Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:26 (GMT +7)

Lý Hạ – Hàn Mặc Tử: Những tương đồng về thi pháp

VNTN - Cuộc đời của Lý Hạ - thi nhân lớn đời Đường và Hàn Mặc Tử - một nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới Việt Nam (1932 - 1945) có nhiều nét tương đồng: hai tác giả đều sống trong thời điểm chính trị xã hội bất ổn, chiến tranh loạn lạc; lớn lên trong gia đình vắng bóng người cha, có người mẹ hết lòng thương yêu con; tuổi trẻ lâm vào cảnh bệnh tật, cô đơn; tài năng thi ca được bộc lộ từ sớm, nhiệt tình tham gia vào những phong trào đổi mới văn học; và cuối cùng - cả hai đều yểu mệnh, đoản thọ.

Không chỉ tương đồng từ góc độ thân thế tiểu sử, mà trong thơ, Lý Hạ và Hàn Mặc Tử còn có nhiều điểm gặp gỡ về mặt thi pháp, như: tư duy siêu thực, yếu tố “chết chóc, rùng rợn” (macabre), sử dụng những huyền thoại, biểu tượng mang tính huyền ảo (fanciful) và ma quái (ghostly)… Bài viết của chúng tôi sẽ làm rõ những đặc điểm này thông qua phân tích dữ liệu thơ ca của Hàn Mặc Tử và Lý Hạ, để thấy được sự “đồng thanh tương khí” giữa hai thiên tài văn học.

Tái sáng tạo những cổ mẫu huyền thoại

Điểm tương đồng đầu tiên - cả Lý Hạ và Hàn Mặc Tử đều sử dụng ý tượng huyền thoại như một đặc trưng của thi pháp. Trong đó, những huyền thoại cổ mẫu là nổi bật nhất. Nếu chúng ta coi “huyền thoại là một ngôn từ” như cách nói của Barthes, thì bằng cách “trình bày lại” (re-presenting) huyền thoại, cả hai nhà thơ đều đã tạo nên được những mô hình nghệ thuật mới trong thơ mình.

Đối với ý tượng huyền thoại - cổ mẫu, tức “nguyên sơ tượng” (archetype), có thể nhận ra chiếm phần lớn trong thơ Lý Hạ là những cổ mẫu nằm trong phả hệ thần thoại: “Quỷ” (quỷ), “tinh” (con tinh tinh), “hồ” (con hồ ly), “cù” (con rồng nhỏ), “mị” (quỷ mị), “thiềm” (con cóc), “long” (con rồng), “loan” (chim loan), “phượng” (chim phượng)… Về cơ bản, Lý Hạ đã vận dụng các huyền thoại ở mức sâu rộng hơn các nhà thơ cùng thời nhưng ông không đi quá xa so với những ý nghĩa nguyên bản của huyền thoại.

Với hai cổ mẫu quan trọng nhất xuất hiện trong thơ Lý Hạ: “Quỷ” và “Hồn”, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những câu thơ tương đồng kỳ lạ khi so sánh với thơ Hàn Mặc Tử. Nếu trong thơ Lý Hạ, “quỷ” trở thành một ý tượng biến ảo: “Thu phần quỷ xướng Bảo gia thi” (quỷ đọc thơ trên nấm mộ thu); “Quỷ mẫu” (mẹ quỷ), “hải thần sơn quỷ” (thần biển quỷ núi), “quỷ công” (thợ quỷ), “hô tinh chiêu quỷ” (gọi yêu tinh, kêu ma quỷ), “quỷ mị”, “quỷ đăng” (ngọn đèn quỷ), “quỷ vũ” (mưa quỷ),… thì “quỷ” cũng không dưới một lần xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử: “Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành/ Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy” (Trường tương tư); “Bóng ai theo dõi bóng mình/ Bóng nàng yêu tinh” (Một miệng trăng); “Đường ngạ quỷ khơi nhiều trang gấm vóc/ Bước êm ru như hoan lạc mời đưa” (Hồn qua đêm). Ngược lại, nếu “Hồn” - một biểu tượng ám thị trong thi giới Hàn Mặc Tử, thường hiện lên với những câu thơ nức nở: “một hồn đau rã lần theo hương khói” (Trường tương tư), “Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi...” (Hồn là ai?), thì “hồn” cũng xuất hiện với tần số cao trong thơ Lý Hạ: “Mưa lạnh, mảnh hồn thơm viếng điếu người làm ra sách” (“Vũ lãnh hương hồn điếu thư khách” - Thu lai); “Hồn lữ khách nói trong giấc mộng” (“Cơ hồn mộng trung ngữ” - Thương tâm hành); “Ta có một mảnh hồn mê không gọi được” (“Ngã hữu mê hồn chiêu bất đắc” - Trí tửu hành)...

Thơ Hàn Mặc Tử thường lặp lại dạng cổ mẫu không gian - vũ trụ với tần số cao: “hồn”, “trăng”, “máu”, “nước”, “gió”, “ánh sáng”, “tinh tú”. Khi cấu tạo mô hình thế giới thơ, dường như thi nhân có ý thức thiết lập mối quan hệ không gian - thời gian mang tính siêu việt: Đó là một tư duy đậm tính huyền thoại mà Hàn Mặc Tử đã tạo dựng, với một thế giới tràn ngập ánh sáng và ân sủng dành riêng cho ông, một không gian vĩnh cửu chỉ nhà thơ mới nhìn thấy được.

Trước đó, trong văn học cổ điển phương Đông, thế giới siêu trần đã được xây dựng từ trong Nam Hoa kinh của Trang tử, với những hư cấu nghệ thuật, cách cấu tạo hình tượng, sử dụng thủ pháp khoa trương và biến hình (Trang Tử mộng hóa mình thành bướm, đối thoại giữa người và chiếc đầu lâu khô…). Những ý tượng hình thành từ một tư duy phi logic như thế thực chất tuân theo một thứ logic khác - logic của huyền thoại. Logic huyền thoại sử dụng rộng rãi các cặp đối lập nhị phân - những cặp đôi miêu tả và biểu hiện thế giới mang tính mâu thuẫn và tương phản. Không khó để thấy những cặp đối lập nhị phân này xuất hiện dày đặc trong thơ Lý Hạ: thần tiên/ma quỷ, trần gian/tiên cảnh, sáng/tối, ngày/đêm, đất/trời, mặt trời/mặt trăng, sống/chết, cái xú/cái mĩ, sự khác nhau của các cặp đôi màu sắc… Tương tự như thế là sự kết hợp tính chất phân đôi lưỡng cực của các cặp phạm trù trong thơ Hàn Mặc Tử: thế gian/xuất thế gian, trần gian/thiên đàng, trần gian/địa ngục, linh hồn/xác thịt, âm/dương, hư/thực, cái thiêng liêng/cái trần tục, sự đối lập của các cặp đôi xúc giác ...

Như vậy, về cơ bản, Lý Hạ và Hàn Mặc Tử đã gặp nhau trong tinh thần căn cốt của Đạo giáo, tính “siêu trần thế” (có nguồn gốc sâu xa từ ngụ ngôn Trang Tử, được ngữ nghĩa hóa qua những “lời nó mơ hồ, lời nói hoang tưởng, lời không căn cứ”), thái độ “du thế” trong cõi nhân sinh. Vượt qua nỗi đau khổ của bi kịch cá nhân, tâm hồn nhà thơ tìm cách vươn tới cõi thượng giới màu nhiệm của Đạo giáo huyền vi.

Bằng “mộng”, Lý Hạ tưởng tượng mình đang sống trong cảnh thần tiên đẹp đẽ, được gặp “Những vị tiên đeo ngọc bội hình chim loan, gặp nhau trên những con đường đẹp đẽ ngọt ngào mùi hương quế” (Mộng thiên). “Mộng” cũng giúp Hàn Mặc Tử có thể “thoát không gian”, “vượt hẳn thượng tầng”, tìm đến “Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền, không u ám như cõi lòng ma quỷ” (Ngoài vũ trụ).

Trong khát vọng hướng thượng, thơ Lý Hạ và Hàn Mặc Tử đều nói nhiều về cái chết và sự bất tử. Hàn Mặc Tử nhiều lần viết về giấc mộng bay lên “cõi siêu hình cao tột bậc”, nơi linh hồn được sống trong cái vô cùng, vĩnh viễn: “Trên thiên triều ngời chói vạn hào quang” (Thánh nữ đồng trinh Maria). Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của Đạo giáo khi hướng đến cõi huyền vi bất tử, nhưng ngược lại, thơ Lý Hạ lại thể hiện sự giải thiêng niềm tin về cõi cực lạc, phơi bày những cảm nhận về một trần thế mong manh, thoáng chốc (Kim đồng tiên nhân từ Hán ca).

Tính siêu thực trong thơ

Có thể thấy, Lý Hạ sống trong thời Đường và đương nhiên ông không liên quan đến chủ nghĩa siêu thực phương Tây thế kỷ XX, nhưng thơ Lý Hạ hàm chứa những yếu tố siêu thực, nó mang đặc điểm của “cái tôi bề sâu”, tư duy “trực giác” (intuition) mà H.Bergson nhắc đến (bản thân ý niệm về “trực giác” của H.Bergson cũng rất gần với Đường thi khi nhấn mạnh sự thể nghiệm nội tâm sâu kín, việc đi sâu vào bản thể và sức màu nhiệm của thực tại). Thơ Lý Hạ tạo ra tính siêu thực bằng cách đảo lộn mọi logic thông thường, biến đổi quan niệm thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật truyền thống để tạo ra những kết hợp quái lạ, độc đáo, những hình ảnh gây bất ngờ, kinh ngạc (tiếng Pháp: stupéfiant image 1): “Gọi yêu tinh, kêu ma quỷ về thưởng thức đồ ăn trên mâm; Lúc sơn tinh quỷ mị hưởng thức ăn trên mâm thì dù không trông thấy nhưng ai nấy đều kinh hãi” (“Hô tinh, chiêu quỷ hâm bôi bàn; Sơn mị thực thời nhân sâm hàn” - Thần huyền); “Ta toan: chặt chân rồng, tước thịt rồng. Để cho: ngày không thể trở lại, đêm chẳng thể ẩn náu thì tự nhiên người già không chết, trẻ thơ không khóc” (“Ngô tương: trảm long trì, tước long nhục, sử chi: triêu bất đắc hồi, dạ bất đắc phục. Tự nhiên: lão giả bất tử, thiếu giả bất khốc” - Khổ trú đoản).

Nếu như Breton quan niệm, nhiệm vụ của nhà siêu thực là nghiên cứu trạng thái đặc biệt của trí tuệ khi cuộc sống và cái chết, hiện thực và tưởng tượng, quá khứ và tương lai không bị xem như những cái tương phản, thì trong thơ Lý Hạ có thể thấy những yếu tố như: thực và mộng, cõi trần và tiên cảnh, hữu hình và vô hình, thế gian và xuất thế gian, nội tâm và ngoại giới đều không rạch ròi tách biệt. Và điều này cũng ngẫu nhiên trùng hợp với quan niệm của Hàn Mặc Tử trong Chiêm bao với sự thực: “sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực”.

Nhiều bài thơ, câu thơ của Lý Hạ mang dáng dấp thơ siêu thực, là thơ nảy sinh từ vô thức, từ giấc mơ, mê sảng, được biểu đạt thông qua huyền thoại. Thơ lúc này là kinh nghiệm của “mộng”, của “ảo giác”: “Có những trải nghiệm khác mà tâm trí con người có thể nắm bắt được, những thứ mà cơ bản là tương đồng, chẳng hạn như cái ngẫu nhiên, ảo giác, cái kỳ ảo, những giấc mơ. Những trải nghiệm khác biệt này được kết hợp và hòa quyện trong một tác phẩm nào đó” (L.Aragon 2). Bằng sự tái chiết xuất (re-enacting) những kinh nghiệm của giấc mơ qua hình thức ngôn từ mới mẻ, Lý Hạ đã khắc họa được những vẻ đẹp huyền ảo của tâm linh. Tiêu biểu như bài Mộng thiên (Mộng lên trời) - giống tựa đề của nó, miêu tả một miền lý tưởng mang tính siêu nghiệm (transcendental realm). Bài thơ “dường như được viết ngay trước cái chết của tác giả” 3: “Con thỏ già và con cóc lạnh cùng khóc màu trời/ Lầu mây hé mở một nửa, bức vách mây trắng mở nghiêng nghiêng/ Vầng trăng ngọc ép sương làm ướt ánh sáng tròn/ (Những vị tiên) đeo ngọc bội hình chim loan, gặp nhau trên những con đường đẹp đẽ ngạt ngào mùi hương quế…”. Đồng thời, mộng có liên quan mật thiết tới các huyền thoại mà nhà thơ sử dụng, cơ chế sáng tạo này đã được các nhà Phân tâm học lý giải: “người ta tìm thấy trong mộng mị những hình ảnh và những liên tưởng tương tự ý tưởng, huyền tượng và nghi lễ thờ phụng của người cổ xưa” 4.

S. Freud trong Nhà văn với giấc mơ tỉnh khẳng định “quá trình sáng tạo của nghệ sĩ cũng như công việc của một giấc mơ. Giấc mơ nào cũng giống như một vở kịch nhỏ. Ngược lại, tác phẩm thơ văn nào cũng giống như một giấc mơ được ghi chép lại bằng văn tự”5. Mộng cũng là một trong những trạng thái cơ bản của thơ Hàn Mặc Tử: “Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực bị ánh sáng của chiêm bao vây riết”. Với Hàn Mặc Tử, mộng và hồn là một, khi nhà thơ “chiêm bao với sự thật” thì thực chất “chiêm bao” chính là “sự thật”. Chúng ta thường xuyên bắt gặp nhà thơ du “hồn” xuất thế gian, vươn tới Ngoài vũ trụ: “Hồn hỡi hồn lên nữa quá thinh gian/ Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực”; tìm đến nơi “Ai tới đó chẳng mê man thần trí/ Tòa châu báu kết bằng hoa kỳ dị” (Siêu thoát). Mơ màng trong “vũng chiêm bao”, Hàn Mặc Tử thuật lại trạng thái xuất thần, thăng hoa của “con người ngủ” (dormeur): “Ta bay lên! Ta bay lên/ Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thềm/ Ta ở trên cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm” (Chơi trên trăng).

Bằng cách “Đến tâm linh để báo hiệu phi thường”, Hàn Mặc Tử dường như đã đến gần với A. Breton, P.Eluard, L.Aragon, R.Desnos,… những người cùng thời đứng trong phong trào Siêu thực. Thơ Hàn Mặc Tử có hai giai đoạn: giai đoạn đầu viết bằng thi pháp cổ điển (Lệ Thanh thi tập), giai đoạn hai là Lãng mạn - Tượng trưng - ngả đầu vào Siêu thực (Gái quê, Đau thương và một phần của Xuân như ý). Hàn Mặc Tử, trong những quan niệm thơ, cũng rất gần với mỹ cảm siêu thực: “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. Hơn nữa, ông đã nhiều lần nhắc đến “cõi siêu hình”: “Mới hay cõi siêu hình cao tột bậc/ Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao”. Sự thể hiện của tính chất siêu thực ở thơ Hàn Mặc Tử là lối tư duy ảo giác, phi logic, nhấn mạnh vào “vô thức” (inconscient) với những hình ảnh lạ lùng, huyền ảo: “Ai đi lững thững trên làn nước/ Với lại ai ngồi xuống cạnh tôi/ Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng/ Không nói không rằng nín cả hơi”, “Nước hóa thành trăng trăng hóa nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm/ Người trăng ăn vận toàn trăng cả/ Gò má riêng thôi lại đỏ hườm” (Say trăng). Nở hoa từ đau thương, yếu tố siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử quyện với trí tưởng tượng phiêu du từ Đạo giáo, đậm nồng màu sắc Liêu Trai: “Tôi ngồi xuống bến đợi nường Mơ/ Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ/ Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng/ Rung tầng không khí bạt vi lô”. Khí chất, bệnh tật và kiểu tư duy “phản thường” cùng với ảnh hưởng tôn giáo khiến Hàn Mặc Tử luôn mộng mị, hoang tưởng, phân thân, điều này trở thành chất xúc tác, đồng thời là hạt nhân tạo nên chất siêu thực trong thơ ông.

Nếu như chất siêu thực trong thơ Lý Hạ là sự kết hợp của thần tiên và ma quỷ, cái đẹp và cái xú, thì siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử được tạo ra từ dung hòa của cái nhục cảm, trần tục với sự thánh thiện, siêu thoát. Nhìn chung, siêu thực trong thơ Lý Hạ và Hàn Mặc Tử đều là sự khải thị về tâm linh, sự suy tôn vô thức, đồng hành với ảo giác, thường xuyên mộng hóa thực tại, là nỗi đau buồn về cả thể xác lẫn tinh thần của cá nhân hòa lẫn cùng nỗi buồn thương thời thế. Vì thế, Lý Hạ và Hàn Mặc Tử là những hiện tượng độc đáo, duy nhất, vươn ra ngoài thói quen cảm nhận thông thường, so với đương thời và cả ở tương lai.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta liên hệ đến cách làm thơ đặc biệt đã trở thành giai thoại của Lý Hạ với phương thức sáng tác của các nhà thơ siêu thực thì sẽ thấy dường như có điểm tương đồng: theo Tiểu truyện Lý Hạ của Lý Thương Ẩn, Lý Hạ hằng ngày cưỡi lừa, lưng đeo túi gấm cũ, dẫn theo một tên hề đồng dạo chơi, được một ý hay liền viết thành câu bỏ vào túi, mà không nghĩ đến đầu đề; tối về, lắp ghép lại mà thành thơ. Cách làm thơ của Lý Hạ dường như có màu sắc Dadaesque 6: nhà thơ tự “tốc ký” tâm trạng mình, chắp nối những ám ảnh, ảo giác (mặc dù Lý Hạ là người khổ công luyện chữ). Do những bài thơ mang tính siêu thực của Lý Hạ đều ít nhiều khó hiểu, nên đã có nhà nghiên cứu xếp thơ Lý Hạ vào loại “thơ tắc tị/ thơ mê hoặc”. Thực chất, sự khó hiểu ở đây là bởi tư duy thơ, cảm quan về vũ trụ và con người của nhà thơ đã vượt qua logic thông tục. Vì thế tác phẩm mang tính bất thường, tính hoang đản. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng, siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử và Lý Hạ không phải là siêu thực ở nguyên dạng “gốc” với tư cách là “trào lưu”, “chủ nghĩa”, mà chỉ là những yếu tố siêu thực ở mức độ cơ bản, với những tính chất đậm nhạt khác nhau, vì thế, dạng siêu thực này không phải khai sinh từ thủ pháp kỹ thuật mà thuộc về căn tính, bản chất sáng tạo của thi sĩ. Có thể nhận ra sự tổng hợp tinh hoa thơ Pháp, thơ Đường và thi ca truyền thống Việt Nam trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc Tử, cũng như sự vượt khung cổ điển của Lý Hạ bằng tư duy siêu thực. Hai thiên tài dị thường ấy đã xây dựng thế giới huyền thoại trong thơ mình, đồng thời cuộc đời của họ cũng là những huyền thoại.

* * *

Không yên bình, bị thôi thúc bởi khát vọng sáng tạo, luôn khắc khoải, mãi kiếm tìm ý nghĩa nhân vị trong cõi siêu hình - đó là gương mặt chung của Lý Hạ và Hàn Mặc Tử. Điều này như muốn nói với chúng ta rằng, dẫu cho những hố thẳm của cái chết luôn quy hồi và hiện hữu, cuộc tìm kiếm tinh thần của nhân loại vẫn tiếp tục.

..........................

1 “Dans Le Stupéfiant image” - thuật ngữ do Louis Aragon đưa ra trong cuốn Le Paysan de Paris, có thể hiểu là hình ảnh, hình tượng mang tính kinh ngạc.

2 Louis Aragon, tiếng Pháp: Une vague de reves (1924) - bản dịch tiếng Anh A Wave of Dreams của Susan de Muth (2003).

3 Changming Yuan, Politics and Poetics: A comparative study of John Keats and Li He, Luận án tiến sĩ triết học, Trường Đại học Saskatchewan, 1996.

4 Nhiều tác giả, Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa thông tin, 2000, tr.138.

5 Nhiều tác giả, Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, sđd, tr220.

6 Mang đặc trưng của phong trào Đađa hoặc gợi nhớ đến phong trào Đađa: vô thức, siêu thực, tính phi lý, sáng tác tự động, lắp ghép từ...

7 Chu Hà trong luận án “Thơ tắc tị” của Lý Hạ (Đại học Sư phạm Sơn Đông, 2007) (周霞, 试论李贺的 “哑谜诗”, 山东师范大学文学院 山东济南; 语文学刊, 2008) dùng khái niệm “哑 谜 诗” (á mê thi) - có thể hiểu là một dạng “thơ tắc tị” hay “thơ mê hoặc” - để định danh thơ Lý Hạ.

8 Hoang đản荒诞: hoang đường, quái đản.

 

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy