Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:25 (GMT +7)

Một người bạn hào hoa – Truyện ngắn. Anton Pavlovich Chekhov

VNTN - Nàng Vanda duyên dáng, hay, như nàng miêu tả trong hộ chiếu của nàng, là “công dân chính trực Nastasya Kanavekin,” trong khi rời bệnh viện, thấy mình lâm vào một hoàn cảnh chưa từng có trước đây: không có một mái nhà để về hay một xu trong túi. Nàng sẽ làm gì đây?

Việc đầu tiên nàng làm là đến một hiệu cầm đồ và cầm chiếc nhẫn ngọc lam của nàng. Tiệm cầm đồ đưa nàng một rúp tiền cầm chiếc nhẫn, nhưng với một rúp thì có thể làm gì được? Không thể mua một chiếc áo ngắn thời trang, một cái mũ lớn, hay một đôi giày màu đồng với khoản tiền đó, và không có những thứ đồ đó thì nàng cảm thấy như là không mặc gì vậy. Nàng cảm thấy như mọi con ngựa và chó đang nhìn và cười vào trang phục xấu xí của nàng. Và quần áo là tất cả những gì nàng nghĩ đến, còn vấn đề sẽ ăn gì và sẽ ngủ đâu chẳng làm nàng bận tâm.

“Ước gì mình gặp được một người bạn hào hoa,” nàng thầm nghĩ, “Mình có thể có một số tiền…Mình biết sẽ không ai từ chối.”

Nhưng nàng đã không gặp chàng trai hào hoa nào nàng quen đi trên đường. Sẽ dễ gặp họ vào buổi chiều tối ở tiệm “Phục hưng”, nhưng người ở đó người ta sẽ không để nàng vào với bộ cánh tồi tàn và không có mũ. Nàng sẽ phải làm gì đây?

Sau một hồi do dự, đến lúc cảm thấy mệt vì phải đi bộ nàng liền ngồi xuống và suy nghĩ. Vanda quyết định chọn niềm hy vọng cuối cùng: đi thẳng đến chỗ một người bạn lịch sự nào đó và hỏi lấy ít tiền.

Nàng tự hỏi mình nên đến đâu. “Misha thì không được, anh ta là đàn ông có vợ… Còn anh già có mái tóc hung thì giờ này đang ở cơ quan…”

Vanda nhớ đến một nha sĩ, tên là Finkel, một người Do Thái cải đạo, là người sáu tháng trước đã tặng nàng một chiếc xuyến, và có lần nàng đã đổ cả một ly bia lên đầu anh ta trong buổi ăn nhẹ ở câu lạc bộ German. Nàng rất hài lòng với ý nghĩ về Finkel.

“Chắc chắn anh chàng sẽ cho mình tiền, chỉ cần anh ta có ở nhà,” nàng nghĩ trong khi đi về hướng nhà Finkel. “Nếu anh ta không cho tiền, mình sẽ đập hết những ngọn đèn trong nhà anh ta.”

Trước khi đến nhà chàng nha sĩ nàng nghĩ về kế hoạch hành động: nàng sẽ vừa cười vừa chạy lên cầu thang, lao vào phòng chàng nha sĩ và hỏi lấy hai mươi lăm rúp. Nhưng khi nàng đụng đến chuông cửa, kế hoạch này tự nhiên biến mất khỏi tâm trí nàng. Bất chợt Vanda thấy lo sợ, là điều nàng chưa hề cảm thấy trên đường đến đây. Nàng đủ táo bạo và trâng tráo ở những tiệc rượu, nhưng bây giờ, trong bộ đồ tầm thường, nàng cảm thấy mình đang lâm vào hoàn cảnh của một người bình thường đang xin một ân huệ, có thể bị từ chối không cho vào nhà, nàng bất chợt cảm thấy rụt rè và bẽ bàng. Nàng xấu hổ và lo sợ.

“Có thể bây giờ anh ta đã quên mình,” nàng nghĩ, không dám kéo chuông cửa. “Và làm sao mình có thể lên gặp anh ta trong một bộ đồ như kẻ ăn mày hay cô công nhân nào đó?”

Nàng ngại ngần bấm chuông.

Nàng nghe tiếng chân người đi ra, đó là người gác cửa.

“Ông nha sĩ có nhà không ạ?”, nàng hỏi.

Bây giờ nàng hẳn là vui mừng nếu như người gác cửa nói “Không,” nhưng người gác cửa, thay vì trả lời lại đưa nàng vào trong, và giúp nàng cởi áo choàng. Cầu thang gây ấn tượng với nàng vì vẻ kiêu sa, hoành tráng, nhưng trong tất cả vẻ huy hoàng của nó vật nổi bật đập vào mắt nàng là một tấm gương rất lớn, trong đó nàng thấy một con người nhếch nhác chẳng có áo chẽn thời trang, không có chiếc mũ lớn, và không có giày màu đồng. Và điều có vẻ lạ lùng đối với Vanda, là bây giờ trong lối ăn mặc tầm thường nàng trông như một cô thợ giặt hay thợ may, nàng cảm thấy mắc cỡ, và chẳng còn chút gì táo bạo và trâng tráo nơi nàng. Nàng không còn nghĩ mình là Vanda, mà chỉ là Nastasya Kanavekin trong những ngày xa xưa.

“Mời vào,” cô người làm nói, đưa nàng vào phòng đợi. “Bác sĩ sẽ ra ngay. Mời cô ngồi.”

Vanda ngồi vào chiếc ghế bành êm ái.

“Mình sẽ nói anh ấy cho mượn ít tiền,” nàng nghĩ, “sẽ phải như thế, vì xét cho cùng mình không quen anh ta. Ước gì cô người làm đi đi. Mình không thích hỏi mượn tiền trước mặt cô ta. Cô ta đứng đó làm gì chứ?”

Năm phút sau cửa mở và Finkel bước vào. Anh ta là một người Do Thái da ngăm ngăm, cao ráo, đôi gò má đầy đặn và đôi mắt lộ. Gò má, mắt, ngực, cơ thể của anh ta, toàn bộ toát lên vẻ no đủ, khó ưa! Ở tiệm “Phục hưng” và câu lạc bộ German anh ta thường chếnh choáng, hay chi tiền thoải mái cho phụ nữ, nhẫn nại và giỏi chịu đựng với những trò tinh nghịch của họ (ví dụ như khi Vanda đổ bia lên đầu anh chàng, anh ta chỉ mỉm cười và lắc lắc ngón tay với nàng). Bây giờ thì anh chàng có đeo một thập giá, nét mặt ngái ngủ và có vẻ trịnh trọng như một đại úy cảnh sát, miệng thì cứ nhai nhai cái gì đó.

“Tôi có thể giúp gì đây?” anh chàng hỏi mà không nhìn Vanda.

Vanda nhìn vẻ mặt nghiêm chỉnh của cô người làm và dáng vẻ bảnh chọe của Finkel, rõ ràng là anh ta không nhận ra nàng, và nàng chợt đỏ mặt.

“Tôi có thể giúp gì cho cô đây?” anh nha sĩ lặp lại với một chút khó chịu.

“Tôi bị đau răng,” Vanda thì thào.

“À…răng nào? Ở đâu?”

Vanda nhớ nàng có một cái răng bị thủng một lỗ.

“Ở trong cùng…phía bên phải...” nàng nói.

“Hm!...Mở miệng ra.”

Finkel cau mày và, nín thở, bắt đầu khám chiếc răng.

“Có đau không?” chàng hỏi, ấn vào chiếc răng bằng một dụng cụ bằng thép.

“Có,” Vanda nói dối.

“Mình có nên nhắc cho anh chàng nhớ ra không?” nàng tự hỏi. “Chắc là anh chàng sẽ nhớ ra mình. Nhưng còn cô người làm kia! Sao cô ta cứ đứng đó nhỉ?”

Chợt Finkel khịt khịt mũi như một cái máy hơi nước vào ngay miệng nàng, và nói:

“Tôi khuyên cô không nên giữ nó. Cái răng đó không còn giá trị để giữ lại nữa.”

Sau khi chọc vào cái răng thêm một lần nữa, rà rà môi và lợi của Vanda bằng những ngón tay ám khói thuốc, anh ta lại nín thở, và đặt một vật lạnh vào miệng nàng. Vanda chợt cảm thấy một cơn đau nhói, nàng kêu lên và chộp lấy tay Finkel.

“Ổn rồi, ổn rồi,” anh chàng thì thầm; “cô đừng sợ! Cái răng đó không ích gì cho cô…cô hãy cố gắng lên…”

Và những ngón tay ám khói thuốc lá của anh chàng, vấy máu, đưa chiếc răng lên trước mắt nàng, trong khi cô người làm đến kê một cái chậu sát miệng nàng.

“Khi về nhà cô súc miệng với nước lạnh sẽ hết chảy máu,” Finkel nói.

Anh chàng đứng trước mặt nàng với vẻ chờ đợi nàng ra về.

“Chúc một ngày tốt lành,” nàng nói, quay lưng đi ra cửa.

“Hm…Còn tiền công của tôi thì sao?” Finkel hỏi bằng giọng hài hước.

“À phải” Vanda nhớ ngay, đỏ mặt, và đưa cho anh chàng Do Thái đồng rúp nàng có được do cầm chiếc nhẫn.

Khi ra đến đường nàng càng cảm thấy xấu hổ hơn trước, nhưng bây giờ không phải là xấu hổ vì nghèo túng. Bây giờ nàng không còn nghĩ đến việc không có một cái mũ lớn hay một chiếc áo thời trang. Nàng đi trên phố, nhổ máu trong miệng và nghĩ ngợi về cuộc sống của mình, cuộc sống khốn khổ, khó chịu, và những sỉ nhục nàng đã phải chịu đựng, và sẽ phải chịu đựng ngày mai, tuần tới, và suốt cả cuộc đời, cho tới ngày nàng chết.

“Ôi dễ sợ làm sao! Chúa ơi, khủng khiếp làm sao!”

Tuy nhiên, ngày hôm sau nàng lại có mặt ở tiệm “Phục hưng”, và nhảy ở đó. Nàng đội một cái mũ mới màu đỏ rất lớn, một chiếc áo thời trang mới tinh, và đôi giày màu đồng. Và nàng được đưa đi ăn tối bởi một thương gia trẻ đến từ Kazan.

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “A gentleman friend)

Nguồn: Http://www.online-literature.com/anton_chekhov/1162/

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước