Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
18:08 (GMT +7)

Minh bạch, đúng luật và nhân văn!

VNTN - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã đi đến chặng cuối cùng với việc công bố điểm thi của các thí sinh và điểm sàn, chuẩn xét tuyển của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp theo chủ trương của Bộ Giáo dục Đào tạo đúng tinh thần khách quan, minh bạch. Sau những bàn luận về đề thi, xã hội lại xôn xao với kết quả chấm: Sở này cao, Sở kia thấp, vùng này đích thị đất học, vùng kia “đội sổ”, “dốt bền”… Câu hỏi “có nên công khai điểm thi của thí sinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng?” đã được đặt ra từ rất lâu với nhiều ý kiến trái chiều. Điểm thi cá nhân, ở góc độ nhất định là thông tin riêng tư, sẽ không còn là riêng tư, bởi với tinh thần công khai minh bạch, chỉ cần những dữ liệu đơn giản, ai cũng có thể dễ dàng tra cứu và tự do công bố. Ở góc độ khác, có thể thấy, chủ trương công khai mang những tác động tích cực. Tháng 7 năm 2018, chính nhờ công bố rộng rãi kết quả thi, những bất thường bắt đầu lộ diện khi mà những “cậu ấm cô chiêu” vốn sức học rất bình thường bỗng chiếm vị trí dẫn đầu trong bảng vàng trúng tuyển. Bên cạnh đó là sự bất thường khi một số tỉnh, đơn vị có thí sinh điểm cao với số lượng áp đảo, đẩy tất cả các địa phương còn lại về phía sau. Đây là ngòi lửa làm bùng nên cuộc chiến với gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia, phanh phui đại án của lịch sử giáo dục. Nhìn sang thế giới, chủ trương này được ghi nhận ở nhiều quốc gia, kể cả những nước có nền giáo dục tiến bộ và yếu tố tôn trọng quyền riêng tư được đề cao. Đức, Anh, Nga, Trung Quốc đều công khai điểm thi của thí sinh dưới nhiều hình thức. Ở Mĩ, điểm thi thường được gửi về hòm thư cá nhân của thí sinh. Trong trường hợp công khai kết quả, cơ quan tổ chức thi sẽ giấu danh tính. Ngoài ra, trường trung học, học khu hoặc chính quyền bang cũng có thể tra điểm của thí sinh thông qua Internet. Gác lại câu hỏi “Có nên công khai điểm thi?”, điều cần phải bàn đến là thời điểm, mức độ, cách thức công khai, cũng như vai trò đặc biệt của các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát quá trình công bố. Thông thường, chỉ 2, 3 ngày sau khi bắt đầu chấm thi, nhiều trang báo điện tử đã đưa tin Sở này mưa điểm 9, Sở kia ít điểm cao, xuất hiện bài thi Ngữ Văn kiệt xuất… Xét thấy, đây là những nguồn tin cần kiểm soát. Bởi chấm thi là một quá trình chặt chẽ với nhiều vòng độc lập, khó có thể công bố kết quả theo kiểu “cuốn chiếu” sau mỗi buổi chấm thi. Đăng tin “hú họa” kiểu này cũng dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý đội ngũ giáo viên chấm thi môn tự luận (Ngữ Văn) - vốn đã nhiều cảm tính. Từ góc độ văn hóa, xã hội, mặt trái của việc công khai điểm thi của mỗi thí sinh, công khai bảng so sánh tỉnh này với tỉnh khác tạo ra những tổn thương, áp lực cho mỗi cá nhân, gia đình, sự định kiến vùng miền, cuộc tranh đua thành tích giữa các tập thể. Trong các tác phẩm về đề tài Nho học đầu thế kỷ XX, người ta đã miêu tả nỗi ê chề, tủi hổ của “anh khóa hỏng thi” ngày yết bảng. Về sau, trong hầu hết các kỳ thi, kết quả cuối cùng vẫn được niêm yết công khai trên bản tin nhà trường, nơi chứng kiến những khóc cười, vinh nhục của sĩ tử. Thời đại 4.0, mạng xã hội chính là nơi “yết bảng” với lợi thế đặc biệt về tốc độ lan truyền, những bình luận, ném đá công khai và vô vàn thông tin ảo. Minh chứng là, chỉ một tuần sau ngày 14/7 - ngày công bố điểm thi, trên mạng nhan nhản hình ảnh về một “Thủ khoa Toán suýt liệt môn Vật Lý”, “Thủ khoa khối A được 1 điểm Tiếng Anh”, thí sinh X, Y, Z trường Chuyên với điểm thi “be bét”... Thậm chí, không ít đơn vị lợi dụng bảng điểm của thí sinh để quảng cáo trục lợi, như một trung tâm Đào tạo ngoại ngữ ở Thái Nguyên lấy bảng điểm của thí sinh được 1.4 điểm tiếng Anh để chiêu sinh, quảng cáo. Bức xúc trước những tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018, ngay sau khi có bảng thống kê kết quả của các Sở Giáo dục trong kỳ thi 2019, một loạt bài biết đăng tin về thành tích mới của các địa phương này với giọng điệu mỉa mai, hả hê, gây tổn thương cho cả cộng đồng, nơi 99%, thí sinh và những người dân không hề có lỗi. Và như vậy, dù việc công khai điểm thi có thể gây tranh cãi, song có một điều là, bất cứ luật nào, nền văn hóa nào, cũng nên quy định: Nghiêm cấm dùng thông tin quốc gia, cụ thể là điểm thi, hình ảnh thí sinh vào mục đích trục lợi hay vùi dập, làm nhục người khác. Đó là chính biểu hiện của một nền giáo dục nhân văn và tiến bộ.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 12 giờ trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước