Lục bát trong thơ những người viết trẻ *
1.Vì nhiều lí do như xuất hiện sớm trong lịch sử, thường mang âm điệu du dương và nhịp điệu khoan thai đều đặn.v.v.., cho nên thơ lục bát thường được xem như một thể loại của truyền thống và phù hợp với , một thể loại thuộc về những gì quê kiểng mộc mạc, và thường dành cho những người viết đã nhiều tuổi. Ấn tượng về lục bát dường như chỉ gắn liền với những tên tuổi thành danh lớp trước, tất nhiên bắt đầu từ các nhà thơ dân gian, đến thi hào Nguyễn Du, rồi gần hơn là các nhà thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn.v.v.. Thậm chí, có không ít người đã nghĩ rằng đời sống văn học hiện nay đã không còn phù hợp cho lục bát, rằng lục bát chỉ dành cho quá khứ, không dành cho người viết trẻ đương thời.
Cũng từ đây, những câu hỏi thú vị nhưng đầy thách thức được đặt ra: Những người viết trẻ hiện nay có thể và có nên viết lục bát nữa không?Họ viết lục bát khác như thế nào so với thơ lục bát của thế hệ trước?
Một số tập thơ của các tác giả trẻ viết lục bát hiện nay
Theo những gì đang hiện diện trên qua các tập thơ được xuất bản, các trang thơ trên báo, tác phẩm cập nhập trên diễn đàn mạng.v.v.., không khó để nhận ra người viết trẻ hiện nay rất tự do về lựa chọn hình thức, thể loại, và họ chủ yếu có thiên hướng tìm kiếm những mới mẻ hơn là quay về khai thác những gì quen cũ. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là họ sính mới lạ, xem nhẹ truyền thống. Vấn đề là họ cần tìm ra được một thế giới mà họ có khả năng làm chủ nhất.
Trong số ít những người viết trẻ hiện nay lựa chọn theo đuổi lục bát, thì lại càng ít ỏi người thành công, tạo được giá trị riêng nào đó với loại hình này.
Một số tác giả trẻ rất cần mẫn theo đuổi thể thơ lục bát nhưng do quá truyền thống cho nên khó tạo ra những đóng góp mới mẻ cho loại hình này. Có thể kể đến một vài ví dụ khá rõ cho xu hướng này như tác giả trẻ Khúc Hồng Thiện với tập thơ Chênh chao tích chèo, tác giả trẻ Hoàng Anh Tuấn với tập thơ Mùa phơi váy.v.v.. Đó là kiểu thế giới thấm đượm hồn vía cũ:
Chị tôi yếm thắm, váy nâu
Gói theo cái rét làm dâu thôn Đoài
Bây giờ cữ độ giêng hai
Chị đem nỗi nhớ phơi ngoài giậu tre...
(Rét lộc rét đài - Hoàng Anh Tuấn)
Hão huyền thơ phú đôi vần
Tôi về nhận tội muôn phần trước quê”
(Về làng - Khúc Hồng Thiện)
Ở một chiều thế khác, một số ít các tác giả trẻ vẫn theo đuổi lục bát nhưng với sắc thái và phong cách trẻ trung hiện đại, mang đến những mới mẻ đột phá.Do điều kiện và phổ đọc cũng như khả năng hạn định của bản thân, ở đây xin nói đến hai trường hợp mà người viết bài cho rằng độc đáo và tiêu biểu cho chiều thế này, đó là hai tác giả trẻ Miên Di và Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Thơ lục bát của Miên Di (với một số tập thơ như thơ miên di, Lũ buồn hoang…) thường đặt ra những vấn đề rất hệ trọng của đời người với những suy tư truy vấn về bản thể, nhưng lại được diễn giải một cách hết sức giản dị, nhẹ nhõm, thấp thoáng cả những nụ cười.
Tu xong
Tôi rủ con kiến đi tu
Nó bảo trọc lóc như sư sẵn rồi
Tôi rủ con ếch thiền ngồi
Nó khen tư thế vồ mồi rất hay
Tôi rủ tôi bấy lâu nay
Đi tu để biết chính mày là tôi
Để nhận ra đám mây trôi
Y như bao chuyện đã rồi. Là xong.
Hay như:
Thôi làm cái đúng bằng sai
cho nhau một cái vỗ vai nghĩa tình
không ai bằng tuổi chính mình
hôm nay là bóng của hình hôm sau
Mất là cách khác của trao
buồn là từng lúc giải lao cuộc đời
(Đọc lại mục lục chính mình)
Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều được tinh lọc qua một thế giới ngôn ngữ vô cùng bình dị, cách nhìn đó khiến mọi thứ được hiện ra gần gũi đến bé nhỏ, tất nhiên câu chuyện và vấn đề nó gợi ra thì không hề bé nhỏ chút nào:
Lòng như chỗ vắng bặt tăm
Tôi và một chiếc lá nằm, thương nhau
(Chiếc lá & tôi)
Hoặc là:
phố dài buồn chật cười thưa
còi xe gắt gỏng cơn mưa tan tầm
chuông chùa lạc lõng lời câm
loãng vào vội vã thanh âm rủ về
(mà lòng như phố kẹt xe, nhưng không có cái vỉa hè để leo)
(Tiếng động màu xanh)
Trong khi đó, thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh (với một số tập thơ như Lẽ giản đơn, Mật thư, Ra vườn nhặt nắng…) thường đi thẳng vào những câu chuyện hết sức đời thường, cụ thể. Điều thú vị là cái cách kết thúc những bài thơ của tác giả đã công khai phá bỏ mọi thói quen, chống lại quán tính của viết và đọc, nó luôn tạo ra sự gợi mở và bất ngờ. Ví dụ:
Ờ
không hề có tiếng trẻ thơ
lẫn vào trong tiếng động cơ phố phường
bình thường hóa bất bình thường
sẽ hư vô hóa con đường khô khan
hãy vui khi bạn bất an
bởi vì cảm xúc chưa han gỉ
Hoặc:
không có thời gian
hình như không có thời gian
để em đi đánh bóng bàn với anh
lúc thì em bận vẽ tranh
lúc thì anh bận đá banh, đánh đàn
hình như không có thời gian
để thử cùng chơi một trò cả hai đều chưa thích
Cái cách dừng lại đột ngột bởi câu thơ bát bị cắt ngắn hoặc kéo dài như thế khiến người đọc giật mình và thoát ra khỏi cái du dương trôi chảy cũ, nhờ đó không bị kéo trượt đi theo sự đánh lừa của chữ.
Hoặc:
chị không tính tiền
cho em nước mía chị ơi
cho em sấu đá
chị rơi tiền này
cảm ơn chú
thật là may
tí thì lao động một ngày toi công
chú thích ăn nhiều sấu không
chị cho thêm chú
Thật ra, ở đây, câu cuối không hề bị cắt đi mất 4 chữ, mà chỉ đơn giản là 4 chữ đó đã được tác giả lấy mất để làm nhan đề bài thơ mà thôi.
Dù mỗi người một cảm thức tự thân và một giọng điệu thơ riêng, nhưng có thể thấy cả Miên Di và Nguyễn Thế Hoàng Linh đều gặp nhau ở quan niệm mĩ cảm mới -mĩ cảm thời hiện sống. Không còn những du dương bổng trầm trong nhịp điệu của hài thanh bằng trắc, không còn những hào hoa mĩ lệ trong chữ và hình ảnh, thay vào đó họ chọn lối cấu trúc câu linh hoạt biến hóa khi ngắt nhỏ nhịp và đẩy nhanh tiết tấu, cũng với đó là một hệ thống ngôn ngữ gần gũi, tự nhiên, sống động.
Họ yêu lục bát một tình yêu hồn nhiên, không câu nệ quy ước, rũ bỏ mọi định kiến, tháo tung mọi công thức để vui vẻ tự lắp ráp lại theo cách của mình, thoải mái thanh thản để chơi lục bát. Nhờ vậy, họ cất tiếng nói tự thân giữa thời hiện sống của mình.
Những đóng góp như vậy không chỉ làm mới, làm giàu có thêm cho thơ lục bát, mà nói rộng hơn thì nó thêm một lần nữa khẳng định nguyên lí cốt lõi của văn chương nghệ thuật: sự sáng tạo là đòi hỏi tất yếu và không giới hạn.
2.Thái Nguyên hiện đang có một số người viết trẻ sung sức và tạo nhiều ấn tượng. Điều dễ nhận thấy là họ lựa chọn con đường sáng tạo và ghi dấu ấn chủ yếu ở thơ tự do, khi từng bước đi tìm và định hình được giọng điệu, gương mặt của mình trong loại hình này. Tuy nhiên, đối với thơ lục bát, họ ít viết và viết cũng ít thành công.
Tôi nghĩ rằng, họ ít viết lục bát thì hoàn toàn không có nghĩa là họ thờ ơ hay từ bỏ lục bát, mà thực ra chính là họ rất có trách nhiệm với loại hình thơ tưởng quen thuộc mà khó nắm bắt, tưởng dễ dàng mà thậm khó này, cho nên học viết một cách thận trọng, kĩ lưỡng. Như thế chẳng phải là một cách yêu, một cách trân trọng đối với lục bát hay sao?
Một số người viết trẻ Thái Nguyên thể hiện nội lực sáng tạo mạnh mẽ với thơ tự do, nhưng khi đến với thơ lục bát thì nhìn chung họ vẫn đang trôi trên đường ray cũ, cho nên vẫn bị cuốn đi theo quán tính của nhịp điệu truyền thống. Phần nhiều ta gặp lại những câu chữ ý tứ quen thuộc, giọng điệu và lối viết rất chỉn chủ gìn giữ, như:
Khói đồng mẹ đốt chiều nay
Bao nhiêu cay đắng cuộn bay về trời
Thênh thang câu hát bên đồi
Vẳng trong làn khói trắng vời vợi xa
(Khói đồng – Dương Văn Mưu)
Bèo trôi tím vạt áo mây
Qua cầu tre đón nắng ngày bên anh
Trôi về theo những mùa xanh
Soi bóng mình nhớ mộng lành tuổi xuân
Một lần chung nhịp bước chân
Cả mùa nắng thẹn, cỏ bần thần non
Đường về như bỗng gần hơn
Dẫu chỉ manh áo vai sờn trao nhau
(Viền áo tuổi xanh – Trần Thị Nhung)
Đôi lúc ta gặp những câu lục bát bắt đầu cựa quậy trở mình để tìm một sự đổi mới, nhưng sự thể nghiệm dường như vẫn chưa đủ quyết liệt:
Em tô má đỏ môi cười
Đắp lên giông tố cũng vời vợi trăng
(Em – Doãn Long)
Đám mây cháy ở chân trời
Dụm tay em đốt nửa đời tìm anh
(Nặm Trá – Hoàng Thị Hiền)
Sợ ngày gốc rạ đứng rên
Giữa đông khóc dấu chân miền mồ côi
(Còn thương gốc rạ - Hoàng Thị Hiền)
Rất hiếm hoi những cuộc bứt vọt như thế này – những đổi mới chưa hoàn toàn khẳng định là thành công nhưng rõ ràng là vô cùng cần thiết:
Ta ngồi khai sáng ngọn đèn
Bâng khuâng cháy hết thói quen mỉm cười
(Cháy – Nguyễn Nhật Huy)
Log out ra khỏi đêm thâu
Memories còn lại màu tóc em
(Log out – Nguyễn Nhật Huy)
3.Dù chúng ta có lựa chọn hay không, có đánh giá như thế nào, thì lục bát vẫn cứ song hành tồn tại với các loại hình thơ khác, như một lẽ tự nhiên, bất chấp sự “cạnh tranh” trong đời sống văn hóa thời thông tin và công nghệ. Nó vẫn tồn tại thì nghĩa là nó có cái “lí lẽ” và giá trị của nó, vấn đề là chúng ta làm sao đánh thức được sức sống mới và khám phá được những vẻ đẹp mới của nó mà thôi. Như vậy cũng có nghĩa là, câu chuyện của chúng ta không nằm ở câu hỏi nên viết lục bát không, mà nó chủ yếu nằm ở câu hỏi viết lục bát thế nào cho hay. Cũng như thế, nói rộng ra thì, vấn đề của chúng ta không phải là viết thể loại gì, viết cái gì, mà thách thức cốt lõi vẫn là viết thế nào cho hay.
Người viết trẻ hôm nay ngày càng có nhiều lựa chọn trong sáng tạo, và tất nhiên, cánh cửa mở ra càng nhiều thì yêu cầu lựa chọn sao cho đích đáng cũng lại càng khó hơn.
Phạm Văn Vũ
* Tham luận tại Hội thảo “Thơ lục bát Thái Nguyên” do Chi hội Thơ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) và CLB thơ Lục bát Thái Nguyên phối hợp tổ chức, 05/7/2019
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...