Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:44 (GMT +7)

Một đời với sân khấu kịch

VNTN - Thấm thoắt lại một mùa xuân nữa đã sang. Xuân Mậu Tuất 2018 đánh dấu mốc Đoàn kịch Thái Nguyên tròn 40 tuổi. Nhớ đến Đoàn kịch, thì hình ảnh đạo diễn - nghệ sỹ Trịnh Tích lại bồi hồi trong tâm trí. Ông là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của Đoàn kịch nói Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).

Nghệ sĩ Trịnh Tích sinh năm 1940 tại Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường THPT Chu Văn An. Năm 1958, ông được Trung ương Đoàn cử lên công tác xây dựng khu gang thép Thái Nguyên bởi lòng nhiệt huyết trong công tác và hoạt động nghệ thuật. Hai năm sau ông được điều về Đoàn Ca múa nhạc kịch Bắc Thái. Năm 1968, Đoàn Cải lương Bắc Thái được cấp trên phân công nhiệm vụ đi phục vụ chiến trường thuộc Tổng cục Hậu cần đường dây 559. Lúc đó Đoàn Cải lương gồm 19 cán bộ diễn viên và bổ sung 2 diễn viên Đoàn Ca múa. Với sự năng nổ và nhiệt tâm được lãnh đạo ghi nhận, hai nghệ sỹ Trịnh Tích và Ngọc Lan đã được mang tài năng đi phục vụ tại chiến trường.

Với nguyện vọng muốn cống hiến lâu dài cho nghệ thuật, năm 1971 ông được cử đi học khoa đạo diễn tại trường Trung học Nghệ thuật sân khấu điện ảnh Việt Nam. Tốt nghiệp khóa học (3 năm), ông về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Bắc Thái. Ngày ấy, do yêu yêu cầu của thời điểm lịch sử, ông đã về trường sân khấu xin một số diễn viên và hình thành đoàn kịch. Với những nỗ lực của bản thân, cùng các diễn viên như: Lê Mạnh Hùng, Vũ Cẩm Thúy, Đinh Hồng Sơn, Phạm Thu An, cố diễn viên Hoàng Thị Kim Hoa…, ngày 18/10/1978, Đoàn kịch nói Bắc Thái chính thức được thành lập.

Nghệ sĩ Trịnh Tích làm tốt cả hai vai trò, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên. Hơn nữa còn là một lãnh đạo đoàn năng động. Là người không dễ hài lòng với những gì đã có, năm 1981 ông tiếp tục đi học lớp thực tập sinh tại Bungari. Năm 1985 ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Nhà hát tổng hợp Bắc Thái. Ông là trưởng Đoàn Ca múa nhạc Bắc Thái (1988 - 1991). Sau đó ông chuyển nhiệm vụ làm giám đốc Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Thái (1991- 2000).

Cuộc đời Trịnh Tích có những nỗi buồn đau lặng lẽ chịu đựng, vì đi công tác xa, ông là người duy nhất trong gia đình sống sót trong trận bom B52 ngày 26/12/1972. Mất mát càng làm ông quý trọng những gì mình đang có, để dành toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Sau khóa học đạo diễn về (1974), ông trực tiếp đạo diễn vở kịch nói: "Chuyện nhà". Kế đó là "Ni cô Đàm Vân" (1975); "Đại đội trưởng của tôi" (1978). Khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông trực tiếp là trưởng đoàn đưa đội xung kích của Đoàn kịch đi phục vụ chiến trường (1979). Những năm sau này, ông làm trợ lý đạo diễn và đạo diễn nhiều vở kịch: "Nhân danh công lý" (1986 - trợ lý đạo diễn cho NSND Doãn Hoàng Giang); "Hoàng hậu Ba Tư" cho Đoàn chèo Bắc Thái (1987 - đồng đạo diễn cùng nghệ sỹ Bùi Đức Hạnh); "Nhân danh công lý" cho Đoàn kịch nói Thái Bình (1988); cùng nhiều vở kịch ngắn khác.

Có thể nói, thập niên 70 - 90 của thế kỷ 20 là thời hoàng kim của nền sân khấu nước nhà và cũng là thời oanh liệt của nền sân khấu tỉnh Bắc Thái. Nhiều vở diễn như “Nhân danh công lý”, “Hà My của tôi”, “Hoàng hậu Ba Tư”… đã bán vé hàng tháng ở các rạp trong và ngoài tỉnh, được đông đảo đồng bào nhân dân đón nhận, nằm lòng công chúng.

Kể chuyện nghề những ngày thiếu thốn khó khăn, giọng ông trầm lại: trong suốt thời gian công tác, tôi có 2 lần đi phục vụ chiến trường. Ngày ấy phương tiện đi lại, đặc biệt là đường sá vô cùng khó khăn, ổ gà, ổ trâu, ổ voi nhiều đến mức khiến bánh máy nổ bung ra ngoài. Vất vả nhưng vui lắm, nhiều kỉ niệm tốt đẹp, cảm nhận tình cảm quân dân, tình đồng đội rất sâu sắc.

Với những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, nghệ sĩ Trịnh Tích đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II; Bằng khen của Tổng cục tiền phương; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Dường như ông Trời chẳng lấy đi của ai thứ gì mà không bồi đắp lại cho họ thứ khác xứng đáng. Mất người thân ruột thịt, ông đã xây dựng mái ấm hạnh phúc của riêng mình. Vợ ông cũng là một diễn viên Đoàn chèo, luôn cảm thông và chia sẻ cùng ông mọi điều. Đến nay, ba người con của ông đều trưởng thành, nghề nghiệp, cuộc sống ổn định. Từ năm 1993 ông bà mở quán cà phê An ở tổ 32, phường Hoàng Văn Thụ. Đây là một trong những quán cà phê nổi tiếng ở thành phố Thái Nguyên; đến nay vẫn tiếp tục phát triển.

Có thể nói, nghệ sĩ Trịnh Tích luôn là người anh, người đồng đội và người quản lý gương mẫu. Người có tâm, có tầm gieo mầm nghệ thuật.

Trần Yên Bình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước