Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
15:42 (GMT +7)

Mang yêu thương lên núi Móc Diều

VNTN- Hơn 2 tháng sau lần gặp gỡ 3 học sinh Vũ Thùy Trúc, Vũ Thành Đạt và Dương Quốc Tuấn đang phải học online trên dốc núi của xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, cuối tháng 5 này, những cán bộ, hội viên của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh chúng tôi lại ngược dốc trở lại đỉnh núi Móc Diều. Lần trở lại này, chúng tôi đem theo sự ấm áp, chiếc máy tính xách tay và những phần quà nho nhỏ của những người đồng nghiệp phương xa gửi tới các em và gia đình.


Chị Nguyễn Thu Huyền, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trao quà của Hội VHNT tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên  và Báo Bà Rịa – Vũng Tàu cho gia đình 3 em nhỏ

Sẵn lòng sẻ chia

Đọc xong bài viết “Có những đứa trẻ “hứng” chữ trên đỉnh núi” được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cuối tháng 3 vừa qua của chúng tôi, Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh liền đặt ra câu hỏi với anh em cơ quan thường trực Hội: “Chúng ta có thể làm gì để khích lệ tinh thần ham học và giúp đỡ các em ấy?”.

 Ai cũng hiểu đó là câu hỏi nhưng đồng thời là trăn trở của chị cũng như của tất cả anh, chị em trong cơ quan Thường trực Hội. Bởi, tìm cách chia sẻ, kết nối và giúp đỡ các trường hợp khó khăn, những mảnh đời kém may mắn vốn vẫn là truyền thống tốt đẹp của Hội VHNT tỉnh từ nhiều năm nay.

Vậy là một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra. Anh chị em trong cơ quan đều có các ý kiến đóng góp, bàn bạc phương thức để quyên góp ủng hộ các em trong bài viết nhắc tới. Sau khi tổng kết ý kiến của mọi người, kế hoạch mua cho 3 anh em  một chiếc máy vi tính để học tập được “biểu quyết” thông qua.

3 anh em Tuấn, Trúc, Đạt và ông chăm chú đọc bài viết về mình trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

Của ít lòng nhiều, khả năng ai đến đâu thì ủng hộ đến đấy, không gò ép hay bắt buộc. Nhưng rất nhanh chóng, chỉ sau một tuần phát động, 100% cán bộ, nhân viên cơ quan đều đã ủng hộ chương trình.

Thùy Trúc và Thành Đạt là hai chị em ruột, còn Quốc Tuấn là anh con bác của Trúc và Đạt. Do bố mẹ của cả 3 em chia tay nhau nên các em hiện đều đang sống cùng ông bà ngoại, nội là bà Triệu Thị Tiên và ông Dương Tiến Cường. Ông, bà của các em đều đã ở vào độ tuổi 70, sức khỏe yếu, nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo nay nuôi thêm 3 đứa trẻ của con gái, con trai nên kinh tế lại càng eo hẹp.

Dịch COVID-19 bùng phát, suốt một thời gian dài vừa qua, 3 anh em Tuấn, Trúc, Đạt phải học online như các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, do nhà ông bà các em ở khuất nẻo trên đỉnh núi Móc Diều, biệt lập so với khu dân cư của xóm nên sóng yếu. Để có thể học online, bất kể nắng hay mưa, 3 đứa trẻ đều phải ra đỉnh dốc cách nhà vài trăm mét để “hứng” sóng. Thiết bị học tập thiếu khiến việc học của các em đã khó càng thêm khó.

Nhà không có thiết bị nghe nhìn, vậy nên một chiếc máy tính để phục vụ học tập và tra cứu thông tin với các em là vô cùng hữu ích.

Yêu thương lan tỏa

Buổi đấu giá sách “Bản tình ca khúc khuỷu” tại lớp tập huấn Kỹ năng viết phóng sự - Bút ký của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Với ý nghĩa nhân văn ấy, tấm lòng kết nối tấm lòng, sự sẻ chia tìm đến sự sẻ chia, không chỉ 100% cán bộ, người lao động cơ quan đóng góp kinh phí, Hội còn nhận được những nguồn hỗ trợ vô cùng đáng trân trọng khác. Trong đó phải kể đến cơ duyên ở lớp tập huấn “Bút ký - phóng sự” do Thượng tá, Nhà báo - Nhà văn Nguyễn Hồng Lam lên lớp mà Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức đầu tháng 5 vừa qua.

Tại lớp tập huấn, Nhà báo – Nhà văn Nguyễn Hồng Lam đã tặng lãnh đạo Hội VHNT tỉnh 2 cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”, mới xuất bản tháng 3 - 2022” của mình. Giá bìa của mỗi cuốn sách là 105.000 đồng.

Điều thú vị là sau đó, được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhà văn – Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, 2 cuốn sách đã được đem ra bán đấu giá tại lớp tập huấn. Kết quả thu về 2,2 triệu đồng. Số tiền này được bổ sung vào quỹ ủng hộ 3 học sinh trên ngọn núi Móc Diều.

Chị Võ Thu Hằng – một trong những người được sở hữu cuốn sách chia sẻ: Cuốn sách của Nhà văn – Nhà báo Hồng Lam tôi đã mong muốn được có được từ khi phát hành. Vừa hay tôi được tham gia lớp tập huấn do thầy lên lớp và đặc biệt tôi được biết Hội VHNT tỉnh cho bán đấu giá sách để lấy tiền ủng hộ học trò nghèo. Bởi vậy mà mấy chị em chúng tôi đã xung phong trả giá để được sở hữu cuốn sách có chữ ký của thầy và cũng là để góp một phần bé nhỏ vào việc ý nghĩa mà Hội đang làm.

Nhóm tác giả đấu giá thành công một trong 2 cuốn sách tại buổi đấu giá nhận sách từ tác giả

Cuốn sách còn lại đã thuộc về quyền sở hữu của Báo Bà Rịa – Vũng Tàu (thành viên tham gia lớp tập huấn qua hình thức online) với giá 1,6… triệu đồng! Ngoài ra, Tòa soạn Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định ủng hộ số tiền 5 triệu đồng (bao gồm cả tiền đấu giá sách) để chung tay làm công việc nhân văn, ý nghĩa với Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

Chưa hết, khi biết được thông tin về chuyến đi của Đoàn, anh Trần Hải Hưng, Chi hội Kiến trúc, Hội VHNT tỉnh cũng đã sẵn sàng ủng hộ số tiền 1 triệu đồng chung tay hỗ trợ các em.

Mang “tấm lòng” lên núi

Vậy là chiếc máy tính mới tinh trị giá hơn 10 triệu đồng và một phần quà là 1 triệu đồng tiền mặt được chúng tôi sắp sếp và ngược núi sáng ngày 27/5.

Sau những ngày mưa liên tiếp kéo dài, đường lên núi Móc Diều càng trở nên trơn trượt. Chúng tôi phải gửi xe tại sân nhà văn hóa xóm Tân Lập để chuyển sang chiếc công nông đầu ngang. Chiếc xe cài số tỏa ra mùi dầu khét lẹt, ầm ì “bò” lên dốc núi.

Đường vào núi Móc Diều

Nhiều đoạn đường trơn, dốc đứng, cảm tưởng như xe đang đổ ben. Chúng tôi ai nấy đều nín thở, bấu tay thật chắc vào thùng xe mà ghì, mà giữ để không bị văng ra khỏi xe.

Đường lên núi trơn trượt, nhiều đoạn rậm rạp và vô cùng khó đi

30 phút sau, chúng tôi lên tới nhà ông Cường, bà Tiên và 3 cháu nhỏ. Nhìn những nụ cười lấp lánh trên khuôn mặt và nơi đáy mắt của ông bà và 3 đứa trẻ khi nhận những món quà do Hội VHNT tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và Báo Bà Rịa – Vũng Tàu trao tặng, những người kết nối như chúng tôi thật sự ấm lòng.

Bà Tiên cầm số tiền 1 triệu đồng trong tay rưng rưng gửi lời cảm ơn tới những tấm lòng đã chia sẻ nỗi nhọc nhằn cùng vợ chồng bà. 3 đứa trẻ thì vô cùng hồ hởi khi được nhận chiếc máy tính xách tay, hào hứng nghe hướng dẫn sử dụng và rôm rả “phân chia” thời gian dùng máy.

Anh Lê Anh Tú, quản trị viên của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên hướng dẫn các em sử dụng và bảo quản món quà mới 

Thành Đạt nhanh nhảu bảo với chị: Thế là nhà mình đã có máy tính! Từ nay em sẽ được thực hành làm bài tập tin học rồi.

Trúc ra dáng đàn chị dặn em: Đạt chưa sử dụng thạo nên khi nào muốn dùng máy nhớ bảo chị hoặc anh Tuấn bật cho không hỏng máy nhé. À, Đạt nhớ chú dặn chưa, sạc pin đầy phải rút ra để pin đỡ chai.

Hai chị em Trúc, Đạt hào hứng khám phá chiếc máy tính mới

Còn kế hoạch đầu tiên của Tuấn sẽ là tìm nơi có sóng để vào mạng tìm kiếm thông tin về các trường vừa học phổ thông, vừa học nghề. Tuấn bảo, em rất vui, em không còn cảm thấy tủi thân nhiều nữa, ngay cả các bác, các cô chú em chưa từng gặp cũng tặng quà cho em. Sự quan tâm ấy sẽ giúp em bớt tự ti, mặc cảm.

Điều chúng tôi vui nhất là Tuấn đã không còn ý định nghỉ học ngang chừng như lần trước gặp chúng tôi em đã tâm sự nữa.

Mặc dù, hành trình trước mắt các em còn rất dài, rất gian nan, gian nan như chính con đường ngày ngày các em vẫn phải vượt qua để tới trường, nhưng chúng tôi mong rằng, những ấm áp xuất phát từ tấm lòng yêu thương của chúng tôi và các đồng nghiệp hôm nay sẽ là tác nhân để những đứa trẻ bé nhỏ kia có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.Đoàn công tác trao quà

Bài và ảnh: Kim Ngân - Video: Anh Tú

Bài trước: Những đứa trẻ “hứng” chữ trên đỉnh núi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy