Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:19 (GMT +7)

Màu xanh trong thơ Quang Dũng

VNTN - Ta từng biết đến Quang Dũng - tác giả bài thơ Tây Tiến nổi tiếng được tuyển chọn trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 nhiều năm nay với “màu” thơ bi tráng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bất chợt nhận ra một sắc xanh thật dịu dàng ánh lên từ thế giới nghệ thuật thơ ông. Khảo sát 30 bài trong tuyển tập Thơ Quang Dũng(1) , ta sẽ thấy màu xanh được sử dụng với mật độ khá dày và để lại khá nhiều vần thơ ám ảnh(2) Mới thấy hồn thơ Quang Dũng không chỉ phiêu bồng với “áng mây trắng mang hình tráng sĩ” (Văn Giá) mà còn đặc biệt tha thiết với màu xanh:

Ta mê xanh thẳm

Như cánh chim trời…(3)

Màu quê hương - màu kháng chiến 

Trong cảm thức văn hóa phương Đông, màu xanh được coi như màu của quê hương. Đó là sắc màu của thiên nhiên núi, sông, đồng, bãi: “Lúa đã xanh xanh mấy nẻo làng”; “Ao sau vườn cũ nước xanh trong”(3); “Cây bàng thắp búp xanh”; “Tre xanh um lối vườn”(3)… Với Quang Dũng, màu xanh của những gốc bàng, đồi sim, bến nước là những hình ảnh thân thuộc đậm chất trung du luôn tràn đầy nhớ nhung và âu yếm. Quang Dũng nhớ quê thành thơ, rồi bao nhiêu người khác đọc thơ nhớ xứ Đoài của ông mà chạnh nhớ quê mình. Cái tình thiết tha của người trong cuộc với màu xanh quê hương cho thấy vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm.

Rồi người trai ấy lên đường đi kháng chiến. Trong những tháng ngày gian lao, mọi sinh hoạt gắn chặt với núi rừng, màu xanh thành “màu rừng”. Từ ngút ngàn rừng xanh Trường Sơn cổ đại đến vòm xanh mái nhà Đông Bắc; rừng cho “măng giang nõn nứa” làm thức ăn ngày tản cư, lá rừng “ngụy trang xanh đầu trọng pháo” và “Quân ta xanh lá hiện ngang đường/ Rừng trên mũ súng vào chiến dịch” với “Trấn thủ mang vị núi đồi” khiến“Hương rừng bỗng mát cả ngày vui”(3). Không khí thời đại ùa vào tô sắc cho màu xanh thân thuộc, và chính màu xanh thân thuộc của quê nhà đã tạo nền cho màu kháng chiến để “Cờ đỏ mọc lên/ Trên nền xanh núi Tản”(3).

Trong những bức tranh sinh hoạt thuở này, nghe đâu đây còn có “Mùi lạt thơm xanh”(3) khi quán lều thay lá mới. Gọi sắc màu cho mùi lạt cũng là gợi cả không gian vườn tược quê nhà, gợi cả tình người thiết tha ý vị. Rồi những cảnh thô sơ “Đường ngựa sặc mồ hôi”; cái ngạo nghễ của “Bóng roi vung trên vòm trời sao xanh”(3). Cảm động làm sao khi những người chiến sĩ ấy đã đi vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với tinh thần lãng mạn như thế để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!

Những nẻo đường kháng chiến đâu chỉ có những âm thanh “rầm rập như là đất rung”(4) , mà còn có “Đường trăng” đẫm nước mắt bởi mỗi bước hành quân của người chiến sĩ đã đi qua đều để lại rất nhiều nỗi nhớ:

Đường ấy sao khuya đầm nước mắt

Trong vời như ngọc lá tre xanh

Màu “lá tre xanh” dân dã đã trở thành màu “ngọc” trong tâm hồn những chàng lính trẻ, khi họ đã thấm thía cái giá phải trả cho độc lập, hòa bình.

Trong thơ Quang Dũng, màu xanh còn gắn liền với màu Tết, màu của sức sống rộn ràng khi Trung đoàn ăn tết với nhân dân, những cái Tết kháng chiến dậy lên “màu dân tộc”:

Hương đèn ngũ quả màu tranh Tết

Câu đối mực tàu bay xạ ngát

Cột nhà tre trúc giãi gan vàng

Mang câu đối đỏ niềm son sắt

Tiếng hát hành quân vui trong mưa (5)

Màu xanh - màu của quê hương - màu kháng chiến. Làm sao có thể khác khi những làng quê đã đứng lên thành làng kháng chiến, và cuộc kháng chiến trường kì này đã “Xây đài thắng lợi trên nền nhân dân”? 

Nhà thơ Quang Dũng

Ở lớp nghĩa này, màu xanh được nhắc đến 24 lần, và ít nhiều đã bứt ra khỏi từ trường thơ truyền thống để trở thành một sáng tạo nghệ thuật.

Ngoài ra, nhà thơ còn sử dụng các hoán dụ, ẩn dụ tuổi xanh, đời xanh, ngày xanh, quân xanh…(9 lần). Những từ ngữ dùng theo lối ước lệ cổ điển đem đến cho thơ Quang Dũng một dáng vẻ quen mà lạ, bởi những ý thơ rất cổ lại được chưng cất lên từ chất liệu thực, thực đến tê tái lòng người. Đó là hình ảnh binh đoàn Tây Tiến “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” - Màu xanh của cành lá ngụy trang, màu của bệnh sốt rét rừng khiến nước da xanh tái hay màu của khí vị oai linh? Làm sao có thể cắt nghĩa rõ ràng! Đó thực ra còn là màu sắc của tâm hồn chứa chan tình yêu đời luôn biết đối diện với đau thương để vượt lên bằng cái nhìn ngạo nghễ.

Màu sắc của tâm hồn

Ở khía cạnh này, màu xanh như đã từ cõi thực bay vào chân trời biểu tượng. Chạm vào cõi thơ “siêu thực”, ta thấy một “chiều xanh” (Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì); “hồn xanh” (Nhẹ tóc khô da hồn xanh trong); “mùa xanh xưa” (Anh mãi là mùa xanh xưa); dòng tên xanh (Liệt sĩ tên còn xanh núi non); hoài niệm xanh (Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa); thời gian xanh (Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh). Tuy tần số xuất hiện ở lớp nghĩa này không nhiều (9 lần), nhưng có lẽ đây mới thực là chất thơ Quang Dũng - một dấu ấn “lạ”, một “ốc đảo, cô đảo giữa biển các nhà thơ kháng chiến”(6) .

Thì vẫn là một màu xanh quê hương đó thôi, nhưng khi nhà thơ đã xanh hóa buổi chiều thì ta thấy chiều sâu cảm xúc, độ lắng của kỉ niệm đã dệt nên một sắc màu ấn tượng:

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Những câu thơ nổi tiếng này trong “Đôi mắt người Sơn Tây” chắc sẽ còn vấn vương tâm trí của nhiều người đọc. Không khí trận mạc, độ trong ngần của cảm xúc đã tạo nên một trong những đoạn thơ tài hoa nhất của Quang Dũng.

Trong bài thơ nằm trong sổ tay của người bạn thân thiết, còn có một dòng hoài niệm xanh bay theo khói thuốc trong chiều sông quạnh vắng:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ (7)

Không phải là em hiện về, mà là “hiện em về”, tưởng như bước chân người con gái ấy đã nhẹ nhàng đến bên anh, về thật rồi trong những ngày mưa phùn tháng Chạp… Có những hoàn cảnh, cảm xúc chính đáng của con người phải nén lại. Nhưng càng nén lại, càng tức tưởi, dâng trào. Nếu ở nhà thơ Tố Hữu là cảm giác “Sợ”: “Nằm bên em nghe má ấm trong tay/ Sợ tiếng gà gáy hết đêm nay”, thì với nhà thơ Quang Dũng, những cảm xúc riêng tư ấy luôn gắn liền với một cái gì như là tội nghiệp, một nỗi buồn thấm đọng xót xa:

Sông trôi luống gửi dòng vô hạn

Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh (8)

Giữa thời đại “bao lần khô nước mắt”, chỉ còn “hoa đèn riêng gửi chút tâm tư”, những lời thơ này sao khỏi khiến lòng người tê tái. Ngày xanh đã xa ngày xanh, tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh, tình yêu phải xa lìa tình yêu trong viễn biệt. Dẫu biết “chiến trường đi chẳng tiếc”, sao vẫn buồn thương nhiều đến thế. Có phải, “sự nhạy cảm nhân văn của chàng trai chiến sĩ học thức đã kết tinh được một nét thơ vừa thấm thía khát vọng hạnh phúc, vừa khái quát thành một triết luận nhân sinh - một lời cảnh báo, một thông điệp về hạnh phúc tuổi trẻ nói riêng, khát vọng sống nói chung”(9)? Đến đây, dấu ấn “lạ”, “ốc đảo” riêng của thơ Quang Dũng đã chạm vào nỗi niềm phổ quát. Ngay cả khi nhà thơ “vẽ” lại những chi tiết bình dị của cuộc sống đời thường với đôi tất xanh, áo ngực xanh, tà áo xanh, tường xanh… thực đến nao lòng, ta vẫn thấy phảng phất nét “thoát trần”: “Mãi mãi xanh tươi nguồn Đáy chậm” - một màu xanh nguồn cội; “Trời xanh lộng thế” - màu khát vọng trẻ mãi như cánh chim; “Tường mát dịu màu xanh” - căn phòng nhỏ mang sắc màu hạnh phúc. Đó thực sự là những sắc màu tâm tưởng.

Xin trở lại với “Không đề”- một bài thơ tình đỉnh cao của Quang Dũng:

Em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thu

Có một “mùa xanh xưa” thiết tha trong trẻo đến vô ngần - mùa của tin yêu, khát vọng được “giấu mặt” trong màu xanh thân thuộc. Bằng màu của phép “tương giao” (Baudelaire), Quang Dũng đã nói hộ lòng cho biết bao “mùa xanh xưa” của những đôi lứa yêu nhau mà thời gian dẫu quá trăm năm cũng chẳng thể nào phai nhạt.

Xin thắp lại màu xanh xưa hoài niệm

Trong “Màu thời gian”, Đoàn Phú Tứ đã cảm được “Màu thời gian xanh xanh”; Nguyễn Bính có “Mùa xuân là cả một mùa xanh”; Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu yêu màu xanh dạt dào mang hồn xứ sở: “Trời xanh đây là của chúng ta”; “Tháng Tám trời thu xanh thắm”; còn nhạc sĩ Văn Cao lại tha thiết “vẽ” màu của Nghệ Thuật - Tình Yêu - Cái Đẹp vĩnh hằng:

Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những bài hát còn xanh (10)

Vậy là từ thơ trung đại đến thơ hiện đại, dù là thơ Mới hay thơ Cách mạng, màu xanh cũng từ “màu” quê hương mà thành mùa của yêu thương và hoài niệm. Nếu màu xanh thiên nhiên khiến thơ Quang Dũng thấp thoáng vẻ đẹp cổ điển, màu kháng chiến nặng trĩu chất liệu thô ráp hiện thực, thì màu xanh siêu thực lại mang đến ý vị vừa cổ kính vừa hiện đại, trẻ trung; là sáng tạo riêng của thơ mới - cánh mạng, cách mạng từ trong tâm hồn. 

Qua tìm hiểu màu xanh trong thơ Quang Dũng, ta càng thấy ở ông một hồn thơ đậm tinh thần Việt mà thấm đẫm tài hoa. Với màu thơ tươi trong và ngôn ngữ, hình ảnh luôn lấp lánh những điều mới lạ, Quang Dũng đã tạo nên chỗ đứng riêng trên thi đàn Việt - một nghệ sĩ đa tài.

Xin thắp lại ngọn lửa của mùa xanh ấy trong những ngày xuân Đinh Dậu 2017. Để tưởng nhớ nhà thơ sinh năm Dậu, cũng là kỉ niệm 70 năm thành lập trung đoàn Tây Tiến - một đoàn quân đã gắn với cả một thời trai trẻ của ông.

------------

(1)Thơ Quang Dũng - Nguyễn Viết Hùng trích tuyển, giới thiệu - NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1999.

(2)Màu xanh được nhắc đến 41 lần. (Màu đỏ: 16; trắng: 13; vàng: 10; tím: 4; hồng: 5; đen: 2) - (sđd).

(3)Trích: Mây đầu ô, Thu, Đường mười hai, Gửi Sơn Tây (sđd).

(4)Việt Bắc - Tố Hữu.

(5)Những làng đi qua (sđd).

(6)Vũ Quần Phương.

(7)Đôi bờ (sđd).

(8)Chiều tưởng vọng (sđd).

(9)Nguyễn Viết Hùng (sđd).

(10)Màu thời gian - Văn Cao.Nhà thơ Quang Dũng

Nguyễn Thanh Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy