Một số di tích lịch sử gắn với Bác Hồ ở xã Sơn Phú
VNTN - Sau chặng đường dài di chuyển từ Chùa Thầy (Hà Tây), lên xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Bác Hồ ở lại đó 15 ngày (từ ngày 4 đến ngày 18/3/1947). Ngày 2/4 Bác sang Tuyên Quang và dừng chân lại ở làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Sảo sang vùng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Di tích lán Khau Tý, Điềm Mặc, nơi Bác Hồ ở, làm việc đầu tiên tại ATK Định Hoá (20/5/1947)
Nơi đầu tiên Người đến tạm trú đó là gia đình ông Ma Đình Tương, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Định Hoá. Sau đó Người chuyển sang ở ngôi lán nhỏ tại đồi Khau Tý, Bản Quyên, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa cho đến ngày 10/11/1947. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong chặng đường hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc. Sự kiện này đã được các sử sách ghi lại rõ ràng. Tại ATK Định Hoá sự kiện này cũng được nhân dân khắp cả vùng, các thế hệ thường kể cho con cháu nghe về quê hương mình đã in dấu chân của Bác Hồ.
Các đồng chí cận vệ cất giấu xe ô tô tại đồi Nà Tà, xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú. Việc cất giấu xe ô tô của Bác do đồng chí Nền, người lái xe cho Bác phụ trách. Vào cuối năm 1948, được sự đồng ý của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cho tháo máy xe ô tô chạy lấy điện phục vụ cho ATK.
Xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa cũng là nơi Bác Hồ dừng chân. Để đảm bảo an toàn, bí mật, sau khi chuyển địa điểm từ Điềm Mặc, huyện Định Hóa sang làng Vang, xã Lâu Hạ, huyện Võ Nhai, Người lại quay về ở tại xóm Sơn Vinh (từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11/1947). Cùng đi với Người có các đồng chí cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng, đồ dùng của Người mang theo gồm chăn, màn, vài bộ quần áo, đôi dép cao su, chiếc máy chữ và ít tài liệu, sách báo đựng trong chiếc túi nhỏ. Bác Hồ và một số đồng chí đã đến ở nhà ông Ma Tử Vượng, dân tộc Tày, một cơ sở cách mạng tin cậy, ông Vượng sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng. Trong điều kiện bí mật, nhân dân địa phương phải thực hiện “ba không” (không nghe, không thấy, không biết), người dân trong xóm chỉ biết có một cụ già về đây. Lúc trời nóng nực, cụ già mặc chiếc áo nâu từng ở và làm việc ở khu vực có những tảng đá tự nhiên to bằng chiếc chiếu một, cách nhà ông Ma Tử Vượng khoảng 150m.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác qua suối Quảng Nạp (Bình Thành) sang Sơn Đầu (Sơn Phú, Định Hoá) năm 1947. Ảnh tư liệu lịch sử.
Trong khu vực xóm Sơn Vinh có ngôi đình cổ. Ngôi đình của đồng bào Tày đơn sơ có một gian 2 chái lợp lá cọ, trong đình có bắc sàn ở gian giữa thờ thành hoàng làng, hai bên có câu đối, Bác Hồ đã vào đọc câu đối của đình, sau Người lại ra làm việc, đọc báo, nghỉ ngơi tại tảng đá lớn. Thời gian Người ở gia đình nhà ông Ma Tử Vượng dù ngắn ngủi nhưng đã dội vào vào tâm khảm bao người dân, với bà con nhân dân các dân tộc Tày, Cao Lan nơi đây.
Trong tâm trí người già, người dân nơi đây thấy Bác hiền từ, chỉ biết một ông già với thân người gầy gò, mắt sáng, nhanh nhẹn, vào chiều tối ngả lưng đọc báo trên tảng đá.
Cũng tại xóm Sơn Đầu có địa điểm Hội trường tại đồi Thẩm Chặm, cách không xa gia đình nhà ông Ma Tử Vượng. Hội trường này được nhân dân địa phương góp nguyên vật liệu tre nứa, lá cọ dựng nên. Ngôi nhà có 5 gian, dùng để làm nơi làm việc và hội họp của Quốc hội và Mặt trận. Trong thời gian diễn ra các cuộc họp, Bác Hồ thường đến họp và gặp gỡ các vị nhân sĩ trí thức như cụ Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn. Hội trường này gắn với các sự kiện và các nhân vật lịch sử từ năm 1947 đến năm 1953.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch, đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa, năm 1947. Ảnh tư liệu lịch sử.
Tại xóm Sơn Đầu còn có gia đình ông Ma Đình Sinh, một cơ sở cách mạng ở địa phương. Khi Bác Hồ về dự họp và chủ trì các Hội nghị (từ năm 1949 đến 1950) Người thường nghỉ tại nhà ông Sinh. Cũng tại xóm Sơn Đầu, có di tích nền nhà Hội trường tám mái, nơi tổ chức Hội nghị Các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1950. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Cục Quân huấn – Bộ Quốc phòng đến dự. Người đã huấn thị về việc triển khai kế hoạch tác chiến Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Năm 1994, thực hiện công tác kiểm kê di tích huyện Định Hoá, về Sơn Phú tôi may mắn tôi còn được tiếp xúc với cụ Ma Tử Vượng. Với dáng người thấp, tuổi đã cao, vầng mắt sâu thẳm cụ kể lại cả quãng ngày Bác Hồ về đây. Cụ vẫn nhớ như in lần được gặp Người, nhưng khi đó chẳng biết là cụ Hồ. Cụ Vượng chỉ nghĩ giữa thời kỳ đầu cuộc kháng chiến có Trung ương về, ắt có người kiệt xuất để chỉ đạo dân ta đứng lên đánh lại quân Pháp cứu nước cứu dân. Quê mình là nơi rừng núi là căn cứ địa được Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu chắc hẳn đích thực có người kiệt xuất về lãnh đạo nhân dân đánh đuổi bọn Pháp giành lấy đất nước.
Cánh đồng Bản Quyên (Điềm Mặc, Định Hoá) ngày nay
Những địa điểm dấu tích Bác Hồ ở xóm Sơn Vinh, Sơn Đầu, xã Sơn Phú đã được Đảng bộ và nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn, coi đó là những di sản quý báu đã từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ở ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cụ Ma Tử Thắc (86 tuổi) ở xóm Sơn Vinh là người cao tuổi thuộc dòng họ Ma Tử còn được các thế hệ trước kể rõ về sự kiện Bác Hồ về ở xã Sơn Phú. Cũng vào năm 1994, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cử ông Ngô Xuân Đề, chuyên viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Bắc Thái đi điền dã, khảo sát, ghi lời kể nhân chứng các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn bộ huyện Định Hoá. Kết quả đã tổng hợp được 20 di tích đưa vào Danh mục di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Định Hoá, lưu Tư liệu phòng di tích Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sự kiện Hồ Chủ tịch về hoạt động ở ATK được nhiều cuốn sách sử ghi lại: Sách Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ (do Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2007), Lịch sử biên niên huyện Định Hóa (xuất bản năm 2013); Lịch sử ATK Định Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) xuất bản năm 1997; nhiều tài liệu văn bản của các cơ quan chức năng, như: Kỷ yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng căn cứ địa ATK Định Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên xuất bản năm 1997), Từ ATK Thái Nguyên đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Sở Văn hoá – Thông tin xuất bản năm 2008)…
Theo thống kê di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Định Hóa, tại xã Sơn Phú, huyện Định Hoá có 5 điểm di tích liên quan đến Bác Hồ đã từng ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với 15 điểm di tích Bác Hồ trên địa bàn huyện Định Hoá đã góp phần khẳng định ATK Định Hoá là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở và làm việc thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Với quần thể 182 di tích trong toàn huyện Định Hoá, đã minh chứng rõ ràng về một An toàn khu tuyệt mật, một “Thủ đô gió ngàn” nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là cái nôi cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đình Sơn Vinh nơi Bác Hồ đến thăm năm 1947 là một trong 5 điểm di tích của xã Sơn Phú. Di tích đã được kiểm đếm (chưa xếp hạng) và được nhân dân địa phương giữ gìn, bảo tồn.
ATK Định Hóa (Thái Nguyên) nằm trong ATK của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn); các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên). Trong Quyết định số 784/TTg, ngày 22/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử Chiến khu Việt Bắc, Thủ tướng nhận định: “Chiến khu Việt Bắc là quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX”. Bởi vậy, các di tích quý báu này cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...