Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
19:33 (GMT +7)

“Mỗi nhà báo phải là một tổng biên tập với tác phẩm của mình …”

Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017)

(Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trả lời phỏng vấn của Báo Văn nghệ Thái Nguyên)

Theo ông, điều khiến những người làm báo Thái Nguyên đáng tự hào nhất, là gì?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Báo chí Thái Nguyên trưởng thành trên cái nôi của truyền thống cách mạng- ATK thủ đô kháng chiến và cũng là cội nguồn của nền báo chí Việt Nam. Từ sự kiện lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, ở xóm Bờ Rạ, huyện Đại Từ; đến Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam, tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (21/4/1950)… Chính những truyền thống ấy đã tiếp lửa cho đội ngũ làm báo Thái Nguyên phát triển một cách nhanh, mạnh và vững chắc. Có thể tự hào mà nói rằng, các cơ quan báo chí của Thái Nguyên đã nỗ lực phát huy vai trò của mình một cách hiệu quả. Báo Thái Nguyên thì xuất bản hàng ngày; Đài Phát thanh - Truyền hình thì phát trên 2 kênh vệ tinh với nhiều kênh chương trình; Báo Văn nghệ Thái Nguyên thì là tờ báo văn nghệ địa phương thứ ba cùng với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xuất bản hàng tuần. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin của tỉnh, rồi các Đài truyền thanh cấp huyện cũng hoạt động hết sức hiệu quả… Đó là niềm tự hào, là động lực, đồng thời cũng là trách nhiệm để những người làm báo Thái Nguyên cùng phấn đấu xây dựng một nền báo chí chân chính.

Vậy, theo ông, báo chí Thái Nguyên đứng ở đâu trong dòng chảy báo chí cả nước?

 

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Theo đánh giá của Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, trong vòng mấy năm lại đây, báo chí cả nước phát triển vô cùng nhanh, mạnh. Và tôi nghĩ, báo chí Thái Nguyên cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. So với các tỉnh trong cả nước, mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng báo chí Thái Nguyên đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống báo chí. Trong khu vực các tỉnh miền núi phía bắc, thì Thái Nguyên là tỉnh có hệ thống các cơ quan báo chí truyền thông phát triển rất mạnh. So với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền Trung Tây Nguyên thì cũng không kém cạnh gì. Điều đó cũng là dễ hiểu, vì tỉnh Thái Nguyên cũng đang trên đà phát triển, thì báo chí Thái Nguyên cũng không thể không phát triển. Đó là ưu thế của chúng ta.

Còn về hạn chế, theo tôi cũng có. Đội ngũ của chúng ta đang đông lên, nhưng chưa hẳn đã là mạnh. Sự đắm đuối với nghề, trăn trở với nghề, đôi khi còn chưa được khích lệ. Vẫn còn có cá nhân chưa thực sự chỉn chu với nghề. Cũng mừng là Thái Nguyên chưa hề có trường hợp nào bị xử lí vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng nếu mỗi cá nhân không thực sự nghiêm khắc với bản thân, rèn luyện bản lĩnh nhà báo thì rất dễ sa vào khuyết điểm.

Ông có suy nghĩ gì về những thách thức của các nhà báo trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay? Và để vượt qua nó, phải bắt đầu từ đâu?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Trong thời buổi người người làm báo và mạng xã hội đang phát triển rầm rộ như hiện nay thì rõ ràng các nhà báo đang gặp phải rất nhiều thách thức. Đó là có khả năng mất trận địa thông tin. Thực tế đã cho thấy, có những sự kiện, các báo chính thống còn chưa kịp tác nghiệp thì trên các trang mạng xã hội đã ngập tràn. Để giải quyết được vấn đề này, mỗi nhà báo phải tạo cho mình một bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, để lựa chọn vấn đề, chắt lọc thông tin; đồng thời về phía tòa soạn cũng phải mạnh dạn trao quyền cho các nhà báo, với những sự kiện nào, với những thông tin nào, phóng viên có thể tự kiểm duyệt, đăng tải ngay trên các trang báo điện tử, đảm bảo tính nhanh nhạy. Nhưng, để làm được điều này, đòi hỏi mỗi nhà báo phải như là một tổng biên tập trong từng tác phẩm, sản phẩm thông tin, báo chí của mình, tức là phải khắt khe, tự kiểm duyệt, phải đảm bảo hoạt động báo chí của mình là đúng và kịp thời. Muốn vậy thì bản thân mỗi nhà báo phải tự nâng mình lên về trình độ chính chị, chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh của một nhà báo chân chính.

Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực về mọi mặt để phấn đấu thành trung tâm vùng Đông Bắc, với báo chí cái đích này có xa quá không, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Tôi nghĩ là không quá xa so với thực lực hiện tại của chúng ta, khi mà đội ngũ này được khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của các nhà báo trên từng cương vị khác nhau. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã và đang nỗ lực  đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình báo chí, phục vụ nhu cầu của công chúng, từ các loại hình báo chí truyền thống đến tích hợp đa phương tiện truyền thông. Từ những cơ sở đó, cộng thêm sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực, đam mê của các nhà báo, tôi hy vọng và tin rằng, báo chí Thái Nguyên sẽ xứng đáng với vị thế trung tâm vùng, trong tương lai không xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian giới thiệu báo chí Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc tại Hội báo toàn quốc năm 2017

Và cuối cùng, xin ông một lời đánh giá về đội ngũ của mình, cùng một chút chia sẻ những dự định của Hội Nhà báo tỉnh trong thời gian tới?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên rất có tiềm năng. Với các thế hệ đàn anh trong mấy chục năm qua đã đem lại nhiều vẻ vang cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà và chúng tôi mong muốn, lửa nghề đó vẫn tiếp tục được truyền đến các thế hệ bây giờ và cả sau này. Thế hệ bây giờ cũng đang kế thừa điều đó, rất nỗ lực trong chuyên môn, đã có những giải thưởng tầm quốc gia được trao các tác giả Thu Hiền, Mạnh Nghịnh, Phan Lê Tùng… (Đài PTTH); Minh Hằng, Vi Thu Lan, Phạm Ngọc Chuẩn… (Báo Thái Nguyên).

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, chúng ta đang phát triển rất nhanh, nhưng chưa mạnh, chưa ổn định, cụ thể là các giải thưởng năm có năm không. Trong số hơn hai trăm hội viên Hội Nhà báo thì số có “thương hiệu”, sống tốt bằng nghề chưa thực sự nhiều. Đó là điều mỗi chúng ta phải nhìn nhận và có kế hoạch vượt qua để phù hợp với yêu cầu của xã hội trong tương lai: một nền báo chí tự hạch toán.

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ trên hai lĩnh vực đạo đức và nghiệp vụ. Cùng với các cơ quan báo chí triển khai thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua tập huấn, thực tế, trao đổi…, đó là những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Hội. Cũng xin nói thêm rằng, cùng với cả nước, Thái Nguyên đã thành lập Hội đồng xử lí những vi phạm của người làm báo, chúng tôi hi vọng Hội đồng này không có việc làm.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Nhà báo tỉnh và 92 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin thay mặt Hội Nhà báo tỉnh chúc các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh và các hội viên, những người làm báo luôn vững vàng, tự tin trên mặt trận thông tin báo chí hiện nay, xứng đáng với truyền thống được lớn lên và trưởng thành nơi cội nguồn giàu truyền thống cách mạng.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thu Huyền (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy