Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
15:32 (GMT +7)

Miền lính trẻ Thái Nguyên

VNTN- Chúng tôi thêm gần với miền quê trung du với tình cảm chân thành, mộc mạc. Và có lẽ rất hiểu lính, thương lính nên người dân nơi đây cũng rộng mở tấm lòng với chúng tôi như con trong nhà. Những ngày chủ nhật, lính chúng tôi thường được đi “dân vận”  tại những thôn xóm quanh Phổ Yên để tình quân dân thêm gắn bó... Những bữa ăn đơn sơ nhưng đầm ấm, giúp chúng tôi khuây khỏa nỗi xa nhà.

Ấm áp người lính (Nguồn: internet)

Có dịp được ngồi xe bon bon trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, được háo hức ngắm nhìn Phổ Yên lấp lóa, trẻ trung và tươi mới qua ô cửa kính, lòng tôi lại bâng khuâng ngược về miền ký ức với những mái quán lúp xúp ven quốc lộ 3 lấm láp bụi đường, với bến vận hà Đa Phúc nhộn nhịp thuyền bè, với dòng sông Công êm đềm, uốn khúc quanh co… Tôi với Thái Nguyên quá ư là bé nhỏ nhưng Thái Nguyên trong tôi luôn dài nỗi nhớ, bởi ở đó mãi còn lưu giữ một thời trai trẻ, còn mãi những cảm xúc mát lành như mạch ngầm vẫn âm thầm chảy suốt đời tôi…

Tuổi hai mươi của tôi không bắt đầu với áo trắng, giáo trình trên giảng đường đại học mà là những nắng gió chốn thao trường quân ngũ. Phổ Yên bình yên và đơn sơ, nên thơ và quyến rũ đã gieo những cảm xúc mới mẻ, tươi trong vào lòng những chàng trai quê biển lần đầu tiên cất bước xa nhà.

Đơn vị tôi đóng quân trên một vùng gò đồi thấp phía tả ngạn sông Công. Ngày ấy, nơi này còn khá thưa dân nên hầu hết những quả đồi vẫn còn bỏ hoang, để mặc cho mưa nắng bào mòn và những trận gió thổi triền miên suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Trên dải gò đồi ấy có những vầng cỏ dại xen lẫn với những lùm sim và bụi cây trinh nữ mọc trên nền đất sỏi cằn cỗi. Tất cả đều toát lên vẻ hoang sơ, thuần khiết của thiên nhiên và gợi ra vẻ yên bình trong lòng người. Khung cảnh nên thơ ấy dễ khiến cho tâm hồn đa cảm của người lính bao lần sinh tình mà chắp bút nên câu. Đường hành quân dã ngoại dẫn tôi qua những làng quê trung du, ngược lên phía Đại Từ rồi vòng sang mạn sông Cầu.

Từ trên những điểm cao, tôi thỏa thích phóng tầm mắt ra xa mà chiêm ngưỡng dòng sông Công đang thầm thì chảy uốn quanh sườn đồi, nơi có những vạt ngô xanh mướt mát hay thấp thoáng vài mái nhà nhỏ xinh đang nhẹ nhàng thả khói bếp lên buổi chiều bình yên. Xa xa phía bên kia là dãy Tam Đảo xanh lam tỏ mờ sau quầng mây trắng. Thỉnh thoảng dọc đường hành quân, đám lính trẻ lại được dịp “từng bừng” khi gặp cô thôn nữ đang hái củi ven đồi. Em chẳng nỡ phật lòng với những câu bông đùa tếu táo... Có khi, chợt ngỡ ngàng trước một vầng trinh nữ. Cây e ấp, he hé mắt nhìn rồi từ từ mở lá khiến anh lính bỗng tủm tỉm cười rồi bật lên khe khẽ lời bài hát da diết nhớ thương ai: “Qua một rừng hoang, gió núi theo sang rũ bụi đường trên vai…”

Chúng tôi thêm gần với miền quê trung du bằng tình cảm chân thành, mộc mạc. Và có lẽ rất hiểu lính, thương lính nên người dân nơi đây cũng rộng mở tấm lòng với chúng tôi như con trong nhà. Những ngày Chủ nhật, lính chúng tôi thường được đi “dân vận”  tại những thôn xóm quanh Phổ Yên để tình quân dân thêm gắn bó. Gần thì ở ngay xã Trung Thành, Thuận Thành, xa hơn thì lên nông trường Bắc Sơn hoặc sang cả mạn Đồng Tiến. Mỗi “tổ ba người” được cử đến một gia đình, để “chung sức”, gặp việc gì làm việc nấy, từ xây nhà, đào giếng, xới vườn, chặt tre hay bẻ ngô… Đến trưa, lính chúng tôi được mời ở lại ăn cơm cùng với gia đình. Những bữa ăn đơn sơ nhưng đầm ấm, giúp chúng tôi khuây khỏa nỗi xa nhà. Dù thường chỉ là khoai, ngô, sắn luộc nhưng đối với cánh lính trẻ, thế đã là sang lắm! Và Thái Nguyên vẫn hằng nuôi bao thế hệ lính bằng những món ngon bình dị - đặc sản đó!...

Thái Nguyên có nhiều đặc sản, ai đã thưởng thức một lần thì sẽ nhớ lâu. Song điều khiến tôi nhớ mãi miền quê ấy lại từ ân tình của một người con gái.

Bệnh viện Quân y 91, nơi tôi có kỷ niệm với một người con gái...

Mùa hè năm lính thứ hai, tôi phải nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 91 (thuộc Quân khu 1, đóng ở thị trấn Ba Hàng). Lúc ấy, viện đang tu sửa dãy nhà chính nên khá bề bộn và chật chội. Phòng hậu phẫu khoa ngoại phải điều trị chung cho cả quân và dân. Tôi là lính xa nhà, không có người thân bên cạnh nên những ngày sau mổ, sinh hoạt khá khó khăn. May mắn cho tôi, điều trị ở giường bên cạnh là một người mẹ trạc năm mươi tuổi, kèm cô con gái ở cùng để tiện chăm sóc.

Làm quen, tôi biết tên em là Trần Thị T. , vừa học xong lớp 11, ở Nga My, Phú Bình sang. Hàng ngày, em giúp tôi gấp màn rồi lấy cháo dưới nhà ăn. Dù đã bén chuyện mấy ngày nhưng cả em và tôi đều rất ngượng ngùng, giữ gìn ý tứ lắm. Sau phẫu thuật một tuần, tôi được gửi về bệnh xá sư đoàn điều trị tiếp do viện quân y quá tải. Hôm tôi xuất viện, em tiễn theo ra đường quốc lộ 3 đón xe dưới cái nắng hè oi ả. Cùng ngồi trong mái lá, nhâm nhi trà đá với những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối, chưa người lớn cũng chẳng trẻ con. Dù xe chạy rầm rập ngoài đường nhưng lòng tôi lại thấy yên tĩnh, mát trong đến lạ thường. Từ buổi ấy, tôi mới biết uống chè lấy ngon, biết thơm biết ngọt. Đời tôi nghiện chè, có lẽ cũng bởi nhờ em!...

Với tôi, Thái Nguyên ân tình đã hai mươi lăm năm. Phổ Yên bây giỡ đã vươn mình lên thị xã công nghiệp, trẻ trung và mới mẻ mỗi ngày. Riêng ở miền sâu thẳm trong tôi vẫn mãi mãi còn một Phổ Yên bình lặng, hoang sơ và mộc mạc nghĩa tình vẫn hằng lấp lánh như dòng sông Công rười rượi những đêm trăng…

Trần Văn Lợi (Khu 7 , Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước