Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
15:56 (GMT +7)

Một rào cản hành chính sẽ được gỡ bỏ

VNTN - Có một sự kiện đáng ghi nhớ đối với người dân Việt Nam, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Cụ thể là bỏ cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại rất lâu nay.

Trên các báo, các trang mạng xã hội, người ta loan tin, chia sẻ bao nhiêu cảm xúc, kể lại những kỷ niệm buồn, khổ, thậm chí đau xót, bức xúc của gia đình và bản thân do cuốn sổ hộ khẩu gây ra bấy lâu nay.

Tra cứu tài liệu thì thấy: Ngày 27/6/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm Nghị định 104/CP. Theo Nghị định này, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình.

Vậy là đã hơn nửa thế kỷ chúng ta quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu. Cuốn sổ bằng giấy tuy nhỏ xíu nhưng lại có quyền năng cực lớn. Trình sổ ra thì em bé ra đời mới được làm giấy khai sinh và cấp tiêu chuẩn mua gạo. Trình sổ ra con cái mới được tách khẩu đi học hoặc nhập khẩu trở về địa phương sinh sống. Trình sổ thì người ốm mới được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhà mới có hợp đồng điện, nước, chất đốt, tem phiếu; người cần mới được vay tiền ngân hàng; thế chấp đất đai; sang tên tài sản… Tất tần tật, hầu hết những thủ tục cần có dấu của cơ quan hành chính cấp xã/phường trở lên đều phải trình sổ hộ khẩu mới được giải quyết.

Sổ hộ khẩu có quyền sinh quyền sát như vậy nên mọi gia đình Việt Nam giữ gìn nó hết sức cẩn thận. Nếu như trong túi (ví) mỗi người khi ra đường đều cồm cộm tệp giấy tờ tùy thân gồm: Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe (nếu đi ô tô/xe máy), Thẻ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm ô tô/xe máy…, thì trong mỗi nhà cũng cất kỹ tệp giấy tờ vô cùng quan trọng được đẻ ra… từ quyển sổ hộ khẩu (như trên đã nói).

Và không hiểu từ bao giờ, người có sổ hộ khẩu thành phố “oách” hơn hộ khẩu nông thôn, người có hộ khẩu thủ đô “oách” hơn người thường trú nơi tỉnh lẻ.

Vì thế, không ít dân “tỉnh lẻ” muốn thành dân thủ đô phải dùng biện pháp lấy vợ/chồng có hộ khẩu ở đó để được “nhập” khẩu. Không ít người muốn con/cháu mình được cộng điểm ưu tiên dân tộc, miền núi để đỗ đại học mà từ bỏ bố mẹ miền xuôi cho làm con người dân tộc ít người để “nhập khẩu” lên vùng cao. Cái chuyện “khắc xuất khắc nhập” diễn ra thường xuyên ở không ít gia đình.

Sổ hộ khẩu đẻ ra sổ tạm trú, đẻ ra hàng loạt giấy tờ và thủ tục hành chính nhiêu khê khác. Cũng từ đó mà cán bộ giải quyết thủ tục cho dân hạch sách, vòi vĩnh. Nạn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ vặt… cũng sinh từ đấy.

Thực ra, cuốn sổ hộ khẩu đâu có lỗi, nó là biện pháp quản lý dân cư thủ công hữu hiệu một thời, khi mà thông tin dân cư chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác. Nhưng khi Luật Căn cước Công dân và Luật Hộ tịch được thông qua vào năm 2014 cộng với cuộc cách mạng công nghệ đang triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam, toàn bộ thông tin cư dân sẽ được khai thác chung từ trung ương đến xã, phường, thị trấn… thì cuốn sổ bằng giấy mỏng manh kia bị loại bỏ là điều tất yếu. Thay vào đó, mỗi cá nhân được quản lý bằng một mã số định danh. Cuộc đời mỗi người ẩn dưới một dãy số, mỗi con số chứa thông tin chuẩn xác về quá trình cư trú của người dân. Cũng đồng nghĩa tất cả những gì liên quan đến cuốn sổ hộ khẩu bị xóa bỏ, tấm rào cản hành chính bùng nhùng chính thức được gạt ra khỏi đời sống nhân dân vào năm 2020, khi Đề án 896 về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sẽ mất không ít thời gian để chúng ta quen với việc cơ thể được cắt hàng chục “khối u” thủ tục. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều loại thủ tục cần được số hóa để giải phóng người dân khỏi những giấy tờ phiền phức, cũng để tránh dối trá. Như việc xác nhận hồ sơ lý lịch, xác nhận bằng cấp, giấy khai sinh, giấy kết hôn, các loại thẻ ngân hàng, bảo hiểm các loại… Để người dân mỗi khi giao dịch chỉ cần đọc tên mình và mã số định danh cá nhân là được cơ quan nhà nước giải quyết. Con người bằng xương bằng thịt khi ấy mới thực sự quan trọng hơn tờ giấy.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước