Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:33 (GMT +7)

Miền quả ngọt

VNTN - Có một vùng đất xa trung tâm phố thị, nhưng được nhiều người trong, ngoài tỉnh biết đến, bởi sản phẩm quả tươi và mật ong rừng. Nơi đó, xóm Khe Đù và xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), vùng đất có những sản vật ngon ngọt và những chủ nhân sống vô tư, hồn hậu, giàu lòng mến khách.


Lên “hoa quả sơn”

Xóm Khe Đù, vùng đồi đất xa khuất của xã Phúc Thuận, chủ nhân của vùng đất này chủ yếu là người xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên di cư lên từ những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Bằng công sức lao động, các thế hệ người Khe Đù đã làm nên một “hoa quả sơn” bốn mùa cho quả ngọt.

Đang những ngày xuân, khắp nương đồi bưởi, cam, quất, quýt đầy lộc, hoa đơm nở, chim chuyền cành hót ríu ran, vườn chuối tiêu hồng khoe buồng. Đi giữa miền đất của quả, hoa, thỏa sức ngắm nhìn cảnh vật, thiên nhiên và gặp những chủ nhân vườn đồi sống chân chất, hồn hậu mà thấy lòng nhẹ nhõm, khoan khoái.

Bên ấm trà thoảng thơm dư vị mang đầy nắng, mưa của gió rừng Tam Đảo, ông Nguyễn Viết Thể, cư dân của xóm Khe Đù lặng lẽ hoài nhớ về một thuở vỡ đất, lập làng: Bấy giờ (1975), cụ Nguyễn Viết Lái cùng một số bà con thân cận ở Hàm Tử, khăn gói quả mướp lên đây mở đất lập làng. Những ngày đầu họ sống trong lán mái tạm bợ, sắn khoai qua bữa và quật sức phát cây, đốt dọn bãi để trồng sắn, tra mố, trồng dong riềng. Cùng thời gian, vùng đất dần ấm áp hơn bởi công sức con người.

Có mặt ở đó, ông Bản nhấp chén trà, nhìn ra khu vườn cây ăn quả trước nhà vừa độ rộ hoa, bảo: Biến cải vùng đất đầy cây dại này thành vùng trồng cây ăn quả như hôm nay, người dân Khe Đù phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Nhớ nhất là dạo đói, rét trong suốt những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, củ sắn, củ dong riềng là lương thực chính của người dân Khe Đù. Nhưng giữa khó khăn, cây nhãn lồng mang lên từ Hưng Yên vẫn tốt tươi, đợi con tu hú kêu thì cho quả ngọt.

Vốn gốc rễ có nghề trồng cây ăn quả, nên cư dân ở Khe Đù sinh ra đã mê mết với các loại cây cho quả, cho hoa. Nên cả lúc đời sống kinh tế khó khăn nhất, mọi người vẫn lặng lẽ trồng các loại cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều và nhãn được mang giống từ Hưng Yên lên. Cứ nhà sau trồng cây lấy quả theo nhà trước, dần thành vườn bãi, đến khoảng năm 1990 thì Khe Đù đã trở thành một “hoa quả sơn” của quê hương Phổ Yên. Hằng năm, độ cữ từ tháng 5 đến tháng 8, tư thương vào mua cả vườn, chẳng mặc cả một câu, vì quả nhãn, quả vải ở vùng đất này ngọt sắc, dễ ăn hơn các vùng khác. Song, cây ăn quả cũng có lúc rớt giá thê thảm, chuyện áo cơm của người dân Khe Đù trở nên lận đận, bà con phải hò nhau chặt bỏ cây vải, cây nhãn để lấy đất trồng chè và các loại cây lương thực. Ông Nguyễn Viết Long cho biết: Cũng vì cuộc sống khó khăn, năm 2000, nhiều bà con Khe Đù rủ nhau lên vùng đất Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (Sơn La) mở đất làm kinh tế. Được ít năm lại bỏ đất Chiềng Khừa, rủ nhau về Khe Đù, lựa chọn cây ăn quả làm cây kinh tế mũi nhọn.

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn, ông Long chia sẻ: Từ 10 năm gần đây, vùng đất Khe Đù mới thật sự là quê hương của nhiều loại cây ăn quả… Vừa nghe ông Long kể chuyện, chúng tôi vừa ngắm nhìn những vườn đồi xanh ngát, đầy sức sống của các loại cây ăn quả. Ông Long giải thích: Mỗi giống cây ăn quả lại có nhiều loại khác nhau. Như bưởi, có: bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch, bưởi Da xanh, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng; cam có: Cam Vinh, cam Đường Canh; chuối có: chuối Tiêu, chuối Tây, chuối Lá, chuối Ngự, chuối Hột và chuối Tiêu hồng… Giống cây ăn quả các loại chủ yếu lấy ở Hưng Yên; Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và Viện Giống Trung ương. Từ đa canh các loại cây ăn quả, nên trong năm, người Khe Đù thường xuyên có thu nhập từ vườn quả của mình.

Từ trồng cây ăn quả, vợ chồng ông Nguyễn Viết Long và người dân xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã có cuộc sống sung túc.

Nhờ chuyên tâm tới trồng cây ăn quả, người dân xóm Khe Đù nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, ghép mắt cho những cây trong vườn nhà ra cành, đậu quả theo ý muốn. Hiện xóm có hơn 100 hộ, gần 400 nhân khẩu, gia đình nào cũng có người biết ghép mắt cây. Ông Nguyễn Đình Sáng, một nông dân có đôi bàn tay khéo léo ở Khe Đù. Ông có thể ghép được nhiều loại cây khác nhau trên một thân gốc. Từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn so với trước đó. Ông Sáng tâm đắc: Ví như 1 gốc bưởi ta, nếu để quả sẽ có giá bán từ 5 đến 10.000 đồng/quả. Nhưng khi được ghép mắt bưởi Diễn, hoặc bưởi Da xanh lên thân gốc, thì cây bưởi đó có giá trị kinh tế cao hơn ít nhất là 10 lần.

Chuyện làm vườn, ông Nguyễn Hữu Khán, người có kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở Khe Đù cho biết: “Hiện gia đình tôi có 300 gốc nhãn, 340 gốc cam Vinh và cam Đường Canh, 900 gốc bưởi, từ 3 năm gần đây, tôi thu hoạch được hơn 400 triệu đồng/năm”. Ông Khán dừng lời, xăm xắn đưa chúng tôi lên đồi thăm vườn cây ăn quả. Vừa sau Tết Nguyên đán, những cây trong vườn đang giai đoạn… hồi phục, nên được chăm bón thêm các loại phân vô cơ, phân hữu cơ để cây có sức đơm lộc, nảy hoa, đậu quả đợi mùa thu hoạch tới. Nhìn đàn ong tất bật với nhụy phấn hoa, ông khiêm tốn bảo: Ở Khe Đù, người dân thường giúp đỡ nhau bằng cách cho cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và đầu ra cho sản phẩm. Về thu nhập, hộ đạt mức 400 triệu đồng/năm như gia đình tôi thì chiếm phổ biến ở xóm. Còn các hộ đạt thu nhập cao từ trồng cây ăn quả, phải kể đến gia đình ông Nguyễn Viết Quỳnh và Nguyễn Văn Quế… đạt gần 500 triệu đồng/hộ/năm. Còn cả Khe Đù cộng lại, chắc chắn có hơn 10 tỷ đồng từ bán quả và cây giống/năm.

Vào rừng gặp “vua mật”

Từ trục đường 261 đến nhà “vua mật” Nguyễn Văn Ký, 50 tuổi, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận chúng tôi phải đi qua một khoảng rừng đầy dốc. Thấy dọc bên đường keo tai tượng khép tán xanh rờn, có đàn ong vo ve tìm mật giữa mùi hương rừng hăng hắc. Để tôi không băn khoăn,  ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã giải thích: Sở dĩ ông Ký có tên là “vua mật”, cũng bởi bà con trong vùng gọi thân thiện, lâu dần thành quen.

Ông Nguyễn Văn Ký, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) phổ biến kinh nghiệm nuôi ong mật với các hộ nuôi ong trong xã.

Câu chuyện vui làm đoạn đường đến nhà “vua mật” như được rút ngắn lại. Đó là một ngôi nhà xây bình dị, song bên trong được trang bị đầy đủ tiện nghi, kể từ máy phát điện, ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước… Đất đai rộng rãi, bốn bề là rừng cây, nhưng ngôi nhà chưa bao giờ hoang vắng, quanh năm có bạn hữu tới thăm và tư thương dập dìu đến mua mật.

Dù mới gặp lần đầu, nhưng “vua mật” xởi lởi, thân thiện. Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng sự thất bại của mình: Nhớ hồi đó (1994), 1 lần đi rừng, tôi bắt được đàn ong mang về nuôi lấy mật. Sau ít tháng, mở tổ lấy mật, lòng mừng khấp khởi. Thấy việc nuôi ong nhàn nhã, chẳng mất nhiều công chăm nom, lại có mật sử dụng thường xuyên nên tôi đi mua thêm 3 đàn ong nữa về nuôi. Rồi tự nhân đàn, với nghĩ suy - nghề nuôi ong sẽ mang lại cho mình sự giàu có. Nhưng đến cuối năm, những đàn ong đã bốc tổ, bỏ đi, dưới từng gốc cây chỉ còn trơ lại những thùng ong rỗng.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Ký thở dài.

Chợt ngoài ngõ có tiếng người í ới hỏi thăm, đó là một đầu mối ở T.P Thái Nguyên tìm đến mua mật ong. Trong lúc ông Ký bận rộn với việc… đếm tiền, tôi thả bộ bước trên khoảng sân nhà, tận hưởng không khí trong lành mang đầy hương hoa rừng đầu xuân. Lòng cảm phục người điền chủ vừa tuổi “tri thiên mệnh” mà đã gầy dựng được một sản nghiệp mà trong đời, không phải ai cũng dám mơ tới.

Nông dân chúng tôi chỉ có đôi bàn tay và đức tính cần cù thôi. - Ông đến cạnh tôi từ khi nào chẳng hay. Bằng cách vào chuyện mộc mạc, rất duyên, ông đã không làm tôi giật mình. Ông khoát một vòng tay ra bốn phía, bảo: Tất cả những vạt đồi có màu xanh kia là rừng của gia đình tôi. 10 ha tất cả (trong đó có 1 ha cha mẹ cho, 9 ha mua thêm)… Nói xong, ông đưa tôi đi thăm từng vạt rừng keo tai tượng gần chục năm tuổi, cây sắp hàng thẳng tắp, đều chằn chặn, thân to như cái phích đựng nước sôi, vươn cao hứng nắng và trổ hoa cho đàn ong làm mật.

Nhìn bầy ong cần cù tìm hương rừng, ông Ký tự hào: Nhìn đường bay của con ong, tôi biết chúng ở tổ nào, từ đâu bay đến… Vậy là chuyện nuôi ong ông dành cho tôi lại chảy tràn như mạch ngầm con suối mùa mưa. Ông mộc mạc, nói: Để con ong nó nuôi mình, thì mình phải hiểu biết về nó mà chăm nuôi, nó mới không bỏ mình mà đi. Còn kiến thức về ong, sách vở dạy tôi, con ong nó dạy tôi.

Ông dừng lời giây lát, mắt chăm chắm nhìn con ong đang rúc đầu vào một đài hoa, rồi tiếp tục câu chuyện: Khi làm bạn với đàn ong, tôi đã thất bại vì chẳng biết gì về ong. Tiếc lắm, đêm nằm chẳng ngủ được, nên cơm nắm muối vừng, còng cọc đạp cái xe Thống Nhất về quê ở Hưng Yên, tìm đến nhà những người nuôi ong giỏi để “tầm sư học đạo”.

Sau hơn mười ngày, ông Ký thấy tự tin, cầm chắc nghề nuôi ong sẽ mang lại cho mình sự no đủ. Ông quyết định mua chịu 60 đàn ong của ông Nguyễn Văn Tiến, thày dạy nuôi ong. Rồi năn nỉ mời ông Tiến về vùng đồi rừng Phúc Thuận, giúp khảo sát, tư vấn hướng đặt thùng ong. Ông cho biết: Đó là mùa xuân năm 1996, lúc tiết trời trở nên ấm áp, mưa xuân dịu nhẹ, cây nẩy lộc, đơm hoa, thức ăn dành cho ong nhiều vô số. Năm đó, tôi thu hoạch được hơn 400 lít mật ong. Mật quay xong, có bao nhiêu, bà con trong vùng đến mua hết. Thấy nhu cầu sử dụng mật ong trong nhân dân cao, tôi tiếp tục nhân chúa, bán đàn cho bà con trong vùng cùng nuôi, còn gia đình tôi hằng năm duy trì ổn định 200 đàn lấy mật.

Ông Ký nở nụ cười tươi tắn, bảo: Mới đó đã hơn 20 năm chung sống với con ong, vì thế tôi tỏ tận đường đi, lối về của ong. Mỗi ngày, nghe tiếng ong vỗ cánh ve ve, tôi biết chúng đang cần gì để có thể giúp chúng. Như vào kỳ khai thác mật, về nhu cầu ong cần phân đàn, hoặc độ rét đậm, rét hại, ong cần được giữ ấm và bổ sung thức ăn. Gặp ong quỷ, loại ong chuyên ăn thịt ong mật, tôi phải theo dõi cả tuần, có khi phải đi qua mấy khoảng rừng mới phát hiện được tổ ong quỷ ở đâu để tiêu diệt.

Ông Trần Mạnh Thừa, 80 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong mật Phúc Thuận tâm đắc: Nhiều người dân trong vùng gọi ông Ký là “vua mật”, vì tại địa phương, ông Ký có 3 cái nhất: Nuôi nhiều ong nhất; nắm bắt được nhiều kiến thức, kinh nghiệm nuôi ong nhất và giúp được nhiều hộ trong vùng cùng tham gia nuôi ong nhất. Như năm 2015, do rét đậm, rét hại kéo dài, ong của nhiều hộ trong vùng bị chết rét hoặc bốc đàn bay mất, nhưng hơn 200 đàn ong nhà ông Ký vẫn nguyên vẹn. Để giúp các hộ có ong, đầu năm 2016, ông Ký chủ động nhân đàn, bán cho bà con trong vùng. Khi bán, ông Ký còn phân tích nguyên nhân vì sao ong chết, ong bỏ tổ hoặc vì sao ong không chịu làm mật. Khi giao đàn ong, ông Ký cam kết với người mua: Phải có sản phẩm là mật ong mới được trả tiền mua giống.

-Mỗi năm, ông có bao nhiêu mật ong xuất bán ra thị trường? - Tôi hỏi.

-Riêng đàn ong của nhà làm được hơn 1.600 lít. Ngoài ra, tôi còn bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi ong khác trong tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, năm nhiều nhập 15.000 lít, năm mất mùa nhập hơn 5.000 lít. Toàn bộ sản phẩm mật ong được bán lại cho các đại lý ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng có bán cho khách nước ngoài đến từ Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… với giá 150.000 đồng/lít. Ông Ký nói.

Ong dễ nuôi, nhưng không thể nuôi dễ dãi, nên dù có lợi thế ở rừng, song hằng năm, “vua mật” Nguyễn Văn Ký cùng hàng triệu quân ong di chuyển đến các tỉnh phía Bắc để ong có thức ăn mới. Quan trọng hơn nữa là để ong có cơ hội “giao lưu”, tránh bị trùng huyết thống. Trong thời gian mang đàn đi các tỉnh tìm mật, ông Ký tạo điều kiện cho người nuôi ong các vùng khác đến đặt tổ tại khu rừng của nhà mình. Chẳng quan trọng thân, sơ, người mang nghiệp nuôi ong là thế, mộc mạc, cởi mở, dễ thân thiện và có đức tính ngọt đằm như mật ong rừng.

Minh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước