“Mảnh trăng khuyết” và tình yêu tròn đầy
LTS: Nhà văn Hồ Thủy Giang vừa gửi tới VNTN một bài viết kèm theo bức thư điện tử với nội dung: “Ông Trường Hà, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ lục bát Thái Nguyên đưa cho tôi 2 cuốn sách của một nữ tác giả ở tận Nghệ An nhưng cũng là thành viên của CLB Thơ lục bát Thái Nguyên, nhờ tôi viết một bài để động viên tác giả. Đó là một tác giả nữ bị liệt, đến nay có lẽ là liệt toàn thân rồi. Đọc hai cuốn sách, tôi nghĩ đây là một lời đề nghị không thể và không nên chối từ. Vì vậy tôi đã viết một cách toàn tâm toàn ý. Tôi gửi bài với một đề nghị nho nhỏ là nếu được đăng, nhờ Tòa soạn gửi toàn bộ nhuận bút cho tác giả của 2 cuốn sách, bởi anh Trường Hà cho biết hiện giờ sức khỏe của Phương hết sức đáng lo ngại và đôi vợ chồng Phương- Chín có nhiều khó khăn trong tiền bạc.
Nhuận bút tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng đó là sự chia sẻ nho nhỏ của cá nhân tôi. Mong Tòa soạn trả lời sớm. E thời gian có vẻ gấp gáp rồi”.
Trân trọng nghĩa cử của nhà văn Hồ Thủy Giang, trân trọng tình yêu tưởng như chỉ có trong cổ tích của cặp vợ chồng Phương - Chín, VNTN xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đến nay, bạn bè và cả những tác giả mới quen đã tặng tôi đến hàng trăm tập thơ rồi. Tôi biết, dù hay, dù chưa hay nhưng mỗi tập sách, mỗi tác phẩm của các bạn đều là những tấm lòng yêu văn chương, yêu cuộc đời thật đáng trân trọng. Nhưng chỉ đến khi đọc tập thơ “Mảnh trăng khuyết” và tập tự truyện, “Hành trình kỳ diệu” của Nguyễn Thị Phương do anh Trần Trường Hà, phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ lục bát Thái Nguyên thay mặt tặng, tôi mới thực sự hiểu tình yêu cùng văn chương đã lấp lánh trong tâm hồn con người tới nhường nào.
Tác giả của hai tập sách này là một phụ nữ chưa đầy ba mươi tám tuổi mà số phận không may bởi một căn bệnh nan y khiến cô phải nằm liệt giường, tính đến nay đã mười bảy năm có lẻ.
Thực ra, trong cuộc sống đã có không quá ít những tấm gương về những người vượt qua số phận, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để nghiên cứu khoa học, sáng tác văn chương… Họ là những người hiếm có và thật đáng kính phục.
Nhưng đọc tập tự truyện “Hành trình kỳ diệu” và tập thơ “Mảnh trăng khuyết” của Phương cùng xuất bản cuối năm 2017, tôi nhận thấy sự kính phục không chỉ dừng lại ở những điều thông thường.
Ở phần đầu tập thơ “Mảnh trăng khuyết” của Phương có lời giới thiệu đầy thiện cảm của chị Bùi Ngọc, Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An, là nơi cho ra đời tập thơ, với nhan đề “Những nốt nhạc thơ reo lên từ nỗi đau khôn xiết”. Cái nhan đề cùng những nhận xét tinh tế, đầy cảm xúc của chị Bùi Ngọc đã mang đầy đủ ý nghĩa phổ quát của tập thơ rồi, thiết nghĩ không cần bình bàn gì thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ “reo lên từ nỗi đau khôn xiết” ấy tôi luôn bị một ám ảnh không nguôi. Đó là câu chuyện tình yêu của Nguyễn Thị Phương và Trương Văn Chín (là chồng Phương bây giờ). Trước khi được đọc “Hành trình kì diệu” và “Mảnh trăng khuyết” tôi đã ít nhiều nghe kể về tình yêu đẹp như một câu chuyện cổ tích của họ. Chín gặp Phương lần đầu trong một hoàn cảnh éo le, nhuốm màu bi kịch: Phương đang nằm bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh điều trị căn bệnh ung thư tủy. Cuộc gặp tưởng chỉ thoảng qua như bao cuộc tiếp xúc khác ở đời. Rồi gần một năm sau, chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác vẫn vô phương cứu chữa, Phương đành về quê chờ chết. Câu chuyện có thể coi như đã có một dấu chấm hết. Nhưng rồi, vài tháng sau, Chín nghe tin và đã lặn lội theo cái địa chỉ mong manh qua một lần Phương cho biết, để tìm về tận Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An quê Phương. Không phải là một cuộc thăm hỏi, người bệnh thông thường. Mấy ngày sau đó, Chín xin bố mẹ Phương cho anh đưa Phương trở lại Sài Gòn tiếp tục chạy chữa, với hy vọng “còn nước còn tát”. Từ đó, sáu tháng trời, ngày đi làm thuê, tối lại vào bệnh viện chăm sóc người bệnh.
Nhưng tấm lòng vàng của Chín cũng không thể vượt qua được căn bệnh quái ác. Chín đành ngậm ngùi đưa Phương trở về Nghệ An. Trong thời gian điều trị bệnh ở Sài Gòn, tình yêu giữa Chín và Phương đã hình thành. Ở đời, đã có biết bao nhiêu đôi lứa sát lại bên nhau trong sự êm ấm của sự giầu sang, lãng ,mạn, mộng mơ… nhưng mối tình được hiện hữu ngay bên giường bệnh nan y thì có lẽ chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết. Nhưng đã có một sự thật rất hiển nhiên, đó, là tình yêu của Chín và Phương.
Về nhà Phương, Chín đã quyết định gắn bó đời mình với Phương và ở lạin chăm sóc người yêu mà anh đã coi là vợ. Lúc này, đôi chân Phương đã hoàn toàn bại liệt, không thể tự chăm sóc cho mình. Trước quyết định của Chín, cả gia đình Phương ái ngại và khuyên Chín về quê để tìm hạnh phúc mới. Chín đã bỏ qua tất cả những lời khuyên chân tình ấy với một câu nói đơn giản mà dứt khoát như dao chém đá: “Phương còn ở cõi đời này thì con không đi đâu cả”.
Rồi từ đó, Chín vừa là chồng vừa là người tri kỉ của Phương. Nhìn Chín chăm sóc Phương ngày đêm bên giường bệnh, tận tụy đến từng viên thuốc, thìa cháo, múi cam… không chỉ người trong nhà mà láng giềng, làng xóm nhiều người đã phải rơi nước mắt.
Mấy năm sau, được biết câu chuyện tình xúc động ấy, lương y Nguyễn Hữu Khai, một thầy thuốc nổi tiếng và giàu lòng nhân ái đã đến thăm và nhận chữa trị miễn phí cho Phương với một hi vọng mong manh. Nhưng rồi không ngờ là đã có vận may. Từ một thân thể tiều tụy như một chiếc lá khô, chỉ còn 27 kg, vài tháng sau, Phương phục hồi dần. Và sau đó, một điều kì diệu dường như không có ở trần gian đã xảy ra: Phương mang thai. Đến kì sinh nở, sau ca phẫu thuật, đứa con trai khỏe mạnh đã được đặt gọn trong lòng của mẹ Phương, bố Chín cùng những dòng nước mắt vui sướng nghẹn ngào. Một phép màu chăng?
Đúng vậy! Nhưng nói chính xác hơn, đó là sự ra hoa kết trái từ một tình yêu sâu nặng tới vô bờ bến.
Sau nhiều năm được lương y Nguyễn Hữu Khai cưu mang giúp đỡ, Phương đã chiến thắng thần chết. Vợ chồng Phương về quê. Được bố mẹ Phương cho một mảnh đất cùng ngôi nhà nho nhỏ. Cuộc sống của Chín, Phương cùng cậu con trai Trương Bảo Phúc từ đó tạo thành một mái ấm gia đình. Bảo, Phúc đã đi học và là một cậu bé thông minh lanh lẹn. Có được những điều này, Phương luôn nhớ tới công lao của chồng. Cô từng thổ lộ với mọi người: “Mười bốn năm nay, anh Chín đã phải hy sinh rất nhiều để giành giật sự sống cho em.
Mười bốn năm nay, em chưa từng nghe thấy tiếng thở dài của anh ấy. Nhiều lúc em nghĩ chỉ còn 1% hy vọng sống nhưng anh ấy đã giúp em vượt qua được”(Trang 19, Hành trình kỳ diệu).
Nhưng rồi mấy năm gần đây Phương lại yếu đi nhiều, phải thường xuyên đi bệnh viện. Cũng như những lần khác, Chín lại vừa đi làm thuê lấy tiền nộp viện phí, đêm đêm lại vào bệnh viện chăm sóc vợ và lặng lẽ lén lau nước mắt mỗi khi vợ lên cơn đau.
Có một cuộc trò chuyện giữa vợ chồng Phương được nhà báo Khánh Hoan ghi lại trong một bài báo đã làm xúc động bao người (xin dẫn lại toàn bộ cuộc trò chuyện ấy):
- Không biết lần này em có vượt qua được không chứ em thấy tệ lắm - Phương ứa nước mắt nhìn chồng.
Chín nắm lấy bàn tay gầy guộc của Phương xoa xoa, nói:
- Em sẽ sống! Bác sĩ nói tỷ lệ thành công là 80% mà. Em phải cố, không được đầu hàng. Em khỏe lên, chúng ta sẽ về nhà với con, em có nhớ con không?
Phương gật đầu, nước mắt ướt tràn gò má (Trang 21, Hành trình kỳ diệu).
Thực ra cái tỷ lệ thành công 80% ấy là Chín đã nói dối, lời nói dối xuất phát từ tình yêu thương.
Những cuộc trò chuyện đầy nước mắt và chan chứa tình cảm như thế của họ đã trở thành thường xuyên.
Trước khi viết bài này, tôi đã đọc khá kĩ tập thơ “Mảnh trăng khuyết” của Phương và nhận thấy ở tập thơ Phương viết về rất nhiều người: về bố mẹ, cô bác, chị em, về thày thuốc Nguyễn Hữu Khai, về bản thân, về những người cảm thông với mình… bằng một tình cảm tri ân sâu nặng. Nhưng mỗi khi ngòi bút thơ của Phương hướng về chồng thì bao giờ cũng rưng rưng một nỗi niềm thành thật. Có lẽ bởi thế mà những dòng thơ viết về chồng của Phương không hề có một lời hoa mỹ, mà chỉ như một lời tâm sự mộc mạc tận trong gan ruột:
…Ngày đêm khuya sớm tảo tần
Thương anh, em đã bao lần lệ rơi
Vì em anh khổ suốt đời
Yêu thương anh chẳng nỡ rời xa em
Mặc cho túng thiếu nghèo hèn
Mặc em như một ngọn đèn hắt hiu
Vậy mà anh vẫn rất yêu
Bao năm làm hết mọi điều vì em.
(Ngọn đèn hắt hiu)
Tôi rất đồng tình với chị Bùi Ngọc khi viết trong lời giới thiệu tập thơ của Phương có đoạn: “Tôi sẽ không đưa ra đây bất cứ nhận xét nào về thơ Nguyễn Thị Phương. Tôi muốn để bạn đọc tự cảm nhận…”. Đúng vậy! Bạn đọc hãy cảm nhận thơ Phương bằng trái tim yêu thương và đồng cảm của mình. Tuy nhiên, chúng ta hết sức vui mừng và cảm động vì đến nay chỉ với năm, sáu năm làm bạn với bút nghiên, Phương đã cho xuất bản tới 3 tập sách (hai cuốn tự truyện khá dày dặn và một tập thơ). Có thể nói đó là sức làm việc cần cù, tận tụy đáng cảm phục ngay cả với những người hoàn toàn khỏe mạnh. Và tôi cảm thấy vui hơn khi biết Phương, một cây bút tận Nghệ An xa xôi nhưng gần đây đã trở thành một thành viên yêu mến của Câu lạc bộ Thơ lục bát Thái Nguyên. Vậy là, bạn bè văn chương bốn phương đã nắm tay Phương đồng hành trên con đường sáng tạo.
Khi tôi đang viết những dòng này thì được anh Trần Trường Hà với vẻ mặt buồn buồn cho biết hiện bệnh tình của Phương đang dần một nặng thêm, rất đáng lo ngại.
Nhưng tôi thì vẫn luôn tin rằng, vợ chồng Phương rồi sẽ lại vượt qua tất cả. Bởi vì họ không chỉ vượt lên bệnh tật bằng thuốc men, nghị lực, niềm tin, bằng sự tận tình của thày thuốc mà chính tình yêu sẽ cứu rỗi họ.
Dù sao, tất cả chúng ta hãy nguyện cầu để tình yêu của họ mãi mãi vĩnh hằng.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...