Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:31 (GMT +7)

Môn phụ

VNTN - Tan tầm, chờ đón con ở cổng trường cấp 2, mấy ông bố, bà mẹ tranh thủ giết thời gian bằng dăm ba câu chuyện vô thưởng vô phạt. Một cậu bé hớn hở từ sân trường chạy ra, chỉ kịp mỉm cười chào người lớn rồi líu ríu khoe ngay với bố:

- Đầu năm, cô giáo cho xung phong lên bảng lấy điểm miệng, trong một ngày mà con kiếm ngay hai “con” 9 bố ạ!

Người đàn ông cười khà khà, hài lòng với con trai và hãnh diện trước những người bạn mới quen biết:

-Ừ, khá, đánh nhanh thắng nhanh, thế được 9 môn gì?

-Một con 9 Văn, một con 9 Công nghệ ạ!

Ông bố mở cốp xe ga cất ba lô cho con, vẫn cười, nhưng điệu cười bớt rạng rỡ hơn thì phải:

-Ôi giời, ai tính môn Công nghệ. Đấy là môn phụ, học cho có thôi, điểm cao bố không thưởng, điểm thấp cũng chiếu cố. Có ai thi Đại học môn Công nghệ đâu con. Mai cố kiếm con 9 Toán hay Anh nhé!

Hai bố con đèo nhau ra về. Những ông, bà, bố, mẹ khác cũng tản ra xung quanh để tìm con trong đám học sinh mặc đồng phục giống hệt nhau đang ùa ra như ong vỡ tổ.

Đúng lúc con tôi tới và giục mẹ về nhà. Chẳng kịp hỏi tình hình ở lớp của con hôm nay như thế nào tôi lên xe và đi như một lập trình định sẵn. Trên đường về đầu óc cứ mông lung nghĩ về ông bố, về điểm 9 Công nghệ của cậu bé lớp 7 và về những môn “phụ” mà tôi cũng từng rất xem thường thời còn đi học.

Ngày trước, môn Công nghệ được tách thành hai môn: Kỹ thuật công nghiệp và Kỹ thuật nông nghiệp (học sinh vẫn gọi tắt là Kỹ công và Kỹ nông). Kỹ công học về cách lắp điện, vẽ máy, làm đồ thủ công… Kỹ nông học muối dưa cà, ghép cây, chăm sóc gia cầm, gia súc… Chẳng ai bảo ai, mọi người đều chung suy nghĩ, đó là hai trong những môn phụ nhất, không cần đầu tư nhất. Giờ Kỹ thuật, học sinh coi là 45 phút xả hơi, học hành láng cháng, thầy cô biết “vị thế” môn học của mình nên cũng không yêu cầu cao. Ngày lễ tết, chắc chẳng có học trò nào đến chúc mừng cô giáo dạy Kỹ thuật. Dường như, ai nấy đều cho rằng, chuyện điện đóm, máy móc, khâu vá, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi… là những thứ tầm thường, học lỏm lẫn nhau là xong. Muốn có tương lai rộng mở thì phải môn “chính” hàn lâm, sang trọng như Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh... Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng trong các cửa hàng sách, những tài liệu hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt thường phủ đầy bụi. Khi gặp sự cố, thay bằng việc nghiên cứu sách kỹ thuật, người ta chạy đi hỏi nhau hay lên mạng hô hào: “Các bác ơi, làm thế nào…?”

Câu chuyện về số phận môn Công nghệ trong trường phổ thông là minh chứng cho lối học chỉ phục vụ mục đích thi cử, cho tư duy nông nghiệp thích kinh nghiệm truyền tai mà coi thường lý thuyết khoa học. Chúng ta xếp Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp vào hàng bét nhất trong các môn học, trong khi, đối với quốc gia tiên tiến, đó mới chính là sức mạnh nâng cánh cho nền kinh tế. Chúng ta xui con em mình bỏ qua Công nghệ để tập trung cho những môn chính, trong khi, đối với mỗi con người, đó chính là kỹ năng sống cơ bản…

Mải suy nghĩ đã về đến nhà tự bao giờ. Chủ nhật tuần sau ở kỳ họp phụ huynh tôi sẽ có ý kiến về việc các gia đình bỏ tiền cho con đến các trung tâm luyện kỹ năng để học…đi trên thủy tinh. Tại sao các ông bố bà mẹ không giở sách Công nghệ, dạy con muối dưa cà, lắp mạch điện?

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước