Mẹ chồng
VNTN- Chồng tôi là bộ đội đóng ở Lạng Giang, Bắc Giang gần nhà tôi nên cơ duyên đã cho tôi được làm dâu Thái Nguyên. Mẹ chồng tôi học hết lớp 1, chỉ thuộc mặt chữ và viết được họ tên mình.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Tháng Mười se se lạnh mang theo cơn mưa đầu mùa khiến lòng người tê tái. Tôi không biết ký ức của mọi người về mùa thu như nào, nhưng với tôi đó là những ngày tháng không quên. Tôi nhớ như in, con đường toàn ổ gà, ổ trâu,... gặp mưa thì lầy lội, nước vũng to vũng nhỏ đỏ lòm. Cả quãng đường từ Úc Kỳ sang Phổ Yên tuy ngắn nhưng nhiều đồi núi nhỏ, ruộng đất lầy lội thật khủng khiếp. Ngồi trên chiếc xe đạp Thống Nhất tôi hì hục đạp, bánh xe bám đầy đất kêu rít lên càng đi càng nặng. Thi thoảng tôi lại phải dừng lại tạt vào lề đường lấy một cành củi khô chọc đất rồi lại đi tiếp.
Tới được bệnh viện thì đầu tóc lấm lem, sau lưng bùn bắn kín cả lưng áo mưa. Tôi tháo dây vải buộc ở hai bên ống quần, chạy ra vũng nước gần đó gột qua quần áo cho tươm tất còn vào đón mẹ.
***
Tôi làm con dâu của mẹ ngót nghét cũng chục năm. Chồng tôi là bộ đội đóng ở Lạng Giang, Bắc Giang gần nhà nên cơ duyên đã cho tôi được làm dâu Thái Nguyên. Mẹ chồng tôi học hết lớp 1, chỉ thuộc mặt chữ và viết được họ tên mình. Mười bảy tuổi bà lấy chồng, sinh được chín người con, bốn trai, năm gái, chồng tôi là thứ ba và gia đình sống bằng nghề làm gạch thủ công. Trong lúc xếp gạch do sơ ý, bà bị gạch đổ đè lên rạn xương, bong gân chân trái phải nằm viện.
***
Bước tới cửa phòng, tôi cúi đầu chào hỏi mọi người rồi từ từ tiến lại phía giường mẹ. Mấy người chăm bệnh nhân ngồi cạnh đó ý tứ đứng lên di chuyển ra ngoài. Mẹ thấy tôi thì nói ngay: “Thằng Bố Dũng đâu mà có mỗi mình mày thế?”. Tôi vừa đặt cái áo mưa xuống gầm giường vừa nói: “Anh ở nhà còn be bịt cái lò gạch chứ không mưa này tắt mất. Với lại có mỗi cái xe, lát về không kẹp ba được mẹ ạ”.
Cô Thơm chăm chồng giường bên bấy giờ lên tiếng: “Con dâu tới đón về nhá, mừng bà nay được ra viện, về gắng mà nghỉ ngơi cho khỏe hẳn”. Mẹ tôi nói vọng sang: “Mong nhanh còn về chứ nhà bao việc, để chúng nó làm tôi không yên tâm bà ạ”. Ở đây chăm mẹ nửa tháng, phòng có bao người dần dần quen nhau hết. Duy chỉ có một cô gái trẻ là bệnh nhân mới, hình như vừa chuyển vào sáng. Thành thử tôi cũng chưa có dịp để hỏi thăm.
Tôi dọn hết đồ của mẹ cho vào chiếc làn đỏ, ngồi đợi tới giờ thanh toán tiền viện phí. Hôm nay, mẹ được ra viện khiến tôi mừng lắm. Mừng vì mẹ khỏi chân, thứ nữa là đỡ vất vả cho các anh chị. Chẳng là, bác cả Hùng không biết đi xe đạp. Nên mỗi lần vào với mẹ, bác phải cuốc bộ hơn chục cây số rồi lại về thành ra cực. Vợ chồng tôi khuyên thế nào bác cũng không chịu.
***
- Con thấy sao, ở đây được không, chú Thành bảo chiều chuyển sang phòng riêng.
Từ cửa có tiếng vọng vào, hóa ra là mẹ của cô gái mới chuyển tới lên tiếng làm phá vỡ cả bầu không khí yên tĩnh suốt nãy giờ. Mọi người bị cuốn vào vẻ bề ngoài của bà. Bà sang trọng lắm, bộ quần áo xanh bóng mướt, tai đeo bông tai vàng, kiềng vàng ở cổ rất bắt mắt. Tôi thấy bà bày ra kệ đầu giường nào nho, nào sữa, nào thuốc bổ phi-la-tốp, rồi rất nhiều loại bánh kẹo lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. Bà mẹ nói với con gái: con không phải lo, mẹ báo nhân viên nó làm hết việc của con rồi. Mà có đói không mẹ lấy cháo thịt cho ăn nhé,... không thì làm cốc sữa cho ấm bụng.
Tôi chạnh lòng lắm, mẹ tôi nằm viện suốt mà chẳng có gì cho bà tẩm bổ. Nhìn mấy cô, bác xung quanh còn thảm hơn. Phía giường gần cửa ra vào là chỗ của cô Thu ở Cây Thị (xã Cây Thị huyện Đồng Hỷ), nhà nghèo quá đến bộ quần áo mặc phải vá chằng vá đụp. Thức ăn cô chú ấy toàn cơm nắm chấm muối vừng ướt nhẹt. Mỗi bữa chỉ một nắm nhỏ nhỏ, vợ chồng cô chú chia nhau có khi không đủ no bụng. Xung quanh kệ để đồ chẳng có gì ngoài quần áo bẩn với vỉ thuốc bóc dở. Ở đây nhà nào cũng hoàn cảnh như thế.
Có hôm tôi còn thấy cô Thu đói quá lả cả đi, đứa con dâu cô vén vạt áo lên vắt sữa ra cái bát hoa xanh bảo bà uống tạm cho đỡ khát. Có củ sắn luộc mẹ con cô Thu còn đẩy đưa nhường nhau mãi mới chịu ăn.
Ngoài hành lang có người gọi nộp viện phí, tôi tranh thủ chạy đi nộp còn về cho sớm. Tính ra tiền viện phí bằng đúng con trâu con vừa bán. Đúng là quay lại phòng, tôi dìu mẹ lên và xách làn đồ về. Mọi người bịn rịn chào nhau, hứa hẹn tới nhà nhau vào một dịp gần nhất. Chẳng gì cũng ở với nhau gần tháng trời, không ruột thịt thì cũng còn chút tình nghĩa quen biết.
***
Tôi chở mẹ về trên chiếc xe đạp cũ ấy, đường trơn và xóc nên tôi đi rất chậm. Mẹ ngồi sau ôm chặt vào bụng tôi, bà bảo: Kể ra mày làm con dâu mẹ cũng khổ, nhà đông miệng ăn thành ra mày phải làm việc nhiều hơn. Tự nhiên mẹ nói thế làm tôi nghĩ ngợi. Xưa lúc tôi và anh Dũng lấy nhau, hồi đó tôi có 37kg người quắt lại, mặt dài hốc hác lắm. Đã thế da lại đen nhẻm như đít nồi cháy nom như cái xác khô. Về đây bà nuôi mãi lên được 46kg. Mỗi lần về ngoại ai cũng bảo bà thông gia chăm con dâu tốt. Với tôi thế là hạnh phúc lắm rồi. Tự nhiên, tôi rơm rớm nước mắt hỏi lại mẹ:
- Sao tự nhiên mẹ lại nói thế?
- Thì nhìn người ta ăn sung mặc sướng, vàng bạc đầy người tao lại thấy thương mày.
- Thương thì mẹ cứ khỏe mạnh là con mừng rồi.
- Kể ra bố chúng nó mà không mất sớm thì nhà này đỡ khổ.
Bố chồng tôi là cán bộ nên riêng khoản tiêu chuẩn quần áo, thực phẩm ngày trước là nhiều nhất xóm. Chính chiếc xe mà tôi đang đi cũng là tiêu chuẩn của cơ quan mới có, chứ cả làng có mấy nhà có xe để đi đâu. Tính ra, nhà tôi cũng thuộc diện khá nhất làng. Tiếc là ông mất sớm quá thành ra việc học của các anh chị trong nhà cũng dở dang hết cả. Rồi lần lượt các anh, chị lấy vợ, lấy chồng chuyển ra ở riêng hết. Mẹ tôi thi thoảng vẫn kể lại, chứ lúc về làm dâu thì bố chồng tôi đã mất lâu lắm rồi. Tôi chỉ biết ông qua bức ảnh thờ mà thôi.
Bảo làm con dâu mẹ vất vả thì không hẳn, bởi trong nhà việc nặng nhọc thì chồng tôi và chú út làm hết. Tôi chỉ phụ việc gánh than vào lò và dỡ gạch khi đốt xong. Còn việc cơm nước, lợn gà thì mẹ chồng tôi giành làm hết, thi thoảng bà bận kiểm kê gạch cho khách thì may ra mới tới lượt con dâu như tôi làm. Vì thế tôi thương bà còn không hết.
***
Trời bắt đầu đổ mưa, đường đi bắt đầu trơn hơn và lầy lội hơn, những cú đạp xe càng trở nên nặng nhọc. Nhưng nghĩ tới mẹ chồng - một người phụ nữ tảo tần, khoan dung, tử tế,… mà bao mệt mỏi đều biến mất. Bởi bà chính là sức mạnh, động lực, và máu thịt của tôi.
Dương Thị Liệp (Xóm Tân Lập, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, TN)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...