Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:39 (GMT +7)

Một dấu ấn đáng mừng

(Nhân đọc Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)

Mấy chục năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự hình thành của hàng trăm câu lạc bộ thơ. Riêng các câu lạc bộ có quy mô toàn tỉnh cũng có tới 5, 6 câu lạc bộ (Mùa Thu, Sông Cầu, Tháng Năm, Thơ Đường, Lục Bát…). Từ các câu lạc bộ với những hoạt động sôi nổi, thường xuyên, đã xuất hiện hàng nghìn người làm thơ. Họ sáng tác không phải vì mục đích trở thành nhà thơ, cũng không hẳn mong muốn trở thành các hội viên của các hội văn học nghệ thuật. Đa số các thành viên ở các câu lạc bộ cầm bút chỉ vì yêu thơ, vì mong có những phút giây giãi bày tình cảm với chính bản thân mình, với gia đình, với bạn bè… hoặc chỉ vì một điều vô cùng đơn giản là để thư giãn tâm hồn. Có thể nhiều, rất nhiều bài thơ do các thành viên câu lạc bộ sáng tác có chất lượng nghệ thuật còn ở mức “khiêm tốn”, có những bài chưa phải là thơ. Thơ của các thành viên câu lạc bộ chủ yếu để đọc cho nhau nghe trong mỗi kì sinh hoạt, rất ít khi đăng báo. Nhưng thơ đối với họ không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là một người bạn tinh thần có thể nâng đỡ tâm hồn, giúp họ và bè bạn vượt lên bao cảnh ngộ. Bản chất các câu lạc bộ thơ là thế. Nó không hề là nỗi lo “loạn thơ” như một nhà phê bình văn học nào đó đã từng quan niệm ít nhiều thiếu thiện cảm. Nhưng mặt khác cũng không thể phủ nhận, chính từ các câu lạc bộ, đã có sự trưởng thành trong văn chương. Thái Nguyên đã từng có vài chục hội viên Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh mà những bài thơ đầu tiên xuất phát từ các câu lạc bộ. Trong số này có thể kể đến những tên tuổi như Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Cầu, Ngọc Tuấn, Nguyễn Anh Hòa, Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Hồng Phượng, Trần Đình Vinh, Trần Vạn, Nguyễn Minh Trọng…

 

Bìa cuốn “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)”

Lâu nay, cùng các nhà thơ chuyên nghiệp trong tỉnh, câu lạc bộ cũng là một nguồn cung cấp các tác phẩm thơ đáng kể cho các trang báo văn nghệ của Thái Nguyên: Báo Thái Nguyên cuối tuần, Báo Thái Nguyên hằng tháng, Tạp chí Trà Việt, Tạp chí Phát thanh và Truyền hình… và có sự đóng góp để làm nên một phong trào xuất bản thơ khá sôi nổi trong tỉnh.

Tập “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)” là một tác phẩm đầu tiên mang tính chất tập hợp, tuyển chọn những bài thơ rút ra từ rất nhiều tác phẩm được đăng tải trên mục “Văn nghệ địa phương” của tờ Văn nghệ Thái Nguyên trong vòng mười năm qua. Có thể nói, đó không chỉ là một tác phẩm văn chương đơn thuần mà còn là một công trình nghệ thuật được hình thành từ sự kết nối hài hòa và đầy thân thiện giữa Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh với các câu lạc bộ thơ.

Đọc tập thơ một cách nghiêm túc và kĩ lưỡng, điều dễ dàng nhận thấy là sự đa dạng ở đề tài, chủ đề. Tập thơ, với một trăm ba mươi tác giả, hầu hết là những con người đã có tuổi, có sự từng trải, nhiều chiêm nghiệm trong cuộc sống nên tập thơ giống như một vườn hoa nhiều màu sắc.

Chủ đề bao trùm lên toàn tập thơ là tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bè bạn. Song song với những chủ đề chủ yếu ấy, những kí ức về chiến tranh, những suy cảm trong đời sống xã hội, truyền thống văn hóa, lịch sử, nhân tình thế thái, thậm chí là tình yêu đôi lứa… cũng được các tác giả hết sức quan tâm và dành những trang viết ấm áp tình người. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là những thứ tình cảm luôn thường trực trong tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, với những chủ đề quen thuộc nói trên đã có quá nhiều nhà thơ khai thác và sáng tạo ra những tác phẩm để đời, nên nếu các tác phẩm trong tập thơ này chỉ có thể ví như một giọng đồng ca trong một dàn hợp xướng lớn thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng có một lẽ thường, ở mỗi một tác phẩm văn chương, dù hay hoặc chưa hay thường vẫn có những nét nổi lên như những điểm nhấn. Và đúng như vậy. Tập “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)” tuy có rất ít bài xuất sắc nhưng có một điểm mạnh là hầu hết các tác phẩm đều toát lên tình cảm chân thành, dung dị, mộc mạc. Chân thành, mộc mạc như chính tâm hồn tác giả.

Trong thời điểm chủ quyền Tổ quốc đang có nguy cơ bị xâm hại thì tình yêu và niềm tin thể hiện mạnh mẽ nhất chính là tình cảm với biển đảo. Doãn Long, một người cầm bút tận vùng núi xa xôi nhưng đã có những dòng thơ thật da diết khi nghĩ và viết về Trường Sa:

Trường Sa sóng gió - Đất liền chuyển rung

Ôi! Biển đảo quê hương như từng khúc ruột

Nửa vết đau, cả xứ sở nghiêng mình

Ngàn vạn con tim hòa một nhịp

Đất liền thao thức với

Trường Sa...

(Gửi Trường Sa - Doãn Long)

Cùng một nhịp đập trái tim với Doãn Long nhưng tình cảm của Mai Duyên lại hướng về địa đầu Tổ quốc, nơi các chiến sĩ biên phòng từng giây từng phút không quản ngại hi sinh để bảo vệ từng ngọn núi, khúc sông, từng tấc đất quê hương vùng biên ải. Tình cảm của tác giả trao gửi đến các chiến sĩ giản dị mà đầy lãng mạn:

Hương hồi thơm từng giọt nước mưa

Thơm đá tai mèo nhọn hoắt

Tôi muốn làm con chim

Bắt cô trói cột

Hót các anh nghe đêm trắng núi rừng

Lũng Cú trong tôi - Lũng Cú rưng rưng!

(Cột cờ Lũng Cú - Mai Duyên)

Bên cạnh tình yêu đất nước, quê hương luôn là những đề tài, chủ đề cuốn hút người làm thơ. Đúng như ai đó đã nói “bên trong mỗi trí thức, mỗi công chức, mỗi văn nghệ sĩ… Việt Nam đều có một người nông dân”, nên khi hướng ngòi bút về nơi chôn rau cắt rốn của mình, các tác giả thường dành một tình cảm thật dồi dào, nồng nhiệt. Tập thơ tuyển không quá dày nhưng có tới dăm chục bài nói về quê hương hoặc thấp thoáng tình quê, hồn quê. Riêng cái nhan đề “Hồn quê” đã có tới ba bài trùng tên (“Hồn quê” của Lưu Công Dư, Trần Vạn và Nguyễn Viết Nhật). Nhưng cả ba bài đều không có sự trùng lặp về nội dung. Nói về hồn quê nhưng mỗi người một vẻ khác nhau. “Hồn quê” trong Lưu Công Dư là “bếp rạ một thời”, là “bến nước trong xanh”, là “hoa cỏ trắng trời”, là “cánh diều thả bóng”, là “mùi chiếc bánh đa mẹ mua ở chợ huyện”… Còn “Hồn quê” của Trần Vạn là “bóng đa vẫn đợi, nẻo đường đón đưa”, là gió “nồm nam kẽo kẹt đung đưa”, là “mái đình cong”, là “triền đê trăng sáng lời thề cỏ may”, là “cánh cò chấp chới”, là “thuyền câu buông khúc dân ca”, là “đàn trâu nhai nắng”… Hồn quê của Nguyễn Viết Nhật lại là một triết lí về cây hoa gạo cổ thụ - một loài hoa rất thân thiện của làng quê Việt với một ước mong “để cây gạo ngàn năm thắp lửa hồn quê”.

Một điều đáng quí là ta còn được gặp trong tập thơ những hình ảnh của quê hương miền núi. Đó là những miền quê “có làn điệu Sli, hát Then, hát Lượn mượt mà, thiết tha như gió núi, có cây đàn tính hộp tròn” cùng “những cô gái Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái, Mường, Sán Chí...” (Ôi quê hương! - Lê Thanh Giang). Đó là những miền quê mang đặc trưng riêng. Không phải là người nặng tình, nặng nghĩa với quê hương, thật khó viết nổi những câu thơ giầu suy cảm và thấm đẫm sắc màu văn hóa dân gian như thế này:

Mẹ về nghiêng dãy núi

Xuôi trầm tích dân gian

Con thác gầm cũng vội

Chiều quăn nếp nhà sàn

Em thêu đường bản sắc

Trong tấm khăn che đầu

Thêu tình người Tây Bắc

Mũi kim tròn bóng nhau!

(Lời ru Tây Bắc - Hà An)

Trên 200 bài thơ trong tập thì những bài thơ xuất sắc nhất chính là những bài thơ viết về tình cảm gia đình. Hình ảnh những người mẹ, người chị, người vợ… ở chủ đề này, đã giúp các tác giả thả tâm hồn vào một miền kí ức xa xôi của tuổi thơ đầy trong trẻo. Đúng vậy. Bài thơ “Bà ru cháu”, Đào Phúc Hữu đã cho ta chiêm ngưỡng một lời ru đẹp như cổ tích của người bà:

Bồng bềnh bên võng đẩy đưa

Bà ru cháu ngủ giấc trưa bóng tròn

À ơi cháu ngủ cho ngon

Bà ru bằng tấm lòng son của bà

Ru cho giàn mướp ra hoa

Su su sai quả, đàn gà lớn mau

Bà ru cho nở hoa cau

Cho chuối ra bắp, cho rau xanh vồng

(Bà ru cháu - Đào Phúc Hữu)

Tình cảm vợ chồng tuy không phải là chủ đề được các tác giả quá chú trọng trong tập thơ nhưng chỉ với một “sợi tóc buồn” của Ngô Huyền Thanh cũng đủ để làm ta bồi hồi, xao xuyến bởi tình cảm nồng đượm mà xót xa của một người vợ xa chồng:

Một Tết nữa rồi

Em vắng anh

Thêm bao sợi tóc buồn

Nhuốm bạc

Thương những nổi chìm man mác

Chân chim lạc nối đậm mờ

Đêm trở mình em chạm nửa vần thơ

Ngỡ bờ vai anh... trong tĩnh lặng

Trong tình cảm gia đình thì người mẹ bao giờ cũng là điểm sáng nhất. Tập thơ đã có không dưới mười bài viết về mẹ, thấp thoáng bóng hình mẹ. Điều đáng khen là cùng viết về mẹ nhưng không có sự trùng lặp. Mỗi tác giả có một hướng tiếp cận riêng.

Với tác giả Hồng Liên, dáng mẹ nhọc nhằn, lam lũ:

Mẹ ngồi bên cửa tần ngần

Đong đi đếm lại bao lần đói no

Rã rời cánh mỏi thân cò

Dẻo dai quẩy những âu lo cuộc đời

(Tìm mẹ trong khúc ca dao - Hồng Liên)

Với Lã Thị Thông thì hình bóng mẹ gắn liền cùng những hình ảnh mang phong vị đồng quê:

Mẹ về vội vã mưa chiều

Bỗng dưng lách tách lửa reo bếp hồng

Bỗng dưng nhớ vị nồng nồng

Hương thơm rơm rạ lúa đồng sân phơi

(Bỗng dưng - Lã Thị Thông)

Với Nguyễn Thúy Hòa, hình ảnh mẹ đã hóa thành những vần thơ lung linh như trăng rằm:

Mẹ thương cánh vạc đêm thâu

Mẹ thương con tép đi sau bà còng.

Thương người gánh bão gặt giông

Lời ru của mẹ ấm nồng nghĩa nhân

Lời ru mẹ hát xa xăm

Vào thơ thành ánh trăng rằm lung linh…

(Con viết thành thơ - Nguyễn Thúy Hòa)

* * *

Như đã nói ở trên, các tác giả của tập thơ đa phần là những người đã từng trải trong cuộc sống, nhiều người suốt cuộc đời cống hiến trong quân ngũ. Vì thế, những kí ức chiến tranh là một chủ đề không thể thiếu đối với những người lính cầm bút.

Tập thơ hiện diện khá nhiều bài thơ nói về chiến tranh bằng những hình ảnh khốc liệt, đầy máu và nước mắt. Nhưng ở tất cả các bài thơ trong tập ta không hề thấy một lời than vãn hoặc tư tưởng công thần. Các tác giả đã dành những trang thơ, vần thơ đẹp nhất cho những người bạn - những liệt sĩ đã nằm xuống ở chiến trường. Đó là những vần thơ lấp lánh trong một vẻ đẹp đau thương và quả cảm:

Tên đồng đội khắc vào lòng đất

Mũi dao găm khắc vội nụ cười

Nguệch ngoạc hàng chữ viết

Sống trở về, chết xin nhớ tìm tôi.

(Xin gửi Người trọn vẹn niềm tin - Nguyễn Hồng Quang)

Hoặc:

Và thân xác các Anh

Cứ tan dần trong mạch đất.

Chỉ có linh hồn

Vẫn sống mãi

Giữa lòng dân.

(Không thể lãng quên - Nguyễn Hoàng Sinh)

Trong chiến tranh chống Mỹ thì Quảng Trị đã trở thành một địa danh khốc liệt không ai được phép quên. Dòng Thạch Hãn, nơi hàng ngàn liệt sĩ đã chìm dưới đáy sông. Nhưng dưới ngòi bút của Hà Thanh, nỗi đau ấy không hề bị xóa nhòa nhưng đã được tác giả hình tượng hóa để trở thành nỗi buồn thanh sáng:

Em thả con thuyền

Xuống dòng sông nơi anh yên nghỉ

Con thuyền gấp bằng lá thư em viết dở

Khi nhận được tin anh…

Nước mắt làm nhòe con chữ

Biết anh còn đọc được chăng...

(Anh và dòng sông - Hà Thanh)

Có lẽ đây là một trong những khổ thơ cảm động và hay nhất của tập thơ.

Có một điều hơi lạ. Đa số các tác giả trong tập thơ đều đã luống tuổi, có người đã “xưa nay hiếm”, tưởng chừng như không còn thích hợp với các áng thơ về tình yêu. Vậy mà, suốt dọc tập thơ ta được gặp không ít những bài thơ, những câu thơ vô cùng tươi tắn về tình yêu lứa đôi.

Nói tình yêu tươi tắn chỉ là một cách nói, chứ thực ra tình yêu luôn chứa đầy nỗi đau. Nỗi đau chia li, nỗi đau khát vọng bất thành, nỗi đau mất mát… Mỗi bài thơ, mỗi câu thơ trong “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)” đã bộc lộ đầy đủ mọi tâm trạng tình yêu ấy. Một cơn mưa bất chợt xa xưa giữa rừng tưởng như để lứa đôi xích lại gần nhau, nhưng hóa ra chỉ là ảo tưởng. Để rồi:

Cơn mưa ngày ấy tạnh rồi

Hỏi người còn nhớ vòm trời cọ xanh

Người đi, đi mãi sao đành

Trông mưa, người ấy đã thành Vọng Phu.

(Bất chợt mưa - Dương Thi Thùa)

Một chiếc nón quai thao ước hẹn ngày nào:

Xưa kia đội nón quai thao

Chòng chành ai đã níu vào sợi tơ.

(Nhớ về chiếc nón ngày xưa - Hà Kim Chi)

Một điệu lượn đầy bâng khuâng, thương nhớ… nhưng cuối cùng chỉ là:

Vườn xưa vẫn đỏ hoa đào

Ngõ xưa lá rụng, cọi nào thấy đâu

Sương sa chợt lạnh mái đầu

Cọi về bên ấy làm dâu nhà người

(Mùa xuân nhớ cọi ta về - Hà Nhân Quận)

Nhưng chính từ những vị đắng tình yêu ấy tập thơ đã xuất hiện những bài thơ, những câu thơ lay động tâm can con người:

Ta mời nhau chén rượu này

Chén tình, chén nghĩa, chén đầy, chén vơi

Mời nhau cả những nụ cười

Cho hồng đôi má, cho tươi đôi mày

Bàn tay tìm đến bàn tay

Khát khao nuối tiếc những ngày xa xăm

Ước gì mãi buổi trăng rằm

Cho ta rót cả ánh trăng mời người.

(Rót trăng - Lê Mai)

Hoặc đưa đến cho ta những tâm trạng thổn thức, bơ vơ cùng tác giả:

Tiếng con chim gáy bồn chồn

Ngóng ngơ bạn cũ như mòn tháng năm

À ơi, một nửa xa xăm...

Ru vàng con sóng chiều giăng kín bờ

Tưởng em mùa hạ vẫn chờ

Làm vương sợi tóc dại khờ đã lâu.

(Nửa chiều bến sông cũ - Ngô Thúy Hà)

Hoặc khắc vào lòng người một nỗi oán giận vu vơ những đau đớn khôn nguôi:

Có được gần nhau đâu

Gọi là người tình đã sai

Câu nhớ thương cũng nghẹn

Lá cọ có đôi

Mình em lẻ bạn

Cọ xanh cho trời

Em xanh cho ai?

(Cọ - Võ Hằng)

Về thi pháp, hầu hết các tác giả đều dừng lại ở lối viết truyền thống. Nói vậy, không phải là sự cổ xúy cho lối viết thơ hiện đại. Tuy nhiên, với bất cứ cách nào thì sự diễn giải, kể lể dài dòng, cụ thể, thô sơ, dễ dãi cũng không chiếm được cảm tình của độc giả.

Là một tập hợp của hàng trăm tác giả không chuyên trong tỉnh, nhưng khách quan mà nói “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)” chưa phải là một tác phẩm xuất sắc. Nhưng đây đó rải rác trong tập thơ ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những bài thơ hay và cảm động. Người xưa thường nói, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa. Nếu ta đọc tập thơ bằng tình cảm của một người trong cuộc thì hoàn toàn có thể đưa ra một nhận định: Ở mức độ nào đó, “Thơ muôn nhà - Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2010 - 2020)” là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhất định.

Hoài Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy