Mã Sôi và tiếng cười trào ra từ lồng ngực
VNTN - Quen anh đã lâu, tôi vẫn cứ nghĩ anh cầm tinh con ngựa. Trong mịt mùng của môn tướng số, có người chỉ nâng bàn tay, nhìn vào đó rồi vanh vách kể về tiền vận, hậu vận người ta; có thày tướng mới ngó qua nết đi, rồi đã phán về sự trầm luân của cả một kiếp người… Hẳn vì câu cửa miệng: “Thẳng như ruột ngựa” của nhân gian và cũng tại mờ tịt về môn nhân tướng học, nên tôi mới nghĩ anh tuổi ngọ. Quả vậy, anh cứ thẳng bước, thực thi theo những lời mình đã nói ra. Và rồi năm ấy anh quyết rút không tham gia ứng cử vào Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật nữa. Khi vắng anh, tôi mới thấy những cuộc họp Ban Chấp hành sau đó cứ lặng tựa một khúc sông bảng lảng sương giăng; phong cảnh tuy vẫn hữu tình, nhưng người ta lại như đang đợi tiếng lốc cốc đuổi cá phát ra từ con thuyền nan ảo mờ trên sóng nước…
***
Năm 1965 anh thành “của hiếm” khi đại diện cho dân tộc mình, từ huyện miền núi Bạch Thông (Bắc Cạn), được gọi về học tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, anh cứ miệt mài giải quyết từng môn học, kì học. Trong tâm niệm đầy lạc quan, là sẽ được góp sức “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm 1970 anh tốt nghiệp, về làm việc ở Ty Kiến trúc Bắc Thái, rồi cứ bôn ba theo mô hình tổ chức của ngành, của tỉnh: Ty Xây dựng; Sở Xây dựng; Viện Thiết kế Bắc Thái…, năm 1986 làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế quy hoạch của Ủy ban Xây dựng cơ bản tỉnh; năm 1988 làm Phó Giám đốc kĩ thuật Công ty Tư vấn Xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Bắc Thái. Thời gian trôi vội như người ta lật những trang sách, năm 2003 anh đã đến tuổi để được về nghỉ hưu.
Có lần, khi tôi hỏi cả đời làm kiến trúc sư, công trình nào anh tham gia, đã khiến anh có ấn tượng nhất? Đột nhiên anh chùng xuống và không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, nhưng rồi câu chuyện khi đẩy xa, lúc kéo gần, anh lại đang xoáy dần vào nội dung mà tôi đã đề cập đến. Cái nghiệp làm kiến trúc sư thời “kinh tế kế hoạch hóa”, thì một nửa của anh là sáng tạo, nửa kia là cả ngàn những thông số kĩ thuật khô khan, máy móc mà bắt buộc phải cân nhắc, tính toán đến… Chưa kể phải chạy theo cái nhu cầu phi logic (có ít muốn làm to) của một cá nhân, một gia đình, hay một cộng đồng… Nhà kiến trúc nào chẳng mơ ước được tham gia thiết kế một thành phố, một tổ hợp văn hóa hay một bệnh viện vài ngàn giường bệnh… Nhưng ở một đất nước mà ông kiến trúc sư trưởng còn chẳng có thực quyền tạo lập một dáng dấp riêng, vừa thẩm mĩ, vừa khoa học cho thành phố của mình, thì hàng vạn những kiến trúc sư cũng chỉ cố gắng co kéo, để cái khoảng không mà mình được thiết kế công trình lên đó được trụ vững và không úi xùi quá… Chẳng gì buồn hơn, khi cứ phải bớt hết hạng mục này tới hạng mục khác của bản thiết kế, chỉ vì chủ đầu tư không đủ tiềm năng về tài chính. Hay lãng xẹt như cho “đồng bộ” hóa với những thứ đã có sẵn… Để có một công trình có thể thi gan cùng tuế nguyệt; giữ được nét duyên dáng sau cả thế kỉ tồn tại, đâu phải do nhà thiết kế cứ muốn mà được(?)
Mỗi một nghề đều có những khoảng thăng, khoảng trầm theo mốc thời gian. Anh may mắn được cả đời theo đuổi cái nghiệp mà mình đã học từ thời trẻ. Nhưng những người cùng thời với anh hẳn đã thấu hiểu cái cảnh nhà nhà nuôi lợn hay cả cơ quan vác cuốc, vác dao lên rừng khai đất trồng sắn, trồng khoai. Ký ức về những năm tháng phải vận động các nhà thiết kế xắn tay làm gạch bông, vào rừng lựa từng cây trúc nhỏ về làm rèm trúc, là những kỉ niệm đầy chuyện bông lơn; ăm ắp trải nghiệm cho các kiến trúc sư vốn chỉ quen với bản vẽ, bút chì và cục tẩy. Các “nhà thủ công nghiệp bất đắc dĩ” phải bỏ ra cả chục cuộc họp, chỉ để tính toán mỗi đốt trúc từ trên xuống dưới có độ chênh về đường kính là bao nhiêu? Điểm màu vào những đốt nào để cuối cùng tạo ra một vành nón nghiêng, hay cái chùa một cột cho cả tấm mành? Rồi chuyện gạch bông làm ra không đủ độ cứng bề mặt; nhìn những viên gạch dày hai phân, vuông (20x20) bị khách hàng vạch một đường đinh nhọn hằn sâu xuống; thế là lại họp rút kinh nghiệm và cả tháng trời thêm bớt nguyên phụ liệu để thử nghiệm từng lô sản phẩm. Rồi trần ai chuyện bán mành, bán gạch bông… Lương, thưởng của anh em cả năm có khi đều chỉ nhìn vào đó. Chẳng ai khác, lại chính anh Mã Sôi tiên phong đem san tiếng cười tới mọi nơi có thể san được; mong họ chia sẻ khó khăn mà mua hộ tấm mành, vài ngàn viên gạch… Những năm sau này khi kinh tế đất nước ngày một khá lên, những công trình của nhà nước và của tư nhân bùng phát mạnh, nhu cầu của xã hội với đội ngũ kiến trúc sư đã tăng cao, thì anh và đại đa số lớp người cùng thời với anh lại không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Cuộc cách mạng của tin học và việc áp dụng thiết kế bằng các phần mềm Thiết kế nhà 3D, những: Vasari; ETABS; Sketchup… như đã mặc nhiên giành cho lớp kiến trúc sư trẻ vẫy vùng.
Anh vào Hội Kiến trúc sư Việt Nam từ ngày mới ra trường; là thành viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái. Từ ngày anh làm Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc sư Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, thì năm nào Chi hội Kiến trúc cũng có triển lãm hoặc hội thảo về chuyên ngành kiến trúc.
Tiếng là một kiến trúc sư, từng tham gia vạch quy hoạch cho nhiều công trình, khu dân cư…, vậy mà anh chẳng biết lo toan cho tổ ấm của mình di trú tới một khu đắc địa. Phần lớn cuộc đời anh sống cùng gia đình ở khu tập thể. Đến khi nghỉ hưu mới mua được mảnh ao, thuê người đổ đất rồi làm nhà. Anh an cư khi mà con cái đều đã được yên bề gia thất. Lại đề cập đến vận sinh; con giáp, anh khỏa lấp bằng tiếng cười rồi nói: Mình sinh năm 1944, tuổi thân! Giá cứ ở trên rừng, hay bám vào non cao thì chắc giàu có lắm(?). Về sống ở thành phố đến công viên còn chẳng có, lấy đâu ra cây xanh, trái ngọt…, thì những người cầm tinh con khỉ dựa vào đâu mà phát vượng?!
Chiếc điện thoại rung như đang cười trên mặt bàn, màn hình xanh hiện tên anh Mã Sôi, sau tiếng alô là câu dặn như ra lệnh: Mười lăm phút nữa đến nhé! Anh tắt máy ngay không cho người nghe kịp phản ứng. Tôi biết thừa, anh vừa nhận nhuận bút của báo, và tiền ấy để làm gì, nếu như không dùng để đi uống bia(?). Thành phần thường vẫn chỉ mấy ông hoạt động văn nghệ ưa bia bọt. Địa điểm đã mặc định (chỉ chúng tôi mới biết). Chuyện quanh bàn bia đám đàn ông hay mắc tật quá đà, có lần ai đó trêu anh là “đẹp trai nhất nhà”, thì anh cười như vừa mới được cấp trên giao cho đơn vị mình một dự án lớn. Anh hồ hởi thẳng thừng tuyên bố: Có mấy thứ mà anh không bao giờ muốn đánh đổi bằng bất kì giá nào, đó là người phụ nữ xinh đẹp “trót” nhận anh làm chồng, những cô con gái ngoan hiền và cái nghề kiến trúc mà cả đời anh gắn bó… Tuy vậy đã có lần anh tỏ thái độ, khi anh phê phán một tiểu phẩm vui phát trên truyền hình nhân dịp tết. Nội dung của nó toát nên vẻ kì thị trọng nam khinh nữ. Anh nói những người ít học, lạc hậu thì có thể châm chước được. Nhưng một nhà biên kịch hoạt động văn hóa, sống ở thế kỉ hai mốt mà có thái độ như thế nếu không phải do bệnh hoạn, thì đó là do lỗi của cả một hệ thống!...
Những người biết anh, đều bày tỏ thái độ quý mến anh… Có lẽ bởi anh đã luôn giữ được cân bằng giữa trách nhiệm và lẽ sống của mình. Anh chỉn chu và nhường nhịn, khiến người bên cạnh không cảm thấy mình bị lấn át. Và đặc biệt, người ta thích tiếng cười anh luôn thả trào ra từ lồng ngực… Và ngày xuân đến với chén rượu nồng, tôi chúc mừng anh luôn ấm áp với chức phận mới của một “ông già bỉm sữa” bên lũ cháu yêu… Hạnh phúc thường đến, từ những điều tưởng như nhỏ nhặt!
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...