
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN - Những năm gần đây, “miền quê đáng sống” là cụm từ đi kèm khá quen thuộc khi nói đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc tạo nên những không gian nông thôn đáng sống, theo các chuyên gia nhận định, là một trong những giải pháp quan trọng đối với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, góp phần vào thành công của Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt của miền quê đáng sống hiển lộ qua những con đường bê tông sạch đẹp nối liền các xóm làng; những “đường hoa phụ nữ” rực rỡ sắc màu; các công trình Nhà văn hóa, sân vận động thể thao phục vụ đời sống tinh thần của người dân,… Rất nhiều vùng quê đã biết khơi dậy tiềm năng, liên kết cùng phát triển du lịch. ở đó, không gian nông thôn thuần phác với khí hậu trong lành, cảnh sắc hoang sơ tươi đẹp, người dân thật thà,… là những yếu tố hấp dẫn để xây dựng thương hiệu du lịch địa phương. Không gian ấy không chỉ nổi bật các cảnh quan sinh thái, mà còn có bản sắc văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán được truyền tải, từ kiến trúc nhà ở, trang phục, các công việc nhà nông như xay thóc, giã gạo, cày cấy, làm đồ mỹ nghệ, ẩm thực trong cuộc sống thường ngày,… được nhiều du khách cả trong và ngoài nước thích thú khám phá.
Phong trào xây dựng miền quê đáng sống đã được lan tỏa rộng rãi khắp cả nước bằng nhiều cách làm khác nhau. Ví như “Đường hoa phụ nữ” nổi tiếng ở Hải Quang (Hải Hậu, Nam Định) được những người phụ nữ nơi đây chăm chút trong suốt nhiều năm. Chỉ tính riêng trong xã Hải Quang, đã có trên dưới 20km hoa mười giờ phủ kín khắp đường làng ngõ xóm. Từ phong trào ở một xã, con đường hoa ấy đã truyền cảm hứng để các địa phương khác trong toàn huyện tiếp tục nối dài, lên đến hơn 200km trên khắp các ngả đường làng quê. Hay như mô hình “Hòm tiết kiệm” xây dựng nông thôn mới ở các hộ gia đình xóm Bãi Hội (xã Bảo Cường, Định Hóa, Thái Nguyên). Gần 70 hộ dân, trung bình mỗi tháng xóm thu được nguồn quỹ tiết kiệm từ 8 - 10 triệu đồng. Nguồn quỹ này được Ban Phát triển xóm quản lý bằng cách mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, tổ chức họp bàn và xin ý kiến người dân được sử dụng vào nhiều phần việc khác nhau, trong đó đặc biệt ưu tiên để đối ứng cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng của xóm như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, cổng làng, bãi tập kết rác thải…
Quy hoạch, xây dựng cảnh quan nông thôn ngày càng đẹp và hiện đại, theo lý thì đó là điều đáng mừng. Song như một mối quan hệ biện chứng, mừng luôn đi kèm với lo và ngược lại. Theo nhận định của giới kiến trúc, thì việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nước ta giai đoạn vừa qua chủ yếu mới tập trung vào 3 vấn đề chính là: quy hoạch xây dựng, sản xuất và sử dụng đất. Trong khi đó, những nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan nông thôn ít được đề cập. Chúng ta chỉ mới thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch đối với khu vực xây dựng có dự án (chủ yếu đối với xây dựng công trình công cộng); không có hướng dẫn, định hướng cho kiến trúc trong xây dựng nhà ở và công trình công cộng; việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị chưa được quan tâm,... dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn.
Không thể phủ nhận rằng, xây dựng nông thôn mới tạo ra sự chuyển biến rõ rệt bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, không ít địa phương gần như “hô biến” toàn bộ hạ tầng nông thôn. Sự gia tăng hoạt động xây dựng trong cơn “say” bê tông hóa, đô thị hóa, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu tổ chức không gian làng xã truyền thống, môi trường ô nhiễm, kiến trúc cảnh quan nông thôn cũng bị xáo trộn. Điều này ít nhiều đã tác động và làm thay đổi tập quán, lối sống của người dân vùng nông thôn.
Cảnh quan nông thôn, vốn xưa chí nay luôn tồn tại như một bức tranh nhiều màu sắc, vừa tự nhiên lại vừa như có sự sắp đặt của tạo hóa. Phong vị nông thôn tạo nên từ đất đai, sông suối, ruộng vườn, cây cối, đường sá, vật nuôi,… thậm chí là từ những làn khói lam chiều, hay ngọn đèn dầu lấp ló sau hàng rào cây râm bụt… Xây dựng nông thôn mới là làm cho nông thôn trở nên văn minh, giàu đẹp. Nhưng làm thế nào để không mất đi nét văn hóa, kiến trúc đặc trưng của làng quê truyền thống, là điều đáng nghĩ, đáng bàn.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...