Màu đỏ trong Tết Nguyên đán của người Tày, Nùng
Mỗi màu sắc theo quan niệm dân gian sẽ mang ý nghĩa nhất định và đem đến cho người mặc những điều tốt hay xấu khác nhau. Màu xanh tượng trưng cho hy vọng, mầm non, màu vàng là nét sang trọng, quý phái, trong khi màu trắng mang ý nghĩa thuần khiết, tinh khôi và nhất là màu đỏ - đây luôn là màu sắc không thể thiếu trong những dịp lễ lớn của dân tộc. Còn với người Tày, Nùng, màu đỏ còn đặc biệt mang nhiều ý nghĩa trong dịp Tết Nguyên đán.
Với người Tày, Nùng, màu đỏ hướng tới sự trường cửu, cuộc sống vĩnh hằng
Nhuộm trứng đỏ - “nhọm xáy đeng” là một trong những phong tục độc đáo dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của bà con dân tộc Tày, Nùng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Thị Nhuận - Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam ở tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trứng nhuộm đỏ làm quà cho trẻ em vào dịp Tết. Ý nghĩa thứ nhất là vào ngày mùng 2, “pây tái” (về ngoại), bà ngoại sẽ nhuộm trứng đỏ để sẵn. Màu đỏ là màu của ấm no, hạnh phúc, rực rỡ như ánh mặt trời, chúc cho trẻ em một năm mới khỏe mạnh. Khi lấy trứng đỏ cho các cháu cầm về, người già còn có lời như sau: “Bây giờ về nhà, bà ngoại cho cháu mấy quả trứng để ăn dọc đường, cả năm được hanh thông, ăn như sóc, ngủ như dúi, gió không đến, xui không chạm được”. Ý nghĩa thứ hai là, ngày xưa, người Tày chỉ nhuộm đỏ trứng vịt, vì con vịt đã có công cõng con gà vượt biển đi đón mặt trời thủa hồng hoang. Ý nghĩa thứ 3 của tục này là mong muốn trẻ em khỏe mạnh như con gà con vịt, vì hồi trước ít dịch bệnh, nên nuôi dưỡng trẻ em cũng dễ dàng như nuôi gà, nuôi vịt.
Trong đời sống của người Tày, Nùng những ngày vui, ngày lễ đều gắn liền với màu đỏ. Ông Dương Sách, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng cho biết: Giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời và là sự khởi đầu cho một năm mới may mắn, bình an và con người giống như màu đỏ của than hồng, màu khói mới tụ lại để xua đuổi tà ma, cầu mong sự bình an. Vậy nên trong đời sống của người Tày, Nùng những ngày vui, ngày lễ đều gắn liền với màu đỏ. Câu chúc Tết phải có màu đỏ, bàn tiệc màu đỏ, người mang lễ vật đến tiệc phải dán giấy đỏ, ngày Tết dùng giấy đỏ để viết chữ Kính, chữ Phụng dán lên bàn thờ tổ tiên, cửa nhà. Trong quan niệm của người Tày, người Nùng thì công cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, bồ, cào… hay đến những cây ăn quả trong vườn đều có linh hồn như con người. Trong năm qua, chúng đã dãi nắng, dầm mưa trong tất cả các mùa giúp đỡ con người tạo ra của cải. Vì vậy, con người dán giấy đỏ lên cửa nhà, tất cả các đồ vật trong nhà, chuồng lợn và chuồng gà để chứng nhận, biết ơn công lao đó và giấy đỏ thay lòng con người gửi lời mời đến các đồ dùng trong nhà hãy nghỉ ngơi đón Tết cùng con người sau một năm vất vả đã qua và cầu chúc cho năm mới sắp đến mùa màng sẽ bội thu”. Các cụ trong làng kể lại rằng, trong ngày mùng 1 Tết, người Tày, Nùng thường đón những người hát rong nghèo đói đến từng nhà, từng bản hát chúc mừng con trâu vào đầu Xuân, chúc mừng năm mới. Người hát rong đứng ở ngoài cửa chuồng trâu, tay cầm một tập tranh, vừa say sưa hát những bài chúc mừng tốt đẹp, vừa dán tờ tranh “Con trâu Xuân” lên phía trên cửa chuồng trâu. Đó là bài hát “Táp vài Xuân” có đoạn như sau:
Pái nèn, pái nèn
Bươn chiêng pi mấư táp vài Xuân
Mò, vài pền thin khe
Khẩu ké pền thin rài
Pết cáy mì têm cai, têm lảng
(Bái ngày tết, bái ngày tết
Tháng Giêng năm mới dán trâu Xuân
Trâu bò nhiều như đá sỏi
Thóc cũ để dành nhiều như cát
Gà vịt đầy chuồng, đầy sân)
Chủ nhà phấn khởi lắng nghe hát chúc mừng. Khi bài hát kết thúc, chủ nhà vui vẻ đem biếu người hát rong một món quà tùy ý, có thể là bánh chưng, bánh khảo, cũng có thể là tiền trong phong bao lì xì giấy đỏ. Chia ngọt sẻ bùi với nhau trong những ngày no ấm, người Tày, người Nùng nhận mình rộng bụng, ai đến bản đều coi là khách quý, nhường chăn ấm đệm êm, thịt gà nấu cơm nếp tiếp đãi tử tế, chu đáo.
Tùy từng địa phương, người Tày, người Nùng thường mời các đội múa kỳ lân hay còn gọi là múa sư tử mèo vào nhà mình múa mong gặp nhiều may mắn và xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc. Sư tử mèo, sư tử trâu múa từ ngoài sân, qua cửa vào trong nhà chúc Tết, trước hết con sư tử phải “liếm” (lì) hai cái cột cổng hoặc hai bên cửa để xua tà ma bằng động tác dùng tay múa, đưa đi đưa lại. Sư tử sẽ được chủ nhà lì xì, rượu và “ka hoòng” (buộc mảnh vải đỏ vào miệng sư tử). Cũng có nhà chỉ cho sư tử múa đến sân vì trong nhà đang có chuyện buồn hoặc tổ tiên họ kỵ sư tử. Ông Đàm Văn Phú ở huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng vui vẻ kể về những ngày theo chân đoàn múa sư tử Mèo đi khắp bản trên xóm dưới, tiếng trống tiếng thanh la rộn ràng: Tết Nguyên đán, vào ngày mùng 1, mùng 2, đoàn múa sư tử Mèo sẽ đến từng nhà, từng bản để chúc may mắn, cả những bản ở xã khác cũng mời đoàn đi để vào nhà mình múa.
Gói bằng giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng trông thật rực rỡ, đẹp mắt, người Tày, Nùng làm bánh khảo thay kẹo bánh mời khách tới thăm nhà ngày Tết. Bánh khảo gói nhiều màu còn được khách du lịch lựa chọn làm quà biếu dịp Tết.
Trong các gia đình người Tày luôn có thủ tục giữ lửa trong ngày Tết. Giống như nhiều dân tộc khác, đối với người Tày, Nùng, bếp lửa có vai trò, vị trí quan trọng, vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, vừa là nơi thờ thần bếp lửa nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ. Vì vậy, họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay giữa không gian núi rừng. Nhà văn Nông Viết Toại ở tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thần lửa của người Tày gọi là Pỏ Fầy (Bố lửa), vào đêm Giao thừa nhà nào cũng có một khúc củi rất to, để giữ lửa, tượng trưng cho chiếc đòn gánh, một đầu là năm cũ và đầu kia là năm mới. Lửa được coi là dương khí.
Bếp lửa của người Tày theo truyền thống được làm hình vuông trong nhà sàn, bếp lửa là âm, thì Pỏ Fầy là dương. Âm dương hòa hợp mới có sự sinh sôi nảy nở. Ý nghĩa thứ nhất là cho nhà cửa ấm và nóng như lửa. Nếu không có lửa thì không thể làm ăn được. Lửa được duy trì từ năm cũ sang năm mới.
Ngày xưa, chúng ta không có bật lửa, không có bao diêm, nên trong nhà lửa lúc nào cũng được ủ trong than hồng. Trong đêm 30, tổ tiên, ông bà về ăn Tết thì trong nhà phải sáng sủa, ấm cúng. Tết bao giờ cũng rét, cho nên mới có câu: “Ấm như lửa, tốt như cũ” (Ún pền fầy, đây pền cáu). Sự sung túc của năm cũ sẽ được nối tiếp sang năm mới duy trì đến muôn đời, phát triển và có lửa thì mới có sự sống. Khi giao thừa đã điểm, người già trong gia đình sẽ thổi lửa lên, đun nước để dâng tổ tiên, trước khi thắp hương lên ban thờ, năm mới vừa chạm thì có bài khấn như sau: “Tháng Giêng năm mới đã về rồi/ thần bếp ở đâu hãy sáng soi/ đuổi và đốt đi những xui xẻo đi thật xa, đón may mắn sung túc về nhà/ từ nay về sau sẽ ấm áp như lửa sưởi/ như năm cũ bình an/ cả năm nay sẽ tốt đẹp, làm gì được nấy/ xuống nước được của rơi/ lên bờ được của rụng/ ra đường gió mưa không thổi đến/ mọi người được khỏe mạnh, giỏi giang....”
Trong mỗi căn nhà của người Tày, kiến trúc và cách bố trí các vật dụng có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung ánh nắng không chiếu thẳng vào giữa bếp, xung quanh bếp phải có một khoảng rộng để đi lại và ngồi quây quần. Bếp lửa không chỉ là nơi dành cho phụ nữ nấu chín đồ ăn, thức uống mà còn là nơi để các thành viên quây quần nói chuyện nhất là vào những ngày đông giá rét. Ngoài ra, lửa còn được bà con đem đi đồng sản xuất. Lửa được giữ ở nhà, nhưng chúng ta còn đem vải rách cuộn lại vào đầu cây gọi là bùi nhùi dẫn lửa đem ra đồng, ra nương để đốt cỏ, nếu không thì lấy cây củi nhỏ, thường là loại cây gỗ cứng mọc trên núi đá giữ được than hồng lâu.
Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú, 85 tuổi ở thôn Chang Nà, xã Tình Húc huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh cho biết, người Tày ở đây có những kiêng kỵ còn dặn dò con cháu như sau: Từ xa xưa, ông bà, bố mẹ đã luôn nhắc nhở chúng tôi là khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp hoặc xê dịch ống tre cắm que hương vì theo quan niệm, đây là nơi trú ngụ của Thần lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh; không được bổ củi trong bếp; không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần bếp. Ngày Tết có cái chảo trâu đặt lên trên bếp thì không được bước qua. Đặc biệt, không có nhà nào quét rác hay vứt đồ bẩn vào bếp.
Ngày nay, dù cuộc sống của bà con có sự thay đổi, nhưng nhiều bản làng người Tày ở vùng cao vẫn còn giữ được bếp xưa và tục thờ Thần bếp lửa. Tín ngưỡng và sinh hoạt bên bếp lửa đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp dừng chân.
Dựa theo các hành trong Kinh dịch, màu đỏ thuộc hành Hỏa, quẻ Ly và hợp hướng Nam. Năm nay năm con mèo thì hướng thuận sẽ là hướng Nam Bắc. Số 9 biểu trưng cho màu đỏ, có nghĩa là hướng tới sự trường cửu, cuộc sống vĩnh hằng. Còn nguồn gốc sâu xa, màu đỏ còn mang ý nghĩa hóa giải những điều không may. Đồng thời, màu đỏ cũng xua đuổi tà ma, khiến quỷ dữ không đến gần cuộc sống. Từ đó mà việc trang trí các vật phong thủy trong nhà sàn của người Tày, Nùng như câu đối, đồng tiền, dây treo trang trí,... được bài trí trong nhà để bảo vệ cuộc sống bình an cho gia chủ trong năm mới.
Hoàng Thị Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...