Mạch nguồn vẫn chảy
Giới trẻ nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung ngày nay dường như thờ ơ với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đã có nhiều lúc tôi đồng tình với nhận định này. Song, có lẽ nhận định đó là phiến diện.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, các em nhỏ diện áo dài phong cách xưa do chị Cao Thu Hằng thiết kế
Nhiều người nghĩ rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ bị lép vế, thậm chí không có chỗ đứng khi được xếp chung với nghệ thuật đương đại. Bởi trên thực tế, các loại hình nghệ thuật hiện đại đã và đang lên ngôi và phủ sóng trên phạm vi toàn cầu. Các chương trình truyền hình, sự kiện âm nhạc như Rap Việt, Rock Việt, Sàn đấu vũ đạo, Bật chất Gen Digi… đã thu hút cả triệu người tham gia.
Điều gì thu hút công chúng trong những chương trình và loại hình nghệ thuật này? Trả lời câu hỏi ấy, người trẻ hầu hết đều có chung nhận định, sự sáng tạo của tuổi trẻ là không giới hạn. Các sản phẩm nghệ thuật đương đại luôn thể hiện được sự độc, lạ. Bên cạnh đó, các màn trình diễn trên sân khấu luôn đậm chất công nghệ nhờ sự kết hợp visual đỉnh cao và âm thanh điện tử phù hợp với tâm lý và thị hiếu của giới trẻ... Điều đó khiến khán giả bị hấp dẫn và lôi cuốn. Không khó để kể tên ra các nhóm nhảy triệu view, các YouTuber đã dành được nút vàng, nút bạc nhờ các sản phẩm âm nhạc, các bài nhảy hợp thời, các Raper sở hữu lượng fan hùng hậu.
Nhiều người vẫn chọn cho mình góc yên tĩnh, cùng con chơi trò chơi dân gian ô ăn quan trên phố đi bộ Thái Hưng
Phải chăng công chúng yêu nghệ thuật đã dành hết sự quan tâm cho các loại hình nghệ thuật mang tính hiện đại? Phải chăng công chúng đã lạnh nhạt hay “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống? Cùng đứng ở góc độ của người trẻ để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này.
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, công chúng yêu nghệ thuật cũng chứng kiến sự lên ngôi của không ít các sản phẩm âm nhạc mang đậm chất dân gian truyền thống. Trong đó, nhiều sản phẩm âm nhạc đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng công chúng với các MV hàng chục triệu lượt view, những ca khúc “làm mưa làm gió” đã đi vào đời sống thường nhật của nhiều lứa tuổi.
Không nói đâu xa, thành phố Thái Nguyên vừa trải qua những ngày tháng Mười náo nhiệt và vô cùng rực rỡ. Công chúng trên địa bàn được tiếp cận và bồi đắp giá trị tinh thần trong nhiều loại hình nghệ thuật từ điêu khắc, hội họa, âm nhạc đến sân khấu. Ở đó, giá trị nghệ thuật truyền thống đã được thể hiện và đón nhận nồng nhiệt hơn những gì nhiều người xưa nay vẫn nghĩ.
Một triển lãm Mỹ thuật khu vực III đậm chất văn hóa của khu vực Việt Bắc – Tây Bắc đón nhận cả trăm lượt người đến xem mỗi ngày. Trong đó, những tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng nhiều nhất lại là những tác phẩm khai thác được triệt để yếu tố dân gian truyền thống. Điều ít thấy ở các triển lãm mỹ thuật khu vực trước đây. Một chương trình nghệ thuật đường phố với các màn trình diễn nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước ngay giữa trung tâm thành phố, do các nghệ nhân dân gian thể hiện được công chúng yêu nghệ thuật ở Thái Nguyên nói chung và rất nhiều bạn trẻ nói riêng đón nhận nồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng.
Đi theo đoàn diễu hành dọc tuyến phố trung tâm cùng các nghệ nhân dân gian, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự hứng khởi, thích thú hòa vào đoàn diễn.
Từ bao đời nay, hát Chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt. Thế nhưng, chèo ngày càng vắng bóng trên các sân khấu. Kể cả các sân khấu lớn chứ chưa nói đến sân khấu địa phương. Thế nhưng, một đêm cuối tháng 10 vừa qua, chỗ ngồi ở cả 3 tầng tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên không còn ghế trống trong buổi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công diễn vở chèo mới “Lưu Xá - một thời hoa lửa”. Điều này cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống vẫn chưa bao giờ mất đi mà dường như chỉ tạm thời lắng lại.
Và, vẫn có không ít người trẻ đang âm thầm, từng chút, từng chút một gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống ấy. Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Công Hoan, thành phố Thái Nguyên, bạn trẻ Cao Thu Hằng cùng các cộng sự chung niềm đam mê vẫn ngày ngày tạo ra những sản phẩm thủ công. Đó là thêu những họa tiết trên nền vải và thiết kế những chiếc áo dài cổ xưa. Tuy những chiếc áo không tạo ra vẻ lộng lẫy, hào nhoáng như những chiếc áo tân thời hiện đại, song chúng lại chứa đựng sự nền nã, tinh tế và thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống mà những chiếc áo cách tân không có được. Từ số lượng ít ỏi khách hàng đầu tiên, yếu tố truyền thống trong từng sản phẩm do Hằng làm ra đã chinh phục được đông đảo khách hàng yêu cái đẹp giản dị và quý trọng những giá trị cổ xưa.
Mặc dù chỉ là những mảnh ghép nhỏ, song rõ ràng, đó là những tín hiệu vui cho thấy nghệ thuật truyền thống chưa khi nào mất đi. Nó có thể không ồn ào nhưng vẫn như mạch nước ngầm âm thầm chảy, khẳng định sự vững bền của những giá trị trao truyền.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...