Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:32 (GMT +7)

Một số khảo luận về Cỏ – hình tượng nghệ thuật trong thi ca

VNTN - Trong lịch sử thi ca, có những hình ảnh - biểu tượng luôn tạo nên được niềm cảm hứng sáng tạo bất tận cho mọi thế hệ thi sĩ. Dĩ nhiên, ở từng thời kỳ văn học sử khác nhau có thể có những cách diễn đạt hoặc hệ thẩm mỹ khác nhau với cùng một chất liệu, nhưng sức sống của chất liệu ấy, sự không lỗi mốt của chất liệu ấy là một điều có thật, không phải bàn cãi. Trong lịch sử thi ca của người Việt, cỏ chính là một hình ảnh - biểu tượng mang ý nghĩa và sức sống như vậy.

Thúy Kiều và cánh đồng cỏ xuân. Nguồn: internet

1.Có thể nói, trong thi ca phương Đông hàng ngàn năm nay, dù nhỏ nhoi và rất mong manh nhưng cỏ đã được các thi sĩ vô cùng ưu ái. Như ta đều biết, cỏ lên xanh tốt nhất là vào mùa xuân, nên những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của cỏ hầu như đều gắn với thời điểm này:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Nghĩa là:

Mùa xuân dạo cỏ xanh tươi

Hạ về vui mát ở nơi ao hồ

(Bốn mùa viễn du - Thôi Hiệu)

Cũng chính thi sĩ Thôi Hiệu còn có câu thơ đặc sắc nữa về cỏ trong thi phẩm kinh động đương thời cũng như hậu thế mang tên Hoàng Hạc lâu:

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nghĩa là:

Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng

Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời

(Khương Hữu Dụng dịch)

Trong câu thơ ở bài Hoàng Hạc lâu, cỏ không chỉ là đại diện vẻ đẹp của mùa xuân mà còn đại diện cho cái đẹp vĩnh hằng trường tồn của tự nhiên, đối lập với cái hữu hạn nhỏ bé của kiếp người.

Một thi sĩ đời Đường nức tiếng khác là Lý Bạch cũng ca ngợi vẻ đẹp của cỏ, nhưng lại đặt trong cái tình nhớ thương hao khuyết của người phụ nữ ngóng chồng. Vẻ đẹp của cỏ xanh lúc này như trêu ngươi, cứa vào nỗi đau của người thiếu phụ:

Cỏ Yên như sợi tơ xanh

Dâu Tần càng biếc rủ cành sum suê

Khi chàng tưởng nhớ ngày về

Chính là khi thiếp tái tê cõi lòng

Gió xuân ai biết cho cùng

Cớ sao len lỏi vào trong màn là

(Xuân tứ)

Ở Việt Nam, nói về những câu thơ ca ngợi cỏ xuân nổi tiếng, có lẽ đầu tiên phải kể đến là câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đoạn tả chị em Thúy Kiều đi chơi tiết thanh minh:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Cũng trong đoạn tả tiết thanh minh này, còn có bốn lần tả cỏ khác nữa của đại thi hào Nguyễn Du, mỗi lần một cách biểu hiện khác nhau. Hai lần tả chung chung chỉ dừng lại ở ấn tượng màu sắc: Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh,Hài văn lần bước dặm xanh. Nhưng còn hai lần nữa gắn liền với tâm trạng con người. Một là khi tả Thúy Kiều thắp hương trước mộ Đạm Tiên:

Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.

Cũng là cỏ mùa xuân nhưng “cỏ áy” lại là cỏ úa vàng, như một ám thị về cuộc đời buồn thương của một trang tài sắc. Lần tả cỏ cuối cùng nữa trong buổi thanh minh là khi Kim Trọng quay lại nơi gặp gỡ hai chị em Thúy Kiều, giờ đây chỉ còn thấy:

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.

Cỏ lúc này dường như vô tình và phũ phàng với con người, không còn hiện lên chút gì bóng dáng của giai nhân nữa. Trong các phần sau của Truyện Kiều, Nguyễn Du còn vài lần nữa nhắc đến cỏ. Khi thì dùng cỏ như một ẩn dụ của thân phận:

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

Lúc thì dùng cỏ để tả tâm trạng hoang mang vô vọng của Kiều trước lầu Ngưng Bích:

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Và một lần nữa dùng cỏ để tả sự hoang tàn khi chàng Kim trở lại vườn Thúy tìm người xưa:

Xập xè én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.

Cũng trong văn chương thời trung đại của Việt Nam, cỏ còn được gắn với một số ý nghĩa biểu trưng khác. Trong thơ Nguyễn Trãi, cỏ được coi là tiểu nhân, đối lập với hoa là quân tử:

Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn

Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi.

(Tự thuật, bài 9)

Cái ý tiểu nhân gắn với cỏ cũng từng được nói đến trong Đạo đức kinh của Lão Tử: “Đức của quân tử như gió. Đức của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi, cỏ rạp xuống”. Còn trong thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, cỏ gắn với sự giã biệt số kiếp một con người, là sự đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời:

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

(Cung oán ngâm khúc)

Phạm Thái trước cái chết của Trương Quỳnh Như cũng có một cảm xúc tương tự: “Nay qua nấm cỏ xanh tưởng người mệnh bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử” (Văn tế Trương Quỳnh Như). Chỉ có một trường hợp hiếm hoi trong văn chương trung đại người Việt, cỏ gắn với ý chí hiên ngang bất khuất, cứng cỏi phi thường. Đó là những câu trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chống giặc đến hơi thở cuối cùng: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng” (bản dịch của Bùi Kỷ).

2.Sang thời kỳ hiện đại, cỏ vẫn xuất hiện rất nhiều trong thi ca Việt Nam và được mở rộng các chiều kích, cung bậc cảm xúc. Cũng nói về cái chết song cách diễn đạt của Nguyễn Duy trong Đò Lèn vẫn gây được cảm giác mới mẻ nhờ hiệu ứng tương phản bất ngờ:

Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Những câu thơ về cỏ trong thơ ca kháng chiến mang những dấu ấn rất riêng. Cỏ trong thơ Thanh Thảo đầy ắp bầu nhiệt huyết tràn trề mê say và dâng hiến của tuổi trẻ:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?

(Những người đi tới biển)

Cỏ trong thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng là dâng hiến, nhưng là trong sự khắc nghiệt và dữ dội của chiến tranh, khi sự sống và cái chết luôn ở một ranh giới cận kề:

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai.

(Phương ấy)

Chiến tranh đi qua, bao người con đất Việt mãi nằm lại trong lòng đất quê hương. Trên mộ các anh cỏ phủ xanh, và những nấm cỏ ấy dường như cũng mang đầy linh hồn, cỏ hàng ngày xạc xào đu đưa như ru các anh yên nghỉ. Lại vọng về những câu hát đầy ám ảnh: Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa (...) Cỏ xanh non tơ cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình (Cỏ non thành cổ - Nhạc và lời: Tân Huyền).

Hoa cỏ may đã trở thành một hình tượng nghệ thuật trong thơ nhiều thi sĩ

Trong một góc nhìn khác, nhà thơ Hồng Thanh Quang lại thấy cỏ chính là linh hồn của người lính, vì thương mẹ nên đã trỗi dậy trên nấm mồ xuân:

Anh thương mẹ quá đau phiền

Anh thương tay mẹ cóng trên thân mình

Nằm sâu dưới đất sao đành

Âm thầm anh nhú lên thành cỏ xuân

(Cỏ xuân)

Nhiều thi sĩ dùng cỏ để thể hiện các cảm xúc của tình yêu lứa đôi. Nguyễn Bính từ trước 1945 đã có bài lục bát chỉ gồm hai câu tuyệt hay:

Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều cả gió bám đầy áo em.

(Hoa cỏ may)

Từ hoa cỏ may của Nguyễn Bính đến Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh lại là một đổi thay lớn về tư duy hình tượng và cảm quan nghệ thuật:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay

(Hoa cỏ may)

Nếu như hoa cỏ may trong thơ Nguyễn Bính là sự đa tình, dễ rung động rung cảm của chàng lãng tử thì hoa cỏ may trong thơ Xuân Quỳnh lại mang đầy dự cảm âu lo về tình yêu nhanh đến nhanh đi, về việc chưa thể tin vào một ái tình vĩnh viễn. Cái sự khó nắm bắt và đầy che giấu ấy sau này cũng gặp lại trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, cũng với một ý thơ rất ấn tượng về cỏ may:

Trời xanh màu tự thú

Tóc em thờ ơ bay

Ngày em hai mươi tuổi

Anh ngửa đôi bàn tay

Tình yêu hương cỏ may

Ngủ âm thầm trong đất

Lòng anh cũng vậy thôi

Hơn một lần đánh mất

(Mây rất thờ ơ)

Khi lứa đôi hạnh phúc thì cỏ dường như cũng nồng nàn, run rẩy, phập phồng và hồi hộp theo nhịp đập trái tim người:

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

(Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính)

Cỏ khi ấy có thể cũng chính là vẻ đẹp của người mình yêu: Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em (Chia tay trong đêm Hà Nội - Nguyễn Đình Thi). Còn khi tình yêu dang dở thì cỏ ngay lập tức cũng trở nên buồn thương héo hắt. Lúc này, không còn vẻ đẹp của cỏ mùa xuân nữa mà là nỗi buồn mùa thu mênh mang:

Thu mà, cỏ ở triền đê

Nửa xanh xao tím, nửa tê tái vàng

(Không đề mùa thu - Hồng Thanh Quang)

Nhắc đến cỏ, không thể quên những kỷ niệm tuổi thơ:

Chăn trâu cắt cỏ trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)

Chút hoa cỏ lẫn vào trong kỷ niệm

Chiều mẹ về nón trắng vẫy nghiêng nghiêng

(Ngày xa - Minh Việt)

Cho đến những năm gần đây, cỏ vẫn tiếp tục xuất hiện trong thơ đương đại với những cách biểu hiện mới. Tạ Anh Thư đã viết về cỏ theo một cách rất riêng. Với chị, cỏ là sự dâng hiến nguyên khôi tinh khiết đến tận cùng và không điều kiện:

Sao mọc rồi lại lặn

Sương đọng rồi lại tan

Em bên kia thung lũng

Cách chàng vạn bước chân

Nhưng nếu chàng yên lặng

Sẽ thấy em thật gần

Tình yêu của ngọn cỏ

Chẳng đòi hỏi thề nguyền

Chỉ cần chàng cúi xuống

Một buổi chiều nghiêng nghiêng

(Chàng)

Tìm hiểu về cỏ trong thi ca Việt theo một dòng chảy văn học sử, chúng ta thấy được sự kỳ diệu, phong phú của vẻ đẹp ngôn từ, vẻ đẹp văn chương, thấy được những sáng tạo và đổi mới không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. Họ luôn có những phát hiện, tìm kiếm hoặc diễn đạt nhằm khơi gợi nên nhiều chiều kích mới mẻ cho một hình tượng nghệ thuật quen thuộc mà không bao giờ cũ. Và tôi tin rằng ngọn cỏ đơn sơ ấy sẽ vẫn còn đủ sức vẫy gọi sáng tạo của các thế hệ thi sĩ, lay động trái tim của nhiều thế hệ độc giả mai sau.

Đỗ Anh Vũ*

*Viện Ngôn ngữ học

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy