Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:51 (GMT +7)

Mặt trời xanh cháy rụi

Giữa những ngày hè chói chang, tôi lại trở lại vùng đất chiến khu ATK Định Hóa – Thái Nguyên. Cái nắng nóng cháy da cháy thịt, như thiêu như đốt, khiến người ta muốn kêu trời kêu đất. Vậy mà với tôi nó chả hề hấn gì cả.

Trời có nắng nữa, nóng nữa, người có mệt nữa thì có là gì so với những đoàn quân gian khổ năm xưa, ngày đêm vượt núi băng rừng ngày xưa đi kháng chiến. Nếu được sinh ra trước đó nửa thế kỷ, biết đâu có thể tôi cũng có mặt trong những đoàn quân ấy, đi trên những rừng nứa, rừng vầu, đi dưới những tán cọ xanh ngút ngàn Việt Bắc.

Yêu biết mấy những con đường cong cong uốn lượn sườn núi, sườn đồi. Yêu biết mấy những những cánh rừng huyền thoại đẹp như những vần thơ và hào hùng như bài ca ra trận. Dù đó là một quá khứ xa xôi, thì mỗi khi đi qua những con đường này, trong lòng tôi vẫn khẽ thầm ngân lên những vần thơ, câu hát ấy. Và có lẽ chính những cảm xúc đó đã vô hiệu hóa cái nắng nóng của mặt trời mùa hạ.

Nhưng đó là những lúc lòng tôi đang mường tượng về những tháng năm xưa, khi mà mình chưa hề có mặt trên cuộc đời này. Còn bất chợt trở lại với thực tại lại là một cảm xúc hoàn toàn khác. Đó là sự buồn bã, tiếc nối và có phần bất lực xót xa.

Khói! Khói!

Khói chẳng phải trong những mái bếp, cho những bữa cơm đầm ấm bình yên nơi bản làng, mà khói khói từ trên đỉnh đồi, khói từ trên sườn núi. Khói ngay bên đường đi. Khói cách xa một quãng đồng. Khói bay lên trời. Khói quẩn vào trong tán lá. Những cây cọ xanh bị hạ gục hàng loạt và bị đốt cháy rụi đến xót xa.

Khắp huyện Định Hóa, hình như đâu đâu cũng thế. Khói tỏa như những làn mây xám xì u ám. Ngay cả những xã từng có nhiều cọ như Điềm Mặc, Phú Đình cũng chung một bức tranh xám màu như vậy. Khói chưa chạm vào người mà mắt cứ cay xè và lòng trĩu nặng.

Buồn quá, ngày này qua tháng khác, chỗ này hay chỗ khác, những đồi cọ xanh cứ thi nhau bốc khói lên bầu trời. Có lần đang đi đường tôi nhìn thấy phía xa cách một quãng đồng là một đồi cọ vừa bị hạ gục, liền tìm đường vào xem thế nào. Đi qua vài ngõ đường làng, leo lên một đoạn sườn đồi là cả một đồi cọ rộng lớn đã bị hạ gục và đốt cháy. Hàng trăm cây cọ đen thui ngã gục ngổn ngang như vừa thất thủ thảm bại trước một cuộc chiến… Những cây cọ đã từng vươn lên trời cao, xòe lá như những mặt trời tỏa sáng, mang sinh khí và niềm hy vọng, đang gục ngã trên chính mảnh đất chiến khu xưa. Nhìn những thân cọ gục ngã cháy đen, tôi cảm giác như đang đứng trước những mặt trời cháy rụi.

Theo những hiểu biết của mình, thì tôi chắc những cây cọ này ít nhất cũng vài chục tuổi, có khi hơn cả thế kỷ rồi cũng nên. Và nếu chúng là con người, tôi sẽ phải gọi đó là anh, là chị; là cô là bác, là ông bà, cụ kị. Nhưng có lẽ loài cọ có tuổi thọ cao nên nhìn chúng vẫn rất sung sức đầy sức sống. Vậy mà...

Nhớ có một ngày đông tôi có việc đi lên mạn phía bắc huyện Định Hóa, thì thấy ngay đường là một đồi cọ vừa bị đốt cháy, hình như vẫn còn chút khói thì phải. Ấy là lúc trời đã chạng vạng tối, xe cộ qua đường đã bắt đầu bật đèn. Một khung cảnh thật thê lương với những cây cọ bị đốt cháy gục ngã ngổn ngang. Trời mùa đông phải mặc áo khoác mà có cảm giác như rất nóng. Cái nóng không phải từ những thân cọ cháy kia hắt vào da thịt, mà có cảm giác những thân cọ rực lửa đang đốt cháy từ trong lòng mình, cháy trong lòng của một người rất yêu những rừng cọ xanh.

Tôi yêu những rừng cọ xanh ấy. Yêu từ bé thơ khi còn chưa biết cái cây cọ nó như thế nào. Tình yêu bắt đầu từ trang sách tuổi thơ lớp 3 với bài thơ “Mặt trời xanh của tôi”. Bài thơ dài mà tôi đọc có 2 lần thuộc lòng đến tận bây giờ với những vần thơ thật đẹp “Đã có ai dậy sớm; Nhìn lên rừng cọ tươi; Lá xòe từng tia nắng; Giống hệt như mặt trời”. Tình yêu bắt đầu từ những vần thơ thật đẹp về đất nước quê hương “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi; Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt...”.

Một lần đến nhà người quen, leo lên đỉnh đồi phía sau nhà, thấy có rừng cọ xanh ngắt, thân cao ngất trời, lá đan vào nhau kín mít. Đứng dưới gốc ngẩng mặt lên mà không thấy trời mây đâu, vì chẳng có lỗ hổng nào. Tôi bảo cố giữ lấy rừng cọ này nhé, càng ngày càng quý hiếm đấy. Cậu em cười khà khà tự tin bảo “không phải của nhà em đâu, của nhà khác đấy, nhưng yên tâm không ai chặt đâu, bác cứ lo bò trắng răng”. Ấy vậy mà lần sau tôi đến thì cả bãi cọ trăm năm ấy đã “về giời” rồi. Chẳng phải của nhà mình, chẳng phải của anh em mình, chẳng phải của quê mình mà tiếc đứt ruột. Vừa tiếc lại vừa buồn.

Năm trước trong một lần được huyện Định Hóa mời về tư vấn phát triển du lịch địa phương, có lãnh đạo huyện và phòng ban liên quan, khi tham vấn tôi có nhấn mạnh huyện nhà phải làm thế nào để nhân dân giữ được những rừng cọ xanh đang bị chặt phá hàng ngày, vừa góp phần phát triển du lịch, vừa như giữ lại một phần hồn cốt của địa phương gắn với lịch sử cách mạng, gắn với Bác Hồ, Bác Giáp. Và những lần có dịp gặp gỡ với lãnh đạo các xã tôi đều tranh thủ gửi gắm điều trăn trở, tâm huyết ấy.

Nói thì nói vậy thôi, chứ biết là để làm được việc đó, chỉ cấp cơ sở sẽ rất khó mà phải có một chính sách lớn từ trên để tạo sinh kế cho người dân. Tiếc thì tiếc thật đấy nhưng cũng chẳng thể trách người dân được. Họ còn lo cuộc sống với đồng tiền bát gạo, miếng cơm manh áo của họ, chứ đâu có thì giờ để hiểu những vần thơ tôi yêu hay những giá trị thế này, thế nọ của những cây cọ kia.

Những cây cọ xưa kia làm ra bao thứ hữu dụng. Thân cây cứng như đá, dẻo như thép được dùng làm cột, làm xiên dựng nhà sàn. Lá cây dùng làm mái lợp nhà sàn. Mà đâu chỉ lợp nhà sàn, nó còn được dùng khá phổ biến để lợp nhà đất miền xuôi. Và đâu cũng chỉ để lợp nhà, khi cái lưới điện chưa về với bản làng thôn xóm, nó còn được đan thành hàng triệu, hàng triệu những chiếc quạt cọ bình dị mà xinh đẹp, mang những làn gió mát lành những ngày hè oi ả. Những chiếc cáp cọ (cuống lá cọ) được chẻ ra làm mành che hoặc dùng như chiếu. Tôi không sinh ra và sinh sống ở miền đất này, nhưng cả tuổi thơ đã gắn bó khá nhiều với cây cọ, từ mái lá lợp nhà nơi làng quê, hay những chiếc mành cọ, quạt cọ thân thương như thế.

Ấy vậy mà giờ đây cây cọ bỗng trở nên “vô dụng” và bị ghẻ lạnh đến thế. Những ngôi nhà đất thì tất nhiên không còn nữa. Nhà sàn thì cũng chỉ còn rất ít. Hầu hết bà con đã chuyển sang nhà xây, hoặc có những nơi chuyển sang nhà sàn bê tông lợp mái tôn. Những chiếc mành cọ vẫn được duy trì nhưng chỉ còn ít nhà làm và làm một cách rất thô sơ để che chắn thông thường, chứ không được tinh tế như ngày xưa khi còn được dùng vào cuộc sống hàng ngày mỗi nhà.

Cứ tưởng dù sao cứ “bám” vào cái mành cọ, thì cây cọ vẫn còn lý do tồn tại. Vậy mà đâu phải thế. Tôi đến Ru Nghệ, một làng có truyền thống làm mành cọ ở xã Đồng Thịnh. Chuyện trò với bà con thì mới biết cái mành cọ giờ nhiều nơi vẫn có nhu cầu đấy, nhưng giờ các bá cũng không có cáp cọ để làm. Bà bá chỉ vào đống nan cọ vừa được chẻ xong, nói cái đống này nhìn thế thôi chứ cũng chỉ được đôi ba tháng nữa thôi, xong không biết có tìm được nan cọ nữa không. Giờ cọ thì vẫn còn nhưng chả có người trèo cây để chặt cáp làm nan. Người già thì chịu. Thanh niên thì đi làm việc nọ việc kia ra tiền hết rồi.

Mấy lần tôi có ngồi nhấm nháp chè xanh với một bác người Tày của vùng quê đất Định Hóa này. Ông là người được tin tưởng “nhờ vả” mua lá hộ khi có nhu cầu về lá cọ lợp nhà sàn (thường là cho những khu du lịch). Ông bảo giờ kiếm được người chặt lá cọ khó lắm thằng cháu mày ạ. Thanh niên nó đi làm công ty hay về thành phố làm thuê hết rồi. Vẫn còn lá đấy nhưng lấy ai leo lên mà chặt. Thuê tiền chặt còn đắt hơn tiền lá mà cũng chẳng kiếm đâu ra người. Có tý lá bán được kiếm đồng lẻ tiêu vặt mà đành chịu bỏ không, rồi thì họ cũng chặt hết thôi.

Cái câu “rồi thì họ cũng chặt hết thôi” ấy ông nói rất nhẹ nhàng từ tốn, mà như một nhát rìu sắc lẹm bổ mạnh vào gốc cây một nhát gãy gục. Ông dừng lại không nói gì nữa, nhìn ra khoảng trời xa. Tôi cũng lặng đi như bất lực. Rồi sẽ có một ngày như thế thật sao?

Mấy tháng trước thôi, tôi có chút việc sang mạn Sơn Dương – Tuyên Quang. Đi ngang đường đầu buổi chiều nắng cháy thì thấy bên đường xa đó gần trăm mét, khói bay nghi ngút, lửa cháy bập bùng. Tôi lại ngắt ngang hành trình của mình để tạt ngang vào “nơi khói lửa” ấy.

Đó là một khu đồi cọ thuộc vùng giáp ranh giữa xã Phú Đình và xã Điềm Mặc. Khi tôi leo được đến lưng đồi, thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang cầm dao phăm phăm chặt dở một cây cọ, mà chắc cũng cỡ tuổi của anh. Bên cạnh là đống cọ đang cháy, nổ tanh tách. Anh đang cặm cụi chặt cây, nên khi dừng lại, có vẻ rất bất ngờ với sự xuất hiện của một người xa lạ cách mình dăm ba bước chân. Anh sững lại đầy ngờ vực và đề phòng, như có một kẻ nào đó đang xâm phạm lãnh thổ của mình. Có thể anh nghĩ tôi là nhà báo hay một cán bộ có chức trách gì đó đang đến tố cáo hay xử phạt anh về tội đốt rừng chẳng hạn.

Tôi trấn tĩnh sự ngờ vực của anh rằng mình chỉ là một người khách qua đường, thấy đồi cọ đẹp thế mà bị đốt cháy thì đến xem thôi. Đang cầm con dao, anh chặt phập một nhát nữa vào thân cây cọ đang chặt dở và bắt chuyện với tôi một cách khá rụt rè. Tôi hỏi anh sao rừng cọ đang xanh tốt thế lại chặt đi phí thế, không tiếc sao. Anh bảo chặt để trồng chè thôi, để cọ cũng chẳng làm được gì. Tôi hỏi anh chặt đi thế này anh có tiếc không. Anh bảo tiếc gì mà tiếc, không bán được lấy tiền thì phải chặt đi thôi và mấy hôm nữa anh sẽ chặt hết cả những vạt cọ phía sau lưng kia. Tôi hỏi rừng cọ này có lâu chưa. Anh bảo chẳng biết lâu chưa nhưng từ bé anh đã thấy nó tốt lắm rồi. Tôi bảo vậy là rừng cọ này từ thời ông bà cụ kị của anh trồng rồi, chắc hồi bé anh hay lên đây chơi lắm phải không, kể cả các cụ ngày xưa nữa.

Ảnh: Doãn Long

Có lẽ câu nói đó của tôi đã chạm được một chút vào tâm thức anh, dù cái chữ trong bụng không nhiều để nghĩ đến những điều sâu xa. Anh khẽ cúi mặt xuống rồi hơi quay mặt về phía khác. Có lẽ anh đang nghĩ về tuổi thơ của mình. Có lẽ trong phút thoáng qua anh đang nhớ đến ông bà, cụ kị của mình, những người đã gắn bó với rừng cọ này. Tôi hỏi nếu anh chặt cả đồi cọ lớn thế này mà trồng chè thì mỗi năm dự tính thu được khoảng bao nhiêu tiền chè. Anh bảo chắc cũng chỉ được vài triệu thôi. Tôi hỏi nếu cứ để đồi cọ này mà kết hợp gì đó như chăn nuôi, trồng cây thuốc hay làm du lịch mà thu được vài triệu hay ít hơn chút thì anh sẽ để lại không chặt chứ. Anh trả lời “ừ có để chứ”.

Tôi nói rằng rất hy vọng anh vẫn giữ được đồi cọ của ông bà và các cụ để lại và hy vọng sẽ kiếm được tiền từ những rừng cọ ấy, rồi chào anh xuống đồi. Tôi đi một quãng xa, ngoái lại mới thấy anh rút con dao từ thân cọ ra, hình như tay hơi run run. Nhưng có lẽ sau đó anh vẫn sẽ tiếp tục chặt đứt gục cây cọ ấy.

Khi vừa bước xuống chân đồi, tôi liền gặp gặp vài ba người phụ nữ đã tò mò đứng đó xem có chuyện gì xảy ra vậy. Chào hỏi xã giao, rồi chúng tôi bắt chuyện với nhau một chút như mấy người nhà quê. Các bà, các chị bảo phải chặt đi để trồng chè thôi, bỏ không đồi cọ đấy chả thu được gì cả. Các ông trên xã cũng bảo không cho chặt đâu, nhưng mà vẫn phải chặt thôi, chứ cứ để không thế à.

Vậy là cũng mừng rồi, vì dù sao chính quyền địa phương cũng muốn bà con giữ lại rừng cọ của quê hương mình. Có thể ý kiến nhỏ bé của tôi trong buổi làm việc ở UBND huyện cũng đã tác động phần nào đến điều đó. Tuy nhiên, thì muốn vậy thôi, chứ làm được thì cũng không phải là bài toán đơn giản, cần có một chủ trương đúng và giải pháp hợp lý, để ích cho việc nước mà lợi cả việc nhà. Nhưng mà khó mấy thì cũng phải làm chứ.

Phải giữ lại chứ những rừng cọ xanh hiếm hoi còn sót lại bằng những lợi ích mà chúng mang lại sinh kế cho người dân, với những sản phẩm từ cây cọ hay làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Giữ lại những rừng cọ ấy, vì nó còn là một biểu tượng văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên trung du Việt Bắc, một nhân chứng, một biểu tượng của lịch sử cách mạng thời đại Hồ Chí Minh vùng An toàn khu, nơi có những bà mế, ông ké hết lòng vì kháng chiến, nơi có những đoàn quân “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” trên “những đường Việt Bắc của ta”.

Giữ lại đi những “mặt trời xanh của tôi” với những chiếc lá xanh xòe như tia nắng mặt trời! Giữ lại đi những tiếng mưa trong rừng cọ “như tiếng thác dội về, như ào ào trận gió”, lãng mạn và sinh động biết bao!

Mặt trời xanh ấy không phải của riêng tôi, một người xa lạ. Mặt trời xanh ấy không phải chỉ của những người dân vùng đất này. Mặt trời xanh ấy của tất cả chúng ta, là một phần hồn cốt của đất nước này, để mãi mãi chúng ta yêu mến và tự hào “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi; Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”.

Và “mặt trời xanh” sẽ ngừng gục ngã, cháy rụi. Chúng sẽ tiếp tục vươn mình xòe lá như muôn nghìn tia nắng trên đất này! Mong lắm!

Bút ký. Đào Vân Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước