra chiến tranh". Mặc! Chúng tôi không để ý đến chiến tranh.

Trong căn hầm tối om, lúc đầu còn hơi sợ sau quen rồi chúng tôi chui luồn thoăn thoắt, có lúc cộc cả trán vào nhau đau điếng, sưng tếu như quả ổi nhưng rồi lại quên ngay, lại cười đùa suốt từ sáng đến tối không biết chán.

Hôm ấy vào khoảng gần 9 giờ sáng ngày 05 tháng 8 năm 1964, chị em tôi đang ngồi quây quần bên rổ khoai luộc, vừa ăn vừa ném nhau, con chó của nhà và cả mấy con của hàng xóm cũng chen vào lưng, vào sườn chúng tôi để nhặt khoai ăn mà không cần dè dặt. Bỗng một tiếng nổ long trời làm đứa em út tôi ngã té ngửa trên đất, mặt nó tái mét như không còn giọt máu, nó không kịp khóc, vừa lồm cồm bò dậy thì một loạt tiếng nổ tiếp theo như trút vào đầu chúng tôi, đứa em thứ hai hét lên rồi cả mấy chị em khóc như ri, run rẩy hoảng hốt. Tôi vội lập cập ôm hai em vào lòng rồi cũng rúc đầu vào người chị tôi, tất cả hoảng hốt, tất cả bàng hoàng, ngơ ngác.

Bên hàng xóm có tiếng hô hoán ầm ĩ:

- Loạn rồi! Máy bay Mỹ ném bom rồi!

- Chạy ra bờ sông đi!

- Chạy ra hầm trú ẩn đi Phẻn ơi! Cung ơi!

Tiếng gào khóc, tiếng gọi nhau hoảng loạn cùng với tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ xé trời khiến tôi mang máng hiểu ra điều gì, chị tôi kéo tay mấy đứa chạy ra bờ sông.

Cuộc chiến tranh trên quê hương tôi bắt đầu. Trong đầu tôi vang lên câu hỏi:

- Đó là "loạn", là "chiến tranh" phải không?

Tôi dần dần khái niệm về chiến tranh, chiến tranh là sự phá hoại tàn khốc, chiến tranh là máu và nước mắt, đó là sự kinh hoàng!

Mẹ tôi khóc sụt sùi khi tiễn chị tôi đi Thanh niên xung phong, rồi anh tôi, em út tôi lên đường nhập ngũ. Dân làng tôi sống trong cảnh âm thầm lo lắng! Người đi bộ đội ngày càng nhiều, công việc gia đình trĩu nặng trên đôi vai gầy của những người phụ nữ. Không chỉ việc đồng áng, phụ nữ quê tôi còn bắt đầu làm quen với các phong trào "Phụ nữ ba đảm đang", "Thanh niên ba sẵn sàng",

"Giỏi tay súng, vững tay cày", "Trai anh hùng, gái đảm đang" và "Tất cả vì Tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Những khẩu hiệu chiến đấu xuất hiện trên khắp các bờ tường, đầu nhà ở làng tôi, ở đâu có thể viết được là ở đó có khẩu hiệu.

Mỗi ngày trôi qua dân làng tôi lại thót tim nhận tin báo gia đình này có người hy sinh, gia đình kia có người mất tích, đám mây đen luôn bao phủ lên mảnh đất quê hương tôi. Tôi còn nhỏ nhưng luôn chứng kiến cảnh đau đớn đến tột cùng của các bà, các chị có chồng, có con hy sinh ngoài mặt trận. Có đêm đang chập chờn trong giấc ngủ tôi bỗng nghe tiếng ai đó rú lên những ngôn ngữ hoảng loạn, tôi tò mò chạy ra cổng, một bóng đen tả tơi, rũ rượi vừa múa, vừa hát thỉnh thoảng lại nhảy tùm xuống ao gọi tên con, đứa con trai duy nhất của chị vừa báo tử chiều nay, thì ra đó là chị Phước ở xóm Dưới. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi được tin con chết, thân hình óng ả của chị đã tã tời, không còn nhận ra.

Được tin thằng Lộc con chị Phước hy sinh, hội phụ nữ xóm đã phân công chị em đến an ủi, động viên và trông coi chăm sóc chị, không hiểu sao chị vẫn trốn được ra ngoài, chị chạy trong đêm như cố tìm đuổi bóng hình đứa con còn phảng phất trong tâm hồn chị, đứa con mới 17 tuổi đầu "Ăn chưa no, lo chưa tới" ấy, chỉ vì chiến tranh mà con chị đã phải lên đường đi chiến đấu, công việc mà nó chưa hiểu được đó là gì. Giờ đây chị mang tấm thân tàn chạy trong đêm, làm sao chị đuổi bắt được một linh hồn đang lọt khỏi lòng tay của chị.

Tôi rùng mình đi vào nhà, trong nhà tối om, tôi ngồi vào giường mà không biết mình nghĩ gì, làm gì. Vài tiếng cú rúc trong đêm khiến đầu tôi trống rỗng.

Cùng với những đau thương mất mát đến tột cùng là những niềm vui chiến thắng ngoài mặt trận liên tiếp dội về, quân và dân ta bắn rơi chiếc máy bay thứ một trăm, rồi một nghìn, dân làng tôi đã dần dần lấy lại được sự thăng bằng. Đau thương không thể quen được nhưng lòng yêu nước và căm thù giặc ngày càng được nhân lên, dân làng tôi đã quen dần với việc hòa chung cả nước sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ đất nước. Tin bộ đội về làng là tin vui nhất với bọn trẻ chúng tôi, ngày ngày tôi cõng em ra cổng làng để ngóng xem từng đoàn bộ đội vai đeo ba lô, đầu đội mũ có ngôi sao vàng lấp lánh mang vác nào súng lớn, súng nhỏ và cả những nồi xoong to tướng các anh gọi đó là nồi "Quân dụng" về đóng quân ở xóm tôi. Trong đoàn quân có cả người và "voi", rất nhiều "voi", tim tôi đập loạn xạ, tôi chạy một mạch về nhà loan báo cho cả bọn:

- Chúng mày ơi! ra mà xem voi! Nhanh lên, nhiều voi lắm!

Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy con voi thật, chỉ nhìn thấy voi ở trong phim mỗi khi đi xem "chiếu bóng". Cả bọn chạy theo tôi, có đứa nhút nhát vừa chạy vừa dè chừng vì sợ voi "cắn". Một lát sau cả bọn cười nắc nẻ vì đó không phải là voi mà là các anh bộ đội đeo mặt nạ phòng độc. Dù sao chúng tôi cũng được tận mắt xem những hình kỳ lạ và màn tập luyện vô cùng điêu luyện của các anh.

Mỗi nhà dù chật chội thế nào cũng nhận năm sáu anh bộ đội về nhà mình ở, vừa là trách nhiệm của nhân dân vừa được vui cửa vui nhà, có nhà nhường hẳn cho các anh chiếc giường duy nhất để các anh nghỉ ngơi, còn các anh thì ngại ngùng không dám nên hai bên đùn đẩy nhường cho nhau, cuối cùng tất cả đều trải chiếu xuống đất nằm còn giường thì… để ngô khoai.

Ngày ngày luyện tập và sản xuất, tối tối bộ đội cùng thanh niên tổ chức vui chơi, các anh bộ đội dạy hát, dạy múa cho thanh thiếu niên. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" lại được phát động. Các cuộc thi hát múa thường xuyên được tổ chức tại các sân đình, sân kho HTX. Cuộc sống của bà con dần được bình thường trở lại.

Đội Măng non xóm tôi bao giờ cũng "đứng thứ nhất" mỗi khi tổ chức thi văn nghệ, không những thế xóm tôi còn có nhiều "hoa khôi" nhất xã, sấp như tôi có khoảng mười lăm đứa bắt đầu đến tuổi dậy thì, đứa nào má cũng đỏ hây hây, mắt long lanh và nụ cười luôn tươi tắn, điều ấy cũng là những động lực để các anh bộ đội quan tâm nhiều hơn, nhiệt tình dậy hát múa hơn.

Những năm ở thập kỷ 60-70 thiếu nhi làng tôi rất hăng say văn nghệ, mặc dù trong điều kiện còn khó khăn. Đêm Trung thu năm nào cũng tổ chức tại các sân kho hợp tác xã hoặc sân đình, không làm sân khấu, không nhạc cụ, duy nhất là chiếc trống ếch cũ kỹ, không có đèn chiếu sáng mà tất cả trông chờ vào ánh trăng. Năm nào không may gặp trời mưa vào đêm Trung thu, năm ấy coi như chúng tôi không có tết. Mặc dù điều kiện như vậy nhưng vẫn thu hút được đông đảo nhân dân đến xem và cổ vũ. Trong đêm biểu diễn chẳng ai nhìn rõ mặt "diễn viên" nhưng đã quen dáng người và giọng nói nên luôn có tiếng trầm trồ nhận xét:

- Cái Hằng hát hay quá!

- Cái Lan múa dẻo nhất!

- Chúng nó múa đôi với con trai mà không "xí hổ" nhỉ?

- Điệu nhảy Sạp của xóm Múc sắp đến chưa?

- Đôi của cái Xoan xóm Trại và anh Chiến bộ đội là múa đẹp nhất đấy…

Những bài hát ngày đó cũng thật lạ kỳ, nhạc thì luôn hát thành lời để vừa múa lại vừa hát ví dụ như: "La la sí mì son son, la sí la son mì rề rề, la sí mì son lá son mì, la sí la son mì rề son". Dù sao những bài đó còn hiểu được là sướng âm những nốt nhạc để múa vì không có đàn, nhưng có những bài hát các anh bộ đội dạy cho chúng tôi mãi sau này lớn lên tôi vẫn không hiểu đó là gì, vậy mà ngày ấy chúng tôi vẫn say sưa múa, say sưa hát, lại còn được khán giả vỗ tay nhiệt liệt yêu cầu múa lại, hát lại như: "U sằng khống sê săng sừ, sắng sừ o vần o chứ o… Mùa đã về khắp nông thôn tứ đây săng sừ, hoà bình về giữa mùa phát động…"

Nhiều lúc ngồi một mình nghĩ lại tôi vẫn bật cười, có người nói đó là bài hát tiếng dân tộc Thái, có người lại bảo nghe vần điệu rất dễ hát thì cứ hát đi. Còn tôi đó là những kỉ niệm không thể nào quên, một dấu chấm phá kết thúc tuổi thơ đầy vui nhộn và hào hứng của cuộc đời tôi.

*

Sáng hôm ấy tôi thức dậy thấy nhà trống vắng lạ lùng, bố tôi không có nhà, mẹ tôi ngồi chống cằm ngoài hiên, tôi có cảm giác có điều gì đó khác thường nên hỏi mẹ:

- Thầy đi đâu rồi u?

- Ra sân đình!

- Có việc gì mà thầy ra sớm thế ạ?

Mẹ tôi không trả lời mà ngân ngấn nước mắt:

- Các chú bộ đội chuyển đi đêm qua rồi!

Lúc đầu tôi cũng thấy bất ngờ, trong tôi thoảng chút buồn man mác, "Tình quân dân như cá với nước", mỗi đợt hai ba tháng trời bộ đội sống cùng dân, giúp dân tăng gia sản xuất, giờ đây các anh lên đường tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ quê hương, mẹ tôi buồn cũng là lẽ đương nhiên.

Tôi hiểu ra cuộc chiến đấu ở chiến trường Miền Nam đã bắt đầu đến hồi căng go quyết liệt, bộ đội tập trung tiến vào Sài Gòn ngày càng đông. Thanh niên làng tôi hăng hái xung phong tòng quân lên đường diệt giặc cứu nước, tôi vừa học xong cấp ba cũng làm đơn xin gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, bố mẹ tôi không khỏi ngỡ ngàng nhưng được anh chị tôi động viên nên bố mẹ cũng đồng ý, mẹ tôi bảo:

- Con lên đường mạnh khoẻ, chân cứng đá mềm! Tôi nói đùa:

- Con là con gái mà chân cứng đá mềm thì sau này ế chồng là cái chắc. Cả nhà tôi đều cười vui vẻ, trong nụ cười đó có nước mắt của mẹ tôi.

Sáng hôm sau cả làng lao xao việc con gái làng mình đã không chịu thua đấng mày râu. Ai cũng đến chúc tụng, có người còn tặng quà cho tôi, điều đặc biệt là không vắng bóng một cụ già nào, các cụ đến dặn dò tôi nhiều điều bổ ích, có cụ còn nói:

  • Con gái là phải biết giữ mình, đừng làm điều gì xấu mà hổ thẹn với gia đình làng xóm cháu nhé!

Tôi dạ vâng luôn miệng nhưng vẫn lơ mơ chưa hiểu các cụ dặn "giữ mình" nghĩa là thế nào mãi sau này lớn khôn tôi mới hiểu cái điều lo lắng nhất của các cụ khi có con gái đi xa nhà. Dân làng tôi là như vậy, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng mọi người, mọi nhà luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, bảo ban như con cháu một nhà, cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn…

Tôi lên đường trong lòng đầy tự hào và đầy khát vọng…

Ngày đầu tiên trở về làng sau hơn ba mươi năm xa nhà, đúng vào buổi Đình làng tôi được đón bằng công nhận "Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia" do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trao tặng, cả làng cờ rong trống mở, nét mặt ai cũng hân hoan.

Sau tiếng chuông ngân vang, tất cả mọi người đều im lặng, tâm hồn ai cũng lắng đọng một sự trang nghiêm, tâm tịnh. Tiếng chuông gieo vào lòng mỗi người chuỗi kỷ niệm vui buồn, một thời vất vả. Tất thảy đều muốn giấu chặt trong lòng ký ức của một thời gian khổ. Một phút lặng đi… không gian như giãn ra, mọi người đều nhận thấy cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam thật thần kỳ. Trải qua bao đau thương mất mát nhưng làng tôi vẫn giữ được những di tích quí báu cho đất nước: "Đình, Chùa làng Úc Kỳ" mang đậm nét văn hoá truyền thống của quê hương tôi, quê hương Việt nam anh hùng.

Phổ Yên, ngày 30/9/2009

DƯỚI BÓNG SI 

Ngày mai giỗ bố, chị Thêu tranh thủ về sớm hơn, thằng Thiết, con Hoài đã lớn, chị không còn bận rộn như trước, lần này chị giành nhiều thời gian về thăm quê. Đã hơn 30 năm xa nhà đi công tác rồi lấy chồng, sinh con và nuôi con nhỏ, chị Thêu ít về thăm quê, có chăng chỉ là khi bố mẹ qua đời, những lần về chạp giỗ, chị chỉ về thắp nén hương khấn các cụ ở bàn thờ nhà anh cả, ít có điều kiện ra thăm mộ, chị nhắc nhở các em ở nhà thay chị chu đáo chăm sóc phần mộ của các cụ, để linh hồn các cụ được an giấc ngàn thu.

Chị Thêu nhanh tay gói ghém những bông hoa Huệ tươi cùng phẩm oản và lễ mặn đặt vào làn, mùi hoa Huệ thơm phảng phất khiến lòng chị bâng khuâng, chị xách làn rồi cầm năm nén nhang lững thững ra khỏi làng.

Phần mộ bố mẹ chị đặt trên quả đồi nhỏ, làng chị vẫn thường gọi là Gò Si, theo các cụ kể lại trước kia Gò Si là một khu gò rậm rạp, cây cối um tùm, dưới chân gò có hai cây Si. Chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống thường có đôi trai gái đi ngắm cảnh và dạo mát trên gò, phía dưới là cánh đồng lúa bạt ngàn, thẳng cánh cò bay, họ bên nhau tâm sự và cùng tận hưởng hương lúa đồng.

Một hôm cô gái thầm thì hỏi chàng trai:

- Anh à, chúng mình yêu nhau thế này lỡ mai sau phải xa nhau anh có nhớ em không?

Người con trai đưa tay lên vuốt ve đôi má đỏ hồng của cô gái nói rằng:

- Sau này dù phải đi cùng trời cuối đất anh cũng không bao giờ quên được em! Anh thề trước hai "cụ Si già" sẽ bên em suốt đời!

Hai người nắm chặt tay nhau thề hẹn.

Ngày đất nước có chiến tranh, người con trai lên đường nhập ngũ, cô gái ngày đêm trông đợi mỏi mòn. Ba mươi năm chiến tranh kết thúc người con trai không trở về, đêm đêm cô gái (giờ đã sang tuổi gần năm mươi, tóc pha sương) vẫn thường ra ngồi dưới gốc Si chờ đợi.

Vào một đêm trời đổ mưa giông, gió giật gẫy cành Si, sáng ra có người đi thăm đồng sớm thấy thân hình "cô gái" được trùm trong tấm voan trắng muốt vẹn nguyên trên thảm cỏ dưới gốc Si, đầu gối cao ngóng về phía làng Úc Kỳ. Gia đình và bà con làng xóm thương xót làm đám tang cho cô và chôn cất cô trên đỉnh Gò Si. Ba ngày sau có tin người con trai trở về, cả làng rung lên tiếng khóc thương và nuối tiếc cho đôi trai gái không lấy gì may mắn. Một tháng sau người con trai cũng qua đời, mộ của họ được đặt song song nhau để thoả lời hẹn ước, mọi người kháo nhau đêm đêm ở dưới gốc hai cây Si già có tiếng thì thầm trò chuyện, tiếng trò chuyện chỉ dứt khi mặt trời đã lên cao. Từ ấy dân làng coi đây là nơi đất thiêng, có ai quá cố đều mang ra Gò Si chôn cất, mọi người quan niệm rằng nơi đây có tình thương yêu của con người và cũng là nơi sinh ra cõi vĩnh hằng, dân làng từ già đến trẻ ai cũng tin như vậy. Gò Si đã trở thành "bãi tha ma" đông đúc của làng.

Bãi mả Gò Si giờ trông như một khu phố nhỏ. "Phú quí sinh lễ nghĩa". Cuộc sống bây giờ đã khá, kinh tế phát triển, trai gái làng Úc Kỳ đã trưởng thành, người giữ chức giám đốc các công ty nhiều không kể hết, người là lãnh đạo ở Tỉnh, ở Trung ương cũng lên đến vài chục người. Dù là người quyền cao chức trọng hay công nhân nhà máy, thậm chí gặp hoạn nạn khó khăn đi lang bạt kiếm ăn, đi làm "ô sin" ở nước ngoài hoặc làm thuê làm mướn ở các phố phường cũng thường trở về quê, họ nhớ những người đang sống, nhớ cả những người đã khuất. Tâm trạng của con người là thế, lúc sống đầy chông gai vất vả, may mắn có người được hưởng vinh hoa, ai cũng thầm nghĩ đó là do vong linh của tổ tiên và những người đã khuất ban phát, phù hộ cho. "Thôi thì biết đâu lại có thế giới bên kia". Vậy là họ đua nhau xây cất mộ chí khiến Gò Si trở nên thật "khang trang, lộng lẫy". Cuộc xây cất mộ chí "Làng Âm Gò Si" không phát mà động. Nhà nghèo thì cố xây cất cho các cụ vài ngôi mộ bằng xi măng, họ nghĩ lúc các cụ còn sống, cảnh khó bần hàn, nhà làm bằng vách đất lợp rơm rạ, lúc "thác" đi có ngôi mộ trít trát xi măng gọn ghẽ, thế là đã bằng lòng lắm rồi, con cháu cũng hể hả. Còn những nhà giầu, phần mộ chí tổ tiên xây cất công phu lắm, khu mộ có tường bao xung quanh, mộ xây xi măng lại ốp gạch men màu hồng, màu tím tuỳ theo lứa tuổi, tuỳ theo ngôi thứ trong dòng họ. Mộ có tháp nhọn, bốn mái cong như mái đình trông thật uy nghi, đài các.

Chị Thêu đứng tần ngần hồi lâu, bao xúc cảm bỗng dâng tràn, bao kỷ niệm thời thơ ấu trở về bất chợt, tiếng cái Gái lanh lảnh mỗi chiều chăn trâu về:

- Về "đơi" chúng mày ơi! Mai cái Thủy nhớ mang khế nhé, tao mang khoai lang sống còn cái Hiền mang mít meo, cấm đứa nào được quên "đới"!

- Nhưng cây mít nhà tao hết mít meo rồi, mít cái có được không?

- Hết thì lấy mít cái cũng được, lấy quả non thôi, quả to già ăn chán chết!

- Quí ơi nhà mày còn muối không? Nhà tao vừa hết xoẳn, mai U tao mới đi chợ mua, mày nhớ mang nhiều muối đi "nhá", à nhớ mang cả tàu lá chuối lành với mấy lá dong tươi đi để còn "phá cỗ" không thì lại ngồi xuống cỏ đấy!

Cái Gái vừa gọi vừa nhanh nhảu phân công cho cả bọn, nó không để ý điều khiển trâu chẳng may con trâu bước qua đạng nước bị khuỵu chân làm cái Gái lăn từ trên lưng trâu lộn nhào xuống nước, mặt mũi đầy bùn, mọi người thì hô hoán toáng lên, còn nó lồm cồm bò dậy cười khanh khách, nói ráo hoảnh:

- Chúng mày thấy tao làm xiếc có tài không?

Cái Thuỷ cười ngất ngưởng nói:

- Xiếc thú hay thật! Đố mày làm lại được đấy!

Tất cả cười vang còn Gái thì đỏ mặt mắm môi mắm lợi đánh trâu lồng lên đuổi theo trâu của Thuỷ để trả đũa trong tiếng hò hét của cả bọn.

Gái là một cô gái thông minh, lanh lợi nhưng số phận cũng không được gặp may. Cha mẹ mất sớm, Gái đi ở từ khi mới lên sáu tuổi, với một thân hình còm nhom, nhìn vào Gái chẳng ai dám tin được cô bé lại có thể kiếm nổi bát cơm ở vùng quê nghèo này, thấy Gái sống lang thang bà Thuỳ đã động lòng thương đưa Gái về nuôi, lúc đầu bà Thuỳ chỉ nghĩ cho Gái về nhà mình để nó có chỗ nương thân, chứ việc đủ cơm nuôi nó bà đâu nghĩ đến.

Bà Thuỳ sống một mình. Cuộc sống của bà cũng chẳng hơn cuộc sống của Gái là mấy, có chăng bà hơn Gái về tuổi tác và một túp lều, ai gọi là nhà cũng được mà gọi là lều cũng chẳng sai, bởi nhà bà chỉ vẻn vẹn 9m2 mái lợp rạ, vách làm bằng thứ đất bùn nhão, nhào với rơm rạ băm nhỏ trộn vào nhau rồi trát lại cho kín để tránh gió. Thấy bà Thuỳ mang một đứa nhỏ về ai cũng ái ngại cho bà nhưng chỉ một thời gian ngắn ở với bà Thuỳ, chẳng biết do trời phật phù hộ hay được bà Thuỳ vuốt ve chăm sóc mà cô bé Gái cũng phổng phao lên, thấy cô bé nhanh nhẹn hoạt bát có nhà sang đánh tiếng xin bà Thuỳ cho con bé sang chăn dắt giúp con trâu, thế là mỗi chiều Gái lại mang được về hai ba bát gạo, hai mẹ con cũng đỡ được những đận giáp hạt, mất mùa. Gái cứ lớn dần bằng những hạt gạo, mớ rau do chính bàn tay mình chăn trâu, cắt cỏ thuê mà có, bà Thuỳ cũng tự hào vì lòng nhân ái của bà cũng được bù đắp phần nào.

Chị Thêu đặt lễ lên mộ bố mẹ rồi rút bó hương đã sắp sẵn từ nhà, chị lặng lẽ châm lửa, khói hương nghi ngút, chị cắm đều những thẻ hương thơm lên các mộ xung quanh không bỏ sót ngôi mộ nào. Chị khấn xong đứng lại hồi lâu bên mộ cha mẹ, kỷ niệm những ngày được sống cùng cha mẹ lại rộn về, chị cúi sát mình giữa hai ngôi mộ mẹ và bố, chị nhắm mắt lại chờ được vỗ về, chị thầm thì những gì chỉ mình chị và bố mẹ nghe thấy.

Đến ngôi mộ của Gái chị Thêu đứng tần ngần, liệu đây có phải là mộ của Gái không? Ngôi mộ nằm sát chân đồi bên cạnh mộ bà Thuỳ, cả hai ngôi mộ đều không có bàn tay người chăm sóc nên cỏ mọc tốt um, vài bông hoa dại lưa thưa mọc. Chị Thêu ứa nước mắt gọi:

- Gái ơi tao mới về thăm mày đây, dù có ngủ say cũng thức dậy tâm sự cùng tao một chút nhé. Như để đợi bạn trở dậy chị Thêu nhổ vạt cỏ chỉ mọc trùm trên ngôi mộ, miệng thì thào và nước mắt trào ra:

- Mày còn nhớ tao không Gái, đứa bạn cùng chăn trâu cắt cỏ với mày ngày xưa đây? Ngày ấy mày đẹp nhất trong đám con gái làng, tóc mày đen và mượt như nhung chả trách anh Khơi cứ mê mày suốt, đến lúc sống với tao rồi có đêm anh đã vùng dậy gọi tên mày. Đã có lúc tim tao thắt lại, tao chỉ muốn chạy thẳng ra đây để hỏi tội mày. Tao hèn quá phải không? Ai lại đi ghen với người đã khuất!

- Tao đã khóc ròng mấy ngày không ăn không ngủ được, thấy vậy đêm ấy anh Khơi đã thức cùng tao. Anh đã kể cho tao nghe tất cả. Anh kể nhiều về mày Gái ạ! Anh nói: "Gái là một cô gái đầy nghị lực và lòng nhân ái, là người sống có nhân, có nghĩa, có tình". Anh Khơi đã đem lòng yêu mày nhưng vì sợ mẹ nuôi buồn nên anh không dám thổ lộ, nhà anh Khơi chỉ có hai mẹ con, mẹ anh ấy không cho đi ở rể, mày cũng không chịu đi làm dâu, thế là mối tình của anh và mày không thành. Anh có thanh minh với tao. Mày biết anh nói thế nào không? Anh Khơi nói rằng:

- "Gái là cô gái tốt, dù sao anh vẫn rất thương Gái. Còn em, em đã là vợ anh và là mẹ của các con anh, anh sẽ yêu em suốt đời, đừng ghen với Gái mà tội nghiệp cô ấy!"…

Thêu bật cười:

- Mày thấy anh ấy có khéo nịnh tao không? Nhưng Gái ơi mày đã thiệt phận xấu số, tao thương mày, nhớ mày lắm! Làm sao tao có thể giận những lời chân thật của anh Khơi được. Nếu tao là con trai chắc tao cũng mê mày thôi.

Khi biết bà Thuỳ lâm bệnh không qua khỏi, Gái đã bán hết những gì dành dụm được để cứu chữa cho bà, hôm cuối cùng của đời bà, Gái đã sang gặp Khơi để nhờ anh một khoản tiền lo đám tang cho mẹ. Biết Gái rất đau buồn anh gợi ý xin được hứa hôn để chăm sóc nhưng Gái không đồng ý. Khơi thầm hứa sẽ gói ghém tình cảm ấy suốt đời cho riêng mình.

Tiếng thằng Thiết làm chị Thêu bừng tỉnh, chị đặt lên mộ Gái vài bông hoa trắng và chỉnh lại thẻ hương trên mộ bà Thuỳ cho ngay ngắn rồi cùng thằng Thiết đến vái mộ ông bà để ra về. Những xúc cảm, tình thương yêu cha mẹ, người thân và bạn bè xáo trộn trong lòng khiến chị Thêu càng day dứt nhớ về những kỷ niệm xa xưa, nhớ người bạn gái mà có lúc chị đã coi là kẻ tình địch của mình. Người xưa có câu "chết là hết", "cái chết mang đi tất cả". Riêng chị Thêu cái chết mang cho chị một cõi linh thiêng, nó gắn kết tình cảm vĩnh hằng giữa con người với con người, với chị Thêu "chết" là cái gì đó khiến người ta nhìn vào đó, soi vào đó để sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Chị Thêu thầm cảm ơn Gái đã cho mình tình yêu và niềm tin vào Khơi, người con trai đã cùng chung sống hạnh phúc với chị đến trọn đời.

Chị thêu nói với thằng Thiết:

- Sáng mai con mua cho mẹ vài trăm gạch và ba tạ xi- măng.

Thằng Thiết hỏi lại

- Để làm gì hả mẹ?

- Để mẹ xây mộ cho bà Thuỳ và cô Gái

Thằng Thiết càng không hiểu:

- Bà Thuỳ và cô Gái là họ hàng nhà mình hả mẹ?

- Đó là người thân của bố mẹ.

Thằng Thiết hiểu ý mẹ:

- Cô Gái mà mẹ và bố hay nhắc đến mỗi khi về quê phải không mẹ?

Chị Thêu không trả lời con, đôi mắt chị sâu thẳm nhìn về phía xa xăm… Hình ảnh đôi trai gái chiều nào cũng sánh bước bên nhau trò chuyện dưới gốc Si già bất chợt hiện về. Tiếng Gái vang lên trong trẻo:

- " Đánh trâu về thôi chúng mày ơi! Mai mang khế chua và muối đi, đừng đứa nào quên đới!".

Phổ Yên, ngày 15/8/2009

 

CÁI NHẤM 

Tờ mờ sáng cái Nhấm đã vục dậy, mắt ráo hoảnh. Mọi hôm mẹ nó phải đi lần lượt các giường cầm cái quạt nan vừa đập, vừa hét to: “Dậy, dậy cả đi! Con nhà người ta đứa lớn việc lớn, đứa bé việc bé đầy cả ngoài đồng kia kìa, con nhà mình vẫn ngủ lăn ngủ lóc thế này thì còn nói chuyện gì! Bà lại ví von: “Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa, khó đâu đến kẻ say sưa tối ngày”. Nói xong bà lại khua đập ầm ĩ khi nào bọn nhóc lục tục kéo nhau dậy mới thôi.

Hôm nay, mọi người vẫn đang yên giấc. Nhấm đã dậy, nó tuột xuống khỏi giường đi thẳng xuống bếp. Gian bếp lúp xúp mái rạ đã quá cũ kỹ, từng lớp rạ bạc phếch do mưa nắng, đâm tua tủa từ trên mái xuống trông như nắm chổi cùn. Chuồng lợn sục bùn lẫn với phân phả mùi nồng nặc. Tất cả vẫn xưa như thế! Với tuổi Nhấm, nó chẳng có khái niệm gì đến cũ và mới hoặc nó không cần để tâm, chỉ biết rằng ngày hai bữa, bố mẹ lo cho chị em nó ăn no thế là ổn. Nhà đông anh chị em nó cũng không biết khổ, không mặc cảm cũng không cảm nhận được sự nghèo nàn. Thỉnh thoảng có ai đến chơi hỏi thăm về con cái, mẹ nó cười giòn tan:

- “Cái con cái của! Trời cho tôi cả đàn con, thế là phúc đức lắm rồi!"

Nói xong mẹ nó lại cười, nụ cời của người mãn nguyện. Bố nó được thể cũng nói đế vào:

- "Cả còn cả mất là 11 đứa, chúng tôi đông con tuy hơi nghèo nhưng nay mai khối thủ lợn quay về đấy!”.

Nói xong ông cười hà hà khoái chí. Chẳng biết bố nó nói thật hay đùa, cái Nhấm cũng không hiểu “Cái con cái của" hay "Cái thủ lợn quay về” là thế nào nhưng nó cũng thấy vui vui.

Ở tuổi lên mười, mười một như nó, những bạn ở làng đứa nào cũng lanh lợi, từ việc cơm nước, lợn, gà, giặt giũ đến việc đồng áng, chăn trâu cắt cỏ, chúng nó làm rất giỏi, còn Nhấm tuy là con nhà nghèo lại đông anh em nhưng bố mẹ chẳng bắt đứa nào làm gì, thích thì làm, không thích thì thôi miễn sao chú tâm vào việc học nên chẳng mấy khi nó phải làm gì, thỉnh thoảng vui bạn nó cũng quảy đôi quang gánh, cầm liềm theo chúng bạn đi cắt guột về để đun bếp. Không phải là nhà nó không cần guột để đun, mà do bố mẹ cho rằng, tất cả thời gian chỉ dành cho các con học tập.

Đêm đêm hai ông bà thức để làm "vàng mã", người bẻ nan đan ngựa, đan hình nhân, người cuốn giấy bồi (loại giấy trắng mỏng có người ở tận Bắc Ninh mang lên bán cho) dán kín các hình người, hình con vật đủ màu sắc sặc sỡ. Cứ thế, hai người lớn ngồi tạo ra những hình hài không phải là đồ chơi nhưng trông cũng hay hay mắt, để sáng ra gánh lên chợ Cầu, chợ Hanh hoặc sang chợ Đình bán cho những gia đình có nhu cầu cúng giỗ, thờ điện.

Cảnh nhà neo đơn, bố mẹ cái Nhấm làm lụng suốt ngày đêm để kiếm tiền nuôi con, nhng lại không hướng cho con học làm các việc. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến cho những nhà đông con trở nên nghèo. Lũ con lớn dần không đứa nào biết nối nghiệp cha mẹ. Bố mẹ bảo:

- Nhà đông con, thầy u không bắt đứa nào bỏ học để ở nhà làm đỡ, nhưng đứa nào học "đúp" thì đứa ấy phải ở nhà.

Không biết vì bố mẹ nói thế hay vì ham học mà không đứa nào bị "trượt", cả mấy anh chị em đều học hết cấp ba, có đứa học lên đến đại học. Sau cải cách ruộng đất, rồi vào tổ đổi công và lên HTX làm ăn tập thể, việc hành nghề bán vàng mã là việc xã hội phê phán và liệt kê vào loại mê tín dị đoan, Ban quản trị hợp tác xã đến tận nhà khuyên và vận động bố mẹ Nhấm bỏ nghề. Đó là nghề truyền thống của gia đình, nên việc bỏ nghề sẽ làm cho gia đình Nhấm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Chị em Nhấm lớn lên bằng những đồng tiền bố mẹ vắt sức làm ngày, làm đêm để nuôi chúng ăn học. Sau này cả mấy anh chị em Nhấm đều trởng thành mỗi đứa đi công tác một nơi, anh cả học xong đại học làm giáo viên dậy tại trường cấp ba của huyện. Chị thứ hai đi thanh niên xung phong, anh thứ ba, em thứ sáu và em út vào bộ đội, được thế bố mẹ Nhấm đã rất sung sớng và tự hào. Nhấm lớn lên trong điều kiện như vậy.

*

Cái Nhấm rón rén bước vào bếp, mùi lá chanh thơm phức phả vào mũi làm nước bọt cứ tứa ra, nó liếm môi mấy cái liền, hai chân gầy guộc nhọ nhem của nó đá vào nhau. Nó với lên cái xề treo trên chiếc quang đủng đẻng bằng một chiếc móc tre, móc từ trên gác bếp. Nó vít xuống, thò cái đầu tóc bù xù ngó vào trong xề hít lấy, hít để.

Đêm qua cả mấy chị em đang ngủ say, bỗng nó giật thót mình khi nghe tiếng kêu chít chít, nó bật dậy ngồi giữa giường nhìn quanh rồi gọi bố inh ỏi. Bố nó đang ngáy khò khò sau những giờ chong mắt trước ngọn đèn dầu, ánh sáng vừa bằng hạt đỗ để làm hàng, bố nó vừa chợp mắt mà đã ngủ rất say. Cái Nhấm tuột xuống khỏi giường chạy sang giường bố đập đập vào chân gọi líu ríu:

- Thầy! Thầy ơi! Chuột kẹp rồi…

Bố nó thôi ngáy, bật dậy vơ nắm đóm và cái bật lửa:

- Ừ để thầy gỡ nó ra rồi làm thịt mai ăn nhé!

Cái Nhấm xăng xái cầm siêu đi lấy nước đặt lên bếp, nổi lửa, rồi soi đóm cho bố tháo con chuột ra khỏi bẫy, việc này quá quen thuộc với nó.

Chiều qua cái Nhấm đang chơi tha thẩn với mấy đứa em ở cạnh bờ ao, lấy hoa bưởi xếp vào mảnh bát vỡ chơi đồ hàng, bỗng một con chuột chạy vụt qua. Lúc đầu Nhấm cứ tưởng mình nhìn nhầm, lát sau con chuột lại bò ngược lại, lần này cái Nhấm “mục sở thị” thấy con chuột lông hơi phớt vàng, tím tím, mượt như tơ, bụng màu trắng nhạt, hai mắt đen nhánh, mõm nó hơi dài. Nhấm nghĩ: Chuột cống rồi! Con chuột lúc đầu còn rụt rè, sau thấy có vẻ không ai để ý đến, nó như không cần cảnh giác nữa và cuối cùng… cái giá phải trả cho sự “hiên ngang” ấy là lúc này đây, nó đã được “tắm” sạch lông và luộc ướp lá chanh thơm phức.

… Nhấm lấy ngón tay trỏ ấn vào cái đùi nung núc thịt của con chuột, nước miếng lại được thể trào ra, nó đưa ngón tay lên mũi ngửi, mùi thơm thật lạ lùng. Nhấm tưởng tượng cảnh lát nữa các em nó thức dậy, mấy bố con ngồi quanh cái thớt đặt trên tàu lá chuối tươi, bố lấy con dao phay chặt đánh cạch một nhát. Thế nào em Tý Lớn cũng xin cái đuôi. Em Tý Bé dành được mảnh đùi, còn thằng Hĩn em út, bố chia cho cái đùi khác và một nửa buồng gan. Nhìn miếng gan mìn mịn, cái Nhấm rất thèm nhưng chắc chắn không bao giờ đến lượt nó. Nó tự an ủi: “Cái gan chuột bé thế mà chia ra làm bốn phần thì khó lắm”. Ba đứa em chẳng bao giờ thèm để ý đến ánh mắt thèm thuồng của nó, chúng còn mải nhận phần ngon lành từ bàn tay của bố. Cái Nhấm ngồi nhích thêm chút nữa cho gần cái thớt hơn, nhng vừa nhích bố nó đã nhắc: “Con ngồi lùi ra kẻo bố chặt phải chân!" Các em nó liền nhao nhao: "Chị Nhấm ngồi lùi ra không bố chặt phải chân đấy!”.

…Bàn tay Nhấm sờ xuống phần đuôi chuột, cái đuôi bé tẹo đã truột hết da, những đốt xương, chỗ trắng, chỗ nâu đều đều theo từng thớ thịt. Cái Nhấm nhẩm đếm được chín đốt đuôi cả thảy, nó định bẻ một đoạn cuối cùng để ăn cho bõ thèm, nghĩ thế nào nó lại thôi.

Con mướp nằm khoanh tròn trong đống guột cạnh bếp tro, hai mắt lim dim ngủ gà ngủ gật, thỉnh thoảng vểnh tai nghe ngóng rồi lại rúc đầu vào hai chân trước ngủ ngon lành. Con Mướp cũng quá quen với một gia đình đông con này, nên mùi thơm có hấp dẫn đến đâu, nó chắc cũng chẳng có phần.

Xem ra cái Nhấm ngắm nghía cũng đã đủ, trời cũng sáng dần, Nhấm bước chân ra khỏi bếp đến bên vại sành, nó nghiêng vại múc nước rửa mặt. Tiếng đập quạt phành phạch và tiếng mẹ nó réo rắt:

-  “Dậy! Dậy cả đi ! …”. Dậy mà ăn thịt chuột!

Các em nó lục tục kéo nhau vừa dụi mắt vừa chạy ào xuống bếp. Mùi thịt chuột toả ra thơm lừng khiến cho các cái mũi tí hon nhạy cảm hẳn lên…

Buổi sáng hôm ấy không khí gia đình có phần nhộn nhịp hơn, tiếng các em tranh nhau nói ríu rít, Nhấm thấy nhà mình ấm cúng hẳn lên…

Một ngày mới lại bắt đầu!

***

Tiếng ông chủ nhẹ như cơn gió làm cái Nhấm giật thót mình:

- Nghĩ gì mà thẫn thờ thế cháu?

Không đợi cái Nhấm trả lời, ông lặng lẽ xách cặp đi thẳng lên lầu. Cái Nhấm thả vội túi ni lông màu đen đã thắt chặt miệng vào thùng rác, nó lật bật đi vào bếp. Đã sáu năm có lẻ cái Nhấm vào làm “ô sin” cho nhà ông Tiền. Tuy công việc không có gì vất vả nhng nó vẫn chưa quen với cuộc sống nơi thị thành, phải cố gắng lắm nó mới hoàn thành công việc. Những từ bếp gas, công tơ, tủ lạnh và cả fomat, bơ hoặc xúc xích vô cùng lạ lẫm đối với nó giờ cũng đã trở thành quen thuộc, nhưng sự giảo hoạt của phong cách người thành phố nó còn phải học nhiều lắm! Cái Nhấm lụi cụi làm, bù lại nó được ăn uống đầy đủ nên ở tuổi mười lăm, mời sáu trông nó có vẻ phổng phao. Ông bà chủ là người tốt, biết cảnh nhà nó nghèo nên thuê nó ở giúp việc, một phần để bớt đi những việc vặt trong nhà, phần nữa là để làm từ thiện. Nó cảm kích khi thấy bà chủ dẫn nó ra chợ mua cho một lúc liền hai bộ quần áo mới, điều mà ở nhà có nằm mơ nó cũng không thấy.

Giờ này chắc bố mẹ đã gánh hàng đi chợ, nghề hàng mã bây giờ bố mẹ Nhấm làm rất ít, chỉ khi nào có người đến đặt thì mới làm, nên phần thu nhập rất hạn hẹp. Cái Tý Lớn và thằng Hĩn bây giờ đã đi học, còn em Tý Bé sẽ tha thẩn chơi một mình. Không có chị Nhấm ở nhà cái Tý Lớn và thằng Hĩn sẽ vất vả hơn. Nhớ đến cái đầu tròn tròn đầy "cứt trâu", với vài sợi tóc cháy nắng lơ thơ của thằng Hĩn ngày nào, hai hàng nước mắt Nhấm lại ứa ra, Nhấm thấy rất nhớ nhà… Ông bà Tiền đi làm suốt cả ngày có hôm tối mịt mới về. Trước khi đi bà thường dặn cái Nhấm ở nhà muốn ăn gì thì ăn nhng không được mang chuyện trong nhà đi nói với ai và nhất là không bao giờ được có tính tắt mắt. Đó là quy định của bất cứ gia đình nào có “Ô-sin” trong nhà, với cái Nhấm bà chủ chỉ quen miệng nhắc vậy thôi, chứ bà tin tưởng lắm, tuy là con nhà nghèo nhng chưa bao giờ Nhấm lấy trộm của ai cái gì, bố mẹ nó luôn dậy các con: " Đói cho sạch, rách cho thơm!". Bố mẹ Nhấm luôn tự hào với mọi người về những đứa con của mình, đó là sự thật thà…

Cảnh nhà nghèo, cái Nhấm đi ra ngoài mấy năm mới thấy và hiểu rõ đợc cuộc sống ở ngoài, nhất là nơi thị thành, khác rất xa cuộc sống ở quê. Nhấm càng thấy được sự kém cỏi, thua thiệt của mình. Nhìn các bạn bằng tuổi, chúng được ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, nói năng lưu loát. Soi lại, Nhấm giật mình. Thì ra bấy lâu mình sống trong sự lạc hậu, nghèo nàn mà không hề biết. Nhấm tự hỏi sao cũng là con người mà mình thì nghèo đói còn họ thì giàu sang phú quí? Nhấm học được nhiều thứ ở nhà ông bà Tiền, từ cách đi đứng, nói năng, đến việc cầm bát, cầm đũa khi ăn thế nào cho lịch sự, thanh nhàn. Bằng kiến thức văn hóa đã học ở trên ghế nhà trường, Nhấm đã vận dụng vào cuộc sống thực tiễn. Sau khi cả thể lực và trí tuệ đã trưởng thành, Nhấm thấy mình phải vượt lên làm giàu. Không còn con đường nào thực hiện ước nguyện nhanh hơn, đúng đắn hơn bằng con đường phải tiếp tục học...

* * *

Tin đồn cô Nhấm làm giám đốc công ty TNHH rau quả tươi Ánh Hồng đã về đến làng, mọi người ai nấy đều mừng cho cô Nhấm.

Có người nói:

- Nhà cụ Cử có phúc lắm, nhà thì nghèo mà con cái người nào cũng học hành tử tế, người nào cũng thành đạt. Anh cả, chị bẩy cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương mấy triệu đồng một tháng. Chị thứ hai giờ là nhà văn, nghe nói có nhiều tác phẩm đạt giải tầm cỡ quốc gia, cậu út đi bộ đội về phục viên nay là xã đội trưởng, đảng viên gương mẫu nhiều năm liền. Gia đình như thế đáng để cho nhiều nhà noi theo.

Có người lại bảo:

- Nghe đâu cô Nhấm xây nhà to mấy tầng ở giữa phố Thanh Bình, còn có cả biệt thự, có ga-ra để được ba xe ô tô không chật.

Tất cả đều là tin đồn.

Sau khi đi làm thuê, Nhấm được gia đình ông bà Tiền giúp đỡ, thấy Nhấm là người chịu thương, chịu khó lại thật thà, ham học, ông bà Tiền không có con nên quí mến và nhận Nhấm làm con nuôi, rồi hướng cho Nhấm học hành, ông bà giúp kinh phí cho Nhấm học. Nhấm học rất giỏi cộng thêm nghị lực siêng năng và lòng quyết tâm, Nhấm đã tốt nghiệp đại học nông nghiệp, làm luận án tiến sĩ và đi nghiên cứu ở nước ngoài. Khi trở về Nhấm thành lập công ty TNHH và giữ chức giám đốc, ông bà Tiền rất tự hào và tin tưởng vào đứa con nuôi mà ông bà không dứt ruột đẻ ra, nhng dày công chăm sóc.

Chuyện Nhấm trở thành giám đốc khiến nhiều ngời phải trầm trồ, Nhấm dùng khoản tiền chắt chiu được trong những lần đi nghiên cứu ở nước ngoài cung tiến lên Đình làng, mái Đình mà thuở ấu thơ Nhấm đã được học nét chữ đầu tiên. Nhấm không sao quên được những năm tháng cuối thập kỷ 60, đình làng Nhấm ít người thờ phụng mà được dùng làm trường học. Gọi là trường chứ chỉ là dân làng cử một hai người có chút kiến thức ra dạy các em cho biết đọc, biết viết. Phần tiền công trả cho “ thầy cô” là vài "yến" thóc (10 kg). Điều kiện và cơ sở vật chất chẳng có gì ngoài chiếc bảng trắng phếch làm bằng ván ghép, các em học sinh thường lấy nhọ nồi, lá xoan non, lá mon và lá khoai lang giã nát trộn lẫn nước rồi lấy giẻ rách chấm cái thứ hỗn hợp ấy xoa, trát lên chiếc bảng để khi viết phấn lên nhìn cho rõ. Bàn học cũng là tấm ván cũ xù xì kê mỗi đầu vài ba viên gạch vỡ, miễn sao cao hơn chỗ ngồi để đặt sách lên viết là được. Còn ghế ngồi thì … A lê…phệt!. Thời bấy giờ nền nhà lát gạch còn quá hiếm, nên việc ngồi phệt trên nền gạch của đình làm cho lũ trẻ thấy mát và rất thích thú.

Nhấm cung tiến tiền và vật chất cho đình làng là thể hiện tấm lòng mình đối với quê hương, Nhấm nghĩ nhờ có Thần hoàng làng phù hộ mà mình được gặp may mắn. Tuy lớn lên từ sự nghèo nàn nhưng Nhấm không sao quên được tiếng mẹ ru hời, sự nhọc nhằn của mẹ, sự trăn trở của cha và nắng mưa trên mái rạ…

Trời chưa sáng rõ Nhấm đã dậy, cô quẩy đôi thùng ra sông gánh nước, mặt nước lung linh như dát bạc, vài con cá mương thong thả bơi, nước mát lạnh chảy êm đềm. Nhấm vục nước lên mặt, vuốt lên tóc, lên đầu. Đã gần bốn mươi năm rồi, lại có được cảm giác vui như những ngày còn là thiếu nữ. Nhấm cất tiếng hát khe khẽ, tiếng hát nghe thanh thản lạ thường, trong lòng trở nên nhẹ nhõm, cô gánh thêm vài gánh nữa tới cho vạt rau xanh và các búi tre đang mùa đâm măng tua tủa. Nhấm bâng khuâng nhìn dòng nước chảy, cuốn theo vô số lá tre khô trông như những chiếc thuyền con dập dềnh hòa vào dòng nước trong vắt chảy mãi về xuôi…/. 

Phổ Yên, ngày 04/9/2009

 

CÂU HÒ ĐÊM TRĂNG 

Tiếng hò hai bên bờ sông Cầu đêm nào cũng lảnh lót bay lên, vừa véo von, vừa xôn xao lại vừa xa thẳm và nuối tiếc. Tiếng hò như giục giã yêu đương, nhưng cũng đầy sự bi ai thương xót…

Đêm nào chị Tấm cũng thức giấc vào nửa đêm. Ở vùng quê yên ả, ngoài thời gian cấy gặt gieo trồng bận rộn ban ngày, buổi tối cơm nước xong, qua quýt dăm ba câu chuyện là mọi người, mọi nhà lại chỡm vào giấc ngủ sâu sau một ngày làm việc vất vả.

Đêm thanh vắng, tiếng gió thổi vi vu, một vài con chim khuya ngủ gà ngủ gật, trượt chân trên cành tre, vỗ cánh phành phạch. Chị Tấm rón rén bước đôi chân trần xuống đất, chị lặng lẽ ngồi lên bậu cửa nhìn ra bầu trời sáng trăng xuông, trong lòng chị vô cùng trống trải. Đã hơn mười năm nay chị Tấm vẫn ngồi như thế, vô hồn…

Bố mất sớm để lại cho mẹ Tấm sáu người con, đứa lớn mười lăm tuổi, đứa bé nhất là Tấm, lúc ấy mới lên năm.

Khi còn sống ông thường bảo: Con Tấm nó sáng dạ, nếu nhà mình có điều kiện nên cho nó đi học, học càng cao càng tốt, sau này nó là người làm nên công trạng. Còn không… Ông bỏ lửng ở hai từ còn không, bà Tình vợ ông căn vặn thế nào ông cũng không nói tiếp, ông thầm nén một tiếng thở dài.

Bé Tấm là con út nên luôn được bố mẹ cưng chiều, bé muốn gì cả nhà đều chiều nấy, tất nhiên ở vùng quê nghèo, mọi người chiều bé là chiều nướng cho củ khoai, củ sắn hoặc túi thóc rang. Thỉnh thoảng mẹ đi chợ về mua cho vài khẩu mía với vài con phỗng màu xanh, màu đỏ là bé thích lắm rồi, bé mang khoe khắp xóm rồi thảo lảo chia cho các bạn cùng ăn. Trẻ ở quê được chiều như bé Tấm là rất hiếm, vì nhà nào cũng tất bật lo toan công việc, quần quật ở ngoài đồng mong sao ngày ngày cơm không đứt bữa, làm gì có thời gian và điều kiện để chiều con trẻ. Bé Tấm lớn lên trong vũng tay âu yếm của mọi người cũng không được bao lâu, lên năm tuổi thì bố chết, hai năm sau mẹ cũng qua đời, thuở được cưng chiều chẳng được tày gang.

Thấm thoát, cô bé Tấm ngày nào giờ cũng đã đến tuổi lao động, bố mẹ mất sớm nên không còn điều kiện để theo học như mong mỏi của cha, Tấm đành bỏ học, cô như con chim gẫy cánh, không biết bấu víu vào đâu, các anh chị lớn đã trưởng thành, lập gia đình và ở riêng, còn Tấm sống lủi thủi một mình trong căn nhà của bố mẹ để lại. Đêm đêm Tấm thường hay ra thềm nhà ngồi nghe gió thổi và ngắm trăng suông, chị thấy mình lạc lõng giữa cuộc đời. Đó có lúc chị thấy cuộc đời buồn tẻ tưởng như không muốn sống tiếp nữa.

Trời đã ban cho người hiền một ân huệ, Tấm được người con trai làng bên đem lòng yêu mến. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, anh Thiều lại vượt sông sang thăm người yêu, tiếng chuyện trò thủ thỉ thâu đêm. Họ hàng và người trong xóm ai cũng mừng cho Tấm, mong sao tình cảm của hai người ngày càng thêm gắn bó. Những đêm bận rộn hoặc mùa nước lũ dâng lên, anh Thiều không sang thăm Tấm được thì rủ các bạn trai làng ra bờ sông để hò, để gửi gắm lòng thương nỗi nhớ sang bờ bên kia. Tấm cũng rủ các bạn gái ra hò đối đáp. Tiếng hò hai bên bờ sông da diết ngân lên: Hò ơ hò, xa nhau có nhớ nhau không? Muốn sang bên ấy mà không có đường…

Bên nữ đáp lại: Hò ơ hò, xa nhau lòng nặng yêu thương. Mượn lời ngọn gió vấn vương trong lòng; Đêm nay gió mát trăng thanh, hồn em gửi trọn theo anh suốt đời; Yêu nhau yêu mãi không thôi. Đừng như cánh bướm đậu rồi lại bay…

Tình yêu của Tấm và các bạn đang độ mặn nồng thì được tin anh Thiều cùng các trai làng bên phải lên đường nhập ngũ. Tin không vui đến với Tấm. Buổi tối, Tấm rủ các bạn vượt sông sang thăm và động viên người yêu, lời hẹn ước thấm đẫm nước mắt, từng đôi bịn rịn bên nhau, đến gần sáng mới chịu chia tay. Hai hôm sau tiếng trống hội tòng quân giục dã vang lên, vọng sang tận bờ sông bên này khiến các cô gái đứng ngồi không yên, họ lại rủ nhau sang để tiễn các chàng trai lên đường. Cả ngày hôm sau và hôm sau nữa, cánh đồng bên này vắng bóng các chị em đi làm, người nào người nấy mắt đỏ hoe.

Ba tháng sau, Tấm được tin người yêu hy sinh ngoài mặt trận, lúc cô vừa tròn hai mươi tuổi. Tấm bỏ ăn mấy ngày rồi bỏ luôn cả việc đồng áng, chỉ nằm bẹp trong nhà, không muốn tiếp xúc với ai. Nằm chán lại dậy ngồi thu lu trong bếp, đêm đến cô ra khỏi nhà đi vật vờ như một bóng ma trong làng. Có lúc lủi thủi như trốn chạy ai đó trong bóng tối, nấp vào các lùm tre, lúc lại phăng phăng chạy ra sông đẫm mình xuống làn nước lạnh, vùng vẫy một hồi lâu rồi run rẩy, loạng choạng bước lên bờ, lao vào các bụi cây, ngồi co rúm cho đến sáng mới lững thững trở về nhà. Có người bảo cô bị điên tình, có người lại bảo cô bị ma ám, tất cả đều nhìn Tấm bằng ánh mắt ái ngại, xót thương cho người con gái hiền lành nhưng cuộc đời đầy bất hạnh.

Nỗi đau buồn tưởng như không chịu nổi rồi cũng qua đi theo năm tháng, Tấm bước vào tuổi hai mốt, hai hai, cô xinh như một bông hoa, đôi má đào lúc nào cũng ửng hồng như đóa sen, da trắng, mịn màng khiến đôi mắt đã đen lại càng thêm đen nhánh, lấp lánh như giọt sương mai. Mái tóc dài quá gót luôn được cô chải chuốt, cặp gọn gàng bằng chiếc cặp ba lá xinh xắn làm nổi rõ chiếc cổ kiêu ba ngấn tròn trịa. Cánh trai làng xôn xao mỗi khi gặp Tấm bên đường, nhiều chàng mon men quan tâm đến. Trong số trai làng ấy có anh Huân, anh vừa đẹp trai lại hào hoa phong nhã, tính tình cởi mở, khuôn mặt toát lên sự thông minh hơn người, đôi hàm răng trắng và đôi lông mày lưỡi mác, tôn thêm vẻ quắc thước khiến cô gái nào gặp anh cũng phải ước ao. Anh Huân đặt vấn đề với Tấm. Không đắn đo suy nghĩ nhiều, Tấm đồng ý làm vợ anh Huân, đám cưới của hai người nhanh chóng được tổ chức, mọi người ai cũng vui mừng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Tất cả mọi người đều thông cảm cho hoàn cảnh của cô. Đám cưới tổ chức không linh đình nhưng được bà con làng xóm và các bạn thanh niên đến dự đông đủ, khiến cho đám cưới của Tấm và Huân rôm rả nhất làng. Bốn năm sau họ đó có với nhau hai mặt con, đủ trai đủ gái. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, cả gia đình sống với nhau tràn đầy hạnh phúc.

Niềm vui chưa được bao lâu, đứa con gái đầu lòng xinh xắn, giống mẹ như đúc chẳng may mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa đầy ba ngày cháu đã ra đi, để lại cho bố mẹ và họ hàng một niềm xót thương vô hạn. Anh Huân ngày đêm đau khổ, anh như cái bóng, thường lặng lẽ ra bờ sông ngồi nhìn sâu xuống đáy sông cho đến tối, chỉ khi có người gọi, anh mới chợt bừng tỉnh lê gót trở về . Chị Tấm ôm thằng Tũn mới hơn một tuổi ngồi bất động trước bàn thờ con gái, lúc lúc người chị lại tím tái rồi bất tỉnh, người nhà thay nhau ngồi bên cạnh để đỡ chị cho thằng Tũn khỏi rơi xuống đất.

Ba năm sau, cũng vào tháng ấy, đứa con trai duy nhất của anh chị lại lên cơn co giật và mất sau đó vài ngày. Anh Huân đau đớn tột cùng, anh bỏ làng ra đi và không thấy quay trở về nữa.

Chị Tấm không còn nước mắt để khóc con, khóc chồng, chị lặng lẽ sống, chị ít nói, hầu như cả ngày chị không nói năng gì, đến bữa chỉ ăn qua quýt cho qua ngày rồi hết ra bờ sông ngồi lại lững thững đi ra cánh đồng, nơi hai sinh linh bé nhỏ của chị đang nằm, có lúc chị ngồi rất lâu trên mỏm đất ở giữa cánh đồng, mắt hướng về phía xa xăm, không biết chị nhớ đến hình ảnh của ai trong số những người thân, máu mủ ruột thịt và tình yêu thương của chị. Tất cả trộn vào nhau, lúc ẩn, lúc hiện. Nỗi đau quằn quại, lẩn quất, luồn vào trái tim chị, chích vào lòng chị từng giây, từng phút.

Đột nhiên chị Tấm bỗng da diết nhớ những đêm trăng và những câu hò bên bờ sông…

Đêm nay trăng sáng, chị Tấm thấy trong lòng nhẹ lâng, chị chọn bộ quần áo đẹp nhất mặc lên người rồi lặng lẽ đi ra phía bờ sông, chọn nơi vực xoáy. Gió man mác thổi, chị lần tìm trong túi áo lấy ra chiếc lược nhỏ. Chị ngắm nghía chiếc lược rất lâu. Đấy là vật kỷ niệm của anh Thiều tặng chị. Chị từ từ thả mái tóc ra chải, mái tóc dài quết gót, mùi hương thơm thoang thoảng từ ngọn tóc bay lên phả vào mặt chị mơn man. Chị nhẹ nhàng chải đi chải lại không biết bao nhiêu lần. Trong lòng chị lúc rộn lên tiếng hát ru con, lúc như thì thầm tâm sự với người ở chốn xa. Chị nhớ về những năm tháng đầy ắp những đau thương nhưng cũng tràn trề hạnh phúc. Chị Tấm mỉm cười trong tiếng rít gào của sóng nước. Tiếng vỗ cánh của những con chim khuya đang ngủ gà ngủ gật, trượt chân trên cành tre non. Chị thấy bố mẹ chị đang chìa tay ra đón chị và dẫn chị đi trên cánh đồng quê đang mùa lúa chín trải vàng xa tắp… Tấm chới với chạy theo, bố mẹ ơi, bố mẹ chờ con. Các con ơi, mẹ đang đến với các con đây, từ nay mẹ con mình, gia đình mình sẽ mãi mãi bên nhau. Chân Tấm chạm vào mép nước. Bỗng nhiên Tấm thấy nhớ Thiều da diết. Anh Thiều ơi, anh ở đâu, liệu về nơi ấy em có thể gặp được anh không…

Một bàn tay nhẹ nhàng đặt vào vai Tấm kéo Tấm trở lại, tiếng nói trầm đục, lạc đi. Sao lại dại dột vậy Tấm. Giật bắn mình, trong đêm tĩnh lặng, có ai biết Tấm đang ở đây, lúc này? Chẳng lẽ là oan hồn của anh Thiều trở về sao? Bóng người đối diện quả là giống anh Thiều như đúc, chỉ có tiếng nói, tiếng nói trầm đục khô khô, hình như không phải là tiếng nói của anh. Trong lúc trời gần sáng, trăng đó giấu mình, bầu trời đột nhiên tối sầm, Tấm không nhìn rõ mặt nhưng hơi thở và dáng người làm Tấm sửng sốt, Tấm tin đó là Thiều. Dù là người hay ma. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tấm choàng mình ôm lấy người kia, phút chốc Tấm dùng hết sức bình sinh ghì nghiến người đó vào lòng, đôi bàn tay hàng ngày yếu ớt của Tấm bỗng trở nên rắn như một gọng kìm. Người ta thường nói, ngọn đèn trước lúc tắt nó sẽ bùng lên sáng lóa, sức của Tấm lúc này là vậy.

Mái tóc Tấm tung ra quện chặt vào mặt, vào vai người đàn ông. Ngược lại với Tấm, người đàn ông sau cái giật mình chỉ còn biết đứng trơ như đá, mặc cho đôi tay của người đàn bà ngấu nghiến lục lọi, cuống quýt xoa xuýt sờ nắn khắp người. Tất cả sinh lực của người đàn ông biến mất, toàn thân mềm oặt. Tấm thở hùng hục, giọng líu díu. Anh, anh… Thiều phải… không…Em biết… biết…thế…nào anh cũng… về mà. Anh về… về…với em…em rồi phải…phải k…h…ô…ng.

Cả hai con người run rẩy rồi đổ chồng lên nhau trong đêm vắng, Tấm úp mặt vào mặt người đàn ông, hít hà. Mùi hơi người, mùi quen quen lạ lạ sau bao năm tìm lại, Tấm như muốn tan loãng vào mùi hơi ấy. Toàn bộ cơ thể Tấm đang vắt lên người kia. Trong lúc quằn quại bên nhau, những cúc áo của Tấm vô tình bật hết ra, để lộ phần cơ thể mềm mại, nóng hổi, phả lên mặt, lên mũi người đàn ông. Theo phản xạ, đầu người đàn ông rúc kín trong vòm ngực Tấm. Hai dòng thở hợp lực vào nhau phì phò. Bàn tay người đàn ông bỗng linh hoạt hẳn lên, sờ nắn khắp cơ thể người đàn bà. Như một cơn cuồng phong, tâm trạng của người đàn ông chuyển từ đờ đẫn, sang linh hoạt rồi tỉnh táo cứng rắn. Bất chợt bàn tay sờ vào chỗ kín của người đàn bà. Như có lửa, người đàn ông rụt tay lại, trong lúc người đàn bà vẫn quằn quại cọ dướn vào thân thể người đàn ông.

Cô Tấm, bình tĩnh lại đi. Tôi, tôi…tôi đây. Tôi là Quang, là anh trai của Thiều đây, cô ngồi dậy đi, mái tóc cô rối hết rồi này.

Quang khẽ nhấc Tấm ra khỏi người mình, nâng cô dậy và mình cũng từ từ ngồi dậy, anh vén lại mớ tóc đã rối bời, phủi những lá khô đang dính khắp người Tấm và từ từ khép lại vạt áo cho cô. Tiếng gọi của Quang làm Tấm giật mình chết lặng. Tấm rời người đàn ông rồi ngồi như hóa đá, miệng lắp bắp. Tại…tại…tại sao anh lại có mặt ở…đâ…đây, vào lúc …nà…này. Trời ơi!... Tấm bật khóc.

Bờ sông gió lại rít lên từng đợt, đầu óc Tấm quay cuồng. Bỗng tiếng hò sâu thẳm trong cõi nhớ dội về: Hò ơ hò, xa nhau có nhớ nhau không? Muốn sang bên ấy mà không có đường…

Phú Bình, tháng 3 năm 2014

 

KÝ ỨC TUỔI THƠ 

Đã lâu rồi tôi mới có dịp về quê ngoại, nơi đã sinh ra và nuôi tôi lớn lên. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều: Ngọn đồi như thấp xuống, phất phơ vài chùm hoa sim, hoa mua nhạt màu lắc lư như cố vớt lại một thời xuân sắc. Dòng sông như cạn hơn nhường chỗ cho gò cát nổi, lơ thơ mọc vài khóm cỏ dại, hững hờ lướt theo làn gió chiều lặng lẽ. Những viên sỏi lấp loáng dưới lòng sông. Tôi nhớ về ký ức một thời…

Nhớ đến tuổi ấu thơ, tôi bâng khuâng nhớ đến thuở chăn trâu, cắt cỏ, thuở cắp sách tới trường. Những trưa hè gay gắt bọn tôi rủ nhau lùa đàn trâu ra bờ sông Cầu. Có tới tám, chín đứa sàn sàn tuổi nhau, tuổi lên chín, lên mười. Tất cả ngồi chỗm chệ lên lưng trâu, những con trâu mộng có cặp sừng to, đen bóng. Đàn trâu tiến thẳng ra bờ sông. Lối xuống sông nhỏ hẹp và dốc đứng. Kinh nghiệm của chúng tôi đứa nọ bắt chước đứa kia lúc trâu sắp xuống dốc sông, đứa nào đứa nấy túm chặt lấy đuôi trâu, nằm ngửa trên lưng trâu, hai chân đưa về phía trước, đầu ngả về phía sau theo hướng đàn trâu xuống dốc, nếu chẳng may người có tụt xuống đầu trâu thì cứ việc dạng hai chân dẵm lên hai sừng để giữ cho người không bị tụt hẳn xuống. Cái cảm giác vừa sợ, vừa khoái ấy đến giờ vẫn chưa biến mất trong tôi. Cứ thế một đoàn cả người và trâu tiến thẳng xuống sông, đàn trâu uống nước ùng ục, thở phì phò rồi lăn ềnh xuống dòng nước mát trở mình liên tục, chân duỗi thẳng như tận hưởng sự thỏa thuê.

Còn lũ chúng tôi, vội vàng chút hết quần áo quẳng xuống bãi phù xa đã khô nứt nẻ trông như những chiếc mai rùa rồi nhảy ùm xuống nước khua tay, vẫy chân gọi nhau inh ỏi, hò hét vang cả khúc sông.

Đứa thì lặn hụp, đứa giả làm ngời “chết trôi”, nhắm mắt lại nằm ngửa mặt cho dòng nước muốn trôi đến đâu thì đến. Trong bọn tôi có thằng “ Phạn Cong”, gọi là Phạn Cong bởi vì cu cậu có cái môi cong tớn, mồm thì rộng ngoác, nó là đứa hay nghịch ngợm nhất và cũng là đứa hay nghĩ ra nhiều trò tinh quái nhất. Sau khi vẫy vùng chán ở dưới sông thằng Phạn Cong bắt đầu hô: “ Người ma!”. Chỉ cần có thế tất cả chúng tôi ào ào khoắng nước chạy lên bờ. Sông Cầu sau mỗi lần nước lụt để lại hai bên bờ vô vàn phù sa. Chúng tôi trần truồng chạy lên đống phù sa nhão nhoét đứa nào đứa ấy thoay thoáy trát bùn lên người, từ chân lên đến cổ, đến mặt, phải nhắm mắt lại thì trát mới kỹ được vùng mặt, mím chặt môi bùn mới không lọt được vào miệng, lên đến đầu, tóc chúng tôi trát kỹ hơn, sau đó lấy hai tay khoáy tròn một cái để tạo thành cái “mũ chóp”. Thỉnh thoảng chúng tôi lại lấy bùn ném đánh bét một cái vào đầu, vào lưng nhau, kêu oai oái mà chẳng đứa nào giận đứa nào, ngược lại càng say xưa trát thật nhiều bùn lên người. Khi thấy tiếng thằng Phạn Cong hỏi “xong chưa”, tất cả bọn tôi cùng mở mắt, há mồm, thè lưỡi và nhe răng nhìn nhau, không ai nhịn được cười. Tất cả những chỗ không có bùn đều đỏ lòm: Mắt đỏ, miệng đỏ, lưỡi càng đỏ và răng thì trắng nhởn. Chúng tôi nhảy múa như các bộ lạc da đỏ ở trong phim Robin Xơn trên vùng đảo hoang - Vừa la hét, vừa cười đùa rồi “Alôsô” nhảy ùm xuống sông. Một lát sau thằng Phạn Cong lại hô: “ Đánh bàn xô nào” tất cả tìm chỗ bùn trơn ở nơi đất dốc, rồi xếp thành hàng dọc bám vào lưng nhau chen chúc từ mép nước lên đỉnh dốc, chẳng đứa nào bảo đứa nào cứ thế nắm vào vai và thắt lưng nhau lướt trên bùn thành các đường ngoằn ngoèo và lăn tùm xuống nước.

Một đống “người ma” trượt từ dốc xuống sông, dồn lại đè cả lên nhau lúc nhúc trơn troại, đen xì và sau đó là trận cười nghiêng ngả. Nước bùn bắn vào mắt cay xè - Mặc kệ! Cứ trượt, cứ đùa, cứ ném nhau thỏa thích. Tiếp theo là trò “mít rụng”. Cái đống “ người ma” đã được khỏa nước trắng trở lại, tiếp tục tồng ngồng trèo lên một sây sếu to mọc dại ở bờ sông, ngọn rủ xuống dòng nước, bọn tôi trèo lên cây, đứa lớn trèo trước, đứa bé trèo sau. Một tiếng hô chẳng đâu vào đâu lại được phát ra từ miệng thằng Phạn Cong: “Ô-ri-ông-tông” thế là nhanh chóng từng đứa nhảy ùm xuống nước, vài giây chìm nghỉm rồi mới nhô lên, những cái đầu bé tí, đen sì cứ thế trôi tỏa ra xa. Chẳng biết các cái đầu đó nghĩ gì, chỉ biết rằng sau mỗi buổi đi tắm về mắt đứa nào đứa ấy đỏ ngầu nhưng rất nhanh nhẹn, tràn đầy niềm vui.

Tuổi thơ tôi đã gắn với dòng sông như vậy. Khi đã bước vào tuổi trăng tròn những buổi chăn trâu cắt cỏ và tắm sông cũng ít dần. Tôi đã là một thiếu nữ. Mỗi tối ngoài việc học hành, thỉnh thoảng đợi lúc bố mẹ đã ngủ ngon sau một ngày làm việc vất vả, tôi ra sân ngắm trăng và hóng gió trời. Vầng trăng tròn chiếu sáng khoảnh sân trước nhà, bóng cây bưởi với những chùm hoa thoảng hương thơm đung đưa in xuống tạo nên một bức tranh huyền ảo. Gió lay động lùm tre vang lên những âm thanh kẽo kẹt như ai đang đánh võng ru hời. Tiếng sáo diều vi vút giữa tĩnh lặng của đêm khuya khiến cho trái tim người thiếu nữ dội lên nỗi niềm khát khao, mộng mơ khó tả - Tôi nhớ đến một người con trai học cùng trường!...

Tiếng hò ở bờ sông bên kia bỗng vút lên:

“Hò ơ! Hò…Sông kia nước chảy (mà) lờ (ớ) đờ… Anh đi (mà) bộ đội em có chờ không được không?... ớ hò!”.

Tiếng mấy bạn gái lao xao bàn tán, rồi tiếng cái Bình bạn tôi (vốn nó là cây văn nghệ đặc sắc nhất xóm) lanh lảnh vang lên:

“ Hò ơ! Hò… Sông sâu cá lặn (mà) biệt (ớ) tăm (chứ) phải duyên (mà) chồng vợ (chứ) ngàn năm em vẫn chờ… ”.

Tiếng hò càng khuya càng rõ, càng nồng nàn, say đắm, bên nọ đối đáp bên kia, nếu có tình ý thì đối những lời say mê, những lời hẹn hò chung thuỷ, chẳng may hôm nào có đôi nghịch ngợm hoặc thua lời thì chuyển sang trêu chọc nhau. Bên nam bao giờ cũng cất câu hò trước, bên nữ hò trả lời sau:

“ Sông sâu mà chẳng có đò. Muốn sang bên ấy mà lo ướt người!”

Ngay lập tức bên nữ đối lại:

“Người ướt thì đem mà phơi. Nếu ướt chỗ khác thì tôi “nướng” giùm…!”

Cứ như vậy hai bên bờ sông vọng lên tiếng hò đối nhau cho đến lúc trăng sắp lặn thì mới tạm dừng, ai về nhà nấy, mai lại bắt tay vào một ngày lao động mới, để đến đêm lại rủ nhau hò đối đáp. Niềm say mê tưởng như không bao giờ dứt. Chỉ có điều “mùa hò” năm sau số bạn gái của tôi đã sang làm dâu ở bên kia sông khá nhiều, các con thuyền nhỏ ở xóm tôi lại được đóng thêm nhiều hơn nữa.

Những kỉ niệm tuổi thơ cứ lần lượt dội về, một luồng gió chiều thoảng qua khiến lòng tôi lưu luyến, giọt nước mắt vô tình lăn tròn trên gò má từ lúc nào. Giờ tôi đã đi công tác và lấy chồng rồi sinh con, cuộc sống đời thường với bao nỗi vất vả, lo toan, cuốn hút, có lúc tôi bẵng quên những kỉ niệm xa xa.

Hôm nay về giỗ mẹ, tôi tần ngần bên bãi ngô non, dòng sông Cầu vẫn nặng phù sa và thấm đẫm những câu hò chứa ẩn nỗi khát khao, để dòng sông cứ bên bồi bên lở. Tôi thầm nghĩ và nuối tiếc không biết rằng ở ngoài phố đông kia, nơi mà mọi biến động của xã hội gần như chóng mặt. Những tiếng trống xập xình, tiếng micrô rú rít, ánh sáng mờ ảo, những dàn vi tính các cỡ, những vũ trường màu xanh, màu đỏ, phòng trà với những cái tên mĩ miều như: “Trà Cung Đình”, “Bar Karaoke Thiên Trang”… Những đứa trẻ trong đó có các con tôi đang sống, chúng có kỉ niệm tuổi thơ và nỗi niềm bâng khuâng như tuổi thơ tôi không? Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông, bến nước, con đò, với con sông Cầu nước chảy lơ thơ, mang nặng phù sa và câu hò đêm trăng lặng lẽ…

Thấm thoắt đã hơn 30 năm, các bạn tôi ngày ấy, bây giờ có nhiều người đã lên chức ông, chức bà. Tôi chợt nhớ câu nói của ai đó: “Chưa kịp quên chỗ chơi đã già”. Một con thuyền chở cát về xuôi, cánh buồm no gió đang lướt nhẹ trên sông, xa dần, xa dần trước mắt tôi…

Phổ Yên ngày 26 tháng 7 năm 2005

 

NẺO QUÊ

 

Chị May dắt tay thằng Trốn lững thững đi trên con đê về làng. Mùi cỏ tươi và mùi hương lúa thân quen quyện vào nhau, phả vào mặt thoang thoảng, chị hít một hơi đầy lồng ngực rồi nhẹ nhàng thở ra, chị bâng khuâng nhớ về ngày ấy, ngày mà chị bỏ làng ra đi. Trước ngày đó gần một năm cũng trên con đê này, anh như con Đại Bàng dũng mãnh bay từ đâu đến, cõng chị nhảy ào xuống hầm tăng xê để tránh bom Mỹ đang dội xuống cánh đồng, lần ấy chị thoát chết.

Tin cái May chửa hoang bỏ nhà ra đi khiến cả làng xôn xao, mẹ May khóc tức tưởi, bố May chỉ ngồi hút thuốc lào vặt, ông còn mặt mũi nào nhìn ai ở cái làng này nữa, con gái không chồng mà chửa, thật nhục nhã. Không biết từ đâu nẩy nòi ra cái giống đĩ thõa ấy, bây giờ ông phải bẽ mặt với dân với làng. Ông tuyên bố với cả nhà, con May mà bước chân về cái làng này ông sẽ chém ngay không thương tiếc. Không khí cả gia đình May suốt mấy ngày như một đám tang. Mấy đứa em của May lấm lét nhìn bố mẹ rồi đứa thì xuống bếp thổi cơm, đứa cầm rổ ra đồng cắt rau về nấu cám chăn lợn, không đứa nào dám ho he nửa lời, chỉ có Sơn, anh cả của May như có lửa đốt trong lòng, Sơn vào bếp rút con dao gài trên tấm liếp, cầm trên tay phăm phăm chạy đi tìm Hoán, cái thằng chết tử chết tiệt ấy đã làm cho gia đình anh nên nông nỗi này chứ không ai khác. Sơn cầm dao chạy ra bờ sông, không gặp ai, Sơn lại cầm dao chạy xồng xộc ra cánh đồng. Cuối cùng, không một chút đắn đo, Sơn chạy thẳng vào nhà Hoán. Cả nhà đi làm vắng, Sơn lục lọi khắp nhà trong, nhà ngoài, gầm giường, xó bếp và các ngóc ngách trong vườn nhưng không thấy bóng dáng Hoán đâu, đành bỏ về nhà, ngồi phịch dưới gốc xoan trước cổng. Sơn bập con dao vào gốc xoan nghe kịch một tiếng lạnh lùng rồi ôm đầu suy nghĩ. Thế là chúng nó rủ rê quyến rũ nhau bỏ làng đi thật rồi, cái thằng đểu cáng, ông mà tóm được mày, ông sẽ băm vằm mày ra thành nhiều mảnh, vứt xuống ao cho cá nó rỉa thì mới hả lòng.

Nghĩ đi nghĩ lại Sơn càng thấy thương May, đứa em gái kế anh, nó là đứa con gái đảm đang, nết na duyên dáng nhất làng. Mới học xong lớp bẩy nó nhất định không đi đâu, nó nói với mẹ sẽ ở nhà giúp mẹ làm lụng nuôi các em ăn học cho đến nơi, đến chốn. Nó còn nói, anh Sơn cũng cố gắng học cho bằng người, em sẽ chăm chỉ làm để lấy tiền cho anh ăn học. Anh đừng phụ công bố mẹ, đừng phụ công của em. Ai ngờ, giờ đây ma xui quỉ khiến thế nào nó lại mắc vào chuyện tình éo le thế này, để đến nỗi phải bỏ làng ra đi. May ơi, có thương mẹ, thương anh thì về đi em, dù sao chuyện đã xảy ra rồi, có xấu cũng xấu rồi, về đi em ơi!

Tiếng gọi của Sơn như dao chém đá nhưng nó cũng tan loãng vào trong tiếng gió, nào có ai nghe thấy. Sơn nghiến răng ken két, nắm lấy chuôi con dao, nhổ phăng ra khỏi thân cây…

Tiếng bước chân tới gần, Sơn ngoảnh lại, anh chồm lên như con thú vồ mồi, bàn tay hộ pháp của Sơn nắm gọn cổ áo Hoán. Thằng chó chết, tao đi tìm mày suốt cả ngày, mày ở đâu giờ mới lại vác xác về hả, thằng ngu muội, thằng hư đốn, tao sẽ giết mày. Con dao của Sơn giơ lên rồi bổ thẳng xuống đầu Hoán. Theo phản xạ, Hoán giơ tay ra đỡ và giữ chặt tay Sơn, như người vô hồn Hoán thủng thẳng nói. Anh cất dao đi, tôi cũng đang đi tìm anh đây. Tìm tao? Vâng, tìm anh!

Sơn há miệng ngửa mặt lên trời cười chua chát. Mày tìm tao, mày có điên không, hay mày định diễn cái trò đạo đức giả. Tao đi tìm mày rồi mày lại tìm tao. Ha ha ha, ngược đời, người có tội đi tìm kẻ trị tội. Vậy thì mày phải chết rồi. Nói xong, Sơn lại vung dao lên bổ thẳng xuống đầu Hoán. Một lần nữa Hoán lại đỡ con dao từ tay Sơn, gằn giọng. Tôi nói rồi, anh có cất dao đi không, trong trái tim tôi cũng đang tan nát ra từng mảnh đây, anh không cần phải chém.

Sơn mỉa mai, mày thương em tao thật ư, vậy mà mày lại xui nó bỏ làng ra đi. Sao thương nó mà mày không cưới nó về làm vợ?

Hoán ngồi vật xuống đất, úp mặt vào hai bàn tay, chính Hoán cũng không biết vì sao May đã bỏ đi. Hoán cũng chỉ mới nghe người làng đồn đại nên định đi tìm May để hỏi cho ra ngọn ngành, rồi về bàn với gia đình sang xin bố mẹ May cho hai người làm đám cưới. Ngờ đâu, May đã đi mà không nói với Hoán một lời. Thực hư thế nào Hoán đâu có biết.

Nghe Hoán nói, Sơn phần nào cũng đã tin là Hoán nói thật nhưng anh vẫn chưa nguôi cơn giận. Sơn bảo Hoán phải đi tìm May về ngay. Hoán biết tìm ở đâu, May đã trốn đến một nơi nào mà không ai hay biết…

*

*                *

Mới đấy mà đã hơn mười năm trôi qua, hôm nay là ngày giỗ bố, May dẫn con về để thắp cho ông ngoại nén hương, rồi hai mẹ con xin tạ tội với ông. Ngày bố mất May không hề hay biết, mãi sau này gặp được người làng, May mới biết do quá đau buồn vì đứa con hư hỏng, ông Chỉ, bố của May đã phát bệnh ốm đau liên miên. Tuy tuổi chưa cao nhưng ông Chỉ là người cả nghĩ, ông lại là người trọng danh dự nên chuyện đứa con chửa hoang khiến tinh thần của ông suy sụp hoàn toàn. Biết chồng mình như vậy, mẹ của May đã ngày đêm chăm sóc, an ủi và khuyên giải nhưng ông Chỉ không nghe, ông mắng bà đã không để mắt đến con, đã không dậy con gái đến nơi đến chốn. Những lúc như vậy, ông luôn mồm nói con hư tại mẹ, rồi ông lẩm nhẩm điều gì không rõ, mọi người suy đoán rằng ông đang nhận lỗi với tổ tông và xin tổ tông cứ trừng trị ông thẳng cánh, một người cha vô dụng.

Biết mình có thai, phần vì xấu hổ với bạn bè, với người làng, phần vì sợ bố mẹ nên May không dám nói với ai. Là người phụ nữ đã qua sinh nở nên mẹ May đã phát hiện ra con gái mình có điều gì khang khác, căn vặn con mãi, cuối cùng May nói với mẹ là mình đã có thai nhưng không chịu nói là có thai với ai. Bà Chỉ nói với chồng về cái tin sét đánh này. Ông Chỉ chết lặng hồi lâu rồi ba máu sáu cơn, ông đuổi con ra khỏi nhà. May khóc lóc van xin bố tha thứ nhưng ông Chỉ không nghe. Làm gì có thứ con gái lăng loàn như vậy, không chồng mà chửa. Bà Chỉ khuyên ông, hỏi con gái xem cái thai đó là của ai, rồi cho chúng nó cưới nhau. Nhưng ông Chỉ bảo tôi không chấp nhận loại con như vậy.

Sau khi May bỏ nhà ra đi được hai năm thì ông Chỉ qua đời, nhiều người thương ông, một con người trọng danh dự, nhưng cũng không ít người trách ông là người cố chấp nên đã phải chết trong uất ức.

Hai mẹ con May đi tắt qua cánh đồng sang thẳng khu nghĩa trang của xã, từng ấy năm trời đã có biết bao thăng trầm biến đổi, ngày May còn là cô gái mới mười sáu mười bẩy tuổi, đi chăn trâu cắt cỏ, khu nghĩa trang này còn thưa thớt những nấm mồ, mấy đứa con gái cùng tuổi May thường thả cho trâu gặm cỏ còn cả bọn rủ nhau xúm xít nghe cái Thùy đọc truyện, những chuyện như “Công chúa trong lâu đài”, “Công chúa ngủ trong rừng”, “Hoàng tử Cóc”… khiến cả bọn mê mẩn cả người, đứa nào cũng mộng mơ ước ao mình được làm công chúa, được hoàng tử cưỡi ngựa đến rước về hoàng cung làm vợ, được làm đám cưới và được mặc bộ váy cô dâu nhiều tầng lộng lẫy thướt tha, sống một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bên người mình yêu. Mỗi khi cái Thùy đọc xong câu chuyện, đứa nào đứa ấy lặng người đi, ao ước. Vậy mà cuộc đời của May không có ngày cưới, cũng không được làm cô dâu lộng lẫy trong bộ váy nhiều tầng, thậm chí không được làm vợ. Nghĩ vậy May nén tiếng thở dài.

Tiếng thằng Trốn gọi làm May giật thót mình. Sắp cỗ để thắp hương ông đi mẹ ơi! May sắp đặt đồ lễ ra một chiếc khăn đã mang sẵn từ ở nhà thay cho chiếc mâm. Những gói bánh, gói kẹo, bao thuốc lá và cả bó hoa tươi được bầy ra. May không quên rót ra một chén rượu, rồi đặt cả chai lên mâm lễ. Đó là một chai rượu “cuốc lủi”, loại rượu mà bố May thích nhất. Khi bố còn sống, bố thường bảo, rượu hảo hạng nào cũng thua cái anh “cuốc lủi ”. Bố còn bảo loại rượu này được chưng cất từ hạt gạo quê, những hạt gạo từ mồ hôi nước mắt, từ sự nhọc nhằn một nắng hai sương của người nông dân mà có. Bố luôn dạy May phải trân trọng công sức lao động của người nông dân. Chỉ khi nào nhà có việc gì lớn bố mới cho mua rượu, trước khi rót rượu ra mâm, bố không quên đặt chén rượu lên bàn thờ tổ tiên, thắp ba nén hương. Bố quỳ lậy trước bàn thờ tổ tiên khấn vái, chờ tàn hương mới đem xuống nhâm nhi, thưởng thức từng nhấp một.

Đặt lễ xong, May sửa sang lại đầu tóc, quần áo rồi gọi thằng Trốn đứng ngay ngắn chắp tay bên cạnh. Lòng rưng rưng xúc động, May khấn gọi. Thực ra là May muốn tâm sự giãi bày cùng bố, nỗi nhớ thương vô bờ bến của đứa con mắc lỗi lầm phải bỏ nhà ra đi. May cũng muốn thưa lại với bố tất cả những điều vùi sâu chôn chặt trong cõi lòng bấy lâu, mà ngày ấy May đâu dám mở lời trước cơn thịnh nộ của bố. May chỉ mong muốn bố một lần tha thứ cho May, để May có thể yên tâm sống nốt phần còn lại của cuộc đời, để nuôi con cho nó nên người.

- Bố ơi! Con là con gái của bố đây, cái May tội nghiệp của bố, hôm nay mới về thăm bố…

Khấn được vài lời, giọng May đã nghẹn lại. May nhớ đến ngày xưa, bố thường cõng May trên lưng, chạy khắp cánh đồng để đón con diều do bố thả mỗi khi trời trở gió. May háo hức, miệng không ngừng la hét, giục bố chạy thật nhanh để kéo con diều bay cao hơn, xa hơn. Thật ngốc nghếch, May có biết đâu bố đã chạy hết cả hơi lại còn cõng mình trên lưng. Dây diều bị đứt, mất đà bố nhảy ào xuống vũng nước suýt ngã soài, nước bắn tung tóe làm người bố ướt đầm, bố vẫn giữ cho May không bị tuột khỏi lưng. May không bị đau nhưng sợ nên khóc òa, May thì khóc còn bố lại cười, bố bảo May là cô công chúa hay khóc nhè. Khi diều đã lên cao, bố đi bắt bằng được mấy con muỗm đồng về nướng thật thơm. Bố bảo thưởng cho con gái vì đã đỡ cho bố khỏi bị ngã trên đồng. Bố nháy sang mẹ, còn May mắt tròn xoe không hiểu thế nào nhưng thấy rất vui vì nghĩ mình đã cứu bố.

- Bố ơi! Ngày ấy con còn bé bỏng quá phải không bố. Vậy mà khi lớn lên con lại làm cho bố phải đau buồn. Đứa con khốn khổ ngày nào đã bỏ nhà ra đi, để lại cho bố nỗi nhục nhã ê chề… Hôm nay con và cháu Trốn trở về quê. Con xin tạ tội trước vong linh của bố. Con xin bố hãy rộng lòng tha thứ cho con, đứa con bất hiếu… Nước mắt May giàn giụa...

Một cơn gió mạnh ùa đến, thằng Trốn đứng nép sát vào mẹ. Biết bố không tha thứ cho mình, May chắp tay vái lia lịa. Bố, bố hãy tha thứ cho con, nếu ngày ấy con không bỏ nhà ra đi, chắc bố cũng không thể tha thứ cho con. Con biết bố là người trọng danh dự, làm sao bố tha lỗi cho con được. Nhưng, ngày ấy con không còn con đường nào khác. Bố hãy hiểu cho con…

May lau nước mắt, kéo thằng Trốn lại gần hơn. Bố ơi, giờ đây con đã có thằng Trốn, cháu ngoại của ông đây. Con mang cháu trở về để tạ tội với ông, xin ông tha thứ, cháu nó không có lỗi gì, ông tha lỗi cho cháu đi ông… Thấy mẹ khấn ông như vậy, thằng Trốn cũng nhanh nhẹn chắp tay xin ông. Ông ngoại ơi, ông tha thứ cho cháu đi ông, ông tha cho mẹ con cháu…

Một con bướm đen chợt xuất hiện, bay một vòng quanh mâm lễ rồi đậu trên miệng chén rượu, vài giây sau con bướm nhẹ nhàng bay qua đầu thằng Trốn. May nhớ lại khi còn nhỏ, bố thường nói với May rằng, khi thắp hương mà thấy bướm bay về là điều cầu nguyện của mình đã được linh nghiệm. May biết rằng bố đã thấu hiểu cho lòng May và tha thứ cho mẹ con May. Thằng Trốn không hiểu xưa kia mẹ đã có lỗi với ông ngoại thế nào nhưng giờ đây, trước mùi nhang thơm nghi ngút và có cả cánh bướm đậu trên mâm lễ. Trốn reo to, mẹ ơi, mẹ nhìn xem, cánh bướm đẹp quá kìa, mẹ đừng khóc nữa mẹ ạ. Con bướm bay ba vòng quanh mẹ con May rồi bay qua các nấm mồ trong nghĩa trang, không sót một nấm mồ nào. Thằng Trốn cười tít. May vội lau nước mắt, chị mỉm cười, nụ cười sau hơn mười năm trời, hôm nay mới rạng rỡ trở lại, chị xoa đầu con trai thầm thì. Ừ, hôm nay ông ngoại vui, ông ngoại thấy mẹ con mình trở về, ông đã tha thứ cho mẹ con mình rồi, bây giờ mẹ con mình đã trở về, coi như mẹ được sinh ra lần thứ hai, mẹ được sống, được gặp lại những người thân sau bao năm xa cách, mẹ không khóc nữa đâu. Mẹ sẽ làm lại cuộc đời trên quê hương mình. Mẹ hứa sẽ nuôi con khôn lớn, cho con ăn học nên người, sau này dù đã trưởng thành con cũng đừng bao giờ quên mảnh đất này con nhé.

“Sao lại thế hả mẹ”. Thằng Trốn ngơ ngác hỏi mẹ. Chị May xoa đầu con, mắt chăm chăm nhìn về phía chân trời xa thẳm, chị nói với con, nhưng là nói với chính mình. “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Con có hiểu không, quê hương sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn, dù có đi đến đâu, ở đâu cũng không bằng ở chính quê hương mình con ạ. Một lần nữa thằng Trốn lại nhìn mẹ cười tít mắt, vì câu nói hay hay của mẹ, nó cầm cành lá tung tăng đuổi theo đàn bướm vờn trên những bông hoa dại trong khu nghĩa trang…

May giật thót mình khi nghe có tiếng bước chân người đến gần, chị cảm nhận được tiếng thở hổn hển. Một bàn tay nhè nhẹ đặt lên vai, May ngoảnh lại, cô gần như khuỵu xuống. Anh Hoán, sao anh lại ở đây? Hoán vội ôm choàng lấy May, ghì chặt trong vòng tay, hơi ấm nồng nàn trong cơ thể Hoán tích tụ từ lâu, lan tỏa khắp người May. Những giọt nước mắt tủi hờn được thể cứ lã chã rơi xuống bờ vai Hoán, một lát sau như bừng tỉnh, May khẽ gỡ tay Hoán ra giọng thảng thốt, anh đừng làm thế, con em trông thấy nó lại sợ.

  • Em nói sao, con em, nó tên là gì?

Hoán hỏi dồn dập khiến May lúng túng chỉ nói được một câu. “Cháu tên là Trốn…”

Hoán lẩm bẩm trong miệng, May có con thật rồi sao. Bố nó là ai? Biết Hoán còn nghi ngờ nên May đành nói rõ sự thật. “Hoán ơi! Hãy tha thứ cho em. Em đã nặng lòng với người chiến sĩ ấy. Biết rằng anh rất yêu em, nhưng em không thể đáp lại tình yêu của anh được. Người đã như con đại bàng dũng mãnh bay từ đâu đến, đưa em xuống hầm tăng xê để tránh bom và cũng chính là người đã yêu em, cho em niềm hạnh phúc và cả nỗi đau. Người ấy chính là bố của con em. Chúng em chưa kịp quen nhau thì anh ấy đã phải lên đường ra mặt trận. Khi biết mình có thai, em cũng không muốn nói để anh thương hại và có nói biết đâu anh cũng không thể tha thứ cho em. Em quyết giữ giọt máu của anh ấy và mong ngày anh ấy trở về tìm đến mẹ con em. Sau những năm tháng trốn khỏi làng, em được biết tin anh ấy đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Em đã khóc hết nước mắt và đau khổ đến tột cùng. Em thầm hứa và quyết tâm nuôi đứa con mà thượng đế đã ban cho em và dạy cháu nên người… Hoán ơi, biết anh cũng yêu em nhưng em không thể… Anh còn trẻ, còn bao hứa hẹn ở phía trước, làm sao em lại để anh phải nặng lòng vì em. Hoán ơi, hãy tha thứ cho em…”

Sự thật đau khổ của May lại một lần làm trái tim Hoán thắt lại, Hoán chỉ còn biết kêu lên đau đớn. Trời ơi! Nhưng tình yêu đã khiến Hoán vượt lên tất cả, Hoán càng thương May nhiều hơn. Hoán lại ôm choàng lấy May, vòng tay anh càng xiết chặt May hơn, Hoán nói gấp gáp trong hơi thở. Dù thế nào anh vẫn rất yêu em, anh vẫn hy vọng một ngày em sẽ trở về, ngày ấy đã đến, anh không thể mất em lần nữa. May! Anh yêu em. Anh vẫn chờ đợi em từ ấy. Hãy về với anh, thằng Trốn sẽ là con của anh. Anh thương cả hai mẹ con. Anh sẽ đón em và con về, chúng ta làm lại từ đầu. Anh sẽ làm đám cưới…

Một lần nữa May lại miễn cưỡng ẩy nhẹ Hoán ra, nói trong nước mắt. Muộn rồi anh, em sẽ không bao giờ xứng đáng với tình yêu của anh. Nếu thương em, anh hãy quên em đi. Đấy là điều duy nhất em xin anh, hãy để mẹ con em được sống yên ổn trên quê hương mình. Nếu không… em sẽ lại phải ra đi. Hoán kéo May lại sát mình hơn. Hãy nhìn vào mắt anh. May, em là nguồn an ủi duy nhất của đời anh. Em đưa con về với anh, anh sẽ bù đắp cho em tất cả, em đừng đi nữa. May không còn đứng vững được nữa. Cô run rẩy trong vòng tay âu yếm của Hoán, nhưng dòng đời phiêu bạt đã cho May phải biết làm gì, May tĩnh tâm nhớ lại sự quyết tâm của mình trước khi dự định trở về quê. May nói lời dứt khoát. Em đã khổ nhiều rồi. Nếu còn thương em thì anh hãy đi xây dựng với người khác, hãy để mẹ con em được yên. Em rất yêu anh, nhưng tình yêu ấy em sẽ chôn vùi vào trái tim em, và mãi mãi là như vậy.

“Mẹ ơi, ai đây hả mẹ”. May rời khỏi vòng tay của Hoán, chị lau vội hai hàng nước mắt, kéo tay thằng Trốn lại trước mặt Hoán. Con chào bác Hoán đi con, bác Hoán là bạn cũ của mẹ. Thằng bé khoanh tay, con chào bác. Hoán sững sờ nhìn thằng Trốn, nó giống mẹ y đúc, khuôn mặt sáng sủa, da trắng, mắt to đen láy, nổi bật nét thông minh lanh lợi. Hoán cầm hai bàn tay nhỏ xíu của thằng Trốn dụi dụi vào cằm, vào má mình, rơm rớm nước mắt, giọng lạc đi, bác chào con, hôm nào bảo mẹ đưa sang nhà bác chơi nhé, nhà bác chỉ có một mình.

Biết không thuyết phục được May, Hoán nhìn May, thơm lên mái tóc thằng Trốn rồi lững thững ra về. Hai mẹ con May đứng nhìn theo bóng dáng gầy gò và khuôn mặt thẫn thờ của Hoán khuất dần vào lùm cây trong nghĩa trang.

*

*            *

Sau khi trốn nhà ra đi, May càng hiểu, càng thấm thía được nỗi nhớ nhà, chị được bà Hảo là người bà con cùng làng đã xa quê đi làm ăn lâu năm, khi biết chị không may gặp phải điều ngang trái, người bà con này đã cưu mang và cho chị chung sống như người nhà rồi nhận làm con nuôi. Khi sinh con được hai năm chị để con ở nhà cho bà Hảo trông nom săn sóc. Chị ham học hỏi, ngày đêm lam làm, May tìm hiểu nghề trồng dâu nuôi tằm. Được thầy dậy cho biết giá trị chất liệu của tơ tằm, mặt hàng được tôn vinh là “nữ hoàng” của ngành dệt may, tơ tằm là mặt hàng chiến lược, chiếm vị trí rất quan trọng trong ngành dệt của Việt Nam, hàng lụa tơ tằm đã từng đứng đầu thế giới về mốt thời trang. Cây dâu tằm lại có thể sống được ở những vùng khí hậu khắc nghiệt mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm bắt được điều đó, May quyết tâm học nghề tằm tơ để sau này sẽ có ngày trở về phát triển nghề tằm tơ tại quê mình. Quê May ở ven sông Công, là nơi đồng đất phù sa mầu mỡ, chắc chắn nghề tằm tơ sẽ cứu dân làng May thoát khỏi cảnh nghèo đói. Cứ nghĩ đến sự sung túc, đổi mới của quê hương, trong lòng lại thôi thúc May nhanh chóng trở về .

Mẹ con mình lậy ông để về đi con, bà ngoại và bác Sơn đang chờ mẹ con mình ở nhà đấy. May giục con và không quên thắp một nắm nhang thật to nhanh nhẹn cắm lên từng ngôi mộ trong nghĩa trang. Con bướm đen lại xuất hiện, dập dờn bay trên các ngôi mộ và quấn quýt bên hai mẹ con. Chị chọn nơi đẩt trống, nhìn được toàn bộ khu nghĩa trang lần nữa, xong việc chị dắt thằng Trốn ra về. Bóng hai mẹ con líu ríu quyện vào nhau. Lòng May nhẹ lâng lâng. Chị sải bước trên con đường, giữa hai hàng cây trải dài bên cánh đồng quê, trong bóng chiều yên ả.

TRĂNG VÀ ĐÊM

Đêm lặng lẽ dại khờ

Trăng vằng vặc sáng

Đêm than thở

Trăng mắt ngời lấp lóa

Đêm dấu niềm khát khao

Cháy bỏng vụng về

Trăng vô tư

Sáng soi miền sâu thẳm

Vui, buồn, trong veo

Trăng đã ngủ say, đầu gối trên mây.

Tiếng thở dài của đêm

 thổn thức.

 Giọt sương tí tách

 âm thầm úp mặt vào trăng!!!

       

MƯỢN

Mượn bàn tay đặt lên trán

Hương thơm tỏa ấm nồng nàn

Mượn bàn tay đặt vào đôi má

Cảm xúc dâng tràn bâng khuâng 

Mượn bàn tay gài lên mái tóc

Bối rối ngón mùa sâu hơn 

Lấy tay lần tìm tay mượn

Bờ vai lạnh giữa tay mình.

             

MƠ VỀ ANH

Em mơ thấy anh gọi em 

Tiếng anh trong như giọt ngọc

Hình anh chập chờn giữa giấc

Bồi hồi đêm tựa dài hơn

Nụ cười che nỗi niềm riêng 

Cựa mình bình minh trong vắt

 Sáng nay bầu trời nghiêng nghiêng.

             

KỶ NIỆM

Nhà anh ven núi, em bên sông

Vén màn cách biệt vướng tơ hồng 

Mấy bữa ăn la anh ngỏ ý 

Hai má ửng hồng - em nói: Không !

Chỉ một lời thôi lòng tan nát

Em tự dối mình, anh biết không?

Một tối vượt sông anh chợt đến

 Bâng khuâng bờ lở bến sông Cầu 

Dào dạt sóng xô lay bờ cát

 Ngập ngừng anh tỏ khúc nông sâu...

 Bàn tay nhẹ đan mái tóc 

Bỗng thấy sao trời ngả nghiêng rơi 

Thoang thoảng bên tai lời ai nói

Đêm ấy sông Cầu nước ngừng trôi...

                       

TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH

Đêm thu gió lao xao 

Chiến trường nóng bỏng 

Anh háo hức tuổi xuân 

Lên đường - nhập ngũ!

Em ngồi đến gió 

Trăng treo!

Ngày anh về thăm 

Tre làng kẽo kẹt 

Nắng cười hoa khép hàng mi. Chiếc áo màu xanh 

Trùm lên khăn voan cô dâu

Đêm vui tí tách

Hạnh phúc ngập tràn...

Chiếc ba lô con cóc 

Chào quê hương lên đường.

Đất nước thanh bình 

Chiến trường im tiếng súng 

Sao vàng ve áo anh!

Thu nhiều lần thay lá 

Anh chưa rời quân ngũ...

Em cùng anh lên chức ông, bà.

Tình yêu người lính 

Khắc vào quá khứ...

Anh mang về cho em ký ức 

Xòe lòng tay gặp đá nở hoa.

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Long

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

Thư viện tác phẩm 2 năm trước