Tác phẩm dự thi Đưa Nghị Quyết của Đảng vào cuộc sống
Đường lên núi Móc Diều, xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nơi 3 em sinh sống cùng ông bà nội, ngoại vào ngày mưa trơn như đổ mỡ. Ngôi nhà của bà Triệu Thị Tiên và ông Dương Tiến Cường hiện ra trong lớp sương mù dày đặc.
Cảnh sinh hoạt tại gia đình ông Dương Tiến Cường
Mới gần 7 giờ sáng. 3 đứa trẻ vừa ăn xong bữa sáng. Hai chị em Vũ Thùy Trúc và Vũ Thành Đạt là cháu ngoại của ông bà. Bố mẹ Trúc và Đạt không ở được với nhau. Mẹ các em đi làm ăn xa đến nay cũng đã được 5 năm và cũng chỉ về thăm con được một lần. Còn Dương Quốc Tuấn là đứa cháu nội mà ông bà cưu mang sau khi bố mẹ Tuấn cũng mỗi ng ười mỗi ngả. Bố Tuấn cũng bỏ quê đi làm ở mãi xa, mẹ Tuấn đã đi bước nữa.
Ở tuổi xế chiều, vợ chồng bà Tiên sức khỏe vốn đã yếu, từ khi bị tai biến bà đi lại càng khó khăn. Cuối năm ngoái, ông cũng bị một trận ốm, cả 2 chân đau gần như không đi lại được, phải nằm viện điều trị một thời gian. Ông bà ở với Long - người con trai út sinh năm 1986, chưa lập gia đình. Nhưng ông bà cũng không rõ con trai bị bệnh gì vì hễ lội xuống bùn là hôm sau các khớp chân đau phải ngồi một chỗ.
Hơn 7 giờ, Trúc giục anh Tuấn và em Đạt đi học kẻo muộn. Trúc khoác ba lô lên lưng, một tay kéo theo chiếc bạt cũ, vai vắt chiếc chiếu nhựa đi về phía đỉnh dốc, nơi duy nhất có sóng 4G để học online. Cu Đạt chạy theo chị nhưng bị ông ngoại gọi giật lại, ấn vào tay chiếc áo khoác dặn “cầm thêm đi ra ngoài đó gió lạnh”. Tuấn cầm theo chiếc ô, không quên vơ thêm nắm dây dứa để ở chân cột ngoài hiên nhà. Anh Long buộc chiếc ghế gỗ dài lên xe chở ra làm bàn kê cho lũ trẻ viết bài.
Mưa mỗi lúc một dày hạt. Trúc phụ cậu Long rải chiếc bạt lên nóc lán làm mái. Gọi là lán nhưng thực chất chỉ là một ô nhỏ, cả chiều rộng và chiều ngang chỉ độ 1 sải tay người lớn, xung quanh được quây bằng những nan vầu mỏng mảnh. Dù là đất đồi, lạo xạo sỏi cơm róc nước, nhưng cơn mưa từ đêm khiến nền đất đã ẩm sì. Chiếc chiếu trải xuống vì thế cũng chẳng thể còn khô ráo. Đạt bỏ dép, ngồi xuống chiếu, lôi từ trong cặp ra cuốn vở sờn mép đặt lên chiếc ghế gỗ. Chốc chốc em lại lấy tay áo thấm giọt nước từ trên mái rơi trúng vở.
Tuấn lấy ô gài thêm lên mái chỗ Đạt ngồi rồi cầm nắm dây đi vòng quanh lán buộc 4 góc bạt vào thanh vầu cho khỏi tốc mái… 3 anh em ngồi co cụm vào nhau trong chiếc lán đã hẹp lại càng hẹp hơn vì cái cột chống mái đặt ở giữa lán.
Đã đến giờ vào lớp, sau vài phút điểm danh, cô giáo chiếu màn hình yêu cầu học sinh chép bài vào vở. Chiếc điện thoại để giữa. 2 anh em Tuấn và Trúc phải cố gắng ngó vào màn hình bé xíu, lúc mờ lúc rõ. Chốc chốc hình ảnh trên màn hình lại nhòe nhoẹt. Tuấn và Trúc thay nhau đứng dậy huơ huơ chiếc máy trên cao tìm sóng và đọc cho người kia chép bài. Cứ như thế cho đến khi tiết học kết thúc.
Cũng biết không có đủ thiết bị cho cháu học sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của bọn trẻ, nhưng gia đình liên tục ở trong diện hộ nghèo và cận nghèo, ông bà Tiên đã tính toán cả năm vẫn không sao dành dụm đủ tiền mua thêm điện thoại thông minh cho các cháu học.
Điều kiện sống và học tập khó khăn nên ước mơ của 3 anh em Tuấn, Trúc và Đạt dường như cũng nhỏ bé, giản đơn hơn bạn bè đồng trang lứa. Các em chỉ mong có thêm chiếc máy tính hoặc điện thoại ít tiền thôi cũng được, miễn là vào được mạng để học cho kịp bài thầy cô giảng và nhà ông bà có mạng ổn định để các em được ngồi trong nhà học, không còn phải dầm mưa, nắng nữa.
Còn ước mơ xa hơn của các em, nghe thôi cũng đủ thắt lòng. Cô bé Trúc rụt rè, lí nhí “em chỉ mong được gặp lại mẹ thôi”. Dứt lời là 2 con mắt đã ầng ậc nước, rồi cứ thế nước mắt đã lã chã chảy tràn trên gương mặt gày gò của em.
Giải lao giữa tiết học, Tuấn ra khỏi lán, ngồi trên mỏm đất hướng mắt xuống con đường mòn ngoằn ngoèo dưới chân núi. Tuấn ít nói, gương mặt và đôi mắt em luôn thường trực nét buồn vời vợi. Tôi nhớ lại lời của bà nội em nói khi sáng, “Từ khi nó về đây ở lúc nào nó cũng buồn thỉu buồn thiu như thế. Chắc nó nghĩ bố mẹ không quan tâm đến nó. Con bé Trúc thì mong muốn đi học tiếp cấp 3, còn nó bảo hết lớp 9 thôi là nó bỏ học. Tôi bảo không được, phải học lên nữa sau mới đỡ khổ nhưng nó chưa nghe”. Hỏi Tuấn về mong muốn sau này, câu trả lời của em khiến người nghe đắng đót, bởi ở tuổi của em lẽ ra đó là điều em chưa cần lo tới. Tuấn dự định học xong lớp 9 sẽ đi học nghề sửa xe. Bởi vì chỉ có như thế em mới sớm có thể tự lo cho mình và đỡ đần cho ông bà.
Lớp học online trên đỉnh núi
Càng về trưa con mưa càng nặng hạt, ông Cường che chiếc ô đã gãy gần hết, vòm ô chỉ xòe đủ để che kín được chóp đầu ra lán nơi các cháu học. Sau khi hất cho mấy bọng nước đọng trên mái lán chảy xuống, ông lặng lẽ ra ngồi chỗ mỏm đất nơi Tuấn ngồi ban nãy.
Ở độ tuổi gần 80, răng rụng, mắt mờ nhưng ông vẫn đang phải canh cánh nỗi lo của người cha đối với những đứa con chưa đủ lớn. Ông nói mà giọng lạc đi: Nuôi con mình khó một thì nuôi cháu khó gấp trăm lần cô ạ. Nếu chỉ cần cho chúng nó ăn, nó mặc thì 2 thân già chúng tôi còn cố được. Đằng này ngay cả việc học của chúng cũng khác xưa, đến cái mạng ba, bốn gờ (3G, 4G) gì đấy chúng tôi cũng đâu biết, làm sao mà kèm cặp cho chúng nó được. Mỗi lần mưa gió, thấy anh em chúng nó phải dẫn nhau ra ngoài trời để học thế này thương lắm mà không biết làm sao. Trẻ con mà, cũng có lúc đứa này, đứa kia làm sai nhưng đánh mắng hay không tôi cũng phải nghĩ nhiều lắm. Con mình thì có mắng mấy câu cũng là chuyện bình thường, nhưng đây cả 3 anh em nó đã chẳng có bố, mẹ bên cạnh, ở với ông bà mà ông hay bà mắng sẽ lại tủi thân. Bố mẹ chúng cũng cực chẳng đã nên mới phải bôn ba đi làm, bỏ lại con thế này.
Thở dài hồi lâu ông nói tiếp: Chúng tôi giờ sức yếu chẳng làm được việc gì nhiều. Bao việc nặng trong nhà một mình thằng Long cáng đáng hết, nhưng sức nó cũng có hạn. 3 đứa trẻ đứa nào cũng thạo việc nhà, từ chăn bò, băm chuối và cấy đều rất giỏi… Chỉ tội cho chúng quá thiệt thòi.
Những lo lắng của người làm ông nhưng đang gánh vác trách nhiệm của người làm cha thật khiến người ta day dứt. Chúng tôi mong sao khi bài viết này đến được với độc giả thì những ấm áp, thiện lành sẽ xua tan bớt sự mịt mờ nơi đỉnh núi mù sương, để tương lai của các em sẽ không hiu hắt.
Nội dung: Kim Ngân
Ảnh và video: Hoàng Kim
Thiết kế - Kỹ thuật: Hoàng Hoàng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...